Văn xuôi Trần Vũ – một “trường hợp” khác

Đoàn Huyền

Văn xuôi Trần Vũ vốn được xem là dị biệt, nên nói sáng tác của nhà văn là một trường hợp khác có lẽ thừa. Nhưng, xét lại, vẫn có chuyện phải bàn. Bởi ngay cả những lời biện minh như thế này: “Trần Vũ và Nguyễn Huy Thiệp không giống nhau, ngoại trừ việc dùng lịch sử làm tay sai cho những điều muốn nói”[1] khó có thể sáng tỏ điều gì, khi tự thân, nó cũng là một vấn đề. Là vì, muốn khẳng định Trần Vũ không “bắt chước”, “không giống” một người viết đi trước nào đó, thực chất vẫn là muốn xác định “trường hợp Trần Vũ” thông qua những giá trị đã quen, đã định hình, thậm chí, làm như vậy, có nghĩa hoặc đã không lường được, hoặc đã giới hạn, hoặc đánh mất những khả tính. Với thân phận cầm bút của mình, Trần Vũ đương nhiên không giống Nguyễn Huy Thiệp. Lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp hờ hững, thản nhiên một sự thật khách quan. Thái độ Nguyễn Huy Thiệp nguyên vẹn bình thản thái độ kẻ đọc sử. Trần Vũ không có cái bình tĩnh ấy. Lịch sử với Trần Vũ là kỷ niệm chết lưu. Hiện thực trong sáng tác nhà văn là hiện thực mê sảng, hiện thực đang lên cơn sốt. Trần Vũ khác chính ở điểm này: Vượt trên bộ mặt được thao tác phóng đại kinh khiếp của lịch sử, của hiện thực là cảm giác cùng lúc run sợ, thống khổ, hoan lạc, lịch sử không phải tội nhân duy nhất, chân dung tàn khốc của lịch sử, diện mạo dữ dằn của hiện thực còn hiển lộ từ căn gốc cái Ác của con người, cái Ác người viết không kết án, không bênh vực, nhưng đồng lõa, can dự, tận hưởng. Có điều, can dự, tận hưởng bằng một tâm hồn vẫn hoài thơ dại.

Hiện thực văn xuôi Trần Vũ, có thể nói, như là địa bàn của cái Ác. Ở đó nó suy tôn cái hung bạo, đuổi cổ cái thiện, hắt hủi cái đẹp, cười vào mũi cái cao cả, khoác gấm vóc lụa là cho dục vọng. Một mình nó ngang ngược, độc tôn. Thế giới Trần Vũ, như chỉ mình nó. Mình nó. Đơn âm. Nhân vật, diễn biến, sự kiện, cả thế giới văn xuôi Trần Vũ, vì sự độc tôn ấy, nếu “hình dung ở bên ngoài câu truyện – và bị tước mất sự hấp dẫn của truyện” thì “có vẻ giả tạo, mang tính sắp đặt.”[2]

Ở đấy, diện mạo tròn đầy phúc lạc của thế giới vỡ thành những vụn thủy tinh. Thế giới đúc nặn lại hình hài bằng những búi gai hung hiểm mọc lên từ mung mủ của chính mình – “trái đất xoay như thỏi đá cứng, những cạnh gai góc cắt vào chốn vô hình” (Giấc mơ Thổ). Khối rubic hiện thực xoay ra bộ mặt dữ tợn, hăm dọa – “bóng của cả năm mươi gian nhà san sát đổ dồn vào trong đáy ly. Bất chợt. Dữ dằn. Lần nào ngắm dinh cơ của Quý, tôi cũng nổi gai, rờn rợn”, “nắng buổi chiều gay gắt. Dữ dội. Tát thẳng vào mặt. Cơ ngơi của Quý quái vật” (Giấc mơ Thổ). Không gian ngập đầy vẻ u uất, nhơ bẩn: “Chiều đó, bầu trời bẩn lắm. Có nắng, nhưng cũng nhiều mây, thứ mây đen tối bao phủ trên nền trời đất nước” (Gia phả), “hôm ấy ám trời, cả một mặt đầm gợn sắc mây, mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì vẩn vơ trên mặt nước” (Mùa mưa gai sắc). Sự sống chỉ là tồn tại trơ tráo hoặc của những thân xác đang tàn rữa: “Phú Xuân ở vào thời điểm đó mang sắc đẹp của một người đàn bà cực kỳ sắc sảo nhưng đã chung chạ quá nhiều, sau bao nhiêu đời chồng đâm ủ ê, bệ rạc”, “Tháng sáu năm Bính Ngọ 1786, Thăng Long như bầy heo nái nằm đợi người tới giết”, “Lúc tôi ra Thăng Long, tiết trời tháng bảy nặng nề lắm. Những cánh lá bàng to như xác trâu mộng, rụng ì ạch xuống kinh thành đã cũ mục, dậy mùi cũ kỹ, từ triều đại đến máu huyết” (Mùa mưa gai sắc), hoặc của những thây ma ung thối chình ình trên mặt đất: “một đô thị chết đi, triền miên như một xác chết không bao giờ ướp, trương sình lên trên linh sàng tàn tạ, dù là mùa nước hay mùa khô” (Phố cổ Hội An).

Dưới sự cưỡng bách của cái Ác, nhân vật mất (hoặc vứt bỏ) tư cách con người. Những kẻ lành tính nhất, cũng đã thú vật hóa – “Vợ Trần Lý co rúm như con lợn lôi ra sân bếp” (Gia phả), “Vua Lê – con heo già – chỉ biết giương đôi mắt lờ đờ thở ì ạch, tán đồng.” (Mùa mưa gai sắc), họ hàng, gia đình Quý trong Giấc mơ Thổ là một bầy “người ngợm” sống “lúc nhúc” trong “sở thú”, “hùng hục nấu vàng giả”, “may lậu” “lâu lâu” “vào bếp vục mặt vào thau cám nuốt cạn rồi ợ, bỏ ra ngoài nằm xem phim tập”, và “thầy Quý – cụ Cử – ngồi vắt vẻo đu đưa như một con vượn già ngâm nga cổ văn.” Thầy, cụ Cố ở Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu hai kẻ tàn phế, “một tàn phế thể xác, một tàn phế trí tuệ”, “ngơ ngác vô hồn như một con đười ươi được tập luyện thành thục.”

