Nữ nhà văn Pháp hôm nay: không dối trá

Dương Thắng dịch

Lời người dịch:

1. Nhân dịp Annie Ernaux được giải thưởng Nobel Văn Chương 2022, mình đăng lại một bài (đã dịch) của tác giả Nelly Kaprièlian viết trên tờ Le Magazine Littéraire (Tạp chí Văn chương Pháp), một bài khá hay và toàn cảnh về các nữ nhà văn hàng đầu của nước Pháp hôm nay.

2. Trong văn học, những tác phẩm mang sắc thái sử thi được sáng tác/ bày đặt bởi những người đàn ông dường như đã trở nên lỗi thời, giờ đây khó có thể chỉ ra được một mảnh đất mới nào gợi cảm hứng đủ mạnh để giới đàn ông tiếp tục cuộc viễn chinh? Nhưng với những người phụ nữ, những cuộc chinh phục mới chỉ bắt đầu. Cái họ cần chinh phục, đó chính là cơ thể của họ, một thứ cơ thể phụ nữ khác xa với những gì đã từng được diễn tả trong những diễn văn hay những áng văn chương mầu mè giả tạo mà giới đàn ông đã viết ra, cái cơ thể phụ nữ nằm ngoài những quy tắc xã hội từng được dựng nên cũng bởi những người đàn ông.

Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp: “Dossier/ Romancières Francaises: Sans Mentir”. Tác giả Nelly Kaprièlian. Le Magazine Littéraire, 9.2010.

Screenshot 2022-10-11 233807

Ảnh (từ trên xuống dưới, từ trái qua phải), Camille Laurens, Virginie Despentes, Annie Ernaux, Catherine Millet, Christine Angot

***

Đó là vào mùa thu năm 1999. Một người phụ nữ trẻ với mái tóc cắt ngắn, vận toàn đồ đen, xuất hiện trong chương trình phỏng vấn của Bernard Pivot trên truyền hình Pháp. Tối hôm đó cô đã công kích dữ dội ông chủ nhà xuất bản cũ của cô (Gallimard), Jean-Marie Laclavetine, người đã từ chối xuất bản tiếp các tác phẩm của cô với lý do: “đối chiếu với tất cả những gì ông ta đã mong đợi, cô đã gây thất vọng”. Ăn miếng trả miếng, người phụ nữ trẻ ấy đã thẳng thừng tuyên bố: Một nhà văn không có nghĩa vụ sáng tác để đáp ứng bất cứ loại “mong đợi” nào. Christine Angot đã được khai sinh vào đêm hôm đó. Khai sinh với tư cách “người của công chúng”, tất nhiên là như vậy. Tư cách nhà văn của cô đã tồn tại từ năm 1990 với tác phẩm đầu tay Nhìn Trời (Vu du Ciel). Chỉ bằng một câu nói đơn giản nhưng cực kỳ chính xác, Angot đã lên án cả một cơ chế, một phương thức đã tước đoạt đi cái phẩm chất quan trọng của nhà văn: Tự do trong sáng tác. Theo cô, nhà văn phải có mọi quyền hạn – một ước nguyện mà cô đã luôn chiến đấu để bảo vệ nó trong suốt một thập kỷ, thập kỷ mà những tác phẩm của cô đã không ngừng làm xáo trộn và gây chấn động đời sống văn học nước Pháp. Tất nhiên không phải Christine Angot là người đã sáng tạo ra cái được gọi là “Tự truyện hư cấu” (tự hư cấu, tiểu sử hư cấu, những câu chuyện đời tôi, v.v.), rất nhiều tác giả, kể cả những tác giả hàng đầu của nền văn chương hư cấu như Marguerite Duras cũng đã thử sức trong lĩnh vực này và Serge Doubrovsky thậm chí đã đặt ra thuật ngữ “Tự hư cấu” (autofiction). Nhưng Christine Angot là người đã đẩy thể loại “tự truyện hư cấu” đi đến giới hạn, một loại giới hạn mà những gì cô viết ra gần giống như những quả bộc phá có sức công phá dữ dội. Một loại “hiện thực” gây chấn động khi một người phụ nữ trẻ đề cập tới tình dục với sự tả chân không thể chính xác và trần trụi hơn trong từng chi tiết, những chỉ dẫn không thể “thật hơn” về những con người được cô nhắc đến, những căn cước không phải mang mặt nạ, những sự thật đắng nghẹn không hóa trang bằng những thủ pháp hư cấu quen thuộc…

