Nguyễn Huệ Chi
5. Một điểm cuối cùng: xem xét phần giải nghĩa trong cuốn từ điển. Ba mục 2, 3 và 4 tập trung vào tiêu chí thu thập, chọn lọc và sắp xếp mục từ, phần việc thứ nhất chiếm một nửa công sức của người làm từ điển. Đến mục 5, soi vào ngữ nghĩa – là nhìn vào phần việc thứ hai, chiếm một nửa công sức còn lại, xét tầm mức còn hệ trọng hơn cả ba việc trong phần đầu, vì nó chính là mục tiêu cuối cùng mà người làm từ điển muốn gửi đến bạn đọc.
Trên chiều lịch sử, đây là phần việc rất nặng nhưng có được “giảm khinh” nhờ lợi thế trao truyền kinh nghiệm. Từ điển nào thì cũng cố gắng truyền đạt ngữ nghĩa ngày càng sát đúng; dẫn tới, trải qua nhiều từ điển cùng loại kế tục theo thời gian, mục từ cứ thế được giải mã chuẩn xác dần, định hình nên nhiều dạng thức biểu đạt mực thước, khó thay đổi, và các từ điển sẽ tiếp nhận nhau, lặp lại nhau, chuyện cũng thường thấy. Một từ điển xuất hiện sau cùng tính đến thời điểm hiện tại như Từ điển Việt ngữ phổ thông càng có cơ hội rút tỉa kinh nghiệm của loạt từ điển ra đời trước nó.
Biết vậy mà vẫn phải nhìn nhận công việc giải nghĩa của người soạn sách – hai đồng tác giả – trong hơn thập niên qua là không chút dễ dàng. Bởi đã là cuốn từ điển mới nhất về ngữ thì bao giờ cũng phải có ý nghĩa một kho chứa từ ngữ sống. Cái đã nằm trong sách vở (từ điển ra trước) muốn được tái xác nhận là “sản phẩm” cũng phải tìm mọi cách tái hòa nhập vào giữa đời sống, để chính cuộc sống kiểm nghiệm và kích hoạt trở lại. Chỉ đơn giản có thế nhưng là đòi hỏi không biết bao nhiêu thao tác, nhằm vượt qua bao nhiêu rào cản, từ đấy đủ loại tri thức thượng vàng hạ cám của thời đoạn hôm nay – không chỉ riêng ở một nước bản ngữ mà thôi – mới… (bắt chước cô Tấm trong truyện Tấm Cám) “chui vào tay áo nhà nghiên cứu”, hiện ra dưới vô số mục từ mới của 1274 trang sách. Mới theo nghĩa mới tinh là một tỷ lệ không lớn nhưng số rất lớn mới ở hình thức bình cũ rượu mới, và số nhỏ hơn bề ngoài tưởng nguyên trạng cũ kỹ kỳ thực đã được phả một sức sống mới bên trong – giúp người đọc dựa vào đó tái nhận dạng thế giới và chính mình. Lời văn của giải nghĩa và cả cách viết chính tả trong phần này, cũng là bằng chứng đầu tiên minh chứng việc soạn giả thực hành bộ từ điển trong thực tế viết của các ông, nó chỉ rõ chỗ nhất quán và bất nhất, ổn và chưa ổn của những nguyên tắc mà các ông đã cố gắng đúc kết sau nhiều năm. Có thể thấy, qua mục 5 cực kỳ quan trọng, bộ từ điển, bên cạnh những mặt thành công, còn để lộ một số bất cập, khiếm khuyết – mà người may mắn được tặng sách cân nhắc thấy có thể đem ra trao đổi, một cách thiết thực đáp lại tấm lòng tri ngộ của hai ông. Đúng hay sai xin cứ lần lượt nêu lên thành từng vấn đề có tính chất gợi ý để các ông suy xét, và hy vọng cũng được bạn đọc tham gia luận bàn.
5-1 Về nội dung các lời giải nghĩa
Đối với một từ điển phổ thông, lời giải nghĩa cần đúng, gọn và dễ hiểu. Khá nhiều mục từ giải thích hay, có sáng tạo, nhưng cũng nhiều mục từ giải nghĩa chưa trúng, có khi thiếu hay thừa nghĩa, có khi chệch ra ngoài nghĩa chuẩn của từ. Về diễn đạt và trình bày, có vẻ như việc định ra một số “tiểu luật” nhằm xây dựng khung ngữ nghĩa chung đối với từng loại từ khác nhau (từ cụ thể và từ trừu tượng, từ giản đơn và từ phức hợp, từ phổ thông và từ chuyên môn, từ cận nghĩa và từ đồng nghĩa, phương ngữ và thành ngữ, v.v.) vốn phải tính đến đầu tiên, lại chưa được các tác giả quan tâm, để khi tiến hành đỡ phần tùy tiện, hoặc vô tình xung đột với nhau. Trong đó, cần thiết có những bước triển khai tương đối thống nhất ở các mục từ cùng một loại (chẳng hạn, với loại từ chỉ sự vật/sự việc cụ thể chiếm tỷ lệ rất lớn, nên quy ước theo mấy bước: thể loại, hình dáng, đặc điểm (tính năng), công dụng, v.v. để thực hiện cho đồng đều, tất nhiên không áp dụng rập khuôn mà có châm chước), thì bộ sách lại làm khác đi, khiến mục từ này và mục từ khác nhiều khi mất cân đối.
Dưới đây là 30 trường hợp, phần lớn mới rút ra ở một vần B (có thêm vài ba trường hợp thuộc các vần A, G, H, P do liên đới), dùng làm ví dụ cho những điều thấy cần góp vào chi tiết. Theo phép loại suy, bạn đọc có thể lượng định những gì tồn tại trong 29 vần còn lại (29 vần là do sách quy định). Nếu bạn đọc cảm thấy góp ý hơi dài, người viết đành xin miễn thứ, vì đã góp phải góp bằng hết, đã dẫn một vần B chẳng hạn phải dẫn tới cùng.
5-1-1 Giải nghĩa sai nghĩa (hoặc bị ám ảnh bởi câu dẫn chứng đi kèm nên xa rời nghĩa chính)
– Ví dụ 1, bóp bẹp: “đt [động từ]; làm cho vật đang đầy đặn thành méo mó” (tr.54, cột 1). Giải nghĩa sai, vì “bẹp” không trùng nghĩa với “méo mó”. “Bẹp” là dẹp lép, còn “méo mó” chỉ mới là dúm dó chỗ này chỗ kia. Đem chữ “dẹp lép” thay vào chữ “méo mó” thì mới trúng nội hàm từ bóp bẹp.