Những kẻ nhiều cá tính hơn hiện lên như gai nhọn, như mầm độc, như ác thú. Loan, mệ Thỉ, đứa ở tên Liên ở Phố cổ Hội An nanh nọc, đanh ác, lão Chu của Cái chết sau quá khứ là Heathcliff hiện thân, rắn đanh tàn khốc như một miếng đá sắc. Những giai nhân của Trần Vũ rực lên ánh thép gươm dao sắc lạnh, Quỳ của Giấc mơ Thổ “đẹp sắc, nét đẹp chanh chua mà dữ tợn”, Ngọc Hân trong Mùa mưa giai sắc: “mười sáu tuổi” “mang tất cả nhan sắc của Bắc Hà” “đẹp mê hồn mà sắc sảo”. Những “anh hùng” của Trần Vũ không dũng mãnh thường tình “vó ngựa trường chinh, bách chiến bách thắng, và có chất… thổ phỉ”. Hơn cả “chất thổ phỉ”, chân dung Độ, Huệ, Chỉnh của Trần Vũ nhập nhằng hình bóng man rợ, ác hiểm của hùm beo lang sói – “Độ sấn tới, vóc vạc không thua con dã nhân đeo cung kiếm”, “người con rể của Thăng Long đi lại với tất cả dáng vẻ của một con hổ sau bữa tiệc hoẵng”, “Hữu đô đốc Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh dõng dạc đi lại, điệu bộ của con lang đi theo chấm mút bữa ăn còn sót lại của hổ”.

Những hình ảnh so sánh của Trần Vũ rõ ra là nghèo nàn, quanh quẩn không biết chán với “heo”, “lợn”, “trâu”, “vượn”, “hổ”, “lang”. Hệ thống tính từ cũng chật hẹp. Thế mới có chuyện người viết không nới tay cho những mỹ từ được bạo phát với những dung nhan “vân tưởng y thường hoa tưởng dung”. Nhan sắc với Trần Vũ không phải áng mây mỏng hay cọng gió mềm, mà là cái gì đó từa tựa một con dao, chỗ đắc dụng nhất không phải mê hồn người, mà ở khả năng lấy mạng kẻ khác. Những người đẹp khác thì điểm trang, mỹ nhân của Trần Vũ “mải miết” mài nhan sắc cho đến khi hiện hình thành “bản thép nhọn, bén ngời”. Cả chữ sắc 色, dường như là quá nhiều, nhà văn chỉ cần con dao[3] cắm trên đầu nó thôi. Trần Vũ bứt lấy mỗi con dao sắc ấy và quăng lên trang giấy, đấy, những người đẹp của Trần Vũ – những chữ sắc không buồn viết hết nét, nhưng đủ để “lỡ đụng vào đứt tay, vết thương không khép miệng”. Vấn đề là bởi, nhà văn không cần sự đa dạng tươi mới của hình ảnh, của chân dung mà đơn giản chỉ muốn trực tiếp ném cho người đọc bộ dạng của những con người-thú, mang tâm-thú, hình hài-thú. Sự nghèo nàn phản ánh cái nhất quán của một thế giới con người đã thú vật hóa, nơi cái đẹp bị tước hết mọi lương thiện và phù phiếm, bị lột truồng, và cưỡng bức, không còn lại gì, ngoài sự trơ trẽn và lãnh khốc.

Thế giới ấy, tất yếu, là đất diễn của hung bạo và dục vọng. Trong thế giới Trần Vũ có cái Ác mà hình thức của nó là một hung bạo đang mưu một “lợi ích”, đang nhắm một mối lợi. Ấy là cái Ác của Hân, kẻ có thể “trả bất cứ giá nào kể cả bán thân xác” để “rửa mối nhục cho vua cha”, để “trung hưng nhà Lê”, kẻ theo “thói đời phong kiến, nợ máu phải trả bằng máu”, muốn “máu của họ Lê phải trả bằng máu của Tây Sơn”. Đối mặt với cái Ác ấy một “cái tôi” khuất mặt nào đó dù phân vân, nhưng là trong thế điềm tĩnh phẳng lặng của kẻ đứng ngoài, lật dở soi xét luận công tội, “sau này tôi vẫn tự hỏi: những âm mưu của Ngọc Hân là đáng thương hay đáng tội? Chép trong chính sử Tây Sơn thì đáng tội. Xét theo sử triều Lê thì đáng phục.” Cái “tự hỏi” ấy vẫn đơn thuần là một chất vấn, lời luận bàn vẫn đi đứng ngay ngắn theo lề lối khen chê “đáng tội” hay “đáng phục” của sử quan, câu văn vẫn dạo khoai thai bằng những bước nghiêm ngắn vuông vức. Ngay cả lời hạ bút dù cố tình chệch hướng, cũng không đi xa hơn là bao: “nhưng sống trong một đất nước chỉ biết lấy chữ “Sát” làm chuẩn thì mới thật đáng thương.”