Angot – Người Phát Ngôn

Trong năm 1999, L’Inceste (Loạn luân) xuất hiện đột ngột như một tảng đá hộc ném xuống mặt hồ vẫn còn đang yên bình của thể loại văn chương “tự sự”, một cú sốc!, với rất nhiều người, đó thực sự là một xì-căn-đan. Và thực sự đó phải là một Xì- căn- đan khi cô cả gan dám đặt lại vấn đề đâu là những giới hạn được cho phép của việc “thổ lộ” trong văn chương, những giới hạn bấy lâu nay mặc nhiên bị áp đặt trong việc viết văn, cho người viết văn. Angot đã đề cập không một chút quanh co vào những chủ đề cấm kỵ bấy lâu nay: Sự loạn luân (với cha cô), sự đồng tính (trong ba tháng), hôn nhân (quá khứ của cô), quan hệ với những người khác (những tên tuổi thực), sự viết, v.v.. Sau đó không lâu với tiểu thuyết Tại sao Brésil (Pourquoi Brésil? ) cô đã viết về một câu chuyện tình, chuyện tình của cô với nhà báo Pierre-Louis Rozynès, cuốn tiểu thuyết được nhìn nhận như một phản ứng chống lại những ảo ảnh lãng mạn thậm chí là dối trá mà những tiểu thuyết thường gán ghép cho tình yêu.

Người ta thường cố xếp Angot Christine vào hàng ngũ các tác giả của thể loại “Tự hư cấu”. Angot luôn từ chối nhãn mác này bằng việc nhấn mạnh rằng các hoạt động văn chương của mình là để “nói ra sự thật, tất cả sự thật”. Quả thật Angot không phải là người đầu tiên sáng tạo ra thể loại văn chương tự sự, nhưng cô là người đã sáng tác ra những cuốn sách theo những quy tắc được diễn đạt dưới dạng tuyên ngôn về một thứ văn chương “nói tất cả” hay đúng hơn là “được quyền nói tất cả” trong một cuốn tiểu thuyết. Angot luôn mong muốn và đòi hỏi quyền hạn đó của tiểu thuyết. Theo Angot, tiểu thuyết phải mang một sức mạnh là “xô đẩy” và “làm mới” tâm hồn người đọc chứ không nên chỉ bằng lòng với vai trò của một cuốn “nhật ký tâm tình” và phê bình văn học cần được chuẩn bị tư thế để đón nhận cái quyền hạn “nói tất cả” này của văn học. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây Chirtine Angot gần như là người phát ngôn của các nữ nhà văn Pháp đương đại: dùng cuốn tiểu thuyết như một trái bộc phá để công phá vào những định kiến, tác giả của L’Inceste đã là người đã mở ra một “đột phá khẩu” và giờ đây cuốn hút vào đó, ồ ạt tràn qua là những nhà văn đích thực, những tài năng lớn của văn chương Pháp hôm nay (như Catherine Millet ) cũng như vô số (tất nhiên là vậy) các loại nhà văn hạng hai.

Theo một cách nào đó, Camille Laurens cũng đã chịu ảnh hưởng từ những tuyên ngôn của Christine Angot, cái đòi hỏi được nói ra sự thực. Năm 1995 cô đã viết một tự truyện ngắn: Philippe, kể về cái chết của đứa con sơ sinh. Nhưng chỉ đến năm 2000, nữ tác gia của những tiểu thuyết nổi tiếng trước đó, thường có kết cấu xây dựng theo những mê cung đầy rắc rối (như Chỉ số – Index 1991 hay Tương lai- Avenir 1998) mới dấn thân hoàn toàn vào trong địa hạt của tiểu thuyết tự sự như: Trong vòng tay ấy (Dans ces bras-là) , cuốn tiểu thuyết điểm lại tất cả những gương mặt đàn ông đã đi qua cuộc đời cô. Năm 2009 cô tung ra cuốn tiểu thuyết: Bản tình ca điên rồ (Romance nerveuse), một cuốn tiểu thuyết đã được đẩy tới những giới hạn của những bức biếm họa kiểu Angot. Cuốn tiểu thuyết (được xem như) kể về cuộc phiêu lưu tình ái của nữ tác giả với một nhiếp ảnh gia, giật bỏ những bức màn che của mối quan hệ của cô với ông chủ nhà xuất bản cũ, hé lộ một mối quan hệ cấm kỵ trong quá khứ, đan xen là những phân tích / bộc lộ cái tôi thầm kín.

