DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (13): VĂN HỌC TRÒ THỜI NAY

Văn Việt: Trẻ em Việt Nam thời @ rất đa dạng: có tư duy phê phán – bình luận như người lớn, tiếp cận thông tin trên mạng rất mau lẹ, cũng hồn nhiên và “quậy” như trẻ con xưa nay vốn thế… Dạy Ngữ Văn thời “cải tổ” phải dựa trên sự hiểu đúng tâm lý học trò thời nay, như thể hiện qua một số bài TLV dưới đây

Em nói lên quan điểm của mình: “Vì sao phải hiếu thảo với bố mẹ”

Bài làm của Thiện Nhân (lớp 5 trường Olympia Hà Nội):

Gần đây, dư luận xôn xao về vụ án Con giết mẹ lấy tiền ra quán nét. Tôi rất bàng hoàng.

Ngày xưa, mỗi người con, dù ở nơi đâu chăng nữa cũng phải làm tròn chữ Hiếu. Hiếu thảo không chỉ là một đức tính tốt, nó còn là nền tảng khiến nhiều gia đình hạnh phúc.

Mẹ đã sinh ra ta trong cơn đau quằn quại, những giọt nước mắt lại đổ ra khi đứa con không may gặp chuyện không lành. Khi chúng ta sinh ra, bố mẹ lại yêu thương, lo cho ta cơm ăn áo mặc. Chúng ta nợ bố mẹ rất nhiều, nhưng đôi khi lại quên mất nói lời cảm ơn. Tôi nghĩ, thay cho lời nói đó, ta hãy hiếu thảo với bố mẹ mình.

Nhưng, cũng sẽ có người nhớ ra, chuyện những người mẹ bỏ con nơi thềm chùa. Những ông bố chối bỏ đứa con mang dòng máu của mình. Điều đó có khiến ta hiếu thảo được nữa không?

Tôi nghĩ, những người mẹ như thế cũng đau lòng vì không đủ đủ điều kiện nuôi con. Tôi biết một nhân vật tên là Vernon Winfrey – cha đẻ của Oprah Winfrey cũng từng bỏ rơi cô khi còn nhỏ. Sau đó, ông đã mất cả đời để chuộc lại lỗi lầm của mình.

Khi ta hiếu thảo, ta đã làm đúng đạo lý và nói lên lời cảm ơn với đấng sinh thành rồi.

Bài văn điểm 10 độc đáo về nghịch cảnh trần gian

“Cô sẽ ghi vào nhật ký đời đi dạy của mình về bài viết này với thật nhiều cảm xúc. Cô cảm ơn em”.

Đó là lời chia sẻ rất tình cảm của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Châu dành cho Nguyễn Thị Cúc – học sinh lớp 12/11 – trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).

Bài viết được thực hiện bởi đề bài: “Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay”.

Bài văn điểm 10 khiến giáo viên nể phục

“Đây là lần đầu tôi chấm 10 điểm cho học sinh ở môn Văn. Tôi khâm phục em vì còn ít tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thể hiện cả con người và cách sống đều rất đẹp”.

Trong phần chấm điểm, cô Châu nhận xét: “Bài viết đáp ứng được yêu cầu của đề bài, giàu sự sáng tạo, có nhiều ý sâu sắc, thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức xã hội. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả nhưng không nhiều”.

Cô giáo Châu đã chấm điểm bài văn được chấm “9+1=10” bởi lý giải: “Bài viết còn mắc lỗi về chính tả nên tôi cho 9 điểm, nhưng lại cộng thêm 1 điểm về sự sáng tạo, độc đáo, mới lạ”. Được biết, đây cũng là điểm 10 đầu tiên cô Châu chấm trong suốt 15 năm dạy học.

Sau đây bài văn của học sinh Nguyễn Thị Cúc được cô giáo Nguyễn Thị Châu – giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) chia sẻ với Zing.vn.

clip_image001

Bài văn của học sinh Nguyễn Thị Cúc

“Sao anh lại đánh em thế này… đừng đánh em nữa anh ơi!”

Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van xin: “Sao anh lại đánh em thế này… đừng đánh em nữa anh ơi!”. Tôi hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: “Gia đình là nơi để yêu thương”.

Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã làm, đã ra đi… và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình rập… Tôi cười gượng: “Đấy! Một thảm họa hay nghịch cảnh trần gian?” Quá xót xa, tôi căm ghét và lên án những hành động tàn ác này – bạo lực gia đình.