Nhưng cũng cái “tự hỏi” ấy, một lần khác, sự bình lặng bị đánh tuột mất. Một cái “tôi” dù khuất mặt cũng không thấy tăm hơi đâu. Không còn ai đứng vững ở vị trí kẻ ngoài cuộc để luận bàn đúng sai, trơ lại mỗi nhân vật với nỗi băn khoăn không ai giải đáp hộ: “biết bao lần Loan tự hỏi những ngày ấy là thời gì?” Sóng gió nổi lên làm văn từ nghiêng ngả, câu văn chệch choạc lúc như một cú hụt hơi: “một nghiệt ngã? Hay một sa ngã?”, lúc trượt khỏi đầu bút, xô đổ khuôn thước lề lối, đổ ra ào ạt những hoang mang: “vì sao Dần biên chép sử, ghi chép biên niên không ngừng về những dòng họ vua chúa ngự trị, về các lớp sóng phế hưng thịnh đạt, rồi cường triều, rồi cương thổ của những triều đại phế đế, để rồi mất cả cho kẻ dùng lịch sử vì mục đích riêng?” Sau rốt, đáng ra phải là chỗ của một nhận định quyết tuyệt, thì lời cuối như một cánh tay ma quái kéo giật người ta trở lại thế giới quỷ ám của câu chuyện: “giữa những thỏi đá thô sơ của một Hội An trầm lắng, giọng kể của Lữ cướp mất trí não Loan.” Ngòi bút người viết chao đảo, nhân vật lật đật sấp ngửa, ngôn từ chập chờn mê tỉnh. Bởi ấy là lúc “cái Ác thuần túy” xuất hiện. Cứ như lời tác giả Văn chương và cái Ác, Cái Ác của Hân là cái Ác vị lợi, cái Ác vì một mục đích ngoài bản thân nó, cái Ác của Loan trong Phố cổ Hội An, khủng khiếp hơn (nhưng mê hồn hơn), nó khiến người ta vong thân trong nỗi say đắm của Satan, nỗi say đắm “thưởng ngoạn sự phá hủy”, “thực sự hưởng thụ hành vi phạm tội sát nhân”[4]. Cái Ác trong sáng tác Trần Vũ chủ yếu nhất, đáng nói nhất, là cái Ác này.

Nếu nói như Bataille “bạo dâm là cái Ác” thì những cuộc giao hoan của các nhân vật trong thế giới Trần Vũ là nơi cái Ác đang thao diễn. Bởi bạo dâm là hành vi chủ đạo trong cuộc yêu của các nhân vật Trần Vũ. Bên cạnh nó, khổ dâm, là gương mặt thứ hai của dục vọng, là cội nguồn của khoái lạc. Hai cực này luân chuyển, hoán đổi, ngay ở một nhân vật, thậm chí, có lúc, ngay ở một thời điểm. Thế nên, cái Ác như nỗi chết, đánh đắm người ta trong một biển hoan lạc và thống khổ.

Huệ của Mùa mưa gai sắc có vẻ là kẻ uy dũng và tàn bạo, luôn đứng ở thế nhục hình kẻ khác để tìm khoái cảm. Hành vi tính dục, với Huệ, không phải ân ái, mà đồng nghĩa với động tác ăn thịt con mồi của mãnh thú – “ Huệ vục xuống gáy Ngọc Hân cắn như xé thịt. Dáng đè của Huệ, hai đùi chống xuống giường, mình trần phủ lên người Ngọc Hân y như dáng hổ đang ngoạm hoãng.” Nỗi đau đớn cùng cái chết của nạn nhân mới là thứ thỏa mãn, gây khoái cảm cho kẻ bị ám bởi những pháp trường – “đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn được, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết. Đao phủ Tây Sơn xử trảm bằng cách chém ngửa nghịch nhân, mã tấu phập xuống tiếng thét của tội đồ bị đứt ngang ở cuống họng chỉ phát ra được tiếng nấc khô. Tiếng nấc khô của Ngọc Hân khi nãy.” Nhưng bạo dâm chỉ là cái vỏ, lộn trái tấm áo thì lộ ra một mãnh thú mang ẩn ức khổ dâm, chịu khổ đau không kém kẻ bị chính mình hủy hoại. Không phải Huệ làm tình với Hân trong “đêm hợp cẩn”, mà là tên đao phủ mắc chứng “cuồng sát” đang “say máu” hành quyết tội đồ – “Huệ quất roi như một kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì”. Bởi vậy, bạo dâm với Huệ như một cơn nghiện, như một trói buộc – “Huệ bị ràng buộc vào người đàn bà mà mãi mãi từ đây, hằng đêm Huệ phải tìm đến.” Huệ hành xác kẻ khác không phải như một kẻ bạo tàn mà như một con bệnh, hay chính xác, một bệnh nhân mắc chứng bệnh mà nhục hình, máu me, cái chết là căn cớ gây bệnh, cũng là liều thuốc độc vừa làm thỏa mãn, vừa gây đau đớn, cảm giác hành xác kẻ khác của Huệ không phân biệt được với cảm giác tự hành xác – “rồi không dằn được, trong vật vã của cơn say, Huệ kể hằng đêm phải lôi Ngọc Hân ra đánh mới thỏa mãn. Khuôn mặt Huệ lúc đó đau khổ lắm.” Như thế, hành vi bạo dâm của Huệ là kết quả của nỗi khổ đau của chính mình, lấy nỗi khổ đau của kẻ khác để thỏa mãn, đồng thời nuôi lớn nỗi thống khổ của bản thân – một nỗi thống khổ lẩn sâu dưới gương mặt của bạo lực, của dục vọng, của khoái lạc. Có lẽ Ngọc Hân nhìn thấy ẩn ức mang màu sắc khổ dâm của kẻ cường bạo, nên đã chịu nhận nhục hình một cách tự nguyện – “khác với đêm hợp cẩn, Ngọc Hân rên rỉ, oằn oại kêu rất lớn. nhưng nếu Ngọc Hân đau đớn, thì nỗi đau đớn đầy đắc thắng”. Hóa ra, cái bạo tàn của Huệ, nếu nhìn kĩ, là một bạo tàn nham nhở, đầy ung mủ, sâu mọt từ gốc. Nó để lộ ra một nội tâm bất thường, đầy đau đớn. Cảm xúc phức tạp và khó lường như thế vốn không xa lạ với những nhân vật của Trần Vũ.