– Ví dụ 2, bỉnh bút: “dt [danh từ]; nhà chuyên viết phê bình trên báo” (tr.49, cột 1). Giải sai nghĩa, do không nắm chắc nghĩa chữ Hán của từ Hán Việt. Bỉnh bút 秉筆có nghĩa là cầm bút, được dùng để nói người giữ chân viết lách cho một tờ báo, ăn lương của báo và làm nhiều việc, không nhất thiết viết phê bình mà có thể viết phóng sự, viết truyện… Từ bỉnh bút rất thông dụng từ 1945 trở về trước, đến nay báo chí không còn dùng, vì thế các soạn giả bị nhầm lẫn.
– Ví dụ 3, ấm, nghĩa 4 [nghĩa 1, 2, 3 đúng rồi nên không nêu]: “dt; từ chỉ một người con trai một cách bông đùa hay chế giễu (cậu ấm nhà ta hôm nay ăn mặc bảnh ghê)” (tr.11, cột 2). Nên tách nghĩa 4 thành một từ riêng vì không cùng loại với 3 chữ ấm đi trước. Cũng như bỉnh bút, với từ ấm nghĩa 4 cần giới thuyết ngay là từ Hán Việt, khác ba ấm kia (1, 2, 3) đều là từ thuần Việt. Nghĩa đen Hán Việt của ấm không hề “chỉ một người con trai một cách bông đùa hay chế giễu”, mà là: bóng râm rủ xuống từ cây cao. Nghĩa này đã bị lãng quên sau hơn một thế kỷ học chữ Hán bị xóa bỏ, nhưng có nắm được mới hiểu tiếp sang nghĩa bóng: ấm là phần phúc trạch con cháu được thừa hưởng từ các bậc cha ông có công lao với triều đình. Dẫn thân: ấm là người con trai hay cháu trai được hưởng phúc ấm. Khi đã thông suốt cả hai nghĩa đen và bóng sẽ nhận ra, dù nghĩa nào ấm cũng không có ngụ ý bông đùa chế giễu như đã giải thích (bông đùa là nằm ở dạng thức câu văn dẫn mà người soạn nên tránh, không để tư duy lạc vào đấy).
– Ví dụ 4, béo: “tt [tính từ]; 1. mập, thân thể có nhiều mỡ; 2. có nhiều dầu mỡ (bắp nướng phết bơ béo ngậy); 3. có nhiều lợi nhuận (nhà thầu béo vì đống sắt vụn)” (tr.39, cột 2). Nghĩa 2, nghĩa 3 đều chưa phải là giảng, chỉ cốt làm rõ 2 ví dụ minh họa, nhưng lại khiến người đọc hiểu lờ mờ và rất dễ hiểu chệch, tưởng béo là tính từ số nhiều dùng cho dầu mỡ hoặc lợi nhuận. Thực tế, nói “béo ngậy” do “có nhiều dầu mỡ” (nghĩa 2) là sai. Chỉ một tí dầu hoặc mỡ bỏ vào chảo đun đã dậy mùi ngay, còn dầu mỡ bỏ trong chai có nhiều đến mấy cũng không thể “béo ngậy”. Lợi nhuận cũng thế, có những doanh nghiệp năm nào cũng thu về số lãi rất lớn mà có ai gọi họ là doanh nghiệp “béo” đâu. Trở lại nghĩa đen (nghĩa 1), định nghĩa “béo là thân thể có nhiều mỡ”, chưa đủ. Nên làm rõ béo là một hiện tượng phát sinh từ quá trình chuyển hóa của dầu mỡ (tích đọng trong cơ thể do ăn uống hoặc bỏ vào chảo rán khiến ngậy mùi). Ở nghĩa bóng (nghĩa 3), béo là một cách nói hoán dụ, có mang ý so sánh đối với người đầu tư rất xoàng xĩnh mà thu được lợi nhuận cao (cũng là sự chuyển hóa nhanh chóng của số vốn bỏ ra).
– Ví dụ 5, bí ẩn: “tt; giấu kín, không để lộ ra ngoài” (tr.43, cột 1). Lẫn lộn về loại: “giấu kín” thuộc hành vi của con người, “bí ẩn” là điều con người cảm thấy. Một người, một vật, một việc chứa bên trong điều gì lạ lùng, khó hiểu, không thể giải thích, đều được coi là bí ẩn. Bí ẩn là “cái chưa biết” đối với tất cả mọi người, trong khi giấu kín chỉ là “che mắt” người ngoài, chủ thể vẫn biết rất rõ.
– Ví dụ 6, bù đắp: “đt; giúp đỡ người túng thiếu (cha mẹ bù đắp cho con)” (tr.61, cột 2). Chữ “bù” có nghĩa bỏ vào chỗ bị thiếu hụt cho đầy lại; chữ “đắp” là đập thêm vào cho vững chắc chỗ bị xói lở. Vậy “bù đắp” không phải là bố thí cho bất cứ người túng thiếu nào. Mà người nào, việc nào, nơi nào có mối liên quan mật thiết với mình gặp một thiệt hại nào đấy, mình đem của cải, sức lực bỏ vào mong lấp được phần thiếu hụt của họ thì mới gọi là bù đắp. Đó là nghĩa 1. Sang nghĩa 2: chăm lo giúp đỡ cho người thân để bù lại những thiếu thốn họ đã chịu đựng trong thuở hàn vi chung sống với mình (bù đắp cho con cái).
5-1-2 Giải nghĩa không đủ nghĩa
– Ví dụ 1, bời lời: “dt, (thực); có nhiều loại, riêng loại đỏ là loại cây được trồng ở các vùng cao nguyên Việt Nam, có nhiều công dụng. Vỏ cây làm thuốc, nguyên liệu keo dán sơn và nhang đốt, lá dùng làm thức ăn gia súc; gỗ dùng để đóng đồ dùng hoặc làm nguyên liệu giấy” (tr. 60, cột 2). Đây là tên một loại cây cụ thể. Đọc xong, đem so với trình tự triển khai một mục từ cụ thể mà vào đầu tôi tạm giả định, sẽ thấy bất ổn. Ta vẫn không biết cây bời lời là cây gì, thuộc thể loại (họ hay bộ) gì, phân ra làm mấy nhánh, hình dáng thế nào, đặc tính sinh trưởng ra sao; chỉ biết công dụng của riêng một nhánh bời lời đỏ. Như thế, giải thích dài mà chưa có lời giải nghĩa.
– Ví dụ 2, bùa chú: “dt (tín); hình vẽ hay chữ viết trên tấm thẻ hoặc tờ giấy của phù thủy, thường là những hình vẽ hay nét chữ bí hiểm, huê dạng, khó hiểu” (tr.62, cột 1). Cũng chỉ mới thỏa mãn điểm đầu tiên là hình dáng, còn thể loại, đặc tính, công dụng… của bùa chú, chưa ai hiểu gì cả.
– Ví dụ 3, bõm: “trt [trạng từ]; nói một vật nhỏ rơi mạnh xuống nước (quả sung rơi bõm xuống mặt ao” (tr.52, cột 1). Cần chỉ được thể loại của bõm là tiếng động (âm thanh), cũng không phải là tiếng động với âm lượng lớn. Nên sửa: “tiếng động khi có vật nhỏ rơi xuống nơi nước lặng”.
