Trần Hoài Phương
Tác giả: Hippolyte Le Breton; dịch giả: Nguyễn Bân; giới thiệu: Tiến sĩ Võ Hồng Hải; Omega Plus & NXB Dân trí, 6/2022.
Tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”
Tiếp sau Bắc Kỳ với Một chiến dịch ở Bắc Kỳ; Tiểu luận về dân Bắc Kỳ; và Nam Kỳ với bộ sách Nam Kỳ và cư dân, đây là cuốn sách về vùng đất tiêu biểu của Trung Kỳ (Nghệ An – Hà Tĩnh) do Hippolyte Le Breton – từng là hiệu trưởng trường Quốc học Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – Nghệ An) viết vào những năm 20 của thế kỉ 19.
Trong cuốn sách Le Vieux An-Tinh (Xứ An Tĩnh), nhiều lần tác giả H. Le Breton nhấn mạnh đến vai trò của nghiên cứu Địa phương học trong tiến trình xây dựng lịch sử một quốc gia. Ông viết: “Người ta nói với cậu thanh niên rằng: “Muốn trở thành kẻ mạnh, anh hãy tự hiểu lấy anh”. Chỉ dùng cái gương nội tĩnh của Socrate thì chưa đủ đâu. Tâm lý học hiện đại đã làm nổi bật ảnh hưởng lớn lao của nó đối với truyền thống và xứ sở mà con người đang sinh sống. Tự hiểu mình cũng như hiểu người khác, nhất là tìm hiểu những kẻ gần gũi nhất, kể cả không gian và thời gian. Phải hiểu đó là tổ tiên sống gần ta nhất, trực tiếp nhất, vì họ đã tạo nên cái tổ quốc nho nhỏ mà chúng ta đang sinh sống, ngôi làng và cái tỉnh nữa. Phải hiểu rằng những người quá cố đã tạo nên tâm hồn của chúng ta, và họ tiếp tục tác động đến chúng ta. Có một cách thức logic để nhận thức là: sự nghiên cứu phải bắt đầu từ thang bậc địa phương, rồi sau đó mới đến thang bậc nhân loại. Nếu phủ định cách thức logic ấy thì thật là khó hiểu. […] Kẻ nào đó không biết nguồn gốc của mình, lạnh nhạt với những người và sự vật xung quanh mình, không biết kế thừa tri thức và tình cảm, đều là những kẻ đáng khinh bỉ. Kẻ đó không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của lòng nhân ái.”
Ở đầu cuốn sách, ông cũng nhắc tới việc đã từng có một “Hội Hàn lâm Nghệ An” (Société Académique du Nghệ-An) thành lập vào khoảng 1924-1928, phỏng theo mô hình Hội những người bạn cố đô Huế, “Ý đồ của chúng tôi là phải nghiên cứu An Tĩnh trên mọi lĩnh vực, tiến tới hợp tác với các công trình khác để biên tập một chuyên san cho cả hai tỉnh, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của tất cả các nhà chức trách, cả Pháp và An Nam” – nhưng sau khi ông rời đi thì Hội cũng tan rã. Nhiều lần trong cuốn sách, Breton đã nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phải có những nhà Địa phương học trong công cuộc xây dựng lịch sử một địa phương/một vùng đất xét ở nhiều yếu tố bao gồm địa chất, văn hóa, chính trị…
Một điều thật đặc biệt, dịch giả Nguyễn Bân, người dịch cuốn sách này, từng là người đề xướng thành lập và trở thành một trong những thành viên của nhóm Địa phương học ở Hà Tĩnh, từ khoảng năm 1991, khi tỉnh Hà Tĩnh tái lập. với những thành viên chủ chốt ban đầu của hội như nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước… Hồi những năm 90, khi mẹ tôi còn công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện Can Lộc, trong ký ức của tôi vẫn còn nhớ những chuyến thực địa của các bác, về sau là những nhà Nghệ học nổi tiếng như nghà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh – mà mẹ thường đi cùng để chụp ảnh tư liệu. Những chuyện này đã được thuật lại trong Lời giới thiệu công phu của Tiến sĩ Võ Hồng Hải ở đầu ấn bản này.
Như vậy, khi xâu chuỗi lại, ta thấy có một sợi dây lịch sử xuyên suốt những thế hệ, sự kế thừa ý tưởng, cách thức nghiên cứu từ những con người hồi đầu thế kỉ đến một thế hệ các nhà địa phương học cuối thế kỉ 19 trên đất Nghệ Tĩnh, và trên hết là sự kế tiếp của một tình cảm gắn bó sâu đậm với vùng đất, bất kể là người sinh ra ở vùng đất đó hay một con người đến từ một xứ sở xa xôi, mà cái nhìn và tình yêu từ tâm hồn họ phản chiếu những khía cạnh bất ngờ trong chính xứ sở mà ta đang sống. Nhưng đó cũng là một câu hỏi bỏ ngỏ với câu chuyện nghiên cứu địa phương hiện nay, mà hình như đang thiếu một thế hệ kế tục?…
—–
Dưới đây, xin dẫn lại một số trích đoạn Lời giới thiệu của Tiến sĩ Võ Hồng Hải để có những hình dung rõ hơn về cuốn sách và những câu chuyện xung quanh việc xuất bản cuốn sách ở Việt Nam.