Với Loan ở Phố cổ Hội An, khoái cảm và đau khổ lạc sang một miền kinh dị khác. Loan bị “mê hoặc tâm thần gần như quẫn trí” bởi Lữ, kẻ “say mê lịch sử” đến độ bị nhập tràng bởi “lịch sử mấy trăm năm trước còn sót đọng”, kẻ mang cái hung bạo của một “lịch sử bước đến giai đoạn phải tàn sát không đừng được”. Với một người tình như thế, Loan đã bị ấn định vào những “cuộc ân ái quá sức mình”. Với một người tình như thế, với một Hội An nồng nặc âm khí của một lịch sử chết rồi vẫn chưa chịu tiêu ma, cùng lúc, Loan không thể là chỉ một tình nhân, dù là một tình nhân nguyện “rứt ruột để yêu, xẻ thịt để yêu, tùng xẻo thân xác để phục tùng trọn vẹn Lữ”. Loan, từ đầu, đã như con bệnh tâm thần mê loạn thần trí chầu chực “những trang sử viết ra bằng máu của người Chàm hay Sa Huỳnh” qua “giọng kể của Lữ” hiện về nhập đồng – “người Loan cứ như ngồi trên đống lửa, phừng phừng. Giữa trưa ngồi với Lữ, Loan sống y hệt người điên, yêu mê dại, mất trí, cuồng quẫn, tuồng muốn tách biệt khỏi thời gian để nhập vào một thời đại khác”. Lại như một “con thịt” sẵn sàng để người ta cứa cổ – “lần nào đối mặt với Lữ, Loan cũng cảm thấy nàng hơi ngẩng cổ, chờ đợi vết cắt oan nghiệt” từ “tia mắt… dữ dội thu hút xuyên thủng tim óc Loan” của Lữ – kẻ “dùng đôi mắt của mình như kẻ giết người dùng lưỡi lam, biết cắt vào đâu thì chảy nhiều máu nhất, biết cứa vào chỗ nào thì cổ họng không phát ra được tiếng kêu”. Rồi bị ném vào “cuộc tế tín ngưỡng” sau khi giọng kể “mê hoặc” về “các tục lệ cúng kiếng” của Lữ “tiêm chất mê tín vào đầu”.

Loan quả đã “khoái cảm” và “đau chín mình mẩy” từ những “mài giũa, đẽo gọt, chấm phá khắp thân thể nàng chẳng khác nào tạc tượng” từ người đàn ông “bản tính hung dữ dị thường”, mà “Loan nửa yêu, nửa sợ”. Nhưng xét đến cùng, trò bạo dâm Loan hứng chịu trong cuộc tình vụng trộm, không phải đến từ Lữ. Bởi là một chân dung bị phóng đại không tiếc tay, một bịa đặt không quan ngại, Lữ chỉ có tư cách một vỏ ốc bị lịch sử mượn hồn, một hình hài qua nó lịch sử ra sức tác oai tác quái hoặc một kẻ đã bán linh hồn cho ma quái của lịch sử, hoặc cùng lắm thì có thể là hiện thân của chính lịch sử hiện về đòi nợ hiện tại. Loan, vì thế, “ăn nằm” với một người đàn ông, nhưng lại thỏa mãn bởi những thuật kể về “cuộc thảm sát của các bộ tộc Sa Huỳnh – “trong lúc mơn trớn… Lữ kể say sưa những cảnh chém giết tỉ mỉ, từ cảnh cắt đầu người đến hãm hiếp, đốt sống… Những lúc đó lồng ngực Loan phập phòng hổn hển… Đôi mắt Loan… lim dim chờ đợi, chỉ mở ra khi hơi nắng khô ran đã thiêu cháy hết tất cả đòi hỏi luyến ái. Loan thỏa mãn như vừa ăn nằm với Lữ.” “Tất cả những dã man” của một lịch sử hung bạo, cũng qua những cuộc ân ái đó mà “ngấm hết vào mình Loan”. Loan, thực ra, vốn tàn độc. Nhân vật có cái khát máu của một cái Ác đã thành thuần – “Loan chắc lưỡi tiếc rẻ cảnh tượng những mẩu thịt dư bầy nhầy trong bãi máu không kịp trông thấy”. Và đến cuối truyện, như một kết quả tất yếu, bông “hoa Ác” đã nở trọn vẹn trên người nhân vật, Loan chuyển vai sang kẻ bạo dâm tự nhiên, thuần thục lúc nào không hay – “từ lúc đánh con Liên, Loan đã sống trong trạng thái gần như thỏa mãn, cực xúc cảm… Loan đạt tới khoái cảm không bằng thể xác Lữ mà bằng những đau đớn trông thấy trên mình con ở lúc nãy.”

Đi đến cuối truyện, “đi đến tận cùng của lương tâm tàn bạo”[5], không còn nhân vật tên Loan nào nữa, cũng như không còn Huệ, không còn Độ, chỉ còn một hiện thân lừng lững, không mặt mũi, không diện mạo nhưng nuốt chửng tất cả, đánh chìm tất cả, là nó – cái Ác. Mình nó sinh ra một đám quái thai, một bầy “người ngợm”, một lũ thú vật, mình nó nặn ra những hoạt cảnh hay những thảm kịch rùng rợn, điên rồ với khổ đau ngút ngàn, với hoan lạc quỷ quái. Nhưng sau thảm họa, con người trân trối nhìn lại mình, phát hiện ra cái Ác không phải con dao nhọn mà lịch sử, hay hoàn cảnh ấn vào tay mình, mà bông hoa Ác nở trên thân xác có cội rễ từ sâu thẳm con người mình. Người ta nhận ra cái Ác ấy mình có thể không hay biết, nhưng lại chẳng hề xa lạ. Bối rối hơn, ta nhận ra mình không thể nói thực sự ghét bỏ nó, càng không thể nói mình muốn và có thể rũ bỏ nó.

