Thơ Lê Anh Hoài

 

Le-Anh-HoaiVăn Việt: Lê Anh Hoài viết truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, viết phê bình, làm nghệ thuật trình diễn và làm thơ

 

Tất cả với tuyên ngôn: “Bản chất của sáng tạo là làm ra cái mới, thế thì phải bứt phá, phải liều”. Quả thật, Lê Anh Hoài đã bứt phá, đã liều, đã dấn thân vào cuộc thử sức với nghệ thuật đương đại và đã hơn một lần vượt qua thử thách do chính mình đặt ra.

           

Sáng chủ nhật 2/11/2014, Lê Anh Hoài tổ chức ra mắt tập truyện ngắn Trinh nữ Ma-nơ-canh vừa mới ra lò (NXB Trẻ) và tập thơ Mảnh, Mảnh, Mảnh – thơ đa ngữ (NXB Văn học).

 

Những người tham dự cuộc ra mắt này là những người trẻ. Nếu có vài người đứng tuổi (như nhà thơ Inrasara- người dẫn chuyện chẳng hạn) thì chắc chắn họ vẫn còn một tâm hồn rất trẻ. Chỉ người trẻ mới có đủ sức lực, tâm trí và cảm hứng tham dự, chia sẻ với cuộc chơi đầy đam mê của Lê Anh Hoài: Khát khao/bước/ngoài giới hạn/ngoảnh lại nhìn/đám đông ném đá.

           

Tại sao lại là Mảnh, mảnh, mảnh? Bởi vì: “Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại/những mảnh của tôi trong ký ức họ/thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những-/người-lưu–mảnh –tôi/tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh/mà tôi thu lượm được…”

           

Tại sao lại là đa ngữ? Bởi vì: “Tôi hình dung, mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật và muôn loài với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế-giới-ngôn-ngữ khác. Dĩ nhiên, với điều kiện trong ngôn ngữ ấy, nó có được một vị trí…Tôi mong muốn thơ mình-vốn được viết bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, tiếng người kinh- được sống trong những thế giới ngôn ngữ khác…”

           

Nhưng, đó là những ngôn ngữ nào vậy? Đó là tiếng của dân tộc Lô lô, dân tộc Khmer, dân tộc K’Ho và chữ Nôm. Vì sao không là những ngôn ngữ đang được hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người sử dụng. Bởi vì: “Mọi thứ ngôn ngữ đều bình đẳng. Vậy tại sao không tìm đến những cộng đồng ở gần mình nhất? Hơn nữa, tại sao phải góp thêm một ngọn gió cho cơn bão xuất phát từ những cộng đồng lớn, đang hàng ngày hàng giờ tàn phá, đè bẹp những cộng đồng nhỏ- không loại trừ các vấn đề về văn hóa và ngôn ngữ?

           

Đó là lời đối thoại với bạn đọc. Đó cũng là lời độc thoại của nhà thơ Lê Anh Hoài – người luôn “chú tâm đến niềm thích thú tinh thần”.

           

Nhân sự kiện này, Văn Việt trân trọng giới thiệu một số bài thơ rút từ tập Mảnh mảnh mảnh – một tập thơ được trình bày công phu và đẹp hiếm thấy trên giá sách hôm nay.

 

 

manh manh manh coverNgười bị ném đá

 

bấp bênh

sống

thoát

đối diện

những niềm vui bị cài đặt nỗi buồn

hạnh phúc

BẪY

 

khát khao

bước

ngoài giới hạn

ngoảnh lại nhìn

đám đông ném đá.

 

 

Không tiếng

 

khuya

thơ tôi như ý nghĩ của người điên

những con chim đêm bay qua

không tiếng

những ánh trăng suông tỏa không tiếng

những ký ức em không tiếng

 

khuya

tình tôi cũ quá mất rồi

tất cả cùng nhau đi khỏi

như ánh sáng rủ nhau đi vào lúc

tàn ngày

 

khuya

trả thù tôi bằng sự nín câm

và từ chối ru tôi ngủ

tôi bật đèn hòng xoá đêm

chợt nghe những gì vỡ khẽ.

 

 

Lời

 

Chẳng có gì phải nói

vì tất cả đã thấu hết rồi

ta và em đã cùng nhau đi hết núi hết đồi hết sông hết suối

yêu nhau đến tận cùng thớ thịt chốt điểm thần kinh

môi miệng tay chân trước sau trên dưới

hành hạ nhau bằng những miếng đòn hiểm ác bởi những người yêu nhau mới biết hết những huyệt chết của nhau

rồi ta lại thương em như thể thương mình

sẵn sàng cắt tai khoét mắt chặt tay để đổi cho em hạnh phúc.

 

Chỉ có ta và em dẫn nhau đi trên con đường không người đồng cảm

Người đi qua không nhìn thấy chúng ta như thể chúng ta chỉ là một bóng nước phản chiếu

Chúng ta nhìn nhau thấu tận tim không nói

Chúng ta giết nhau bằng những cái hôn xuyên thấu tới đầu ngón tay, tới những đầu ngón chân, những đầu mút thần kinh,

chúng ta yêu nhau bằng những lời sắc hơn dao, độc hơn thuốc trục thai, nhằm huỷ hoại những gì ta đã xây nên
bằng cảm thức thiêng liêng chỉ vì nay ta sợ chúng

Tất cả đã lỡ thì

như một trái cây lạc mùa không có giá trong chợ

 

Lời chỉ là những gì sau này chúng ta sẽ nói

sau khi qua  kiếp nạn này.

