Mai Quỳnh
Hơn ba mươi năm trước, một tác phẩm văn học mới xuất hiện đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt: tập bút ký và truyện ngắn Bông hồng vàng và Bình minh mưa của Nhà văn Nga – Xô Viết lẫy lừng K. Pauxtopxki. Tên tuổi người dịch Kim Ân cũng đồng thời in đậm trong trí nhớ bạn đọc. (Bản chuyển ngữ có sự đóng góp phần nào của Mộng Quỳnh, bạn ông). Gần đây, một bạn đọc thời đó, nhà báo Nguyễn Thành Phong khi nhắc lại sự kiện vẫn không ngớt lời ngợi ca: “…đó một tác phẩm dịch thuật văn học đã trở thành khuôn mẫu của chuyển ngữ và sáng tạo của một bậc thầy ngôn ngữ chuyển dịch.”[1].
Thế rồi, vắng bóng Kim Ân…
Nhưng tên tuổi Kim Ân không chìm trong quên lãng! Kim Ân đã trở về trong tư thế mới – người sáng tác – tác giả tập truyện ngắn Hoa cúc dại gồm mười ba truyện chọn lọc kỹ càng (NXB Phụ Nữ+Phanbook – 2019).
Trong một lần hiếm hoi hai nhà văn gặp nhau sau bao năm xa cách, người bạn thân quý bảo cô con gái Kim Ân rằng “Ông Hiên có bao nhiêu vốn sống để viết văn hay…”[2]. Quả thực, vốn sống của con người đã trải qua nhiều thăng trầm thời cuộc như một mỏ trầm tích mà tài năng, ý chí kiên cường của người thợ mỏ Kim Ân đã không ngừng khai thác, thu về một kho ngọc quý. Hoa cúc dại chỉ là một góc nhỏ. Nhưng, nguyên cái góc nhỏ ấy thôi cũng đã là “một thế giới nhân vật mở ra phong phú với nhiều hạng người trong xã hội hiện đại với nội tâm phức tạp, biến chuyển tâm lý đầy bất ngờ… các hình tượng trong văn chương Kim Ân hướng tới tính điển hình, hứa hẹn có sức sống dài lâu…” (trang bìa 4).
Chúng tôi không có tham vọng đi sâu nghiên cứu bút pháp truyện ngắn Kim Ân, công việc của các nhà lý luận phê bình văn học. Ở đây, chúng tôi trình bày những cảm nhận Hoa cúc dại đem đến cho mình.
Một không gian bao la đã mở ra trong 321 trang sách. Từ phố Tràng Tiền, trung tâm Thủ đô Hà Nội tới thôn Bình Cát miền Trung du xa xôi. Từ xóm đạo hẻo lánh đồng bằng tới con đường rừng heo hút gập ghềnh; từ con đường số 4 nơi biên ải phía Bắc tới con suối đơn độc bị bỏ quên sau chiến tranh ở phương Nam. Từ nhà tù tít tắp rừng sâu trong nước tới thành phố Lyon tráng lệ; từ cái thị trấn nghèo có hồn ma miền Normandie đầy sương mù – trên đất Pháp tới cái làng cũng rất nghèo Chlebovo – Ba Lan trong Thế chiến II. Rồi từ bản làng nằm trên mỏ đá quý, và cái thị trấn có tên Cù Cưa ở Việt Nam đến tận Berlin – Thủ đô nước Đức… Nhiều lắm. Mỗi nơi, Kim Ân vẽ nên một đôi nét chấm phá đặc trưng, nơi này không lẫn với nơi kia, ghim những hình ảnh đặc sắc vào trí nhớ bạn đọc.