Trong truyện ngắn Trần Vũ, kẻ chơi với cái Ác nhiều nhất, kẻ lặn đến đáy sâu vào lòng cái Ác, kẻ hơn ai hết nếm trải một mớ phức cảm mơ-tỉnh, mê-sợ, ngây thơ-bạo tàn trong cuộc chơi ấy là Vĩnh – nhân vật xưng tôi trong Giấc mơ Thổ, một tác phẩm “mang nhiều nét tự truyện”. Một tác phẩm mà màu sắc tự truyện của nó khiến người ta hoài nghi, rằng cái Ác như một mặc cảm, một ám thị phủ đầy lên các nhân vật của Trần Vũ có thể chính là nỗi mặc cảm, ám thị của người tạo tác nên chúng, người đã nhìn thấy cái Ác ấy (trong chính mình, trong “nhân sinh” – như cách nói của nhà văn), đã đắm chìm, lạc lối, hưởng thụ một cách hoan lạc và thống khổ trong nó.

Nhân vật xưng tôi của Trần Vũ đã băn khoăn “tìm kiếm tên mình trên phân bảng tội ác” nhưng cái Ác, nhất là cái Ác như được thể hiện trong Giấc mơ Thổ, thực sự có một diện mạo, thực sự có thể phân loại? Nghịch lý ở ngay những trang đầu. Họ – nhân vật của Giấc mơ Thổ, những kẻ cắt đứt với thực tại, chỉ sống với và tôn thờ quá khứ và những gì thuộc về quá khứ, xây cất “một thứ lăng, lâu đời, cũ kỹ, vĩ đại, chễm chệ trấn áp cả một rặng núi”, những kẻ mang thân sống dưới bóng đè của “năm mươi gian nhà cất xây theo lối cổ… Sân trước dựng chín đĩnh đồng. Sân sau… đào một thứ đầm trông y hồ Ba Bể ở Mẫu Ninh”, những kẻ tha cả “gốc sữa ở đầu hàng Gai cạnh sạp ốc nóng”, vào vườn cây của ngôi nhà “phía nam phần lục địa” để lôi về cho bằng được “kỷ niệm thời trai trẻ” “ở Hà Nội”, những kẻ tự cột chân mình “nghìn năm” với “những cột cái, cột quân, con chèn, cốn”, chính họ lại là người “ăn thịt rồng”, “ăn tim” phượng, luộc “óc lân”, vần vò, bóp nặn, rút tỉa những “vẻ đẹp huyền sử” cho thành món nhắm trên bàn nhậu, chính họ vật ngửa những biểu tượng thiêng liêng, thản nhiên coi những thiêng liêng nghi ngút khói hương bàn thờ như một đám súc vật để làm thịt, như một đống thịt mỡ đã “làm sẵn”, “đông lạnh”, “chỉ việc mua về xả nước đá, ăn bao nhiêu cũng có”, thản nhiên trong một hiện thực xoay vần bởi những đối nghịch hoang đường, và thản nhiên đến mức hoang đường. Nhưng bên dưới nghịch lý luôn là một tất yếu: tôn thờ một cách tuyệt đối là mảnh đất màu mỡ cho phỉ báng một cách tuyệt đối đâm chồi, thờ phụng ở mức mê muội cùng lúc sẽ kích thích chính ham muốn “ăn thịt” cái được thờ phụng, và quá khứ phì đại trong lúc làm hiện thực nghẹt thở thì đồng thời cũng mở tung những cánh cửa rộng cho sự sống ở hình thức trơ tráo nhất tràn vào.

Trong không khí ấy, giữa đám người đó, Vĩnh – kẻ xưng tôi, vừa điềm nhiên vừa hốt hoảng câm lặng cảm nhận trạng thái loạn thần. Tác phẩm bắt đầu khi “chúng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên khuôn mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt.” Nhưng hiện thực hoang đường này, trạng thái loạn thần này khởi sự trước đó, rất lâu, lúc “chúng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ trông thấy trên gương mặt, trong đôi mắt, và ở trong những giấc mơ không bao giờ tắt.” Khởi sự trong “đại dương của tuổi thơ tự sát”, một thảm kịch mà những trải nghiệm tự thân tàn khốc, chưa từng có tiền lệ, một thảm kịch mà dù cường điệu đến siêu thực nhưng không thể nói không quy chiếu vào những sự kiện có thật không thể chối bỏ – “bạn bè đứng trước tôi lần lượt tự sát… Tôi thấy những bà mẹ lạc thần gập người rụng xuống. Tôi trông thấy đôi mắt các bạn tôi mở trừng trừng sau khi chết. Những đôi mắt trẻ phút vĩnh quyết còn cố thu vào chút hình ảnh chót cùng của quê hương, gia đình”, “tôi bước xuống tàu. Bàn chân run rẩy sợ sệt… gã thủy thủ đã xộc tới dùng mã bổ phập vào đầu tôi… Máu tôi phun ra sàn tàu… Tôi ngã chúi trong vũng máu. Tôi bơi trong máu của mình.” Nhưng, khi một “xanh thẳm” “bầy ra trước mắt”, cũng là lúc trồi lên những đối cực: sợ hãi vực thẳm và khao khát vực thẳm – “ruột tôi quặn thắt vì sợ hãi lẫn ham muốn”, sợ hãi cái chết và thèm khát cái chết – “cơn khát, giấc mơ, cả hai trộn lẫn, thúc đẩy. Tôi nửa muốn sống, nửa muốn chết”, sự thèm khát những tra tấn bạo ngược từ ngoại cảnh của kẻ đã định tâm tự sát – “tôi sống trở ngược cảm giác hoảng hốt, hoảng sợ, mà cũng cực kích thích, ham muốn tìm cái chết, tự nguyện chịu hành xác ” và nỗi bấn loạn của một tuổi thơ chưa hết lẫm chẫm nhưng đã nếm sớm cái kinh hoàng của địa ngục, cái choáng voáng của vực thẳm – “tôi gào mẹ”, “tôi thét gọi mẹ”, “tôi muốn bước xuống, muốn trở về nhà, muốn ngã vào lòng mẹ”.