– Ví dụ 4, bung xung: “dt; kẻ bị đám người khác lợi dụng cho xuất đầu lộ diện làm việc này việc kia để che giấu các âm mưu của họ phía sau” (tr.63, cột 1). Giải nghĩa bỏ mất phần nghĩa gốc. “Bung xung” nguyên là một vật mà người lính đi đánh trận thuở xưa dùng để che hòn tên mũi đạn. (TĐHP: “Bung xung: Vật để đỡ tên đạn khỉ ra trận ngày xưa” (tr.68). Ca dao: “Thân em đi lấy chồng chung / Khác nào như cái bung xung chịu đòn”). Từ nghĩa ban đầu “cái bung xung” (vật cụ thể) được nhân cách hóa thành tên chung gọi kẻ đứng ra đỡ đòn cho một phía giữa hai bên tranh chấp, cãi cọ nhau. Ta thường gọi nghĩa sau là nghĩa phái sinh.
– Ví dụ 5, bây: “1. đdt [đại danh từ] (ngôi thứ ba); bọn mày (bây đi đâu mà không nói cho ai biết vậy); 2. tt; ngang, bướng, ẩu (giở bài bây); 3 trt; ngoan cố, ngang bướng (cãi bây)” (tr.38, cột 1). Ba nghĩa nhưng là 2 từ chứ không thể gồm trong một từ. Bây 1, đại danh từ (cần thêm: phương ngữ miền Nam), không phải ngôi thứ ba mà ngôi thứ hai số nhiều, tương đương “bay” của miền Trung và “chúng mày” của miền Bắc. Bây 2, ngang bướng, cũng cần thêm: nguyên gốc là phương ngữ miền Trung, lý do là bên cạnh những từ kép đã phổ thông hóa như cãi bây (cãi chày cãi cối, từ chuyện này kéo sang chuyện nọ); bài bây (chơi bài theo lối cù nhầy, thua rồi mà không chịu bỏ cuộc, cố nèo chơi hết ván này đến ván khác(16)), hiện vẫn còn một ít từ kép chỉ đóng khung trong vùng Nghệ Tĩnh, như lây bây giống lây nhây; cù bây giống cù nhầy; bây ba, bây bửa chỉ thái độ dây dưa, biết sai trái mà vẫn lần khân, trơ ỳ, không chịu thay đổi. Quan trọng, bây phương ngữ miền Trung còn một chức năng khác bị bỏ sót: là động từ với nghĩa dây bẩn ra, bôi bẩn ra, như bây tay là dây bẩn ra tay (có lẽ Câu thơ Hồ Xuân Hương nguyên gốc phải là Xin đừng mân mó nhựa bây tay). Bây động từ thật ra không bó hẹp trong phương ngữ miền Trung. Trong TĐLVĐ&LNT bây cũng được chia thành 2 từ riêng rẽ, bây 1 có nghĩa “trây” (Q. thượng tr.86, cột 1); tra tiếp trây: “Đt [động từ], “trét vào rồi kéo lan ra rộng (trây hồ, trây bùn)”; đọc thêm từ kép trây nhựa: “đt [động từ], làm vẩy nhựa, trét nhựa tèm lem ra” (Q. hạ, tr.1658, cột 1&2). Rõ ràng, bây 1 của miền Nam có cùng chức năng động từ và cùng nghĩa “dây bẩn ra” của bây miền Trung.
– Ví dụ 6, bâu: “1. dt; cổ áo (áo không bâu như trầu không cau – tng [tục ngữ]); 2. đt; xúm đến (trẻ con bâu thật đông); bám vào (con ruồi bâu vào thức ăn)” (tr.37, cột 1). Phải coi hai nghĩa là hai từ khác biệt, không phải hai nghĩa của một từ. Song còn một nghĩa nữa, làm thành một từ bâu thứ ba, cũng khá phổ biến, không hiểu sao người soạn không đưa vào: bâu là phương ngữ miền Trung, có nghĩa túi áo. TĐHP chú: nghĩa “cổ áo” là nghĩa cũ; và nghĩa “túi áo” là phương ngữ (tr.52, cột 1). Bản thân tôi thuở nhỏ sống ở quê nhà Hà Tĩnh, thấy người nông dân nghèo thường mặc áo không có túi gọi là “áo không bâu”, và cũng nghe câu ca dao huê tình của trẻ em chăn trâu hát: “Thương ai mặc áo không bâu / Lấy chi mà đựng miếng trầu em têm / Trở về dằn dọc thâu đêm / Tìm trầu không có, người têm khó tìm”.
– Ví dụ 7, bi kịch: “dt; 1. Vở kịch có nội dung buồn; 2. Chuyện rất buồn xảy ra ngoài đời” (tr.42, cột 2). Một từ điển tiếng Việt biên soạn khoảng 1945 trở về trước thì giảng thế cũng ổn, vì thuở bấy giờ trình độ phổ thông trung học nhìn trên cả nước còn rất ít, trường phổ thông trung học chỉ mới có vài ba khắp Bắc Trung Nam. Nhưng nay là thời điểm 2023-24, mỗi tỉnh đều có không dưới 10 trường phổ thông trung học, khoa ngữ văn trong trường đại học cũng đã mở ở nhiều trường – mà từ điển này lại công bố ở hải ngoại; thế nên cần thêm vào một nghĩa quan trọng giúp đại chúng hiểu rộng hơn về bi kịch: “một thể loại trong bộ môn chính kịch, trong đó xung đột được đẩy tới cao trào, lấy cái bi làm điểm thắt nút, có từ thời Cổ đại Hy Lạp”. Cũng vậy, mục từ hài kịch giảng “dt; kịch vui” (tr.315, cột 2), nên bổ sung: “một thể loại trong bộ môn chính kịch, xuất hiện sau bi kịch, có từ thời Cổ đại Hy Lạp, xung đột được mở nút từng bước gây tiếng cười cho khán giả”.
5-1-3 Giải nghĩa nhiều khi cảm tính, chỉ nêu được nghĩa bám ngoài mặt chữ
– Ví dụ 1, bỏ túi: “tt; nhỏ đến nỗi có thể bỏ túi được (từ điển bỏ túi)” (tr. 51, cột 1). Nhìn vào nghĩa hiển lộ trên chữ và cứ thế lặp lại nó, đó là cách giải nghĩa cảm tính. Một từ đơn giản như “bỏ túi” hiểu cho đầy đủ phải bao gồm 3 nghĩa: 1. Nghĩa đen: hành vi đưa một vật vào túi áo; 2. Nghĩa bóng: hành vi ăn cắp vặt giống như “thó”, “nẫng” (Ví dụ: Mới bỏ chiếc đồng hồ ra bàn một chốc mà không biết tay nào bỏ túi mất rồi); 3. Nghĩa tượng trưng hiện đại mới có gần đây: Chỉ những vật thể, sự việc có kích cỡ, thời lượng thu nhỏ lại dưới mức được coi là tiêu chuẩn thông thường (Ví dụ: câu chuyện bỏ túi, kinh nghiệm bỏ túi, vụ án bỏ túi, xe hơi bỏ túi…).
