Thơ Liêu Thái

 

Lạng Sơn, 17 tháng 2

 

1.

Y từng nhầm tưởng

Bài ‘Màu tím hoa sim’ là một bài hát dành cho cuộc chiến 1979

Y không hiểu tại sao lại có sự nhầm tưởng kỳ quặc đến vậy

Bởi không có bài học nào trong lịch sử nhắc về cuộc chiến ấy

Một cuộc chiến máu nhuộm đỏ núi đồi

Màu của hoa đào rừng, hoa sim tím chuyển máu

Và ai đã gieo rắc ý nghĩ bài thơ kia dành cho cuộc chiến ấy

Cho đến bây giờ y không thể nhớ…

 

Ngược với y

Nó là đứa bé mù

Một thanh niên mù

Một người đàn ông mù

Có đôi tai và các giác quan vô cùng đáng sợ

Khi nó sờ lên vết thương trên vai y

Một vết thẹo thì đúng hơn

Cho đến lúc đó

Nó đã nghe toàn bộ câu chuyện từ vết thẹo

Và kể lại với y

Điều đó khiến y rùng mình

 

2.

Đêm Đồng Đăng không độ

Sau ngày dài dong ruổi

Cao Bằng trại Cổng Trời

Và nghe người lính kể về cuộc đời

ở chốn hầu đồng

Một người đã lên cậu

Mặc dù anh mới mang hàm Hạ sĩ

Anh nói rằng xác của anh vẫn còn kẹt trong hang đá

Và điều đó không có ý nghĩa gì

Bởi có hàng triệu xác vùi lấp trong đất mẹ

Nơi những cọng rau chúng tôi ăn hằng ngày

Đều có thân xác của người Việt lưu lại sau một cuộc chiến

 

Một đất nước có chiến tranh lâu bền và sâu rộng

Mỗi tấc đất sẽ mang một hình hài

Của ai đó bỏ mình sau làn đạn, mảnh bom văng hay dao lê

Và xa xưa hơn nữa là mũi tên, mũi giáo hay đường gươm

Và những sợi dây thừng chủ nghĩa (cho dù là phong kiến)

Nếu bây giờ cho cậu (tức anh) nói một điều tâm huyết

Cậu nói rằng điều làm cậu vui mừng

Là những gì mất đi đã mất hẳn

Không còn phải luyến tiếc

Và quyết tâm giữ lấy như thời của cậu

Người ta xâu xé nhau trên xương máu của triệu triệu người đi trước

Không phải cuộc xâu xé giữa ngoại bang và người yêu nước

Mà là chính anh em ruột thịt trong nhà

Thêm lần đổ máu vì những thứ mà với cậu

Nó không có ý nghĩa gì cả ngoài nặng nhọc và đau khổ

 

3.

Anh nói rằng nếu được đầu thai thêm lần nữa

Anh cũng sẽ làm một người lính

Nhưng để bảo vệ những người thân cô thế cô

Đang bị xâu xé bởi đồng tộc lớn mạnh

Có ai đó hỏi cậu đồng (tức là anh) rằng

Chỉ với quân hàm Hạ sĩ

Anh lấy đâu ra sức mạnh để làm những chuyện đó

Anh không trả lời

Anh kéo một bi thuốc lào rõ dài

Sau đó ngậm mươi điếu thuốc cùng lúc và hút lấy hút để

Khói bay sặc sụa

Rít xong thuốc, anh chảy nước mắt

Mũi dãi chảy lòng thòng và khóc

Khóc như không còn gì để khóc nhiều hơn

Sau đó xác đồng ngã đùng về phía sau

Họ nói rằng người lính ấy đã thăng…

 

4.