Thế giới của Giấc mơ Thổ được những đối cực ráp lại mà thành. Nhưng chớp mắt, những biến hình lập tức phụt ra, như một nhiệm mầu nở bung từ cây đũa thần của một ảo thuật gia ma quái. Không còn hai đối cực tách rời trong đối nghịch, mà chỉ có một tồn tại nơi những đối cực vừa vẫn là nó vừa đã thôi là bản thân mình. Cái đối cực này không những không triệt tiêu cái đối cực kia mà còn không cho phép cái đối cực ấy được quyền tự triệt tiêu, ngược lại, nó bảo tồn cái đối nghịch đấy để tự bảo tồn chính mình. Chúng xuyên cắt vào nhau, cắm rễ vào nhau, mọc ra từ nhau. Kết quả, ở Vĩnh, cái Thiện mang đến một cảm giác vừa đối nghịch với cái Ác, vừa y chang như cái Ác. Cái Thiện như thể được tạo dựng từ cái Ác, nó chấm vào mực của cái đối cực kia để viết thành tên mình, nó gỡ lấy xương da của cái kia để phác tạo vóc dáng mình, nó vục vào sinh khí của cái cái đối nghịch ấy để máu huyết nhuộm hồng, cái Ác là “giấc mơ” của nó như đã được ví von[6].

Thế nên ở đây không Thiện – Ác, không có một cái Ác đầy lông lá, nghênh ngang phạm hết trọng tội này đến trọng tội khác, không có một cái Thiện tròn vành vạnh như trăng rằm, mà chỉ có một năng lượng sống hồn nhiên, thản nhiên, ào ạt của một tuổi trẻ chưa bao giờ tắt, một đứa trẻ không bao giờ lớn. Cùng với nó là một hiện thực đối nghịch cũng vững chắc và vạm vỡ không kém, một hiện thực u ám, nơi tuổi trẻ bị hành quyết ngay từ đầu, nơi đứa trẻ còn sống nhưng cũng không thoát chết sau đại dương của tuổi thơ tự sát. Đứa trẻ ấy như nàng Vasilisa xinh đẹp của phiên bản Mỹ mà Salman Rushdie đã lùa vào tai người đọc, rằng phù thủy “thực sự đã ăn thịt Vasilisa, nhai ngấu nghiến cô bé như mụ đã nhai ngấu nghiến mọi người, và khi ăn xong, mụ phù thủy già xấu xí hấp thụ được trọn vẹn nhan sắc của cô bé – cho nên bề ngoài mụ trở nên giống y hệ nàng Vasilisa Xinh đẹp, mặc dù bên trong mụ vẫn là phù thủy Baba Yaga răng nhọn”[7]. Cổ tích thời hiện đại kể chuyện theo cách tàn nhẫn và bất lương như chính sự thật. Và sự thật ở cái giấc mơ khủng khiếp của Trần Vũ cũng tàn khốc thế: tuổi thơ không còn trong vắt nữa, sau lưng nó đã đổ một cái bóng vừa lươn lẹo, vừa phản trắc của loài rắn, vừa âm u, vừa khó lường của vực thẳm: “Tôi là đứa trẻ. Mười lăm, mười sáu, tuổi dậy thì. Thèm khát. Dâng trào. Hồn nhiên lẫn tìm kiếm. Hồn nhiên đến mức gặp Quý tôi không thấy ngượng, như thể tôi chưa ngủ với Quỳ. Chưa hề xảy ra chuyện gì.”

Đứa trẻ đã yêu đến “sửng sốt”, đến “choáng váng” vẻ “đẹp mê ảo” “vừa cổ tích vừa thật” của “bầy rồng trăm con uốn lượn nhịp nhàng tựa trăm cô gái múa lụa”. Ở chúng, có cái gì sâu xa như cội nguồn, nhưng máu thịt hơn, xúc động hơn là tuổi thơ, là những thơ trẻ đã xa nhưng chưa bao giờ mất: “Tôi quen chúng từ thuở sơ sinh, còn nằm ẵm ngửa mẹ bồng đến xin sâm. Bầy rồng vui vẻ vẫy đuôi gọi. Hoan hỉ đón mừng. Mỗi một cột ngách chùa đều có một chú rồng con đợi tôi, ngoe nguẩy cọng râu, hơi hích mũi cười. Tôi chuyện trò với chúng, thì thầm gọi tên những người bạn thiết: Hoàng ơi Thanh ơi Hỏa ơi. Tôi đưa tay chào. Chúng lắc đuôi vẫy. Bao giờ chúng cũng sà xuống và đêm về theo tôi vào những giấc mộng. Có khi tôi vô tình mở cuốn vở lịch sử, chúng đã hiện hình ngay trên trang giấy, nằm cuộn dưới chân. Suốt thời thơ ấu có bao giờ chúng tôi xa nhau.”

Nhưng, cái lương thiện của đứa trẻ trong con người Vĩnh như một vòng tay ôm giấu sẵn một con dao, như một cái hôn đè lên một vết máu. Đứa trẻ mang tổn thương, bị cầm tù trong quá khứ, máu nó đã nhiễm độc, mắt nó đã vằn lên những tia quỷ quái. Khi một trong trắng và máu độc của phù thủy đã hợp hoan thì tất cả các khả năng đều có chỗ để diễn: trẻ thơ có thể yêu mến trẻ thơ, có thể thương xót trẻ thơ, trẻ thơ cũng có thể ăn thịt trẻ thơ, có thể thù hằn tuổi thơ, bức hại tuổi thơ.

