VÔ ĐỀ…
Tôi cứ làm thơ theo kiểu của riêng mình
Chẳng mới. Chẳng cũ. Chẳng tặng người nào nữa.
Thơ cứ đến khi chén rượu tôi rót ra rồi đánh đổ
Khi viên thuốc lấy ra, rồi đánh rơi mà chẳng muốn đi tìm
Khi nhiều người cho rằng tôi nói những điều lăng nhăng
Mà tuổi già cần buông bỏ, và quên đi đừng nói.
Khi tôi đã nhìn ra mặt trái những cuộc tình
Thì thơ tình chết. Không làm được nữa
Và tôi đem đổi những câu gấm, lời hoa
Lấy chén đắng cay, lấy nước mắt của đời
Và khi cuộc đời để cho xảo trá lên ngôi
Tôi đã quên đi một thứ lấy thơ làm tên gọi.
Và bạn bè giữ danh giá thơ ca đã ngoảnh mặt với tôi
Cũng bởi tôi chẳng chịu xu thời và dị biệt…
Ngày 13.4.2022
NGƯỜI THUÊ NHÀ
Người thuê nhà chuyển đồ . Ra đi
Cây dương cầm là tài sản to và nặng nhất
Mất cả một chuyến xe.
Người thuê nhà đêm qua đã khóc
Tôi không nhìn thấy anh chỉ nghe qua tiếng đàn
Bản nhạc đêm cuối cùng vang lên. Nức nở
Sáng nay
Anh đứng vịn vào cây đàn – trên vỉa hè , chờ xe
Bỗng thương anh – nhớ một đêm say rượu
Anh chỉ vào cây đàn và bảo :
" Tôi chết đi – nó sẽ là quan tài "
Yêu anh…
Ngày 8/3/2014
KHÓI
Trong cơn mê tôi mơ thấy khói
Mái nhà xưa hoen ố, rêu phong
Mẹ cời lửa bếp hồng đã rạc
Hà Nội. Mùa đông.
Tiếng chiến tranh là đạn xé trên đầu
Lác đác những đứa trẻ chơi lang thang trên phố
Trong cơn mê tôi lại mơ thấy khói
Âm ỉ bốc lên từ những căn nhà sập bom
Trong cơn mê tôi nhặt từng ngọn khói
Lặng lẽ mang về cất giữ như những mảnh pha lê.
Bạn tặng tôi chai rượu Tây có hương vị khói
Thoát khỏi cơn mê tôi ngồi bên một chén, một chai
Mùi rượu khói như giấc mơ mang lại
Dở tỉnh dở mê. Tôi ngỡ ngàng tôi
Tôi lạc lang thang, lãng đãng miền sương khói
Buồn buồn lặng lẽ âm hưởng thời chiến tranh
Tôi đã đi qua một hai cuộc chiến tranh
Nhưng chỉ như một kẻ loanh quanh đèn sách
Mùi khói súng chưa bao giờ được ngửi
Mùi máu tanh chỉ nghe bạn kể qua những ký ức buồn
Những con sông xác người tắc nghẹn
Máu loang đỏ, ruồi bâu, khói bom đạn ngập bờ…
Ấn tượng về chiến tranh của tôi bầm màu máu đỏ
Nên chẳng bao giờ tôi đọc báo nghe đài khát ca tụng những chiến công.
Bâng khuâng khói giữa mê và tỉnh
Giữa rượu và tôi. Giữa máu và khói
Tôi không chọn lời an ủi cho giấc mơ đêm nay.
Đêm đã khuya. Ai đọc kinh nhật tụng
Một thoáng khói hương
Một chút tịnh tâm…
Ngày 3.2.2022
Chân dung Đoàn Tùng Nguyễn
VÔ ĐỀ HÀ NỘI
Hà Nội ơi
Chạnh nhớ
Đã lâu rồi không làm thơ về Hà Nội
Như tình già. Đã quên.