Ở cõi vô thường này mấy ai còn lạ lẫm với khái niệm “bạo lực gia đình”, nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong chính cuộc sống của mỗi người chúng ta. Bạo lực gia đình, một cụm từ ngắn gọn, chỉ cho những hành động độc ác, vô nhân tính, vô đạo đức, không còn nhân phẩm của một số người trong xã hội, hành vi đó xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa các thành viên với nhau. Không những ở Việt Nam nói riêng mà nó bao gồm cả toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia thuộc Châu Phi. Hằng năm trên thế giới, số người chết và bị thương vì loại tệ nạn này không ngừng tăng lên. Thật đau đớn biết bao cho những điều chúng ta đã thấy. Và tôi nghĩ, có hay không? Ở đâu? Cho tôi xin hai chữ công bằng.

Gần đây, nổi cộm trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng là các vụ thương tâm về bạo hành trẻ nhỏ khiến người xem không ngừng suy nghĩ. Cách đây vài ngày, dư luận người Việt không khỏi xôn xao và cảm thương cho cháu bé 15 tháng tuổi ở TP.HCM bị chính cha mẹ mình đánh chấn thương sọ não. Một sự thật ngỡ ngàng khiến người xem bất bình khi thủ phạm lại quá thản nhiên cho rằng đó là “chuyện bình thường”. Tôi như nghẹn ứ lồng ngực khi nghe người mẹ trả lời câu hỏi của phóng viên nhà báo: “Nó bị té xe mà!”. Một lời nói lạnh lùng tới tận xương tủy, tôi tê buốt thân mình, đấy cũng gọi là mẹ sao? – người mang nặng chín tháng mười ngày, tôi tự hỏi. Hình như là tôi đang khóc, nhưng nước mắt tôi không rơi… là vì tôi đang lo cho số phận, cho tương lai mịt mù của đứa trẻ này.

Cùng trên tuyến đường chạy dọc vào miền Nam yêu quý, quanh năm ruộng đất tốt tươi, cò bay thẳng cánh, vẫn còn hiện lên trên nét mặt của mỗi người dân Hậu Giang thôn quê nghèo một nỗi bang hoàng như cắn xé tâm can khi được ai đó hỏi về chuyện cậu học sinh cấp 1, N.V.T bị cha và mẹ kế đánh gãy xương sườn, nhốt vào chuồng chó 3 ngày không cho ăn. Nói đến đây tôi không còn kìm lòng mình được nữa, sự chua chát phủ lên trong từng hơi thở của mình. Tôi tự hỏi tại sao lại thế? Những người làm cha mẹ đó liệu họ có cảm thấy đớn đau khi hành hạ con cái mình không? Hay vì do em lỡ mang số kiếp con riêng để “đến đây” làm người?

Chuyện của những thiên thần nhỏ chỉ là một nốt trầm trong bản nhạc bạo lực bay bổng, còn những nốt cao luôn vút lên với biết bao bi kịch. Hạnh phúc gia đình vỡ tan, con cái gặp nhiều bất hạnh… Sinh ra với thân phận phụ nữ ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình. Cảnh cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ. Khi tình yêu thăng hoa, niềm vui ấy sẽ dần lớn theo năm tháng nhưng có ngờ đâu nó lại trở thành địa ngục. Tình yêu trên đời vốn là ích kỉ, nhưng sự độc đoán, cổ hủ lại khiến con người ta trở nên vô cảm, một khi sự ghen tuông nổi dậy thì tình yêu đẹp đó dù được xây dựng trong bao nhiêu năm cũng trôi vào tro bụi. Đấy là tình cảnh chung của bao chị em phụ nữ đang phải gánh chịu.

Chuyện chị H. ở Nghệ Tĩnh là một minh chứng nóng lên cho hành vi này. Vì quá ghen tuông theo kiểu mù quáng, người chồng hiền từ đức độ bao nhiêu năm chung sống đã không có cảm giác run sợ khi dùng dao xẻo thịt vợ. Một hành động man rợ đến kẻ điên cũng phải khiếp sợ. Tôi thường nghe mấy anh thi nhân vẫn hay ví von rằng “phụ nữ như đóa phù dung”. Nói đến phụ nữ ai cũng nghĩ ngay đến sự hiền lành, đức độ, mỏng manh và xinh đẹp, đòi hỏi ai có được cũng phải nâng niu và bảo trọng. Nhưng cuộc đời thì nào như tác phẩm văn học, còn lắm những đắng cay, tủi hờn mà biết bao “đóa phù dung” phải chịu.