Đứa trẻ đã “la, gào, giằng co cản trở, quỳ van vái tế lạy” khi Quý “hươi súng bắn xối xả vào bầy rồng tán loạn”, đứa trẻ đã thấy trong cái chết của những thơ trẻ khác, hình hài của mình, nỗi đau thương của mình: “những bầy rồng con ngã sõng soài. Tôi trông rõ một đứa trẻ máu ứa ra ở mũi, ở lỗ tai, ôm chùm ruột cố bò lết ra khỏi trảng… Những gắp đạn vãi lên xác đứa bé còn hấp hối, tiện đứt cánh tay nó còn đang cố chìa ra phía trước khẩn khoản. Đứa bé chết giữa đồng xanh mây trắng. Máu, xác, chân tay đầu bụng ngổn ngang”, đứa trẻ đã “ghê sợ” “những thớ thịt trẻ thơ bụ bẫm” của “con rồng đỏ hỏn vừa bắn về ban chiều”, cũng đứa trẻ ấy, sau tất những la gào van nài và cũng tự nhiên như đã la gào van nài, hưởng thụ một nỗi thỏa mãn, nỗi thỏa mãn âm thầm của loài thú bắt khi đã bắt được mùi máu: “nhưng tôi cũng không cưỡng lại được niềm phấn khích, hồ hởi, của cảm giác được ăn thịt tươi lần đầu không đông lạnh” – vẩn lên trong thăm thẳm bóng tối tiếng cười nhọn hoắt của phù thủy mũi khoằm.

Sự phi lý lên đến tận cùng khi đứa trẻ trở ngược mũi giáo về phía tuổi thơ hạnh phúc của hiện tại để đòi nợ những mất mát của tuổi thơ mình bất hạnh: “Tôi muốn chiếm đoạt tuổi trẻ phơi phới sung sướng đầy đủ không lo nghĩ tương lai vững chắc của Nữ, muốn xé bằng đại học Nữ sắp có, muốn đập phá thơ ngây trên thân xác Nữ thơ trẻ chưa biết đạn bom. Muốn tuổi thơ Nữ phải khốn khổ như tuổi thơ tôi… tôi nắm tóc Nữ ấn đầu xuống gối bẻ quặt tay mở cúc quần mình… Tôi đâm Nữ bằng tất cả sức mạnh, trí tuệ và cơ bắp… Tôi đâm vào nữa. Đâm vào chỗ thị mềm nhất. Đâm như đâm thú. Giết trâu giết bò giết chó”, khi khối u ác tính của tuổi thơ cụt đầu, của hiện thực chết non lấy tuổi thơ đương thì của hiện tại làm nơi thao diễn của khả tính bị loại trừ, khi thân phận ngoài lề và những khả thể đã có thể thành thật nhưng chưa kịp thành hình đã bị gạt ra rìa, cùng lên cơn uất hận và ra sức đòi lại công bằng: “Tôi muốn sống cuộc chiến đang xảy ra. Muốn tham dự. Phạm tội. Trực diện. Lãnh trách nhiệm. Muốn trông thấy những hố hầm đang chôn vùi thân xác anh em, muốn giết người một lần. Muốn sống cảm giác bắn người là mê suốt đời như Chiến và Quý thường nói. Tôi hãm Nữ tàn khốc. Tôi giết tuổi thơ của Nữ. Lăng nhục cha mẹ, làm nhục tuổi hoa niên của Nữ. Thỏa mãn.” Nạn nhân lột xác, hóa thân thành tội đồ, nhưng đòn thù lại nhằm vào kẻ yếu, nhằm vào tuổi thơ, vô hình chung là nhằm vào chính mình. Bi kịch lại thêm một lần đen tối.

Cái Ác trong Giấc mơ Thổ là cái Ác có chiều sâu và đa diện, nó hoàn thiện chân dung đầy đủ của cái Ác trong văn xuôi Trần Vũ – một cái Ác có quá nhiều hương vị, một cái Ác để bị chôn vùi mà cũng là một cái Ác để được đắm chìm, một cái Ác không biết nhập cảnh từ bên ngoài hay thức dậy từ nội tâm – như người ta đã không thể biết đứa trẻ là bị làm cho hư hỏng hay từ đầu đã biết mê cái tàn bạo, đã biết ngửi ra mùi khói súng trong mùi thuốc pháo của “tuổi hoa niên”.

Văn xuôi Trần Vũ có thể có cái gì đó như bị đổ bóng bởi Sade, cũng có thể ở góc nào khiến người ta nghĩ đến Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng tương quan có lẽ có chút nào khả dĩ với “trường hợp” Trần Vũ là Linda Lê, một người Việt đã sống trong một thế giới không Việt Nam nữa, đã “viết trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình”[8] nữa “… nhưng ảnh hưởng lớn nhất của cô là ảnh hưởng của lý lịch. Cô thừa hưởng những bất hạnh của một dân tộc chịu nhiều bất hạnh. Lý lịch ám ảnh, tra tấn cô.”[9] Những “ám ảnh”,“bất hạnh” của định mệnh cầm bút của Trần Vũ cũng là từ thân phận, “lý lịch”. Tuy vậy hành trình cầm bút của người viết Trần Vũ chắn chắn không phải một bi kịch đen tối theo kiểu: bị đốn ngã, bị làm cho tan nát bởi lịch sử, bị những bất hạnh của thân phận làm cho phát điên, rồi từ đấy đâm ra yêu những gì thuộc về bóng tối, đâm ra sa đọa không ngóc đầu lên được khỏi vũng lầy của những bản năng đen tối. Dù tất nhiên khi lịch sử đã “chụp bắt”, không ai có thể trốn thoát: “mỗi con người ngày nay mang trong mình một di vật. Với tôi là chiến tranh và tiểu thuyết. Chiến tranh của suốt tuổi hoa niên không bao giờ chấm dứt… Không biết từ bao giờ tôi nghiệm ra tuổi thơ của mình vẫn chưa chấm dứt. Tiếng súng AK trong đêm tối tết Mậu Thân vẫn hộc lên như một nhát búa. Tiếng súng in sâu vào tâm trí mà tôi không hay.”[10] Những cú đập vỡ nát của lịch sử không cho phép nhà văn còn là như xưa nữa, sau những cú đập ấy hiện thực cũ bị xóa bỏ, một hiện thực mới trồi lên: vỡ nát, mắc kẹt, cụt đường. Tác phẩm của Trần Vũ nằm ở khoảng giữa những mắc kẹt, cụt đường ấy.