Con đường Tràng Tiền giữa Thủ đô Hà Nội đầu những năm 60: “Người mất ngủ giật mình, chợt nhận ra anh đang ở phố Tràng Tiền. Tiếng chuông đồng hồ đột ngột bay ra từ một cái cửa sổ tối đen trên gác một ngôi nhà hai tầng cắt ngang những suy nghĩ của anh. Nó đập vỡ thành từng mảnh cái yên lặng tĩnh mịch của đêm khuya với một tiếng động ròn và sắc của chiếc cốc pha lê rơi xuống sàn đá hoa…” (Đêm mất ngủ, trang 210). Người viết nhớ như in rằng, vào cuối những năm 50, đầu 60, đôi khi đêm Hà Nội vẫn còn thánh thót tiếng chuông đồng hồ cổ ấy. Tiếng chuông đồng hồ cổ đập vỡ từng mảnh cái yên lặng tĩnh mịch của đêm khuya, đồng thời, cùng tiếng chuông Nhà Thờ Lớn gieo vào lòng người Hà Nội khi đó một giây phút bình yên, và gọi tâm trí người ta hướng về một miền xa xưa đầy ắp giá trị tinh thần.
Kim Ân đặc tả Lyon, thành phố quan trọng thứ nhì nước Pháp: “Lyon to kềnh càng và kiều diễm đáo để… Tôi hoàn toàn bị ngợp trước cái vĩ đại của đại giáo đường Đức Bà trên đồi Fourviere và từng họa tiết con con ở mọi bức tường, mọi cây cột, và cả trên cái vòm cao 27m của nó… Ban đêm tôi thường dừng lại nhiều lần bên cái đài cao vòi vọi ở quảng trường Bellecourt để ngước mắt lên chiêm ngưỡng Saint-Exupery bé tí tẹo và cô đơn. Ông nhà văn tài hoa của tôi chắc đang mê mải với một chuyến bay đêm lần thứ n của đời nghệ sĩ. Tôi thích cả những biểu tượng giật gân của Lyon. Tỷ như cái cửa hàng Những Nụ Hôn Man Rợ (Les Baisers Sauvage) ở gần Nhà hát ca kịch” (Người chỉ đường ở Lyon, trang 110). Trang văn đẹp này bỗng nhiên gợi lên trong đầu người viết đã từng có dịp may đến nơi đây một mong muốn trở lại thành phố nằm giữa hai con sông Saône và Rhône xanh biếc, hiền hòa ấy một lần nữa để chiêm ngưỡng những cảnh trí Kim Ân đã khắc họa bằng ngòi bút tài hoa ở trên. Còn nữa, còn nhiều lắm. Một mảnh rừng còn sót lại sau chiến tranh ở Miền Nam trong một lần đi tìm hài cốt người thân liệt sĩ: “Cái nơi nhìn từ xa chỉ thấy một màu xanh đậm ấy hóa ra là một khu rừng… trước kia nó còn rậm rạp hơn thế, chắc người ta khai phá rừng mới ra thế này; rồi đến một con suối cạn, một cái hốc um tùm cành lá và dây leo, cái hốc tối mò, hẹp, nông, đất ướt nhoẹt… dưới lớp đất mỏng đó có hai bộ hài cốt…”. Còn gì thê lương hơn! (Nấm mồ, trang 68-70). Và đây, quang cảnh chiến trường trên cánh đồng cỏ Chlebovo – Ba lan ngày Hồng quân Liên xô dồn quân phát xít về hang ổ của chúng: “…từ phía những khu rừng bỗng nổ ran tiếng tiểu liên và lựu đạn hòa lẫn tiếng hô “Ura” như một đợt sóng âm lướt nhanh trên tán lá rừng… tiếng đạn ríu chiu chiu trên đầu và tiếng xe tăng gầm rú. Rồi một ánh chớp lóe lên…”. Chiến tranh ác liệt đến thế là cùng! (Sao đổi ngôi, trang 190).
Cứ như thế, Kim Ân dẫn dắt bạn đọc đi từ những nơi thân thuộc ta đã gặp trong đời đến những vùng xa lắc xa lơ mà vẫn hiện ra như cảnh thật trước mắt mình.
