Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa, và Dân chủ: Trình tự Phát triển Con Người (kỳ 6)

Donald InglehartChristian Welzel

Nguyễn Quang A dịch

NXB Dân Khí – 2022

Nguyên bản: Modernization, Cultural Change, and Democracy: The Human Development Sequence. Cambridge University Press, 2005.

undefined

3. Khám phá Điều chưa Biết

Tiên đoán các Phản ứng của Quần chúng

Trong chương trước, chúng tôi cho rằng sự thay đổi văn hóa là có thể tiên đoán được, trong chừng mực nó được định hình bởi các nhân tố trong mô hình hiện đại hóa văn hóa của chúng tôi. Nhưng sự thay đổi văn hóa cũng bị tác động bởi các nhân tố khác như chiến tranh, các sự kiện đặc thù quốc gia, và các đảng chính trị và các nhà lãnh đạo của một xã hội, cho nên bất kể tiên đoán nào dựa vào một mình lý thuyết hiện đại hóa sẽ không chính xác đúng. Tuy nhiên, trong chương này chúng tôi tiên đoán các vị trí trên hai chiều văn hóa chính của tất cả các nước mà có khả năng một cách hợp lý để được gồm trong đợt tiếp theo của các Khảo sát Giá trị, trong 2005–6. Sử dụng một mô hình tiên đoán đơn giản dựa vào phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại của chúng tôi, đầu tiên chúng tôi “tiên đoán” và kiểm định vị trí mà 80 xã hội phải có trên hai chiều chính của chúng ta về sự biến thiên ngang-văn hóa trong đợt gần đây nhất của các khảo sát (được thực hiện trong 1999–2001). Rồi sau đó chúng tôi sử dụng cùng mô hình này để tiên đoán các giá trị cơ bản mà chúng tôi kỳ vọng tìm thấy giữa các công chúng của hơn 120 nước chắc có khả năng được khảo sát trong đợt tiếp theo của các khảo sát, trong 2005–6. Hơn 40 nước trong số các nước này đã không được bao gồm trong các đợt trước của các Khảo sát Giá trị, và vài trong số chúng đã chưa bao giờ được thăm dò trong bất kể khảo sát nào mà chúng tôi biết.

Sự tiên đoán là một thách thức quan trọng cho các nhà khoa học xã hội. Khoa học xã hội hiếm khi đưa ra các tiên đoán mò và sau đó kiểm định các lý thuyết của nó đối lại chúng. Nó thường đưa ra các giả thuyết và kiểm định chúng đối lại dữ liệu có sẵn. Các giả thuyết mà không được ủng hộ có thể bị bỏ đi hay được trình bày lại dưới ánh sáng của dữ liệu thực tế; và các biến độc lập có thể được thêm vào hay được biến đổi nhằm để khớp các giả thuyết tốt hơn. Mặc dù các nhà khoa học xã hội hiếm khi công bố các tiên đoán về các phát hiện được kỳ vọng từ dữ liệu vẫn chưa sẵn có, các ngoại lệ đã là quan trọng. Các dự báo kinh tế đã đóng một vai trò quý giá trong việc xây dựng chính sách phản-chu kỳ (counter-cyclical). Và các mô hình kinh tế chính trị tiên đoán về các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có một thành tích ấn tượng; mặc dù các dự đoán về chúng là không hoàn hảo, sự thực rằng các tiên đoán về chúng được công bố trước đã kích thích sự xem xét kỹ lưỡng công khai về các mô hình này hoạt động ra sao, và làm thế nào có thể cải thiện chúng.

Các tiên đoán của chúng tôi sẽ không đúng một cách chính xác; trong một số trường hợp, chúng thậm chí sẽ không gần đúng. Vì các tiên đoán của chúng tôi dựa vào một số nhỏ của các biến và không thử bao gồm rất nhiều nhân tố (vài trong số chúng đặc thù cho các quốc gia cho trước) mà giúp định hình các thái độ quần chúng. Nhằm để cung cấp một sự giải thích cố kết về mặt lý thuyết về động học của sự thay đổi giá trị, chúng tôi sẽ sử dụng một mô hình tằn tiện hơn là một mô hình phức tạp hơn mà có thể giải thích về mặt thống kê nhiều sự khác biệt (phương sai) hơn. Một mô hình giải thích 75 phần trăm của phương sai với năm biến là hiệu quả hơn mô hình giải thích 80 phần trăm phương sai với mười biến. Chúng tôi nhắm tới một mô hình hiệu quả giải thích phương sai càng nhiều càng tốt với càng ít biến càng tốt; khi sự giải thích là phức tạp như thực tế, ta không còn có một lý thuyết nữa. Các tiên đoán của chúng tôi sẽ không hoàn hảo, nhưng chúng tôi tự tin rằng trong hầu hết trường hợp chúng sẽ đến gần các kết quả thực tế hơn sự đoán ngẫu nhiên rất nhiều. Sự tự tin của chúng tôi dựa vào sự thực rằng phân tích dữ liệu từ sáu mươi tư xã hội được khảo sát trong các đợt trước của các Khảo sát Giá trị cho biết rằng các sự khác biệt ngang-văn hóa trong các giá trị cơ bản có một mối quan hệ nhất quán đáng ngạc nhiên với sự phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù chúng thay đổi rất nhiều về mặt ngang-quốc gia, các giá trị và các niềm tin của đại chúng thay đổi theo một cách đại thể có thể tiên đoán được mà phản ánh phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại được phác họa trong Chương 1.

Lý thuyết này giả thiết rằng (1) sự phát triển kinh tế xã hội có khuynh hướng mang lại các sự thay đổi có thể tiên đoán được trong các giá trị quần chúng. Nhưng nó không là một quá trình tuyến tính đơn giản: công nghiệp hóa mang lại một bộ các thay đổi, trong khi sự lên của xã hội hậu công nghiệp mang lại một bộ khác. Hơn nữa, (2) sự thay đổi văn hóa là phụ thuộc con đường: di sản lịch sử của một xã hội có một ảnh hưởng lâu dài lên hệ thống giá trị của nó, vậy nên các xã hội được định hình bởi Đạo Tin lành, Islam, hay các lực lịch sử khác cho thấy các giá trị phân biệt ngày nay mà phân biệt chúng với các xã hội với các di sản văn hóa khác.

Bước đầu tiên của chúng tôi là kiểm định mô hình này đối lại dữ liệu từ sáu mươi tư xã hội được khảo sát trong đợt 1999–2001 của các Khảo sát Giá trị, tiên đoán vị trí của mỗi xã hội trên hai chiều chính của sự biến thiên ngang-văn hóa, chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý và chiều các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện. Mô hình tiên đoán của chúng tôi dựa vào các phân tích hồi quy của các Bảng 2.6 và 2.7 và dùng hai nhân tố hiện đại hóa: (1) GDP trên đầu người của một nước và (2) tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp hay khu vực dịch vụ; và hai nhân tố phản ánh di sản lịch sử của một xã hội: (3) số năm của sự cai trị cộng sản nó đã trải qua, nếu có, và (4) nhân tố dịch chuyển vùng văn hóa được thảo luận trong Chương 2. Hằng số vùng văn hóa này được dẫn ra từ các kết quả của ba đợt đầu của các khảo sát này (được tiến hành trong 1981–97) và phản ánh mức mà một nước với một di sản văn hóa cho trước lệch khỏi số điểm được tiên đoán bởi các thành phần khác của mô hình.

