Eduardo Galeano giới thiệu tác phẩm Ký ức của Lửa

Nguyễn Hữu Việt Hưng dịch

Năm 2021, tờ The Guardian xếp kiệt tác bộ ba Ký ức của Lửa của Eduardo Galeano đứng hàng thứ hai trong số 10 sử thi hàng đầu, chỉ sau Thiên đường đã mất (Paradise Lost) của John Milton. Thời báo Los Angeles quả quyết: “Galeano là một nhà châm biếm, hiện thực và nhà sử học, và… xứng đáng được đề cập cùng với John Dos Passos, Bernard DeVoto và Gabriel Garcia Marquez”. Tiếc thay, cho đến nay Ký ức của Lửa chưa có bản dịch tiếng Việt và Eduardo Galeano nhìn chung vẫn là một tác giả xa lạ đối với bạn đọc người Việt.

Hôm qua, Văn Việt đã đăng bài của Nguyễn Hữu Việt Hưng (https://vanviet.info/tren-ke-sach/ky-uc-cua-lua/) về bộ ba Ký ức của Lửa; hôm nay xin đăng lời của chính nhà văn Eduardo Galeano về tác phẩm của mình, qua bản dịch của Nguyễn Hữu Việt Hưng.

TỰ BẠCH (Mở đầu Ký ức của Lửa)

“Tôi tin vào ký ức không phải như một đích đến, mà như điểm khởi hành – một máy-phóng ném bạn vào thời hiện tại, cho phép bạn tưởng tượng tương lai thay vì chấp nhận nó. Tôi hoàn toàn không thể có bất kỳ mối liên kết nào với lịch sử nếu lịch sử chỉ là một bộ sưu tập những người chết, những địa danh chết, những sự kiện chết. Đó là lý do vì sao tôi viết Ký ức của Lửa ở thời hiện tại, cố gắng giữ cho mọi việc đã xảy ra như đang sống và cho phép nó xảy ra lần nữa, khi người đọc đọc nó.”

EDUARDO GALEANO

Tập I: SÁNG THẾ

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi là một học trò khốn khổ môn lịch sử. Các lớp học lịch sử giống như những cuộc viếng thăm bảo tàng người-bằng-sáp hay khu vực người chết. Quá khứ là vô hồn, trống rỗng, câm lặng. Người ta dạy chúng tôi về quá khứ sao cho chúng tôi từ bỏ chính mình với lương tâm kiệt quệ thời hiện tại: đừng tạo ra lịch sử, lịch sử đã được hoàn thành, đơn giản hãy chấp nhận nó. Lịch sử nghèo nàn đã tắt thở: phản bội trong các tài liệu học thuật, dối trá trong học đường, chết chìm trong những ngày tháng, họ đã giam giữ lịch sử trong các viện bảo tàng và chôn nó, với những vòng hoa, bên dưới tượng đồng và đá cẩm thạch tưởng niệm.

Có lẽ, Ký ức của Lửa có thể giúp trả lại cho lịch sử hơi thở, sự tự do, và tiếng nói.

Trải qua nhiều thế kỷ, châu Mỹ Latinh đã bị tước đoạt vàng và bạc, nitrat và cao su, đồng và dầu mỏ: Ký ức của nó cũng bị tước đoạt. Ngay từ đầu, Mỹ Latinh đã bị cưỡng bức đến mất trí nhớ bởi những kẻ ngăn cản nó sống. Lịch sử quan phương của Mỹ Latinh được quy về một cuộc diễu hành quân sự của các quan lớn trong đồng phục vừa được giặt-khô. Tôi không phải một nhà sử học. Tôi là một nhà văn muốn góp phần giải cứu ký ức bị giam cầm của toàn thể Châu Mỹ, trước hết của Mỹ Latinh, vùng đất khinh bạc và yêu dấu: Tôi muốn trò chuyện với mảnh đất này, chia sẻ những bí mật của nó, thăm hỏi nó về những vùng đất khô cằn mà nó được sinh ra, về những yêu thương hay bạo lực mà nó từng nếm trải.

Tôi không biết thể loại văn học của bộ sách này là gì. Ký ức của Lửa không phải là một hợp tuyển, rõ ràng không; nhưng tôi không biết liệu nó có là tiểu thuyết, hay tiểu luận, hay sử thi, hoặc kinh sách, hoặc biên niên sử, hoặc… Việc tìm câu trả lời xác quyết cho câu hỏi đó đã khiến tôi mất ngủ. Tôi không tin vào những đường biên theo đó các viên chức hải quan văn chương tách biệt các thể loại.

Tôi không muốn viết một tác phẩm khách quan – không muốn và không thể. Chẳng có gì trung lập về cuộc tường thuật lịch sử này. Không thể giữ khoảng cách đến chính mình, tôi thiên vị: Tôi thú nhận điều đó và không xin lỗi. Tuy nhiên, mỗi mảnh của miếng khảm lớn này đều dựa trên nền tảng tài liệu vững chắc. Những gì được nói ở đây đã xảy ra, mặc dù tôi kể về nó theo phong cách và phương thức riêng.

Cuốn sách này là tập đầu của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó được chia làm hai phần. Trong phần một, thần thoại kiến tạo bản địa vén bức màn Châu Mỹ trước thời Cô-lông. Trong phần hai, lịch sử Châu Mỹ được mở ra từ cuối thế kỷ 15 đến năm 1700. Tập II của Ký ức của Lửa sẽ bao trùm các thế kỷ 18 và 19. Tập III sẽ lột tả thời đại chúng ta.

Các số trong dấu ngoặc đơn ở cuối mỗi văn bản chỉ ra các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối sách. Tiêu đề trên mỗi sự kiện lịch sử cho thấy năm và địa điểm nó xảy ra. Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng. Tác giả đã hiện đại hóa cách ghi bằng ký tự các nguồn gốc cổ xưa được trích dẫn.

EDUARDO GALEANO

Tập II: MẶT VÀ MẶT NẠ

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là tập hai của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học. Tác giả đề xuất một tường thuật lịch sử Châu Mỹ, trước hết là lịch sử Mỹ Latinh, khám phá những chiều kích chồng chéo và thâm nhập những bí mật của nó. “Mặt và Mặt nạ” bao quát các thế kỷ 18 và 19. Trong tập ba của bộ sách, bức tranh khảm khổng lồ này sẽ lột tả thời đại của chính chúng ta.

Ở đầu mỗi văn bản, năm tháng và địa điểm xảy ra câu chuyện được chỉ ra. Các số trong dấu ngoặc đơn ở cuối mỗi văn bản cho biết các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối cuốn sách.

Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng.

*

* *

Tôi không biết mình là ai,

Chẳng rành nơi tôi đã ngủ.

Không rõ tôi từ đâu tới,

Đâu là nơi địa ngục cuốn tôi về.

Tôi là một khúc cây gãy,

Nó gãy chốn nào tôi biết đâu.

Rễ tôi mọc ở phương nao?

Trên loại cây nào tôi lớn lên?

(Dân ca vùng Boyacá, Colombia)

EDUARDO GALEANO

Tập III: THẾ KỶ CỦA GIÓ

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là tập cuối của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học, dựa trên cứ liệu vững chắc nhưng xúc cảm hoàn toàn tự do. Tác giả không biết thể loại văn học của cuốn sách là gì: chuyện kể, tiểu luận, sử thi, biên niên sử, kinh sách… Có lẽ nó thuộc về tất cả hoặc không thuộc về một thể loại nào. Tác giả nối kết những gì đã xảy ra, lịch sử Châu Mỹ, và trên hết, lịch sử Mỹ Latinh; tác giả đã tìm cách sao cho độc giả cảm thấy những gì đã xảy ra đang xảy ra lần nữa, khi tác giả kể lại câu chuyện.

Ở đầu mỗi văn bản, năm tháng và địa điểm xảy ra câu chuyện được chỉ ra, ngoại trừ một số văn bản nhất định không thể minh xác bất kỳ thời điểm hoặc địa điểm cụ thể nào. Ở cuối văn bản, các con số cho biết các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Sự vắng mặt của các con số chỉ ra rằng trong trường hợp riêng biệt ấy, tác giả đã tham khảo nguồn tư liệu bất thành văn, hoặc tác giả thu nhận chất liệu thô từ thông tin chung trong báo chí hoặc từ miệng nhân vật chính hay nhân chứng.

Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối cuốn sách.

Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng.

*

* *

“và quắp ta ra khỏi gió bằng chính móng vuốt ta.”

—Juan Rulfo

EDUARDO GALEANO

(Đã đăng trên FB của dịch giả các ngày 21-23/8/2018 – Văn Việt)

Ký ức của Lửa

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Bộ ba Ký ức của Lửa (Memory of Fire) là kiệt tác của văn hào Urugoay, Eduardo Galeano (1940-2015). Ông được người đời mệnh danh: Một khổng lồ văn học của Di sản Mỹ Latinh.

Bộ ba này được viết từ 1982 đến 1986, nguyên gốc bằng tiếng Tây Ban Nha: Memoria del fuego, gồm ba tập:

Volume I: Genesis (Sáng thế),

Volume II: Faces and Masks (Mặt và Mặt nạ),

Volume III: Century of the Wind (Thế kỷ của Gió).

(Chỉ nghe đầu đề thôi đã thấy gai người.)

Quãng tháng 10/1989, tôi tần ngần mãi trước khi mua (bản tiếng Anh) của bộ ba này trên Đại lộ Telegraph, đại lộ đi bộ, nơi tập trung hồn vía của Berkeley, thành phố duyên dáng bên vịnh San Francisco, có Cầu Cổng vàng huyền thoại. Sở dĩ phải “tần ngần” trước khi mua là vì dạo đó Việt Nam đói lắm, vừa trải qua trận đói 1988, mua sách tức là đánh thẳng vào dạ dày của cả gia đình tôi. Sau một năm làm việc tại viện Toán MSRI, tháng 7/1990 tôi đem bộ sách về nước.