Trong không gian đa chiều ấy đã mở ra thế giới nhân vật phong phú với nhiều hạng người trong xã hội hiện đại có nội tâm phức tạp, biến chuyển tâm lý đầy bất ngờ. Hơn 60 nhân vật của 13 câu chuyện hiện lên như thật, đủ các lứa tuổi: chú bé mới lẫm chẫm biết đi, cô thiếu nữ, ông bà già sắp từ giã cõi đời, người miền xuôi, người miền núi, người Việ tha hương , người Pháp, người Đức, Ba Lan, Nga. Có cả hai bộ xương người lính hai bên ôm nhau khi sắp chết. Và hồn ma nữa.
Hàng trăm con người ông đã gặp gỡ, tiếp xúc trong hơn ba mươi năm đời ông nếm trải gian truân. Hơn ba mươi năm ở độ tuổi sung sức, không hề ngắn! Ông đã trải qua mọi trạng huống vui buồn, đau khổ, có khi tuyệt vọng. Ông đã gặp kẻ hiểm ác, người lương thiện, người tử tế, kẻ gian xảo, lọc lừa… Nhưng với tâm trí thánh thiện cùng con tim nhân hậu, Kim Ân đã chọn lọc kỹ càng đưa lên trang sách những nhân vật chịu nhiều nỗi oan khiên mà vẫn bao dung, độ lượng, không mang hận thù dai dẳng.
Ngòi bút Kim Ân nghiêng về phía những người ít may mắn trong cuộc đời: người lái xe miền Nam tập kết và hành khách đi nhờ (Đường số 4), người thương binh bị chứng mất ngủ triền miên và người không được ngủ để theo dõi người ấy, đôi tình nhân gặp cảnh trớ trêu (Đêm mất ngủ), người vợ liệt sĩ, người cựu binh thọt chân (Nấm mồ), người liệt sĩ vô danh, dân xóm nghèo (Hoa cúc dại), người khai sơn phá thạch rồi bị đối xử bất công (Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa), người Việt lưu vong và cả người bản xứ (Cõi âm, Người chỉ đường ở Lyon, Sao đổi ngôi). Có niềm tin ngây thơ nhưng chân thật (Đêm mùa Xuân), có đôi lời huyênh hoang vô hại (Đường số 4), có chút sĩ diện hão (Cõi âm)… Nhưng tất thảy trong những con người ấy và những người quanh họ đều chan chứa lòng vị tha, nhân hậu.
Xin phép đi sâu hơn một chút. Ba nhân vật tôi phải kể ra trước hết là chú bé con và hai cô thiếu nữ. Chú bé mới chập chững biết đi giữa ông nội, ông ngoại bé ở quảng trường Brandenburg nước Đức: “Nó cười toe toét, tin cậy giao hai bàn tay bé tý cho hai ông nó dắt”. Ông nội, ông ngoại bé vốn là hai cựu thù. Tôi tin rằng, nét cười toe toét và hai bàn tay tin cậy của bé cùng thời gian sẽ xóa đi nỗi thù hận đó.
Chỉ bằng đôi nét Kim Ân đã khắc họa hai khuôn mặt thiếu nữ rất đỗi trong sáng, ngây thơ. Tác giả kể: “Tý Chuột lên chín, hay chạy sang chơi với tôi, ngồi dựa vào tôi, ngước cặp mắt có hàng mi dài và đen… mỉm cười vô cớ và im lặng” (Hoa cúc dại, trang 120). Còn Jenny của ngôi làng nhỏ Chlebovo – Ba Lan đang nghe bà lão hàng xóm dạy nhạc kể chuyện sao đổi ngôi: “Jenny chớp chớp mắt. Nó còn suy nghĩ đã. Bà lão nheo mắt nhìn sát vào khuôn mặt sáng láng của Jenny và thấy trên đó có hai bàu trời sao” (Sao đổi ngôi, trang 181). Những đôi mắt, cứ có dịp là Kim Ân lại đặc tả đôi mắt, những đôi mắt ám ảnh tâm trí bạn đọc.