Chúng tôi dùng GDP trên đầu người của một nước 5 năm trước khảo sát 2000 để tiên đoán số điểm của một nước trên hai chiều văn hóa. Chúng tôi làm việc này nhằm để đặt các biến trong trình tự nhân quả thích hợp: các nguyên nhân đi trước các kết quả của chúng, và lý thuyết của chúng tôi giả thuyết rằng sự phát triển kinh tế xã hội định hình các giá trị của một xã hội. Tất cả các biến khác được dùng để tiên đoán các giá trị – kể cả dữ liệu mà từ đó các hằng số vùng văn hóa được dẫn xuất – cũng dựa vào dữ liệu được đo vào một thời gian trước các giá trị chúng tiên đoán.

Như chúng ta sẽ thấy, mô hình tằn tiện này tiên đoán, với sự chính xác đáng chú ý, các giá trị thực sự được quan sát trong các khảo sát của sáu mươi tư nước được thực hiện trong 1999–2001. Đấy không chỉ là các khảo sát mới của các nước đã được nghiên cứu trước; chúng cũng gồm mười hai nước đã không được khảo sát trước đây: chúng là các tiên đoán ngoài-mẫu đích thực.

Rồi sau đó chúng tôi tiếp tục tiên đoán các vị trí trên hai chiều mà mà chúng tôi sẽ kỳ vọng tìm thấy trong 2005 cho 120 xã hội, nhiều trong số đó chúng tôi đã chưa bao giờ khảo sát trước đây. Chúng tôi kỳ vọng rằng nhiều trong số các nước này sẽ được bao gồm trong đợt 2005–6 của các Khảo sát Giá trị, nhưng cho dù chúng không, các tiên đoán này có thể được kiểm định bởi bất cứ ai muốn khảo sát một nước cho trước. Các tiên đoán này được post lên website của World Values Survey trong tháng Chín 2004. Chúng tôi sẽ kiểm chứng các tiên đoán này khi dữ liệu có liên quan trở nên sẵn có; chúng tôi công bố chúng trước nhằm để kích thích sự tiên đoán trong khoa học xã hội. Chúng tôi cũng mời bất kể ai quan tâm đến việc sử dụng các công thức được công bố ở đây để kiểm định mô hình của chúng tôi.

Phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại của chúng tôi có bốn thành phần của tính có thể tiên đoán: sự phát triển kinh tế xã hội của một xã hội tiên đoán nó sẽ rơi vào đâu trên bản đồ ngang-văn hóa và hướng theo đó nó được tiên đoán để di chuyển. Các xã hội với GDP trên đầu người cao phải xếp hạng cao trên cả hai chiều truyền thống/thế tục-duy lý và chiều sinh tồn/tự-thể hiện, rơi theo hướng góc phải trên cao của bản đồ; các xã hội với một GDP trên đầu người thấp phải xếp hạng thấp trên cả hai chiều, rơi theo hướng góc dưới bên trái. Hơn nữa, các xã hội giàu phải dịch chuyển từ từ theo hướng cực dương của cả hai chiều, di chuyển theo hướng phía trên bên phải. Các xã hội thu nhập-thấp sẽ bắt đầu gần đầu đối diện của đường chéo và sẽ không nhất thiết cho thấy bất kể sự chuyển động nào. Hơn nữa, phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại của chúng tôi tiên đoán sự biến thiên về độ lớn của lực lượng lao động công nghiệp liên kết với sự biến thiên trong chiều truyền thống/thế tục-duy lý, với một lực lượng lao động công nghiệp tương đối lớn có khuynh hướng mang lại một xã hội gần hơn với các giá trị thế tục-duy lý so với giá trị mà một mình GDP trên đầu người của nó tiên đoán. Tương tự, lý thuyết của chúng tôi tiên đoán rằng một tỷ lệ phần trăm tương đối lớn của lực lượng lao động trong khu vực dịch vụ có khuynh hướng dịch chuyển các xã hội sang bên phải của bản đồ của chúng ta, đưa chúng đến gần các giá trị tự-thể hiện hơn một mình GDP trên đầu người của chúng tiên đoán.

Nhưng lý thuyết được xét lại này về hiện đại hóa không phụ thuộc chỉ vào các lực của sự phát triển kinh tế xã hội; nó cũng tính đến tác động của di sản lịch sử của một xã hội, mà không tiên đoán lượng thay đổi sẽ xảy ra, nhưng có giúp tiên đoán vị trí tương đối của một xã hội trên bản đồ ngang-văn hóa. Như chúng tôi đã chỉ ra, truyền thống tôn giáo của một xã hội giúp định hình văn hóa của một xã hội, và các quan hệ thuộc địa quá khứ cũng đóng một vai trò quan trọng. Các đế chế Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, và Soviet đã để lại một dấu ấn lâu bền lên văn hóa của một xã hội. Thí dụ, các xã hội nói tiếng Anh có khuynh hướng có các hệ thống giá trị truyền thống hơn hệ thống giá trị mà ta kỳ vọng về các xã hội ở mức phát triển kinh tế của chúng có. Hơn nữa, kinh nghiệm về đã sống dưới sự cai trị cộng sản có khuynh hướng làm cho người dân nhấn mạnh cả các giá trị thế tục và các giá trị sinh tồn nhiều hơn một mình mức kinh tế của chúng tiên đoán. Sự phát triển kinh tế xã hội là một bộ tiên đoán mạnh mẽ về hệ thống giá trị của một xã hội, nhưng nó cần được bổ sung bằng việc tính đến di sản lịch sử của xã hội đó.

Khi có các sự khác biệt thế hệ, chúng cung cấp một chỉ dẫn nữa về liệu một xã hội có đang trải nghiệm sự thay đổi văn hóa và hướng mà theo đó nó chuyển động. Các tác động của sự thay thế dân cư giữa thế hệ hoạt động chậm nhưng đều đều, và trong các thời kỳ của vài thập niên chúng có thể có các tác động tích lũy lớn, mà có thể được dùng để tiên đoán các thay đổi dài hạn. Nhưng trong các giai đoạn tương đối ngắn, như tầm năm năm được nói tới ở đây, các tác động của nó là tương đối khiêm tốn và việc đưa chúng vào mô hình của chúng tôi sẽ làm cho nó phức tạp hơn. Vì mục đích tằn tiện, chúng ta sẽ sử dụng một mô hình tiên đoán đơn giản dựa vào hai nhân tố hiện đại hóa và hai nhân tố di sản lịch sử.

