Tuệ Sỹ và bài thơ Biệt cấm phòng

Phạm Hiền Mây

I/ KẾT TỪ

Đây là hai câu thơ mở đầu tập thơ Giấc mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ.

Hai câu với nhan đề Kết từ, nên chúng ta vẫn có thể xem nó là một bài thơ, một bài thơ hoàn chỉnh.

Xưa nay, tôi vẫn thầm khâm phục những tác giả viết một bài thơ, mà chỉ có hai câu, hoặc ba câu.

Phải là bậc tuyệt tài, thì mới có thể cô đọng ý tưởng đến mức, một vấn đề nêu ra và được giải quyết triệt để, bởi chỉ trong hai hoặc ba câu thôi.

Và ngài Tuệ Sỹ là một trong những bậc tuyệt tài như thế:

KẾT TỪ

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Ngược xuôi là hình ảnh thường thấy, mang nghĩa lên xuống, vất vả, đó đây, theo những hướng khác nhau, trái chiều nhau: Những là đo đắn ngược xuôi / Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Gió lạnh sương sa nặng hạt rồi / Thuyền ta đậu lại bến này thôi / Sáng mai xuôi ngược về đâu nhỉ / Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi (Ngược xuôi, Nguyễn Bính).

Nửa cung đàn, như bản nhạc, mới chỉ đánh lên nửa chừng, chưa trọn vẹn một cung; như bài thơ, như cuộc đời, như con đường của nước non, còn lỡ dở.

Ngược xuôi thì vốn cũng thường tình, sinh ra nơi cõi người này, ai mà chẳng thế, ai chẳng phải tất bật mưu sinh, tất bật tồn tại. Chỉ là, trong tất bật ấy, nhớ quá chừng nhớ, cây đàn đang còn nằm lặng im, chờ người quay về, đánh nốt những âm giai còn dang dở.

Không biết đến khi nào, người mới lại trở về. Không biết đến khi nào, mới trùng phùng sum họp. Không biết đến khi nào, nửa cung còn lại mới được tay người tấu lên cho trọn. Không biết đến khi nào, mới lại được rớt nước mắt mừng vui, cho bõ những ngày dài trông ngóng người xa.

Đến rồi đi, sanh rồi tử, cuộc đời chỉ trong một chớp mắt, như thân ở trọ, rồi cũng phải đến lúc về. Trước khi về, thèm ngồi lại bên cây đàn xưa, gõ lên phím dương cầm xanh, những giai điệu của một thời tuổi xuân say mê chất ngất, say mê những du dương, đưa hồn vào khoảng trời mênh mông mây trắng; hay bên khu vườn thu, lá vàng rơi ngập lối; hay bên mùa đông giá lạnh, nghe gió rít từng cơn ngoài song, mà thương người trễ tràng bước chân, phải đành áo vai sương ướt.

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về, hỏi mà chẳng đợi trả lời, vì biết, sẽ chẳng câu trả lời nào là thỏa đáng, vì biết, trả lời nào cũng sẽ là thừa trước một trí tuệ uyên nguyên, thâm sâu, xuất chúng như ngài vậy.

Ai đem quán trọ mà ngăn để chân người dùng dằng, khó dứt? Ai đem chốn mộng tưởng đảo điên mà ngăn để lòng người cứ mãi vấn vương?

Một mảnh trăng non. Một phiến dương cầm. Chút gió heo may. Chút màu cánh nhạt. Dăm ba khổ lụy. Dăm ba nụ cười. Tất cả những vừa kể ra ấy, đều chính là hiện thân của quán trọ, để ngăn vị hành giả trở về.

Dẫu gì, thì ngài, rồi cũng đã trở về. Nơi ấy, giờ đây, ngài có còn làm thơ? Nơi ấy, giờ đây, mười ngón tay gầy, có còn lướt trên phím đàn tấu lên khúc dương cầm xanh muôn thuở? Nơi ấy, ngài có còn nhớ chăng, những ngày mưa nắng, những đêm không ngủ, vì thương huynh đệ, thương Đạo Pháp, thương dân tộc, thương non sông, nhiều phen thăng trầm rất đỗi?

Có mười bốn chữ thôi mà làm nao núng hết cả tâm hồn người đọc. Có mười bốn chữ thôi, mà làm bâng khuâng, mà làm người đọc phải suy nghĩ về quãng đời mình đã đi qua: sống, có phí phạm không, sống, có đáng không; cũng như khiến người đọc, phải suy nghĩ về quãng đời còn lại, trước lúc thu xếp hành trang để theo chuyến tàu cuối cùng rời ga nhân thế.

Chỉ có thể là ngài thôi, Tuệ Sỹ, một học giả làu thông kinh điển, một thiền sư tiêu sái tiêu dao, một nhà thơ tài hoa xuất chúng, một người Việt Nam yêu nước thương dân:

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

******

II/ BIỆT CẤM PHÒNG

Cũng hôm nay, xin giới thiệu đến quý bạn, một bài thơ chữ Hán nữa trong tập thơ Ngục Trung Mị Ngữ của ngài Tuệ Sỹ

BIỆT CẤM PHÒNG

Ngã cư không xứ bất trùng thiên

Ngã giới hư vô chân cá thiền

Vô vật vô nhơn vô thậm sự

Tọa quan thiên nữ tán hoa miên

******

Vị hành giả đang ngồi thiền, an nhiên nhập định trong phòng biệt giam. Người đã nhập định đến tầng trời Không Vô Biên Xứ, nơi không gian vô cùng, vô tận.

Không Vô Biên Xứ Thiên là cõi trời đầu tiên trong bốn cõi trời Tứ Không. Ba cõi còn lại là Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Vị thiền sư đã xả bỏ hoàn toàn các ý niệm về không gian và thời gian, xả bỏ hoàn toàn các ý niệm về vật, về người, và muôn ngàn những ý tưởng đảo điên khác nơi phàm trần, để nhập thể vào cõi vô biên vô hạn.

Giờ đây, ngài ngồi rất yên trong phong thái tự tại, siêu thoát, và với tất cả thanh tịnh, ngài nhìn thấy các thiên nữ, mang hoa cúng dường, đi rải khắp trời xanh.

Đạo lực ấy chính là Pháp đối trị với chốn tù đày, lao ngục. Người ta có thể gông cùm được thân xác, nhưng trí tuệ, nhưng trái tim, tâm hồn, tấm lòng, thì không một ai có thể giam hãm được. Nhờ Đạo lực này, mà ngài đã không để mình rơi xuống vực mê.

******

Và cũng như mọi lần, từ bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt trên của ngài Tuệ Sỹ, tôi diễn nghĩa ra bằng thể thơ lục bát:

BIỆT CẤM PHÒNG

không vô biên xứ thảnh thơi

an nhiên thiền định xa rời cảnh ma

chẳng người chẳng vật điêu ngoa

ngồi nhìn thiên nữ rắc hoa cõi trời

(Phạm Hiền Mây)

Sài Gòn 07.11.2024

Comments are closed.