Chính trị & thơ ca

Tiểu luận của Tracy K. Smith, The New York Times, ngày 10/12/2018

Hiếu Tân dịch

Tracy K. Smith, nhà thơ đoạt giải, tìm hiểu tại sao và như thế nào Thơ Chính trị Mỹ lại đang nóng lên.

Vào giữa những năm 1990 khi tôi đang là sinh viên khoa sáng tác, lan tràn một lời cảnh bảo lặng lẽ nhưng rắn: hãy tránh làm thơ chính trị. Đó là một nguy hiểm, rất dể rơi vào giáo huấn và xảo thuật nhạt nhẽo. Không, ở Mỹ, chính trị là lĩnh vực của số ít nhà thơ không biết sợ như Adrienne Rich hoặc Denise Levertov, lương tâm ngoại cỡ của họ đã biện hộ cho hành vi quả cảm này. Cho dù vậy, tiếng thơ của họ không được thảo luận trong những seminar, những hội thảo về nghề.

Có lẽ sự ổn định tương đối về chính trị của [xã hội] chúng ta giữ cho người Mỹ không lao vào cãi lộn. Có thể chủ nghĩa cá nhân Mỹ hướng các nhà thơ về thơ trữ tình, với việc nhấn mạnh vai trò trọng yếu của người phát ngôn đơn độc chủ trương kín đáo, nội tâm, vô hình. Thế rồi, xảy ra cuộc tấn công tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới tháng Chín năm 2001, và cuộc chiến tranh Iraq, và có một cái gì đó biến chuyển trong tâm thức dân tộc.

Trong tâm trí, tôi thường quay lại với mấy bài thơ đầu tiên sau ngày 9/11, bài kém nhất được viết trong sức nóng của cơn cuồng nộ chính đáng. Frank Bidart đăng “Lời nguyền rủa” trong số mùa xuân 2002 của tạp chí The Threepenny Review (Phê bình Ba xu). Như tên bài gợi lên, bài thơ là một tiếng nói đầy kích động nhằm thẳng vào những kẻ thiết kế ra cuộc khủng bố.

Cầu cho những gì ngươi đã làm đổ ập xuống đầu ngươi.

Cầu cho những cái tai, những con mắt hơi thở của những nạn nhân của ngươi

Nhập vào ngươi, và ăn như acid

Bong bóng của lòng chính trực cho phép ngươi thở

Sự thỏa mãn mà những bài thơ như thế này mang lại nằm trong cơn cuồng nộ của nó, lời chửi mắng đã đời mà nó tuôn ra. Nhưng cái sự kiện là nó có thể được nói lên như lời của người nhà nạn nhân cuộc khủng bố cũng hợp lí như lời của một kẻ đang rắp tâm thực hiện hành động khủng bố đã làm nổi bật lên cái vòng luẩn quẩn mà cơn thịnh nộ khởi động. Bidart là nhà thơ của những sắc thái như thế và có cái gì xui khiến tôi tin rằng ông đã viết “Lời nguyền rủa” để làm nổi bật chính sự kiện này. Mặc dù cũng có thể ông chỉ đơn giản theo một thôi thúc cơ bản của con người..

Trong những năm xen giữa [từ bấy đến nay], thơ chính trị ngay ở đây, nước Mỹ này, đã làm nhiều hơn là đục một lỗ thông hơi. Nó đã trở thành một phương tiện giải quyết tính phức tạp của những vấn đề của chúng ta, của việc chấp nhận cái khả năng là ngay cả chúng ta những người công chính cũng có thể bị lôi cuốn vào hoặc đồng lõa với một số khía cạnh rất sai mà chúng ta chê trách. Những bài thơ sẵn sàng đi vào cái không gian đầy rủi ro này không chỉ đứng bên mép bờ kêu xin chỉ dạy phải tin vào cái gì và tin như thế nào, chúng nắm lấy cánh tay chúng ta và dắt chúng ta đi xuống hồ, nhấn chúng ta ướt mèm bằng bùn bẩn và lộn xộn, và đôi khi thậm chí thiêng liêng.

Bài thơ “Đừng Gọi Chúng Tôi Là Người Chết” mang đến đúng một lễ đặt tên thánh như vậy, và nó làm việc đó thông qua hành động tưởng tượng về một cõi mơ nơi những cậu bé da đen vẫn an toàn, nơi chúng “đi ra ngoài để ăn kiếm bánh kẹo và quay trở lại”. Thật đau đớn phải chấp nhận một câu chuyện kể về sự sống sót của người da đen cứ như tưởng tượng, mặc dù như Smith chỉ ra, những mối đe dọa đối với thân xác người da đen trên trái đất này là đầy rẫy và có thật. Chúng tồn tại trong xã hội nói chung, cũng như trong không gian riêng tư; đối với Smith, người có HIV dương tính, nỗi hiểm nguy cho tấm thân màu đen đang đợi chờ trong máu. Mặc dù vậy, những bài thơ này không rao giảng hoặc than trách nhiều như khám phá chỗ dễ bị tổn thương; chúng không phải là những lời nguyền rủa thỉnh thoảng ném vào một mục tiêu quái gở, mà là sự ghi nhận những thử thách thực tế mà cuộc đời lâu lâu ban phát cho những con người thật trong những thân thể ọp ẹp mong manh.

