Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 98): Đỗ Kh. – Rosa, Rosa

Đỗ Kh_thumb[2]

Tên thật Đỗ Khiêm, quê quán Nam Định và sinh tại Hải Phòng 1955 trước khi vào Nam.
Lớn lên ở Sài Gòn, sang Pháp sớm năm 1969 và trở về nước 1974. Rời Việt Nam ngày 30.04.1975.

Năm bài thơ đầu đăng trên số chót của Văn vào tháng 3.1975 dưới tên Tạ Hiền.
Viết văn và làm thơ tiếng Việt tại Nam California từ 1988.

Viết tiếng Pháp tại Paris từ 2013.

Rosa, Rosa

clip_image001

Tôi vẫn thích làm phóng viên trực tiếp, phóng viên trực tuyến và phóng viên mặt trận. Thí dụ, đeo áo giáp và mặt nạ chống vũ khí hoá học trước ống kính truyền hình như là trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc, và từ biệt khán thính giả bằng câu

Đây là Đỗ Kh., tại mặt trận Kebele, Nam Addis.

Thì đây là Kebele, Nam Addis Ababa, Ethiopia, Đông Bắc (“Sừng”) Phi châu.

Nhưng rất tiếc không có mặt trận, không có vệ binh ống thấp ống cao cầm tên lửa. Đây không phải là Somalia, tôi không đang rút lui cùng Trung đoàn 75 Biệt Động Hoa Kỳ và Delta Force, bủa vây bởi quân của lãnh chúa Farrah Aidid trên ‘Dặm trường Mogadishu’ (The Mogadishu Mile).

Đây chẳng có sự cố gì hết, sự cố mà tôi có thể (gần như) trực tiếp tường thuật là ông đầu bếp của nhà hàng (nơi tôi đang ngồi ăn khi viết những dòng này), ông đầu bếp đi ra bàn tôi xí xô tiếng phổ thông và tôi hỏi lại:

“Nị cỏng Quảng tùng hoả?”

Quảng tùng hoả, ông chịu thua, nhe răng ra cười trừ và đi vào bếp trở lại.

Đây là Đỗ Kh., tường thuật từ nhà hàng China Paradise của khách sạn Concorde trên đường Beyene Abasebsib.

Tôi mới ăn xong xúp chua-cay và đang ăn mì xào bò, uống St.George Beer, và chiến tranh giờ này thì vẫn ở tận mãi Somalia láng giềng ở đầu kia của đất nước, ít nhất là 800 cây số về hướng Tây Nam.

Bên kia hành lang, tức là gần hơn và về hướng Bắc, là quầy lễ tân và bar nhạc sống của khách sạn mang tên Piano Bar nhưng không thấy có piano mà chỉ thấy có một cái organ điện. Sau màn voan thấp thóang của nhà hàng, một bà to béo đang hát một bản tình ca địa phương

Tình yêu có từ nơi đâu

Êm êm một khúc sông Cầu

Sao trời lọt qua mắt lưới

Rơi đầy xuống dòng sông sâu

Nhưng bằng tiếng Amhara, và bà không dâng hai tay lên trước mặt mà lại uốn éo như là vũ nữ Khmer.

Hành lang thì chỉ có 1m50 và quầy lễ tân rộng chừng 5m. Nếu không kể cái cửa kính cách âm và tấm màn voan che mắt, thì bà ca sĩ này cách tôi chỉ có 7m, một khoảng cách súng ngắn không chệch vào đâu được nhưng giờ như đã nói, không phải là chiến tranh, bà cầm micro và không cầm AK.

Giờ là 9g15 tối, còn hơi sớm và trong bar vắng ngắt. Chương trình nhạc sống còn đến 11g30 và sau đó là disco về sáng, nếu tôi tin theo tờ giấy quảng cáo dán bằng băng keo trên phía trong cửa các phòng ngủ của khách sạn.

Buổi sáng, khi tôi vừa ở trường bay đến, anh lễ tân đã giới thiệu:

“Chúng tôi có một hộp đêm ở đây nổi tiếng,” anh cười ý nhị như là kiểu nháy mắt.

“Tôi biết,” tôi gật gật.

