Một số phận độc đáo và đau buồn (kể về cô sinh viên Nguyễn Hoài Phương)

Nguyễn Hữu Việt Hưng

Từ lâu, một câu hỏi không chịu buông tha tôi: “Có số phận nào vinh quang mà không cay đắng không?”. Có khi, tưởng chừng tôi đã có câu trả lời, nhưng sự việc lại tuột đi.

Cuộc đời đưa đẩy tôi tới việc viết bài này. Một cách tình cờ, tôi nhận ra mình có lẽ là người duy nhất (?) có thể kết nối những mảnh hiểu biết của mỗi người trong cuộc. Tuy ở trong cuộc, nhưng chưa chắc họ đã nhận ra.

*

* *

Gần đây, cộng đồng mạng đưa tin: Nhà văn Nguyên Ngọc (1932) đau đớn tiễn đưa người con gái duy nhất của ông, Nguyễn Hoài Phương, về nơi yên nghỉ.

Ký ức dẫn dắt tôi về những hiểu biết liên quan đến Hoài Phương.

Năm học 1992-1993 Nguyễn Hoài Phương học năm thứ nhất khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, môn Đại số tuyến tính, phần Lý thuyết với thầy Huỳnh Mùi, và phần bài tập với thầy Trần Anh Sơn. (Sau này, thầy Trần Anh Sơn đã rời khoa Toán và là một doanh nhân Vận tải biển thành đạt.)

Khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, làn sóng Công nghệ thông tin (Tin học) tràn vào Việt Nam (sau khi đã tràn qua toàn bộ Thế giới phát triển), nó tưởng chừng nhấn chìm toàn bộ Toán học. Việc này khiến cho người ta (nhất là những người ít nhiều nông nổi) thấy nên đóng cửa đào tạo Toán, chỉ còn đào tạo Công nghệ thông tin. Việc đóng cửa đào tạo Toán như thế được thực hiện ở Khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội trong khoảng 10 năm, từ cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990.

Nguyễn Hoài Phương vào học Khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội là để học Toán, chứ không phải học Công nghệ Thông tin. Vì thế, Hoài Phương xin chuyển sang Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội.

*

* *

Thầy Trần Anh Sơn sau 1993 không gặp lại Nguyễn Hoài Phương nữa. Một lần tình cờ gặp nhà văn Nguyên Ngọc, anh hỏi thăm về Phương, và được biết Phương có học Toán với thầy Đỗ Đức Thái.

Nghe thầy Sơn nói thế, tôi bèn email cho Đỗ Đức Thái về chuyện này. Thầy Thái trả lời tôi như sau.

Anh H. kính mến,

Em mới nghe tin Phương mất, thấy rất buồn.

Phương học thêm với em năm lớp 9 và đỗ đầu kỳ thi vào khối Phổ thông chuyên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô bé học giỏi nhưng rất rất cá tính, không đồng ý tham gia thi Học sinh giỏi Toán quốc gia. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phương vào học Khoa Toán-Cơ-Tin học của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giai đoạn này anh đã biết.

Học được 2 năm, khoa anh giải tán hệ đào tạo Toán. Theo nguyện vọng của Phương và theo đề nghị của chú Nguyên Ngọc, em xin cho Phương học chuyển tiếp năm thứ ba ở Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Phương làm luận văn tốt nghiệp năm thứ tư với em về Hình học phức. Luận văn có những kết quả hay, và nếu gia công thêm, đủ để đăng một bài báo nghiêm túc.

Tuy nhiên, em không đủ khả năng để giữ Phương về Bộ môn Hình học, vì một số cá nhân có quyền ở đó không ủng hộ.

Em có biết chú Nguyên Ngọc vốn là học trò của cụ Hoàng Tụy nên em có đến gặp cụ Tụy xin cho Phương về Viện Toán. Cụ Tụy đề nghị em viết thư giới thiệu cho Phương và em đã viết một bức thư khá dài, đánh giá tỉ mỉ về Phương. Cụ Tụy nhận Phương làm nghiên cứu về Tối ưu dưới sự hướng dẫn của Cụ.

Em có nghe nói Phương có một số công trình về Tối ưu toàn cục nhưng không đồng ý vào làm Nghiên cứu sinh với lí do là không thích, và “nghiên cứu toán không phải vì bằng cấp”. Cô bé luôn có cá tính rất mạnh như vậy.

Vì thế, Phương không học Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh với em.

Sau này, thầy trò ít gặp nhau và Phương lại chuyển vào Hội An sinh sống nên em ít biết thông tin về Phương.

Nếu anh có số điện thoại của chú Nguyên Ngọc anh cho em xin, em sẽ gọi điện chia buồn với chú Ngọc.

Em cảm ơn anh.

Em Thái.

Nghe nói Nguyễn Hoài Phương không lập gia đình riêng, và từ khi về Hội An, sống như một gia sư. Có thể đoán rằng gia đình nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Hoài Phương, với bản tính rất riêng biệt của mình, chắc là sống trong sự tùng tiệm. Mong rằng cảm giác của tôi về chuyện này hoán toàn không đúng.

*

* *

Vĩ thanh: Khoảng 1995-1996, Đại học Tổng hợp Hà Nội vỡ làm hai mảnh: Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế cho nên:

Tự nhiên ngồi nhớ Nhân văn,

Nhân văn nằm nhớ cái phần Tự Nhiên.”

(Nguyễn Hùng Vĩ, K18 Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội)

Tôi xưa nay vốn lười, thích nằm hơn ngồi.

Nhưng tôi lại ở Đại học Khoa học Tự nhiên.

Comments are closed.