 

 

 

Những cảm thức dập dồn như sóng

anh thấy mình như cá lặn xuống đáy sâu

 

Chúng mình đã khát khao ánh sáng

và đã cùng nhau nhảy vọt lên bờ

nắng thiêu chúng ta đến tan thành nước

nắng đẹp tuyệt vời nắng như ảo giác

ta chảy tan rồi ta chết mất thôi.

 

Làn nước lạnh u buồn

ta chết chìm trong làn nước tối

để lại khát khao trần mình trên bãi

nướng xác và hồn mình dưới nắng vàng

tan chảy lung linh giọt mình nguyên chất

tan chảy thành hơi bay vào cõi mất.

 

tan chảy tan chảy tan chảy tan chảy!

tan chảy tan chảy tan chảy tan chảy!

 

 

Mảnh mảnh mảnh

 

Vì một ngày mới đã đến mà ngày cũ chưa qua

Vì một chuỗi ngày trước đó vẫn còn sống từng mảnh từng mảnh

Tôi đã sống? Quả thật đã sống hàng chục năm?

Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại những mảnh của tôi trong ký ức họ?

Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những người lưu – mảnh – tôi

Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh mà tôi thu lượm được.

 

mảnh mảnh mảnh

mảnh mảnh

mảnh

mảnh

Những gì trong đầu tôi liệu có phải là thật?

Một sớm sương dày tầm nhìn ba mét

Một chiều gió chuyển lùa qua lục địa

Những khuôn mặt người những cười những khóc những ôm ấp những đê mê những lạnh lùng những huỵch toẹt những dãi dớt cứt đái

Hay tôi đã chết hồi nào khi tàu điện chạy qua đầu ngõ lúc tôi mặc chiếc áo đỏ mới toanh?

Những gì tôi ăn uống cầm nắm từ một thế giới khác đến?

 

Nhưng sao cha tôi già đi già đi già đi cuộc đời của cha đang để ở đâu?

Mẹ tôi đưa ra cuốn sổ y bạ bệnh tim bệnh huyết áp mắt đục tai ù tê cơ chỉ số mỡ đường thăng giáng trang đầu là ảnh mẹ tươi cười đẹp đẽ ờ hồi đó cách đây 10 năm

Con trai tôi đá bóng hò hét môi trên lún  phún đừng động vào con kệ con tôi vẫn nhớ cái bô nó dùng năm lên một. Con gái chải đầu soi gương tung nhảy quay tròn tôi thở dài mười năm nữa.

 

Tôi ngồi đây nghĩ những chữ viết ra hàng ngày như châu chấu như cào cào như chuồn chuồn bay lơ lửng

Những cơm ăn nước uống bụi hít những chuông rung email chat chit hẹn hò nhăn nhó phóng xe trên phố còi đâm phanh rít

Nhân vật của tôi chiếm chỗ não thùy sống cùng tôi mưu sinh toan tính kết bạn làm tình

 

Những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời như installation, như video art

 

 

Trò chơi

 

lời ta nói với nhau phục trang sắc màu diêm dúa tiệc đêm

lời ta phấn son đi hội chào hỏi quảng giao

lời ta láo nháo du côn lách luồn phố giờ cao điểm

lời ta chim tránh đạn người đời

 

ánh mắt ta nhìn nhau làm xiếc trên dây

nín thở thót tim đứt dây thần kinh mặt cười bình thản

ánh mắt phi dao quanh người

đùa với cái đau làm trò giữa chợ

 

bàn tay câm

hơi ấm thoảng qua

trực giác câm

ảo hình, ảo thanh, ảo tượng

vừa xong hay từ kiếp trước

 

như trẻ con chơi bác sĩ bệnh nhân

ta trốn nhau và cùng nhau trốn đám đông

ta trốn chính mình lạc mất chính mình

 

nấp sau trò chơi

nấp sau lòng mình

 

nấp sau cười cợt thấy mình đang mất

 

 

Nhu cầu

 

một giấc mơ vườn cây giữa sa mạc của

những con đường nhựa

một giấc mơ nụ hôn giữa tiếng

rú gầm của những động cơ

 

người lạc nhau

        trong một rừng quan hệ

những quan hệ nhiều

              như những chỉ tay

những quan hệ nhiều

        như những nếp nhăn trên mặt

những mặt người lỳ như card visit

 

chúng mình bơi tìm nhau

        giữa biển nhu cầu

ta phải gạt nhu cầu ra để tiến lên

                          trong nước

ta phải phun phì phì nhu cầu ra

              không thì chết ngạt

trên bờ, những nhu cầu dồn nêm như

người trên xe buýt dồn nêm trước đèn

đỏ nghẹn ngào.

 

tôi – em bội thực nhau

những nhu cầu vẫn đổi thay như

              kim đồng hồ lắc rắc.

 

Comments are closed.