“Vậy là ông có đến đây rồi!” Anh toe toét.

Tôi chưa hề, nhưng tôi không phủ nhận. Tôi có thông tin của tôi, tôi là phóng viên mà.

Như mọi người đều biết, nguồn tin chính xác nhất và ấn tượng không sai bao giờ cũng săn bắt được ở chuyến taxi đầu từ trường bay vào phố với bác tài địa phương, phần sau đó chỉ là kiểm tra và xác tín cho đúng với đạo đức nghề nghiệp.

Nhưng 9g30 tối mặt trận khách sạn Concorde vẫn yên tĩnh.

Khách sạn Concorde theo tôi ước chừng, có khoảng 20 hay 30 năm trở lại, ‘cao cấp’ là vì bốn tầng gạch với sân thượng ở giữa những bập bềnh mái tôn. Ethiopia là một trong những nước nghèo nhất thế giới, không cần xem báo xem sách mà chỉ cần nghe ca sĩ Bono hát là cũng biết. Nhưng người dân ở đây lại là những người biết tự trọng cũng hàng nhất thế giới, áo rách nhưng mà dáng đi và dáng đứng vương tôn. Ethiopia thì không có trống đồng nhưng cũng có một lịch sử vài ngàn, không năm thì cũng bốn ngàn năm văn hiến gì đó, là đất nước đầu tiên thuộc thế giới thứ ba đánh bại một cường quốc châu Âu.

Cường quốc châu Âu thật ra chỉ là nước Ý, nhưng đừng có cười, nước Ý dẫu sao thì cũng là thừa kế cựu đế quốc La Mã cho nên cũng đáng để hãnh diện.

Niềm hãnh diện này được nhân viên và phục vụ ở khách sạn Concorde thể hiện, từ chú mở cửa đến chị làm phòng, ai nấy trang nghiêm trong những bộ đồng phục sạch sẽ nhưng làm bằng một thứ vải xấu và sờn, khoan thai đi đứng như không thấy những vết lở trên thảm, những vết sơn cộc kệch và những dấu mốc meo trên cột trên tường.

Tôi nhớ đến Langbian Palace ở Đà Lạt trong thập niên 1960 với nước dột trong những căn phòng thênh thang thời Pháp thuộc, tí tách trong khi nhạc công áo vá cò cưa vĩ cầm trên những tấm thảm ố.

Nhưng đây, khách sạn này không có được cái quá khứ khâm sứ săn cọp và hoàng đế bắn voi, chẳng qua là kiểu bê tông lầu đúc bề thế của một tỉnh lẻ không được ngó ngàng tới.

Đến 10 giờ vẫn chưa có action.

Trong khi chờ đợi, tôi có thể kể về vị trí chiến lược của quốc gia này, một trường hợp minh hoạ những lắt léo của chính trị địa lý khi gặp phải chính trị ý thức hệ.

Dưới thời Đại đế Hailé Selassié thì vương quốc thân Tây phương (ông Haile Selassie là một Norodom Sihanouk không trung lập và không biết làm trò hề). Đến khi cách mạng DERG lật đổ ông thì chế độ mới này thân Liên Xô. Chuyện này chẳng có gì lạ cả. Chuyện lạ là láng giềng XHCN Somalia đang thân Liên Xô, đến khi có cách mạng ở Ethiopia thì Liên Xô vì thế mà trở thành lạnh lùng với đồng chí anh em này để ôm chầm lấy vị trí chiến lược mới ở Hồng Hải. Đau đớn thay phận đàn bà là các phong trào giải phóng sắc tộc ở Ethiopia, đang được khối XHCN yểm trợ, chí ít là yểm trợ từ xa, bỗng nhiên lại được thấy tinh thần đoàn kết vô sản quốc tế thể hiện dưới hình thức quân đội Cuba ở phe đối diện!

Subplot thì là bất kể chế độ, lúc nào Ethiopia cũng được Israel chăm sóc tử tế, lý do là vì bất kể chế độ, láng giềng Somalia lúc nào cũng thuộc dân tộc Ả-rạp. Ethiopia là quốc gia duy nhất từng có cố vấn quân sự Israel lại vừa có cố vấn Cuba, các vị này khi gặp nhau trong cùng một căn cứ quân sự chắc cũng phải chào, kẻ Shalom người Hasta la Victoria! Trên đời này chẳng có gì là đơn giản.