– Ví dụ 2, béo phệ: “tt; đã mập lại lùn và có cái bụng đầy mỡ” (tr.39, cột 2). Nói “lại lùn” là cảm tính; người cao mà béo và phệ bụng thì vẫn phải gọi là béo phệ chứ biết gọi là gì? Nói chung, cảm tính là điều tối kỵ trong biên soạn từ điển, dễ dẫn đến thừa ý.
– Ví dụ 3, bạn đường: “dt; giống như bạn đời (ý nói hai vợ chồng sống chung và chia sẻ mọi nỗi vui buồn trên đường đời)” (tr.23, cột 2). Bạn đường sao có thể giống bạn đời được. Giữa “đường” và “đời” có một ý nghĩa biểu tượng về thời gian không trùng lẫn. Kết bạn trên đường, dẫu là quãng đường rất xa cũng chỉ là một quãng. Trong khi kết bạn đời là dành cho nhau suốt cả cuộc đời. Trong các câu ca dao “Đôi ta như thể bạn đường / Gió mưa cùng núp, dặm trường có đôi”; “Đôi ta như thể con ong / Con quấn con quýt con trong con ngoài”; “Đôi ta như thể con tằm / Cùng ăn một lá cùng nằm một nong”… (đều là nhóm ca dao thuộc thể “tỷ”), tác giả khuyết danh có dùng những hình ảnh “bạn đường”, “con ong”, “con tằm” để so sánh với “đôi ta” nhưng so sánh không phải là đồng nghĩa. Chỉ cần đem “bạn đời” thay cho bạn đường trong câu 1: “Đôi ta như thể bạn đời”, thì “đôi ta” đã thành một cặp vợ chồng giả, là câu nói vui của hai kẻ kết giao ngẫu nhiên trên đường. Cũng thế, nếu vì thấy có sự ví von giữa “đôi ta” với “con ong”, “đôi ta” với “con tằm” mà định nghĩa “con ong”: giống như bạn đời; “con tằm”: giống như bạn đời… thì thành ngớ ngẩn vô lý. Giảng nghĩa bạn đường giống như bạn đời là lâm vào tình trạng ấy. Qua ca dao cũng có thể rút ra nét khu biệt chính yếu giữa hai thứ “bạn”: bạn đường chỉ như thể “vợ chồng” trong khi “bạn đời” đích thực là “vợ chồng”.
– Ví dụ 4, bản lãnh: “dt; tài năng đặc biệt hơn người” (tr.23, cột 1). Giảng rất khiên cưỡng, do hiểu mang máng hai chữ bản lãnh. Tài năng và bản lãnh thuộc hai phẩm chất không cùng loại với nhau. Tài năng là năng khiếu bẩm sinh, do trí tuệ và các giác quan có sự nhạy bén khác thường nào đấy, trong khi bản lãnh là một đức tính thuộc chí khí, cốt cách của con người. Cả hai phương diện tài năng và bản lĩnh đều cần được trau dồi thường xuyên để hiển lộ ra và phát huy hiệu năng của chúng, nhưng một bên, tài năng, đưa đến những đóng góp xuất sắc trong chuyên môn, một bên, bản lĩnh, giúp con người trở nên cứng cỏi kiên định, dám đứng ra đương đầu với những khó khăn, dẫu gặp trở ngại vẫn không lùi bước. Không ai khen một họa sĩ “có bản lãnh vẽ tranh như Léonard de Vinci” (trừ phi có gửi ngầm một ý châm biếm) mà chỉ khen “có tài vẽ tranh như Léonard de Vinci”. Cho thấy “tài năng” và bản lãnh là hai phạm trù không thể đánh đồng, cũng không thay thế cho nhau được.
5-1-4 Giải nghĩa vừa thừa vừa thiếu (đem cái bộ phận chỉ cái toàn thể; đặt hai đại lượng không cùng loại trong quan hệ so sánh; thêm thắt những chi tiết phụ – mục đích, nguyên nhân – làm lấn át và mờ nghĩa chính)
– Ví dụ 1, bớt lửa: “đt; vặn nhỏ bếp (điện hay ga) để ngọn lửa nhỏ đi hay chỉ giữ ít than hồng lại (bếp than), cho thức ăn bên trong nồi khỏi cạn hay cháy trong lúc nấu” (tr.61, cột 1). “Vặn nhỏ bếp” đúng là một việc làm bớt lửa, nhưng chỉ đúng trong việc bếp núc. Nếu không phải nấu cơm mà đốt lửa trại, gặp lúc ngọn lửa bốc cao quá phải rút một phần củi ra thì có gọi bớt lửa được không? Thế chẳng phải nghĩa tổng quát của mục từ không được nhắc tới mà đoạn bàn thêm mục đích việc vặn nhỏ bếp “cho thức ăn bên trong nồi khỏi cạn hay cháy trong lúc nấu” đưa vào lại không cần thiết khiến lời giải dài dòng?
– Ví dụ 2, bộ mặt: “dt; 1. Hình dáng bên ngoài (bộ mặt thành phố); 2. Vẻ tình cảm bộc lộ ra bên ngoài của người ta (bộ mặt anh ta tươi rói)” (tr. 56, cột 1). Cả 1 và 2 đều tối nghĩa và phi lôgic, chỉ cốt làm rõ hai dẫn chứng đi kèm. “Hình dáng bên ngoài” là một khái niệm không xác định (hình dáng bên ngoài của cái gì), không thể dùng định nghĩa cho bộ mặt là một khái niệm cụ thể. “Hình dáng bên ngoài” lại là khái niệm toàn xưng (toàn thể bên ngoài của một vật gì đó), trong khi bộ mặt là một khái niệm đặc xưng (chỉ thu hẹp ở một phần hình dáng bên ngoài mà thôi). Đem cái không xác định định nghĩa cái cụ thể là phi lý, đem cái toàn xưng định nghĩa cái đặc xưng càng phi lý. Không ai nói hình dáng bên ngoài của cây cối, của quả núi, của máy bay là “bộ mặt cây cối”, “bộ mặt quả núi”, “bộ mặt máy bay”. Nghĩa 2 cũng vậy, “vẻ tình cảm bộc lộ ra bên ngoài của người ta” không thể nào là bộ mặt người ta, vì tình cảm là một trạng thái tâm lý, lúc bộc lộ ra ngoài lúc không bộc lộ, bộc lộ ra ở mặt mà cũng có khi ở những phần khác trên cơ thể (xúc động dậm dật chân tay), còn bộ mặt thì lúc nào cũng lồ lộ, không biến đi đâu được, lại gắn với cơ thể con người ở một vị trí nhất định phía trước đầu, không xê dịch được. Nghĩa đen của bộ mặt tóm lại là toàn thể dáng vẻ, sắc diện hiển hiện trên khuôn mặt. Đi sâu vào sẽ thấy thêm: sắc diện ngoài mặt có thay đổi, biểu hiện thần thái bên trong từng lúc của con người hay con thú. Bộ mặt vì thế có một nghĩa thứ hai mang sắc thái tu từ, chỉ hình dáng bên ngoài của một sự vật gì mà người quan sát nhìn vào cảm nhận ra thực chất bên trong của nó (bộ mặt ngôi làng, bộ mặt thành phố,…).