Sách mang về Hà Nội, có ông bạn tôi, làm nghề xuất bản, thích quá, bèn mượn cả bộ, quyết dịch rồi xuất bản. Đầu tiên là việc chọn dịch giả. Bộ sách này đương nhiên khó dịch. Năm tháng cứ trôi đi, mà mãi không thấy sách ra. Nhiều năm sau, ông bạn bảo tôi rằng: “Bộ sách kén độc giả lắm, đầu tư để in phải mất vài trăm triệu, mà bán giỏi lắm chỉ được 20-30 bộ”. Khi đã không còn hy vọng xuất bản, tôi đòi lại cả ba tập sách, thì ông bạn sau mấy lần chuyển nhà đã không còn biết để sách ở chỗ nào. Tôi cứ chờ ông ấy tìm sách mãi, nhùng nhằng mất nhiều năm.

Nhưng bạn tôi là người trọng chữ tín, và may thay bây giờ việc mua sách ở Mỹ không còn khó như vài chục năm trước, nên ông ấy vừa gửi mua bộ sách bên Mỹ, và sáng 20/8/2018 đã đem trả sách cho tôi.

Vậy là tôi gặp lại Cố nhân, Ký ức của Lửa, sau 29 năm ròng.

Lời bình từ hơn 25 năm trước, bây giờ mới nói:

Phát minh vĩ đại đầu tiên của loài người là chế ngự lửa, tạo ra và giữ được lửa. Kể từ đó, lửa song hành với loài người, chứng kiến sự thăng trầm của con người. Nói đến Ký ức của Lửa cũng là nói đến cuốn sử biên niên của loài người, từ mông muội đến văn minh.

Nhận ra Lửa có Ký ức là một tư duy tầm cỡ nhân loại, chẳng những chỉ xuất hiện một lần trong đời người, mà chỉ có thể là sản phẩm của một trong những bộ óc khổng lồ nhất của loài người.

Khi Lửa đã có Ký ức, thì về nguyên tắc Lửa có thể đam mê, có thể yêu, ghen, vui, buồn, vỡ mộng, và có thể… làm bất cứ chuyện gì thuộc về con người… Bất cứ sự “biến dạng”, “xào xáo” nào của Ký ức của lửa cũng đều nực cười.

Có anh cầm bút nước Nam ta cho Lửa mất… Linh hồn. Việc cho Lửa mất… cái đó chỉ là một lối làm dáng ngôn từ, tự ngắm vuốt, vô nghĩa về nội dung. Hình như anh ta được tâng bốc. Hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi cứ tủm tỉm cười cái anh chàng này. Chẳng hiểu nếu Eduardo Galeano mà biết tiếng Việt thì sao nhỉ?

Song trộm nghĩ, biết bao nhiêu việc chứng cớ rành rành, cũng chỉ ồn lên một lúc, rồi đâu vẫn hoàn đấy.

Cho nên, Lửa có mất… dạy thì cũng chẳng sao.

Tái bút: Chưa dám hứa. nhưng nếu có hứng và có thời gian, tôi sẽ dịch vài “đoản văn” trong Ký ức của Lửa để bà con thưởng lãm chơi.

 

(Bài đã đăng trên FB ngày 20/8/2018  Văn Việt)

Một số phận độc đáo và đau buồn (kể về cô sinh viên Nguyễn Hoài Phương)

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Từ lâu, một câu hỏi không chịu buông tha tôi: “Có số phận nào vinh quang mà không cay đắng không?”. Có khi, tưởng chừng tôi đã có câu trả lời, nhưng sự việc lại tuột đi.

Cuộc đời đưa đẩy tôi tới việc viết bài này. Một cách tình cờ, tôi nhận ra mình có lẽ là người duy nhất (?) có thể kết nối những mảnh hiểu biết của mỗi người trong cuộc. Tuy ở trong cuộc, nhưng chưa chắc họ đã nhận ra.

*

* *

Gần đây, cộng đồng mạng đưa tin: Nhà văn Nguyên Ngọc (1932) đau đớn tiễn đưa người con gái duy nhất của ông, Nguyễn Hoài Phương, về nơi yên nghỉ.

Ký ức dẫn dắt tôi về những hiểu biết liên quan đến Hoài Phương.

Năm học 1992-1993 Nguyễn Hoài Phương học năm thứ nhất khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, môn Đại số tuyến tính, phần Lý thuyết với thầy Huỳnh Mùi, và phần bài tập với thầy Trần Anh Sơn. (Sau này, thầy Trần Anh Sơn đã rời khoa Toán và là một doanh nhân Vận tải biển thành đạt.)

Khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, làn sóng Công nghệ thông tin (Tin học) tràn vào Việt Nam (sau khi đã tràn qua toàn bộ Thế giới phát triển), nó tưởng chừng nhấn chìm toàn bộ Toán học. Việc này khiến cho người ta (nhất là những người ít nhiều nông nổi) thấy nên đóng cửa đào tạo Toán, chỉ còn đào tạo Công nghệ thông tin. Việc đóng cửa đào tạo Toán như thế được thực hiện ở Khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội trong khoảng 10 năm, từ cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990.

Nguyễn Hoài Phương vào học Khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội là để học Toán, chứ không phải học Công nghệ Thông tin. Vì thế, Hoài Phương xin chuyển sang Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội.

*

* *

Thầy Trần Anh Sơn sau 1993 không gặp lại Nguyễn Hoài Phương nữa. Một lần tình cờ gặp nhà văn Nguyên Ngọc, anh hỏi thăm về Phương, và được biết Phương có học Toán với thầy Đỗ Đức Thái.

Nghe thầy Sơn nói thế, tôi bèn email cho Đỗ Đức Thái về chuyện này. Thầy Thái trả lời tôi như sau.

Anh H. kính mến,

Em mới nghe tin Phương mất, thấy rất buồn.

Phương học thêm với em năm lớp 9 và đỗ đầu kỳ thi vào khối Phổ thông chuyên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô bé học giỏi nhưng rất rất cá tính, không đồng ý tham gia thi Học sinh giỏi Toán quốc gia. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phương vào học Khoa Toán-Cơ-Tin học của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giai đoạn này anh đã biết.

Học được 2 năm, khoa anh giải tán hệ đào tạo Toán. Theo nguyện vọng của Phương và theo đề nghị của chú Nguyên Ngọc, em xin cho Phương học chuyển tiếp năm thứ ba ở Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Phương làm luận văn tốt nghiệp năm thứ tư với em về Hình học phức. Luận văn có những kết quả hay, và nếu gia công thêm, đủ để đăng một bài báo nghiêm túc.

Tuy nhiên, em không đủ khả năng để giữ Phương về Bộ môn Hình học, vì một số cá nhân có quyền ở đó không ủng hộ.

Em có biết chú Nguyên Ngọc vốn là học trò của cụ Hoàng Tụy nên em có đến gặp cụ Tụy xin cho Phương về Viện Toán. Cụ Tụy đề nghị em viết thư giới thiệu cho Phương và em đã viết một bức thư khá dài, đánh giá tỉ mỉ về Phương. Cụ Tụy nhận Phương làm nghiên cứu về Tối ưu dưới sự hướng dẫn của Cụ.

Em có nghe nói Phương có một số công trình về Tối ưu toàn cục nhưng không đồng ý vào làm Nghiên cứu sinh với lí do là không thích, và “nghiên cứu toán không phải vì bằng cấp”. Cô bé luôn có cá tính rất mạnh như vậy.

Vì thế, Phương không học Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh với em.

Sau này, thầy trò ít gặp nhau và Phương lại chuyển vào Hội An sinh sống nên em ít biết thông tin về Phương.

Nếu anh có số điện thoại của chú Nguyên Ngọc anh cho em xin, em sẽ gọi điện chia buồn với chú Ngọc.

Em cảm ơn anh.

Em Thái.

Nghe nói Nguyễn Hoài Phương không lập gia đình riêng, và từ khi về Hội An, sống như một gia sư. Có thể đoán rằng gia đình nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Hoài Phương, với bản tính rất riêng biệt của mình, chắc là sống trong sự tùng tiệm. Mong rằng cảm giác của tôi về chuyện này hoán toàn không đúng.

*

* *

Vĩ thanh: Khoảng 1995-1996, Đại học Tổng hợp Hà Nội vỡ làm hai mảnh: Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế cho nên:

Tự nhiên ngồi nhớ Nhân văn,

Nhân văn nằm nhớ cái phần Tự Nhiên.”

(Nguyễn Hùng Vĩ, K18 Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội)

Tôi xưa nay vốn lười, thích nằm hơn ngồi.

Nhưng tôi lại ở Đại học Khoa học Tự nhiên.

Nhà số 20 phố Lý Thái Tổ

Nguyễn Hữu Việt Hưng

 

Nhiều năm sau, hắn hiểu rằng, lúc ấy người đau khổ nhất không phải là hắn.

Bấy giờ là năm 1971, hắn 17 tuổi, vừa đoạt giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi Toán Miền Bắc. Hồi ấy, đất nước còn chia làm hai miền. Đấy là kỳ thi danh giá nhất dành cho học sinh phổ thông.

Sau đó, hắn vẫn phải thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học như mọi học sinh phổ thông khác. Chuyện này làm một số người ngạc nhiên, bởi vì về sau, trong một thời gian dài, những học trò đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi Toán Quốc gia được miễn thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học.

Cả hai kỳ thi ấy hắn đều thi rất tốt. Cho nên hắn yên tâm chờ người ta gọi hắn vào học đại học. Việc hắn không được cử đi học ở nước ngoài đã là một điều khó hiểu rồi. Nhưng hắn chấp nhận điều đó.

