Tác giả: Timothy Snyder
Việt dịch: Nguyễn Quang A
Nhà xuất bản Dân Khí, 2025
Sự không thể dự đoán được
Các trạng thái không chắc xảy ra
Thế giới của tôi mở ra qua việc đọc, một năng lực tôi có được nhờ những người khác. Mọi người đưa tôi đến với sách, và sách đưa tôi đến với mọi người. Khi tôi trưởng thành, tôi bị nhà bất đồng chính kiến Czech Václav Havel và sự giải thích của ông về tự do làm cho quyến rũ, rất khác với giải thích tôi đã hấp thụ trong trường hay từ phim ảnh. Tôi đọc Havel trong 1989 khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt ở Tiệp Khắc bản xứ của ông và khắp Đông Âu. 1Những văn bản làm tôi quyến rũ đã xuất hiện khi tôi còn là một cậu bé, trong 1975 và 1978, vào khoảng thời gian tôi rung chiếc chuông đó và lần đầu tiên nghĩ về tự do.
Havel bắt đầu như một nhà thơ và kết thúc như một tổng thống, khi thời gian trôi đi như một nhà viết kịch và một tù nhân giữa chừng. Sinh ra ở một Tiếp Khắc vẫn là dân chủ và độc lập giữa hai cuộc chiến tranh, ông là một trẻ nhỏ khi nước Đức Nazi chia cắt nước ông trong 1938, và một cậu bé mười hai tuổi khi những người cộng sản tiếp quản nó trong 1948. Havel đã may mắn trong sự quan tâm đến giáo dục của ông, bất chấp hoàn cảnh. Trong mùa Xuân Prague 1968, một thời gian ngắn khi những người cộng sản Tiệp khắc cho phép tự do hội họp và ngôn luận, Havel đã lên tiếng ủng hộ bầu cử đa đảng.
Sau khi Liên Xô (và các đồng minh Hiệp định Warsaw của nó) xâm chiếm Tiệp Khắc tháng Tám đó, Havel bị đưa vào sổ đen và không còn có thể công bố các vở kịch của ông một cách hợp pháp nữa. Ông chuyển từ Prague đến vùng nông thôn và cuối cùng đã có một việc làm tại một nhà máy bia. Trong 1975 ông soạn 2một vở kịch hai-nhân vật “về” kinh nghiệm, để được biểu diễn giữa các bạn bè. Vở Khán giả được dựng trong một nhà nước cảnh sát bị siêu cường láng giềng của nó chiếm đóng, cả hai nước bị các đảng cộng sản trên danh nghĩa theo chủ nghĩa Marx cai trị. Thế nhưng vở kịch không có ý thức hệ nào và binh lính nào, và chỉ một cảnh sát duy nhất, mà hiện diện chỉ trong đối thoại.
Vở kịch là về chúng ta làm gì với nhau bên trong các cấu trúc như vậy. Trong Khán giả, một nhân viên bất đồng chính kiến được nhà máy bia thuê bị triệu lên để gặp chủ nấu bia. Chủ nấu bia, tất nhiên, phải thông báo về nhân viên bị nghi về chính trị của mình. Từ những cuộc chuyện trò vòng vo vô bổ, hóa ra là chủ nấu bia thân với sĩ quan cảnh sát mật mà ông nộp các báo cáo cho. Chủ nấu bia muốn giúp bạn cảnh sát của mình, nhưng bản thân ông cần sự hỗ trợ nào đó. Ông viết không tốt, và suy luận rằng có thể tiết kiệm thời gian toàn diện nếu kẻ bất đồng chính kiến viết báo cáo về chính mình, chủ nấu bia chỉ ký chúng, và cảnh sát mật sắp xếp chúng vào hồ sơ. Nhà bất đồng chính kiến cuối cùng đồng ý việc này.
Trong vở kịch lỗi lạc này, Havel thâu tóm cái gì đó của Tiệp Khắc của các năm 1970. 3Giai đoạn này được biết như thời kỳ “bình thường hóa”. Không ai tin vào chủ nghĩa Marx nữa. Nhiều người Czech và Slovak vào cuối 1968, trong “mùa Xuân Prague” mà đã cho phép tự do biểu đạt và hứa hẹn cải cách, đã không tin. Sau khi các xe tank Soviet nghiền nát mùa Xuân Prague tháng Tám đó, ý tưởng về chủ nghĩa xã hội chỉ còn là cái cớ hơn là khát vọng. Hệ thống hiện diện khắp mọi nơi không như ý thức hệ mà như sự tuân thủ; sự cám dỗ chỉ đơn giản là để nó hoạt động. Chắc chắn, là dễ hơn khi nhà bất đồng chính kiến báo cáo về bản thân mình. Thế nhưng việc làm vậy là để từ bỏ phẩm giá; như nhà bất đồng chính kiến và chủ nấu bia đã đồng ý sau đấy, “Mọi thứ đều là cứt.” Sự chỉ trích cay độc hệ thống trượt vào chủ nghĩa hư vô phục vụ cho hệ thống.
Có thể có vẻ vô hại để thừa nhận rằng không có đức hạnh nào, chẳng có gì đáng giá trong đời. Nó thậm chí có vẻ nhất quán với tự do: Nếu chẳng có gì đúng cả, thì chắc chắn mọi thứ đều được phép? Trên cơ sở này, chúng ta sẽ chống lại các rào cản đối với những thôi thúc của chúng ta—nhưng chúng ta sẽ thiếu một lý lẽ chống lại những kẻ hùng mạnh mà sự thôi thúc của họ là để kiểm soát chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận rằng 4“mọi thứ đều là cứt,” nếu chẳng gì là tốt hơn bất cứ thứ gì khác, thì chúng ta không có cơ sở nào cho các lựa chọn tự chủ, và không thu được sự rèn luyện nào trong việc xây dựng một cái tôi. Chúng ta sẽ lẩm bẩm trong hơi thở của mình và chấp nhận chỗ của mình trong một hệ thống.
Trong 1975 Havel cũng viết một thư ngỏ cho Gustav Husák, nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Tiệp khắc, về 5“sự xói mòn từ từ của mọi tiêu chuẩn đạo đức.” Havel là 6một người Bohemian theo đúng nghĩa; với “các tiêu chuẩn đạo đức” ông đã không có ý định nói về sự tự-cho là đúng đắn kín đáo. Ông có ý định nói về tự do, bắt đầu với một sự khẳng định tính nhân văn. Chỉ trên cơ sở đó mới tồn tại các lựa chọn có ý nghĩa. Không có một cảm giác về cái nên là, chúng ta không thể trở nên rõ ràng về cái đang là có thể thay đổi. Ở Ba Lan cộng sản, Adam Michnik, một nhà bất đồng chính kiến khác, đọc thư ngỏ của Havel và đã bị ấn tượng. Một cuộc gặp được lên kế hoạch. Nó đã bị việc bắt và bỏ tù Havel trong 1977 hoãn lại, nhưng nó đã xảy ra trong năm tiếp theo.
Trong một ngày đầy nắng tháng Tám 1978, Havel đã tránh cảnh sát mật, đi về phía biên giới Tiệp khắc-Ba lan, và leo lên đỉnh một núi. Tại đó ông và những nhà bất đồng chính kiến Tiệp khắc khác gặp Michnik và những nhà bất đồng chính kiến Ba lan khác. Họ đốt lửa, ăn, và uống vodka. Trong các bức ảnh, họ trông hạnh phúc. Michnik yêu cầu Havel viết. Ba tháng sau, một người đưa thư bí mật đã giao bản thảo của Havel cho Michnik ở Warsaw. 7Từ một thời khắc tiếp xúc tại biên giới trên một đỉnh núi nảy sinh tiểu luận của Havel “Quyền lực của những kẻ Không-quyền lực,” một suy ngẫm sâu sắc về tự do.
Trong tiểu luận, Havel đã chuyển kinh nghiệm của Tiệp Khắc “được bình thường hóa” thành những bài học chính trị tổng quát. “Sự bình thường hóa” đã có nghĩa là sự thích nghi với đường lối đảng, mặc dù chẳng ai tin nó bày tỏ bất cứ thứ gì vượt ra ngoài sự tiện lợi của những kẻ hùng mạnh. Tính bình thường theo nghĩa này của “sự bình thường hóa” không có thực chất nào, chỉ là hình thức. Đó là thói quen nói (và rồi suy nghĩ) cái có vẻ cần thiết, trong khi đồng ý ngầm (và rồi tường minh) rằng chẳng có gì thực sự quan trọng cả. Cuộc sống trở thành một echo chamber [buồng tiếng vọng] của tất cả các thứ chúng ta chẳng bao giờ dám nói.
Sự giả vờ là cái Havel gọi là “không-tự do,” sự nhượng bộ của cái tôi đích thực. Tất cả những gì các nhà chức trách cần đối với nhân dân là để họ phản ứng với các kích thích: phản ứng tích cực với các hàng hóa tiêu dùng, một cách tiêu cực với mối đe dọa của nhà tù. Chế độ chuyên chế hiện đại, Havel kết luận, đòi hỏi không phải sự tận tâm mà là sự có thể dự đoán được. Sự bình thường hóa buộc cuộc sống vào 8“các trạng thái có khả năng xảy ra nhất.”
Các tuyên bố và Sự thích nghi
Tôi thích văn bản này trong 1989, và vẫn dạy nó hàng thập niên muộn hơn, bởi vì nó giúp tôi để thấy làm sao “bình thường” có thể có nghĩa là hai thứ khác nhau. Nếu cái là bình thường là cái mọi người khác làm, thì chủ nghĩa tuân thủ có thể sụp thành một điểm tối, vô nghĩa, duy nhất. Nhưng nếu bình thường là cái người ta nên làm, thì thay vào đó một kẽ hở mở ra vào một vương quốc của các giấc mơ, các khát vọng, và những sự phán quyết. Nếu Havel đúng, và không-tự do có nghĩa là sự có thể dự đoán được, thì tự do phải gồm sự không thể dự đoán được. Nó là hình thức thứ hai của tự do, nảy sinh từ sự tự chủ, hay cái Havel gọi là “sự tự trị.”