Sự phát triển kinh tế xã hội và truyền thống văn hóa chia sẻ nhiều phương sai chồng gối. Các nước Âu châu Tin lành và vùng nói tiếng Anh là giàu có hơn nhiều và có lực lượng lao động hậu công nghiệp lớn hơn các nước Nam Á hay châu Phi hạ-Sahara rất nhiều, và là khó để phân chia phương sai chồng gối giữa văn hóa và sự phát triển kinh tế xã hội. Như thế, trong các phân tích hồi quy được trình bày trong Chương 2, bản thân các nhân tố kinh tế xã hội (GDP trên đầu người và tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động làm thuê trong khu vực công nghiệp) giải thích 45 phần trăm của phương sai ở nơi các xã hội cho trước rơi trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý. Kết quả này là đáng kể; tuy vậy, nhân tố dịch chuyển vùng văn hóa của chúng tôi, tự nó, giải thích 59 phần trăm của phương sai trên chiều này. Kết quả kết hợp của các nhân tố kinh tế xã hội và các nhân tố di sản lịch sử giải thích đầy đủ 80 phần trăm của phương sai về vị trí của một xã hội trên chiều này, như thế bản thân các nhân tố di sản giải thích chỉ thêm 35 phần trăm của phương sai, ngoài cái có thể quy cho các nhân tố kinh tế xã hội. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: các biến kinh tế xã hội giải thích chỉ thêm 21 phần trăm ngoài cái có thể quy cho các truyền thống lịch sử của các xã hội này. Như thế, di sản văn hóa có thể được diễn giải như giải thích bất kể gì từ 35 đến 59 phần trăm của mức biến đổi trong các vị trí trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý. Nếu ta đơn giản chia đôi hiệu số, ta sẽ quy 47 phần trăm của phương sai cho di sản văn hóa. Tương tự, các biến kinh tế xã hội có thể được diễn giải như giải thích bất cứ gì từ 21 đến 45 phần trăm của mức biến đổi, và việc chia đôi hiệu số sẽ quy 33 phần trăm của phương sai cho các nhân tố kinh tế xã hội.

Tương tự, một mình các biến di sản lịch sử giải thích 52 phần trăm của phương sai trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện, nhưng một mình các nhân tố kinh tế xã hội giải thích 61 phần trăm của phương sai trên chiều này, và kết quả kết hợp của kinh tế và văn hóa giải thích 84 phần trăm của toàn bộ phương sai. Trong trường hợp này, một nhà tất định chủ nghĩa kinh tế có thể cho rằng di sản văn hóa của một xã hội thêm chỉ 23 phần trăm cho phương sai trong các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện mà được giải thích bởi một mình sự phát triển kinh tế xã hội [84-61=23], trong khi một nhà tất định luận văn hóa có thể cho rằng sự phát triển kinh tế xã hội thêm chỉ 32 phần trăm của phương sai mà được giải thích bởi một mình di sản văn hóa. Tùy thuộc vào sở thích nhận thức luận của người ta, sức mạnh giải thích được quy cho sự phát triển kinh tế xã hội có thể thay đổi từ 32 đến 61 phần trăm và sức mạnh giải thích được quy cho di sản văn hóa có thể trải từ 23 đến 52 phần trăm. Chia đôi hiệu số, người ta sẽ quy khoảng 47 phần trăm của phương sai cho sự phát triển kinh tế xã hội và khoảng 38 phần trăm cho di sản văn hóa.

Việc chia đôi hiệu số, hiển nhiên, là cách rất thô để quyết định vấn đề, nhưng có lẽ nó đến gần chân lý hơn chủ nghĩa tất định cực đoan hoặc kinh tế hay văn hóa. Cho đến khi chúng ta có một chuỗi thời gian dài hơn đáng kể của dữ liệu khảo sát, chúng ta sẽ không có khả năng đạt một câu trả lời chính xác. Bât giờ, là rõ rằng các nhân tố cả văn hóa và kinh tế xã hội giải thích các phần đáng kể của phương sai về một xã hội rơi vào đâu trên bản đồ toàn cầu của sự biến thiên ngang-văn hóa. Mô hình của chúng tôi tính đến cả hai bộ nhân tố.

Các đợt trước của các Khảo sát Giá trị đã đại diện quá các xã hội với các mức phát triển kinh tế xã hội tương đối cao: đã là khó hơn nhiều để chiêu mộ các đồng nghiệp và để gây quỹ trong các nước nghèo so với các nước giàu. Bởi vậy, hầu hết trong mười hai xã hội chưa được khảo sát trước đây mà chúng tôi sẽ đưa ra các tiên đoán ở đây là kém phát triển về mặt kinh tế – một số xếp hạng giữa các nước nghèo nhất trên thế giới. Hơn nữa, các đợt trước của các khảo sát này đã gồm ít xã hội Islamic, và chúng tôi đã cho ưu tiên cao để phủ chúng một cách thích hợp trong đợt 1999–2001. Do đó, sáu trong mười hai trường hợp chưa khảo sát trước là chủ yếu Islamic và thêm ba trường hợp ở châu Phi hạ-Sahara (ba trong số các trường hợp Islamic nằm ở Bắc Phi, làm cho có sáu trường hợp Phi châu mới). Mặc dù cả hai khu vực là các vùng văn hóa phân biệt, chúng tôi đã có cơ sở kinh nghiệm tương đối hẹp cho việc phóng chiếu các giá trị của chúng. Mười hai trường hợp mới mà chúng tôi sẽ đưa ra các tiên đoán không chỉ là các trường hợp mới, ngoài-mẫu (out-of-sample); chúng cũng khác một cách có hệ thống với cơ sở dữ liệu mà trên đó mô hình tiên đoán của chúng tôi dựa vào.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành tiên đoán các vị trí trên hai chiều văn hóa cơ bản cho sáu mươi tư nước đã được khảo sát trong 1999–2001, chú ý đặc biệt đến mười hai nước đã chưa được khảo sát trước đây.

Phát triển các Công thức Tiên đoán

Như Chương 2 chứng minh, sử dụng một sự kết hợp của các biến hiện đại hóa và truyền thống, ta có thể phát triển các mô hình giải thích các phần rất cao của phương sai trong số điểm nhân tố của một xã hội trên hai chiều giá trị then chốt. Chúng tôi sẽ làm vậy ở đây, đầu tiên phân tích các bộ tiên đoán (predictor) của số điểm trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, và sau đó chuyển sang chiều các giá trị sinh tồn /tự-thể hiện.

Bảng 2.6 trình bày năm mô hình giải thích sự biến thiên ngang-quốc gia trong các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, sử dụng các sự kết hợp khác nhau của các biến hiện đại hóa và truyền thống. Mặc dù GDP trên đầu người thường là một bộ tiên đoán tốt của các hiện tượng xã hội, trong trường hợp này tự nó không làm rất tốt, giải thích chỉ 14 phần trăm của phương sai ngang-quốc gia. Nhưng hai biến hiện đại hóa kết hợp lại, GDP trên đầu người và tỷ lệ lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp, giải thích rất nhiều phương sai ngang-quốc gia trong số điểm trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, tạo ra một R-bình phương đã hiệu chỉnh là 0,45, giải thích 45 phần trăm của phương sai ngang-quốc gia.

Tuy nhiên, chúng ta phải đưa vào một nhân tố di sản lịch sử để giải thích phần lớn phương sai trong các giá trị truyền thống versus thế tục-duy lý. Là một xã hội nguyên-cộng sản phản ánh hai thứ: tác động văn hóa của việc trải qua vài thập niên của chủ nghĩa cộng sản dưới sự kiểm soát Soviet; và điều kiện kinh tế xã hội của các nước này trong các năm gần đây, tiếp sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Việc cho thêm vào phương trình một biến đo số năm một xã hội trải qua dưới sự cai trị cộng sản nâng phương sai được giải thích lên 63 phần trăm.