Cuối tháng 9 năm 1971. Cái nóng mùa hè đã gần qua, thu chớm lộ trong những buổi sáng bắt đầu se lạnh. Bạn bè hắn, không kể những đứa được gửi đi học nước ngoài, và một vài đứa sinh 1953, trước hắn một năm, lúc ấy tròn 18 tuổi, phải nhập ngũ, còn lại chúng nó đã lục tục kéo nhau vào các trường đại học.

Hắn chưa có giấy gọi nhập học.

Đã một tuần rồi, hắn nóng lòng đợi bác đưa thư. Ở phố hắn, thư thường được phát quãng quá trưa, từ 12 giờ tới 1 giờ. Hắn nằm ở cái phản kê ngay sát cửa. Chỉ cần bác đưa thư đỗ xịch cái xe đạp ở vỉa hè là hắn đã nghe tiếng rồi. Nhưng cả tuần nay không có thư.

Hắn định bụng nếu cuối tuần mà vẫn không có giấy gọi hắn đi học, thì sáng Thứ Hai hắn sẽ đến Ban Tuyển sinh Thành phố hỏi xem sao. Cuối tuần ấy đã qua đi trong sự chờ đợi thật nặng nề.

Rồi cũng đến Thứ Hai. Sáng hôm ấy trời ong ong, tai tái. Gió se lạnh, thỉnh thoảng lại giật lên từng hồi. Hình như sắp có cơn bão muộn. Hắn quyết định tới Ban Tuyển sinh Hà Nội để hỏi xem đã xảy ra chuyện gì.

Dạo ấy cầu Long Biên quá tải. Xe đạp chỉ được qua cầu ban đêm, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Nhà hắn cách Ban Tuyển sinh đúng một cây cầu ấy. (Nhớ rằng cho đến lúc ấy, Long Biên là cây cầu cứng duy nhất bắc qua sông Hồng. Các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì về sau mới lần lượt mọc lên.) Hôm đó, hắn phải đi cầu phao.

Linh tính thầm bảo hắn rằng đã xảy ra chuyện chẳng lành. Nhưng chuyện gì mới được chứ? Bài thi của hắn rất tốt. Hắn hoàn toàn tự tin. Mới vài tuần trước, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, vừa mời hắn tới dự cuộc gặp mặt các Thủ khoa của kỳ thi vào đại học năm ấy. Tuy hôm đó hắn không dự cuộc gặp mặt được, vì giấy mời không tới tay hắn, nhưng ai cũng biết là hắn được mời. (Về sau, khi đã tĩnh trí lại, hắn tự hỏi: Có thật Ban Tuyển sinh Thành phố đã gửi giấy mời của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho hắn qua đường bưu điện, mà thất lạc, như họ nói hay không? Hay họ đã ỉm cái giấy mời đó đi, để hắn không được gặp Bộ trưởng?)

Vậy thì chuyện chẳng lành nào? Hắn không trả lời được. Nhưng linh tính không nguôi mách bảo hẳn đã xảy ra một chuyện chẳng lành.

Ngôi nhà của Ban Tuyển sinh Hà Nội, số 20 phố Lý Thái Tổ, là một biệt thự được xây từ thời Pháp, hai tầng, đẹp cổ điển và trang nhã. Vài năm sau, và kể từ đó đến nay, biệt thự trở thành nơi làm việc của Viện Văn học (tầng 1) và Viện Ngôn ngữ học (tầng 2).

Ban Tuyển sinh Hà Nội làm việc ở tầng hai ngôi biệt thự. Nơi tiếp các thí sinh là một phòng kép, có cửa ở giữa, ngăn phòng ra hai phần bằng nhau. Người ta đặt một chiếc bàn chắn giữa khuôn cửa ấy. Hồi đó, điểm thi của các thí sinh được coi là một “bí mật quốc gia”. Không thí sinh nào được báo số điểm thi của mình. Chỉ tới khi việc tuyển sinh đã gần như hoàn tất, thí sinh nào không có giấy báo đi học đại học, và thấy nghi ngờ về điểm thi của mình, thì tới Ban Tuyển sinh, ở đó có dịch vụ trả lời.

Trên cái bàn chắn giữa khuôn cửa người ta đặt một khay bằng nhựa, có nhiều khe thưa, màu xanh đã xỉn vì thời gian, bên cạnh là một cọc giấy và cây bút. Thí sinh nào muốn biết điểm thi của mình thì tới đó, rút một mảnh giấy từ cọc, ghi họ tên và số báo danh, đặt vào khay nhựa một số tiền. Nếu hắn nhớ không nhầm thì số tiền đó là 3 đồng, bằng giá 3 bát phở tiêu chuẩn của Hà Nội lúc ấy. Một lát sau, sẽ có người thu nhận những mảnh giấy và số lệ phí kèm theo, cầm vào trong một lát, rồi quay ra thông báo số điểm của đương sự.

Tình cờ, hắn gặp TH, một bạn cùng học lớp Chuyên Toán Hà Nội với hắn, ở Ban Tuyển sinh. Đến lúc này, linh tính về một thảm hoạ không còn mù mờ với hắn nữa, nó hiển hiện, mặc dù hắn chẳng hiểu tại sao. Hắn cảm thấy đứng không vững.

Hắn nhờ TH ghi tên và số báo danh của hắn, và đặt giúp hắn số tiền lệ phí vào khay nhựa. Số thí sinh đến hỏi điểm cũng không nhiều.

Một nữ nhân viên của Ban Tuyển sinh ra nhận tờ giấy có ghi tên hắn và lệ phí, cùng giấy tờ của một vài thí sinh khác. Lát sau, nữ nhân viên ấy quay ra trả điểm. Chị thong thả đọc tên từng người. Không thấy tên hắn. Sau cùng, một người đàn ông xuất hiện ở khung cửa. Giọng ông ta khác lạ: “Ai là Nguyễn Hữu… vào đây, chúng tôi cần gặp”.

Người ta kéo cái bàn, tạo ra một khe hở ở khung cửa để hắn lách vào. Tiếp hắn là một người đàn ông trung niên, tầm thước, kín đáo, ăn mặc chải chuốt, đầu bóng mượt, mùi nước hoa không giấu diếm, có lối nói nửa chừng, khác xa vẻ giản dị của phần lớn cư dân cùng thời. Cách ông ta hành xử với nhân viên cho thấy có lẽ ông là một trong những thủ trưởng của ban tuyển sinh. Dù sao, ông vẫn toát ra một vẻ “quê mùa” khó lẫn. Ông tiếp hắn với cái vẻ kẻ cả, trịch thượng, không ra thân mật, chẳng ra doạ nạt. Người này bảo hắn: “Cậu bị trượt, cậu có biết vì sao không?” Lúc ấy, đất dưới chân hắn như sụp xuống. Cả thế giới quay cuồng. Hắn nói, mà không nhận ra giọng của mình: “Cháu được bao nhiêu điểm hả chú?” Người đàn ông ấy bỗng nhiên trở nên khoáng đạt: “Cậu thì việc gì phải quan tâm đến điểm, chắc chắn thừa rồi”. Hắn hỏi: “Tại sao cháu trượt, hả chú?” Người đàn ông ấy bỗng nhỏ giọng, tuồng như thân mật: “Cậu có biết cô N., học trước cậu một năm, cùng phố với cậu không?” Hắn thưa: “Dạ, cháu biết”. Người đàn ông tiếp: “Nhà nó lý lịch còn nặng hơn nhà cậu nhiều chứ. Vậy mà nó vào học Khoa Văn Đại học Tổng hợp đấy”. Hai tai hắn ù lên, thế giới đã vỡ vụn, hắn hỏi với thêm một câu: “Tại sao thế hả chú?”. Người đàn ông buông sõng: “Thế đấy”. Rồi ông ta đứng lên, vẻ như không muốn phí thêm thời gian.

Nhiều năm về sau, hắn tự trách mình quá ngây thơ. Người ta đã nói đến thế mà không chịu hiểu.

Hắn dắt xe đạp loạng choạng ra khỏi Ban Tuyển sinh. Kể từ đó dường như hắn không còn biết gì nữa. Hắn trôi đi theo thói quen.

Suốt hai tháng sau đó, cứ sáng dậy hắn lầm lũi dắt xe ra khỏi nhà. Bố mẹ hắn nhìn hắn ái ngại, mà không ai nói gì. Hắn đi những đâu, làm những gì chẳng ai biết. Hắn cũng không biết. Trưa hắn ăn uống ở đâu. Dạo ấy không hề có hàng cơm. Gạo là thứ hàng phân phối, quốc cấm. Chỉ có phở là thứ có thể ăn được, nhưng đắt, và cũng chẳng no được. Những ngày ấy hắn có ăn uống gì không, hắn cũng không biết.

Thế giới đối với hắn dường như không tồn tại nữa. Lúc ấy, hắn đương nhiên tin rằng, người chịu đau khổ nhất trong tai hoạ này chính là hắn, cậu bé 17 tuổi.

Nhiều chục năm sau, khi con cái hắn đã trưởng thành, đến tuổi vào đại học, hắn mới chợt hiểu ra rằng, đau khổ nhất trong tai hoạ năm 1971 không phải là hắn, mà là bố mẹ hắn.

Bố hắn tố chất khoẻ mạnh. Ông có thể tự lo cho bản thân. Hắn thương mẹ. Mẹ hắn mổ tim từ 1960, một năm sau khi em trai hắn mất. Bà làm sao vượt qua được thảm kịch ấy?

Khi hắn hiểu ra được điều đó, mẹ hắn đã mất nhiều chục năm rồi.

Bạn bè khuyên hắn quên câu chuyện ấy đi. Hắn im lặng. Rất ít người hiểu hắn.

VĨ THANH: Ban Tuyển sinh Thành phố thu lệ phí của hắn, mà không cho hắn biết điểm thi như đã thoả thuận. Suốt đời, hắn không biết điểm thi vào đại học của mình.