– Ví dụ 3, bòn mót: “đt; để dành dần bằng cách thu nhặt, lượm lặt thật kỹ, không bỏ sót tí nào” (tr.52, cột 2). Đặt mục đích việc “bòn mót” lên đầu, khiến ai cũng tưởng “để dành dần” chính là bòn mót. Nhưng bòn mót nhằm để dành dần chỉ đúng với một ít tình huống cá biệt. Trong quá khứ, cứ đến vụ gặt, rất nhiều người dân nghèo khó đổ ra đồng bòn mót lúa đã gặt xong ngoài ruộng, thì bòn mót đối với họ là để ăn ngay, tức hoàn toàn ngược lại “để dành dần”. Thành thử “để dành dần” đặt vào đây như hệ quả đương nhiên của mọi hành vi bòn mót là không phù hợp. “Thu nhặt, lượm lặt thật kỹ” cũng không đúng nghĩa bòn mót nếu hành vi đó chỉ một thao tác làm việc ở khâu cuối trong dây chuyền thu hoạch sản xuất. Phải là lượm lặt lại kỳ hết những gì còn sót trên phần đã thải loại ra sau khi thu hoạch, thì mới là bòn mót.
– Ví dụ 4, bàn mảnh: “đt; bàn riêng trong một nhóm nhỏ (sau khi bất đồng ý kiến với số đông)” (tr.22, cột 2). Nói bàn riêng “sau khi bất đồng ý kiến với số đông” là khẳng định một nguyên nhân cụ thể sinh ra việc bàn mảnh, chưa chắc đã đúng với chữ “mảnh” vốn mang một chút mập mờ về ngữ nghĩa, không rõ ra ý bất đồng mà gợi lên sự riêng rẽ, tách biệt, có hàm ý mỉa mai. Trong bàn mảnh có cái gì đó như muốn giấu giếm, hoặc muốn dành cho mình phần lợi riêng. “Ăn mảnh” là ăn một mình, kiếm chác được món hời riêng cho mình; bàn mảnh là bàn riêng giữa đồng bọn với nhau, không muốn để nhiều người biết.
– Ví dụ 5, bà sơ: “(ck bà xơ) dt; 1. (gốc sœur, tiếng Pháp) nữ tu Công giáo; (trong chế độ phong kiến từ bà thường được dùng để tỏ sự tôn kính đối với người có chức tước, nhưng trong thời đại mới mà dùng từ bà để gọi các nữ tu thường quá trẻ thì thấy không ổn, vì thế chỉ nên dùng bà sơ cho các nữ tu Công giáo đã trọng tuổi); 2. Mẹ của ông bà cố (ông cố bà sơ)” (tr. 17, cột 1). Giữa hai nghĩa 1 và 2, lọt vào một câu “bàn thêm” khá dài, không giải thích mà là một lời khuyên, rằng tuổi nào thì nên đặt chữ “bà” trước chữ “sơ” và tuổi nào thì không nên. Nhưng sách không phải là cuốn “từ điển khuyến cáo cách dùng từ”, chỉ là từ điển ngữ nghĩa, và đối tượng giảng là từ kép bà sơ, không riêng chữ “sơ”. Vì thế, tốt nhất là nên bỏ đoạn “ngoại đề” này.
5-1-5 Giải nghĩa thành ngữ không sáng nghĩa
– Ví dụ 1, buôn thần bán thánh: “thn [thành ngữ]; lợi dụng lòng mê tín của người đời để nói đền này linh, miếu kia thiêng, tượng nọ ban phước lớn, để lôi cuốn khách thập phương đến cho nhiều mà làm tiền” (tr.64, cột 1). Trình bày kể lể như lối viết tường thuật, không đưa ra được một nghĩa chung sáng tỏ, lại vi phạm điều cấm kỵ trong từ điển cần cách giảng vắn tắt. Thường mỗi câu thành ngữ đều đúc kết thực tế bằng một vài hình ảnh nén lại trong dăm ba từ hàm súc và tỉnh lược, có kết cấu đối xứng, làm cho nghĩa đen cũng trở thành ẩn, để gửi ngầm một nghĩa bóng có giá trị khái quát hơn. Vì thế, giải thích nên tùy từng câu “cởi nén” để lộ đầy đủ nghĩa đen (tầng nghĩa 1), sau đó chuyển nghĩa đen sang nghĩa bóng (tầng nghĩa 2). Nếu nghĩa đen đơn giản không mang nhiều ẩn dụ thì không cần tách thành hai mà gộp vào một lời giải thống nhất. Như câu trên, giảng: “lợi dụng mê tín hoặc tôn giáo để tìm đủ cách làm tiền khách thập phương” là đủ, không phải phân tích buôn thần là gì, bán thánh là gì. Ngược lại, với câu thành ngữ kế tiếp (ví dụ 2 ở dưới), chỉ giảng vắn tắt nghĩa bóng sẽ khó lòng thỏa mãn được người nghe.
– Ví dụ 2, buôn thất nghiệp lãi quan viên: “thn; buôn nhỏ mà lời to” (tr.64, cột 1). Hình ảnh được dùng ở thành ngữ này rất bóng bẩy, lời giải thích không sai nhưng quá vắn tắt nên chưa mở được chìa khóa chữ nghĩa, đọc xong vẫn có gì đó lý trí chưa thông. Cần bổ sung thêm vài chữ làm rõ “buôn thất nghiệp” là thế nào (buôn rất ít vốn giống như phường thất nghiệp trong túi chỉ có vài đồng) và “lãi quan viên” là thế nào (lãi thu về cực lớn giống như đám quan lại tiền trăm bạc vạn), như thế nghĩa cả câu mới thật sự phơi bày.