Sự tự chủ (hay sự tự trị) cần công việc. Havel đã không chú tâm vào điều này, sau khi được nuôi dạy trong một gia đình phát đạt và sau khi có một sự giáo dục xuất sắc. Chúng ta cần sự hỗ trợ để trở thành những người tự trị, các cá nhân tự chủ. Tự do đòi hỏi sự hiện diện tích cực, không phải một sự bỏ bê độc ác. Tuổi trẻ là một cơ hội cho tự do không được lãng phí. Vào lúc các chứng năng não đầy đủ, vào tuổi khoảng hai mươi, những người trẻ tự chủ có thể cho thế giới thấy cái thế giới không thể dự đoán được của họ.
Havel lo ngại quyền lực của nhà nước để làm cho chúng ta có thể dự đoán được. Nhưng một nhà nước như vậy làm việc chống lại cái gì? Sự không thể dự đoán được con người của chúng ta nảy sinh thế nào? Các lựa chọn của mỗi người tự chủ sẽ ở trong một sự kết hợp độc nhất, dựa vào một tập hợp độc nhất của những cam kết. Nhưng tính độc nhất tại một thời khắc cho trước chỉ là sự bắt đầu của sự không thể dự đoán được. Không lựa chọn nào từng là cuối cùng, không chỉ bởi vì thế giới thay đổi xung quanh chúng ta, mà bởi vì các giá trị khác nhau sẽ trở nên hiển nhiên đối với chúng ta tại những điểm khác nhau.
Một người tự chủ, trong việc đưa ra các lựa chọn, đang hoạt động không chỉ bên trong thế giới vật lý, mà trong một vương quốc của thiện và ác, đúng và sai, đức hạnh và tật xấu. Vùng đó, mà Stein gọi là “thế giới của các giá trị,” không phải là một sự mở rộng của thế giới của các thứ. Nó là một loại của chiều thứ năm, với các quy tắc riêng của nó, và như một hồ chứa không thể dự đoán được cho thế giới bốn chiều, không và thời gian, của riêng chúng ta. Các đức hạnh không tương tác với nhau, hay với các đồ vật, như các đồ vật với các đồ vật khác.
Chiều thứ năm, có thể nói như vậy, có vật lý học của riêng nó, hình học của riêng nó. Khi chúng ta đưa ra các lựa chọn và xác nhận các giá trị, hình học khác đó của chiều thứ năm thấm vào thế giới (bốn chiều) của chúng ta, làm cho chúng ta và nó ít có thể được dự đoán hơn.
Các giá trị không thể được đánh giá theo cùng điều kiện như các đối tượng vật lý: chúng ta có thể nói rằng một thứ là lớn hơn một thứ khác, nhưng chúng ta không thể nói sự trung thành là lớn hơn sự chân thật. Một sự khác biệt nữa: việc chọn giữa các giá trị là một hành động khẳng định, không phải một hành động tiêu dùng. Khi chúng ta chọn cái đẹp, có nhiều cái đẹp hơn, không phải ít hơn. Chúng ta để lại đằng sau thứ không được chọn, trong khi giá trị không được chọn luôn luôn chờ đợi chúng ta. Chúng ta có thể khẳng định nó muộn hơn, hay thậm chí tìm cách nào đó để kết hợp nó với các giá trị khác. Khi chúng ta di chuyển lên phía trước theo thời gian, chúng ta không chỉ để lại một dấu vết của các lựa chọn đằng sau chúng ta mà cũng tích lũy một năng lực mới cho việc kết hợp các giá trị bên trong chúng ta.
Trong khi đó, mỗi người tự chủ đang làm cùng thứ. Mỗi người mà chúng ta bắt gặp đang đối mặt với một sự kế tiếp không ngừng của các lựa chọn trong những sự sắp xếp các hoàn cảnh độc nhất riêng của chúng, áp dụng các sự kết hợp các giá trị riêng của họ. Khi mọi người là tự chủ cùng nhau, họ tạo ra sự không thể dự đoán được. Khi họ làm vậy, họ nhận ra điều này trong nhau, chào đón nó, và kiếm được từ nó. Khi chúng ta hiểu rõ những người khác như Leib, chúng ta thấy họ đang làm những gì chúng ta đang làm, đưa ra các lựa chọn trong vùng giữa thế giới của các thứ và thế giới của các giá trị.
Làm việc cùng nhau, mọi người đưa sự không thể dự đoán được con người vào thế giới, và một cách hân hoan. Việc này giúp chúng ta thoát khỏi tất cả những người và những lực muốn cai trị chúng ta bằng việc dự đoán chúng ta hay bằng việc biến chúng ta thành có thể dự đoán được hơn. Những người tự do là có thể dự đoán được đối với bản thân họ nhưng là không thể dự đoán được đối với các nhà chức trách và các máy. Những người không tự do là không thể dự đoán được đối với bản thân họ và có thể dự đoán được đối với những kẻ cai trị.
Sự không thể dự đoán được như vậy cho phép chúng ta trở thành cái tôi cá nhân của chúng ta, cùng nhau. Kết cấu của thế giới của các giá trị bước vào thế giới riêng của chúng ta.
Entropy và Trọng lực
Havel không thoải mái đối với thế giới đó của các giá trị, chiều thứ năm đó, mà ông gọi là “các tiêu chuẩn đạo đức.” Tuy nhiên ông cũng đã nghĩ tới thế giới vật lý, bốn chiều đầu tiên của chúng ta, các ràng buộc chúng ta cần cho sự sáng tạo.
Havel đã bận tâm với 9Định luật thứ Hai của Nhiệt động học, theo đó sự mất trật tự, được định lượng bởi entropy, tăng lên theo thời gian. “Các tiêu chuẩn đạo đức” đã có nghĩa là một sự hạn chế của sự hỗn loạn bởi đạo đức. “Hệt như sự tăng liên tục của entropy là quy luật cơ bản của vũ trụ,” ông viết cho Husák, “cũng vậy quy luật cơ bản của cuộc sống là được cấu trúc cao hơn bao giờ hết và để đấu tranh chống lại entropy.” Sự bình thường hóa, ngược lại, là một nền chính trị của entropy, một sự phân hủy. Cuộc sống là trước-cái chết.
Tự do mà Havel nghĩ tới là một “nguyên lý sống,” chống lại một nền chính trị của tính có thể dự đoán gây u mê. Khi chúng ta có sự tiếp cận đến các ý tưởng về cái thiện, về đức hạnh, chúng ta mang lại cái gì đó tươi mới cho vũ trụ: 10“Cuộc sống nổi loạn chống lại mọi sự đồng đều và sự cào bằng; mục đích của nó không phải là sự đơn điệu, mà là sự đa dạng, sự không ngừng của sự siêu việt, sự phiêu lưu của tính mới và sự nổi loạn chống lại status quo (hiện trạng).” Một hành động rất ít có khả năng xảy ra duy nhất 11“soi sáng xung quanh nó” và làm cho các hành động như vậy là có thể.
Giống Simone Weil, Havel tìm kiếm một sự siêu việt mô tả, một ngôn ngữ tôn trọng các sự thật của thế giới vật lý, kể cả sự thật rằng chúng ta có thể vượt qua nó. Trong khi Weil có một anh trai, André, một nhà toán học nổi tiếng, em trai Havel, Ivan, là một nhà điều khiển học nổi tiếng. Weil viết trong các năm 1940 về một “quy luật tự do” và một “quy luật tất yếu,” còn Havel viết trong các năm 1970 về “quy luật cuộc sống” và “các trạng thái có khả năng xảy ra nhất.” Bà nói “trọng lực,” còn ông thích “entropy” hơn.
Chúng ta không thể trung lập: chúng ta hoặc làm u mê thế giới xung quanh chúng ta, hay chúng ta làm nó sống động hơn. Cả Weil và Havel tin rằng chúng ta có thể bị thao túng vào việc làm cho thế giới vật lý có thể dựa đoán được hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể làm cho nó ít có thể dự đoán được hơn, bằng việc tìm các lối đi tới vương quốc khó có thể xảy ra của “tự do” hay “cuộc sống.” Chúng ta biết được về Körper của chúng ta và thế giới vật lý để tới các cạnh của nó, để hiểu kỹ hơn Leib của riêng chúng ta và mở rộng các cơ hội của chúng ta. Chúng ta cần kiến thức về cả cái là và cái nên là để trải nghiệm “sự không ngừng của sự siêu việt” đó—12một cụm từ của Havel mà nghe rất giống của Weil.
Các Máy của Chúng ta
Không giống Weil (1909–43), Havel (1936–2011) đã sống để thấy một thế giới của các màn hình. Trong các năm 1970, đảng cộng sản Tiệp khắc chuyển sang truyền hình như công cụ chính để hướng dẫn chính trị. Mục tiêu không phải là để thuyết phục nhân dân về sự đúng đắn của chủ nghĩa Marx mà để xui khiến họ xem trật tự hiện hành như trật tự khả dĩ duy nhất. 13Những người cộng sản trên các vở kịch truyền hình được mô tả không như những kỹ sư của một tương lai tươi sáng mà như những người bình thường làm công việc của họ, mà chỉ tình cờ là việc tập thể hóa nông nghiệp hay việc phá các quảng trường lịch sử của thành phố. Bạo lực lởn vởn ở phía sau của sự giải trí, trong dạng của sự xâm lấn Soviet gần đây và trong sự chắc chắn của nhà tù cho bất kể sự kháng cự công khai nào.
Những người cộng sản đã cai trị bằng bạo lực công khai: sự khủng bố trong các năm 1950, sự xâm lấn trong các năm 1960. Như Weil viết, và như Havel và các nhà bất đồng chính kiến Tiệp khắc khác nói, bạo lực chống lại thân thể của chúng ta có ý định biến nạn nhân thành một đối tượng có thể dự đoán được—và nó có một tác động tương tự lên thủ phạm. Tuy nhiên, như nhà tiểu thuyết Aldous Huxley tiên tri, sự bạo ngược 14có thể dựa ít vào “việc đánh” hơn vào “việc mời ngồi”—hay thực sự, vào sự luân phiên giữa chúng: sự đánh bằng roi, rồi buộc bằng dây. Trong các năm 1970, bạo lực đã chưa bao giờ bị quên, nhưng nó bị niềm vui (mời ngồi xem) làm mờ đi. Truyền hình Tiệp khắc đã có thể sắp đặt một tình huống trong đó các tàu điện trống rỗng bởi vì tất cả mọi người đều đang xem cùng một bộ phim, trong đó những trò chuyện về cốt truyện thay thế những trò chuyện về cuộc đời. Những người nắm quyền lực có thể dùng công nghệ để biến nhân dân thành đồng đều hơn và ít đe dọa hơn đối với quyền lực.