Nghĩ về 10 năm giải thưởng Tạ Quang Bửu

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Cảm ơn tạp chí Tia sáng đã nhắc tôi rằng 2024 là kỷ niệm 10 năm giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng đầu tiên dành cho khoa học cơ bản Việt Nam. Chao ôi là thời gian. Có gì điềm tĩnh bằng thời gian. Cũng có gì hối hả, pha chút tàn nhẫn như thời gian. Đời người lao động được mấy lần 10 năm như thế?

image

Cho đến nay, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng và GS. Nguyễn Sum là cặp thầy trò duy nhất cùng giành giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Có một sự khác biệt không thể không nhận ra trong trình độ nghiên cứu và công bố quốc tế giữa Toán học và những khoa học khác của Việt Nam. Điều đó có được nhờ công lao của GS. Tạ Quang Bửu, một trong hai giáo sư Toán học đầu tiên được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn phong năm 1956.

Trong khoảng mươi năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM (Bộ GD&ĐT), các nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là nghiên cứu Toán học, và các công bố quốc tế đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, một xu thế không cưỡng lại được là người ta mải đếm các công bố, dù là đếm Web of Science, hay Scimago. Câu chuyện Trạng Quỳnh sau một tiếng trống vẽ được 10 con giun, tiếc thay, đang được một số người Việt “láu cá” áp dụng. Họ không biết hay cố tình không biết rằng 10 con giun không thể so với một con hổ.

Hãy xét chuyện một người nọ sau một năm viết được 20 công trình Web of Science. Như vậy trung bình hơn nửa tháng người ấy viết một bài. Xin được hỏi: Thời gian đâu để người ấy quan sát, đặt vấn đề, thai nghén, suy nghĩ, tính toán, đánh máy, sửa bản thảo, gửi đăng, sửa bản in thử… Thành ra công bố một năm 20 bài không phải một thành quả khoa học đáng ngợi khen. Chuyện đó có khác gì sự láu cá của một người vẽ 10 con giun sau một tiếng trống? Đáng tiếc là có không ít những người lãnh đạo khoa học rất cần 10 con giun đất để đếm, để có trong đại học của mình những “nhà khoa học” nằm trong số 50 hay 100 người có công bố nhiều nhất ở một khu vực nào đó. Nhìn từ góc độ này thì vai trò quyết định của một vị chủ soái như GS. Tạ Quang Bửu càng nổi lên rõ rệt.

Cho nên, nói rằng nền khoa học Việt Nam mới ở trình độ biết đếm cũng không có gì quá đáng. Trong bối cảnh đó, giải thưởng Tạ Quang Bửu, dành cho giới nghiên cứu khoa học tinh hoa, thực sự là một giải pháp. Ở đó, người ta không bảo rằng 10 con quý hơn một con. Những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam khẳng định rằng chất lượng quý hơn số lượng, một con hổ quý hơn nhiều so với 10 con giun.

Lại từng nghe, giá trị của một giải thưởng khoa học không phải do tên của giải thưởng quyết định, mà ngược lại, theo năm tháng, do tên của những người được trao giải xác lập.

Bản thân tôi không bao giờ quan tâm và phân biệt công trình được giải và công trình không được giải. Một khi đã xác định mục tiêu nghiên cứu, thì cứ tiến bước thôi. May được giải thưởng thì tốt. Không may, không được giải thưởng cũng chẳng sao. Tôi tự nhủ: Nếu người ta làm thứ khoa học thật, không chỉ tạo dáng giống như thật, thì có thể gặp rất nhiều khó khăn, các hội đồng giải thưởng có thế không nhìn thấy, nhưng rồi cuộc đời cũng đánh giá công bằng đóng góp đó. Có điều đánh giá đó có thể đến muộn.

Phương Đông vốn quan niệm: “Cái quan định luận”, đóng nắp quan tài rồi mới luận được ý nghĩa của đời người.

Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ cần thứ để ăn ngay, như “mì ăn liền”. Họ nghĩ: Có giàu thì phải giàu ngay. Nếu đến cuối đời mới giàu, thì giàu như thế cũng chẳng để làm gì.

Trong bối cảnh rất nhiều người làm thứ khoa học giả, hoặc tuy không giả nhưng chỉ cốt đếm cho đủ bài (dù là đếm Web of Science, hay Scimago) để được bảo vệ, được phong hàm nọ hàm kia, thì việc làm khoa học chuyên nghiệp, theo nghĩa không phải để lấy bất kỳ tấm bằng nào, không phải để được phong hàm này hàm nọ, là vô cùng quan trọng. Nhưng làm thế nào để biết một người làm khoa học chuyên nghiệp, không phải để lấy bằng hay để được phong hàm? Có cách đơn giản thế này: Một người vẫn làm khoa học sau khi đã có đủ các bằng cấp và học hàm hẳn là một người không vì bằng cấp hay các học hàm ấy.

Một đại học, dù là tinh hoa như trường Đại học Khoa học Tự nhiên, hậu thân về khoa học tự nhiên của Đại học Tổng hợp xưa, chỉ cần có khoảng 5-7 người làm khoa học thật, dám dấn thân đối mặt với cái khó thật trong khoa học khoảng 30-40 năm, nghĩa là trong phần lớn cuộc đời khoa học của người ấy, thì vị thế khoa học thế giới của đại học ấy ắt hẳn đã thay đổi.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhắc nhở người đời rằng, những quyết sách khoa học, nếu được chọn đúng, là những đóng góp tích cực cho khoa học. Đừng nhăm nhăm đếm, và ngộ nhận rằng số lượng quý hơn chất lượng. Ở bất kỳ lĩnh vực gì, dù là khoa học, nếu không đủ lãng mạn, người ta chẳng thể đạt được bất cứ đỉnh cao nào.

Phải chăng, ý nghĩa của giải thưởng Tạ Quang Bửu là như thế?

 

_________________________________________

Bài đã đăng trên Tia Sáng với nhan đề Một quyết sách khoa học đúng (https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/mot-quyet-sach-khoa-hoc-dung/).

Anh Mùi – Người dạy tôi lao động trong toán học

Nguyễn Hữu Việt Hưng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)

clip_image001

Anh Huỳnh Mùi

 

Mùa thu 1977, Đại hội Toán học toàn quốc đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước họp tại Hà Nội. Không khí hồ hởi tưng bừng của mùa xuân hoà bình 1975 vẫn còn đó, tràn cả vào Đại hội. Đó là Đại hội Toán học toàn quốc đông vui và nhiều màu sắc chính trị nhất từ trước đến nay: các nhà toán học hai miền Bắc Nam lần đầu tiên gặp mặt, cùng với rất đông các nhà toán học Việt kiều. Lúc ấy có lẽ chưa ai nghĩ được rằng một giai đoạn vô cùng gian khổ sắp đến với cả dân tộc một vài năm sau đó.

Trong số những Việt kiều năm ấy có một người ít nói. Anh về chuyến này không phải là để thăm Tổ quốc, mà là để sống lâu dài trên mảnh đất này. Đó là Huỳnh Mùi, tiến sĩ toán học của Đại học Tokyo. Phải nói ngay rằng anh Mùi không thích được gọi là Việt kiều. Anh thường tâm sự: Thời gian anh ở nước ngoài không nhiều hơn thời gian nhiều người khác ở Liên Xô hay Ba Lan. Nếu không gọi những người này là Việt kiều thì cũng đừng gọi anh như vậy. Nhu cầu được hoà đồng của anh Mùi rất lớn. Nhiều người bảo anh về nước là dại, có người lại bảo anh khôn. Thuở ấy tôi còn quá trẻ để hiểu thế nào là khôn dại. Tôi chỉ thấy mừng là được cùng làm việc với anh trong một tổ bộ môn.

Ngay học kỳ đầu năm học 1977-78, tôi đã có ấn tượng mạnh với những bài giảng sâu sắc và chuyên nghiệp của anh Mùi ở seminar. Anh trình bày công trình của giáo sư T. Nakamura (thầy của anh ở Đại học Tokyo) trong việc “phân rã” đồng điều của tích đối xứng vô hạn của mặt cầu (mà người ta đã biết) để tìm đồng điều của tích đối xứng hữu hạn của mặt cầu. Nakamura đã đưa ra một phân ngăn tuyệt đẹp, bất biến dưới tác động của nhóm đối xứng, trên các mặt cầu với số chiều nào đó. Phân ngăn này cho phép người ta hiểu được tường minh Bar construction của không gian Eilenberg–MacLane K(Z,n), một khái niệm vốn chỉ mang ý nghĩa lý thuyết. Tôi không ngờ rằng công trình này của Nakamura sẽ trở thành một trong những công trình mà tôi nắm vững nhất. Nhờ đó, năm 1994 tôi đã chỉ ra cho V. A. Vassiliev – một học trò của V. I. Arnold – thấy rằng phân ngăn mà anh ta rất tâm đắc trong cuốn sách nổi tiếng của anh ta về Lý thuyết nút (có bản dịch tiếng Anh) chỉ là một cách trình bày rất khó hiểu và chậm hơn gần 30 năm của phân ngăn Nakamura.

Đầu năm 1978, tôi xin được học với anh Mùi. Sau này, khi biết tôi là học trò đầu tiên của anh, nhiều người bảo rằng tôi may. Đúng là tôi may thật. Có điều, cái may mắn ấy không phải ai cũng nhận ra và sẵn sàng đón nhận. Trước tôi, đã có 3-4 người xin học với anh Mùi. Nhưng họ đã bỏ cuộc sau vài tháng, vì cứ tưởng chỉ cần học tà tà, rồi luận án tiến sĩ sẽ đến.