– Ví dụ 3, bứt mây động rừng: “thn; gây sự với một cá nhân cũng có thể đụng chạm đến cấp trên hay người “chống lưng” của người này, làm vỡ lở một chuyện nhỏ cũng có thể tác động tai hại đến cả một hệ thống” (tr.67, cột 2). Một dị bản khác là rút dây động rừng phổ biến hơn câu trên, và trong từ điển cũng có câu dứt dây động rừng (tr.200, cột 1) nhưng không giảng. Về chữ nghĩa, nên dùng “rút dây động rừng” thay cho cả hai câu (rút dây đúng hơn dứt dây hay bứt mây: “dây” chỉ rút chứ không dứt; “mây” là một cá thể, còn “dây” bao gồm trong đó cả “mây). Về nội dung, giải thích như tác giả gây cảm tưởng thiếu hụt, xa lạ với các hình ảnh chứa đựng trong câu thành ngữ, ở đây là mối quan hệ giăng mắc rất tự nhiên giữa các loài cây trong rừng, từ nhỏ nhất như dây leo đến cả khu rừng to lớn. Chỉ cần rút một sợi dây leo, nhưng dây leo vốn có rễ bám chằng chịt với cây cối xung quanh, mà dây leo trong rừng thường bò lan rất xa, nên hễ rút một sợi thôi đã chuyển động đến cả rừng cây. Từ đó suy ra nghĩa bóng: mỗi con người sống giữa một cộng đồng lớn hay bé đều bị ràng buộc vào cộng đồng bởi không ít quan hệ xã hội giản đơn hay phức tạp, kể cả những liên kết phe nhóm, bè cánh chìm hay nổi. Chỉ cần xử sự một việc liên quan đến một cá nhân cũng có thể dắt dây đến cả một thế lực tốt xấu gián tiếp đứng phía sau. Ta thấy, mối liên kết biện chứng giữa hai nghĩa đen và bóng ở câu thành ngữ rất chặt chẽ, bỏ đi một vế nào khi giảng cũng là phiến diện.
5-1-6 Giải nghĩa từ cổ chưa chọn đúng nghĩa cổ.
– Ví dụ 1, bật bông: “đt; làm hột tách ra khỏi quả bông gòn bằng một thiết bị bằng tre” (tr.37, cột 1). Đọc lời giảng, có phần chắc tác giả sống ở thành phố nên không từng chứng kiến những bãi đất trồng bông dệt vải ngày xưa, chỉ biết có mỗi loại bông gòn dùng nhiều trong y dược. Nhìn lại đời sống nông dân nước ta thuở trước, trồng bông may áo là một trong những việc chính, cũng như trồng lúa để có gạo ăn. Cây bông cho ra quả, trong quả có xơ bông bao bọc nhiều hạt bông ở giữa. Sau khi phơi quả bông thật khô, phải dùng một cái “xa cán bông” để tách xơ bông khỏi hạt theo cách thủ công cổ truyền. Nhưng bông cán xong vẫn chưa hết các tạp chất và bụi bẩn nên chưa trắng. Lại phải thực hiện một công đoạn tiếp theo là đem bông vào “máy bật bông” để bật – máy hình cánh cung rất lớn, có sợi dây bằng thép căng thẳng cho cánh cung cong lại, dùng chiếc dùi gỗ đánh vào sợi dây thép làm cho bông tơi ra, nhờ đó tạp chất và bụi bẩn bắn ra vòng ngoài, tách khỏi phần xơ bông. Muốn cho bông thật trắng thì phải bật đi bật lại nhiều lần: “Bật bật bòng bòng / Nhiều tiền thì trong / Ít tiền thì cắn [cặn] / Bật bật bắn bắn / Ít tiền thì cắn / Nhiều tiền thì trong”. Ngoài việc bắn bông mới thu hoạch, người thợ bật bông còn nhận bắn tơi cả những áo bông cũ, mặc lâu ngày bông đã xẹp xuống, để sau khi bật đem may lại dùng, sẽ ấm như áo mới. Có lẽ việc bật bông gòn là bắt chước cách thức bật bông xe sợi đã có từ rất lâu đời. Trong tư cách một nhà từ điển học, giảng một từ cổ nên tìm đến cả nghĩa nguyên thủy và nghĩa sinh sau, không lấy nghĩa sinh sau làm nghĩa chính gốc.
– Ví dụ 2, Ba hồn chín vía: “1. đt; linh hồn người chết (ới ba hồn chín vía cậu Ba về mà ăn xôi nghe kèn); 2. trt; kinh hãi quá (sợ hãi mất cả ba hồn chín vía)” (tr.15, cột 2). Đây cũng là một tổ hợp từ rất cổ, gắn với tín ngưỡng xưa của người Việt (có chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Đạo giáo Trung Quốc), coi hồn và vía là hai thực thể tinh thần luôn gắn với thể xác con người (Đạo giáo TQ gọi là hồn và phách). Chỉ khi người ta chết thì hồn và vía mới tách lìa khỏi xác. Tín ngưỡng của Việt Nam còn phân biệt hai giới nam và nữ, hồn như nhau nhưng vía khác nhau. Nam có ba hồn bảy vía (có thuyết nói do trong cơ thể có bảy lỗ) và nữ có ba hồn chín vía (cơ thể có chín lỗ). Một khi người đàn ông qua đời hoặc bỗng dưng ngất lịm đột ngột, muốn gọi cho tỉnh lại thì phải gọi to: “hú ba hồn bảy vía ở đâu mau trở về nhập xác”; nếu là người đàn bà thì gọi: “hú ba hồn chín vía” (xem: Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh; xem thêm Tắt đèn (1939) của Ngô Tất Tố). Tín ngưỡng gốc là thế nhưng trải qua hàng thế kỷ, địa bàn cư trú trải rộng, dân Việt đi dần vào phía Nam mang tín ngưỡng đi theo; dân gian thường chỉ truyền miệng cho nhau, đến cư trú vùng nào lại pha tạp với tín ngưỡng của tộc người bản địa sở tại, nên không tránh khỏi rơi rụng và sai lạc… Đọc mục từ ba hồn chín vía thấy người soạn đã có ý thức ghi lại nghĩa truyền bản tại địa phương mình, song chưa vận dụng ngữ liệu đối sánh để lọc ra và bổ sung thêm những nghĩa đáng coi là gần với nghĩa gốc hơn nghĩa vùng này vùng khác đang lưu hành.
– Ví dụ 3, bàn độc: “dt; 1. bàn đọc sách của nhà nho thuở xưa (chó nhảy bàn độc); 2. loại bàn cao và hẹp dùng để đồ thờ cúng” (tr.22, cột 1). Các từ điển tiếng Việt từ thế kỷ XX trở lại đều có đủ hai nghĩa như hai tác giả:
a) Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức (Nhà in Trung bắc Tân văn, Hà Nội, 1931, tr.27, cột 2): “Bàn độc = Bàn kê một mình để đọc sách, có khi dùng chung với bàn thờ: Hương án bàn độc”;
b) VNTĐLVĐ&LNT (1970, Q. thượng; tr.59, cột 1): “ Bàn độc = Bàn kê để đọc sách // Bàn thờ”;
c) TĐHP (2003, tr.29, cột 2): “ Bàn độc = 1. Bàn để đọc sách; 2. Bàn để đồ thờ, bàn thờ”;
d) Riêng Từ điển từ và ngữ của Nguyễn Lân (NXB Tổng hợp, TP HCM, 2000) có giảng thêm nghĩa thứ ba, song tựu trung nghĩa 2 và nghĩa 3 cũng gần là một: “Bàn độc = 1. Bàn nhà nho ngồi đọc sách (cũ): Chó nhảy bàn độc (tng); 2. Bàn thờ: Hương án bàn độc (tng); 3. Bàn bày đồ thờ người ta khiêng đi trong đám ma (cũ): Sau đoàn câu đối thì là bốn năm cái bàn độc (Nguyễn Công Hoan)”(17).