Ngược lại ai chống chính quyền trung ương Ethiopia (các phong trào giải phóng sắc tộc đã nói) thì cũng được Saudi Arabia cho tiền ít nhiều và chúng ta biết, cả Israel lẫn Saudi Arabia đều là mũi nhọn của Hoa Kỳ trong khu vực. Trên đời này cái gì cũng phức tạp cả.

Giờ, nếu đi vào chi tiết, chiến tranh độc lập của các dân tộc thuộc Đế quốc này, Erytrea, Tigray, Ogaden thì phải đợi tôi hết chai bia St.George thứ ba mà tôi chỉ mới bắt đầu chai thứ hai sau khi tráng miệng bằng chuối chiên đường và di chuyển vị trí quan sát.

Đây là Đỗ Kh., tường trình cùng các bạn từ Piano Bar.

Tôi mới ra khỏi nhà hàng Tàu và băng qua 10m đã nói đến, để lọt thỏm trong một ghế bành giữa quán nước. Nhân viên ở đây tôi đếm được năm người, bốn nữ váy đồng phục và một nam thắt nơ đứng sau quầy. Ban nhạc có ba người, hai nam một nữ và khách là mười hai, năm nữ bảy nam. Ngoài tôi ra, mọi người đều đen trừ một khuôn mặt Ả-rạp, mà tôi thì cũng không được trắng lắm. Với tư cách dân ngu thì chí ít tôi cũng có một phần đen thân thể như ai.

Nàng chê tôi đen, ớ ơ ờ

Tối lửa tắt đèn, thì trắng cũng như đen

Nhưng ở đây không tắt đèn mà chỉ là đèn mờ nên đây đó thỉnh thoảng loé một hàm răng trắng. Bà ca sĩ hát “Stand by me” cho nên quần chúng ngồi nói chuyện gẫu lơ là.

Ở giữa quán và sát ngay nách tôi là bốn thiếu phụ uống một chai rượu đỏ cẩn thận đặt nằm nghiêng và có quấn khăn trắng ở cổ chai (Nằm nghiêng quấn khăn thương một kiếp chai rượu). Bốn cô này sắc phục ăn diện, nửa công sở và nửa dạ vũ, tuổi trên dưới 30 và có lẽ đang ăn mừng một chuyện gì đó, thỉnh thoảng lại ghé gần vào nhau để chụp hình chung. Lâu lâu cả đám lại phá lên cười như có điều gì vui vẻ (xem trên đây đã kể, về răng trắng lập loè).

Ngay sau lưng họ là một ông khách đứng tuổi và đơn độc, thấy vui mà không được chia sẻ, mỗi bận thấy các cô cười ông lại nghiêng cả người qua mặt bàn mà dùng một vỏ chai nước suối thọc thọc vào cái lưng của cô gần nhất trong tầm với. Cô bị thọc này lần nào cũng quay lại trả lời ông với vừa đủ phép lịch sự chứ không làm ngơ hay tỏ vẻ gì bất mãn quá đáng. Tôi thì ngồi ngang hàng với các cô, một cô rất đẹp, lúc cao hứng dơ hai tay lên lúc lắc theo điệu nhạc và chìa nách ngay vào mặt tôi nhưng chẳng lẽ tôi lại cầm vỏ chai bia mà thọc thọc, vả lại chai bia này tôi chưa uống hết.

Khi nhạc chuyển sang một bài hát địa phương lâm ly thì cặp duy nhất kéo nhau ra sàn nhảy 2m trên 2m dưới sự hưởng ứng của cử toạ.

Giờ thì tôi phải phá tan một huyền thoại. Đó là cứ người da đen thì phải nhảy đầm giỏi. Đó là ở đâu chứ không phải ở Sừng châu Phi. Tại đây, một người da đen uống rượu nhảy đầm dở hơn một người da trắng uống nước lã, hoạ hoằn ngang với một nhà thơ Việt Nam uống nước trà. Đó là nhảy đứng, còn cái cô rất đẹp nhảy ngồi và đưa nách vào mặt (trầm tư của) tôi thì cũng chấp nhận được nhưng cuộc vui nào cũng có giới hạn nên hết chai rượu đỏ nằm nghiêng (Nằm nghiêng ở trần thương một kiếp vỏ chai) thì bốn cô đứng dậy.