Millet, Chủ Thể và Đối Tượng

Trường hợp Catherine Millet càng thú vị hơn. Millet không bao giờ là kẻ đi theo đuôi những người khác. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô: Cuộc sống tình dục của Catherine M. (La Vie Sexuelle de Catherine M.2001) cũng là một hòn đá khổng lồ vụt ném xuống mặt hồ êm đềm của văn học nói chung và thể loại văn chương tự sự nói riêng. Một người phụ nữ trẻ kể lại tường tận về đời sống tình dục của mình trong mọi chi tiết. Gạt bỏ tất cả những diễn giải tâm lý, những sự lãng mạn hóa và mọi kiểu thống thiết bi lụy giả tạo khác. Tác phẩm được viết ra với sự trợ giúp bằng một thứ kỹ thuật “sắp đặt” giống như trong nghệ thuật hiện đại (cần nhớ rằng Millet là một nhà phê bình nghệ thuật, Chủ biên của nguyệt san: Art press – một tạp chí về nghệ thuật tạo hình). Được đưa vào trong tác phẩm một cách rất lạnh lẽo và trần trụi không che đậy, tình dục ở đây thực sự đã gây sốc, chứng cứ: những phản ứng phủ nhận/chối bỏ dữ dội và sự thành công đến một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc trên bình diện quốc tế của cuốn sách. Thành công đó phải chăng đến từ việc Cathérine Millet đã phác họa một cuộc sống tình dục “ngoài chuẩn mực”: hàng trăm người tình, những cuộc truy hoan, sự ham muốn về việc làm tình với những đối tác khác nhau (trong cùng lúc) trên những vạt đất ven đường, cách làm tình kỳ dị của chồng cô… Tất cả được kể trong một giọng điệu “lâm sàng”. Millet phải chăng đã đi quá xa cái “vị trí” của một người phụ nữ trong văn chương ,“vị trí” của một người phụ nữ trong xã hội? Một cách ngắn gọn, câu hỏi đặt ra là: Một người phụ nữ có quyền có một đời sống tính dục phức tạp như thế không, có quyền viết về nó trong tư cách một chủ thể không (dẫu rằng trong khi thực hành tình dục, cô ta thích làm đối tượng ham muốn của người khác hơn), một người phụ nữ có quyền làm chủ cơ thể mình trong một sự tự do tuyệt đối không? Và nhất là họ có quyền tự do diễn đạt về chúng (trong văn chương) không?

Trải qua nhiều thế kỷ, qua nền văn chương của những người đàn ông, qua những hình tượng được nghệ thuật hóa, người phụ nữ đã và đang bị đóng khuôn trong biểu tượng của một đối tượng tính dục theo quan niệm của giới đàn ông, một đối tượng hư ảo và huyễn tưởng. Văn chương tự sự đã cho phép những người phụ nữ xuất hiện trở lại trên sân khấu văn chương như là những chủ thể phát ngôn cho những diễn đạt, những lời nói về cơ thể mình. Trong các tự truyện, người phụ nữ đã tự định danh, định danh cho cơ thể mình, cho các cơ quan sinh dục của mình, cho tính dục của mình. Sự triển khai loại văn chương này, thường bị gán ghép là biểu hiện của hội chứng narcissique (hội chứng tự mê hoặc bản thân) từ hai mươi năm nay, thực ra có bản chất là một thứ “tình yêu nhục thể”, loại tình yêu nhục thể biểu thị qua văn học. Các nữ nhà văn đó đã viết về cuộc đời họ, dẫu được gọi là những “câu chuyện” (Cathérine Millet không bao giờ cho rằng tác phẩm của mình là tiểu thuyết) hoặc là “tiểu thuyết” ( Christine Angot), chúng luôn chạm tới những gì là sâu kín nhất, riêng tư nhất. Và như thế, văn chương tự sự được viết ra bởi những nhà văn nữ đương đại, có thể xem như một thể loại văn chương đối lập với những thể loại tiểu thuyết sử thi, được viết ra bởi những người đàn ông: Tiểu thuyết lịch sử, Tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, Tiểu thuyết tâm lý xã hội hay luận đề triết học, Tiểu thuyết về chiến tranh hay những cuộc vận lộn thăng tiến trong xã hội…, những thể loại tiểu thuyết chủ đạo trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Thế chiến thứ hai đã kết thúc, hệ thống thuộc địa đã sụp đổ, những sắc thái anh hùng ca đã tắt lịm, vậy có còn gì sót lại để những người đàn ông đi tiếp tục chinh phục…