Theo thứ tự, nghĩa “bàn đọc sách” được thống nhất xếp vào nghĩa 1, ngầm ý nghĩa chính. Nhưng truy ngược lên những từ điển xuất hiện trước thế kỷ XX, thì rất lạ, nghĩa chính ấy lại không có. Dẫn một cuốn in gần chạm đường biên giữa hai thế kỷ là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của (Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Saigon, 1895, tr.30, cột 1): “Bàn độc = “Ghế lễ lớn có bốn chân xếp, cũng là bàn dọn ăn”. Huình Tịnh Của có gợi thêm chức năng “dọn ăn” của bàn độc song không ghi nhận chức năng “đọc sách”. Bổ sung cho Huình Tịnh Của là chiếc “bàn độc” ở miền Bắc trong bài thơ Đĩ cầu Nôm của Nguyễn Khuyến: “Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc…”. Bàn độc của nhà thơ họ Nguyễn tất không thể là “bàn đọc sách”, vì đám người buôn son bán phấn chẳng phải nhà nho.
Phỏng đoán: nghĩa 1 kỳ thực chỉ do các nhà ngữ học hiện đại suy luận từ chữ Hán (độc 獨 = một mình hoặc độc讀 = đọc). Đã suy luận thì chưa có gì chắc chắn. Đối với loại từ cổ như bàn độc, muốn soi sáng đi đến thừa nhận hoặc loại trừ các lớp nghĩa thời sau gán vào, phải vận dụng nhiều chứng cứ lịch sử, trong đó có “kiểm tra chéo” giữa phong tục học với bằng chứng từ thành ngữ, tục ngữ, văn thơ, từ điển (“trọng chứng hơn trọng cung”). a. Về phong tục, xưa kia các gia đình người Việt với ngôi nhà ba gian, hoặc thêm hai chái làm buồng ngủ, ngoài gian giữa đặt bàn thờ, một gian bên kê “tấm phản”, gian bên đối diện đặt bộ “tràng kỷ” ngồi tiếp khách, có dùng thêm chiếc bàn nào khác trong sinh hoạt, như chiếc bàn cho nhà nho ngồi đọc sách hay không? Phần chắc không có. Tôi ngờ bàn đọc sách hiện đại dùng cho cá nhân (vừa tầm ngồi đi kèm chiếc ghế có tựa lưng), mới nhập tịch từ phương Tây khoảng vài thập niên đầu thế kỷ XX. Nhà nho thường nằm nghỉ và ngồi đọc sách nơi tấm phản, cũng thuận tiện cả khi viết bút lông trên giấy khổ lớn, sách thánh hiền cất vào tủ nhỏ treo lên nóc nhà; đối với một ít gia đình “dòng dõi thư hương” có thêm cái “án thư” (cao, hẹp bề ngang và dài) để giấy bút và vài thứ đồ dùng lặt vặt liên quan (Trên yên/án để sẵn con dao – Truyện Kiều), nhưng không để đọc sách vì quá cao. Tại trường ĐH Quốc tử giám duy nhất ở kinh đô cũng chỉ dùng phản mỗi khi có cuộc giảng sách bình văn (Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ). Cho đến phiên chợ Tết vùng quê cũng phải khiêng phản ra chợ viết chữ bán câu đối tết (Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản / Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân – Đoàn Văn Cừ). Nếu đã có thói quen dùng bàn thì đưa bàn ra chợ chắc nhẹ nhàng hơn phản nhiều. b. Về chứng cứ chữ Nôm và chữ quốc ngữ, phải nhắc đến học giả An Chi cách nay 12 năm từng tra tìm Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes (Rome, 1651). Thay vì bàn độc, ông tìm ra hai từ “bàn đạoc” và “bàn đọc” (đạoc theo An Chi cũng phiên âm “đọc”, là hai từ đồng âm; thực ra có lẽ do de Rhodes ghi chữ đọc theo phát âm kéo dài chữ o ở các vùng Nghệ Tĩnh và Quảng Nam Quảng Ngãi: đọc = đoọc / mệt nhọc = mệt nhoọc / sạch bong = sạch boong). Ở cột 22(18) (vần B) sách đó viết: Bàn thờ, bàn đạoc = Oratorio, Altar [tiếng Bồ]; Oratorium, Altare [tiếng Latin]; Ở cột 226 (vần Đ), sách viết tiếp: Bàn đọc = Altar [tiếng Bồ]; Altare, is [tiếng Latin]. Có được 2 cứ liệu mới mẻ về bàn đọc, An Chi bèn cho rằng gọi bàn độc như ngày nay là nhầm lẫn, tên chính xác của nó phải là “bàn đọc”, không phải bàn đọc sách như nhiều người nghĩ, mà là bàn tụng kinh Phật cầu siêu cho người chết. Tuy vậy có một điểm cũng hơi khó hiểu trong cách ghi nghĩa tiếng Bồ và tiếng Latin của A. de Rhodes, An Chi lại bỏ qua không để ý. Đó là A. de Rhodes hình như không thật sự quan tâm đến nghĩa đặc trưng của chữ “bàn đọc” so với chữ “bàn thờ”. Theo trật tự sắp xếp tại cột 22: tiếng Việt ghi “bàn thờ” trước, “bàn đạoc” sau, lẽ ra tiếng Bồ và tiếng Latin cũng phải đặt hai chữ Altar và Altare (bàn thờ) lên trước hai chữ Oratorio và Oratorium (bàn cầu nguyện) mới tương ứng (với tiếng Việt). Thế mà sách ghi ngược lại → bàn thờ / bàn đạoc = 1. Tiếng Bồ: Oratorio (bàn cầu nguyện); Altar (bàn thờ) / 2. Tiếng Latin: Oratorium (bàn cầu nguyện); Altare (bàn thờ).
Tiếp đấy, tại cột 226: tiếng Việt chỉ có chữ “bàn đọc” thì lẽ ra tiếng Bồ và tiếng Latin phải là Oratorio và Oratorium (bàn cầu nguyện) mới đúng nghĩa, thế mà sách lại ghi Altar và Altare (bàn thờ) → đọc, bàn đọc = 1. Tiếng Bồ: Altar (bàn thờ); 2. Tiếng Latin: Altare (bàn thờ).