Donna Haraway cảnh cáo trong 1985 rằng 15“các máy của chúng ta sống động một cách đáng lo ngại, còn bản thân chúng ta trơ ì một cách đáng sợ.” Giống Havel, bà viết trong thời đại truyền hình, trước khi internet đến. Media xã hội ngày nay sống động hơn truyền hình rất nhiều. Trong thế kỷ của chúng ta, sự trơ ì là một đặc trưng, không phải một lỗi. Một số người, tất nhiên, có thể lanh lợi khai thác internet để truyền đạt tính cách của họ và đạt các mục đích của họ. Tuy nhiên, máy được xây dựng để tạo ra xác suất. Các màn hình của chúng ta tìm kiếm các trạng thái có khả năng xảy ra nhất của chúng ta, tinh chỉnh chúng, và tăng cường chúng. Các thuật toán (algorithm) dồn chúng ta vào các loại được xác định bởi 16các đặc trưng ít lý thú nhất của chúng ta và khiến chúng ta lơ đãng khỏi các lựa chọn cần đưa ra trong thế giới vật lý và xã hội quanh chúng ta. Media xã hội biến chúng ta thành có thể dự đoán được hơn chúng ta cần là và như thế dễ hơn để cai trị. 17Havel đã đoán trước một tương lai số đúng như vậy. Ông gọi sự có thể dự đoán được máy tính hóa là 18một ví dụ của “nguyên lý cái chết (death principle).”
Sự bình thường hóa ở Tiệp Khắc đã theo sau sự chấm dứt của niềm tin vào chủ nghĩa Marx trong 1968, sự sụp đổ của quan điểm nào đó rằng sự thay đổi công nghệ phải mang lại tự do con người. Giống những người cộng sản Tiệp khắc, các nhà tự do chủ nghĩa (libertarian) Silicon Valley đầu tiên đã hứa hẹn một thế giới mới tuyệt vời, rồi bảo chúng ta rằng không có lựa chọn thay thế nào, 19rồi mời gọi chúng ta để sống bên trong một màn hình. Giống những người cộng sản, họ đã chuyển từ sự chắc chắn tuyệt vời về utopia (địa đàng) sang chủ nghĩa hư vô hoàn toàn về mọi thứ, đến một thế giới trong đó “mọi thứ đều là cứt.”
Và rồi họ hỏi chúng ta nếu bản thân chúng ta không, có lẽ, 20đang sống trong một sự mô phỏng máy tính—hay, bằng một ngôn ngữ cổ hơn, bên trong cái hang của Plato. Đáng tiếc, những người giàu có và quan trọng nói về những mô phỏng đang tìm kiếm một cái cớ để là vô trách nhiệm. Nếu chúng ta quyết định rằng chúng ta là không thực, rằng cuộc sống là ở nơi khác, thì chúng ta có thể sa vào một cái hang nơi đạo lý không có ý nghĩa gì và tự do là không thể có được.
Các nhà Du hành vũ trụ của Chúng ta
Trong 1976, năm kỷ niệm 200 năm của nước Mỹ, Tiệp Khắc cộng sản ở đỉnh cao của chủ nghĩa tuân thủ và chủ nghĩa tiêu dùng. Những người cộng sản đàn áp văn hóa thay thế (alternative culture), kể cả nhạc rock & roll, dựa vào sự nghi ngờ chính xác rằng nó mang lại các giá trị mới. Cảnh sát mật đã giám sát các nhạc sĩ rock. Tháng Ba đó, nó đã bắt mười chín người từ nhóm nghệ sĩ hoạt động ngầm, kể cả các thành viên của một ban nhạc gọi là Những người Nhựa dẻo của Vũ trụ (Plastic People of the Universe) cũng như vài cá nhân nghệ sĩ biểu diễn khác và những thành viên của các ban nhạc khác. Điều này thu hút sự chú ý của Havel. Bản thân ông bị liệt vào sổ đen như một nghệ sĩ, ông nghĩ rằng các nhạc sĩ rock là hiện thân của 21“cuộc sống ẩn của xã hội” mà ông đã mô tả năm trước đó trong lá thư ngỏ của ông gửi cho Husák.
Khi suy ngẫm về nghệ thuật của thanh niên, Havel đi một nước đi không thể dự đoán được. Trong 1977 các nhạc sĩ bị đưa ra xét xử, đầu tiên ở Plzeň, rồi ở Prague. Ông đã dự phiên xử thứ hai, ở Prague, trong đó một thành viên và nhà quản lý của ban nhạc Plastics bị cáo buộc “gây mất trật tự.” Havel đã liều ủng hộ công khai sự nghiệp của họ. Tin rằng họ nói một sự thật được họ đích thân trải nghiệm và xác nhận, ông ký một kiến nghị gọi là Hiến chương 77 (Charter 77), liên kết sự ngược đãi các nhạc sĩ với ý tưởng về các quyền con người. 22“Tự do để chơi nhạc rock,” ông viết, “được hiểu như một quyền tự do con người và như thế về cơ bản như cùng quyền tự do để tiến hành sự ngẫm nghĩ triết học và chính trị.”
Havel trở thành một trong những người phát ngôn của phong trào Charter 77 nổi lên từ kiến nghị. Giống bạn phát ngôn đồng hành của ông, 23Jan Patočka, một nhà triết học nổi tiếng, Havel đã muốn bảo vệ sự tự-giáo dục của những người trẻ. Sự lên của các nhạc sĩ (theo thuật ngữ của chúng tôi) từ sự tự chủ lên sự không thể dự đoán được là loại đúng của tuổi trưởng thành, chính xác bởi vì nó tạo ra các giá trị thách thức các thế hệ già hơn.
Patočka (1907–77) muốn bảo vệ sự không thể dự đoán được của những người trẻ hơn bản thân ông nhiều. Lấy tên ban nhạc Plastic People of the Universe như một riff (tiết tấu ngắn) triết học, 24ông gọi các nhạc công trẻ là “các nhà du hành vũ trụ của chúng ta,” tạo ra các giá trị bằng việc sống thật với cái tôi trẻ của họ. Trong tiểu luận, Patočka nhắc đến hai ban nhạc; phiên xử được hướng tới một cảnh rườm rà hơn. Cảnh sát mật đã thẩm vấn Patočka suốt mười giờ; ông chết không lâu sau đó. Havel bị tống vào nhà tù. Chính sau khi ông dính líu đến việc bảo vệ các nhạc sĩ, và thời hạn tương ứng trong tù, thì Havel đã gặp Michnik trong núi và viết tiểu luận chống-tuân thủ chủ nghĩa của ông.
Havel rốt cuộc viết về sự không thể dự đoán được nhờ quyết định không dự kiến trước của riêng ông để mạo hiểm tự do thân thể của ông vì những người khác. “Quyền lực của những kẻ Không-Quyền lực” là một sách chỉ dẫn cho sự cám dỗ của không-tự do và một gợi ý làm sao để trở nên ít có thể dự đoán được hơn. Văn bản này phát sinh thế nào? Một số người tạm thời không ở trong nhà tù gặp nhau trên một đỉnh núi và nói chuyện. Nhưng các nguồn sâu hơn của cuộc gặp gỡ đó là gì?
Các quyền con người
Một số nguyên nhân dẫn chúng ta lại đến Liên Xô, mà nhà lãnh đạo của nó, mỉa mai thay, 25đã muốn xuất khẩu sự có thể dự đoán được. Như ở nhà nước Tiệp khắc tay sai của nó, cũng thế ở bản thân Liên Xô: sau 1968, không ai có quyền lực còn quan tâm đến chủ nghĩa Marx nữa. 26Giấc mơ về một tương lai cộng sản nhường đường cho sự ủng hộ status quo (hiện trạng), mà nhà lãnh đạo Soviet Leonid Brezhnev gọi là “chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại.”
Một cách cụ thể, Brezhnev đã muốn sự công nhận đế chế Soviet giành được bởi chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới II và được củng cố bởi các hành động quân sự ở Đông Âu: các chiến dịch chống đảng phái ở Ba Lan, ở các nhà nước Baltic, và ở Ukraine bắt đầu trong 1945, và các cuộc xâm chiếm Đông Đức trong 1953, Hungary trong 1956, Tiệp Khắc trong 1968. Ông có được cái này. 27Hiệp định Helsinki Cuối cùng, được ký trong 1975, công nhận trật tự lãnh thổ sau chiến tranh và khởi xướng những cuộc thảo luận mới về kiểm soát vũ khí. Các nhà cai trị cộng sản Soviet và Đông Âu cũng đã ký vào vài đoạn về các quyền con người mà họ xem là vô nghĩa.
Hiệp định Helsinki Cuối cùng khẳng định cam kết của các nhà nước ký kết với các hiệp định quyền con người sớm hơn: Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa. Các công ước này được Liên Xô và các tay sai cộng sản của nó phê chuẩn trong đầu 1976, về mặt kỹ thuật trở thành luật của nước sở tại. Các chế độ cộng sản thiếu luật trị (nhà nước pháp quyền-rule of law); các hiến pháp của chúng cho đảng cộng sản một vai trò lãnh đạo trong xã hội, mà vô hiệu hóa phần còn lại của văn kiện. Nhưng những người cộng sản thích giả bộ tuân thủ luật, và điều này tạo ra một sự mở nào đó cho Havel, Patočka, và những người khác.
Các quyền con người có nghĩa là một sự công nhận phổ quát về phẩm giá con người ngang nhau. Một khi ý tưởng đó được chính thức đưa vào như luật, nó trở thành một lý lẽ cho sự tự trị hợp pháp của một công dân của một nhà nước cộng sản thật sự. Các chế độ cộng sản coi luật như ở dưới đảng, như sự tỏa ra thành văn của các mối quan hệ quyền lực của một thời khắc cho trước. Nhưng luật cũng có thể được hiểu khác đi, như một khe hở vào thế giới của các giá trị, trong đó bình thường có nghĩa là “việc theo các tiêu chuẩn đạo đức” hơn là “việc chấp nhận sự bình thường hóa.” Những người dũng cảm ở Liên Xô và khắp Đông Âu đã quyết định, theo tinh thần này, để coi trọng các nghĩa vụ pháp lý mới của các chế độ của họ. Họ thấy một cơ hội trong các quyền con người để thu hút sự chú ý đến cảnh ngộ của các bạn của họ bị bắt tù vì nói và viết thật có thể được ghi lại như những sự vi phạm các quyền con người.
