THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (6): Đổi tên Đảng, trước hết, để thoát Trung

Phùng Hoài Ngọc

 

Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

(thơ Hồ Xuân Hương)

 

Xin thẳng thắn góp ý với Đảng.

“Thoát Trung” cần bắt đầu từ việc “đổi tên Đảng”. Một việc nhỏ thôi nhưng chắc có hiệu quả nhiều mặt. Tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi cái danh xưng “cộng sản”, cho khỏi trùng hợp với cái tên của “Đảng Cộng sản Trung Quốc bành trướng xâm lược”.

Đau một tý thôi, nhưng sẽ nhẹ lòng vĩnh viễn và cương quyết hơn khi sửa chữa một sai lầm.

Hai chữ “cộng sản” (共產) vốn từ đâu ra ?

Nguyên văn Các Mác đặt cho học thuyết của ông bằng tiếng Đức là Kommunismus (tương đương tiếng Pháp là communisme, tiếng Anh là communism, tiếng Nga là коммунизм). Nếu dịch đúng ra tiếng Việt thì tên học thuyết phải là “Chủ nghĩa cộng đồng”, theo đó, tên đảng của Việt Nam phải là “Đảng Cộng đồng Việt Nam”.

Người Trung Quốc cố ý dịch tạm bợ thành “chủ nghĩa cộng sản”. Đó là do nhóm các giáo sư đại học Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, cử nhân sư phạm Mao Trạch Đông và những người thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921 đã dịch và đặt ra như thế.

Vì sao họ lại dịch “cộng đồng”  thành “cộng sản”?

Với trình độ học vấn đại học, ba ông  kể trên không thể hiểu lầm chữ nghĩa.

Họ cố ý chuyển dịch “cộng đồng” (共同) thành “cộng sản” (共產) vì có một mục đích nhất định.

Thực ra trong Hán ngữ, tương đương với “cộng đồng” cũng có chữ “đại đồng” (大同) xuất hiện từ thời Khổng tử. Trong Kinh Lễ, đức Khổng tử từng ước mơ xây dựng nên một xã hội lý tưởng gọi là “thế giới đại đồng”. “Đại đồng” gần nghĩa như “cộng đồng” vậy. Nhưng “cộng đồng” hay “đại đồng” vẫn là trừu tượng đối với đại đa số dân chúng Trung Hoa vô sản thất học coi cái ăn cái ở là quan trọng nhất.

Chữ “cộng sản” tiếng Hán có nghĩa “cùng sản xuất, chung sở hữu tài sản, cùng sinh đẻ” – tuy nghe thô kệch, vụn vặt, phiến diện, ngô nghê nhưng được cái cụ thể sinh động, dễ hiểu. Thực ra “cộng sản” chỉ là một phần nội hàm của “cộng đồng”. Chả lẽ lãnh tụ Đảng Trung Quốc không rành chữ Đức và chữ Hán?! Không phải thế, họ dịch ra “cộng sản” một cách thực dụng, bởi nghĩ rằng “cộng sản” với nội dung cụ thể đơn giản sẽ khiến cho dân đen dễ hiểu. Đặc biệt đông đảo dân nghèo, thợ thuyền chẳng có tài sản gì đáng kể, nay vô Đảng để đi đấu tranh, giành giật hết tài sản của giai cấp địa chủ và tư sản làm của chung hoặc chia nhau thì thích lắm. Mác cũng từng nói “giai cấp vô sản vùng lên chỉ mất xiềng xích mà được cả thế giới”. Tất nhiên, cái tên đảng cụ thể hấp dẫn như vậy sẽ khêu gợi dân chúng nức lòng hăng hái đi theo đảng.

Ông Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu “cộng sản” Việt Nam họp từ ngày 6/1/1930 đến ngày 8/2/1930 tại Hương Cảng, để bàn bạc thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Đông Dương gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (nguyên trước tên là “Tân Việt Cách mạng Đảng”) hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn dùng nguyên chữ “cộng sản” đặt tên đảng, noi theo đàn anh Trung Quốc, mặc dù cụ Nguyễn khá giỏi chữ Tây và cả chữ Hán. Cụ Nguyễn thừa biết là dịch sai, nhưng có hề gì, miễn là cùng tên chứng tỏ cùng phe cánh với Đảng Cộng sản Trung Quốc là được (!).

[Nhân tiện nhắc thêm những lần đổi tên Đảng về sau: Hội nghị lần thứ 1 tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31 / 10/ 1930, tên của đảng lại được đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản đệ tam). Ngày 11 tháng 11 năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, chuyển vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận hoạt động công khai dưới danh nghĩa Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Đến tháng 2/1951, Đại hội II sửa tên đảng là “Đảng Lao động Việt Nam”, tên này khá thực tế, dễ nghe, tức là “Đảng của người lao động Việt Nam”, lao động chân tay và lao động trí óc, bất phân giai cấp. Tại Đại hội Đảng lần thứ IV họp năm 1976 sau khi chấm dứt “Chiến tranh Việt Nam” (thường gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ), đổi tên lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay].

Bây giờ trên thế giới chỉ còn năm đảng cộng sản cầm quyền toàn vẹn.

Trong đó chỉ có hai đảng mang tên CỘNG SẢN: Trung Quốc và Việt Nam.

Oán hận giữa hai Đảng nay đã quá sâu nặng.

Không còn gì chung giữa hai Đảng ngoài một cái tên dịch ẩu và thô kệch.

Xin giới thiệu hai lựa chọn đổi tên trong quá trình thoát Trung:

1. Nếu vẫn muốn “kiên định” chủ nghiã Mác, hãy sửa là “Đảng Cộng đồng Việt Nam”.   Nếu cố giữ như cũ, chỉ là “kiên định chủ nghĩa Mao”.

(Khi nói, viết văn bản đối ngoại vẫn giữ nguyên tên gốc chính xác “The Communist Party of Vietnam”).

 2. Để cho dân ta khỏi ngỡ ngàng với từ ngữ mới, có thể dùng lại tên cũ là “Đảng Lao động Việt Nam”.

Muốn Thoát Trung, trước hết chúng ta nên mau chóng đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam theo một trong hai lựa chọn trên. Đồng thời, làm như vậy cũng là để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc chơ vơ trên trường quốc tế, một mình mang cái danh xưng kỳ cục.

Chỉ tốn kém một ít giấy mực, vẽ lại biển hiệu, khắc lại con dấu khác. Thế là xong.

Đó là điều kiện tiên quyết để đạt được “danh chính ngôn thuận”.

Những việc thay đổi chính cương, sách lược sẽ tuần tự bàn sau.

Rất mong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam suy ngẫm kỹ càng, đừng bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này.

 

P. H. N.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

 

Comments are closed.