Hồi ấy anh Mùi thường làm việc thâu đêm, liên tục nhiều tuần lễ. Tới khi mệt rũ xuống, anh lăn ra ngủ mấy ngày liền, chỉ trừ những lúc thức dậy để ăn uống. Nhiều đêm tôi ở lại nhà anh làm toán rất khuya với anh. Những đêm như thế, chúng tôi thường kết thúc công việc bằng một nồi mì chần, ăn với moi, một loại tôm khô nhỏ xíu mà anh gửi mua ở Huế. Đó là những ngày tháng đẹp, nghèo mà tĩnh tâm, lòng thanh thản; những ngày tháng mà tuổi trẻ của tôi đối mặt với khát vọng sáng tạo.

Trong rất nhiều cách làm Toán, ta chọn cách nào? Để trả lời câu hỏi này, cần có một cái nhìn điềm tĩnh. Ngày nay, cứ vài năm lại xuất hiện một mode mới, có thể ví như thời trang, trong Toán học. Người ta đổ xô vào hướng mới này, khai thác nó chừng mươi năm thì nó hết mode. Sẽ có đôi ba người thành danh với mode này, đại đa số những người khác bị chìm vào quên lãng. Nhìn nhận hiện tượng đó, anh Mùi cho rằng, trong điều kiện khó khăn và cô lập về thông tin của Việt Nam, ta nên bình thản làm “thứ Toán của ta”. Điều này hàm nghĩa không nên chạy theo những trào lưu thời thượng. Trái lại, nên đầu tư vào những hướng nghiên cứu đã được thời gian thử thách, chúng không mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Những hướng này thường đòi hỏi một khối lượng lao động lớn, mà những người thích chạy theo trào lưu thường không đủ kiên nhẫn để làm việc. Nói thì đơn giản như thế, nhưng làm thế nào để cho “thứ Toán của ta” được đồng nghiệp quốc tế thừa nhận là thứ đáng quan tâm? Anh Mùi căn dặn chúng tôi luôn luôn làm toán một cách cụ thể, với nhiều ví dụ minh hoạ, tránh xa thứ toán học mà người phương tây gọi là abstract non-sense. Anh cũng dạy chúng tôi nắm vững sự phát triển của những bài toán lớn trong chuyên ngành, dũng cảm theo đuổi những mục tiêu lâu dài, đồng thời kiên nhẫn chiếm lĩnh từng mục tiêu trước mắt. Nếu không có mục tiêu lâu dài, người ta khó tiến xa. Mặt khác, nếu chỉ ôm mộng đẹp mà không tiến từng bước cụ thể, người ta dễ trở thành viển vông. Cố nhiên, chúng tôi không có ý định áp đặt tiêu chí lựa chọn hướng nghiên cứu của chúng tôi cho bất kỳ ai khác.

Trong khoảng 15 năm, anh Mùi đã đào tạo được 10 tiến sĩ (Nguyễn Hữu Việt Hưng, Phạm Việt Hùng, Phan Doãn Thoại, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Huỳnh Phán, Phạm Anh Minh, Nguyễn Viết Đông, Tôn Thất Trí, Nguyễn Gia Định, Nguyễn Ngọc Châu), không kể những người mà anh làm hướng dẫn phụ. Chúng tôi, những học trò của anh Mùi, có chung một đặc điểm: Chúng tôi vốn được xem là những thứ phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Thời đó, những người “phù hợp” với mọi chuẩn của xã hội đều đã được cử đi học nước ngoài. Đi nước ngoài dường như là con đường tiến thân duy nhất. Vì thế mà người ta chờ đợi, đôi khi tranh giành một suất “đi tây”. Tâm lý chờ đợi như thế đã làm thui chột biết bao tài năng. Những kẻ không được chọn lựa như chúng tôi thì tương lai thật mờ mịt. Chính trong bối cảnh ấy, anh Mùi đã gieo vào chúng tôi niềm tin thật nhân bản rằng nếu chúng tôi biết và đủ can đảm lao động cật lực thì chúng tôi cũng sẽ có được nghề nghiệp vững vàng. Bài học lớn nhất mà anh Mùi dạy tôi là đứng vững trên đôi chân của chính mình bằng lao động. Anh thường nói: Khi nào cần đi nước ngoài thì ta sẽ đi. Không sợ không có dịp “đi tây”, chỉ sợ không có gì để nói khi sang bên ấy. Những quan điểm của anh Mùi về quan hệ quốc tế, đặt cơ sở trên thực lực của chính mình, hoàn toàn xa lạ với những mẹo vặt. Trên nền tảng những quan điểm ấy, chúng tôi đã xây dựng những mối hợp tác quốc tế mà chúng tôi có cho tới nay.

Thường ngày anh Mùi không phải là một người nói năng trôi chảy, thậm chí đôi khi anh tỏ ra khó khăn trong việc diễn đạt. Thế nhưng, khi viết các bài báo khoa học bằng tiếng Anh, anh Mùi có một đòi hỏi rất cao và một kinh nghiệm tốt về diễn đạt. Tôi xin nêu một ví dụ: Bài báo khoa học dài hơi đầu tiên của tôi (sau này được in thành 40 trang trên tạp chí Japanese Jour. Math. 1987) đã được anh Mùi tu chỉnh trong suốt… 12 tháng. Hồi ấy, phải nói thực là tôi rất nản lòng. Nhưng về sau, tôi hiểu ra rằng mình nên người được chính nhờ ở sự nghiêm cẩn ấy của anh. Mỗi học trò của anh Mùi đều đã từng trải qua một tình huống tương tự. Anh Mùi không bị câu thúc về mặt thời gian khi cho các học trò của mình bảo vệ. Anh muốn họ tận dụng thời gian làm luận án để học và nghiên cứu theo chiều sâu, đặng đủ sức tự lập khi ra đời.

Trong nghiên cứu Toán học, anh Mùi thuộc trường phái cổ điển: anh có nhiều ý hay, nhưng công bố rất ít. Anh chống lại khuynh hướng “xé nhỏ bài để công bố”. Nhiều lần tôi chứng kiến anh sửa sang một bài báo hàng năm trời. (Fred Cohen, một tên tuổi cự phách của làng Tôpô-đại số thế giới, có lần tâm sự với tôi rằng: kinh nghiệm làm Editor của nhiều tạp chí trong nhiều năm cho anh thấy rằng quan niệm thế nào là một bài báo thay đổi từ người này sang người khác và từ ngành này sang ngành kia; nó phản ảnh văn hoá toán học của chủ thể.) Có nhiều ý hay anh Mùi đã dành cho nghiên cứu sinh thực hiện. Thật ra, với những ý tưởng và lao động mà anh đã đóng góp, anh đáng ra phải là đồng tác giả của từ 3 đến 5 bài báo cùng với mỗi nghiên cứu sinh của mình. Tổng cộng, anh đáng ra phải có thêm từ 30 đến 50 bài báo viết chung với 10 nghiên cứu sinh mà anh đã hướng dẫn thành công. Như thế, anh sẽ trở thành một người có nhiều công trình. Nhưng anh Mùi không làm cái việc “đẽo chân cho vừa giày”. Anh là một người hướng nội, bình thản sống theo những tiêu chí của riêng mình, và không để ý đến những cái thước mà xã hội dùng để đo sự thành đạt. Dù công bố ít, anh Mùi có những công trình để đời. Tôi sẵn lòng xin đổi toàn bộ những gì mà tôi đã viết chỉ để lấy một bài báo 50 trang mà anh Mùi công bố trên tạp chí của Đại học Tokyo 1975. Nhưng như thế là tôi tham, bởi vì bài báo này là điểm khởi đầu cho một hướng nghiên cứu đang phát triển trên thế giới: ứng dụng lý thuyết bất biến modular vào lý thuyết đồng luân. Bài báo này đã được trích dẫn trong hàng trăm bài báo khoa học và nhiều cuốn sách chuyên khảo. Hơn 20 năm qua, tôi vùng vẫy mãi mà chưa ra khỏi được hướng nghiên cứu do bài báo này khởi xướng.

Nhân nói về số lượng và chất lượng, tôi muốn nhìn sang lĩnh vực văn chương, ở đó ta có thể học được đôi điều lý thú. Tôi yêu Quang Dũng không chỉ vì nhân cách của ông giữa cuộc đời nhiều hệ lụy này. Với tư cách tác giả của “Tây tiến” và “Đôi mắt người Sơn Tây” (bên cạnh những bài thơ hay khác của mình), Quang Dũng dường như đã chắc chắn trở thành bất tử. Sinh thời, ông lặng lẽ đi bên lề nền Văn học Việt Nam. Một cách tương phản, tôi không giấu diếm việc không thích và không đánh giá cao thơ Xuân Diệu. Sự sàng lọc của thời gian mới nghiệt ngã làm sao.

Khoảng đầu những năm 1990, trong bối cảnh chừng 10 năm liền không có sinh viên theo học ngành Toán, cũng không có thêm nghiên cứu sinh về Tôpô-đại số ở khoa Toán-Cơ-Tin học chúng tôi, anh Mùi rời Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đó, anh không làm toán nữa, mặc dù anh vẫn hướng dẫn đến hoàn tất một vài nghiên cứu sinh đang làm dở. Đó là một nỗi buồn, một tổn thất lớn đối với chúng tôi. Đôi khi, gặp những vấn đề hóc búa, tôi vẫn đem tới thảo luận với anh Mùi. Tôi kinh ngạc nhận ra rằng anh vẫn ấp ủ những ý rất sâu. Tôi hỏi: “Sao những ý hay như thế anh không viết ra?”. Anh nói, cố làm ra vẻ bông đùa: “Mình già rồi. Có đứa nghiên cứu sinh nào thì bày cho nó làm thôi”. (Gần đây, anh đã hướng dẫn một số khoá luận tốt nghiệp của sinh viên hệ Cử nhân khoa học tài năng, và mới thu nạp một nghiên cứu sinh.)