Cây sấu già trên phố đã chẳng già được thêm
Tóc ta đã bạc, hoa sấu rắc lên tóc chẳng còn ai nhìn thấy
Chẳng còn ai nhặt trên tóc cho ta những nụ hoa chan chát, chua chua…
Nhớ gió chiều Hồ Tây tanh như mùi cá
Tiếng mõ, tiếng kinh, chùa vắng không người…
Hà Nội ơi
Những năm ta đi xa
Giữa tuyết lạnh nhớ về Hà Nội
Hà Nội bình yên, đói khổ, lặng thầm
Nhớ trưa hè chỉ có tiếng ve ngân
Mùa đông đến đầy đường lá rụng
Những đêm trăng, mất điện chẳng cần đèn
Làm những con phố nhỏ như trong cơn mộng mị…
Tôi
Một người Hà Nội đã già
Chợt bỗng tiếc nét Hà Nội xưa nghèo khó
Bởi cái bức bối xô bồ Hà Nội bây giờ nửa tỉnh, nửa quê…
Ngày 9.12.2021
KHÔNG TÊN
Có những lúc bực tức chẳng nói được thành lời
Chẳng hiểu sao thơ lại cho tôi một chút yêu cuộc đời đáng ghét
Có người bảo tôi tu, tôi đã đắc thiền
Chẳng phải
Tôi đã cảm thấy mình mệt mỏi
Quờ quạng những câu thơ để níu lại nhân gian.
*
Tôi thắp một nén nhang giữa thinh không
Ngồi niệm
Tâm mở hướng nào cũng là ở cõi người
Người ta nghĩ tôi cầu Trời khấn Phật
Đánh đổi chút bình an
Chẳng phải
Tôi chỉ ngồi niệm với lặng không mà chẳng cầu xin gì
Vì cõi người vẫn ngập ngụa tà tâm và gian trá.
*
Nhang, đèn ư ?
Thắp nến, thỉnh chuông?
Lời cầu nguyện hãy là lời sám hối
Những cái chết chẳng được thảnh thơi không bao giờ đánh đổi
Bằng những lời nguyện cầu.
Kinh sám hối tụng cho người sắp chết
Để gột rửa bụi đời, thanh thản cõi người
Người tủi cực đã chết rồi không nghe kinh sám hối
Chỉ những kẻ sống – muộn màng sám hối trước tà tâm…
Ngày 20.11.2021
MÀU
Con người tôi có thế
Như một chén rượu đầy
Trong vắt đến cạn đáy
Suốt đời chẳng thay màu.
Có người yêu kẻ ghét
Rượu vẫn là rượu thôi
Hương nồng ai hiểu được
Một chút men cho đời.
Chút nỗi buồn, niềm vui
Chỉ một màu trong vắt
Giống như màu nước mắt
Vui buồn cũng thế thôi.
Có một lẽ ở đời
Mà nhiều người chẳng hiểu
Rượu giống màu nước lã
Nhạt-nồng khác nhau thôi…
Ngày 4.11.2021.
HƯƠNG KHÚC
Mưa rả rích. Đêm. Hương lạ
Thu tàn. Hương cốm. Là em
Bài thơ chưa viết đã tàn
Bóng em khói hương phảng phất.
Hương tóc cái thời xưa ấy
Gió tung tóc rối. Mưa rừng
Chanh thơm lẫn hương bồ kết
Giờ già rụng tóc anh dùng.
Nước hoa. Dầu gội thơm lừng
Ngạt thở một thủa bon chen
Dứt tình. Quên hương phố cũ
Hoa sấu rụng. Cà phê quen.
Nhớ hương rượu Tây. Tuyết trắng
Cô đơn một nỗi xa nhà
Tuyết trắng không hương không vị
Như giọt mưa sa quê nhà.
Đêm nay mưa đến với ta
Rửa mọi hương đời hương nhớ
Chẳng có hương nào thuần khiết
Bởi đời ô uế, nhạt nhoà.
Ngày 27.9.2021
NỢ
Ta còn nợ với cơn mưa
Đêm hạ oi nồng bức bối
Ước gì nếu cơn mưa đến
Ta sẽ tặng một bài thơ.