Hôm qua tôi đọc báo, lang thang trên các dòng tin mạng, tôi thấy tái tê cõi lòng khi đọc tin một chị tên H. ở Nam Định bị chồng đánh đập, hành hạ dã man, dùng kim tiêm đâm vào vùng kín. Người đàn ông vũ phu ấy còn bắt vợ mình ăn phân lợn… bây giờ khuôn mặt chị đã biến dạng qua nhiều đòn tra tấn dã man của chồng. Trước cơ quan chức năng chị chỉ ngậm ngùi khóc trong đớn đau và tức tưởi: “Là vì con, nếu tôi ra đi con tôi ba đứa nheo nhóc làm sao qua cảnh cơ hàn…”. Lại thêm một mảnh đời bất hạnh. Cuộc sống nào cho chị hạnh phúc đây? Con đường nào sẽ mang lại tình yêu và tiếng cười cho chị và các con, vẫn là một ẩn số thật dài…

Tạm gác lại những câu chuyện bạo hành gia đình của nước mình, mới đây trên trang mạng xã hội Facebook có một người đàn ông nickname là Phi Nhi. Người đàn ông này đã đánh đập đứa con 2 tuổi rồi khoe trên trang cá nhân của mình. Sự hận thù người vợ lố lăng đã khiến ông trở nên tàn độc với mọi thứ, kể cả đứa con nhỏ bé. Ông đánh con mọi lúc, mọi nơi có thể. Nhìn cậu bé qua những bức hình với thân mình bầm tím, máu me đầy người… nhưng lại được chính bố mình đăng tải trên mạng mà lòng se xót.

Những vụ việc trên là minh chứng hết sức rõ ràng cho vấn nạn này, nó đem lại quá nhiều tác hại cho cuộc sống. Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người, gây hoang mang và sợ hãi, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến cái chết hoặc gây nhiều thương tích.

Bên cạnh đó nó còn gây tổn hại về mặt kinh tế. Nhiều người vẫn thắc mắc, đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra điều đó, tôi cũng chưa hiểu hết được những lí do đó, vì nó có quá nhiều và mỗi bản thân chúng ta phải tự rút ra cho mình một nhận xét. Nhưng dù có bao rộng thế nào thì rồi nó cũng xoay trong vòng xoáy của tình yêu, lòng hận thù, sự khốn khó của cuộc sống. Bởi vậy xin những ai đang sống và đang mắc trong vũng bùn lầy tội lỗi thì hãy bước ra khỏi, hãy quay trở lại, hãy xóa hết những lỗi lầm. gạt bỏ hết những đớn đau, hãy sống vị tha bằng tình yêu thương cao cả để xây dựng một cuộc sống mới đầy niềm vui và tiếng cười hạnh phúc.

Trong thâm tâm mình, tôi rất phẫn nộ và muốn lên án vấn nạn bạo lực gia đình. Tôi muốn tìm lại hai tiếng công bằng cho cuộc sống của những người đang bị hành hạ, ngược đãi. Tôi muốn xã hội hãy bắt giữ hết những tên tội phạm này và xét xử thật nghiêm khắc. Tôi muốn mình được là một ai đó, đem tiếng nói sức tài bé mọn của mình để chung tay với cộng đồng ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn này trong cuộc sống. Và điều cuối cùng tôi mong muốn là dù cho những người phạm tội đó đã từng là ai, họ đã từng gây ra tội lỗi gì thì khi quay trở lại với cuộc sống xin mọi người hãy đón nhận, để họ được sống trong tình yêu thương, để hoàn lương làm một người tốt.

Qua mỗi câu chuyện là một bài học kinh nghiệm, là nỗi khát khao cầu mong sự bình yên trong cuộc sống. Qua đây, tôi được trải lòng mình sau những thực hư ẩn trong nhiều bài báo, những chuyện được nghe. Còn bạn thì sao? Bạn đã hiểu và rút ra bài học gì chưa? Tôi chợt nhận ra rằng, từ nay mình cần bỏ đi những thói hư ích kỉ, những hờn giận nhỏ nhen. Hãy yêu thương nhiều hơn nữa để cho cuộc sống lại có thêm một màu sắc mới của tình thương và tình người.