Đêm Đồng Đăng không độ

Những người mù tẩm quất

Dắt nhau đi ăn đêm

Họ đi thong dong

Bởi ánh sáng không có ý nghĩa gì trong việc đi lại

Thế giới loài người đông đúc và chật chội

Khiến họ mất phương hướng vào ban ngày

Điều sợ nhất là những cái hố ga bất ngờ mọc ra

Và những cô chiêu cậu ấm bất ngờ rồ ga

Xứ Bắc có những quán cơm rang hoặc phở

Thức thâu đêm

Và hình như mỗi thị trấn ở Đông Bắc đều có một quán như vậy

Ví dụ như Phương Viên ở Bắc Kạn

Có quán phở lợn của người Nùng

Đồng Đăng ở Lạng Sơn

Có quán cơm rang của một người Tày

Hầu hết các quán thâu đêm đều của người thiểu số

Bởi chỉ có họ mới chịu thấu cái lạnh xuyên đêm

Và chịu cảnh băng giá hoặc tuyết rơi

Hình như cả một đêm dài

Cũng không có mấy khách ghé quán

Họa hoằng lắm mới có vài người vãng lai

Đi tìm cái ăn vào không giờ giống tôi

Còn khách quen đã có phần từng người

Những người làm nghề tẩm quất

Các cô gái ăn đêm

Những người đi quét rác

Và một vài người làm cửu vạn trên cửa khẩu

Ăn lúc một, hai giờ đêm

Sau đó tiếp tục đạp xe lên cửa khẩu để làm việc

Công việc khuân vác hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam

Mỗi ngày giúp họ kiếm được từ năm trăm ngàn đến triệu đồng

 

Họ, hầu hết là những người đã không còn gì

Tan nát sau cuộc chiến 1979

Nhà cửa tan hoang

Gia đình mất người thân

Đôi người chỉ còn lại bản thân

Và họ cứ miệt mài khuân vác hàng về Việt Nam

Như một định mệnh

Như một sự lãng quên nào đó

Đôi khi họ vác những cành đào Việt Nam qua cửa khẩu

Và những người mù nói rằng hoa đào ở Lạng Sơn thắm hơn bất kỳ hoa đào xứ nào

Bởi hoa đào xứ Lạng nhuộm máu đỏ đồng bào

Bởi cành hoa đào xứ Lạng là xương chiến sĩ

Mỗi lá là giọt nước mắt khóc người thân

Mỗi cội là nỗi đau dai dẵng chia lìa

Những người mù nói vậy, hoa đào rất đỏ

 

Đào Mẫu Sơn rủ linh hồn ma xó

Nơi có những ngôi mộ

Không có nhà mồ và được định vị

Bằng một cây cờ đỏ hình tam giác

Lễ tảo mộ của người Tày người Nùng

Là vác cuốc ra bãi đất trống

Tìm dấu cờ năm ngoái

Và vun đất thành nấm

Cắm lại cờ mới

Trò chuyện vài câu với người khuất

Thắp một cành huyết đào thay nhang…

 

5.

Nó nói rằng nó có người anh chết trận Mậu Thân

Có người bác chết trận Tây Bắc

Có người cậu chết trận Khe Sanh

Có người cha chết trận Chi Lăng

Có người chú chết trận Gạc Ma

Có người hàng xóm chết trận Lào Cai

Có người dượng chết trận Tây Nam

Có người em họ hàng chết trận Nam Vang…

Dường như nói tới chết trận thì nhà nó có đủ mặt trận

Y hỏi nó sao chết nhiều vậy lấy ai sinh thế hệ kế tiếp và

Nó cười tròn xoe nói với y rằng

Cứ đẻ ra một đứa thì chết một đứa

Hiện tại có đầy đủ các đứa em cô cậu, em chú bác và nó

Nghĩa là mỗi thể hệ kịp để lại một vài mống

Để tiếp tục chết trận hoặc mù mờ câm điếc

Lịch sử đã sinh ra cho nó một sứ mệnh khác

Là lắng nghe chứ không cần nhắm bắn…

Và nó đã lắng nghe nhiều thứ

Chỉ ước ao được nhìn thấy một lần

Màu của hoa đào và màu của lá cờ

Cũng như nó sẽ vẽ được ngôi sao, vẽ được lá cờ

Bởi những thứ đó hình dạng rõ ràng

Nhưng nó không thể chọn màu sắc

Nó gọi lá cờ là cờ vàng sao đỏ

Bởi với nó, vàng hay đỏ chỉ là ý niệm

Cùng một màn đen…

 

7.