Nhân tố độ lệch vùng văn hóa của chúng tôi phản ánh tác động của một di sản văn hóa cho trước lên nhân tố truyền thống/thế tục-duy lý, kiểm soát cho các tác động của các biến kinh tế xã hội và biến nguyên-cộng sản. Thêm nhân tố đó vào Mô hình 4 làm cho có thể để giải thích đầy đủ 80 phần trăm của phương sai ngang-quốc gia. Công thức ở chân của Bảng 2.6 được dẫn xuất từ phân tích này; ta có thể sử dụng công thức này để tiên đoán vị trí của một xã hội trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý. Như Bảng 2.4 chứng minh, hàng chục thái độ được đo trong các Khảo sát Giá trị tương quan mật thiết với số điểm của một xã hội trên chiều này. Biết GDP trên đầu người, tỷ lệ phần trăm của các công nhân công nghiệp trong lực lượng lao động của một xã hội, và di sản lịch sử của nó cho phép ta tiên đoán với sự chính xác đáng kể một công chúng cho trước sẽ trả lời như thế nào cho một dải rộng các câu hỏi khảo sát liên quan đến tôn giáo, quyền uy, tự hào dân tộc, và các chủ đề khác.

Bởi vì các nguyên nhân đi trước các kết quả, tất cả các biến độc lập được dùng ở đây được đo vào các điểm thời gian trước 1999–2001, khi các giá trị của các công chúng tương ứng được đo. Phù hợp với giả thiết của chúng tôi rằng các nhân tố kinh tế xã hội giúp định hình các giá trị của một xã hội, chúng tôi thấy rằng GDP trên đầu người thực tế của một nước trong 1995 tiên đoán các giá trị trong đợt 1999–2001 của các khảo sát chính xác hơn một số đo của GDP trên đầu người trong 2000, vào thời của các khảo sát, tiên đoán. Kết cục này có nghĩa rằng chúng ta có thể sử dụng số đo GDP trên đầu người của năm 2000 để tiên đoán số điểm trên hai chiều giá trị trong 2005 – mà là thuận tiện, bởi vì chúng ta vẫn chưa có các số đo GDP trên đầu người của năm 2005 khi các dòng này được viết.

Có một sự mơ hồ hiển nhiên trong việc diễn giải các phát hiện trong Bảng 2.6. Các vùng văn hóa khác nhau có các mức phát triển kinh tế xã hội rất khác nhau, nhưng thủ tục này quy sức mạnh giải thích được chia sẻ bởi sự phát triển kinh tế xã hội và các vùng văn hóa cho các biến kinh tế xã hội, mà có thể đánh giá thấp tầm quan trọng của tư cách thành viên vùng văn hóa. Vì thế chúng tôi đã định rõ một mô hình thứ năm, dùng chỉ các tư cách thành viên vùng văn hóa, để tính một giá trị trung bình trên nhân tố tương đối với trung bình toàn thể (một nhân tố dịch chuyển từ trung bình thô, hơn là từ giá trị được tiên đoán với các biến kinh tế xã hội). Thật lý thú, một mình nhân tố vùng văn hóa này giải thích 59 phần trăm của phương sai – nhiều hơn hai nhân tố kinh tế xã hội trong Mô hình 2 kết hợp lại. Điều này có thể được diễn giải để có nghĩa rằng các nhân tố văn hóa thậm chí quan trọng hơn các nhân tố kinh tế xã hội trong việc giải thích số điểm nhân tố trên nhân tố truyền thống/thế tục-duy lý, nhưng kết luận này là mạo hiểm. Các sự khác biệt kinh tế xã hội giữa các vùng văn hóa khác nhau có lẽ giải thích cho một phần đáng kể của phương sai chúng có vẻ để giải thích, như là rõ ràng khi ta kiểm soát cho các nhân tố kinh tế xã hội. Là khó để phân chia các phương sai giữa các nhân tố kinh tế xã hội và văn hóa một cách chắc chắn, nhưng có vẻ rõ rằng cả hai bộ nhân tố là quan trọng, và các tiên đoán của chúng tôi tính đến cả hai bộ nhân tố.

Bảng 2.7 phân tích các nhân tố kinh tế xã hội và văn hóa mà giải thích số điểm nhân tố trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện. Trong trường hợp này, bản thân GDP trên đầu người giải thích nhiều phương sai (đầy đủ 60 phần trăm) đến mức thêm một biến kinh tế xã hội thứ hai (phần trăm lao động trong khu vực dịch vụ) nâng toàn thể phương sai được giải thích lên chỉ một chút [61%] trong Mô hình 2. Nhưng có một sự tăng đáng kể về phương sai được giải thích trong Mô hình 3 khi biến giả nguyên-cộng sản được thêm vào. Ba nhân tố này giải thích 74 phần trăm của phương sai.

Thêm các các nhân tố vùng văn hóa nâng cao thêm sức mạnh giải thích của Mô hình 4, đưa toàn bộ phương sai được giải thích lên 84 phần trăm thật đáng chú ý. Chúng tôi lại cũng tính phương sai được giải thích bởi một mình tư cách thành viên vùng văn hóa và thấy nó giải thích cho 52 phần trăm; tuy vậy, các nhân tố kinh tế xã hội là các bộ tiên đoán còn mạnh hơn của số điểm trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện.

Tư cách thành viên vùng văn hóa của một xã hội có vẻ đặc biệt quan trọng trong việc định hình các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, mà bám rễ sâu vào các nhân tố lịch sử lâu đời – trên hết, di sản tôn giáo của một xã hội. Nhưng các biến hiện đại hóa có vẻ đóng vai trò chi phối trong việc định hình các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện, mà ít bám rễ mạnh vào di sản văn hóa truyền thống của một xã hội. Vì thế, các giá trị tự-thể hiện hơn là các giá trị thế tục-duy lý phản ánh sự biểu thị văn hóa bản chất nhất của hiện đại hóa. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị tự-thể hiện như yếu tố trung tâm của trình tự phát triển con người dẫn từ sự phát triển kinh tế xã hội đến dân chủ, như chúng tôi sẽ chứng minh.

Công thức trong ghi chú của Bảng 2.7, được dẫn xuất từ phân tích này, làm cho có thể để tiên đoán vị trí của một xã hội trên chiều các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện từ vài chỉ báo kinh tế xã hội và văn hóa.

Bảng A-1 trong Phụ lục Internet[1] cho thấy hai phương trình này được dẫn xuất thành công thế nào từ các phân tích hồi quy trong Bảng 2.6 và 2.7 tiên đoán vị trí của một xã hội trên hai chiều này cho tất cả các nước được khảo sát trong 1999–2001. Bảng A-1 cho thấy số điểm nhân tố chúng tôi tiên đoán cho mỗi nước, số điểm thực sự được quan sát trong khảo sát 1999–2001, và sự khác biệt giữa số điểm được tiên đoán và được quan sát. Các sự khác biệt giữa số điểm được tiên đoán và số điểm được quan sát trải từ 0,00 đến 1,15, nhưng toàn thể các giá trị được tiên đoán đến gần với các giá trị được quan sát. Ngang sáu mươi tư xã hội này, sự khác biệt trung bình giữa số điểm được tiên đoán và số điểm được quan sát trên các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý chỉ là 0,36. Sự khác biệt trung bình giữa số điểm được tiên đoán và số điểm được quan sát trên chiều các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện hầu như giống hệt: 0,37.