“Tôi là người may mắn, hoặc có thể nói là nhiều duyên nợ với công trình khảo cứu quý giá này. Năm 1994, trong một tháng từ Paris xuống thực tập tại tỉnh Côtes-d’Armor, đã được ông Loic-René Vinbert, Giám đốc Thư viện Dinan say sưa giới thiệu về những bức ảnh, bản đồ và một số nội dung của Le Vieux An-Tinh, tác phẩm mà trong một lần được gặp học giả Hoàng Xuân Hãn, ông nhắc đến mấy lần rằng Việt Nam nên dịch và xuất bản, và cũng chính ông, người học trò nổi bật của trường Quốc học Vinh (nay là trường Huỳnh Thúc Kháng), được H. Le Breton trân trọng nhắc đến trong tác phẩm này. Công trình được đăng tải lần đầu tiên trên Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué, BAVH, còn gọi là Tập san Đô thành hiếu cổ), số 2-3-4 năm 1936.
Và chính ông L. Vinbert, khi làm Chủ tịch Hội Côtes-d’Armor–Việt Nam được khuyến khích bởi Linh mục Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Huynh đệ Á – Âu đã tích cực xúc tiến, phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ (École français d’Extrême-Orient) và Hội đồng chung (Conseil général) tỉnh Côtes-d’Armor, vùng Bretagne in thành sách công trình này sau 65 năm được công bố và đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Hippolyte Le Breton. Sách có thêm “Lời giới thiệu” của đại diện EFEO, Giáo sư Philippe Papin.
…
Hippolyte Le Breton sinh ngày 12/6/1881 ở Le Havre (một thành phố cảng thuộc vùng Normandie). Ông từng học ở trường Sư phạm Rouen, trường Sư phạm thuộc địa Jules Ferry, qua Đông Dương vào ngày 25/10/1908 bằng đường biển (thời đó đi mất khoảng 25 ngày); giảng dạy và làm hiệu trưởng ở nhiều trường học khác nhau trên xứ Đông Dương; nơi cuối cùng ông phụ trách là trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Ông nghỉ hưu vào ngày 12/6/1936, sau đó trở về Pháp; rất tiếc là đến nay vẫn chưa xác định được năm ông qua đời.
Hai mươi tám năm ở Việt Nam, ngoài việc dạy học và làm quản lý, ông còn miệt mài đi và viết, đã công bố đến 29 công trình nghiên cứu trên các tạp chí như Đông Dương (Revue Indochinoise), Nam Phong, Thái Bình Dương (Revue du Pacifique), và Tập san Những người bạn cố đô Huế; ngoài ra, còn chuẩn bị 9 di cảo…
Hầu hết các công trình của ông đều thuộc về lĩnh vực khảo cứu địa chí, lịch sử, văn hóa; nhiều nhất là về tỉnh Thanh Hóa, mà ông thường ưa dùng là xứ (le pays) với 9 tác phẩm và xứ An – Tĩnh, có 8 công trình đã xuất bản.
An Tĩnh xưa được Le Breton soạn thảo trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928), thành quả xứng đáng từ những lớp tham quan dã ngoại được tổ chức thường xuyên, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, học trò và đặc biệt nhất là nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp, phân tích tư liệu của ông.
