2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 95)

Hoàng Hưng

951. Linguistic-kinesic method: Phương pháp ngôn ngữ-vận động

Việc nghiên cứu khách quan các hành vi rối loạn thể hiện trong ngôn ngữ và vận động dính líu đến tương tác giữa các cá nhân.

952. Lip biting: (tật) Cắn môi

Tật thường xuyên cắn môi, có thể là thói quen về thần kinh, hành vi rập khuôn hay liên kết với một rối loạn như triệu chứng Lesh-Nyhan. Cũng gọi là morsicatio labiorun.

953. Lipreading: (sự) Đọc môi

Một phương pháp của người khiếm thính để hiểu các từ được nói ra, trong đó người nghe diễn giải các chuyển động của môi người nói. Một số nghiên cứu tuyên bố chỉ 1/3 các âm nói ra có thể được “đọc” chuẩn xác theo cách này, và việc chú ý đến những diễn đạt trên mặt và ngôn ngữ cơ thể tổng quát, cùng với việc sử dụng “ngôn ngữ tín hiệu” (sign language), giúp nhiều hơn vào việc hiểu này. Cũng gọi là speech reading.

954. Listening attitude: Thái độ nghe

– [trong khuôn khổ trị liệu] Sự cởi mở của nhà chữa trị đối với trải nghiệm của người bệnh, hay sự cởi mở của người bệnh đối với trải nghiệm của chính mình.

– Khuynh hướng hành vi trong đó một người trông đợi và chuẩn bị tiếp nhận một thông điệp. Nhà tâm thần bệnh học Mĩ gốc Ý Silvano Arieti (1914-1982) tuyên bố rằng một người mắc bệnh tâm thần phân liệt quen trải nghiệm ảo giác có thể học để tránh ảo giác khi nhận biết rõ thái độ này.

955. Literalism: (sự) Bám sát sự thực/ nghĩa đen

– Gắn với những thực kiện có thể quan sát, như được trình bày trong khái niệm của Jean Piaget “trách nhiệm khách quan” (responsabilité objective).

– Trả lời “có” hay “không” bằng ngôn từ hoặc cử chỉ, mà không có sự đi sâu về thức nhận, đối với các câu hỏi trong diễn trình thôi miên, được một số người xác nhận nhưng số khác bác bỏ. Một dấu hiệu của trạng thái hôn mê do thôi miên.

– Gắn với nghĩa hiển lộ của một văn bản hay học thuyết, như Biblical literalism (câu nệ nghĩa hiển lộ của Kinh Thánh)

956. Litigious paranoia: Hoang tưởng tranh chấp

Kiểu rối loạn hoang tưởng có đặc trưng là luôn cãi cọ, kêu ca là mình bị hành hạ, khăng khăng là mình bị mất quyền lợi. Thường doạ dẫm và thực hiện việc kiện tụng để sửa những sai trái bị phóng đại hay tưởng tượng.

956. Local enhancement: (sự) Tăng tiến cục bộ

Một hình thức học mang tính xã hội (social learning) trong đó một cá nhân quan sát người khác thực hiện hành vi đối với một đối tượng trong một địa điểm cụ thể. Người quan sát có thể tương tác với cùng đối tượng hay di chuyển tới địa điểm ấy và học một số hành vi chuyên biệt. Chẳng hạn, nhiều động vật có thể bị thu hút tới một địa điểm, ở đó do cơ may ở cùng nơi cùng lúc (chứ không thông qua tương tác xã hội giữa chúng), cá thể có thể có được nguồn tài nguyên một cách hữu hiệu hơn.

957. Locked’s theory of goal setting: Thuyết Locke về việc đặt định mục tiêu

Một lí thuyết cho rằng (a) những mục tiêu chuyên biệt sẽ chỉ huy hoạt động hữu hiệu hơn những mục tiêu mơ hồ hoặc tổng quát; (b) những mục tiêu khó khăn hoặc thách thức sinh ra việc thực hiện tốt hơn những mục tiêu vừa phải hoặc dễ; (c) những mục tiêu ngắn hạn có thể dùng để đạt những mục tiêu dài hạn. Ít nhất có 4 cơ chế giải thích vì sao việc đặt định mục tiêu làm cho việc thực hiện được cải thiện: (a) nó tập trung và chỉ huy hoạt động; (b) nó điều chỉnh việc sử dụng năng lượng; (c) nó làm tăng sự kiên trì vì sự cố gắng được liên tục cho đến khi mục tiêu hoặc mục tiêu nhỏ đạt được; (d) nó có thể cổ vũ sự phát triển những chiến lược mới để cải thiện việc thực hiện. Việc đặt định mục tiêu chỉ tác dụng nếu như có phản hồi kịp thời cho thấy việc thực hiện hay tiến bộ trong quan hệ với mục tiêu. Các mục tiêu phải được chấp nhận là hữu hiệu, và việc đạt đến mục tiêu được tạo thuận lợi bằng một kế hoạch hành động hay chiến lược. Cạnh tranh có thể được coi như một hình thức đặt định mục tiêu. [Edwin A. Locke (1938- ) là nhà Tâm lý học kĩ nghệ Mĩ].

959. Locus of control: Quĩ đạo kiểm soát

Một khái niệm được dùng để phân loại các khuynh hướng vận động và tri nhận cơ bản của con người về mức độ kiểm soát của họ đối với các điều kiện sống của mình. Người có quĩ đạo kiểm soát ngoại tại (external locus of control) có khuynh hướng cư xử đáp lại hoàn cảnh bên ngoài và tri nhận thành quả của cuộc sống như có được từ các nhân tố ngoài sự kiểm soát của bản thân. Người có quĩ đạo kiểm soát nội tại (internal locus of control) có khuynh hướng cư xử đáp lại các trạng thái bên trong và tri nhận thành quả của cuộc sống như có được từ việc vận dụng các năng lực của chính mình. [được đưa vào Tâm lý học bởi nhà Tâm lý học Mĩ Julian Rotter (1916- )].

960. Logical-mathematical intelligence: Trí khôn logic-toán

[trong Thuyết Trí khôn nhiều dạng] – Multiple-intelligences): Tập hợp các kĩ năng được dùng để giải quyết các vấn đề đòi hỏi tư duy logic hay toán học hoặc cả hai. Các năng lực này được coi là tương đối độc lập với các năng lực dính líu đến những dạng trí khôn khác.

Comments are closed.