Có phải "Mộng Dưới Hoa" là bài nhạc phổ vào bài thơ "Tình Tự Dưới Hoa" của Đinh Hùng?


FB Han Dang

“Tình Tự Dưới Hoa” một bài thơ 7 chữ có trong tập thơ “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng và chính từ bài này có bản nhạc “Mộng Dưới Hoa”. Tuy là ý bài hát dựa nhiều vài bài thơ nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ đã phổ thành nhạc. Đó là đoạn thứ nhất của bài thơ:

” Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại

Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng”

Và đoạn thứ ba của bài thơ:

“Em đến như mây, chẳng đợi kỳ

Hương ngàn gió núi động hàng mi

Tâm tư khép mở đôi tà áo

Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi”

Một đoạn trong bài thơ 6 chữ này của Đinh Hùng được phổ nhạc và cho vào bài “Mộng Dưới Hoa” .

“Xuôi Dòng Mộng Ảo” là một bài thơ, cũng ở trong thi tập “Đường Vào Tình Sử ” của Đinh Hùng. “Xuôi Dòng Mộng Ảo” có tám đoạn và chỉ có đoạn thứ năm có trong bài hát “Mộng Dưới Hoa” làm thành điệp khúc của bài hát:

“Nếu bước chân ngà có mỏi

Xin em dựa sát lòng anh

Ta đi vào tận rừng xanh

Vớt cánh rong vàng bên suối”

Nếu xem kỹ bài hát “Mộng Dưới Hoa” ở cuối bài viết này, sẽ thấy đa số lời của bài “Mộng Dưới Hoa”, nghĩa là đoạn kết (đoạn thứ tư) và toàn bộ Lời 2, không có trong bài thơ nào cả của thi sĩ Đinh Hùng.

Tóm lại, “Mộng Dưới Hoa” là bài nhạc có lời với một phần gồm hai đoạn thơ từ bài thơ 7 chữ “Tự Tình Dưới Hoa”, một phần gồm một đoạn thơ từ bài thơ 6 chữ “Xuôi Dòng Mộng Ảo” và phần lớn không có xuất xứ rõ ràng.

Hầu như chắc chắn Đinh Hùng đã viết cái “phần lớn” đó sau khi Phạm Đình Chương đã viết nhạc vào thơ cho ba đoạn đầu của bài hát.

Ở cuối quyển “Mộng Dưới Hoa”, 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, có trích lời nhạc sĩ Vũ Thành: “Mộng Dưới Hoa” còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó… Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.”

Hãy xem thử một câu “Tâm tư khép mở đôi tà áo” đổi thành “Áo bay mở khép nghìn tâm sự”, thì sẽ thấy ngay là bài hát đâu có còn “vẫn giữ bằng trắc của từng chữ” nữa.

Công bằng mà nói những chữ của thơ dùng vào bài nhạc đại đa số cũng vẫn giữ đúng vần bằng trắc của thơ thật nhưng không thể nói là “…từng chữ…”

Và có thể cố nhạc sĩ Vũ Thành, vì một lý do nào đó, tưởng lầm bài nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa chỉ là nhạc phổ vào nguyên thủy của một bài thơ?

Tuy nhiên, phải công nhận là Phạm Đình Chương viết nhạc rất khéo léo và lời viết của Đinh Hùng dù là thơ hay không thơ cũng rất… thơ.

Với tên tuổi lẫy lừng của thi và nhạc sĩ Đinh Hùng-Phạm Đình Chương, bài nhạc hay mà lại dễ hát đã thành trở thành một trong những bài nhạc có thể nói phổ thông nhất của Tình Ca Việt Nam.

https://www.facebook.com/han.dang.54/posts/1644934272185348

Comments are closed.