Tháng chạp li ti chấm cỏ

Khu vườn cũ rộn ràng nắng

Thiếu dấu chân của một người năm cũ

Lá vàng rôm rốp gọi tên

Vườn cải ngồng của mẹ

Vườn đào na của cha

Đã trải bao mùa khói

Đã thương bao mùa tuyết rơi

Đã nhớ bao mùa lạnh cóng

Đã buồn bao mùa xuân về

Đã thèm bao mùa cái choàng vai quen thuộc…

 

8.

Nó nói rằng lúc đó nó còn rất nhỏ

Đã đã ngửi thấy mùi của cha trong lúc bú mẹ

Nó đã được may mắn lần duy nhất đó

Và mãi mãi mùi của cha

Tan trong núi lạnh

Nó yêu những cụm cỏ trên đỉnh Mẫu Sơn

Nơi người ta cắm một bài thơ lãng quên

Bằng chữ nổi dành cho người mù

Bằng những nụ cười không biểu cảm

Nó đã gọi cha nó khi tuyết rơi nặng hạt

Lúc ấy chắc âm vài độ

Và một trận gió tuyết đi qua

Khiến cho nó nghĩ rằng có thể tuyết đã có ngàn năm trước

Trên đỉnh Mẫu Sơn lạnh

Cho đến lúc cuộc chiến và dòng máu Việt chảy xuống

Làm ánh lên những bài thơ tuyết

Làm ánh lên những nụ cười tuyết

Mẹ núi nước mắt thành băng…

 

9.

Nó nói với y rằng

Nếu có một điều ước

Nó sẽ ước mình không cần phải ước bất cứ điều gì

Bởi nơi nó sinh ra

Vốn dĩ là một điều ước

Và nó hiện hữu trong đời

Cũng là một điều ước

Mỗi khi ai đó cho vài đồng tip

Cũng là một điều ước giản dị

Của một người lao động

Tự thấy mình chân chính

Giữa quá nhiều bụi bặm

Giữa đất nước mà mỗi khi nó đi qua

Âm âm xác người một ca khúc

Nỉ non mùa vàng cải ngồng

Và khói hương Mẫu Sơn…

Tuổi bốn mươi trở đi

 

Tứ thập nhi bất hoặc…

Trong hàng ngàn cái mà Khổng Tử chảy vào Việt Nam

Những những container gọng bừa

Đè con trâu dân trí xứ Việt

Cày bừa và nhởn nhơ trên đám ruộng chữ nghĩa

Tôi thích câu này

Bởi nó không phải là một thứ gọng bừa hay roi vọt

Nó là lời tự tình

Của thằng cày ruộng với con trâu

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Bạn không cần phải hoài nghi về cuộc đời mình

Nó ra sao nó vốn vậy

Giàu – nghèo, anh hùng – mạt hạng, vui – buồn, hạnh phúc – khổ đau, chui luồn chốn quan trường – ung dung với đám ruộng… đã thấy rõ

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Người ta có sắm thêm căn nhà, chiếc xe, thì những thứ ấy không còn thuộc về cảm xúc của mình nữa

Người ta có sắm thêm một vài cô vợ, thì cô vợ ấy chắc chắn thuộc về liên hợp quốc

Nếu kém nhan sắc hơn thì cô cũng thuộc về hiệp hội các thợ săn chị em

 

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Nếu còn tham vọng kinh bang tế thế

Thì cái tham vọng ấy thuộc về trại tâm thần

Hoặc thuộc về hội các nhà thơ mong chờ nhuận bút

Hoặc hội các trí thức nuôi con bằng việc quì gối

 

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Người đàn ông muốn có thêm cô bồ

