Tán tiếp hai câu lẩy Kiều của ông Joseph Biden

(Rút từ facebook của Đào Tiến Thi)

 

clip_image001

 

TS. Phạm Gia Minh có gửi cho tôi một bài bình (ký tên Mao Tôn Cương @) về hai câu lẩy Kiều của Phó Tổng thống Mỹ – ông Joseph Biden – trong cuộc gặp TBT Nguyễn Phú Trọng. Bắt chước cụ Nguyễn Du – “Lời quê cóp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” –, tôi xin được “nối điêu” tác giả Mao Tôn Cương @) bằng đoạn bình tán dưới đây.

………………………………..

Hai câu lẩy Kiều của ông Joseph Biden là câu thứ 3121 và 3122 trong Truyện Kiều, tức là ở phần cuối, phần “Đoàn viên” của câu chuyện. Trong bữa tiệc đoàn viên, bắt đầu là cô em gái Thuý vân, tiếp theo là hai thân (Vương ông, Vương bà), và đặc biệt là người yêu cũ Kim Trọng, đều ra sức “xe duyên”, mà đúng ra là “ép duyên” để Thuý Kiều lấy Kim Trọng. Thuý Kiều đã ra sức chối từ. Lý do Kiều đưa ra là mình chẳng còn gì để xứng đáng với Kim Trọng, chẳng hạn:

Một lời tuy có ước xưa

Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều.

– Thiếp từ ngộ biến đến giờ

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa

Bấy chầy gió táp mưa sa

Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.

Nhưng lời lẽ thuyết phục của Kim Trọng sắc sảo, thấu tình đạt lý lắm. Bắt đầu chàng nói cái lẽ quyền biến ở đời:

Xưa nay trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

Có khi biến có khi thường

Có quyền nào phải một đường chấp kinh.

Sau đó chàng nêu một thực tế như là duyên trời dành sẵn cho cả đôi bên:

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Và cuối cùng là cái tình thống thiết của chàng:

Có còn chi nữa mà ngờ

Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu.

Đến đây thì nàng Kiều hết đường từ chối. Và lễ tác hợp cho hai người đã diễn ra ngay đêm đó:

Cùng nhau giao bái một nhà

Lễ là đủ lễ đôi đà đủ đôi

Động phòng dìu dặt chén mùi…

Trở lại câu lẩy Kiều của ông Joseph Biden. Nguyên văn lời của ông Biden khi dịch câu Kiều này sang tiếng Anh: Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds. Như vậy khá sát nghĩa với nguyên văn Truyện Kiều:

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Ông Biden như muốn nói: đã qua rồi một thời đen tối, từ nay sẽ là kỷ nguyên tươi sáng của quan hệ Việt – Mỹ, cũng như của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Và dùng hai câu Kiều trên, người Mỹ còn muốn tỏ ra lòng cảm thông của họ đối với Việt Nam, chính xác là đối với Đảng CSVN – về cái quá khứ đã từng “ong qua bướm lại”, về cái chữ “trung” (với chủ nghĩa Mác – Lê và nước “bạn” cùng ý thức hệ), rằng nó cũng “có ba bảy đường” lắt léo lắm, không nhất thiết phải cứng nhắc. Quan trọng là bây giờ ĐCSVN đã “lấy hiếu làm trung”, tức là đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, của hòa bình, ổn định khu vực lên trên hết, thì “Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”.

Tuy nhiên nếu xét đây là lời của chàng Kim Trọng phong lưu quân tử đối với nàng Kiều – một thân phận lạc loài, một người “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” – thì nó nghiêng về phần động viên, an ủi, chứ chưa hẳn đã là một thực tế. Chính nàng Kiều đã nói ra cái phần “khó coi” đó:

Riêng lòng đã thẹn lắm thay

Những là mặt dạn mặt dày khó coi

Những như âu yếm vành ngoài

Còn toan giở mặt với người cho qua

Lại như những thói người ta

Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa…

Vậy nên giải pháp của Kiều là lấy nhau nhưng quyết không chung chăn gối (đổi “tình cầm sắt ra cầm kỳ”), nghĩa là chỉ sống với nhau như tình bạn. Và Kim Trọng cuối cùng cũng phải chấp nhận như vậy:

Khi chén rượu khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

Ba sinh đã phỉ lời nguyền

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

Khi dẫn câu Kiều đã nói, hẳn là ông Joseph Biden biết rất rõ cái “hậu Truyện Kiều” như trên, vậy thì hai câu đó ông có ẩn dụ về cái “khập khênh” trong quan hệ Việt – Mỹ hay không?

Và chắc ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có gì phật lòng khi đọc ra ẩn ý (nếu có) của ông Joseph Biden. Vì ông Nguyễn Phú Trọng trước sau vẫn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, vẫn kiên định dẫn dắt dân tộc VN xây dựng CNXH.