Tại Moscow, các biên tập viên của một xuất bản phẩm samizdat (chui, tự-xuất bản) Biên niên sử các Sự kiện Hiện thời kể từ 1968 đã dùng một ngôn ngữ nhân quyền 28để báo cáo về tình cảnh trong hệ thống trại tập trung Soviet (Gulag) và trong các nhà tù tâm thần Soviet. Sau Hiệp định Helsinki Cuối cùng, các nhóm mới được thành lập ở Ukraine Soviet và khắp các nhà nước tay sai với mục đích để ghi lại các sự vi phạm nhân quyền. Sau khi hai Công ước được công bố trong công báo, các công dân Tiệp khắc đã soạn kiến nghị Charter 77 để chứng minh bằng tư liệu các sự vi phạm nhân quyền của chế độ. Những người Tiệp khắc ký Charter 77 tham gia trong một phong trào lớn hơn. Mong muốn của Brezhnev rằng không sự thay đổi nào dẫn đến một sự thay đổi về các khái niệm cả.
Điều này không chỉ mỉa mai, hay là cái các nhà Marxist gọi là biện chứng. Nó là một lời nhắc nhở rằng cái có thể có vẻ là bình thường, có thể dự đoán được, và không thể tránh khỏi có thể bị kháng cự, và sự kháng cự đó bắt đầu với một định nghĩa về cái có thể là. Những người tự chủ sẽ thấy những cơ hội nơi những người khác có thể không thấy và sẽ giúp lôi phần còn lại của chúng ta khỏi các trạng thái có khả năng xảy ra nhất của chúng ta.
Những người Nhựa dẻo (Plastic People)
Không có âm nhạc thì lẽ ra đã không có phiên xử nào, và không có văn bản nào. Một chuỗi nguyên nhân khác, mà đưa các nhạc công Czech và như thế Havel đến phòng tòa án đó, quay lại đến lịch sử Mỹ.
Rock and roll là phần của hậu quả văn hóa của chế độ nô lệ, sự Tái thiết sau–Nội Chiến, và công nghiệp hóa. 29Nó nảy sinh từ “âm nhạc chủng tộc,” hay rhythm and blues, của những người Mỹ gốc Phi bị chuyển đến miền Bắc đang công nghiệp hóa và gặp các khán giả da trắng. Không có cuộc gặp gỡ Mỹ đó của các năm 1940, rock and roll đã không thể là một phần quan trọng của văn hóa thay thế của Tiệp Khắc trong các năm 1970.
Một môi giới giữa nước Mỹ và Đông Âu là một ban nhạc được gọi là Velvet Underground (Nhung trong Bí mật). Người đứng đầu Lou Reed là một người con của 30nhạc Mỹ sau chiến tranh—Little Richard, Ornette Coleman, Otis Redding, Al Green, Hank Williams, Elvis Presley. Velvet đã là một trong những nhóm rock có ảnh hưởng nhất mọi thời đại—truyền cảm hứng cho nhiều ban nhạc hơn số đĩa họ đã bán, như châm ngôn nói. 31Một trong những ban nhạc này là Plastic People of the Universe. 32Ban Plastic bắt đầu hát lại các bài Velvet trong 1968, năm Brezhnev ra lệnh xâm lấn Tiệp Khắc, khi bạo lực sinh ra “sự bình thường hóa.” Vào thời điểm đó, ban Velvet Underground đã phát hành chỉ hai album. Trong hai năm, từ 1970 đến 1972, ca sĩ chính của Plastic People là Paul Wilson người Canada, đã có thể hát đoạn xướng âm tiếng Anh của ban Velvet.
Ban Velvet Underground là ban New York như New York có thể—nhưng quỹ đạo của họ nợ cái gì đó với Đông Âu. Reed là cháu của 33một gia đình Do thái từ Đế chế Nga. Ban Velvet Underground được “quản lý” và album đầu tiên của họ “được sản xuất” bởi 34nghệ sĩ nhạc pop Andy Warhol. Ban Velvet là ban nhà cho chương trình đa phương tiện (multimedia show) Exploding Plastic Inevitable (Vụ Nổ Nhựa dẻo Không thể tránh khỏi) của Warhol. Bố mẹ Warhol nói tiếng Ruthenia (hay Rusyn) phương ngữ của tiếng Ukrainia. Giống cha mẹ Havel, họ là các thần dân sinh ra của 35nền quân chủ Habsburg cũ, đế chế Trung và Đông Âu sụp đổ trong 1918. Bố mẹ Warhol đến từ vùng đất sau trở thành viễn đông Tiệp Khắc sau 1918—và viễn tây của Ukraine Soviet trong 1945. Sự công nhận biên giới Soviet mở rộng đã là một trong những mục tiêu của Brezhnev ở Helsinki.
Ban Plastic People of the Universe lấy tên thương hiệu của họ từ bài hát “Plastic People” do Frank Zappa viết và 36được biểu diễn bởi ban nhạc của anh, the Mothers of Invention (Mẹ của Phát minh). (“I think that love will never be / a product of plasticity (Tôi nghĩ sự yêu thương chẳng bao giờ là / một sản phẩm của tính dẻo.”) “Plastic People” là rãnh đầu tiên trên mặt A của album Absolute Freedom (Tự do Tuyệt đối).
Ban nhạc the Mothers of Invention đã chơi “Plastic People” theo giai điệu của “Louie Louie,” một bài hát được làm cho nổi tiếng đến mức sáo rỗng trong vũ hội tối bởi 37ban nhạc Kingsmen (mà một thời bị FBI điều tra về sự nghi ngờ rằng ca từ khó hiểu của bài hát có thể là tục tĩu). Như tôi đã không biết khi kiêu vũ tại vũ hội đầu tiên của tôi, “Louie Louie” được viết 38bởi Richard Berry, một người Mỹ gốc Phi sinh ở Louisiana và soạn nhạc ở Los Angeles.
Berry viết bài hát trên giấy vệ sinh trong phòng tắm của một câu lạc bộ, sau khi vừa nghe “El Loco Cha Cha,” của René Touzet. Điệp khúc (hook) không thể nào quên của “Louie Louie” 39được lấy trực tiếp từ sáng tác của Touzet. Về phần mình, Touzet đang tạo dựng một sự nghiệp ở Hoa Kỳ sau khi câu lạc bộ của ông ở Cuba bị một cơn bão tàn phá.
Nếu không có cảnh tượng không chắc có thực này, bắt đầu với một cơn bão (40và vì thế một con bướm?), thì đã không có bài hát có tựa đề “Plastic People” nào, và không ban nhạc được gọi là Plastic People of the Universe nào. Chúng ta có thể thấy tất cả điều này như một chuỗi nhân quả mà bắt đầu với nhạc Mỹ Phi và Cuba và dẫn đến Havel và cam kết của ông với các quyền con người và việc ông bảo vệ sự không thể dự đoán được. Nhưng một số liên kết trong chuỗi, khi được xem xét, tỏ ra là được dệt từ những thứ mềm mại của sự tình cờ và sự lựa chọn.
Ca từ của Zappa kết thúc với một lời khuyên nhủ: “Hãy về nhà, hãy kiểm tra bản thân mình! Bạn nghĩ chúng tôi đang hát về ai đó khác ư?” Là chúng ta hay không ai cả. Tự do không phải là một vở kịch chúng ta xem. Nó là một vở mà chúng ta viết trên một sân khấu chúng ta dựng lên cho một khán giả gồm mọi người. Trách nhiệm, Patočka nói, 41là cái gì đó chúng ta luôn mang theo mình. Patočka không chọn hoàn cảnh dẫn đến chủ nghĩa cộng sản hay đến rock and roll, nhưng ông chọn dịp vụ xử ban Plastic để viết rằng 42“sự giúp đỡ thật duy nhất và sự chăm sóc cho những người khác đến khi tôi bước lên phía trước và làm những gì tôi phải làm.”
Cái khó ló cái khôn; chúng ta càng hiểu điều cần thiết (tất yếu), chúng ta càng sáng tạo. Khi chúng ta chọn theo thời gian, làm việc từ quy luật tất yếu (của sự cần thiết) đến quy luật của tự do, chúng ta sáng chế ra bản thân mình. Khi các lựa chọn của chúng ta trộn với vũ trụ, chúng làm cho nó không thể dự đoán được hơn, và làm cho chúng ta có trách nhiệm hơn.
Các nhà Bất đồng chính kiến Bình thường
43Havel đã không thích từ bất đồng chính kiến bởi vì nó gợi ý một thiên hướng tách biệt. Ông nghĩ “các nhà bất đồng chính kiến” chỉ là chính bản thân họ, sống những sự thật của họ, tự chủ và không thể dự đoán được. Sự bất đồng chính kiến chỉ là vấn đề để cố gắng sống theo các đức hạnh hơn là tuân thủ.
Bản thân các đức hạnh không cần được đề cao. Hai ví dụ của Havel về bất đồng chính kiến trong “Quyền lực của những kẻ Không-Quyền lực” là nói thẳng trong nhà máy bia của bạn về chất lượng bia và tháo dỡ tấm biển tuyên truyền [Vô sản toàn thế giới Liên hiệp lại] khỏi cửa sổ cửa hàng [tạp phẩm] của bạn. Mặc dù Havel là một nhà soạn kịch ghê gớm viết trong hoàn cảnh cùng cực, các ví dụ có tính con người và dễ gần gũi. Người Mỹ điển hình của các năm 1980 biết chẳng gì trừ bia tồi. Vào thời gian tôi đọc tiểu luận, tôi làm việc tại các công trường xây dựng, trong tiếp thị từ xa (telemarketing), và trong các quán ăn. Chủ nghĩa tuân thủ của nơi làm việc là dễ để hiểu.