Bảng A-2 trong Phụ lục Internet cho thấy lỗi trung bình của các tiên đoán của chúng tôi cho mỗi xã hội, xếp hạng chúng từ các tiên đoán chính xác nhất của chúng tôi (Nam Phi và Tây Đức) đến các tiên đoán ít chính xác nhất của chúng tôi (Puerto Rico và Thụy Điển). Mặc dù các tiên đoán của chúng tôi cho thấy một dải rộng của sự chính xác, chúng có độ chính xác ấn tượng theo hầu hết các tiêu chuẩn so sánh. Lỗi trung bình trong sự tiên đoán là 0,36, trên một bản đồ văn hóa trải từ dưới −2,00 đến trên +2,00 trên mỗi chiều. Tiên đoán trung bình của chúng tôi rơi vào bên trong bán kính 0,36 của giá trị thực sự được quan sát cho xã hội đó, tạo thành một vòng tròn chiếm khoảng 2 phần trăm diện tích của bản đồ. Các tiên đoán này là tốt hơn ngẫu nhiên rất nhiều. Và, thật ngạc nhiên, các tiên đoán chính xác đúng vậy cho mười hai xã hội mà chúng tôi đã chưa bao giờ khảo sát trước đây (cho thấy trong chữ in đậm trên Bảng A-2) như cho các xã hội khác đã được khảo sát trước ít nhất một lần. Mô hình của chúng tôi cũng làm tốt trong việc tiên đoán các giá trị của các công chúng mà đã chưa bao giờ được khảo sát trước như nó làm trong tiên đoán các giá trị 1999–2001 của các công chúng mà chúng ta có ý kiến trước.

BẢNG 3.1. Các Tiên đoán Thay thế cho 12 Xã hội Chưa được Khảo sát Trước

image

Ghi chú: Các giá trị là các sự khác biệt giữa số điểm nhân tố được tiên đoán và số điểm được quan sát.

 

Các tiên đoán này, dựa vào một phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại, so sánh thế nào với các tiên đoán ngẫu nhiên? Bảng 3.1 trình bày hai tập hợp các tiên đoán cho mỗi trong số mười hai nước chưa bao giờ được khảo sát trước đây. Hai cột đầu tiên trên bảng này cho thấy các kết quả của một tiên đoán ngẫu nhiên đích thực: không biết bất cứ gì về các phân bố thật sự, người ta tiên đoán rằng những người trả lời sẽ rơi vào điểm giữa của thang trên mỗi biến được sử dụng để xây dựng bản đồ này (thí dụ, thang được dùng để đo sự chấp nhận phá thai trải từ 1 đến 10, như thế chúng ta tiên đoán một số điểm trung bình 5,5 cho mỗi xã hội). Sử dụng thủ tục này cho tất cả mười biến trong phân tích nhân tố tạo ra một số điểm 1,48 trên trục dọc (trên trung bình kinh nghiệm thực tế rất nhiều) và một số điểm –0,09 trên trục ngang (rất gần với trung bình kinh nghiệm). Các tiên đoán ngẫu nhiên này là tương đối xa với các kết quả thực sự được quan sát: chỉ bảy trong số sáu mươi tư xã hội rơi vào bên trong một độ lệch chuẩn của vị trí được tiên đoán này; và mười hai xã hội trong Bảng 3.1 lệch khỏi số điểm được tiên đoán của chúng như được chỉ ra. Trung bình của hai lỗi là 1,43. Như Bảng 3.2 cho biết, mô hình dựa vào lý thuyết của chúng tôi tạo ra một lỗi tiên đoán trung bình chỉ 0,34 – ít hơn một phần tư của lỗi trung bình sinh ra từ các tiên đoán ngẫu nhiên.

BẢNG 3.2 Các Tiên đoán dựa vào Lý thuyết của Vị trí của 12 Xã hội Không được Khảo sát Trước

image

Ghi chú: Các giá trị là sự khác biệt giữa số điểm nhân tố được tiên đoán và số điểm được quan sát.

 

Tiên đoán thứ hai là một tiên đoán mà một nhà khoa học xã hội am hiểu có thể đưa ra: nó tiên đoán rằng mỗi xã hội sẽ có số điểm nhân tố trung bình trên mỗi chiều. Chúng ta biết rằng trong một phân bố chuẩn khoảng hai phần ba của các mẫu rơi vào bên trong một độ lệch chuẩn của điểm [trung bình] này, cho nên đấy là một dự đoán xuất sắc. Cách tiếp cận này tạo ra một lỗi tiên đoán trung bình 0,99 ngang mười hai xã hội này (phản ánh rằng số điểm nhân tố được chuẩn hóa để có một độ lệch chuẩn là 1,0). Mặc dù kém chính xác hơn lỗi tiên đoán trung bình 0,36 rất nhiều, mô hình đó của chúng tôi tạo ra cho cùng mười hai xã hội, nó là một cải thiện đáng kể đối với tiên đoán ngẫu nhiên trong cột đầu tiên của Bảng 3.1. Nhưng tiên đoán này là không ngẫu nhiên hay a priori (tiên nghiệm): ta không biết số điểm nhân tố trung bình cho đến khi ta đã khảo sát tất cả các xã hội và phân tích các phân bố của chúng. Cách tiếp cận này đơn giản chọn một điểm mà chỉ có thể được biết sau khi tất cả dữ liệu đã được thu thập và được phân tích. Tuy nhiên, mô hình của chúng tôi tạo ra các tiên đoán a priori, ngoài mẫu đích thực (gồm các xã hội chưa bao giờ được khảo sát trước đó) mà chính xác hơn “tiên đoán” ex post facto này rất nhiều.

Các Tiên đoán Ngẫu nhiên versus có Hệ thống

Chúng ta vừa xem xét một số tiên đoán ngoài-mẫu đích thực. Sử dụng một mô hình dựa vào phân tích dữ liệu từ ba đợt khảo sát đầu tiên, chúng tôi đã tiên đoán vị trí của tất cả sáu mươi tư xã hội được khảo sát trong đợt thứ tư, trong 1999–2001. Mô hình của chúng tôi gồm một nhân tố lệch vùng văn hóa mà là một hằng số cho mỗi vùng văn hóa: nó không sử dụng vị trí của một quốc gia cụ thể trong các đợt sớm hơn để tiên đoán vị trí của nó trong đợt bốn. Vì thế, nó là một mô hình tổng quát không chỉ tiên đoán vị trí của các nước đã được khảo sát rồi mà cũng tiên đoán các vị trí của mười hai nước đã không được phủ trong các Khảo sát Giá trị trước (đối với vài trong các nước này, như Iran, Zimbabwe, Tanzania, và Việt Nam, hầu như không dữ liệu khảo sát đại diện trước nào đã sẵn có từ bất kể nguồn nào: chúng tôi đã giúp thiết kế khung khổ lấy mẫu quốc gia đầu tiên được dùng trong vài trong số nước này).