Cô rất đẹp vừa nói đến, giờ thì không những hở nách mà còn hở cả lườn. Cô mặc quần thấp và áo ngắn, lộ liễu lưng dưới và mông trên phô bày về phía người đàn ông ngồi bàn sau. Vừa mới thấy ông này đụng đến cái vỏ chai không, bạn gái đứng cạnh cô phải nghiêm mặt lại mà kéo cái áo của cô xuống để che bớt. Nhưng kéo áo xuống thì chỉ che được lưng dưới chứ muốn che cả mông trên thì phải kéo quần lên mà đương sự thì không đủ những tay!

Tứ đại thiên hương này đi ra, cô rất đẹp mỗi một bước là đường xẻ thịt da ở cuối cuối lưng lật bật ngắn dài theo tiếng nhạc bập bềnh. Trong Bar, ngoài ban nhạc chỉ còn lại toàn là khách đàn ông nếu không kể cái cặp duy nhất đắm đuối. Tôi kéo màn cửa Bar nhìn hé ra ngoài phía bãi đậu, bốn cô kia lên một cái Huyndai màu hoàng kim, loại công ty này sản xuất để cạnh tranh hay để thấy nhác nhác xe con Mercedes và Lexus. Phố bên ngoài rất vắng và tối om. Addis là một thành phố thưa và rộng, ở đây về đêm như là một mảng đường cao tốc thiếu đèn.

11 giờ đêm tôi nấn ná, mặt trận Piano Bar vẫn yên tĩnh. Thông tin của chú tài taxi và anh lễ tân chẳng lẽ lại sai lầm, đây là hộp đêm “nổi tiếng” (mỉm cười nháy mắt) của đế quốc Amhara?

Nếu tôi đánh máy 60 chữ một phút và ở đây có Internet cao tốc hay sóng di động 3G rưỡi thì tôi đã có thể tường thuật bằng blog trực tuyến có hình ảnh và âm thanh qua webcam (chẳng mấy chốc mà sẽ High Definition, khi mà sóng di động đế đến đời 4G). Nhưng hiện thì tôi vẫn còn tường thuật bằng viết bi 5 bir trên một cuốn vở học trò 8 bir và ngòi bút của tôi sẽ không thể nào tả lại trung thực cảnh sau đây khi 11g30 đêm đến.

Tìm thư giãn ở một khách sạn Trung quốc phải xuống từng hầm, bất cứ từng hầm nào ở bất cứ khách sạn Trung quốc nào. Nhưng ở đây, nghĩa là ở khách sạn Concorde, phải vào bằng lối sau. Từ phòng tôi nhìn xuống vào ban ngày, chỉ thấy khu vực nhà bếp và sân xe, nhân viên áo trắng lăng xăng như là trong bệnh viện. Tới đây thì tôi lại phải nhấn mạnh là nếu nhân viên nhà bếp ai cũng áo trắng như là y sĩ thì nhà bếp vẫn là mái tôn hoen rỉ vô cùng tương phản, và ở đây, ngay đến cả chị quét dọn phòng vệ sinh, nếu ai nấy đều trang phục như là trong một Palazzo Duccale nào đó Venice, thì phòng vệ sinh vòi nước đứng một mình không vững lảo đảo như say rượu mỗi khi nước ngẫu hứng ho lụ khụ mà tuôn trào.

Trở lại sân sau này, ban đêm là một cảnh tượng đổi khác, bề trái của đại lộ vắng vẻ vừa mới tả.

Những xe khách cà tàng Lada vào thời mồ ma Liên Xô, cái tiến cái de, vài cái xe hai cầu Nhật Bản đời mới, cổng phía sau này của khách sạn mới là lối vào của hộp đêm đã được giới thiệu “The Dôme”. Một phần sân là tiệm ăn không có cửa bày mấy băng ghế gỗ, và trước mặt là nơi nổi tiếng đã được anh lễ tân nhắc nhở này. Addis Ababa ở cao độ 2500m nên về đêm lạnh khoảng 10 độ C, cô thu ngân ngồi sau quày trước cửa co ro, mấy ông bảo vệ áo quần đường bệ, tiếng nhạc được cách âm rùng rình len lỏi phà hơi khói ra ngoài sau hai cánh cửa sơn son.