Thế rồi cơn mưa chợt đến
Sấm sét xé nát màn trời
Lòng ta đang như tơ rối
Chẳng thể làm nổi bài thơ.
Thôi đành nợ với cơn mưa
Chén rượu đêm bỗng hoá nhạt
Ngoài kia người lang thang khóc
Cầm lòng không thể làm thơ.
Hay là đoạn tình với thơ
Từ nay chẳng làm thơ nữa
Thơ như chông chênh chỗ dựa
Bên vực đời đầy hoang mang…
Mưa ơi. Xin rút lời hứa
Cùng ta một chén rượu thôi
Thơ chẳng làm gì được nữa
Bởi đời là nỗi đầy vơi…
Ngày 30.8.2021. Tháng Vu lan.
MÙI KHÓI CỦI
Vợ đi vắng
Tự mò vào bếp
Bếp điện từ, nồi inox sáng choang
Bỗng chợt nhớ, chợt thèm mùi khói củi
Căn bếp phố xưa. Hà Nội điêu tàn…
Nhớ những cái nồi bám đen muội củi
Những chiếc đũa tre cong, bát méo, đĩa vênh
Nhớ mẹ kéo khăn thấm mồ hôi từng giọt
Bữa ăn đơn sơ qua năm tháng chiến tranh.
Sao chợt nhớ, chợt thèm mùi khói củi
Giữa trưa hè, tủ lạnh đầy ắp đồ ăn
Mà chẳng thiết ăn gì chỉ thèm mùi khói củi…
Chợt thấy buồn. Bỏ qua bữa ăn trưa
Chén rượu nâng lên – ai trộn vào mùi khói…
Ngày 10.7.2021
PHỤNG
Bạn tôi nhờ tôi
Thắp một nén nhang cho linh hồn một người bạn cũ
Bởi vì
Ở phương trời xa. Người tình xưa chết – anh ấy chẳng thể về.
Giữa đất trời. Tôi thắp một nén nhang
Rồi khấn:
Phụng ơi !
Tình đôi ta như là vạt nắng
Cứ lung linh ấm áp
Nhưng chẳng ai ôm được vào lòng.
Suốt 40 năm cách xa đằng đẵng
Anh luôn chỉ hỏi mình một câu
Vì sao anh bỏ quê ra đi?
Bởi
Quê hương đã dạy cho anh điều cay, điều đắng
Nhưng không dạy và cho anh được làm người
Em đã cho anh điều ngọt ngào, nước mắt
Nhưng biển quê hương vẫn giận dữ, gầm gào
Và lời của sóng đã át lời em bé nhỏ
Ngày 27.6.2021
GIỌT MƯA
Ta nhớ em – giọt mưa sa năm ấy
Thấm vào áo anh
Một điểm lạnh phía sau lưng nhói
Như vết mũi tên nào xuyên qua…
Đời có trăm vạn điều cứ theo nhau qua đi
Sao ta nhớ mãi giọt mưa sa năm ấy
Ta là kẻ độc hành dưới mưa
Nép vào dưới bóng những hàng cây và dưới những mái hiên
Ta độc hành về phía đêm đen trước mặt…
Giọt mưa sa thấm lạnh phía sau lưng
Đẩy ta ngã vào bóng đen phía trước…
Cả cơn mưa không nỡ ướt kẻ độc hành
Sao chỉ một giọt nhỏ thôi
Lạnh…
Bỗng làm ta gục ngã…
Ngày 11.6.2021
NĂM TÔI MƯỜI TÁM TUỔI
Năm tôi mười tám tuổi
Đã biết nghi ngờ những điều được dạy ở trường
Rằng
Đảng lãnh đạo toàn dân – thật là vĩ đại
Bác – vị cha già như thánh, như thần.
Năm tôi mười tám tuổi
Là năm tôi uống chén rượu đầu tiên
Và khi ấy biết rằng
Khi bị say – con người ta khó mà đi thẳng.