Khép lại nỗi đau còn hằn trên thân xác của những nạn nhân bạo lực gia đình, gạt đi những dĩ vãng ngập những màu buồn của sự sợ hãi. Xin hãy chung tay thắp lên những ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi người, để mỗi ngày qua đi là mỗi ngày hoan hỉ trong niềm vui, hạnh phúc, và vấn nạn bạo lực gia đình mãi chỉ còn đọng lại với thời gian, để niềm vui trở về bên bàn cơm nhỏ, để tương lai rực sáng trong đôi mắt trẻ thơ và để đạo lí mà cha ông ta đã dạy mãi được lưu truyền”.

http://news.zing.vn/Bai-van-diem-10-doc-dao-ve-nghich-canh-tran-gian-post491657.html

Những bài văn bá đạo nhất năm 2014

Bằng trí tưởng tượng phong phú và suy nghĩ thật thà của trẻ thơ đã tạo ra những bài văn có 1-0-2.

Bài văn thư gửi 20 năm sau

Với đề bài: “Viết thư gửi tôi 20 năm sau”, Lương Trọng Nghĩa (học sinh lớp 10A2, trường THPT Anh-xtanh, Hà Nội) đã sáng tác một bài văn thú vị và hài hước.

Mở đầu bài làm là hình ảnh của lễ buổi khai giảng năm 2034, khi dó Nghĩa là hiệu trưởng của ngôi trường mình dã theo học. Ngôi trường hiện lên: Nơi chúng ta đang có mặt là phòng hội nghị đa chức năng với sức chứa hơn 15.000 người, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng công nghệ 3D khiến các bạn dù ngồi xa tít ở góc phòng vẫn có thể nghe giọng tôi rất rõ, thậm chí thấy được nốt ruồi phía trên lông mày phải của tôi 3 cm”.

clip_image002

Bài văn dài 8 mặt giấy.

Bài văn với tư duy sáng tạo, ngôn ngữ linh hoạt của Lương Trọng Nghĩa nhận được phản hồi của đông đảo dư luận: “Hay, chất, bá đạo, văn phong khá lưu loát, tràn ngập ý cười”…

Trên fanpage của ca sĩ Khởi My, bài văn này nhận được gần 30.000 lượt like (thích), hàng trăm lời bình luận chỉ sau một ngày. 

Điểm 0 với “không có gì để tả”

Tương tự với đề văn trên, nếu Trọng Nghĩa miêu tả ngôi trường trong tương lai dài 8 mặt giấy thì học sinh này viết rất ngắn gọn vơi câu kết “không có gì để tả”.

Bài văn bá đạo này được làm bởi đề bài: “Hãy tưởng tượng cảnh trường em 10 năm sau”. Thời gian làm bài là 45 phút nhưng học sinh này chỉ miêu tả vỏn vẹn 10 câu. Trong đoạn đầu, học sinh dẫn dắt cuộc gặp gỡ của hai người bạn cũ về thăm trường xưa sau 10 năm. Tuy nhiên, mọi việc bất ngờ xảy đến với “cổng trường đổ sập, tất cả đổ sập vì bị sóng thần. Mọi thứ trở về cát bụi” đã khiến bài văn có câu chốt: “Không còn gì tả!”.

Bài văn bị 0 điểm với lời phê của giáo viên: “Chép phạt 50 lần nội quy môn học và một bản kiểm điểm lớn. Mai nộp cho cô”.

clip_image003

Bài văn không có gì để tả.

Ông bố lười chỉ thích nằm ườn

Một bài viết thú vị của học sinh đã gây xôn xao dư luận. Bé Đỗ Hồng Anh (8 tuổi) viết: “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố trả (chả) dọn rồi xuống chat Za lô (Zalo) với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ô xin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm”.

clip_image004

Bài văn tả ông bố lười.

Ông bố được miêu tả là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980) – làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin – trường ĐH Thương mại Hà Nội. Sau khi được cô giáo chia sẻ, anh Hà đã đăng bài viết thú vị của con lên Facebook cá nhân để sinh viên đọc… cho vui.