Phía bên trong hộp đêm chen lấn và đèn chớp nháy, sau khi bình tâm và tim thôi hớn hở đập mạnh, ngoài 10 người phục vụ, tôi đếm được 80 người có mặt với tỉ lệ nữ thuận hẳn chiếm ¾ nghĩa là ba nữ một nam. Vài khuôn mặt đàn ông đứng tuổi da trắng, một anh có vẻ như là Nhật Bản đôi mươi.

Đôi mươi thì là tuổi của tất cả các phụ nữ hiện diện, bảng trước cửa đề “Có khám vũ khí và cấm người dưới 21 tuổi”. Hai mươi, đây là 20 centimét, cũng là chiều dài tối đa của váy hay là quần cộc họ bận, là khoảng cách từ yết hầu đến nút đầu của ngực áo hay là khoảng cách phô bày giữa cạp quần xệ và áo chẽn cộc.

Các cô này đứng giữa sàn mà lắc, kẻ lắc mông, lắc ngực, người lắc bụng, ai có gì lắc nấy. Có cô uốn éo với bạn gái, có cô một mình thì nhìn mình uốn éo trong gương. Cánh đàn ông, có lẽ cam chịu với khả năng khiêu vũ của quý vị, đành lòng cầm ly nước vây quanh mà xem.

The Dôme này không phải ở Montparnasse, đây không có Matisse và Modigliani và quang cảnh như là một cái chợ vỡ, có lẽ như là chợ nổi tiếng không kém Tsukiji ở Tokyo vào lúc tinh sương. Tsukiji là chợ cá, còn đây là chợ người.

Giờ, tôi từng nghe một (cô) đạo diễn người Lebanon trề môi ra mà nói (đó là dạo Beirut còn chưa được mệnh danh là Botox City): “Phụ nữ ở đây đẹp nhất bên này bờ Địa Trung Hải.” Tôi lại được nghe một (nam) đạo diễn người Việt tuyên bố trong khi ông híp hai mắt lại (đó là dạo Sài Gòn còn chưa có phong trào cắt mí tuy phong trào bản sắc dân tộc đã ướm mồng): “Phụ nữ Việt Nam là người đẹp nhất thế giới.”

Hai câu phát biểu trên không mâu thuẫn, không hề, và đến lượt tôi có ý kiến “Phụ nữ trong hộp đêm The Dôme vào giờ này đẹp nhất khu vực Tây Nam thành phố chung quanh đường Bole” mà không sợ bị sai lầm.

Thực ra thì tôi nói bạo miệng theo kiểu phóng viên, chung quanh đây còn ít nhất là hai hộp đêm khác là Tam Tam và The Memo mà tôi chưa có đến để so sánh.

Tuy khó mà khách quan hoàn toàn được trong một hoàn cảnh như vầy, 50 hay là 60 cô này, nếu nói chung như là một tập thể, thì có thể loại dễ dàng ở vòng đầu

Tập thể phụ nữ ở Therma’s Café Bangkok

Tập thể phụ nữ ở vũ trường Hà Nội hay là vũ trường New World Sài Gòn

Tập thể phụ nữ ở Metropole Warsaw hay là Cabaret Astoria Budapest

Và ngang ngửa kỳ phùng với lại tập thể phụ nữ dắt tay nhau đi vòng vòng ở shopping galleria về đêm của Casino Lisboa ở Macau. So sánh chót này khiến kho tàng từ vựng Hán-Việt của tôi bên cạnh từ “Đại Lục Mỹ” (nhân) có thêm từ “Phi Châu Mỹ” (nhân). Chỉ nhìn loáng thoáng tôi đã thấy góc này là Beyonce và góc kia Salma Hayek, đây một Paris Hilton (Addis Hilton, xin lỗi) đằm thắm, đó một Jessica Alba hay là Lưu Diệc Phi da ngăm.