Những phẩm chất này, tưởng tượng và thấu cảm, có thể có gốc rễ sâu xa, vốn tồn tại trong tâm tưởng. Nhưng cũng có một ngôn ngữ thơ biểu hiện trải nghiệm, cái ngôn ngữ dùng thơ để tìm ra thân. Trong bài “Feeld,” nhà thơ Jos Charles, thông qua việc cố ý làm sai lạc chính tả và cách phát âm, uốn cong tiếng nói đến mức nó phải được phân tích một cách chậm rãi, phải vật lộn, đọc bằng miệng còn vất vả hơn bằng não. Ngôn ngữ trở thảnh một thứ được kết lại, một địa hình phải vượt qua. Ngay đầu đề bài thơ đã đùa nghịch với một sự biến hóa như vậy, từ feeld có lẽ là một sự kết hôn của những từ feel – cảm giác, feltcảm thấyfield – cánh đồng. Đọc những dòng như “i care so / much abot the whord i cant / reed / it marks mye bak / wen i pass / with / a riben in mye hayre,” (tôi quan tâm / rất nhiều đến người mà tôi không thể / lau sậy / nó quất lằn lưng tôi / bằng chiếc roi trong đống cỏ khô của tôi), tôi không thể không cảm thấy rằng cơ thể – nó là một khả năng thay đổi và dễ uốn nắn – là mục tiêu cho những bài thơ này.

Thông qua cuộc vật lộn để tường giải lạ lùng này, tôi hiểu rằng Charles đang truyền tải một trải nghiệm mà tôi phải cho phép đi từ cơ thể cô ấy vào cơ thể tôi. Khi tôi làm thế, khoảng cách giữa chúng tôi thay đổi. Nó trở nên nhỏ hơn và tích điện kỳ lạ. Tôi nhận ra rằng chính tính bản địa của các bài thơ cũng mua chuộc lịch sử; nó tuyên bố một sự liên tục nơi Chaucer và những người da đen bị bắt làm nô lệ thế kỷ 19 và một người phụ nữ da trắng thế kỷ 21 dường như khá dễ dàng chia sẻ một từ vựng.

Justin Phillip Reed, có cuốn “Indecency” (Khiếm nhã) nhận Giải thưởng Sách Quốc gia 2018 về thơ, viết gần gũi với xác thịt. Những bài thơ của ông chiếm lấy cơ thể trong ham muốn và bạo lực, và chúng làm thế bằng cách đẩy người đọc vào một cuộc gặp gỡ toàn ruột gan phèo phổi với vật liệu của chúng. Bài thơ “Bức Chân dung với Môi Trên Cứng Đơ” được bố trí theo kiểu đồ họa để không thể đọc từng dòng một; trang phải được lật, định vị lại sao cho văn bản, chồng lấn và chạy về mọi hướng, có thể được nhìn thấy. Ngoài cách trình bày bản in khác lạ, bài thơ còn yêu cầu người đọc tiếp nhận cảm giác thể chất và cảm xúc của một người da đen đang lắng nghe chính mình, hoặc một người nào đó như anh ta, thảo luận qua các đoạn rời rạc. Độc giả phải loạng choạng bước qua một bãi những lời tuyên bố như: “trông như hành tinh của loài khỉ” “có lẽ có / một gã khổng lồ” “có thể có bố mẹ trong / nhà tù”, “KHÔNG” [trong / chiếc / bút] “tôi chưa bao giờ có” “với một gã BLK thực sự nóng.” Người đọc bị lôi tới, đến nỗi sợ phải đọc tiếp, cảm thấy bị kẹt trong đám khí thù địch, bị những giọng nói bất cẩn xung quanh xô đẩy.

Một cách tận dụng cơ thể còn triệt để hơn như là nơi hoạt động của bài thơ có thể thấy trong thi pháp somatic [*] của CAConrad, mà nhà thơ mô tả là “một thứ thơ điều tra về khoảng không dường như vô tận giữa thể xác và linh hồn.” Đó là thơ ca bắt rễ vào lễ nghi thực tế dính líu đến thiên nhiên, tinh thể, thiền và tương tác với người lạ. Đó là câu trả lời cho sự tàn khốc của thế giới “hợp lí”, một thế giới, như CAConrad kể lại, vào năm 1998, bạn trai của nhà thơ đã bị trói, bịt miệng, bị tra tấn, bị hãm hiếp, đổ xăng lên người và thiêu sống. Và đáng để xem xét rằng nghi lễ có thể là một phương thức phục hồi từ một thế giới tàn khốc không nguôi như vậy – nghi thức đó, chứ không phải lý trí, có thể thúc đẩy những khoảnh khắc chữa lành như trong đoạn văn này từ “Pluto.3,” trong bộ sưu tập của CAConrad “Trong Khi Đứng Xếp hàng Chờ Chết

ngay cả khi chúng ta đã
quên mất nơi chúng ta
tình yêu tìm chúng ta cũng chỉ
chọc cho chúng ta
khóc nức nở […]
nói ‘không không giải quyết được gì bạn không thể nói không mãi mãi.