Nhưng với những người phụ nữ, cuộc chinh phục mới chỉ bắt đầu. Cái lãnh địa mà họ cần mở những chiến dịch để chinh phục, đó chính là cơ thể của họ. Một cơ thể vượt thoát ra ngoài những quan niệm hay những tưởng tượng (ấu trĩ) của đàn ông. Một cơ thể nằm ngoài các chuẩn mực xã hội, những thứ chuẩn mực một lần nữa cũng lại do đàn ông áp đặt. Những viên thuốc ngừa thai được phát minh đầu những năm 1960 đã kéo theo cuộc cách mạng giải phóng tình dục những năm 1968. Nhà thiết kế Yves Saint Laurent đã dân chủ hóa chiếc quần, tước đi sự độc quyền của đàn ông. Những người phụ nữ giờ đây đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội và có khả năng tự duy trì cuộc sống không cần đến sự có mặt của những người đàn ông. Nhưng Tự Do này với những người phụ nữ vẫn còn chưa đủ: Vẫn thiếu vắng những bản anh hùng ca ghi dấu những thành công của cuộc chinh phục và chiếm hữu lại cái cơ thể phụ nữ, chiếm hữu cái vị trí trong thế giới hôm nay, vị trí ngang bằng và mặt đối mặt với vị trí “ông chủ” đã được tạo lập từ hàng ngàn năm nay của những người đàn ông. Và trên hết đó là khả năng được nói về những điều bất ngờ thú vị nẩy sinh khi sống với những niềm tự do ấy. Trong Ngày đau đớn (Jour de souffrance, 2008) Catherine Millet đã phác họa và phân tích cái cảm giác ghen tỵ đối với sự tự do tình dục mà chồng cô sở hữu, cái cảm giác đau khổ khi chứng kiến việc chồng cô thản nhiên duy trì những mối quan hệ tình dục với những người khác ngoài mối quan hệ vợ chồng với cô.

Nhưng người đi tiên phong trong lĩnh vực này, chắc chắn là Annie Ernaux. Nữ nhà văn này đã viết hàng loạt tác phẩm, mở lối cho những người phụ nữ đến với sự tự chủ xã hội và giới tính. Từ những tác phẩm đầu tay: Những chiếc tủ rỗng (Les Armoires vides, 1974), Những gì họ đã nói (ce qu’ils disent.., 1977), Người đàn bà băng giá (La Femme gelée, 1981), Quảng Trường (La Place, 1984), Một người đàn bà (Une Femme, 1987), Niềm đam mê đơn giản (Passion simple,1992). Những sáng tác của Ernaux mang lời hiệu triệu của sự giải phóng, giải phóng người phụ nữ khỏi cái vị trí mà hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh xuất thân đã ấn định hay áp đặt cho cô ta. Trong cuộc đời thực, Ernaux đã cắt đứt mối liên hệ với cái môi trường giai tầng bình dân của cha mẹ cô (chủ một cửa hàng tạp hóa), cắt đứt liên hệ với thứ văn hóa và ngôn ngữ trong môi trường nơi cô đã được sinh ra và nuôi dưỡng thời thơ ấu. Cô đã cố gắng thâm nhập vào thế giới của những người có trình độ văn hóa cao, theo đuổi việc học tập để vươn lên trở thành một giảng viên.

Nhu Cầu Phản Loạn.