Điều lạ lùng là các cô này, tôi mới liếc lén là cô nào cũng nhìn tôi cười lại ngay, đã cười mà mông lại còn ngoáy ngoáy khiến tôi phải tự kiềm chế bằng cách tự nhắc đi nhắc lại:

Đây là Đỗ Kh., trực tiếp tường trình với các bạn từ hộp đêm The Dôme

Và tôi trực tuyến viết những dòng này, giữa mùi nước hoa trộn với mồ hôi, giữa tiếng nhạc trộn với nói cười, trên một góc bàn làm rung rinh những ly rượu màu hổ phách (ngòi bút có làm rung rinh chế độ nào tôi không biết, ngòi bút tôi làm rung rinh những ly rượu).

Tôi chưa kịp nhìn quanh cho kỹ và còn đang hí hoáy thì bên cạnh tôi đã sà xuống một nàng tiên áo trắng. Cô tiên này không phải ngành nha y dược, cũng không phải làm nhà bếp ở đây. Áo trắng của cô không phải nữ sinh Việt Nam tan trường (Nếu em không là người yêu của lính – Một nàng tiên trong đám học sinh), áo trắng của cô hơi bị mỏng dưới ánh đèn blacklight làm tăng phần lộ liễu nước da bên dưới, và nước da bên dưới, thì tuyền chứ sao. Đôi môi cô dày (chứ sao nữa) trĩu nặng (những hứa hẹn), mái tóc cô không bỏ xoã ngang lưng mà loăn xoăn (thì vậy) nhuộm một màu nâu nhạt mùa thu.

“Where are you from?”

Cô hỏi một câu mà Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt chắc sẽ bị lúng túng.

Tôi nói, “Việt Nam.”

Và tôi viết đây trên trang này: Tôi nói, “Việt Nam.”

Cô ta cúi ngang người sang nhìn (đây là trực tiếp tường trình, xin nhắc lại) nhưng tôi không chắc cô có đọc được mặt chữ la-tinh (quốc gia này dùng mẫu tự Amhara).

Cô bảo, “China?”

Ngực của cô phập (Chi) phồng (Na), tay cô đã đặt trên đùi tôi.

Tôi nói to hơn, “Việt Nam.”

Cô ta chớp chớp mắt, “Japan?”

Tôi nói gần như hét, “Việt Nam!”

Có tiếng hát át được tiếng bom nhưng tiếng “Việt Nam” của tôi không át được tiếng nhạc. Phim Hàn quốc chưa lan được sang đến đây (rồi sẽ có ngày) nên cô thôi không tra vấn nguồn gốc quốc gia nữa và tôi không phải phủ nhận liên hệ tộc họ của tôi với các giòng Phác, Lý, và Kim.

Tôi hỏi, “Cô tên gì?”

Rosa làm nghề trang điểm sắc đẹp nhưng đang thất nghiệp. Một tuần Rosa đến đây vài ba tối. Một bản nhạc Ả-rạp trỗi, nàng đứng dậy ưỡn bụng trước mặt tôi múa may cách có nửa thước, tôi vừa phải dang chân ra cho cô có chỗ mà biểu diễn giữa hai đùi, vừa phải tranh thủ để ghi nhanh những dòng bạn đang đọc này.

Thư của lính, ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay,

Nhưng thư của lính, ghi giữa rừng xanh khi nhớ em thật đầy.

Nét chữ tôi không ngay mỗi khi Rosa quay người, mông chạm vào cán bút (tức là nói tóm lại, nếu bút không làm nghiêng ngả được chế độ thì bờ mông lại có thể làm nghiêng ngả được cán bút).

Sau ba phút đằng đẵng này Rosa ngồi xuống, giờ ép hẳn vào tôi thân mật.

“You like Arabic music?”

Nhờ câu hỏi này tôi đã từng được lòng một cô Uzbek nhưng ở đây thì tôi nhầm địa lý.

“I hate Arabic music! I hate Arabic people!”

Rosa thì thầm cạnh gần như là thọc lưỡi vào khi nhấn âm từ “hate”. Nỗi hận thù của nàng nhột lỗ tai tôi.