Bất chấp các sự dịch chuyển được quan sát từ một đợt sang đợt tiếp theo, mô hình của chúng tôi tiên đoán vị trí của hầu hết các nước trong 1999–2001 khá chính xác, như Hình 3.1 chứng minh. Chúng tôi không thử trưng bày các vị trí được tiên đoán và được quan sát của tất cả sáu mươi tư xã hội trên bản đồ này (thông tin đó được Bảng A-1 trong Phụ lục Internet cung cấp). Hình 3.1 đơn giản minh họa vài thí dụ đại diện. Thí dụ, vị trí được tiên đoán (predicted) cho Phần Lan (Findland) trong đợt khảo sát thứ tư và vị trí thật sự được quan sát (observed) xuất hiện tại phần tư góc trên bên phải, ngay trên vòng tròn (vị trí được tiên đoán xuất hiện như một chấm đen, và vị trí được quan sát như một chấm trắng). Hai chấm này là rất gần nhau, vì đấy là một trong số các tiên đoán chính xác nhất của chúng tôi. Hai tiên đoán chính xác nhất của chúng tôi (cho Tây Đức và Nam Phi) không được cho thấy, bởi vì trong cả hai trường hợp vị trí quan sát được hầu như giống hệt với vị trí được tiên đoán: hai chấm sẽ không thể phân biệt được. Hình này có cho thấy hai tiên đoán kém chính xác nhất của chúng tôi, tiên đoán cho Thụy Điển (Sweden) và Puerto Rico. Ngay cả hai trường hợp này đại thể rơi vào vùng gần đúng, gần các góc cao hơn và thấp hơn ở bên phải, một cách tương ứng, nhưng chúng là các tiên đoán tồi nhất. Hình 3.1 cũng minh họa thêm hai tiên đoán tốt nhất của chúng tôi, cho thấy các vị trí được tiên đoán và được quan sát cho Lithuania (viết tắt như Lith.) và Uganda. Trong mỗi trường hợp, giá trị được tiên đoán là rất gần với vị trí quan sát được.

image

HÌNH 3.1. Các vị trí được tiên đoán và được quan sát trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Tiên đoán của Pháp (France) có độ chính xác trung bình; vòng tròn quanh vị trí tiên đoán của Pháp minh họa lỗi tiên đoán trung bình của chúng tôi. Thụy Điển và Puerto Rico là hai tiên đoán kém chính xác nhất trong số sáu mươi lăm tiên đoán. Phần Lan, Lithuania, và Uganda là trong số sáu tiên đoán chính xác nhất.

 

Các vị trí được tiên đoán và quan sát cho Pháp minh họa độ chính xác trung bình cho các tiên đoán của chúng tôi: vòng tròn nhỏ quanh vị trí được tiên đoán của Pháp trên Hình 3.1 cho thấy dải lỗi trung bình của mô hình của chúng tôi. Vòng tròn lớn hơn trong nửa trên của Hình 3.1 cho thấy kết quả của một tiên đoán ngẫu nhiên, dựa vào thủ tục được thấy trong nửa đầu tiên của Bảng 3.1 (tiên đoán rằng những người trả lời sẽ rơi vào điểm giữa của mỗi thang). Chỉ bảy trong số sáu mươi tư xã hội rơi vào bên trong một lệch chuẩn của vị trí được tiên đoán này. Để bao gồm nửa số xã hội sẽ cần một vòng tròn với một bán kính 2,1 độ lệch chuẩn. Hình này cung cấp một sự so sánh đồ thị giữa lỗi trung bình của các tiên đoán trong mô hình của chúng tôi và dải lỗi lớn hơn nhiều của các tiên đoán ngẫu nhiên: vòng tròn lớn hơn phủ một diện tích lớn gấp mười sáu lần diện tích của vòng tròn nhỏ hơn. Các tiên đoán do mô hình của chúng tôi tạo ra dựa vào dữ liệu từ ba đợt đầu tiên là không hoàn hảo, nhưng nói chung rơi khá gần địa điểm thực sự được quan sát trong đợt thứ tư. Nếu giả như chúng tôi đã bao gồm dữ liệu đợt bốn trong việc tính mô hình của chúng tôi, chúng tôi có lẽ đã có khả năng tạo ra “các tiên đoán” thậm chí chính xác hơn của các vị trí này, nhưng khi đó chúng sẽ không là các tiên đoán ngoài-mẫu đích thực nữa.

Việc Tiên đoán các câu Trả lời của 120 Công chúng trong 2005–2006

Trong các khoa học tự nhiên, nói chung được chấp nhận rằng ta có thể khớp một mô hình với bất kể sưu tập nào của các quan sát, nhưng sự kiểm định cuối cùng của một lý thuyết là khả năng của nó để tiên đoán các hiện tượng chưa được quan sát trước đây. Sự kiểm đinh này là khó hơn nhiều để thỏa mãn trong các khoa học xã hội so với trong các khoa học tự nhiên, bởi vì khoa học xã hội xử lý các hiện tượng phức tạp hơn nhiều, mà được định hình bởi các tương tác giữa nhiều mức phân tích. Một tương tác giữa hai hạt có thể được phân tích chỉ ở mức vật lý; những sự lựa chọn con người dính líu đến các nhân tố vật lý, hóa học, sinh học, tâm lý học, kinh tế, xã hội, địa lý, lịch sử, và văn hóa. Tuy nhiên, có những sự đều đặn nào đó mà có giá trị tiên đoán có thể quan sát được trong hành vi con người. Các tiên đoán về hành vi tương lai sẽ nhất thiết mang tính xác suất và chỉ chính xác một cách đại thể, nhưng chúng có thể cung cấp sự hướng dẫn hữu ích cho các lựa chọn và chính sách.

Bởi vậy, hãy để chúng tôi tiên đoán người dân của các xã hội khác nhau sẽ nói cho chúng ta những gì họ tin và quý trọng trong đợt tiếp theo của các Khảo sát Giá trị được tiến hành trong 2005–6. Mô hình của chúng tôi có thể tạo ra các tiên đoán cho tất cả 192 nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng chúng tôi sẽ hạn chế mình cho việc tiên đoán các giá trị của các công chúng của khoảng 120 nước mà, theo đánh giá lạc quan nhất của chúng tôi, có lẽ có thể được bao gồm trong các khảo sát 2005–6. Các nước này chiếm khoảng 95 phần trăm dân số thế giới.

Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu từ tất cả các đợt của các Khảo sát Giá trị, được tiến hành từ 1981 đến 2001, trong việc đưa ra các tiên đoán này. Cho nên, chúng tôi sẽ cập nhật các nhân tố lệch vùng văn hóa và các công thức tiên đoán được dùng đến nay trong chương này, mà dựa vào dữ liệu từ ba đợt khảo sát đầu tiên. Bảng A-3 trong Phụ lục Internet cho thấy phiên bản các nhân tố lệch vùng văn hóa và các công thức tiên đoán được xét lại. Cả các nhân tố lẫn công thức đều không khác nhiều với các phiên bản sớm hơn, nhưng chúng tôi tin chúng sẽ tạo ra các tiên đoán chính xác hơn một chút của các kết quả từ các khảo sát sẽ được tiến hành trong 2005–6 và được phân tích không lâu sau đó.

