Tự thuật của Annie Ernaux hay xã hội học của ký ức?

Bảo Chân

 

Người ta thường gắn tác phẩm của Annie Ernaux với thể loại tự truyện / hồi ký. Các tác phẩm thể loại này của bà nổi bật với một cách tiếp cận mang tính cá nhân sâu sắc đồng thời lại hướng mạnh mẽ đến nhiều vấn đề xã hội chung. Từ đó lối viết tự truyện hồi ký của bà không giới hạn ở việc tái hiện một hành trình cá nhân, mà còn góp phần giải mã các cơ chế xã hội, văn hóa và lịch sử đã định hình sự hiện sinh của bà với tư cách là một người nữ trong xã hội.

Đọc Annie Ernaux, người ta vẫn luôn kinh ngạc về một phong cách đặc biệt: một văn phong tự sự trung tính nhưng đi thẳng vào người đọc, một cái tôi không còn hạn hẹp riêng tư của cá nhân mà là cả “chúng ta” trong xã hội, các vấn đề và sự kiện riêng tư nhưng trở nên phổ quát, đặc biệt khi viết về tình dục, sự thống trị của đàn ông và “số phận” người phụ nữ trong xã hội.

Một tự sự trung tính

Đặc tính làm nên khác biệt trong văn phong của Annie Ernaux là sự trung tính rất mạch lạc, ở Pháp người ta gọi là “écriture blanche” (“lối viết trắng”): ngôn ngữ tối giản, không có giọng điệu trữ tình, không phán xét cá nhân (yêu/ghét/tốt/xấu). Mỗi sự kiện được tái hiện như nó vốn đã diễn ra (vụ phá thai phi pháp trong L’Évenement), cảm xúc và suy nghĩ mô tả với độ chính xác lạnh lùng (lần đầu quan hệ với một người đàn ông mà không phân định rõ mình có đồng thuận không trong Mémoire de fille Hồi ức thiếu nữ), như thể bà đang soi tỏ cuộc đời mình dưới kính hiển vi xã hội học (phản tư sự tồn tại của cá nhân trong bối cảnh các sự kiện xã hội và lịch sử trong Les Années).

Sự trung tính này không phải là thiếu cảm xúc, mà là ý muốn khách quan hóa một trải nghiệm chủ quan: Annie Ernaux luôn tránh những tô vẽ hoa mỹ và những biểu đạt tình cảm ủy mị, và chính vì vậy, những câu chuyện của bà chỉ với lượng ngôn từ vừa đủ nhưng thường mang đến một sức mạnh trực diện và một sự chân thực trần trụi… Lối viết dựa trên sự kiện, gần như mang tính tài liệu này, cũng mang lại một chiều kích phổ quát cho trải nghiệm cá nhân của bà bằng cách đặt nó trong một bối cảnh chính trị – xã hội cụ thể.

Một cái tôi của tất cả “chúng ta”

Tự truyện trong tất cả các tác phẩm của Annie Ernaux vượt ra ngoài sự tự vấn đơn thuần. Có thể nói bà khai mở một kiểu người kể có “cái tôi xã hội học”, nghĩa là trải nghiệm cá nhân của bà không thể tách rời khỏi các cấu trúc xã hội, các chuẩn mực văn hóa và các mối quan hệ quyền lực của thời đại và môi trường bà sống (phân tích địa vị của cha mình trong cấu trúc xã hội Pháp trong tiểu thuyết La Place), và vì vậy chuyện tưởng là riêng tư của một người trở thành tiếng nói chung của nhiều người trong xã hội. Những câu chuyện bà viết là một nỗ lực không ngừng để giải mã cách mà bản sắc cái tôi của bà đã được định hình bởi xuất thân gia đình, nền giáo dục, giới tính trong bối cảnh phát triển của xã hội Pháp.