Truyện hay, hay ở chi tiết – một nhà văn bạn tôi đã nói vậy. Chi tiết làm câu chuyện trở nên sống động. Đọc phần đầu Ông thông gia, tôi giật mình, không có lẽ Nhà văn Kim Ân đã quen thân chú em kết nghĩa của vợ chồng tôi. Chú em là hậu duệ họ Đoàn chả cá Hà Nội. Ôi, tất cả cử chỉ, lời nói của cô Lương trong truyện y hệt em tôi. Em tôi không hề “pêđê” chút nào, vợ con đề huề, đến nay đã gần 60 khi ra đường cũng thoa một chút phấn hồng lên má, cũng bước đi ẻo lả, luôn gọi tôi là anh giai, anh giai. Tôi buột miệng kêu: Kim Ân thánh thật. Tất nhiên, phần sau là câu chuyện khác của nhân vật cô Lương. Những lời đối đáp sắc cạnh giữa hai con người từng ở hai phe đối địch: vị linh mục già và người bỏ đạo cũng già như ông trong Lời xưng tội lúc nửa đêm chạm đến đôi điều cốt tủy của triết thuyết đức tin của đạo Công giáo chưa có lời giải đáp thuyết phục. Nhưng tất cả chỉ là nền cho một điều tác giả gửi tới bạn đọc. Đó là: “Hạt thiện gieo đến đâu thì cây thiện mọc lên ở đó… và, tính thiện trong con người ta luôn có; chờ dịp nào đó là nó trỗi dậy; nó đã trỗi dậy đúng lúc trong hai con người một thời đối địch kịch liệt này! Chi tiết sau cùng thật đắt giá. “…linh mục và người sắp chết ngồi ôm nhau trên giường, người nọ gục vào vai người kia, hai đôi vai gầy thỉnh thoảng giật lên khe khẽ trong ánh sáng nhợt nhạt của cây tọa đăng đã cạn dầu” (Lời xưng tội lúc nửa đêm, trang 56).
Ở bất kỳ truyện nào trong Hoa cúc dại, bạn đọc cũng sung sướng bắt gặp những chi tiết đắt giá như thế!
Trong truyện, người xấu có, không nhiều song rất điển hình đang hiện diện khắp nơi. Một người thăng tiến vì khéo núp vào cái bóng của thuộc cấp có tài thật sự; một kiểu ăn cắp trí tuệ khôn lanh. Người thật đột ngột mất đi thì Cái bóng ấy cùng kẻ núp vào đó cũng đổ theo (Cái bóng). Một kẻ có chút quyền nhỏ mưu mô xảo quyệt cướp trắng tài sản dân lành cũng phải tha hương cầu thực (Ông thông gia). Một đứa con hoang được cả xóm nghèo bảo bọc. Xóm lên thị trấn, con bé ấy được bồi dưỡng, cơ cấu làm chủ tịch cái thị trấn ấy. Y thị vào hùa với thế lực cầm quyền hà hiếp chính những người nuôi dưỡng y. Lòng dân oán thán, hàng xấp đơn kiện tụng, hàng đoàn thanh tra… đâu vẫn hoàn đó. Một ví dụ không thể sống động hơn cho cái nguyên lý mua-bán sòng phẳng trong cơ chế kinh tế thị trường qua câu nói và cử chỉ với anh nhà báo được cử viết bài điều tra về cô sau khi cô cho anh ta làm tình. Với cô ta, đó chỉ là: “một cuộc trao đổi sòng phẳng của hai đồng minh giai đoạn, đồng chí ạ” (Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, trang 314). Rồi y thị cũng chết trong cơn lũ quét do cái đập chính y xây nên nhằm thu lợi bị vỡ.
