Bức chân dung báo trước số phận

Hồ Anh Thái

Tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray được viết và xuất bản từ cuối thế kỷ XIX, khi vừa xuất hiện đã khét tiếng, rồi lừng danh suốt hơn một thế kỷ qua, giờ đây vẻ đẹp của nó lại đến với người đọc Việt Nam qua bản dịch của Nham Hoa.

Bức chân dung báo trước số phận -0

Dorian Gray, chàng trai ở tuổi đôi mươi có một vẻ đẹp lạ lùng và vẻ đẹp ấy được họa sĩ Basil Hallward quyết định ghi lại trong một bức chân dung. Theo đúng nghĩa, đấy là bức chân dung để đời đối với cả người làm mẫu và họa sĩ. Người mẫu là chàng Dorian Gray ban đầu sung sướng vì có bức chân dung đẹp, rồi soi vào đấy thì thấy bản chất xấu xa của mình ngày càng ám vào bức tranh, rồi bức tranh ám vào đời chàng, rồi chàng sợ hãi phải đem giấu nó đi, không dám phơi nó ra trước mắt người đời.

Còn với họa sĩ Basil Hallward, bức tranh là một quá trình thay đổi nhận thức. Ban đầu, khi đứng trước người mẫu Dorian, ông đã có ngay cảm giác toàn diện về hồn cốt một con người: “Khi bốn mắt giao nhau, tôi bỗng thấy mình nhợt nhạt hẳn đi. Một cảm giác kinh hãi dị thường ập đến. Tôi biết mình đang đối diện một người mà riêng khí chất đã mê hoặc đến nỗi, nếu tôi cho phép, nó sẽ hấp thụ toàn bộ bản tính, toàn bộ linh hồn, lẫn nghệ thuật của tôi” (trang 15). Những gì sau đó đã chứng minh ấn tượng ban đầu của họa sĩ. Là người duy mỹ, thoạt đầu Basil không coi bức chân dung là của người mẫu mà là của chính người sáng tạo: “Mỗi bức chân dung vẽ bằng cảm xúc đều là chân dung của nghệ sĩ, không phải của người mẫu. Người mẫu chỉ là nhân tố ngẫu nhiên, là duyên cớ. Anh ta chẳng phải là người được hé lộ bởi bàn tay nghệ sĩ mà chính nghệ sĩ, qua tấm toan đầy màu sắc, đã bộc lộ bản thân mình. Sở dĩ tôi không triển lãm bức tranh này là bởi tôi sợ mình đã hé lộ trong đó bí mật của tâm hồn mình” (trang 14).

Nhưng rồi theo thời gian, khi Dorian sợ hãi giấu bức chân dung của anh ta đi thì họa sĩ Basil lại tự phản biện. Tác phẩm không bộc lộ bản thân nghệ sĩ như vốn tưởng, tác phẩm vượt xa khỏi sự bộc lộ mà đạt tới sự che giấu: “Thật sai lầm nếu cho rằng nỗi đam mê trong quá trình sáng tác thực sự được phản ảnh vào tác phẩm. Nghệ thuật luôn trừu tượng hơn tưởng tượng của ta… Nghệ thuật bộc lộ nghệ sĩ thì ít mà ẩn tàng họ thì nhiều” (trang 176). Cũng vì thay đổi nhận thức như vậy, họa sĩ đã đòi mượn lại bức chân dung để đem đi triển lãm. Dorian quyết tâm giấu bức tranh đi còn họa sĩ cố đòi, thậm chí còn chất vấn Dorian về sự tha hóa và trụy lạc của anh ta. Điều đó dẫn đến thảm kịch cho họa sĩ.

Tâm trạng của họa sĩ Basil không được tác giả khai thác nhiều, nhưng qua đôi chút phản biện, tự trào và tự phê của anh, người đọc thấy thấp thoáng hình bóng của giới nghệ thuật thời đó cũng như thời nay. Basil cho rằng: “Nghệ sĩ giỏi chỉ tồn tại trong tác phẩm, hệ quả là bản thân họ chẳng còn gì hấp dẫn. Một thi sĩ vĩ đại, thực sự vĩ đại, lại là tạo vật kém thi vị nhất trần đời. Nhưng những thi sĩ nửa mùa lại cực kỳ thú vị. Họ gieo vần chán bao nhiêu thì trông họ lại sinh động bấy nhiêu. Chỉ riêng việc xuất bản một tập sonnet hạng hai đã đủ khiến một người trở nên hấp dẫn khó cưỡng. Đời anh ta là một bài thơ anh ta không làm nổi” (trang 91).

Ở góc độ nào đó, tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray khảo sát số phận của hai con người duy mỹ. Anh chàng Dorian mê cô diễn viên Sibyl Vane vì cô diễn xuất tuyệt vời những vai kịch của Shakespeare. Nhưng khi cô diễn viên gặp trai đẹp Dorian thì cô mê người hơn mê kịch, cô cho rằng chỉ tình yêu là đủ và sân khấu không còn nghĩa lý gì. Cô diễn xuất dở hẳn đi, như một diễn viên hạng hai. “Trước khi gặp chàng, diễn xuất là hiện thực duy nhất đời em. Chỉ có sân khấu là nơi em được sống. Em cứ ngỡ đấy là thực tại” (trang 133). Sibyl tưởng rằng tình yêu của cô sẽ mang đến cho Dorian một món quà, nhưng trái lại. Dorian hoàn toàn vỡ mộng khi Sibyl chỉ còn là một diễn viên quá dở: “Nàng đã giết chết tình yêu ở ta… Khi xưa ta yêu nàng vì nàng xuất chúng, vì nàng tài hoa và thông minh, vì nàng biến giấc mơ của những đại thi hào thành hiện thực… Nhưng nàng đã vứt đi tất cả… Nàng đã hủy hoại tình yêu của đời ta… Không có nghệ thuật, nàng chẳng là gì hết” (trang 135).

Chỉ vì quan niệm duy mỹ mà một tình yêu tan vỡ. Rồi dẫn đến một bi kịch.

Nhưng tiểu thuyết này không chỉ là một văn bản duy mỹ. Nó còn dành chỗ cho những người đọc ham chuộng chuyện ly kỳ. Ở đó có ít nhất ba cái chết, một án mạng, hàm chứa nhiều ám ảnh hưởng lạc tha hóa, sự lâm li của việc đánh đổi linh hồn để nhận lấy nét đẹp và tuổi trẻ vĩnh viễn. Số phận của người làm mẫu Dorian, của họa sĩ Basil, và bức tranh cứ già đi theo thời gian còn người mẫu thì trẻ mãi… là câu chuyện éo le mà người đọc sẽ khó dứt ra cho được.

Chân dung của Dorian Gray ra mắt lần đầu năm 1890 – 1891 và ngay lập tức gây sóng gió, tác giả thậm chí còn bị lôi ra tòa, bị kiện vì đồi phong bại tục, trái ngược quan điểm đạo đức thời Victoria. Hơn một trăm năm nhìn lại, ngày nay quan điểm của Oscar Wilde đã trở nên bình thường, không còn gây sốc và người đọc chỉ tiếp nhận ở đó ấn tượng về vẻ đẹp con người, văn chương cầu kỳ và một cốt truyện hấp dẫn.

——

* Chân dung của Dorian Gray, tiểu thuyết của Oscar Wilde, Nham Hoa dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn 2021.

Comments are closed.