Đúng, sai khi Trần Dần viết về Phan Khôi

Phan Nam Sinh

Tôi không có trong tay cuốn Ghi, 1954 – 1960 của nhà văn Trần Dần do nhà văn Phạm Thị Hoài hiệu đính, xuất bản tại Paris năm 2001 nên chỉ được đọc đôi đoạn Trần Dần viết về Phan Khôi đăng trên trang Facebook của nhà nghiên cứu – phê bình Lại Nguyên Ân.

Là con trai Phan Khôi, tôi tự thấy mình có trách nhiệm nói lại đôi điều để bạn đọc cuốn sách được rõ. Những gì tôi viết ra đây là dựa vào những hiểu biết của chính tôi về Phan Khôi trong quãng thời gian từ năm 1955 tới đầu năm 1959, tức trước khi Phan Khôi mất, bảo đảm hoàn toàn trung thực, còn tin hay không là tùy bạn đọc.

Ngày 19-4-1958, thấy Trần Dần ghi về Phan Khôi như sau:

P Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo, tức là trốn cuộc đấu tranh, chỉ đọc các truyện và sách vớ vẩn giải trí.

Phải khẳng định rằng từ đầu năm 1958, tức là từ lúc phong trào đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm ở miền Bắc lên tới hồi cao trào cho đến khi Phan Khôi rời khỏi 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, mấy ông trong Giai phẩmNhân văn chẳng ông nào dám một lần bén mảng đến để gặp Phan Khôi chứ đừng nói thăm, và Phan Khôi cũng chẳng hề tiếp ai.

Nói như thế để thấý rằng Trần Dần cũng chỉ nằm ở nhà để… phán.

1. Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo”. Điều Trần Dần nói đó là hoàn toàn đúng. Năm 1965, khi làm thư mục cho số sách vở Phan Khôi để lại, tôi chẳng thấy tờ báo nào, trừ 5 số Nhân văn và mấy tập Giai phẩm đã đóng thành một cuốn dày với duy nhất một số báo Văn, trong có đăng truyện ngắn Ông Năm Chuột của ông. Còn các tờ báo trong có đăng bài chửi bới ông thì một tờ cũng chẳng tìm thấy. Trong thời gian này Phan Khôi đọc những gì, thực tình là tôi không rõ lắm, nhưng chắc chắn những thứ Phan Khôi đọc không phải là thứ sách vớ vẩn chỉ để giải trí như Trần Dần nói. Tôi thuộc làu tủ sách của Phan Khôi nhưng chưa hề bắt gặp một cuốn nào là vớ vẩn cả. Tiểu thuyết tiếng Việt thì hình như chẳng có cuốn nào, chỉ có cuốn Tranh tối tranh sáng của Nguyễn Công Hoan được một dịch giả người Trung Quốc dịch ra tiếng Trung là Lê minh chi tiền (黎 明 之 前), nhưng vì đã lâu nên quên tên người dịch. Thơ thì chỉ có Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm tặng, có cả bút tích và chữ ký của ông ấy. Còn là bộ Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, mấy bộ Lỗ Tấn toàn tập (魯 迅 全 集), Tư trị thông giám (資 治 通 鑑), Sở từ nghiên cứu luận văn tập (楚 辞 研 究 论 文 集) ông mang về từ chuyến sang Trung Quốc dự Đại hội kỷ niệm 20 năm ngày Lỗ Tấn từ trần. Chẳng lẽ đó lại là những thứ mà Trần Dần gọi là sách vớ vẩn, chỉ đọc để giải trí thôi sao?

Còn như bảo Phan Khôi trốn cuộc đấu tranh như Trần Dần nói thì cũng đúng như vậy thật! Các ông Nhân văn, Giai phẩm từ to tới nhỏ, từ cỡ bự tới cỡ tép riu tới lúc ấy đều đã kiểm điểm, đã phản tỉnh hết ráo cả rồi, đăng báo nhận lỗi trước Đảng, trước nhân dân hết ráo cả rồi, chỉ còn trơ trọi mỗi mình Phan Khôi mà đấu tranh được sao?

2. Ngày 22-4-1958, lại thấy Trần Dần ghi về Phan Khôi như sau:

Lần này Ph Khôi không còn chây bướng được nữa, phải bỏ cái buồng ở Hội Nhà Văn, đi sang Nguyễn Thượng Hiền, dịp này chắc lão ta lại tức cảnh nên vài câu thơ ai oán!

Cứ theo Trần Dần thì Phan Khôi rời 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội dọn về 10 Nguyễn Thượng Hiền vào ngày 22 tháng 4 năm 1958. Xin hỏi nhà văn ở nơi suối vàng rằng: điều này có là thực không đó, thưa nhà văn? Nếu là thực thì xin cho tôi được gửi lời chân thành cám ơn nhà văn. Vì, cả gia đình Phan Khôi có lẽ chẳng ai còn nhớ chính xác cái ngày Phan Khôi rời khỏi 51 Trần Hưng Đạo, chỉ còn nhớ ang áng đâu như cũng ở vào cái quãng thời gian nhà văn nói.

Nhưng tới “Lần này Ph Khôi không còn chây bướng được nữa, phải bỏ cái buồng ở Hội Nhà Văn, đi sang Nguyễn Thượng Hiền” thì tôi không tin! Bởi vì, tôi từng biết Phan Khôi bướng, không chịu ngồì mài đũng quần chỉ để viết những dòng kiểm thảo theo ý cấp trên. Nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào Phan Khôi chây như nhà văn nói cả. Có lẽ chỉ tại người ta chưa tìm được nơi nào thích hợp để đày Phan Khôi nên Phan Khôi chậm ra khỏi 51 Trần Hưng Đạo đó thôi! Chứng cứ là chỉ mấy tháng sau đấy, Phan Khôi lại bị chuyển từ 10 Nguyễn Thượng Hiền về 73 Phố Thuốc Bắc mà ông có chây phút nào đâu! Ấy là ông và vợ ông là bà Nguyễn Thị Huệ chỉ được báo trước có một, hai ngày thôi đấy. Mà cũng nên nhớ rằng cái phòng ở 73 Phố Thuốc Bắc tệ gấp chục lần cái phòng ở 10 Nguyễn Thượng Hiền và còn tệ gấp 100 lần so với cái phòng ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Còn như nhà văn đoán dịp này chắc lão ta lại tức cảnh nên vài câu thơ ai oán thì sai đứt đuôi con nòng nọc rồi! Trong trăm bài thơ cả Hán lẫn Nôm của Phan Khôi, rất ít thấy bài có giọng ai oán. Ngay trong Bảy mươi tự thọ viết trước khi Phan Khôi qua đời hai năm cũng chỉ thấy nào những Sống thêm cho kẻ ưa mời chén, Cho kẻ không ưa mắt cứ gai hay Giật mình trước mắt nền dân chủ, Hất cái bia đi kẻo trái mùa. Chỉ có mỗi bài Hớt tóc trong bệnh viện quân y, ông viết năm 1952, lúc còn ở Việt Bắc là có giọng hơi ai oán, nhưng đó lại là bài thơ hay nhất trong số các bài thơ hay nhất của ông:

Tuổi già thêm bệnh hoạn

Kháng chiến thấy thừa ta

Mối sầu như tóc bạc

Cứ cắt lại dài ra.

Nếu nhà văn Trần Dần đoán đúng thì ngày nay con cháu Phan Khôi là chúng tôi đây có thêm một bài thơ hay của ông để đọc, có phải là sướng hơn không nào?

20-11-2021

Comments are closed.