Để có một cái nhìn khách quan về nhóm làm việc của chúng tôi do anh Mùi khởi xướng, tôi xin dẫn lời của C. B. Thomas, hiện là Editor duy nhất của tạp chí Math Proceedings of the Cambridge Philosophical Society, trong bài Review viết về cuốn sách Cohomology of Finite Groups của A. Adem và J. Milgram. Tất nhiên, các tác giả của cuốn sách chuyên khảo này có quyền viết hoặc không viết về những công trình nào đó. Lý do của sự chọn lựa có thể là khẩu vị, mà cũng có thể đơn giản chỉ vì yêu ghét cá nhân. Còn độc giả thì lại có quyền chờ đợi và đòi hỏi cuốn sách trình bày những vấn đề nào đó. Trong bài Review, sau khi đánh giá tốt cuốn sách nói trên, C. B. Thomas đã chỉ ra những công trình của một số đồng nghiệp đáng lẽ phải được trình bày trong cuốn sách đó. Ông viết: “But it is marred by a lack of generosity towards other workers in the field. One looks in vain for acknowledgement of the work of D. Green…, …J. Huebschmann…, B. Kahn…, I. Leary…, and, most sadly, of the very active Vietnamese school.” Rồi ông hy vọng rằng những thiếu sót đó sẽ được bổ sung trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách. (Bulletin London Math. Soc. Vol 29, Issue 1 (1997), trang 123).

Tôi tin rằng trong phong thái điềm tĩnh và quyết đoán của anh Mùi có nhiều yếu tố bắt nguồn từ Phật giáo. Sinh ra và lớn lên ở Huế, một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta, anh Mùi có cơ sở để say mê và giỏi giáo lý nhà Phật. Tôi còn nhớ anh nói: “Hai yếu tố căn bản trong tinh thần Phật giáo là Vô uý Từ bi. Ở nước ta, người ta hay nói đến Từ bi. Từ bi là đem vui và cứu khổ. Nhưng Vô uý thì ít người hiểu. Vô uý nghĩa là không sợ và làm cho không thấy sợ. Vô uý và Từ bi có mối quan hệ biện chứng: Vô uý để Từ bi, và Từ bi là cơ sở của Vô uý.” Chúng tôi, những học trò của anh Mùi, đã cảm nhận được rõ ràng cái tinh thần Vô uý và Từ bi trong những công việc của anh, đặc biệt khi anh dạy dỗ và chăm sóc những kẻ không may mắn như chúng tôi.

*

* *

Anh Mùi ơi, nhân dịp anh tròn 60 tuổi (26 tháng Chạp Quí Mùi), thay mặt những học trò của anh, em chúc anh mạnh khoẻ, thanh thản và hạnh phúc.

 

 


Chú thích của Văn Việt: Bài này đọc tại Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc mừng GS Huỳnh Mùi 60 tuổi, Đà Lạt, tháng 12 năm 2003, được chỉnh lý tháng 4/2024.

Tố Như là ai?

Nguyễn Hữu Việt Hưng

 

Thứ Ba 16/4/2024 tôi dạy Đại số tuyến tính ở lớp K68 Khoa Toán, hệ chính quy. Chủ đề của tiết học là biểu thức toạ độ của một dạng toàn phương. Câu hỏi tự nhiên là khi thay đổi cơ sở (và do đó thay đổi toạ độ) thì biểu thức ấy thay đổi thế nào?

Để chuẩn bị cho câu trả lời, tôi kiểm tra kiến thức của sinh viên. Tôi hỏi: Hãy nêu định nghĩa Ma trận chuyển từ một cơ sở tới một cơ sở khác? Và tôi mời một nữ sinh viên (xinh đẹp) trả lời câu hỏi này. Cô sinh viên không biết. Điều này không có gì bất ngờ đối với tôi.

Sinh viên K68 đang học năm thứ nhất. Tôi hỏi tiếp: Hồi phổ thông em học trường nào? (Tôi muốn kiểm tra sinh viên có học phổ thông ở một nơi hẻo lánh không.) Cô sinh viên trả lời: Em học cấp 3 ở trường Nguyễn Du, thành phố Bắc Ninh.

Buồn quá, tôi buột miệng: “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Đọc xong, tôi giật mình, biết là mình có thể sai ở chỗ này rồi. Tôi hỏi cô sinh viên từng học trường Nguyễn Du: “Em có biết Tố Như là ai không?”. Trả lời: “Em không biết”. Trời ơi! Tôi đoán ngay mà. Tôi hỏi cả lớp: “Tôi không trù úm gì các em cả. Hãy thành thực cho tôi biết những sinh viên nào không biết Tố Như là ai?”. Chừng một nửa lớp giơ tay.

*

* *

Thứ Sáu 19/4/2024 (tức là ba ngày sau), tôi dạy cũng chủ đề trên ở lớp Cử nhân khoa học tài năng K68, tức là K27 Hệ Cử nhân khoa học tài năng. Lớp này thường ít sinh viên, phần lớn là các Huy chương IMO (Toán) quốc tế, và các giải thưởng Toán Quốc gia.

Tôi kể lại câu chuyện trên và nhắc lại câu hỏi: “Em có biết Tố Như là ai không?”. Lần này, lớp ít sinh viên, tôi dễ dàng thống kê kết quả: Lớp Cử nhân khoa học tài năng Toán K27 có 11 sinh viên, trong đó có 7 người không biết Tố Như là ai.

*

* *

Trời ơi! Người ta học đại học, thậm chí Cử nhân khoa học tài năng làm gì nhỉ?

Xưa Nguyễn Du viết:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(Dịch nghĩa:

Không biết hơn ba trăm năm nữa,

Thiên hạ ai còn khóc Tố Như.)

Ông không hài hước mà nghĩ rằng, hơn 300 năm nữa vẫn có người khóc Nguyễn Du, nhưng số người khóc Tố Như chỉ còn bằng nửa số người khóc Nguyễn Du.

Một người anh thầm lặng

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Anh hơn tôi 15 tuổi. Năm 1976, khi tôi được giữ lại Khoa Toán làm giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì anh thuộc Bộ môn Xác suất, sau đó anh chuyển về tổ A0 Khoa Toán, dạy các lớp phổ thông chuyên Toán. Tuy dạy chuyên Toán, anh chỉ dạy cơ bản, phần luyện cho học sinh đi thi quốc gia và quốc tế là việc của những người khác.

Continue reading “Một người anh thầm lặng”

Mấy kỷ niệm với anh Nguyễn Đình Ngọc

Nguyễn Hữu Việt Hưng

GS Nguyễn Đình Ngọc. Nguồn: QĐND

Do những quy định nghiêm ngặt của nghề làm Toán, tôi có lẽ là người duy nhất mà cả hai luận án (tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) đều do anh Nguyễn Đình Ngọc phản biện. Vì thế, tôi biết ít nhiều về cuộc đời, những tâm tư, dằn vặt của anh, qua những lần cùng đạp xe dọc phố phường Hà Nội.

Continue reading “Mấy kỷ niệm với anh Nguyễn Đình Ngọc”

Mấy kỷ niệm bâng quơ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Cuối thập niên 1980, đồng bạc Việt Nam mất giá mỗi ngày. 1988 xảy ra trận đói lớn. Giữa năm 1987, tờ báo Văn Nghệ thoi thóp, số trang rút đi, khổ báo bé lại. Người dân đang đói, chẳng còn bụng dạ nào đọc những thứ giời ơi được viết trên tờ báo đó.

Giữa lúc như thế, tháng 7/1987, Nguyên Ngọc được điều về làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Tờ báo sống lại.

Continue reading “Mấy kỷ niệm bâng quơ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”

Mấy kỷ niệm với anh Nguyễn Đình Ngọc

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Cuộc đời anh Ngọc tự nó đã là một cuốn tiểu thuyết.

GS Nguyễn Đình Ngọc. Nguồn: QĐND

 

Do những quy định nghiêm ngặt của nghề làm Toán, tôi có lẽ là người duy nhất mà cả hai luận án (tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) đều do anh Nguyễn Đình Ngọc phản biện. Vì thế, tôi biết ít nhiều về cuộc đời, những tâm tư, dằn vặt của anh, qua những lần cùng đạp xe dọc phố phường Hà Nội.

Một đêm trăng trên thành cổ Warszawa, hè 1984, anh Ngọc và tôi dạo bước, cả hai im lặng đã lâu. Bỗng anh hỏi tôi: “Theo cậu thì tình cảm nào là đáng sợ nhất đối với con người?” Tôi biết anh đang có điều muốn tâm sự, bèn đáp: “Em không biết”. Im lặng hồi lâu. Dường như ánh trăng vằng vặc đã khiến anh Ngọc chia sẻ: “Theo mình, đó là sự ân hận”. Tôi hỏi: “Đã có điều gì trong đời khiến anh phải ân hận chăng?” Anh bảo: “Bản thân chữ ân hận đã hàm nghĩa, dù tiếc nuối người ta không làm lại được nữa”. Lại lặng im. Rồi anh kể về một điều mà anh ân hận với gia đình nhỏ của mình, ngày anh rời Paris về nước năm 1966.

Anh Ngọc đã chứng kiến cảnh ông cụ anh, một bác sĩ quân y của Việt Minh, bị lính Pháp bắn chết năm 1947 gần cầu Đuống, trên đường chúng giải ông cụ từ bệnh viện dã chiến Vĩnh Phúc, nơi cụ là Viện trưởng và bị bắt, về Hà Nội. Ngay từ đầu, tôi nhận ra câu chuyện có vị chát của chuyện Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi ngày xưa.

Năm 1953, ông Nguyễn Hữu Khiếu, lúc ấy là Giám đốc Công an Liên khu 4, đã huấn luyện anh Ngọc trên vùng rừng núi Con Cuông, Nghệ An, trước khi anh thành một tình báo viên đơn tuyến… Ông Khiếu nói: “Cậu học giỏi, hãy gắng lấy thật nhiều bằng cấp. Mỗi tấm bằng sẽ là một cái mộc che chắn cho cậu về sau”.