Thì ra Somalia hận thù truyền kiếp, doanh gia Saudi và Vùng Vịnh sang đây xấc xược.

“I hate them!”

Trước mặt tôi bỗng lại có một cô nữa đến ngồi mà không ai mời.

Rosa bảo, “Đây là bạn tôi.”

Cô mới đến cũng cao và cân đối, nói thẳng ra, hay là nói trắng ra, mặc dù tất nhiên cô ta cũng đen, thì là đẹp và khêu gợi. Cô này có mái tóc cắt ngắn uốn duỗi và đôi mắt thật to như là con mắt của người mẫu bằng nhựa bày trong các tủ kính quần áo.

Tôi nói, “Your friend có đôi mắt thật đẹp.”

Em qua công viên mắt em ngây tròn

Cô mới đến cúi xuống về phía tôi, cho tôi thấy chẳng phải chỉ có cặp mắt cô là to tròn, và ngây ra thì mới là tôi. Ngoài đôi mắt nhựa và hớp hồn, phần còn lại trên người cô phải nói là mềm và rung rinh.

Mùa thu mưa bay cho tay mềm

Cô để mặt cách 20 centimét (lại 20 centimét) gỡ cặp kính của tôi ra để nhìn thẳng vào mắt tôi một lúc lâu trước khi kết luận:

“Tôi cũng thích cặp mắt của anh.”

“Tôi không phải người Ả-rạp,” tôi nói với Rosa.

Nàng đứng dậy nắm tay cô bạn, không phải để đi đâu mà cả hai cùng nhảy, lần này là một bản nhạc Ethiopia nên không có căm thù mà múa rốn, họ chỉ múa mông. Váy cô mới đến thì cũng ngắn như là mái tóc. Ethiopia là Africa và họ chìa về phía tôi như là mời vỗ lên những tiếng trống bập bùng.

Cắc cụp cum, cắc cụp cum

cắc cụp cum, cắc cum cum cụp cum…

Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa

Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya

Bồng con ra võng để đòng đưa

Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa

Nhưng đâu có được vỗ, tay tôi còn đang bận cầm viết, tôi còn đang bận tường thuật tại chỗ, tuy là có cách với sự kiện 5 hay là 15 phút đồng hồ.

Tôi hỏi cô mới tên gì.

Cô bảo, “Rosa.”

Tôi hỏi lại, “Rosa?”

Cô gật đầu.

Tôi nhìn Rosa tóc dài và xoăn. Nàng khẳng định, “Bạn tôi tóc ngắn và duỗi cũng tên là Rosa.”

Tôi học tiếng la-tinh có một năm vào lúc lên lớp sáu. Môn này tôi điểm xấu, về sau bị đuổi và văn phạm tôi chỉ nhớ có mỗi một câu.

rosa rosa rosam rosae rosae rosa

Một Rosa, hai Rosae số nhiều.

Tôi chỉ từ cô này sang cô kia

“Rosa và Rosa?”

“Rosa và Rosa,” Rosa 1 xác định lại.

“Rosa và Rosa, no problem,” Rosa 2 tiếp lời.

rosae rosae rosas rosarum rosis rosis

Vào thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, phương tiện truyền hình trực tuyến bằng vệ tinh còn thô sơ. Phóng viên phải đặt cái chảo phát sóng ở dưới đất, gặp một xe nhà binh đi ngang chắn sóng là tắt hình, gặp hai xe thiết giáp dừng lại là tắt luôn.

Thì đây cũng có hai Rosae.

Tôi là Đỗ Kh., tại Club The Dôme ở Addis Ababa vào lúc một giờ sáng kém và chai bia thứ ba, xin không giữ lời hứa ở phần trên là đi sâu vào chi tiết của nội chiến Ethiopia trong bốn thập niên qua mà xin gián đoạn cuộc tường thuật.

(Tuy có được biên tập lại sau này và bổ sung vài chi tiết, bài viết trên đây là một tường thuật tới đâu viết tới đó và ngay tại chỗ từ khoảng 9 giờ đêm ngày 3 tháng 11 đến 1 giờ sáng ngày 4 tháng 11, 2008, giờ địa phương.)

Văn bản do tác giả gửi Văn Việt

Comments are closed.