Nguyễn Phượng
GS-TS Bae Yang Soo vừa cho in và xuất bản một tuyển tập thơ Việt mà ông đã lặng lẽ đọc trên 20 năm trời để cuối cùng chọn chuyển sang Hàn ngữ một con số ngẫu nhiên bao gồm 58 thi sĩ với những bài thơ thực sự là thơ.
Có mấy cảm nhận ban đầu thế này:
Một là, trong mắt một giáo sư văn chương nước ngoài các cây bút viết thơ tiếng Việt đều bình đẳng. Họ có một cái tên chung là THI SĨ. Khi góp mặt trong cõi thơ này các chuyện ngoại thơ đều trở thành ngoại thân như tuổi tác, nhân thân, địa vị xã hội, vai trò lịch sử…đều được bỏ lại bên ngoài. Họ chỉ mang trên thanh danh của mình mỗi thơ thôi. Vì thế mà, có nhà thơ lớn của Việt Nam nhưng Bae cũng chỉ chọn một bài. Ngược lại, cũng có những người trẻ, nói theo kiểu của các nhà phê bình, nghiên cứu Việt Nam là "vốn thơ còn mỏng" lại được chọn dịch hẳn ba bốn bài.
Đặc biệt, có tác giả vô danh, làm thơ theo kiểu diễn ca, kể chuyện nhưng lại được Bae Yang Soo dịch trọn vẹn cả chục trang.
Tôi tò mò xem kĩ thì được biết đó là trường hợp Ba Tri Old Man (Ông già Ba Tri). Bài thơ của tác giả vô danh nói về một con người đã vô danh hóa thành huyền thoại là Ông già Ba Tri. Thực ra Ông già Ba Tri có thật tên là Thái Hữu Kiểm người sinh thời đã bất chấp nguy hiểm, can ngăn ngay cả khi đã bị thua kiện nhất quyết đi bộ từ Bến Tre ra kinh thành Huế, mang đơn kiện tới tận sân rồng của vua Minh Mệnh để chống lại thói cậy quyền và tệ ngăn sông, cấm chợ của chức sắc địa phương đồng thời đòi công bằng và quyền được sống bình thường của người dân quê mình.
Hai là, qua lựa chọn của Bae Yang Soo cũng có thể hiểu quan điểm của ông về thơ. Thơ là tiếng nói của trái tim từ đền thiêng nơi ngực trái con người mà con người thì không có ai giống nhau cho nên thơ phải thể hiện tư tưởng, cá tính, phong cách riêng nhưng thơ còn phải là một hành vi dấn thân tham gia trực diện vào đời sống xã hội nhằm mưu cầu hạnh phúc cho con người và bảo vệ con người.
Có mấy trường hợp cũng vui. Đó là cả hai vợ chồng Nguyễn Sĩ Đại và Trần Kim Hoa đều có mặt trong tuyển thơ dịch này. Bae chắc thấy thơ hay thì dịch mà không biết ngoài đời họ là vợ chồng.
Lại có cả hai bố con Trúc Chi và Khánh Chi cùng được Bae chọn dịch. Dịch giả cũng chẳng thiên vị cho nên mới có chuyện bố một mà con ba (bài).
Ba là, kể cũng hơi tiếc khi thiếu vắng một số nhà thơ sống ở miền Nam trước đây như: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng…
Nhưng mà biết làm sao được? Cõi chữ thì mênh mông, vô tận. Ngay cả người Việt hay chữ, yêu thơ còn chả đọc được hết nữa là…
Bốn là, tôi nghĩ Hội nhà văn hay Hội thơ Việt Nam nên thành lập một cái quỹ nhỏ để tài trợ cho việc quảng bá thơ và, nói chung, cả văn chương Việt ra nước ngoài. Vì ở nước ngoài nơi có nền kinh tế thị trường thực thụ không có bất cứ một ai dù lãng mạn đến mấy, chỉ viết văn, dịch thơ "vì đam mê".
P/S: 1. Xin chúc mừng các tác giả có tên trong tuyển dịch này.
2. Một điều thú vị là bìa sách do họa sĩ Bae Jeong Eun, con trai giáo sư vẽ theo phong cách abstract.
Bae Jeong Eun hiện đang sống và vẽ tại Hà Nội.
N.P