Sau đó, anh Ngọc “dinh tê”, lấy cớ là phải về Hà Nội để chữa lao. Mà anh chớm lao thật, phải nằm ở nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện Hữu Nghị bây giờ) một thời gian. Quân Pháp vì thế không nghi ngờ gì nữa.

Năm 1954 anh di cư vào Nam. Anh Ngọc học giỏi có tiếng, nên được giới thiệu làm gia sư trong nhà ông Phan Huy Quát, người giữ vai trò Tổng trưởng nhiều bộ khác nhau trong nhiều giai đoạn của chính quyền Sài Gòn. Sau anh Ngọc yêu và lấy chị T., danh nghĩa là cháu vợ ông Phan Huy Quát, nhưng thân phận thật thì như một người giúp việc. Sau này, khi về lại Sài Gòn, có lần anh Ngọc mượn xe của Tổng trưởng Phan Huy Quát, chạy thẳng vào rừng, tiếng là đi săn, kỳ thật là vội báo tin cho Trung ương cục Miền Nam.

Anh Ngọc kể khi mới về Sài Gòn 1966, anh đã ngạc nhiên thấy người Sài Gòn tin Tử Vi thế nào. Ban đầu anh định học Tử Vi, để dùng nó như một công cụ thời thượng (ít nhiều lừa gạt) mà hành nghề tình báo. Nhưng rồi, càng học càng đọc thì anh càng bị Tử Vi cuốn hút và chinh phục tự lúc nào… Anh Ngọc đã trở thành một trong số ít ỏi những nhà Tử Vi uy tín nhất Việt Nam. Anh để ý mối liên hệ giữa 60 năm (một vòng thời gian Phương Đông) với Ngũ hành. Ai cũng biết cả thảy có 120 = 1 x 2 x 3 x 4 x 5 dãy (các hoán vị) tạo thành từ 5 yếu tố (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Chẳng hạn, Mộc, Kim, Thủy, Hỏa, Thổ là một hoán vị. Mỗi lần chỉ đổi chỗ 2 chữ trong bộ 5 chữ, người ta bảo rằng hoán vị đổi hướng (đổi dấu). Nếu xét các dãy 5 chữ bảo toàn một hướng nào đó, nghĩa là quan tâm tới Ngũ hành tương sinh (và do đó, tới Ngũ hành tương khắc), thì có 60 Ngũ hành tương sinh (hoán vị chẵn) và 60 Ngũ hành tương khắc (hoán vị lẻ). Vậy 60 năm (một vòng thời gian phương Đông) chính là lượng Ngũ hành tương sinh (60 là số phần tử của nhóm các hoán vị chẵn A5). Nhưng tại sao lại chọn Ngũ hành? Bởi vì trong dãy nhóm A2, A3, A4, A5 thì A5 là nhóm đơn (không giao hoán) đầu tiên (không có nhóm A1 vì chỉ với một phần tử thì không có hướng). Điều đó chứng tỏ rằng các mô hình Nhị hành, Tam hành, Tứ hành quá đơn giản, còn Ngũ hành là đối tượng đầu tiên mà tổ hợp trên nó không đơn giản, nhưng cũng không quá phức tạp đến mức không chế ngự nổi. (A5 là nhóm đơn không giao hoán đầu tiên trong họ An, và kể từ đó mọi nhóm trong hệ này đều là nhóm đơn). Ngũ hành xứng đáng dùng làm mô hình cho xã hội loài người. Những người học Toán còn biết rằng việc A5 là nhóm đơn khiến cho n=5 là bậc thấp nhất sao cho tồn tại một phương trình đa thức bậc n không thể giải được nếu chỉ dùng các phép toán cộng trừ nhân chia và khai căn. Tôi xin lỗi các bạn không học Toán, đoạn này chứng tỏ rằng các nhà Toán học có thể nhìn Tử Vi bằng một cách khác.

Ở Sài Gòn, anh Ngọc nổi tiếng là một giáo sư lập dị. Người ta kể rằng Sài Gòn rộng thế, nắng nôi là thế, mà giáo sư toàn đi bộ, mặc dù lương giáo sư có thể mua cả ôtô. Sau này anh Ngọc bảo tôi, anh đi như thế là để bọn theo dõi anh, nếu có, phải bỏ cuộc. Anh phân tích, bọn này thường lười, quen theo dõi bằng ôtô hay xe máy. Nhưng anh toàn chọn đường một chiều, và đi bộ ngược dòng xe. Trước khi đến điểm hẹn, anh thường đi bộ tha thẩn như thế hơn chục cây số. Những cái đuôi (nếu có) đều rụng hết, vì lười. Vả lại, đi ngược dòng xe cơ giới như thế, anh có cơ hội nhìn vào kính của ôtô đang đi tới để biết liệu có kẻ nào theo dõi anh không. Thì ra, cái lập dị của ông giáo sư tình báo là thế.

Thu Đông 1994, đang trong khoảng thời gian hai năm làm việc tại Viện Toán CRM Barcelona, tôi quen giáo sư Paulo Ribenboim, một người Canada gốc Brazil. Ông vốn là một học trò của Jean Dieudonné ở Nancy (Pháp) và là một bạn thân của Alexander Grothendieck. Còn Grothendieck là nhà Toán học lớn nhất thế giới của thế kỷ 20 và cũng là một bạn thân của anh Ngọc. Trong hồ sơ của Grothendieck có đoạn, ngay sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, và chưa tìm được công việc lâu dài, ông đã tới Brazil làm việc hơn một năm. Đó chính là theo lời mời của người bạn thân Ribenboim.

Cuối tuần, ông bà Ribenboim thường mời tôi tới uống trà, ăn bánh ngọt mà bà tự làm theo kiểu Pháp, quê hương bà. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, và cố nhiên không quên nhắc đến Grothendieck. Paulo kể rằng Grothendieck có đến 100 người đàn bà. Bà vợ Paulo quay sang lườm: “Sao ông lại nói vậy”. Paulo bảo: “Tôi nói thế không đúng à?” Rồi ông kể một lần, quãng đầu những năm 1970, ghé qua Paris, ông bà gặp một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, tóc đen, rất đẹp, trong nhà Grothendieck. Tôi hiểu người đó chính là chị T., vợ anh Ngọc.

Anh Ngọc không thể không biết rằng, như lời Paulo, Grothendieck là một người đàn ông có tới 100 người đàn bà. Nhưng vì sao, khi nhận lời với tổ chức trở về Việt Nam, anh Ngọc lại tới nhờ ông bạn Grothendieck chăm sóc vợ con mình? Phải chăng anh cảm thấy chuyến đi của anh lành ít dữ nhiều, khả năng anh toàn mạng sống là rất thấp. Vì thế, anh muốn dù có thế nào Grothendieck sẽ nuôi nấng vợ con anh? Ý nghĩ đó đã đến với tôi từ khi anh Ngọc còn sống. Nhưng tôi không đủ can đảm hỏi anh.

Có lần, thong thả đạp xe với tôi trên đường Hà Nội, đến gần Cửa Nam, anh Ngọc trầm ngâm kể tôi nghe anh đã trả lời ra sao bức thư chung của chị T., vợ anh, và A. Grothendieck, bạn anh, về tình cảnh chung của ba người.

Năm 1966, A. Grothendieck được trao huy chương Fields tại Đại hội Toán học thế giới tại Moskva, nhưng từ chối nhận để phản đối chính sách của Liên Xô đối với người Do Thái. Năm 1968, Grothendieck sang thăm Bắc Việt Nam qua đường bay Phnompenh. Hồi đó, phần lớn trí thức Pháp đều ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam chống Mỹ. Các trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội hồi ấy đều sơ tán ở Thái Nguyên. Grothendieck đã giảng nhiều bài tại những đại học này. Cũng có dịp Grothendieck về Hà Nội làm việc. Một trong những người nghe chính của Grothendieck là chị Hoàng Xuân Sính ở Đại học Sư phạm. Về sau chị Sính kể dạo đó chị được giao nhiệm vụ bám chặt Grothendieck. Tổ chức bảo rằng, nếu có thời gian thể nào ông ta cũng tìm về cuối đường Tuệ Tĩnh, nơi có bà mẹ của người bạn ông ta là Nguyễn Đình Ngọc, một giáo sư phản động của Sài Gòn… Hoàng Xuân Sính đã cố gắng giữ chặt Grothendieck. Một buổi trưa, sau một thời gian làm việc căng và ăn uống kham khổ, chị mệt quá, định nằm nghỉ một chút ở nhà trước khi đến khách sạn Metropole nghe Grothendieck giảng tiếp buổi chiều, nhưng rồi ngủ quên. Khi chị choàng tỉnh, chạy vội đến khách sạn thì đã không thấy Grothendieck đâu. Chiều muộn, khi Grothendieck về khách sạn, chị Sính xin lỗi vì tới trễ và hỏi Grothendieck đi đâu. Ông ta khoe đã tìm đến nhà riêng, gặp mẹ người bạn là Nguyễn Đình Ngọc. Nhưng “ngôn ngữ” của hai người chỉ là hoa chân múa tay.

Bà cụ mẹ anh Ngọc kể lại rằng trong hơn 20 năm, từ 1954 đến 1975, gia đình cụ luôn bị hắt hủi vì có anh Nguyễn Đình Ngọc vào Nam theo địch.

GS Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: Tư liệu Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam.