Cái kết cục của những nhân vật xấu ấy dường như theo câu nói cửa miệng đầy chất nhân văn của dân gian: “Người hại không chết, Trời hại mới chết”.
Kim Ân đầy bản lĩnh khi đụng chạm tới lĩnh vực tế nhị: linh hồn, tâm linh. Đôi mắt màu đêm, Nấm mồ, Cõi âm. Có chút gì hoang dã, lạnh lẽo và ma quái. Nhưng không rùng rợn. Ma quái thôi, không hề có ma quỷ. Bởi Kim Ân có kể chuyện ma đâu, chuyện người cả đấy. Một cuộc tình trong trắng, một cô gái cho mà không đòi gì cả (Đôi mắt màu đêm). Hai người lính thuộc hai bên đối địch chia sẻ từng chút lương khô, nước uống, từng cuộn băng còn sót. Rồi ôm chặt lấy nhau cùng chết và chỉ đường vô thức cho người thân đi tìm (Nấm mồ). Hơn 40 trang Cõi âm là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa một người đang sống với một hồn ma để cuối cùng rút ra một kết luận không thể đời thường hơn: “Họ mặc cả với tất tần tật các thứ đấng thiêng liêng… Ân huệ to thì vật hiến tế phải to” (trang bìa 2).
Chúng ta có một Kim Ân mà thành hai. Kim Ân chuyển ngữ tài hoa đem đến những phút giây êm đềm, lãng mạn bay bổng. Kim Ân tác giả truyện ngắn điêu luyện chỉ dẫn con đường hướng thiện mà đi.
Qua Hoa cúc dại, một góc rất nhỏ trong văn nghiệp Kim Ân, tôi mạo muội đặt biệt danh ông là Nhà văn “đứng về phía người không may mắn”. Có chăng, một sự tương đồng? Hai bạn văn thân thiết của Kim Ân, một người “đứng về phe nước mắt”, một người “đứng về phía người yếu thế”[3].
Tôi mạn phép thưa thêm với Nhà văn: Ở Hoa cúc dại còn nhiều đất trống mà bàn tay khéo léo của ông có thể gieo hạt giống quý. Mầm sẽ nảy, cây sẽ lớn, đơm hoa kết trái. Như, những tháng ngày gian truân, Hồng Liên, bông “sen hồng” của Bình Cát cùng gia đình người lính chết bất ngờ cạnh đường thôn cất công tìm kiếm chính danh cho anh; những ngày tháng mỏi mòn chạy các cửa quan đòi chính quyền cư xử công bằng với anh mà vô vọng. Và, trong 12 năm cư dân xóm nhỏ ấy chờ tác giả, 12 năm cô bé Tý Chuột gặp bất hạnh mồ côi mẹ, sống trong sự đùm bọc của ông Mộc và bà con. Cô bé lớn lên, chịu thương chịu khó học hành trở thành cô giáo cấp 1 gieo chữ cho các em nhỏ vùng sâu ấy. Cô xinh đẹp, ngoan hiền hẳn là có một mối tình. Một mối tình đẹp, ông nhé. Xã hội đầy Sở Khanh, ông chớ để đóa “sen hồng” có đôi mắt đen nhánh của chúng ta gặp phải một tên nào đó, tội nghiệp lắm.
Khi ấy, đồi hoa cúc dại đã được lấp đầy hoa tươi. Không còn một đồi, mà là một Miền. Trên giá sách quý của tôi sẽ xếp ba cuốn Miền đáng giá: Miền xanh thẳm – Trần Hoài Dương, Miền thơ ấu – Vũ Thư Hiên và Miền hoa cúc dại – Kim Ân.
Sài Gòn, mùa Vu Lan Giáp Thìn – 2024
Ghi chú: Những từ in nghiêng rút từ tác phẩm Hoa cúc dại.
[1] https://vanviet.info/tren-facebook/nh-van-vu-thu-hin-o-viet-phu-thnh-chuong/
[2] FB Vũ My Lan.