Tạm mượn bốn câu thơ của nhà chí sỹ Phan Bội Châu để diễn tả “tâm tư” của người viết bài này:

Thời thế xui nên giả vợ chồng

Lấy anh đâu đã chịu nằm chung

Bao giờ duyên mới thay duyên cũ

Thuận cả đôi bên tát bể Đông.

“Duyên mới” ấy là khi ĐCSVN chấp nhận Kinh tế thị trường (bỏ đuôi XHCN) + Đa nguyên chính trị + Tam quyền phân lập + Xã hội dân sự.

ĐTT

………………………………

PHỤ LỤC: LỜI BÌNH CỦA Mao Tôn Cương @

Tối 7/7/2015, trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

(Nguyên văn lời ông Joseph Biden: Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds)

Xin dẫn mấy lời bình của “Mao Tôn Cương thời @” như sau:

– Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và phía Mỹ nói chung đã chuẩn bị rất kỹ nội dung đón tiếp vị lãnh đạo cao nhất Việt Nam lần đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Chuẩn bị kỹ đến mức đã tìm chọn kho tàng văn học cổ điển Việt Nam để dẫn ra 2 câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du viết về đoạn “tái hợp giữa nàng Kiều và chàng Kim” sau 15 năm xa cách, rất phù hợp với quan hệ Mỹ – Việt hiện nay. Đây đúng là câu “bói Kiều” tuyệt vời của ông Phó Tổng thống Joseph Biden.

– Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Mỹ “lẩy Kiều”. Chắc nhiều người còn nhớ, tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi hội đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông cũng đã “lẩy” 2 câu Kiều rất ý nghĩa với quan hệ Mỹ – Việt hồi đó:

Sen tàn Cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân

– Hỏi trên thế giới có những chính khách nào như chính khách Mỹ đã am hiểu và sử dụng điển tích văn học cổ điển của một quốc gia xa xôi nửa vòng Trái Đất để nói về quan hệ quốc tế đương đại? Quả là tuyệt vời, độc đáo tới mức không tiền khoáng hậu.

– Xin trở lại 2 câu Kiều mà ông Biden đã “lẩy”. Ý nghĩa của hai câu đó quá hay, quá chuẩn đối với quan hệ Việt – Mỹ hiện nay. Tuy bản dịch tiếng Anh rất sát ý nhưng vẫn chưa lột tả được nghĩa đen và nghĩa bóng của 2 câu Kiều này.

Trời còn để có hôm nay

Đáng lẽ chàng Kim và nàng Kiều đã hết cơ hội tái ngộ rồi, nhưng “ơn Trời” đã tạo ra cơ hội “hôm nay” để họ “tái hợp” và để họ:

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời

Trong câu này, động từ “tan” và “vén” được Đại thi hào Nguyễn Du đặt trước tân ngữ “sương” và “mây”. Tuy chủ ngữ bị “ẩn” nhưng không khó nhận ra chủ ngữ chính là chàng Kim và nàng Kiều. Trời đã tạo cơ hội cho họ “tái hợp” thì họ sẽ phải chủ động “làm tan sương” và “vén mây mù” để trông thấy vầng dương. Nếu như Nguyễn Du chuyển câu thơ này sang dạng “bị động”, động từ đứng sau tân ngữ thì “sương sẽ tự tan”, mây sẽ tự dãn” , nếu vậy cuộc “tái hợp” của đôi trai tài gái sắc Kim Kiều sẽ nhạt nhẽo tầm thường hẳn đi. Cái hay, cái thâm thúy của Nguyễn Du là ở câu thơ này.

– Trở lại quan hệ Việt – Mỹ, nếu ứng vào câu “bói Kiều” này , khi Ông Trời đã tạo cơ hội cho lãnh đạo cấp cao hai nước “còn có dịp gặp nhau hôm nay”, thì hai bên phải chủ động làm “tan sương mù” và “vén mây đen” lâu nay vẫn phủ bóng lên quan hệ hai nước, có như vậy cả hai bên mới nhìn thấy Mặt trời sáng tỏ, quan hệ song phương mới phát triển được. Rõ ràng, tương lai thuộc về trách nhiệm của cả hai bên. Tiếng vỗ tay chỉ phát ra khi hai bàn tay vỗ vào nhau.

– Ông Biden chắc đã biết hai câu Kiều tiếp theo 2 câu mà ông đã “lẩy:

Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa

Không chỉ ông Biden và các bạn Mỹ, mà chúng tôi những người Việt Nam yêu hòa bình đều mong muốn quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển như vậy.

Cầu mong Trời Phật phù hộ cho ý nguyện chung của chúng ta.

Comments are closed.