Bình thường có thể có nghĩa là những gì mọi người làm, như trong sự bình thường hóa. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa những gì mọi người nên làm. Trong cuốn sách của ông về phong trào Đoàn kết của Ba Lan, Timothy Garton Ash hứa với 44một nông dân Ba lan, người nói normalnie! theo nghĩa “tuyệt vời!” Mariia ở làng Posad Pokrovs’ke, khi bà hỏi tôi thích cái lều nhỏ của bà thế nào, thực sự bà đã nói vse normalno? (“mọi thứ bình thường chứ?”) theo nghĩa “như nó nên là.” Với bình thường ý bà muốn nói không phải về sự thường nhật đổ nát xung quanh chúng ta mà về sự ngăn nắp tử tế của một ngôi nhà. Các quyền con người khôi phục lại hướng đạo đức của từ bình thường: cái người ta nên làm. Mặc dù sự trừng phạt vì việc cố gắng sống bình thường theo nghĩa này có thể là quyết liệt, 45sự tự-giới thiệu là khiêm tốn.
Sự hấp dẫn của các quyền con người khắp khối cộng sản là tính nhân văn hàng ngày này, sự tầm thường của cái tốt. Myroslav Marynovych, một thành viên của Nhóm Helsinki Ukrainia, viết về một 46đời sống Ukrainia bình thường, nơi bình thường có nghĩa là việc theo đuổi các hành động có vẻ bình thường đối với ông, như việc nói hay hát bằng ngôn ngữ của chính ông. Viết cho mẹ và em gái ông từ Gulag trong 1984, ông nói về 47“một sự cấm vận các khát vọng con người bình thường.” Có cái gì tươi mới trong cách mỗi chúng ta kết hợp các giá trị, và chính sự tươi mới này là cái phải được bảo vệ, không phải bất kể loại trừu tượng cao siêu nào.
Một nhóm các quyền con người khác, 48Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR), được thành lập ở Ba Lan trong 1976. Các công nhân Ba lan đình công chống lại giá cả gia tăng đã bị chế độ cộng sản bêu xấu và bỏ tù. KOR thấy là bất bình thường rằng các công nhân bị đánh và bị sa thải bởi một chế độ tự xưng là cai trị nhân danh họ, và là bình thường rằng những công nhân như vậy sẽ nhận được một sự bảo vệ pháp lý và sự ủng hộ tài chính. Các quyền con người có nghĩa là một số ít người cố gắng nói sự thật về các vấn đề cơ bản, cư xử tử tế, và bày tỏ sự đoàn kết. Những sự hiểu rõ này về các quyền con người có thể có vẻ tầm thường: một sự bảo vệ các tù nhân ở Nga, bảo vệ văn hóa ở Ukraine, bảo vệ âm nhạc ở Tiệp Khắc, bảo vệ công nhân ở Ba Lan.
Chất lượng hàng ngày của các quyền con người là điểm chính. Nó không phải là một ý thức hệ chống lại ý thức hệ khác. 49Các nhà bất đồng chính kiến không đưa ra các yêu sách lớn nào và không thúc đẩy các thế giới quan lớn lao nào mà đúng hơn đã cố gắng nói những sự thật hàng ngày, thúc đẩy các sự nghiệp hàng ngày, thực hiện các đức hạnh hàng ngày. Các quyền con người không có nghĩa là “tự do” tất định chủ nghĩa tự-mâu thuẫn theo nghĩa cộng sản (hay tư bản): nó không phả là cái tự động xảy ra khi tài sản tư nhân bị lấy đi (hay được khôi phục). Quan niệm về các quyền con người trì hoãn hay ủy thác tự do. Nó mở ra không gian cho con người khai thác các đức hạnh. Nó bênh vực tất cả các giá trị mà các cá nhân thật sống trong một thời điểm lịch sử thật có thể chọn để theo đuổi và để cố gắng thực hiện. Mọi người có được sự tôn trọng, không phải vì việc đưa ra một lý lẽ chống lại chủ nghĩa cộng sản để ủng hộ chủ nghĩa thay thế nào đó, mà vì “việc sống trong sự thật” (Havel) hay vì việc sống 50“cứ như họ tự do” (Michnik).
Nếu mục đích là khiêm tốn đến vậy, vì sao người ta lại phải vào tù (Havel, Michnik) hay vào Gulag (Marynovych) hay thậm chí chết (Patočka) vì nó? Từ bên ngoài, sự tự chủ và sự không thể dự đoán được có thể có vẻ lạ; ai đó đang đứng lên hay nổi bật vì các lý do không rõ ràng ngay lập tức. Từ bên trong, họ có thể cảm thấy giống một nhu cầu để hành động nhất quán với các lựa chọn giá trị được đưa ra trong suốt cuộc đời. Như trong trường hợp của Havel, một quyết định bất ngờ thu hút sự chú ý công chúng có thể xuất hiện sau hàng năm không có gì nổi bật xảy ra. Đây là điểm Zelens’kyi cố gắng giải thích cho tôi trong tháng Chín 2022, khi ông nói về sự bất đồng, sự kháng cự, và lựa chọn của ông để ở lại Kyiv vào lúc bắt đầu chiến tranh. Bạn cảm thấy tự do khi các lựa chọn trước của bạn có ý nghĩa trong một khoảnh khắc. Các hành động của bạn là có thể dự đoán được cho bạn, mặc dù không thể dự đoán được cho thế giới.
Một hành động có vẻ kỳ quặc hay mạo hiểm từ quan điểm bên ngoài lại có thể có vẻ bình thường và cần thiết cho người liên quan. Nhà thần học người Welsh, Rowan Williams, 51cho rằng “sự trưởng thành tinh thần” có nghĩa rằng “không có nhiều sự lựa chọn.” Đối với ông, “đó không phải là một sự thu nhỏ mà là một sự mở rộng của cá nhân bởi vì ở đây là ai đó, mà đi một con đường dài và khó khăn đã trở thành một người nào đó nhìn thấy và phản ứng thật thà một cách bản năng. Bạn không phải nghĩ về nó.” Viết trong nhà tù, Havel diễn đạt theo cách này: “Do sự thực rằng hôm nay tôi xác nhận những gi tôi đã làm hôm qua, rằng tôi xác nhận ở đây những gì tôi đã làm ở nơi khác, tôi có được không chỉ bản sắc của mình mà qua nó tôi cũng được định vị trong không gian và thời gian; nếu ngược lại tôi mất bản sắc của tôi, không gian và thời gian phải tất yếu cũng sụp đổ xung quanh tôi.”
Khi các thành viên của KOR, hay Charter 77, hay Nhóm Helsinki Ukrainia, bị kết án tù trong các năm 1970 và các năm 1980, họ có khuynh hướng nói rằng họ chỉ làm những gì họ cảm thấy phải làm.
Sự Giải phóng
Sự náo động ở Đông Âu trong 1968 không hạn chế ở những người Czech và Slovak của mùa Xuân Prague. Tại Warsaw, các sinh viên Ba lan đã xuống đường tháng Ba đó để bảo vệ tự do ngôn luận. Và, tất nhiên, 1968 là một thời cách mạng thanh niên không chỉ ở Đông Âu mà ở khắp thế giới. Các sự kiện ở Paris, Berlin, và Berkeley không nghi ngờ gì đã quan trọng hơn cho sự hiểu chi phối về tự do.
Những người Mỹ, Đức, hay Pháp đòi sự giải phóng khỏi các chuẩn mực tình dục và giới trước đó có vẻ là cấp tiến và quan trọng. Cũng đã là một sự hiểu biết hợp lý hơn về thông điệp của, chẳng hạn, ban nhạc Velvet Underground. Thế nhưng sự giải phóng là một quan niệm phủ định về tự do: nó luôn là “sự giải phóng khỏi” cái gì đó. Nó không nghi vấn toàn bộ cấu trúc; thay vào đó nó yêu cầu sự bao gồm bên trong nó. Nó không cần có nghĩa là tự do cho tất cả mọi người; nó thường có nghĩa, đúng hơn, là việc gia nhập một tập hợp của các nhóm được giải phóng. Trong 1968 nó thường có nghĩa là “sự giải phóng khỏi thế hệ già hơn.”
Ngược với vẻ bề ngoài, quan niệm giải phóng này để những người già thoát khỏi tình thế khó khăn. Bởi vì sự tự chủ và sự không thể dự đoán được đòi hỏi sự làm việc qua các thế hệ, tự do cho mỗi người sắp tới sẽ luôn luôn phụ thuộc (một phần) vào các hành động của những người già hơn. Nếu thế hệ già hơn chỉ là một rào cản phải bỏ sang một bên, thì điều gì xảy ra tiếp theo? Những người trẻ trở nên già nghĩ rằng họ đã làm xong công việc của tự do, khi, đến lượt mình, họ tránh ra.
Nhiều người được 1968 rèn luyện đã dễ dàng chuyển, trong các năm 1970 và các năm 1980, từ ý tưởng về sự giải phóng khỏi những người già sang quan niệm về sự giải phóng khỏi chính phủ. 52Đây là ngõ cụt của tự do phủ định, quan niệm rằng chúng ta tự do nếu chính phủ là nhỏ và yếu. Nó hủy tính hợp pháp của sự trợ giúp các gia đình mà trẻ em sẽ cần để có một cơ hội tự chủ và không thể dự đoán được. Bước đi này của thế hệ 1968 làm khó hơn cho con cái và các cháu của chính họ để lớn lên tự do.
Chắc chắn, nhiều người phiến loạn Đông Âu cũng thích ý tưởng rằng tự do là tình dục và rằng tình dục mang lại sự giải phóng khỏi những người già ngột ngạt. Tại Warsaw, các sinh viên bị đánh bằng dùi cui trông khác với các cảnh sát đánh họ. Một trong những đặc điểm nổi bật của mùa Xuân Prague là tóc dài và váy ngắn. Thanh niên xinh đẹp làm Brezhnev khó chịu, quan niệm của ông về chủ nghĩa cộng sản là gia trưởng và ức chế tình dục.
Những người trẻ ở Prague có được sự bình thường hóa, một chủ nghĩa tiêu dùng mà không có chính trị. Điều này dẫn vài trong số họ đến tư duy sáng tạo về tự do. Ở Warsaw, những người biểu tình bị tống vào nhà tù, bị làm nhục công khai như những người (phục quốc) Do thái (“Zionists”), và được bảo hãy rời đất nước. Như ở Tiệp Khắc, các nhà chức trách cộng sản Ba lan của các năm 1970 đã chào hàng hóa tiêu dùng đổi lấy sự thiếu quan tâm. Việc này đã dẫn những người Ba lan nào đó, như nhà bất đồng chính kiến Adam Michnik, để cho rằng tự do nằm trong cả sự nổi loạn và trách nhiệm. Thảo luận đó về tự do đã đi qua các thế hệ. Khắp Đông Âu, những người phiến loạn trẻ hơn 53tìm kiếm các mentor (người hướng dẫn) già hơn và đã tìm thấy họ.
