Đọc ‘Vỉa từ” Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguyễn Trọng Tạo

BIA-VIATUNguyễn Hữu Hồng Minh vừa mơ hồ mang tới một trạng thái sống là lạ trong “Giọng Nói Mơ Hồ” [1], đã liền tức khắc tuyên bố “Ăn Hải Cảng” [2] và “Đề Cao Hiện Thực” [3] cái bồn cầu trong “Chất Trụ” [4]. Qua một vài bài thơ điển hình đầy tính va đập với thơ thực tại, Minh đã đẩy thơ tới miền kinh dị làm nổi da gà người đọc. Nhưng thơ Minh không làm người đọc lên cơn co giật hoảng loạn và bỏ chạy, mà dừng lại giảm sốt để ngẫm nghĩ về một hiện thực mới, hiện thực bị thơ xa lánh, bỏ qua, hay chưa từng nhìn thấy. Cái ngòi bút mơ hồ đã có lúc sáng lóa lên như tia chớp, rồi tan biến vào cảm giác tội lỗi chưa có trong kinh cầu sùng đạo.

Những giấc mơ có thể mang nhà thơ bay tới miền sáng tạo chưa từng có. Nhưng trên cả giấc mơ là ảo tưởng. Tôi từng có ý nghĩ đã lâu chưa viết ra, và bây giờ có thể công khai rằng: Một thời đại mà tuổi trẻ không biết ảo tưởng và tuổi già không biết sám hối là một thời đại vứt đi. Minh có ảo tưởng của một thi sĩ, và chính ảo tưởng (chứ không phải giấc mơ) đã tạo ra độ nén căng cho tâm hồn thi sĩ. Đấy là cái ảo tưởng “chôn thơ cũ” hay “chôn thực tại” cũng vậy. Chôn ở đây là xoá bỏ hiện hữu để thiết lập một hiện hữu mới, một thực tại cao hơn thực tại. Và ảo tưởng ấy nương tựa vào tuyên ngôn, lập ngôn như một hành động lập nghiệp, lập thân.

Chính trong trạng thái ảo tưởng ấy mà Minh đã viết nên tập “Vỉa Từ” như một kẻ mê sảng tuyên ngôn về thơ không có hồi kết thúc. Một nghìn câu hay nhiều hơn thế nữa, khởi đầu là “Tôi tìm thấy vỉa từ nhưng chưa đúc ra từ” và kết thúc lửng bằng câu “Có một hiện thực chìm trong vỉa thời gian nổi”. Minh đã mang người đọc len lỏi qua nhiều dòng mạch, góc cạnh rớm máu của nghệ thuật thi ca. Có minh triết của mê sảng, và có lú lẫn của minh triết. Những dòng tuyên ngôn có lúc to tiếng như chiếc loa công cộng, nhưng cũng có lúc mệt mỏi như hơi thở của người kiệt sức.

Nhưng sau tất cả những điều ấy, ta nghe rất rõ tiếng trái tim đập quyết liệt cho nghiệp chướng thi ca. Và ta nghe thấy từ ngữ đang thở, đang tỏa ra sự sống lung linh.

Có người nói, Nguyễn Hữu Hồng Minh thường thất bại trong thơ triết lý. Nhưng nếu đặt “Vỉa Từ” trong tầng sóng của thơ triết lý thì không hẳn như người ta nói. Minh đang tuyên ngôn, và triết lý là cách nói thuyết phục nhất của tuyên ngôn.

Nói như vậy không có nghĩa “Vỉa Từ” là một bài thơ (dài) thành công, nhưng Minh đã chọn đúng giọng điệu cho điều mình đang nói. Tất nhiên cái giọng điệu “triết lý mê sảng” ấy có lúc khiến tôi thú vị và lắm lúc làm tôi mệt mỏi. Nhưng điều đáng trân trọng ở đây chính là sự bộc bạch quan niệm về nghệ thuật của một nhà thơ đang hướng tới tương lai.

Nguyễn Hữu Hồng Minh là một nhà thơ đang hướng tới tương lai.

Mất nhiều hơn được hay được nhiều hơn mất, chẳng quan trọng gì lắm đối với một nhà thơ đang đi.

Bạn hãy đọc “Vỉa Từ”, đọc từ từ… và chắc chắn bạn sẽ có những điều thú vị, nếu bạn thực sự là một người yêu thơ, và hơn nữa, nếu bạn là một người làm thơ!

NgTT

—————————————————–

[1] Giọng nói mơ hồ – thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh – Nxb. Trẻ, 1999.

[2] Ăn hải cảng – thơ, trong tập Chất trụ & những bài thơ khác.- Nxb. Thuận Hóa, 2002.

[3] Đề cao hiện thực – thơ, trong tập Chất trụ & những bài thơ khác.

[4] Chất trụ & những bài thơ khác – thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh – Nxb. Thuận Hoá, 2002.

Comments are closed.