Tôi đạp xe dưới phố vắng không đèn
Tôi đạp xe dưới ánh trăng qua đường Thanh Niên
Bên phải, bên trái
Phía nào là hồ Tây?
Bên nào hồ Trúc Bạch – tôi vẫn còn nhầm lẫn.
Tôi nhớ
Nhớ ông thầy giáo già dạy môn triết học
Thầy thương tôi, quý tôi
Vì khi tôi mười tám tuổi tròn
Vẫn ngây ngô như đứa trẻ mười lăm.
Nhớ
Nhớ một đêm vỉa hè. Mất điện. Không đèn
Bên chén rượu suông
Thầy thì thầm với tôi như những lời trối trăn:
Rằng
Đảng cũng thường thôi – chẳng hề vĩ đại
Bác cũng thường thôi – chẳng thể nào so được với thánh, với thần
Bác vẫn hút thuốc lá Tây, uống rượu thực dân
Nhưng bảo với Dân: bác vẫn thường ăn cơm với rau, cà, cơm muối.
Năm tôi mười tám tuổi
Là năm tôi dừng làm một việc tôi đã làm hàng năm
Là đo thử xem mình mỗi năm cao thêm bao nhiêu xăng-ti-mét.
Tôi bắt đầu để ý những cô gái xung quanh
Cô nào cao. Cô nào thấp. Cô nào béo. Cô nào gầy
Cô nào xấu. Cô nào xinh
Những e lệ thị thành khác e thẹn nông thôn
Và nhớ Mẹ, nhớ lời bà ngoại:
Con gái Việt mình đẹp. Được nết được người…
Rồi những năm phiêu bạt xứ xa xăm
Xung quanh chỉ toàn thấy
Những cô gái mắt xanh, tóc vàng, da trắng
Chẳng thấy e lệ đâu. Chỉ thấy hồn nhiên thôi
Trên khắp những bến tàu, bến xe. Trong những ký túc xá vào ra nhộn nhịp
Mới hiểu được một điều rằng
Trên khắp hành tinh này
Cái xấu – đẹp, nết na là của riêng mỗi người thôi…
Năm tôi mười tám tuổi
Chẳng ai cho tôi một món quà nào
Chỉ có Đời – cho tôi món quà Sự Thật thôi
Món quà. Tôi đã mang theo suốt cả cuộc đời
Món quà
Giúp cho tôi sống có Niềm Tin và Chân Lý…
Ngày 27.12.2019
CƠN SAY
Quằn quại đất nước tôi
Những hào nhoáng không che lấp được.
Những tư cách đớn hèn, những lòng người gian dối
Thói bon chen, cầm thú của bầy đàn…
Đêm nay,
Tôi ngồi,
giữa bâng quơ men rượu
Đọc những bài thơ của bạn bè quen
Những bài thơ tình,
Những bài thơ chuốt chau câu chữ…
Đêm nay,
Tôi ngồi,
giữa những cơn say tình đời
Và tự hỏi
Sao bạn bè tôi lại viết được thơ này…
Có phải chăng những bài thơ long lanh câu chữ
Là thứ men say giúp bạn bè tôi quên đi
Cái dối gian lòng người, bon chen cầm thú
Như cái thứ bâng quơ men rượu tôi uống hàng ngày.
Và đêm nay
Cơn say này thật là ngắn ngủi
Trả lại tôi một thực tại
Một nỗi đau
Quằn quại đất nước tôi
Những hào nhoáng không che lấp được…
Ngày 24.11.2019
BÂY GIỜ MÙA THU KHÔNG CÓ LÁ VÀNG
Mùa thu sắp qua mà tôi không hề biết
Hàng cây lá vẫn xanh , gió se lạnh cứ về .
Chợt muốn về thăm con phố cũ
Hai dãy Bàng . Thu đến lá đỏ hoe.
Biệt thự của Cha giờ không còn nữa
Nhà xây hết vườn như chồng xếp những bao diêm.
Hai dãy Bàng vẫn thế , chẳng cao thêm
Lá vẫn rụng , nhưng không còn màu đỏ .