Gậy Thủy tinh
Tính cá nhân phải đến từ đâu đó. Các nhà bất đồng chính kiến có thể đã tự chủ và không thể dự đoán được, nhưng họ không tự mình đạt được điều này. Họ đã ở trong môi trường với các bậc có thẩm quyền đạo đức được công nhận, như Jan Patočka cho Havel hay nhà triết học Leszek Kołakowski cho Michnik. Kołakowski là nhà triết học xuất chúng của Ba Lan trước khi bị buộc đi lưu vong sau các sự kiện 1968.
54“Thế giới của các giá trị,” Kołakowski viết, gồm “các yếu tố đối kháng không thể được nhận ra cùng một lúc, và mỗi trong số chúng đòi hỏi sự thừa nhận đầy đủ.” 55Bất kể một đức hạnh đơn nhất nào có một đòi hỏi tuyệt đối với chúng ta, nhưng chúng ta chẳng bao giờ có thể nhận ra nó một cách tuyệt đối, nhất là bởi vì nó mâu thuẫn với các đức hạnh khác. Là tốt để là nhất quán và tốt để là nhân từ, nhưng là vô nghĩa để là nhân từ một cách nhất quán, vì để là nhân từ là để tạo ra một ngoại lệ. Là tốt để là trung thực và tốt để là trung thành, nhưng trong suốt một tình bạn lâu dài thì tuyên bố “Bạn trông bảnh lắm” chuyển từ việc minh họa đức hạnh thứ nhất bằng ví dụ sang việc minh họa đức hạnh thứ hai bằng ví dụ.
Chủ nghĩa toàn trị chào mời một giải pháp đơn giản hấp dẫn: tất cả sự đa dạng rõ ràng có thể được quy giản về một cái tốt duy nhất. Nhưng giải pháp này, Kołakowski nói, là hoàn toàn không đúng. “Thế giới của các giá trị” không phải là một câu đố sắp hình trong đó mỗi miếng có chỗ thích hợp của nó. Không có cái toàn bộ lớn hơn nào. Tự do phủ định cũng chào mời một sự né tránh: một khi các rào cản được dỡ bỏ, tất cả đều được phép, và bằng cách nào đó tất cả sẽ tốt thôi. Nhưng cách tiếp cận này cung cấp không định nghĩa nào về tự do và không mang lại ý nghĩa nào về một người tự do ứng xử ra sao. 56Câu chuyện về tự do không thể được kể mà không có đức hạnh, vì tự do là trạng thái trong đó chúng ta có thể xác nhận cái gì chúng ta nghĩ là tốt và đưa nó vào thế giới.
Aristotle là một nhà đa nguyên giá trị—giống Kołakowski, ông tin rằng có nhiều thứ tốt, không phải một hay zero, trắng hay đen. Khi chúng ta phán xét về đức hạnh nào áp dụng trong tình huống nào, Aristotle nói, 57chúng ta đang làm đúng. Điều này là đúng, nhưng không hoàn toàn là sự thật. Nhiều hơn một đức hạnh áp dụng cho hầu như bất kể tình huống nào, cho nên chúng ta phải lựa chọn. Vì có nhiều thứ tốt, như Kołakowski lập luận, chúng ta hẳn phải làm điều sai nào đó ngay cả khi chúng ta làm đúng. Thế giới của các giá trị được cấu trúc đơn giản theo cách này. Vì chúng ta luôn trì hoãn đức hạnh nào đó khi chúng ta xác nhận các giá trị khác, tự do gánh vác, theo lời của Kołakowski, 58“thực tế của cái ác.”
Khi chúng ta hiểu được sự dùng từ cái ác của ông, 59chủ nghĩa đa nguyên giá trị của Kołakowski có nghĩa không phải là chủ nghĩa tương đối mà là 60một cam kết với sự can đảm sáng tạo giữa sự đụng độ của những cái tuyệt đối. Chúng ta làm đúng khi chúng ta kết hợp các giá trị và thỏa hiệp với các giá trị khác, và khi chúng ta chấp nhận rằng cái ác đi kèm để lại chúng ta phải chịu trách nhiệm. Như nhà triết học Thomas Nagel kết luận, 61“Có thể có phán xét tốt mà không có sự biện minh hoàn toàn.” Một người tốt nghiệp trường trung học của tôi, Hannah Beachler, diễn đạt theo cách này khi cô chấp nhận một giải Oscar: 62“Hãy cố hết sức, và sự cố gắng hết sức của bạn là đủ tốt.”
Các sự kết hợp khả dĩ của các đức hạnh là vô tận, và như thế các hành động của chúng ta như những người tự do là không dự đoán được. Kołakowski cũng nghĩ rằng chúng ta có thể 63sáng chế ra các đức hạnh mới, và rằng chúng là các đức hạnh quan trọng nhất. Chúng xuất hiện khi chúng ta làm các thứ mà không ai có quyền để kỳ vọng từ chúng ta. Chủ nghĩa đa nguyên giá trị của ông là một cuộc phiêu lưu hướng tới tương lai. Chúng ta tin vào khả năng của các giá trị mới bởi vì chúng ta tin rằng có cái tốt mới để được khám phá trong thế giới. Điều này thêm một lớp khác nữa của sự không thể dự đoán được.
Leszek Kołakowski (1927–2009) được đào tạo như một thanh niên vào thời Đức chiếm đóng Ba Lan, và ông lấy một người sống sót Holocaust làm vợ. Ông gặp người vợ tương lai của mình, Tamara, trong 1948 khi, như một sinh viên, cô tìm kiếm anh trong một quán café ở Warsaw để hỏi lời khuyên của anh về một chương trình trao đổi.
Tamara từ Łódź, cách Warsaw chỉ một trăm dặm, nhưng cô đã đi hàng ngàn dặm rồi trước khi ghi danh như một sinh viên. Cô vẫn còn sống bởi vì gia đình cô đã chạy trốn Łódź mãi đến tận Uzbekistan. Trước Holocaust, Łódź đã là một trong những thành phố Do thái lớn của châu Âu, quê hương của nhiều người Do thái nhiều như Palestine. Khi cô quay về sau chiến tranh, cô thấy rằng 65“tất cả gia đình Łódź của chúng tôi đã tàn lụi. Ba cô gái từ lớp của tôi ở trường đã sống sót.” Cô lấy Leszek trong 1949, rời Ba Lan với ông trong 1968, và ở lại với ông cho đến cuối đời ông. Trong hồi ký của bà, Tamara đặt tiêu đề chương mà trong đó bà gặp chồng tương lai của mình là “Tình cờ,” nhưng nó là sự tình cờ tiếp theo bởi sự cam kết.
Shakespeare khiến Hamlet nói: “Nơi niềm vui say sưa nhất, nỗi đau buồn than vãn nhất / Niềm vui đau buồn, sự đau buồn vui vẻ, về sự tình cờ nho nhỏ.” Có sự tình cờ trong vũ trụ, và có những sự tình cờ chúng ta nắm lấy. Kołakowski viết, 66“Sự tồn tại của tôi được nhận ra chỉ như sự tiếp xúc liên tục với sự không thể dự đoán được rộng hơn.” Khi tôi biết ông tại Oxford và sau đó, nụ cười buồn bã nhưng tinh quái của ông nhắc nhở tôi rằng cuộc sống có thể đầy sự tình cờ thô lỗ, mà chúng ta làm nhẹ đi với các lựa chọn nhân văn.
Mỗi chúng ta mê hoặc thế giới một cách không thể dự đoán được hay chẳng chút nào. Kołakowski làm mê hoặc với một chiếc mũ đen, một chiếc gậy thủy tinh, và một nụ cười lệch. Ông viết cho tôi những lá thư bằng tay, với một hình thức xưng hô gợi ý tình đồng nghiệp giữa hai cuộc chiến tranh. Khi chúng tôi gặp nhau, ông chỉ gậy vào ngực tôi, mỉm cười, và gọi “Snyder!” cứ như sự tồn tại của tôi làm cho thế giới giàu hơn một chút, hay ít nhất hài hước hơn một chút. Điều đó cũng khiến tôi mỉm cười.
Không Chúa nào, không người nào, không máy nào đã có thể đoán trước hôn nhân của thầy tôi, chiếc gậy thủy tinh của ông, hay nụ cười lệch của ông, hay những gì tôi làm với sự dạy dỗ của ông: mà, chẳng hạn, tôi đi từ việc viết về chủ nghĩa Marx, 67một trong những chủ đề của Kołakowski, đến việc viết về Holocaust, một chủ đề của hồi ký của vợ ông—hay cũng đúng thế, mà vợ của chính tôi viết cuốn sách Tamara đọc cho Leszek nghe trong những ngày cuối cùng của ông.
Những gì tôi viết là không thể dự đoán được, nhưng nó không phải là ngẫu nhiên. Nó nằm trong các cấu trúc vật lý và đạo đức lớn hơn, thậm chí nó hành động bên trong chúng và biến đổi chúng. Nó mắc nợ cái gì đó cho những người thế kỷ thứ hai mươi mà tôi ngưỡng mộ. Nó bày tỏ các giá trị mà tôi học được từ quá khứ (khi nào khác chứ?), mà tôi đang kết hợp và áp dụng theo cách của riêng tôi. Chương này, về sự không thể dự đoán được trong thế kỷ thứ hai mươi mốt, là cái tôi phải viết.