Nhanh chóng bài văn này được cộng đồng mạng lan tỏa. Ạnh Đỗ Mạnh Hà xuất hiện trên truyền thông, báo chí, truyền hình về cách nuôi dạy con không theo khuôn mẫu của mình.

Bài văn “Miếng thịt định mệnh”

Trong một tiết học, kể chuyện của TS Vũ Thu Hương, học sinh Phúc Hưng – học sinh lớp 5, trường tiểu học Tây Sơn đã viết nên câu chuyện kể về cuộc tranh giành miếng thịt duy nhất trong rừng sâu từ trí tưởng tượng của mình.

Bài văn của Phúc Hưng như sau: “Ở một làng nọ có rất nhiều muông thú. Ở góc làng là hai ngồi nhà bằng cây và rơm. Ngôi nhà đầu tiên là của một bạn Gà, ngôi nhà thứ hai là của một bạn Vịt.

clip_image005

Học sinh Lê Phúc Hưng.

Một hôm cả 2 bạn cùng ra chợ Xe Hơi và ra hàng thịt lợn nhưng chỉ có một miếng cuối cùng. Bác Voi bán hàng bảo phải chia đôi, thế nhưng cả bạn Vịt và bạn Gà đều không đồng ý. Bác Voi thấy thế liền bảo: – Thôi, hai cháu đừng cãi nhau nữa. Chia đôi là được mà.

Thế nhưng hai bạn vẫn cãi nhau và giành lấy miếng thịt. Bác Voi sợ quá liền bỏ việc để chuồn về nhà. Hai bạn vẫn giằng nhau và miếng thịt bị rơi xuống bãi phân bò ngay đó.

Hai bạn liền đánh nhau và bác tổng thống Rừng là bác Sư Tử ra bảo: – Có chuyện gì thế? Bác Sư Tử dứt lời thì bạn Gà quay sang bảo: – Thật là hư đốn, hư, hư tất cả!

Và cuối cùng cả hai bạn cùng vào tù để cải tạo. Đó là tác hại của việc cãi tổng thống Rừng”.

Bài văn nhận được nhiều ý kiến bình luận của độc giả: “Sáng tạo, mang tính ngụ ngôn, hài hước…”.

Bài văn tả người ông gây sốt trong ‘Ai là triệu phú’

Có nhiều người hay hỏi ông rằng: “Bác là giáo sư hay nhà thơ ạ?”. Ông chỉ cười: “Tôi là người nông dân thực thụ”.

Đó là bài viết của học sinh Đặng Ái Duyên (lớp 6C, trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội). Bài viết được bố của bé Duyên là anh Đặng Hải Đăng chia sẻ trên Facebook cá nhân, thu hút sự quan tâm của bạn bè. Bài văn được cô giáo cho 8,5 điểm với lời nhận xét: “Con có khả năng học văn tốt. Lưu ý chữ viết. Nên bổ sung những đoạn văn kể về kỷ niệm sâu sắc với ông”.

Trong đề bài “Hãy kể về người thân mà em yêu quý”, Ái Duyên đã kể về người ông đáng kính của mình chính là cụ Đặng Thiêm (78 tuổi). Cụ là người từng giành 30 triệu đồng tại chương trình Ai là triệu phú đầu tháng 10/2013. Cụ Thiêm từng có mặt ở danh sách đề cử Khách mời ấn tượng – Giải thưởng Ấn tượng VTV 2014.

clip_image006

Ái Duyên có nhiều cử chỉ giống người ông của mình.

Anh Đặng Hải Đăng chia sẻ: “Bố của tôi – cụ Đặng Thiêm là một giáo viên có tiếng ở miền Bắc, luôn dạy con, cháu theo cách gây hứng thú tìm hiểu và khơi gợi để học trò phát huy sự chủ động của mình theo phương châm: “Cái khuôn mẫu sẽ giết chết sáng tạo”.

“Ái Duyên không sống cùng ông bà, chỉ có một thời gian khi cháu 3 tuổi thì về ở cùng 8 tháng. Ngay thời gian này, ông đã nhận xét Duyên có khả năng văn chương rất tốt. Cháu luôn cảm nhận rất tinh tế, sâu sắc và đầy bất ngờ. Có những câu hỏi cháu đưa ra chỉ có… ông mới trả lời được. Duyên rất yêu ông, lúc nào về quê hay ông ra Hà Nội cũng đều đòi ngủ với ông,  vẫn thích nghe ông kể chuyện cổ tích, rồi đưa ra những nhận xét rất thú vị” – anh Hải Đăng bật mí.