Trong tác phẩm Mémoire de fille, bà kể lại hồi ức của mùa hè năm 1958 và trải nghiệm tình dục đầu tiên của mình, phân tích tác động của sự kiện này đối với sự hình thành bản sắc phụ nữ suốt hành trình cá nhân. Bà xem xét cách các chuẩn mực xã hội thời bấy giờ, đặc biệt là về tình dục nữ và sự thống trị của đàn ông, đã định hình nhận thức của bà về bản thân và thế giới như thế nào. Cảm giác xấu hổ, bối rối và xa lánh của bà sau trải nghiệm đầu tiên ấy được phân tích không chỉ như một phản ứng cá nhân, mà còn phản ánh những trói buộc và những điều cấm kỵ vẫn đè nặng lên phụ nữ trẻ thuộc thế hệ của bà vào những năm 60-70. “Cái tôi” tự thuật của bà luôn luôn được đặt trong mối quan hệ với “chúng ta” của những phụ nữ cùng thời.

Tính phổ quát của các vấn đề: tình dục, sự thống trị của đàn ông và “số phận” phụ nữ

Mặc dù bắt nguồn sâu sắc từ trải nghiệm cá nhân, tác phẩm của Annie Ernaux cộng hưởng với một sức mạnh phổ quát khi đề cập đến những vấn đề cơ bản liên quan đến thân phận phụ nữ.

Tình dục nữ: Ernaux khám phá sự phức tạp của tình dục nữ bởi vì đó là chuyện thường bị gán với sự xấu hổ, tội lỗi và xa lánh. Viết từ chính kinh nghiệm cá nhân, bà đã phá vỡ những điều cấm kỵ và sự im lặng xung quanh ham muốn của phụ nữ, trải nghiệm tình dục đầu tiên (như trong Mémoire de fille), việc phá thai (trong L’Événement) và các mối quan hệ tình ái (trong Une passion simple). Việc bà viết và kể những trải nghiệm của chính mình một cách thẳng thắn không tự kiểm duyệt, đã làm nổi bật những khó khăn của phụ nữ trong việc làm chủ cơ thể và khoái cảm của họ trong một xã hội gia trưởng. Chuyện kể của bà do đó trở thành một hình thức giải phóng và thừa nhận cho những phụ nữ khác đã trải qua những trải nghiệm tương tự.

Thân phận phụ nữ: Trong Mémoire de fille, hành trình và cách thức “cô gái năm 58” nội tâm hóa sự xấu hổ và im lặng sau trải nghiệm tình dục đầu tiên cho thấy sức nặng của những kỳ vọng xã hội và “số phận” kín đáo và phục tùng luôn được áp đặt lên vai người nữ. Ernaux chất vấn khái niệm “số phận” được gán cho phụ nữ trong một xã hội gia trưởng. Bà khám phá những kỳ vọng xã hội, những mệnh lệnh mâu thuẫn và những hạn chế áp đặt lên phụ nữ dựa trên giới tính của họ. Hành trình cá nhân của bà được khẳng định và hình thành bởi ý chí giải phóng bản thân khỏi những vai trò truyền thống, là minh chứng cho một cuộc đấu tranh chống lại “số phận” được định sẵn ấy. Những câu chuyện của bà làm nổi bật những sự hy sinh, những thỏa hiệp và sự kháng cự của phụ nữ trước những ràng buộc xã hội và gia đình. Văn bản tự sự của bà là nơi mô tả rõ ràng và mạch lạc nhất về việc cơ thể phụ nữ thường là nơi diễn ra những vấn đề chính trị và xã hội, chịu sự chi phối của những chuẩn mực và phán xét cụ thể.

Vì vậy tác phẩm tự sự của Annie Ernaux đã phá vỡ sự im lặng, góp phần thức tỉnh “chúng ta” và giúp nhìn nhận lại việc giải cấu trúc các mối quan hệ thống trị giữa các giới, giữa các tầng lớp xã hội.

14-05-2025

This entry was posted in Nghiên cứu Phê bình and tagged . Bookmark the permalink.