Chú thích:
Sự không thể dự đoán được
1Những văn bản làm tôi quyến rũ: Tôi sẽ dựa vào vở kịch 1975 Audience (Khán giả) của Havel; thư ngỏ 1975 của ông gửi lãnh tụ đảng cộng sản Tiệp Khắc Gustav Husák; và tiểu luận 1978 của ông “Quyền lực của những kẻ Không-Quyền lực (The Power of the Powerless).” Tôi không tìm cách để cung cấp một sự giải thích toàn diện về tư tưởng của Havel: cho việc đó, xem David Donaher and Kieran Williams, eds., Václav Havel’s Meanings (Prague: Karolinum, 2024); David Danaher, Reading Václav Havel (Toronto: University of Toronto Press, 2015); James Pontuso, Václav Havel: Civic Responsibility in the Modern Age (New York: Rowman & Littlefield, 2004); Delia Popescu, Political Action in Václav Havel’s Thought (New York: Lexington Books, 2011); Daniel Brennan, The Political Thought of Václav Havel (Leiden: Brill, 2017). Cho sự phê phán, xem Pavel Barša, Cesty k emancipaci (Prague: Academia, 2015). Như trong trường hợp của Isaiah Berlin, tôi sẽ lập luận rằng các ý tưởng của Havel, hiểu một cách nghiêm túc, chỉ theo một hướng chính trị khác hơn là hướng được chấp nhận nói chung.
2một vở kịch hai-nhân vật: Một phiên bản tiếng Anh của Audience (Khán giả) có thể được thấy trong Václav Havel, Three Vanĕk Plays, trans. Jan Novák (London: Faber & Faber, 1990).
3 Giai đoạn này được biết như thời kỳ “bình thường hóa”: locus classicus on early years is Kieran Williams, The Prague Spring and Its Aftermath (New York: Cambridge University Press, 1997).
4 “Mọi thứ đều là cứt”: Václav Havel, Hry (Prague: Lidové Noviny, 1991), 230.
5“sự xói mòn từ từ”: Václav Havel, “Dear Dr. Husák,” trong Jan Vladislav, ed., Václav Havel or Living in Truth (London: Faber & Faber, 1987). Văn bản này là một thư ngỏ, được gửi trong tháng Tư 1975.
6một người Bohemian theo đúng nghĩa: Sự nhấn mạnh của Mary Gluck đến sự nhận thưc về đời sống thương mại và sức lôi cuốn công chúng là nhất quán với những gì tôi định nói ở đây. Xem cuốn sách của bà Popular Bohemia: Modernism and Urban Culture in Nineteenth-Century Paris (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2008).
7Từ một thời khắc tiếp xúc: Xem Václav Havel and Adam Michnik, An Uncanny Era: Conversations Between Václav Havel and Adam Michnik, ed. Ełżbieta Matynia (New Haven: Yale University Press, 2014). Xem cả Robert Pirro, “Václav Havel and the Political Uses of Tragedy,” Political Theory 30, no. 2 (2002): 228–58.
8“các trạng thái có khả năng xảy ra nhất”: Václav Havel, “Power of the Powerless,” in (1985; tái bản London: Vintage Classics, 2018), 17. Tiểu luận này được viết và tự xuất bản (samizdat-xuất bản chui) trong năm 1978.
9Định luật thứ Hai của Nhiệt động học: Trong 1969 Jaroslav Putik đã dùng cụm từ “loại nào đó của định luật nhiệt động học” rồi để mô tả sự bình thường hóa. Xem Jonathan Bolton, Worlds of Dissent: Charter 77, the Plastic People of the Universe, and Czech Culture Under Communism (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2012), 72.
10“Cuộc sống nổi loạn chống lại mọi sự đồng đều”: Havel, “Dear Dr. Husák.”
11“soi sáng xung quanh nó”: Havel, “Power of the Powerless,” 36.
12một cụm từ của Havel: Tiểu thuyết của Evgeny Zamiatyn We (chúng ta), được hoàn tất trong 1921, dystopia (địa ngục) số mẫu mực, đưa ra cách trình bày “sự không thể dự đoán được mới, không chắc xảy ra” (128).
13Những người cộng sản trên các vở kịch truyền hình: tôi biết được điều này từ Paulina Bren, The Greengrocer and His TV (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2010). Xem cả Martin Štoll, Television and Totalitarianism in Czechoslovakia (New York: Bloomsbury, 2018); Ellen Mickiewicz, Split Signals: Television and Politics in the Soviet Union (New York: Oxford University Press, 1990).
14có thể dựa vào ít về “việc đánh” hơn về “việc mời ngồi”: “Một công việc của chính phủ là việc mời ngồi, không phải việc đánh.” Aldous Huxley, Brave New World (1932; tái bản New York: HarperCollins, 2006), 46.
15“các máy của chúng ta sống động một cách đáng lo ngại”: Donna Haraway, “A Manifesto for Cyborgs: Science, Technology, and Socialist Feminism in the 1980s,” Australian Feminist Studies 2, no. 4 (1985): 5.
16các đặc trưng ít lý thú nhất: Xem Nicholas Carr, The Shallows (New York: Norton, 2011).
17Havel đã đoán trước một tương lai số đúng như vậy: Một sự dự đoán rất chính xác về thói nghiện số được tìm thấy trong David Foster Wallace, Infinite Jest (New York: Little, Brown, 1996). [Hay thậm chí sớm hơn rất nhiều, 116 năm trước, từ 1909 trong truyện ngắn The Machine Stops ít được biết đến của E. M. Foster, Máy Ngừng, NXB Dân Khí 2024, người dịch chua thêm].
18một ví dụ về “nguyên lý cái chết”: Havel, “Dear Dr. Husák.”
19rồi mời gọi chúng ta: một sự thống nhất hóa hư cấu phi thường của chủ nghĩa cộng sản muộn với sự thao túng số của thân thể là Jerzy Sosnowski, Apogryf Agłai (Warsaw: W.A.B., 2001).
20đang sống trong một sự mô phỏng máy tính: Có nhiều hơn để nói. Tại điểm nào đó tôi hy vọng có cơ hội để bình luận về David J. Chalmers, Reality+: Virtual Worlds and the Problems of Philosophy (New York: Norton, 2022), một cuốn sách tuyệt vời trong thời khắc của nó.
21 “cuộc sống ẩn của xã hội”: Havel, “Dear Dr. Husák.”
22 “Tự do để chơi nhạc rock”: Havel, “Power of the Powerless,” 54.
23Jan Patočka, một nhà triết học nổi tiếng: Trong phần dưới đây, tôi thậm chí không thảo luận qua loa về cuộc sống và công trình của Patočka. Lịch sử hiện tượng học ở Trung và Đông Âu sắp ra mắt của Marci Shore cung cấp các mối quan hệ.
24ông gọi các nhạc công trẻ là “các nhà du hành vũ trụ của chúng ta”: Jan Patočka, “On the Matters of the Plastic People of the Universe and DG 307,” Labyrinth 19, no. 1 (September 2017): 25.
25đã muốn xuất khẩu sự có thể dự đoán được: Về những lịch sử cá nhân của Liên Xô muộn, xem Katja Petrowskaja, Vielleicht Esther (Berlin: Suhrkamp, 2014).
26Giấc mơ về một tương lai cộng sản: Về bối cảnh chung, xem Alec Nove, “Marxism and ‘Really Existing Socialism,’ ” trong Studies in Economics and Russia (London: Palgrave Macmillan, 1990), 171–221; Alfred B. Evans, “Developed Socialism in Soviet Ideology,” Soviet Studies 29, no. 23 (1977): 409–28. Về một nghiên cứu tình huống, xem Amir Weiner, Making Sense of War (Princeton: Princeton University Press, 2001), và về bối cảnh, David Brandenberger, National Bolshevism: Stalinist Mass Culture and the Formation of Modern Russian National Identity, 1931–1956 (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2002).
27Hiệp định Helsinki Cuối cùng, được ký trong 1975: Michael Cotey Morgan, The Final Act: The Helsinki Accords and the Transformation of the Cold War (Princeton: Princeton University Press, 2018).
28để báo cáo về tình cảnh: Abraham Brumberg, “Dissent in Russia,” Foreign Affairs 52, no. 4 (1974): 781–98; Emma Gilligan, Defending Human Rights in Russia (New York: Routledge, 2004).
29Nó nảy sinh từ “âm nhạc chủng tộc”: Paul Linden, “Race, Hegemony, and the Birth of Rock & Roll,” Journal of the Music & Entertainment Industry Educators Association 12, no. 1 (2012).
30nhạc Mỹ sau-chiến tranh: Bọn phát xít Nga và các Stalinist Soviet có cùng quan điểm về nhạc jazz. Xem Ivan Ilyin, “Iskusstvo,” trong D. K. Burlaka, ed., I.A. Il’in–pro et contra (St. Petersburg: Izd-vo Russkogo khristianskogo gumanitarnogo in-ta, 2004), 485–86; Maxim Gorkii, “O muzyke tol’stikh,” Pravda, April 18, 1928. Về nhạc jazz như chống-cộng, xem Leopold Tyrmvà, Dziennik 1954 (London: Polonia Book Fund, 1980).
31Một trong những ban này: Vì sự đơn giản của lý lẽ tôi trình bày về sự diễn ra của cơ hội và năng lực hành động, tôi tập trung vào ban Plastics như mẫu mực của một quanh cảnh lớn hơn của nhạc rock, folk, và nhạc jazz muộn hơn. Xem Bolton, Worlds of Dissent, chap. 4.
32Ban Plastic bắt đầu hát lại: Xem Tony Mitchell, “Mixing Pop and Politics: Rock Music in Czechoslovakia Before and After the Velvet Revolution,” Popular Music 11, no. 2 (1992): 187–203.
33của một gia đình Do thái: Jon Stratton, “Jews, Punk and the Holocaust: From the Velvet Underground to the Ramones: The Jewish-American Story,” Popular Music 24, no. 1 (2005): 79–105.
34nghệ sĩ nhạc pop Andy Warhol: Joan Acocella, “Untangling Andy Warhol,” New Yorker, June 1, 2020.
35nền quân chủ Habsburg cũ: Tác phẩm có thẩm quyền nhất đương thời là Pieter M. Judson, The Habsburg Monarchy (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2016). Trong văn liệu mênh mông về tính quốc gia Habsburg, một số tác phẩm định hướng là István Deák, Beyond Nationalism (New York: Oxford University Press, 1990); Jeremy King, Budweisers into Czechs and Germans (Princeton: Princeton University Press, 2002); Keely Stauter-Halsted, The Nation in the Village (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2001); Iryna Vushko, Lost Fatherland: Europeans Between Empire and Nation-States, 1867–1939 (New Haven: Yale University Press, 2024).