“Khi được cô giáo trả bài văn, Duyên mừng lắm, cháu đã gọi điện về đọc cho ông toàn bộ bài viết của mình! Ông chỉ cười bảo: “Ôi thích nhỉ, ông vui lắm! Cháu giỏi quá, nhưng hãy cố gắng viết hay hơn nhé, viết về cái gì cũng bằng cảm xúc chân thật của mình. Văn chương là không thể bịa đâu đấy” – anh Đăng kể lại. 

Ngoài ra, Duyên còn được chị gia sư Dương Hằng – sinh viên trường ĐH Ngoại thương lại là cây bút trẻ đã kèm cặp em rất nhiều. Bài văn của Duyên là những gì chắt lọc, cảm nhận từ thực tế, sự chỉ bảo của những người xung quanh. 

Nguyên văn bài viết như sau:

clip_image007

Bài văn của Ái Duyên.

“Các bạn có biết “bố của bố” là ai không? Chính là ông nội đấy! Ở nhà ông là người tôi yêu quý nhất.

Ông tôi đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Đôi mắt ông còn rất tinh khi đọc báo, ít phải dùng đến đôi kính lão. Da ông đã nhăn nheo theo thời gian, tuy vậy ông vẫn siêng tập thể dụng hằng ngày nên thân thể vô cùng săn chắc.

Ông tôi rất hiền lành và hóm hỉnh. Gặp ông lần đầu ai cũng ấn tượng bởi nụ cười hiền và bộ râu dài như cước. Trông ông thật giống ông tiên trong truyện cổ tích. Có nhiều người hay hỏi ông rằng: “Bác là giáo sư hay nhà thơ ạ?”. Ông chỉ cười: “Tôi là người nông dân thực thụ”.

Ông là một giáo viên rất mẫu mực. Giảng bài ở lớp mà học sinh không hiểu, tối ông bảo về nhà, giảng thật hiểu thì thôi. Bố tôi vẫn hay kể thế, kèm theo lời quả quyết: “Chẳng trách bây giờ ông vẫn có học trò đến thăm suốt, không cứ lễ, Tết, lúc nào ông cũng có khách. Tôi cũng thắc mắc bởi ông là giáo viên đã về hưu, một nghề cao quý thế. Tại sao ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người nông dân? Ông làm thơ cũng hay nữa. Ông lại cười hiền: “Giáo viên là người nông dân trên cánh đồng chữ mà cháu. Với lại ngày xưa giáo viên nghèo lắm, sáng đi học, chiều phải làm thêm mới đủ nuôi bố cháu, cô và các bác chứ”.

clip_image008

Ái Duyên và cô giáo gia sư Dương Hằng.

Hằng ngày, ông hay viết bài gửi cho báo, viết sách về dạy và học văn, giải nghĩa của các thành ngữ, tục ngữ. Ông còn rất giỏi tiếng Hán nữa. Ngày Tết, nhìn ông viết câu đối gửi những người bạn bằng bút lông trên giấy đỏ, chẳng khác gì những ông đồ già ở Văn Miếu. Ông còn là thành viên của hội Văn nghệ Việt Nam và các CLB Thơ, văn người cao tuổi. Đâu đâu ông cũng được mọi người yêu quý.

Ông còn có một thú vui khác là trồng và chăm sóc cây. Các cây trong vườn như “biết ơn” ông, chúng đua nhau ra hoa, kết quả, thơm lừng cả vườn.

Tôi rất yêu ông. Tôi mong ông sẽ sống thật lâu với chúng tôi, để chúng tôi được “ông tiên” ở đời thực dẫn đường vào một thế giới tuổi thơ tươi sáng, đầy thơ mộng”. Ông còn có “tài lẻ” là nấu nướng. Các món cá tẩm bột, canh măng ông làm ngon không kém bà. Biết chúng tôi thích món cá tẩm bột, khi chúng tôi về thăm là ông lại làm món đấy. Trời lạnh mà ngồi bên ánh lửa tí tách nghe ông kể chuyện thì thật là thích”.

Quyên Quyên (tổng hợp)

http://news.zing.vn/Nhung-bai-van-ba-dao-nhat-nam-2014-post490798.html

Comments are closed.