Sử dụng dữ liệu từ tất cả các khảo sát sẵn có, chúng tôi ước lượng số điểm trên mỗi chiều trong 2005 cho tất cả các xã hội mà sẵn có dữ liệu trước. Sau đó chúng tôi sử dụng các số điểm này như các biến độc lập trong các phân tích hồi quy cho phép chúng tôi dẫn xuất các hệ số cho các phương trình mới, để tiên đoán số điểm cho các nước chưa được khảo sát trước đây. Bảng A-4 trong Phụ lục Internet cho thấy mô hình của chúng tôi tiên đoán rằng mỗi trong 122 xã hội sẽ rơi vào đâu trên chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý và trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện trong 2005–6. Các giá trị cơ bản có khuynh hướng ổn định, cho nên chúng tôi kỳ vọng rằng các vị trí của các nước được khảo sát trước sẽ gần một cách hợp lý với các vị trí chúng đã có trong 2000, ngoại trừ một xu hướng cho các xã hội giàu có để di chuyển cao hơn trên cả hai chiều trong giai đoạn 5 năm từ 2000 đến 2005. Sai số đo sẽ cũng tạo ra một lượng di động biểu kiến nào đó. Để tối đa hóa sự chính xác, các vị trí trong 2005 của các nước đã được khảo sát trước được tiên đoán từ dữ liệu trước cho nước đó, hơn là từ nhân tố vùng văn hóa cho tất cả các xã hội trong vùng của chúng. Các vị trí được tiên đoán của các xã hội mà đã chưa được khảo sát trước dựa vào giả thiết rằng các giá trị của chúng sẽ được định hình bởi cùng các nhân tố, liên kết với hiện đại hóa và sự bền bỉ văn hóa mà ảnh hưởng đến các giá trị của các xã hội khác và được phản ánh trong mô hình của chúng tôi. Chúng ta sẽ gặp một số ngạc nhiên: hầu như chắc chắn, các công chúng của một số xã hội sẽ lệch một cách nổi bật khỏi các tiên đoán này, hệt như công chúng Hoa Kỳ có các giá trị tôn giáo và truyền thống hơn mô hình của chúng tôi tiên đoán, vì các lý do mà không được thâu tóm trong mô hình. Mô hình này chứa chỉ vài nhân tố, nhưng các giá trị của một xã hội phản ánh toàn bộ kinh nghiệm lịch sử của nó. Tuy nhiên, chúng tôi khá tự tin rằng về tổng thể các khảo sát được tiến hành trong 2005 sẽ mang lại các kết quả khá gần với các tiên đoán tại Bảng A-4 trong Phụ lục Internet.

image

HÌNH 3.2. Các vị trí được tiên đoán trên bản đồ văn hóa của các xã hội có thể được khảo sát trong 2005–6. Các vị trí được tiên đoán của mười bốn xã hội chưa được khảo sát trước được cho thấy trong chữ in nghiêng.

 

Hình 3.2 cho thấy các vị trí được tiên đoán của một số xã hội này trên bản đồ văn hóa. Đặt tất cả hơn 120 xã hội lên bản đồ này sẽ làm cho nó không thể đọc được (mặc dù bạn đọc có thể vẽ vị trí của bất kể xã hội thêm nào có thể được quan tâm, sử dụng dữ liệu tại Bảng A-4 trong Phụ lục Internet). Hình 3.2 đặc biệt chú ý đến việc cho thấy các vị trí được tiên đoán của mười lăm xã hội chưa được khảo sát trước, trong khung cảnh với một số xã hội đã được khảo sát trước. Bởi vì hầu hết các nước giàu đã được phủ rồi trong các khảo sát trước, hầu hết các nước mới được khảo sát rơi vào nửa thấp của bản đồ, với Guatemala, Ecuador, và Paraguay rơi vào một cụm gần các nước Mỹ Latin khác, và Kenya, Ethiopia, và Angola rơi gần cực truyền thống và ở bên trái của điểm giữa của chiều sinh tồn/tự-thể hiện. Yemen cũng được kỳ vọng rơi vào khu vực này, nhưng mô hình của chúng tôi tiên đoán rằng Kuwait, bởi vì mức phát triển kinh tế cao của nó, sẽ cho thấy các giá trị thế tục hơn hầu hết các xã hội Islamic. Trái ngược với hầu hết các xã hội mới được khảo sát, Hồng Kông được tiên đoán để rơi vào khu vực phía trên – gần các xã hội thu nhập cao như Nhật Bản, Đức, và Slovenia. Cyprus cũng là một xã hội có thu nhập tương đối cao, và chúng tôi kỳ vọng nó rơi gần trung tâm, không xa Tây Ban Nha và Croatia. Mặc dù Cuba là một xã hội Mỹ Latin, nó là xã hội duy nhất đã trải qua sự cai trị cộng sản, cho nên mô hình của chúng tôi tiên đoán rằng nó sẽ là một trường hợp nằm ngoài (outlier), có các giá trị thế tục hơn hầu hết các nước Mỹ Latin. Tương từ, Kazakhstan và Kyrgyzstan là các xã hội Islamic đã trải qua nhiều thập niên của sự cai trị cộng sản, và mô hình của chúng tôi tiên đoán rằng chúng sẽ là các outlier khỏi khối chính của các xã hội Islamic, cho thấy các giá trị thế tục-duy lý đáng kể hơn các xã hội Islamic dòng chính. Các mức thu nhập thấp của chúng cũng ngụ ý rằng chúng sẽ có khuynh hướng nhấn mạnh các giá trị sinh tồn thậm chí còn nhiều hơn hầu hết các nước nguyên-cộng sản.

Việc Tiên đoán các Câu Trả lời cho các Câu Hỏi Cụ thể trong 2005–2006

Mỗi trong hai chiều mà trên đó bản đồ văn hóa của chúng tôi dựa vào đề cấp đến số điểm của các niềm tin và các giá trị quan trọng. Như thế, nếu ta biết vị trí của một xã hội trên bản đồ này, ta có thể tiên đoán câu trả lời của công chúng cho nhiều câu hỏi thêm. Để minh họa điểm này, Bảng A-5 trong Phụ lục Internet tiên đoán các câu trả lời của 120 công chúng cho hai vấn đề cụ thể: tỷ lệ phần trăm của những người trả lời trong mỗi xã hội mà sẽ nói rằng “tôn giáo là rất quan trọng trong đời tôi”; và tỷ lệ phần trăm của những người trả lời mà đồng ý với tuyên bố rằng “Khi các việc làm là khan hiếm, đàn ông có nhiều quyền hơn đàn bà đối với một việc làm.”

Không biến nào trong hai biến này được dùng để xây dựng hoặc chiều các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý hay chiều các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện. Chúng tôi trình bày các tiên đoán này để minh họa sự thực rằng mô hình của chúng tôi làm cho có thể để tiên đoán các câu trả lời cho nhiều biến thêm bên cạnh mười biến đã được dùng để xây dựng các chiều này. Việc này là có thể bởi vì mỗi chiều tương quan mạnh với một dải rộng của các biến thêm, như các Bảng 2.2 và 2.3 đã chứng tỏ. Các thái độ đối với bình đẳng giới đã thay đổi nhanh trong hai thập niên được phủ bởi các Khảo sát Giá trị, như thế trong việc tiên đoán các thái độ đối với bình đẳng giới chúng ta không chỉ tiên đoán các câu trả lời của các xã hội chưa được khảo sát trước đây, chúng ta cũng đang thử đạt tới một mục tiêu di động.