Ngoài phần giới thiệu, mở đầu và kết luận, tác phẩm có hai Đề mục lớn (một số bản dịch khác gọi là Thiên); riêng Đề mục 2 có đến tám chương. Đây thực sự là một công trình đồ sộ về tư liệu; khoa học về phương pháp nghiên cứu, diễn giải, và nhất là về tâm huyết, trí tuệ, như ông đã tự dẫn câu của chính mình làm đề từ: “Hiểu tức là yêu thương; yêu thương tức là hiểu. Hai lời lẽ này dựa vào nhau, cần biết gắn lại với nhau bằng một bàn tay khỏe mạnh và khéo léo”. Khi tiếp xúc với tác phẩm này, nhiều người đã khẳng định ngay giá trị không thể chối cãi của nó. Ông Yves-C. Châtel, người bạn đồng môn được ông gửi bản thảo “nhờ” viết “Lời tựa” đã nhận xét: “Công trình nghiên cứu của H. Le Breton mang lại sự đóng góp tích cực vào việc tìm hiểu vùng này. Quá khứ sẽ giải thích hiện tại”. Giáo sư Philippe Papin khẳng định: “Le Vieux An-Tinh là một tuyệt tác chuyên khảo lịch sử”; còn Trưởng đại diện EFEO Olivier Tessier lại đánh giá đây là công trình có “giá trị lịch sử và khoa học không thể phủ nhận”. PGS.TS. Chương Thâu từng nhận xét “đây là một tài liệu có giá trị và bổ ích cho người học, người nghiên cứu”, và ông cũng rút ra một số đóng góp quan trọng của tác giả trong việc sử dụng phương pháp liên ngành, cách phân vùng, cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu…
Nhưng cũng như chính Le Breton từng tự nhận, “người ta sẽ nêu ra trong cuốn sách này nhiều thiếu sót” khi đọc Le Vieux An-Tinh, những nhà chuyên môn có thể nhận ra một số nhầm lẫn của tác giả khi diễn giải về hai bức đại tự được tặng thưởng trong hai chuyến đi sứ Trung Hoa được treo trong khu tưởng niệm của dòng họ Nguyễn – Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh (tác giả nhầm giữa Nguyễn Nễ, anh trai với Đại thi hào Nguyễn Du), hoặc lý giải về gốc người Chămpa của Mai Hắc Đế, về sự kiện loạn 12 sứ quân, về nguồn gốc trò chơi đu tiên, v.v. Trong một vốc đầy kim cương có lẽ cũng khó tránh khỏi một ít hạt sạn. Với một công trình khá đồ sộ như An Tĩnh xưa, lại được viết ra bởi một nhà giáo ngoại quốc, chỉ có bốn năm gắn bó với một địa bàn rộng lớn đầy trầm tích lịch sử, văn hóa, xảy ra một ít nhầm lẫn, sai sót cũng là điều dễ chia sẻ, và cũng không vì thế mà tác phẩm mất đi giá trị khoa học như nhiều học giả đã khẳng định.
Như đã nói, tôi có cơ duyên được chứng kiến hoặc tham gia vào hầu hết những lần xuất bản Le Vieux An-Tinh trong gần 30 năm qua. Nhưng lần công bố và xuất bản bản dịch này của Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam lại hết sức đặc biệt. Trước hết là về dịch giả, ông Nguyễn Bân (1923-2013), quê ở Hải Lăng – Quảng Trị, tập kết ra Hà Tĩnh và định cư tại đây đến cuối đời. Xuất thân trong một gia đình nhà nho, đậu bằng Thành Chung tại Huế, được làm học trò của những nhà giáo tên tuổi như Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, từng làm viên chức Nam triều tại Dinh Án sát, nhưng chàng thanh niên trí thức đã sớm bỏ việc, về quê tham gia hoạt động cách mạng. Ở Hà Tĩnh từ năm 1954, ông chủ yếu công tác tại ngành Văn hóa – Thông tin, làm Phó Ty (Phó Giám đốc Sở) từ năm 1970 đến lúc nghỉ hưu. Ngoài sáng tác thơ, viết các bài khảo cứu in trong sách Danh nhân Hà Tĩnh, Làng cổ Hà Tĩnh, tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh…, sau khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh (9/1991), ông là người đề xướng thành lập nhóm Địa phương học gồm các thành viên chủ chốt ban đầu như Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước… Sáng kiến này của ông cũng chính là học theo cách làm của H. Le Breton như ông đã dịch trong phần “Lời dẫn” của Le Vieux An-Tinh: “Khi tôi đang còn ở Vinh (1924-1928), tôi đã cùng ông Lê Thước thành lập cái gọi là ‘Hội Hàn lâm Nghệ An’, phỏng theo mô hình ‘Hội những người bạn của xứ Huế xưa’, như một chi nhánh của hội này. Ý đồ của chúng tôi là phải nghiên cứu An Tĩnh trên mọi lĩnh vực, tiến tới hợp tác để biên tập một chuyên san cho cả hai tỉnh, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của tất cả các nhà chức trách, cả Pháp và An Nam”… Cũng theo Breton thì khi ông rời An Tĩnh, hội đó đã tan rã theo, nhưng nhóm Địa phương học ở Hà Tĩnh thì đã tồn tại hơn 20 năm, công bố được rất nhiều bài viết có giá trị, và bản dịch An Tĩnh xưa cũng chính là một công trình mà cả nhóm rất quan tâm, “phân công” ông Nguyễn Bân trực tiếp thực hiện. Nhưng cũng rất đáng tiếc, khi các trụ cột của nhóm dần xa cõi tạm, đầu tiên là ông Nguyễn Bân (2013), tiếp đó là cụ Võ Hồng Huy (2016) và cụ Thái Kim Đỉnh (2017), nhóm cũng tan dần theo. Trong mấy câu thơ vui viết sau khi cụ Huy mất, cụ Đỉnh dự cảm: Năm ngoái ông Bân, nay ông Huy/ Hai ông dắc chắc đã ra đi/ Còn lưa ông Đỉnh trùng trình rứa/ Đợi cụ Nam mời, nỏ vội chi…”,