Không là thú, không thất bại và… dừa

Nguyễn Hoàng Văn

Câu trả lời của triết gia nọ với nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang – trực tiếp “họ không là loài thú” và, gián tiếp hơn, “quốc gia không thất bại” – làm tôi nhớ đến lọ “nước mắm dừa” ngày nhỏ, khiến tôi bị chị tôi la rầy.

Nhưng đó là chuyện nhỏ của tôi, một học trò tiểu học, dẫu có liên quan đến một nhân vật vai vế, cỡ vĩ nhân tỉnh lẻ, người từng đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh về sau. Trước tiên nên nói chuyện lớn.

Đó là cách phê bình thơ của Hồ Chí Minh, khi còn làm chủ tịch nước. Được Huy Cận gởi tặng một tập thơ, tiện thể nhờ phê bình, ông làm bài thơ đáp lễ:

“Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ
Muốn Bác phê bình, khó nói nhỉ!
– Bài hay xen lẫn với bài vừa”

Huy Cận là nhà thơ lớn, thơ ông không có thơ dở, chỉ có thơ hay và thơ… vừa. Nói nôm na giọng điệu bình dân là chỉ có thơ “chừng chừng”, còn nói theo Tú Xương là “làng nhàng”.

Chuyện “thơ vừa” này diễn ra đâu vào thập niên 1960 và hơn nửa thế kỷ sau lại xảy ra chuyện tương tự, trong việc đánh giá cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước và quốc hội, dưới thời nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài từ năm 2013 đến 2018.

Theo cách đánh giá này thì không một nhà lãnh đạo nào ở nước ta bị mất tín nhiệm cả: bình thường là được tín nhiệm, xuất sắc thì được “tín nhiệm” cao, dở là “tín nhiệm thấp”, thế thôi.

“Rằng hay thì thật là hay”, nếu làm ăn buôn bán kiểu này thì không bao giờ thua lỗ hay phá sản cả: lãi cao, lãi, và lãi thấp.

Và nghe ra, không tuyệt đối giống nhưng về bản chất thì cũng từa tựa chuyện anh khôn phân công việc canh gác với anh khờ. “Giờ tao ngủ mày canh, tý nữa mày canh tao ngủ!”: bất luận, trong việc gì, hạng người này bao giờ cũng nắm đằng chuôi, không chịu thua thiệt.

Bây giờ đến cách định giá giới lãnh đạo, sau tuyên bố của cô Phạm Thị Đoan Trang tại tòa.

Thay vì bám vào nguyên tác, tại sao nhà triết học không thể mạnh mẽ khẳng định “họ là CON NGƯỜI”?

Cách trả lời “họ không là loài thú” vẫn chưa có gì đoan chắc về yếu tố con người, một trăm phần trăm.

Cũng như cách xếp hạng “quốc gia không thất bại” vẫn chưa có gì quả quyết về nghĩa thành công mà, theo logic, phải đạt được, sau 70 năm đi theo một con đường sáng suốt, đầy vinh quang, lại đặt dưới sự lãnh đạo của những đỉnh cao trí tuệ.

Bây giờ trở lại với lọ nước mắm dừa bị chị rầy của tôi, hồi còn học tiểu học tại thị xã Hội An. Có lần đang nấu ăn mà hết gia vị, chị tôi sai tôi sang nhà hàng xóm, là một “vựa mắm”, mua một chai nước mắm. Cả nhà đang bận việc, anh con trai trưởng hỏi tôi chọn nước mắm ngon hay “nước mắm dừa” làm tôi nghĩ rằng nhà này có sản xuất loại mắm pha… nước dừa, thực hấp dẫn: tôi chọn ngay loại thứ hai để rồi bị chị rầy cho một trận.

Chẳng là chữ “dừa” ở đây là cách anh ta phát âm chữ “vừa”: “nước mắm dừa” tức “nước mắm vừa”, cách gọi khác đi của… nước mắm dở. Tiếng Quảng Nam không phát âm “v” thành “d”, phải chăng anh, hay cả nhà anh, cố tình đọc vậy để… dừa hóa cái sự dở?

Người bán hàng cho tôi lúc ấy là học sinh trường Trần Quý Cáp, đang chuẩn bị thi Tú tài, sau đó trở thành sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau năm 1975 thì sự học dở dang, anh trở thành cán bộ thuộc Phòng Giáo dục tại một huyện miền quê tỉnh Quảng Nam và rồi thăng tiến vù vù, trở thành người đứng đầu ngành giáo dục của cả tỉnh rồi, không biết là lên hay xuống, từ đầu gà anh trở thành đuôi trâu, đảm nhiệm một vị trí nào đó tại Bộ Giáo dục, nay đã về hưu.

Dĩ nhiên là, bên nhiều thứ khác, anh phải có năng lực, có tài mới thăng tiến được như vậy và bây giờ, nhân chuyện này, tôi lại lẩn thẩn tự hỏi mình là, phải chăng, trong những cái tài giúp anh đó, có cả cái tài sử dụng uyển ngữ như đã từng thể hiện ở việc… dừa hóa sự dở, sự thất bại?

Biến “nước mắm dở” thành “nước mắm dừa” thì, về bản chất, có khác gì biến “mất tín nhiệm” thành “tín nhiệm thấp”, biến “khủng hoảng toàn diện” thành “chưa thất bại”, biến “táng tận lương tâm” thành “chưa phải là loài cầm thú”?

[1] http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ho-khng-l-loi-th-vi-loi-voi-c-doan-trang-v-tong-b-thu-trong/

Comments are closed.