Vậy là sao? Sao “bàn đọc” lại là bàn thờ mà không phải là bàn cầu nguyện? Liệu có phải đây là do ảnh hưởng của thói quen lưu cữu trong dân gian: tuy vào thế kỷ XVII ở một số vùng (nhất là những vùng theo đạo Phật) có thể đã sinh thêm cái “bàn đọc” bên cạnh “bàn thờ” vốn có từ xưa, nhưng nghĩa nhập tâm mà người dân nhớ và hiểu thì cả hai thứ bàn đều là bàn thờ cúng. Và trong khi hành lễ, đến lúc phải khấn khứa, chắc người ta cũng làm luôn tại chỗ chứ chẳng mấy ai rời bỏ “bàn thờ” đi sang “bàn đọc” cho thêm phiền phức(19). Nếu căn cứ trên từ nguyên, An Chi vẫn có thể giải thích bàn đạoc/bàn đọc là bàn tụng kinh niệm Phật như ông đã làm, nhưng từ đấy mà đi ngay đến kết luận bàn đạoc/bàn đọc thế kỷ XVII chính là bàn độc thế kỷ XX thì còn hơi vội(20). An Chi không nghĩ được khoảng cách từ A. de Rhodes đến thời đương đại dài 4 thế kỷ, tiếng Việt còn nhiều dịch chuyển, chữ quốc ngữ của de Rhodes cũng mới phôi thai chưa cố định được ngay. Chỉ cần lùi xuống nửa cuối thế kỷ XVIII, tên “bàn đạoc/đọc” bất ngờ biến mất, tên bàn độc đột ngột hiện ra. Trong bốn cuốn từ điển kế tiếp: 1773 (de Behaine), 1838 (Taberd), 1877 (Caspar), 1898 (Génibrel), từ kép bàn độc có đủ mặt ở cả bốn, không cuốn nào còn lưu lại từ “bàn đọc” hay “bàn đạoc”. Chữ “độc” cũng chẳng phải biến âm từ “đọc” sang, trái lại là một chữ không có dây mơ rễ má gì với “đọc”. Trong hai sách cùng tên Dictionarium Anamitico-Latinum của Pignaux de Behaine (bản chép tay, 1773) và của Jean Louis Taberd (bản in, 1838, cuốn sau thoát thai từ cuốn trước), bên cạnh chữ bàn độc có in kèm cả chữ Nôm槃櫝. Đây thật sự là một thông báo có tính bước ngoặt. Phần giải nghĩa tiếng Latin nhấn mạnh hình dáng của bàn độc là chiếc kệ nhỏ cao đặt hương và một số vật dụng tương tự (mensula thuris rebusque id genus reponendis destinata) (Pignaux de Behaine, tr.10, cột 1 / Taberd, tr.13, cột 1). Xét chữ Nôm 櫝độc nghĩa Hán là hộp, tráp, hòm, tủ, làm tính từ cho槃bàn thì nghĩa sát nhất của槃櫝phải là bàn gỗ hình dáng chiếc tủ cao và hẹp, cho nên giảng “kệ nhỏ cao” có lẽ có một phần xác đáng (cả de Rhodes, de Behaine và Taberd đều chưa có mục từ “tủ”, chắc đến giữa thế kỷ XIX dụng cụ này người Việt vẫn chưa thông dụng). Hai soạn giả Lê Văn Thu và Nguyễn Hiền, không biết dựa vào đâu, cũng có cách giải thích bàn độc trùng nghĩa chữ Nôm 槃櫝: “loại bàn cao và hẹp dùng để đồ thờ cúng” (tr.22). Hai cuốn từ điển Việt-Pháp in tiếp sau Taberd vài chục năm cũng ghi nhận bàn độc là bàn nhỏ thắp hương thờ cúng: 1. Dictionnaire annamite-français của J.M.J. Caspar, Nhà in Tân Định, 1877, tr.22: “Bàn độc = petit autel” (bàn nhỏ thắp hương). 2. Dictionnaire anamite-français của J.F.M. Génibrel, in lần thứ hai, Nhà in Tân Định, 1898, tr.17, cột 1: “Bàn độc, bàn hương án = Autel des parfums” (bàn thờ thắp hương).
Tóm lại, từ các nghĩa tìm được vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX kết hợp với chữ Nôm bàn độc槃櫝 của P. de Behaine và Taberd, ta có một bước cụ thể hóa hình dáng chiếc bàn mà câu thành ngữ “hương án bàn độc” cho phép xác định đó là hai dụng cụ gần gũi: bàn độc hẹp và cao như tủ nhỏ, chủ yếu bày hương và các lễ vật để thắp khấn vái lúc tế lễ, lúc cần còn có thể khênh ra huyệt mộ. Nghĩa này phù hợp với nghĩa 2 trong sách của Lê Văn Thu và Nguyễn Hiền. Riêng nghĩa 1 “bàn đọc sách”, hiện không có căn cứ văn liệu nào về mối liên hệ bàn độc = bàn độc chữ Hán (獨một mình / 讀đọc sách); cũng không có mối liên hệ bàn độc = bàn đạoc A. de Rhodes, vậy các ông nên loại bỏ. Phải là loại bàn thờ cao và mặt bàn nhỏ hẹp thì chó mới khó nhảy lên được, nên việc “chó nhảy bàn độc” là chuyện đảo điên hiếm thấy, được ví với một kẻ tồi bại nhất thời nhảy tót lên địa vị cao sang. Chẳng phải thói quen coi trọng sách vở nhà nho mà sinh ra câu này.
– Ví dụ 4, bách nghệ: “dt, các nghề nghiệp, nói chung” (tr.18, cột 1). Giảng thế cũng đã xuôi nhưng nên nghĩ: từ “bách nghệ” ngày nay không đâu còn dùng. Lần tìm về quá khứ, gần chứ không quá xa, thì từ “bách nghệ” xuất hiện và gây ấn tượng trong dân Việt đầu tiên khi người Pháp mở ra các trường Kỹ nghệ thực hành (Ecole pratique d’industrie) dạy nhiều loại nghề thuộc bậc tiểu học ở nhiều tỉnh Đông Dương, đặc biệt lấy hai chữ bách nghệ để gọi tên bằng tiếng Việt cho ngôi trường này ở Huế (một ngôi trường rất nổi tiếng, cải tiến một bước từ ngôi trường “bách công” do vua Thành Thái khởi xướng từ năm 1899 và lấy tên là Bách công kỹ nghệ). Nên thêm một nghĩa cụ thể đó vào mục từ bách nghệ sẽ đầy đủ hơn.
– Ví dụ 5, bản mường: “dt, như bản làng (từ mường được dùng với ý coi thường người sắc tộc chưa văn minh)” (tr.23, cột 1). Phần đặt trong ngoặc đơn e chưa ổn. Chữ “mường” vốn bắt nguồn từ ngôn ngữ của chính dân tộc Mường thì sao lại có hàm ý coi thường được (coi thường chính mình?) “Mường” là một danh từ chung chỉ một đơn vị cư dân lớn hay nhỏ thuộc các vùng cao nguyên phía Bắc (TĐHP: “Mường: khu vực đất đai ở một số vùng dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam, tương đương với làng, xã hay huyện, xưa là phạm vi cai quản của một chúa đất” (tr.653-654); xem thêm Tô Hoài: Truyện Tây Bắc (1955)).