Rời bỏ con đường mà cuộc đời dường như đã vạch sẵn cho cô, Ernaux cũng đã rời bỏ cái vai trò mà giai tầng và hoàn cảnh xuất thân đã ấn định như là một định mệnh với cô: kết hôn, sống suốt đời với cùng một người đàn ông trong một cuộc hôn nhân duy nhất, đẻ những đứa con và dành hết thời gian cho việc nuôi dậy con cái… Ernaux đã làm ngược lại, cô ly dị, gập gỡ nhiều mẫu đàn ông khác nhau, buông thả mình cho các niềm đam mê… Nói tóm lại cô đã trở thành một mẫu người thấm đẫm chất “đàn bà” với một cuộc sống tình dục rất phóng khoáng. Sự phóng khoáng trong đời sống tình dục của các nữ nhà văn này dường như tiếp thêm cho họ một sự tự do khi biểu đạt, khi viết văn và sự tự tin khi sử dụng các ngôn từ giống như của giới trí thức hay những nhân vật danh tiếng trong xã hội. Và trên hết, điều đó giúp họ tự tin để bộc lộ những cái tôi bên trong, để viết ra các tác phẩm văn chương thấm đẫm tính tự sự. Tác phẩm mới nhất: Những năm tháng (Les Années ) với Annie Ernaux như một bản tổng kết những thành tựu văn chương của một người phụ nữ đã tìm cách giải thoát mình khỏi một định mệnh đơn điệu và buồn bã để gắn bó cuộc đời với những biến động không ngừng. Nếu như Christine Angot đã từ chối thuật ngữ “Tự hư cấu” khi xếp loại các tác phẩm của mình như một hành động muốn nhấn mạnh, muốn khẳng định những “sự thực” được hàm chứa trong đó thì Annie Ernaux lại từ chối gọi những tác phẩm của mình là “tiểu thuyết”. Với cô một người đàn bà viết văn luôn là một người đàn bà “phản loạn”, một người khước từ cái vị trí mà những kẻ khác luôn tìm cách áp đặt để cô ta ngoan ngoãn ngồi vào đó, yên ổn sống ở đó. Sự nổi loạn này, để đạt được hiệu quả, phải được viết ra một cách trực diện, không vòng vèo úp mở, không đính kèm những thứ trang sức rườm rà của cái gọi là “sự quyến rũ nữ tính” mà xã hội thường tô vẽ cho những người phụ nữ. Mục đích của những tô vẽ ấy là gì? Phải chăng để dễ chấp nhận hay thỏa hiệp cho những đòi hỏi hay khao khát tính dục của phụ nữ mà không làm cái tự tôn (nam tính) của xã hội bị tổn thương chăng? Và những người phụ nữ viết văn, trong quá khứ, để được tồn tại, để được công nhận, phải chăng đã phải tìm cách tô vẽ , nói đúng hơn là dối trá về mình, hay tệ hơn, là dối trá với chính mình.

Trong cuốn Lý thuyết Kinh Kong (Kinh Kong théorie) Virgirie Despentes đã tuyên bố cô viết cho/ viết về những người phụ nữ xấu xí, những người đàn bà bụng mang dạ chửa, những người phụ nữ mà cái gọi là “sự quyến rũ nữ tính” chẳng bao giờ hiện diện ở nơi họ: không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách duy nhất có thể xếp loại vào dòng văn học tự sự của cô lại được viết dưới dạng một tiểu luận về thuyết nữ quyền. Ở đây cô đã đề cập đến chuyện bản thân bị cưỡng hiếp, chuyện cô đã tự chọn nghề làm gái gọi. Còn Christine Angot đã biến những gì mình viết ra thành những lời kết luận để “hạ màn” hay để "đấm nốc ao". Đó là những tiếng thét từ sâu trong lồng ngực, bị kìm nén trong thời gian dài bởi những lời đe dọa của người cha, người đã bỏ rơi mẹ con cô nhiều năm, khi quay trở lại đã lạm dụng cô suốt thời niên thiếu. Camille Laurens cũng ở trong trường hợp tương tự, cô đã vấp phải sự im lặng lạnh lùng của gia đình khi cô tố cáo và cầu cứu nhằm thoát khỏi những lạm dụng của người ông. Annie Ernaux đã nổi loạn, chống lại và phản bội lại cái giai tầng xã hội của cha cô. Thay vì im lặng và chìm đắm trong một sự u uất thái quá, vào một ngày nào đó những người phụ nữ này đã bừng tỉnh và kiên quyết vùng dậy dành lại sự trinh nguyên cho cơ thể mình, sự tự chủ cho những lời nói của mình, họ đã đoạn tuyệt với im lặng và cất tiếng nói với toàn xã hội bằng những cuốn sách mang nặng chất tự sự, thứ văn chương về cái tôi. Trên hành trình đi từ cuốn sách này tới cuốn sách khác, họ dần trở thành chủ thể/chủ đề cho chính văn chương của họ, tự do nơi họ ngày càng rõ nét, cuộc sống riêng tư ngày càng phong phú và sâu lắng. Giờ đây, tất cả những ách kìm hãm đã được giải phóng, tất cả khát vọng họ đã đạt tới, vậy sẽ còn gì sót lại để họ chinh phục, để họ viết ra nữa? Với Annie Ernaux, Những tháng năm đã giống như bản tổng kết cuối cùng của những hoạt động văn chương. Còn Christine Angot , khi những uất ức tạo ra xung lực đã dịu đi, cô cũng đã mất dần cái giọng điệu dữ dội, gây hấn, nổi loạn, những thứ đã tạo ra sức mạnh của những tác phẩm của cô, việc dậm chân tại chỗ (trong văn chương) hiển nhiên là một nguy cơ rất đáng quan ngại.

Nguồn: FB Dương Thắng

Comments are closed.