Khi cha chết, mắt Mẹ đỏ hoe
Buộc băng tang cho cây Bàng trước cửa.
Một mùa thu lá rụng đầy vườn
Sắc đỏ – vàng, tiễn Cha đi lặng lẽ.
Con về thăm nhà khi cũng không còn Mẹ
Lặng lẽ ngoài hè như một chiếc lá rơi .
Hai dãy Bàng chẳng nhận được người quen
Mùa thu rồi , lá vẫn xanh vô tư lự .
Mùa thu rồi , sao sắc cây không đỏ
Sao lá không rơi, sao lá hóa vô tình
Sao không còn vườn, không còn con đường nhỏ
Lá vàng đầy, không ai quét. Lá ơi!
Ôi mùa thu vàng, ôi dãy Bàng của tôi
Tưởng đi rồi không quay về lại nữa
Nhưng mỗi lần giỗ Cha, tôi lại về phố cũ
Để bâng khuâng một chút sắt se vàng.
Bây giờ mùa thu không có lá vàng
Hay do bởi tim người vô sắc???
(Viết trước ngày giỗ Cha )
Ngày 07/10/2013
EM
Em của tôi là một buổi chiều
Trong một khoảnh khắc bỗng trời đầy giông bão .
Em của tôi là một chút gió hanh hao
Mang theo mùi hoa dại.
Em của tôi là một vài giọt cô đơn
Tan trong ly rượu.
Em của tôi là nỗi nhớ bồn chồn
Chẳng nhớ ai – chỉ nhớ mà để nhớ.
Em của tôi là một bản nhạc giữa đêm
Vu vơ. Không cho ai nghe cả.
Em của tôi ơi. Em là ai?
Xin em đừng là thật
Người tình của tôi chẳng là thật bao giờ …
Ngày 21/2/2014
MƯA RÀO
Cơn mưa rào vội xóa đi tất cả
Chỉ để lại những vũng bùn trên con đường đất đỏ thôi
Em ở căn nhà nào ven ngọn đồi đất đỏ
Căn nhà leo lét đèn?
Anh và em – hai kẻ không quen
Anh chỉ là người đi đưa quà hộ
Quà của biển gửi cho rừng
Món quà đó là gì, em biết không?
Là gió của biển gửi đến cho rừng
Bọc trong mớ tóc thề đã cắt hai mươi năm.
Địa chỉ anh chỉ được biết là
Ngôi nhà có vết son hôn trên cánh cửa
Hoang vu giữa rừng, chẳng thể hỏi thăm
Ôi, biết tìm căn nhà nào – vết son trên cánh cửa
Có lẽ mưa rừng xóa dấu vết xa xăm
Anh đứng giữa rừng
Giữa mưa
Với món quà không tìm ra địa chỉ.
Ngày 25/3/2014
CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ
Có những cuộc chia ly màu đỏ
Mẹ
Đỏ mắt khóc con
Vợ
Đỏ mắt khóc chồng
Cuộc chiến tranh đã lùi xa bốn mươi năm
Nhưng
Vẫn có những người đàn ông chết dưới dùi cui, cường bạo.
Có những cuộc chia ly màu đỏ
Những đoàn dân đi, mặc áo cờ hồng
Khẩu hiệu giăng lên những hàng câu hỏi
Lặng lẽ…
Làm những cuộc chia ly với quá khứ bốn mươi năm…
Có những cuộc chia ly màu đỏ
Hôm nay đưa tiễn bạn về thăm
Rượu vang đỏ. Khăn trải bàn màu đỏ
Leo lét trong đêm mấy ngọn nến hồng
Bạn cứ băn khoăn suốt đêm câu hỏi:
"Máu trên quê mình vẫn đổ? Có thật không?"
Có những cuộc chia ly màu đỏ…
Có ai biết
Sự vô tình có màu gì không?
Ngày 25/3/2014
CỜ
Khi tôi sinh ra. Hà Nội bắt đầu treo cờ đỏ
Mẹ đưa nôi tôi. Ru. Không dám hát to
Bởi những bài hát đã bị coi là “xưa-cũ”.