Thì cô bồ ấy ắt hẳn phải thuộc về hội những người phá đám

Hoặc hội chị em cưa cẩm đời người khác

Hoặc hội bom mìn dành cho các mái ấm gia đình

 

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Nếu bạn còn ước mơ mình trẻ mãi

Thì chắc chắn bạn phải thuộc về hội những người sợ già

Và đất nước, quê hương chỉ là một vườn cỏ non

Để bạn nhởn nhơ gặm

 

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Bạn không rớt nước mắt vì ai đó đói lạnh

Và bạn ung dung đọc thơ, ca hát hoặc nhìn vào mông người khác

Thì ắt hẳn bạn thuộc về hội những người không có tuổi

Bởi tuổi đời là những nấc thang nhân cảm

Càng về già bạn càng dễ mũi lòng

Càng về già bạn càng dễ thông cảm

Càng về già bạn càng dễ chia sẻ yêu thương

Càng về già bạn càng thấy sự mỏi mệt của thân xác

Càng về già bạn càng nhạy trước nỗi đau

Càng về già bạn càng thấu hiểu nỗi cô đơn

Càng về già bạn càng yêu những hạt bụi li ti

Bởi những thứ ấy đang dần thuộc về bạn

Bởi bạn hiểu rằng đến một ngày nào đó

Mình cũng là một chấm nhỏ li ti

Trong trí nhớ bạn bè, đồng loại…

 

Ở tuổi bốn mươi trở đi

Bạn hiểu rằng năng lực lớn nhất của đời người là nhìn thấu mình bất lực

Trí tuệ lớn nhất của đời người là nhìn thấy mình mù mờ

Tình yêu lớn nhất của đời người là nhìn thấy mình bội bạc

Lòng thù hận lớn nhất của đời người không ai khác ngoài bản thân, số phận của mình

Lòng bao dung lớn nhất của đời người là tha thứ cho mọi tội lỗi của chính mình trước

Sự giàu có lớn nhất của đời người là thấy mình lấp lánh bụi

 

Tuổi bốn mươi trở đi

Chỉ có thể nói thêm về cái đẹp

Khi vợ mang cho ly cà phê trong lúc viết nhăng viết cuội như thế này!

 

 

Chùm thơ của người nô lệ

 

1.

Nhắm mắt hỏi núi

Đá có buồn không

Nghe sông chở nặng

Gió bên đồi thông…

 

2.

Chim đỗ quyên đã vắng bóng sau hè

Bọn độc ác lúc nào cũng nhân danh điều cao thượng

 

3.

Trong hành trình đời người

Điều khó khăn nhất là bước qua được quá khứ nghèo khổ

Giống như một con lừa bước qua khỏi bó cỏ khô trên lưng nó

 

4.

Tội ác và lương thiện

Đều không có trọng lượng

Trên hai vai tím bầm

 

5.

Đớn hèn và cao thượng

Không rõ hình hài

Chúng uốn ẹo như đám mây ngày bão

 

6.

Cho con sự sống và yêu thương

Hoặc lấy nó đi không thương tiếc

Không ai ngoài mẹ

Tiếng con khóc chào đời

Cất lên từ sọt rác

 

7.

Hành trình của người nô lệ

Khởi hành từ lúc hoài thai

Và kết thúc bởi tiếng kèn ai điếu

 

8.

Thôi em đừng buồn

Vì chung quanh ta thấy có gì vui!

 

9.

Những bàn ghế cũ

Ngày tháng sương mù

Tiếng rừng rã mục

Vọng vào thiên thu

 

10.

Chợ quen có bán cháo lòng

Bù cho chợ lạ tìm không thấy gì

 

11.

Anh là con tuần lộc

Chui qua ống khói tình

Chúa nhìn anh thương quá

Ban cho buồn Giáng Sinh

 

12.

Tháng chạp thông thốc gió

Người tiền kiếp ly hương

Đốt ngón tay ở trọ

Dài suốt một con đường…

 

Comments are closed.