Năm 2007, khi anh Ngọc đã mất, còn tôi đang làm việc tại Viện Toán IHES, nơi Grothendieck làm việc ngày xưa, một bữa trưa Laurent Lafforgue, một huy chương Fields của Pháp, kể rằng Grothendieck (lúc ấy đã ở ẩn, không ai biết tung tích) vừa gọi điện cho anh phàn nàn rằng ông ta cần bản chụp một số tài liệu, mà các thư ký của IHES không tích cực giúp ông. Nhân đó, tôi bảo mọi người rằng Grothendieck là một nhà toán học lớn, nhưng là một người bạn tồi. Mọi người quanh bàn ăn hỏi tôi vì sao. Tôi kể tóm tắt câu chuyện vợ chồng anh Ngọc. Laurent Lafforgue bảo rằng anh ấy cũng đã từng nghe chuyện đó.

Vài tháng trước ngày 30/4/1975, anh Ngọc có dấu hiệu bị lộ. Hai sĩ quan CIA người Mỹ, tự giới thiệu là thuộc bộ phận CIA Tây Âu, đã tới văn phòng của anh ở Đại học Sài Gòn. Họ hỏi: “Thưa giáo sư, chúng ta nên nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh hay bằng tiếng Việt?” Hai sĩ quan CIA đó đưa ra (loáng thoáng) bức thư của một người chiêu hồi. Sau cuộc gặp, anh Ngọc nhận định: Phía Mỹ đã nghi ngờ, theo dõi anh từ khi anh ở bên Pháp, nhưng những bằng chứng của họ chưa đủ. Mãi tới chiều muộn ngày 29/4/1975, khi ra khỏi Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, nghe tiếng súng ven đô đã rất gần, anh mới tin là mình còn sống.

Bài báo đầu tiên của tôi trên tạp chí Comptes Rendus Acad. Sci. Paris 1983, do Henri Cartan giới thiệu, được anh Ngọc dịch giúp từ bản tiếng Anh (do tôi viết) sang tiếng Pháp, vì tôi không tự tin về tiếng Pháp cho lắm. (Hơn 20 năm sau, tạp chí này mới nhận những bài viết bằng tiếng Anh, nhưng vẫn đòi có tóm tắt bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp).

Hồi tôi sắp bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, có hai lần tôi cần gặp anh Ngọc để đưa tận tay luận án và để nhận văn bản phản biện. Cả hai lần anh đều hẹn tôi vào lúc gần 5 giờ sáng, tại cổng Bộ Công an, đường Trần Nhân Tông. Lúc ấy anh vừa xong một đêm làm việc, sẽ trở về nhà ở khu Trung Tự ngả lưng một lát, trước khi tới Bộ làm việc bình thường vào sáng hôm ấy. Tôi không hiểu anh Ngọc lấy ở đâu năng lượng để làm việc khủng khiếp như thế. Dường như anh cảm nhận thời gian còn lại của anh không nhiều. Nghe nói, một số nhân viên của anh trong Cục Tin học không thích anh làm việc nhiều như thế, vì họ không theo kịp, chẳng hóa ra họ lười.

Hằng ngày anh Ngọc chỉ ăn một bữa tối. Hôm tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học, tôi mời anh cùng các thành viên hội đồng ăn trưa. Nể tôi lắm, anh cũng ngồi một lúc cho vui. Lúc ấy anh đang là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tin học Bộ Công an. Dạo ấy, thường trong những bữa như thế, người có lái xe riêng như anh sẽ nói khổ chủ mời lái xe cùng ngồi. Khi tôi hỏi lái xe đâu để tôi mời, anh Ngọc nói cậu ấy đi ăn chỗ khác rồi. Tôi tỏ ra áy náy. Anh Ngọc bảo: “Ông yên tâm, cái phong bì lúc nãy tôi đã đưa cậu ấy rồi”. (Đấy là phong bì thù lao phản biện của anh.) Anh Ngọc bao giờ cũng là người chu đáo, việc nào ra việc nấy như thế.

Chuyện tôi tình cờ sưu tầm được một bức ảnh quý của anh Ngọc khá ly kỳ. Hè 1993 tôi tới Đại học Heidelberg làm việc. Một ngày cuối tuần, vợ chồng giáo sư Dieter Puppe mời tôi tới nhà ăn trưa. Bà Puppe là một phụ nữ Đức nhỏ nhắn, xinh đẹp. Chúng tôi đã biết nhau khi bà cùng đi với ông tới Warszawa hè 1984. Ông bà khoe tôi bộ ảnh, đã chế thành slide để chiếu lên tường, về Hội nghị quốc tế Tôpô Đại số tại Oberwolfach 1966. Dạo ấy A. Dold (sinh năm 1928) và D. Puppe (sinh năm 1930) lần đầu tổ chức một hội nghị quốc tế. Mùa hè, hai chàng trai chưa đầy 40 tuổi hăm hở cuốc bộ từ Heidelberg xuống Oberwolfach (vùng rừng đen Freiburg), cứ băng rừng nhằm hướng Nam, theo bản đồ mà đi. Trong bộ slide, có bức ảnh giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, lúc ấy 34 tuổi, nom trẻ hơn nhiều so với tuổi, từ Paris sang thuyết trình. Nguyễn Đình Ngọc đầu cắt trọc, mắt sáng ngời, đang chỉ tay vào bảng, giải thích một điều do chính ông viết. Có thể thấy đấy là một văn bản về K-theory, lý thuyết sâu sắc mới ra đời lúc ấy. Nhận ra ngay đó là một bức ảnh quý, tôi xin phép D.Puppe cho in lại. Gần 10 năm sau, năm 2002, nhân dịp mừng giáo sư Nguyễn Đình Ngọc 70 tuổi, tôi cho phóng to bức ảnh ấy, lấy chữ ký của toàn bộ thành viên trong seminar chúng tôi, lồng khung kính, và kính tặng giáo sư. Hôm phóng ảnh, ông thợ ảnh cứ xuýt xoa: “Ai mà đẹp trai, thông minh đến thế”.

Mùa hè 2002, có lần tôi tới tìm anh Ngọc tại nhà anh, khu tập thể Bộ Công an ở Trung Tự. Đã quá trưa, và mặc dù có hẹn trước, vẫn chưa thấy anh Ngọc về. Quãng 1 giờ chiều mới thấy anh lễ mễ lôi về một xe đạp tuột xích. Người nhễ nhại mồ hôi, anh xin lỗi và bảo vừa từ Đại học Thăng Long về, mà xe hỏng giữa đường. Tôi ái ngại nhìn chiếc áo anh mặc, chiếc áo công an đã rách lớp cổ ngoài, lòi ra lớp cổ bên trong đen xỉn vì thiếu xà phòng. Tôi nhẩm tính, anh có thể mua một sơ mi tươm tất, giá rẻ, chừng 50 ngàn, một chiếc xe đạp còn tốt với giá không đầy 1 triệu. Lúc ấy anh Ngọc đang lĩnh lương hưu Thiếu tướng công an, theo ước lượng của tôi, không dưới 15 triệu một tháng.

Noel 2003, hội nghị Đại số – Hình học – Tôpô toàn quốc tổ chức tại Đại học Đà Lạt. Đó là một hội nghị quốc gia, nhưng do có nhiều khách quốc tế, nên phần lớn các báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh. Anh Ngọc có một báo cáo ngả về công nghệ thông tin. Khả năng tiếng Pháp và tiếng Anh của anh Ngọc từ lâu đã được đặt ở vị trí hàng đầu của Hội Toán học Việt Nam. Mở đầu anh nói bằng một giọng tiếng Anh thuần thục: “Thưa quý bà, quý ông; tôi có thể trình bày báo cáo này bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, để nhiều đồng nghiệp của tôi có thể theo dõi được, tôi xin nói bằng tiếng Việt”. Rồi anh chuyển sang tiếng Việt. Thỉnh thoảng anh trở nên khó hiểu như thế.

Noel 2004, anh Ngọc và chị D., người bạn đời về sau của anh, tham dự hội nghị do tôi tổ chức ở Sa Pa về “Thuật ngữ và Dịch thuật Toán học”. Tối hôm trước, 9 giờ, hai anh chị chờ tôi ở cửa ga Hàng Cỏ, phía đường Trần Quý Cáp, để nhận vé tàu đi Lào Cai. Bạn đã thấy Thiếu tướng công an nào cùng vợ đi dự hội nghị bằng tàu hỏa hạng thường chưa? Tại hội nghị ấy, anh Ngọc trình bày một tham luận trong đó anh yêu cầu ông Bộ trưởng GD&ĐT từ bỏ cái gọi là “Giáo dục toàn diện”, trở về với nguyên tắc “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của các cụ nhà ta từ ngàn đời. Đó là hội nghị khoa học cuối cùng mà tôi gặp anh, trước khi anh vĩnh viễn ra đi năm 2006.

Năm 2007, tôi từ Viện Toán IHES Paris đi Djerba, đảo du lịch của Tunisia, nổi tiếng từ thời Đế quốc La Mã, dự hội nghị quốc tế mừng Jean Lannes 60 tuổi. Tại đây, sau bài nói 1 giờ của tôi, giáo sư Karoubi, người Pháp gốc Do Thái (sinh ra và lớn lên ở Tunisia) tìm gặp tôi trong giờ giải lao, bên bể bơi trong xanh. Ông hỏi: “Anh có biết Nguyễn Đình Ngọc không?” Tôi nói: “Ông ấy phản biện cả hai luận án của tôi”. Câu chuyện nhanh chóng trở nên thân mật. Người Việt lang bạt trên thế giới kể đã nhiều. Mấy ai được bạn bè lừng lẫy thế giới còn nhớ sau 40-50 năm xa cách?

Khi anh Ngọc còn chưa hưu, có người hỏi rằng anh có được trọng dụng không. Anh điềm tĩnh và hóm hỉnh trả lời: “Có trọng mà không dụng”. Anh như con dao sắc bén, rất quý nhưng đâu phải dễ dùng.

Cuộc đời anh Ngọc tự nó đã là một cuốn tiểu thuyết.

Nguồn: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/May-ky-niem-voi-anh-Nguyen-Dinh-Ngoc-25498