Các tiên đoán này là các tiên đoán đích thực. Không khảo sát nào trong số các khảo sát này đã được tiến hành khi cuốn sách này được viết, và nhiều trong số các xã hội này đã không được bao gồm trong bất kể đợt khảo sát trước nào của các Khảo sát Giá trị (vài trong số chúng đã chưa bao giờ được gồm trong bất kể khảo sát trước nào).[2] Khi chương này được soạn, đã là không thể để nói các tiên đoán này sẽ chính xác ra sao. Chúng tôi có thể an toàn cho rằng chúng sẽ chỉ chính xác gần đúng, và trong một số trường hợp chúng sẽ không chính xác chút nào, bởi vì mô hình của chúng tôi sử dụng chỉ bốn biến trong số rất nhiều nhân tố xác đáng có thể hình dung được. Sự thực rằng Hoa Kỳ trệch khỏi vị trí được kỳ vọng của nó trên chiều truyền thống/thế tục-duy lý (tuy không trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện) phản ánh một đặc điểm quan trọng của văn hóa Mỹ không được bao gồm trong mô hình của chúng tôi.

Cho dù mô hình của chúng tôi có đưa ra các tiên đoán hoàn hảo, chúng tôi vẫn sẽ phải đối phó với sự thực rằng dải bình thường của lỗi lấy mẫu trong việc đo các khoản này là khoảng 5 đến 6 điểm, cho nên ngay cả với một mô hình hoàn hảo, các tiên đoán của chúng tôi sẽ chỉ đến bên trong dải này của các giá trị được quan sát. Nói tóm lại, một lỗi tiên đoán trung bình, 5 hay 6 điểm là khoảng gần với sự hoàn hảo như ta có thể đạt được. Tại đầu kia của thang, các tiên đoán ngẫu nhiên sẽ tạo ra lỗi trung bình khoảng 30 đến 33 điểm.

Trong các thí nghiệm tương tự như các thử nghiệm được dùng trong việc tiên đoán vị trí của mỗi nước trên bản đồ văn hóa hai-chiều trong 2000, chúng tôi đã tiên đoán các câu trả lời cho hai biến này, sử dụng mô hình của chúng tôi dựa vào một phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại. Lỗi trung bình trong việc tiên đoán tỷ lệ phần trăm nói rằng “tôn giáo là rất quan trọng trong đời tôi” đã là 10,5 điểm; lỗi trung bình trong việc tiên đoán tỷ lệ phần trăm những người đồng ý rằng “đàn ông có nhiều quyền hơn đàn bà đối với một việc làm” đã là 10,3 điểm. Kết quả này là không hoàn hảo nhưng chính xác hơn các kết quả từ tiên đoán ngẫu nhiên rất nhiều. Chúng tôi cũng đưa ra một tập các tiên đoán ngẫu nhiên (dùng một bộ tạo số ngẫu nhiên), mà tạo ra một lỗi trung bình 32 điểm trong việc tiên đoán tỷ lệ phần trăm đồng ý rằng “đàn ông có nhiều quyền hơn đàn bà đối với một việc làm,” và một lỗi trung bình 31 điểm trong việc tiên đoán tỷ lệ phần trăm nói rằng “tôn giáo là rất quan trọng trong đời tôi.” Về mặt kinh nghiệm, mô hình hiện đại hóa của chúng tôi tạo ra các tiên đoán có lề sai số hay lề lỗi (error-margin) nhỏ hơn các kết quả của các tiên đoán ngẫu nhiên rất nhiều.

Phân tích này áp dụng giả thiết trung tâm của tất cả các thống kê suy luận: các mô hình giải thích được thiết kế để làm giảm lỗi tiên đoán. Các thống kê thích hợp (fitness statistics) trong các phân tích hồi quy dựa vào các so sánh giữa cái được tiên đoán và dữ liệu thực tế: các giá trị được tiên đoán càng đến gần dữ liệu thực tế, sự thích hợp càng tốt hơn, có khuynh hướng xác nhận lý thuyết cơ bản.

Kết luận

Chương này đã kiểm định một mô hình cho phép chúng ta tiên đoán các niềm tin và các giá trị của công chúng của các xã hội cho trước, dựa vào một phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại. Mô hình này là tằn tiện, sử dụng hai nhân tố hiện đại hóa: (1) GDP trên đầu người thực tế 5 năm trước khảo sát, và (2) tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động làm thuê trong các khu vực cho trước; và hai nhân tố di sản lịch sử: (3) xã hội đã trải qua sự cai trị cộng sản bao nhiêu năm, và (4) một hằng số cho mỗi trong tám vùng văn hóa phản ánh mức độ di sản văn hóa của vùng đó khiến nó lệch khỏi tất định luận kinh tế-lịch sử đơn giản. Mô hình giải thích hơn 80 phần trăm của phương sai trên mỗi trong hai chiều chính của sự biến thiên ngang-văn hóa. Chúng tôi sử dụng mô hình này để tiên đoán các giá trị của 65 xã hội được khảo sát trong 1999–2001, kể cả 12 xã hội đã không được khảo sát trước. Khi chúng tôi vẽ các tiên đoán của chúng tôi lên bản đồ hai-chiều, chúng tôi thấy rằng vị trí được tiên đoán của xã hội trung bình rơi vào bên trong một bán kính nhỏ của vị trí thực sự của nó – bên trong một vòng tròn chiếm khoảng 2 phần trăm diện tích của bản đồ. Các vị trí này phản ánh các câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi chính trị và xã hội quan trọng. Sau đó chúng tôi đã sử dụng mô hình này để tiên đoán vị trí của hơn 120 xã hội có thể được khảo sát trong 2005–6; và các câu trả lời của mỗi công chúng cho hai câu hỏi cụ thể mà sẽ được hỏi trong các khảo sát này. Các tiên đoán này được post như phần của Phụ lục Internet của chúng tôi trên website của World Values Survey Association trong tháng Chín 2004. Các tiên đoán này sẽ là không hoàn hảo, như nhất thiết chúng phải là; cho dù mô hình của chúng tôi hoàn hảo, chúng ta sẽ vẫn phải cho phép một lề sai số lấy mẫu. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các tiên đoán này sẽ khá gần với các con số được quan sát.

Mô hình của chúng tôi có vẻ thâu tóm vài trong số các nhân tố quan trọng nhất định hình sự biến thiên ngang-quốc gia trong các hệ thống niềm tin của quần chúng. Chúng tôi đã đặt nền tảng cho việc kiểm định thêm và cải thiện loại mô hình này. Chúng tôi tin rằng cố gắng để tạo ra một hình tiên đoán về sự thay đổi văn hóa có thể đóng góp cho một sự hiểu biết tốt hơn về sự thay đổi văn hóa xảy ra như thế nào và sự thấu hiểu lớn hơn vào các xu hướng dài hạn quan trọng.

Các tiên đoán của chúng tôi mang tính xác suất, không phải tất định, và chúng tôi kỳ vọng chúng chỉ là đại thể chính xác. Nhưng các kết quả của các phân tích trong chương này làm cho chúng tôi khá tự tin rằng các tiên đoán được trình bày ở đây sẽ gần hơn nhiều với các kết quả thực sự được quan sát trong 2005–6 so với các tiên đoán ngẫu nhiên. Mức độ mà các tiên đoán này tỏ ra chính xác sẽ cung cấp một sự kiểm định mạnh về tính hợp lệ của phiên bản lý thuyết hiện đại hóa được xét lại của chúng tôi.


[1] Phụ lục Internet có thể được thấy tại http://www.worldvaluessurvey.org/publications/

humandevelopment.html.

[2] Khi bản thảo này được soạn, dữ liệu nhân được từ Saudi Arabia và Kyrgyzstan nhưng vẫn chưa được phân tích.

Comments are closed.