Những bài thơ của CAConrad mời người đọc trở thành một tác nhân trong một hành động phục hồi chung, ra khỏi trạng thái thụ động và nghiêm cẩn, và trở nên nhạy cảm với những gì phi logic và bí ẩn.

Trong “Lời nói đầu cho những bản Ballad Trữ tình”, của mình, Wordsworth viết rằng thơ là dòng chảy bộc phát của những tình cảm mạnh mẽ: nó bắt nguồn từ cảm xúc được hồi tưởng trong lặng lẽ. Đối với ông, bài thơ nổi lên sau khi cái nồng nhiệt tức thời đã dịu mát, khi tâm trí gọi ra những cảm xúc cũ một lần nữa, để cho chúng lại sôi sục lên rồi đưa ra mài giũa cho hoàn thiện qua suy ngẫm. Nhưng như tôi thấy, chiều hướng mới trong thơ Mỹ là sẵn sàng tham gia vào chính trị, chứ không phải đắm mình trong suy ngẫm. Việc mài giũa không còn bị hạn chế trong tâm trí; trong tác phẩm của những nhà thơ này, luân xa trên đầu của Wordsworth được phép phối hợp hài hòa với các trung tâm năng lượng trên khắp cơ thể.

Hãy xem “Bán tự động” của Evie Shockley, vật lộn với dấu ấn bạo lực mà nước Mỹ đã đóng lên những cơ thể màu đen qua các thời đại. Bài thơ “Cung và cầu” đã rọi một ánh sáng lên sự phi lý của việc chỉ nghĩ thôi về sự bất công quá quắt:

anh càng có nhiều cậu trai đen, anh càng muốn nhiều hơn.
anh hành động như chúng ta đang bơi trong những cậu trai da đen.
anh không thể giữ những cậu trai da đen trong túi của anh.
nếu có một triệu cậu trai da đen, anh sẽ làm gì với chúng?
anh có nghĩ rằng chúng ta được tạo ra từ những cậu bé da đen?

Độc giả có thể thấy rất rõ công việc mà Shockley đã yêu cầu các cậu bé da đen làm trong bài thơ của bà. Họ sẽ đứng làm hàng hóa, thứ có thể cạn kiệt. Điều này nghe có vẻ giả, vô lý một cách kì quái; tuy nhiên, hai dòng từ nửa sau của bài thơ đột ngột thay đổi mối quan hệ của tôi với toàn bộ tác phẩm: Bạn không chỉ thấy những cậu bé da đen nằm trên đường phố,” và “những cậu bé da đen không mọc trên cây.” Ở đây, một cái gì đó giống như trí nhớ cơ bắp làm gián đoạn chiến lược của tôi để đàm phán với bài thơ. Gọi nó là ký ức tập thể về cơ thể của Michael Brown nằm trên đường phố, và về những bức ảnh khủng khiếp nhưng quen thuộc của các nạn nhân da đen của đám đông lynch treo trên cây. Tôi không còn đoán trước được bài thơ nữa. Ở đây tôi tưởng rằng nó chỉ trêu chọc, nhưng nó đã đuổi kịp tôi và đánh tôi ngã quỵ.

Mô tả của Wordsworth về “cảm xúc được hồi tưởng trong lặng lẽ” đôi khi được nêu lên như tốc kí cho những gì các nhà thơ gọi là “cái tôi trữ tình”, công cụ của nhà thơ để suy tư sâu lắng, trầm tư mặc tưởng. Vậy thì cái gì trở thành thuộc về “cái tôi trữ tình” nếu những bài thơ không suy ngẫm nhiều như diễn? Tôi gợi ý rằng gần đây nó có vẻ quan tâm đến việc tìm kiếm sự mặc khải không phải ở chốn riêng tư, mà là trong cộng đồng. Không phải trong tâm trí suy tưởng mà trong những cơ thể rộn ràng trong không gian chung, trong các giao dịch, bản ngã thể chất của chúng ta bị đánh dấu bị làm cho bẩm dập. “Cái tôi trữ tình” tại đúng thời điểm này không đơn độc, giống như người phát ngôn trong “Lời nguyền rủa” của Bidart, người ném những lời chửi rủa thậm tệ vào thinh không. Đúng hơn, nó hướng lời nói vào một cơ thể to lớn, thay đổi, mâu thuẫn, đa dạng không được đảm bảo để nghe hay ngay cả đồng ý. Tuy nhiên, vẫn còn “cái tôi” nói. Nó đang nói cùng một lúc từ, và đến, một cái gì đó như nước Mỹ.


[*] Somatic: thể thơ do Conrad sáng tạo ra, ngẫu hứng, thể nghiệm cá nhân trong khi đắm mình vào khoảnh khắc hiện tại.

Comments are closed.