36được biểu diễn bởi ban của anh: “Plastic People” là rãnh 1 của Absolutely Free, Verve Records, 1967. Nó được thảo luận trong Worlds of Dissent ở Bolton. Xem cả Lily E. Hirsch, Insulting Music (London: Palgrave, 2022), 75–85.
37ban nhạc Kingsmen: Richard Williams, “A Rock ’n’ Roll Classic,” Independent, June 26, 1993.
38bởi Richard Berry: Jon Pareles, “Richard Berry, Songwriter of ‘Louie Louie,’ Dies at 61,” NYT, tháng Giêng 25, 1997.
39được lấy trực tiếp từ sáng tác của Touzet: Về bảng phả hệ này, xem Christopher Doll, “A Tale of Two Louies: Interpreting an ‘Archetypal American Musical Icon,’ ” Indiana Theory Review 29, no. 2 (2011): 71–103; Roberto Avant-Mier, Rock the Nation: Latin/o Identities and the Latin Rock Diaspora (London: Bloomsbury, 2010).
40và vì thế một con bướm: Thật hữu ích cho tôi trong việc chuyển sang lịch sử học thuật là John Lewis Gaddis, The Landscape of History (Oxford: Oxford University Press, 2002). Cuốn sách đó tiếp sau bài báo quan trọng của ông về chủ nghĩa thực chứng, tính cơ thể dự đoán được, và Chiến tranh Lạnh: “International Relations Theory and the End of the Cold War,” International Security 17, no. 3 (1992–93): 5–58.
41là cái gì đó chúng ta luôn mang theo mình: This is a point Krzysztof Michalski and Václav Havel (“Power of the Powerless,” 117) liked to stress. On Patočka’s thought, xem James Dodd, The Heresies of Jan Patočka (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 2023).
42“sự giúp đỡ thật duy nhất”: Patočka, “On Matters,” 25.
43Havel đã không thích: Havel, “Power of the Powerless,” 74–77.
44với một nông dân Ba lan: Timothy Garton Ash, The Polish Revolution: Solidarity,, 3rd ed. (New Haven: Yale University Press, 2002). Cuốn sách này được xuất bản ban đầu trong 1984.
45sự tự giới thiệu là khiêm tốn: I found something similar in my research on rescue during Holocaust. People who did trên thực tế rescue những người Do thái tended to describe their actions as normal, although they differed radically from sociological normality around them. I discuss this trong last chương and conclusion of Black Earth. For similar conclusions, xem Nechama Tec, Christian Rescues of Jews in Nazi-Occupied Poland (New York: Oxford University Press, 1986), 154; Samuel P. Oliner, Altruistic Personality (New York: Touchstone, 1992), 6; Ewa Fogelman, Conscience and Courage (New York: Anchor Books, 1994), 6, 73, 140, 260.
46đời sống Ukrainia bình thường: Myroslav Marynovych, The Universe Behind Barbed Wire: Memoirs of a Ukrainian Soviet Dissident, trans. Zoya Hayuk (Rochester, N.Y.: Rochester University Press, 2021).
47“một sự cấm vận các khát vọng con người bình thường”: Marynovych, Universe, 233 233.
48Ủy ban Bảo vệ Công nhân: Ký sự niên đại kinh điển của một người tham gia là Jan Józef Lipski, KOR: A History of the Workers’ Defense Committee in Poland 1976–1981, trans. Olga Amsterdamska and Gene M. Moore (Berkeley: University of California Press, 2022); được xuất bản ban đầu bằng tiếng Ba lan trong 1983.
49Các nhà bất đồng chính kiến không đưa ra những yêu sách lớn: For a more sophisticated historical summary, xem Marci Shore, “A Pre-History of Post-Truth, East and West,” Eurozine, September 1, 2017.
50 “cứ như họ tự do”: Adam Michnik, Letters from Prison and Other Essays (Berkeley: University of California Press, 1985); Những bức Thư từ Nhà tù and các Tiểu luận Khác (Tủ sách SOS2 cuốn thứ 26, NXB Dân khí 2014).
51cho rằng “sự trưởng thành tinh thần”: Rowan Williams, “The Spirit in the Desert: Self Discovery,” posted August 21, 2015, www.youtube.com/watch?v=jLwDIs3pkrg, at 7:20. Xem cả Silence and Honey Cakes: The Wisdom of the Desert (Oxford: Lion Books, 2003) của ông.
52Đây là ngõ cụ của tự do phủ định: Khẳng định này có thể bị tranh cãi theo ít nhất hai cách. Một cách cho rằng 1968 đã có một số hệ quả tiến bộ (tôi đồng ý). David Edgar, The Radical Legacy of 1986 Is Under Attack, Guardian, May 10, 2018. Cách thứ hai lập luận, như Christian Laval đã lập luận, rằng lý lẽ cho một liên kết tân tự do (neoliberal) là hoàn toàn sai và rằng chính sự tồn tại của nó trong văn hóa không gì khác hơn bằng chứng thêm về bá quyền của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism). Điều này có thể lafq úa thông minh. Christian Laval, “May ’68: Paving the Way for the Triumph of Neoliberalism?,” Le Deleuziana, no. 8 (2018). Tất nhiên đã có những xu hướng khác hoàn toàn. Xem Jacob Collins, The Anthropological Turn: French Political Thought After 1968 (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2020).
53tìm kiếm các mentor: Đối với cá nhân Michnik, Antoni Słonimski, một nhà thơ có được danh tiếng đầu tiên trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, đã là rất quan trọng. Xem Marci Shore, Caviar and Ashes: A Warsaw Generation’s Life and Death in Marxism (New Haven: Yale University Press, 2006).
54“thế giới của các giá trị”: Leszek Kołakowski, “Pochwała niekonsekwencji,” Twórczość, no. 9 (1958): 92, được in lại trong Zbigniew Mentzel, ed., Pochwała niekonsekwencji. Pisma rozproszone z lat 1955–1968 (London: Puls, 1989), 2:158.
55Bất kể một đức hạnh đơn nhất nào có một đòi hỏi tuyệt đối: Antoine de Saint-Exupéry có một thời khắc đẹp đẽ về điều này trong Vol de nuit, sau sự mất tích của một phi công: “Phụ nữ này cũng đang nói nhân danh một thế giới tuyệt đối, thế giới của các nghĩa vụ và các quyền.” Vol de nuit (Paris: Gallimard, 1931), 88.
56Câu chuyện về tự do không thể được kể mà không có đức hạnh: James Madison rightly thought that it was “chimerical” to think about tự do without đức hạnh. Virginia Ratifying Convention, June 20, 1788.
57cht đang làm đúng: Aristotle, Nicomachean Ethics, bk. 3, chap. 5.
58 “thực tế của cái ác”: Leszek Kołakowski, “Warum brauchen wir Kant?,” Merkur, nos. 9/10 (1981): 917, được công bố trong cùng năm bằng tiếng Ba lan như “Kant a zagrożenie cywilizacji.” Simone Weil diễn đạt theo cách này: “Trong mị tình huống, dù chúng ta làm gì, chúng ta làm điều ác, điều ác không thể chịu đựng nổi.” Weil, La pesanteur et la grâce, 167.
59 chủ nghĩa đa nguyên giá trị của Kołakowski có nghĩa không phải là chủ nghĩa tương đối: Xem Isaiah Berlin, The Crooked Timber of Humanity (Princeton: Princeton University Press, 1990), 11 và đây đó.
60một cam kết với sự can đảm sáng tạo: Một ví dụ tốt là Józef Czapski, mà về ông tôi hy vọng để viết chi tiết hơn: “Tôi luôn luôn cố gắng chọn cái có vẻ như cái ác ít hơn và tôi cố gắng hết sức để giảm cái ác đó.” Czapski gửi cho Ludwik Hering, October 28, 1948. Suy nghĩ của ông đã lường trước và ảnh hưởng một số nhà bất đồng chính kiến Đông Âu. Czapski bị ảnh hưởng bởi Weil, mà đã viết về “những thần tượng ít xấu nhất.”
61“Có thể có phán xét tốt”: Thomas Nagel, Mortal Questions (Cambridge: Cambridge University Press, 1979), 135.
62“Hãy cố hết sức”: Hannah Beachler, bài phát biểu về việc được giải Thiết kế Sản xuất Giỏi nhất (Best Production Design) cho Black Panther (video), https://www.youtube.com/watch?v=LpBvXKLCvyg, at 4:09; Emily Shapiro, “Hannah Beachler’s Emotional Speech During Historic Oscars Production Design Win: ‘My Best Is Good Enough,’ ” ABC News, February 24, 2019. So với sự nhớ lại của Leon Bass, được trích dẫn trong chương 3. Trong bài hát 2000 “Optimistic,” ban nhạc Radiohead cũng quả quyết rằng “sự cố gắng hết sức của bạn là đủ tốt,” nhưng tôi ít chắc chắn hơn họ muốn nói cái gì.
63sáng chế ra các đức hạnh mới: Leszek Kołakowski, “Etyka bez kodeksu,” Twórczość, no. 7 (1962): 85, được in lại trong Kołakowski, Kultura i fetysze (1967; tái bản Warsaw: PWN, 2000), 158. Hannah Arendt, Isaiah Berlin, Friedrich Nietzsche, và Simone Weil cũng giữ quan điểm rằng thành tựu con người cao nhất là sự tạo ra các đức hạnh.
64Chúng xuất hiện khi chúng ta làm các thứ: Theo lời mà Thomas Bernhard nghe từ ông của anh: “Ngày càng nhiều viên đá khảm trong bức tranh tuyệt vời về thế giới!” Ein Kind (1981; tái bản Munich: dtv, 2016), 77.
65“tất cả gia đình Łódź của chúng tôi”: Tamara Kołakowska, Było…Wspomnienia z młodości (Cracow: Znak, 2021), 85. Về lịch sử của ghetto Łódź, xem Andrea Löw, Juden im Getto Litzmannstadt (Göttingen: Wallstein Verlag, 2006). Một tiểu thuyết lịch sử có giá trị là Steve Sem-Sandberg, Emperor of Lies (London: Faber & Faber, 2011). Về hậu quả, xem Shimon Redlich, Life in Transit: Jews in Postwar Łódź (Boston: Academic Studies Press, 2010).
66“Sự tồn tại của tôi được nhận ra chỉ như”: Kołakowski, “Etyka bez kodeksu,” 173.