Nhưng những vi tế nhất thực sự xảy ra có thể tiết lộ cho chúng ta hiện thực ở chiều kích dài rộng hơn, chìm khuất hơn, và có lẽ thú vị hơn: cậu bé Lưu Linh Vũ trong thời khắc chớm nở của những thảm cảnh đời mình đã vô thức cảm thấy bi kịch là một quang cảnh kì khôi – lộng lẫy và hiểm nguy cùng lúc: “Bên trên trời đầy sao. Cả một vòm trời đầy sao bất chợt lấp lánh trên nền tím lạ thường. Phải sau này tôi mới hiểu vẻ đẹp của sự bất trắc.” Nhưng “vẻ đẹp của sự bất trắc” không được mở ra trước mắt gọn ghẽ như miếng bánh được bóc để người ta “khám phá ra cái đẹp chông chênh, cái ma lực của chén đắng”[11]. Khí vị lãng mạn cổ điển ấy bị thay thế bởi không khí lạnh lẽo, khốc liệt của pháp trường. Hiện thực “bổ” vào đầu vào “xắn” vào óc trực diện, tàn khốc. Còn con người trong hiện thực ấy: đang tan vỡ. Ở bên ngoài – thịt xương nát tan, ở bên trong – vỡ nát đến tận cùng. Văn chương Trần Vũ đứng ở chính giữa cái hiện thực ấy, không cao hơn, không thấp hơn. Trần Vũ không như Linda Lê có thể “vẫn nghiêng xuống những hố thẳm… nhưng,… , với nhiều sắc thái hơn, dịu dàng hơn trong nỗi buồn”[12], không thể như Yukio Mishima, hay Dostoivevski thăng hoa “lối văn chương dữ dằn” của họ bằng những ý niệm “hướng thượng”, nhưng vẫn (/vì đã) đứng vững trên “cái triết lý và sở tri tâm linh”[13] của mình. Trần Vũ là đứa trẻ bị lịch sử bức hại, vì cơn dông gió của cuộc đời mà lặn sâu vào chính mình, khám phá chính mình và lạc lối trong chính mình. Nhà văn không đem đến cho văn chương nhiều hơn những gì mình có. Nhưng trong tầm vóc của mình, đối với văn chương Việt, văn xuôi Trần Vũ không chỉ riêng biệt, mà còn có thể mở rộng chiều kích của hiện thực và thoa vào nó các gam màu gần như chưa có tiền lệ. Những điều ấy không thể khiến nhà văn thành một tên tuổi lớn, nhưng chắc chắn khiến Trần Vũ trở thành một cái tên đáng kể, một “trường hợp” đặc biệt khác trong nền văn chương đương đại.

* Các trích dẫn từ các tác phẩm của Trần Vũ, ngoài những trích dẫn từ Ngôi nhà sau lưng Văn MiếuPhố cổ Hội An được lấy từ cuốn Phép tính của một nho do Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn hợp tác xuất bản năm 2019, các trích dẫn của những tác phẩm còn lại đều lấy từ website: www.tranvufree.fr

—————————-

[1] Trường hợp Trần Vũ, Thụy Khuê, bản điện từ trên website: www.thuykhue.fr

[2] Literature and Evil, Georges Bataille, translated by Alastair Hamilton, Penguin Books, bản điện tử trên website: www.kupdf.net. Trích từ chương về Emily Brontë.

[3] Tự dạng của chữ 色 sắc (sắc đẹp) gồm bộ 刀 đao (con dao) và âm 巴 ba.

[4] Literature and Evil, Georges Bataille, cũng trích từ chương về Emily Brontë.

[5] Từ hành xác đến hành văn. Đọc Giấc mơ Thổ của Trần Vũ, trong cuốn Đọc “Tôi” Bên Bến Lạ, Đoàn Cầm Thi, Nhã Nam, Nxb Hội Nhà văn, 2016 (trang 168).

[6] Literature and Evil, Georges Bataille, trích từ chương về Emily Brontë – “Evil, therefore, if we examine it closely, is not only the dream of the wicked: it is to some extent the dream of Good.” (Cái Ác, vì thế, nếu chúng ta xem xét nó một cách kỹ lưỡng, không chỉ là giấc mơ của kẻ ác: nó trong chừng mực nào đó còn là giấc mơ của cái Thiện).

[7] Nhà Golden, Salman Rushdie, Đăng Thư dịch, Tao Đàn, Nxb Hội Nhà văn, 2018 (trang 116).

[8] Trích theo Nguyễn Xuân Hoàng, Bạt, cuốn Tiếng nói, Linda Lê, Domino, Nxb Đà Nẵng, 2017 (trang 77).

[9] Đinh Linh giới thiệu cuốn Tiếng nói của Linda Lê (trang 9).

[10] Di vật, Trần Vũ, www.hopluu.net

[11] Trịnh Công Sơn – Kẻ du ca, Bửu Ý, in trong cuốn Một cõi Trịnh Công Sơn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Nxb Thuận Hóa, 2004 (trang 433).

[12] Trích theo Nguyễn Xuân Hoàng (trang 77).

[13] Những nhánh sông sao thử bước vào cõi văn chương của Trần Vũ, Hồ Trường An, www.hopluu.net

Comments are closed.