Tôi lớn lên, thích nghe chuyện của Cha
Chuyện của thời Cha bảo khi tôi chưa hình hài trong Mẹ.
Cha kể:
Xưa quân Pháp đốt chùa vì sư nuôi cách mạng
Treo cờ đỏ sao vàng giấu dưới bệ tượng Quan Âm.
Rồi cách mạng thành công
Người ta cũng phá chùa và đốt tượng
Với giải thích rằng:
Phá đi tàn tích của phong kiến ngàn năm.
Người Hà Nội ngơ ngác sau mùa thu cờ đỏ
Bởi những lời gièm pha về một quá khứ đã thân quen:
Những chiếc quạt Ma-re-li, những cây đèn cổ
Những tủ sách tiếng Tây, những cây đàn piano
Tất cả…
Tất cả bị gán cho cái tên: của quân giặc Pháp.
Những bài hát cũ bị tô màu vàng
Những cây đàn dương cầm câm tiếng…
Rồi một ngày người ta treo cờ lên
Dẫn đến những người cha – bắt quỳ trên gai mít
Để cho con chửi cha. Cho vợ tố chồng
Cho học trò chửi thầy vì không theo cách mạng
Lập “tòa án nhân dân” để giết những ân nhân.
Lịch sử của lòng dân không bao giờ xóa bỏ
Những vết nhơ đạo đức đến ngàn năm…
Rồi tôi lớn lên. Nhưng lá cờ không lớn
Sách giáo khoa dạy tôi về những anh hùng:
Người anh hùng quấn chặt cờ vào bụng
Hô trước quân thù: Kẻ nào muốn xé cờ – hãy xé xác ta đây.
Sách giáo khoa trích dẫn những câu thơ:
“Gió ơi gió hãy làm giông, làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi”…
Tôi chợt rùng mình vì nhà thơ cách mạng
Vì chỉ loài thú ác… mới thấy máu người thơm.
Rồi tôi lớn lên. Lá cờ không lớn
Vẫn màu máu tươi. Năm cánh sao vàng.
Rồi đến thời người đời mặc áo phông
Những chiếc áo ti-sớt (T-shirt) in màu cờ đỏ
Người hâm mộ mặc áo cờ để đến sân vận động
Ủ rũ khóc buồn. Vì đội đỏ thua.
Người dân oan cũng mặc áo cờ hồng
Vì màu đỏ đã phai theo lòng tin vào đảng.
Kẻ đánh lại dân cũng mặc áo màu cờ
Nhân danh lòng…yêu nước.
Với tôi
Không có lá cờ nào được mệnh danh Tổ Quốc
Màu máu, màu cờ là của Nhân Dân
Với tôi
Chẳng có lá cờ nào thay trái tim tôi được
Yêu Mẹ. Yêu Cha. Yêu Tổ Quốc…ngàn năm!
Ngày 25/3/2014
NGUYỆT CẦM
Nguyệt cầm chơi theo điệu cổ
Huyễn ảo, thăng trầm, bi ai
Văng vẳng giữa đời trần tục
Hay là Nguyệt cầm khóc ai?
Không thấy mặt người chơi đàn
Vẳng từ phía nhà bên lại
Mê ly giữa chốn trần ai
Tự tình làm buốt đêm dài.
Ai đàn động đến cả trăng
Gọi mây về che trăng tối
Nguyệt cầm lúc khoan, lúc nhặt
Thoảng che trăng tỏ, trăng mờ.
Lâu lắm không nghe Nguyệt cầm
Rượu cạn, đêm tàn, hoa héo
Thế mà Nguyệt cầm luyến láy
Kéo ta ra khỏi trần ai.
Bỗng nhà bên tiếng trẻ khóc
Tơ Nguyệt dừng buông bên tai
Gái đẹp ôm con ra cửa
Rời tiên, ôm khối…trần ai…
Ngày 22.2.2016
Đ.T.N