Nhìn lại những chặng đường đã qua (2)

II

Những lựa chọn căn bản

Nguyễn Văn Trung

“… Ở cái thời độc tài, bạo động chia rẽ vì ai cũng cho mình nắm được chân lý toàn diện, thiết tưởng cần đề cao sự hoài nghi, phản kháng và gặp gỡ, trao đổi, đối thoại…”

Trong cuộc đời cầm bút của tôi gần 50 năm, đặc biệt thời kỳ 1955-1975, tôi đã viết khá nhiều, nhưng bị phê bình, đả kích, mạ lỵ, mạt sát cũng khá nhiều. Có lẽ tôi thuộc số ít nhà cầm bút ở miền Nam là kẻ bị cáo trạng nhiều hơn cả, từ tất cả các bên, các giới xã hội, chính trị, tôn giáo trong một tình cảnh VN bị phân chia thành hai miền thù địch chiến tranh và riêng miền Nam có phân hoá đố kỵ giữa các phe phái, giới nhóm với nhau. Tôi còn giữ được hầu hết sách báo phê bình đả kích tôi, góp lại thành một tập trên 500 trang mang tựa đề: «Người cầm bút, kẻ bị cáo».

Tôi nghĩ rằng việc sắp xếp theo thời gian và bên cạnh nhau những bài đả kích tố cáo cá nhân tôi sẽ giúp người đọc nhận ra được tình cảnh chia rẽ, đố kỵ, oán thù không đội trời chung giữa những tập thể gọi nhau là đồng bào của một nước Việt Nam mến yêu có 4000 năm văn hiến; vì thực ra người ta tố cáo tôi chính là để tố cáo tập thể thù địch với người ta mà lại đem gán ghép cho tôi đấy thôi. Chẳng hạn có người lên án tôi là người chống Cộng tinh vi hay ngược lại tôi là người Cộng Sản, thân Cộng, có những lời nói hành động có lợi cho Cộng Sàn. Tôi là người Công giáo, bị người đồng đạo tố cáo, vu khống mạ lỵ là kẻ rối đạo, phản đạo, hoặc thân Cộng, Cộng Sàn. Hầu hết chỉ là những lời cáo gian, vì người ta chỉ nghe tin đồn, dư luận, ngay cả trong giới giáo sĩ, giáo phẩm, những người theo một đạo có giới răn rõ rệt về tội vu vạ, cáo gian, cấm xét đoán như lời Chúa dạy («đừng xét đoán để khỏi bị phán xét»); nhưng đối với người không Công giáo, Cộng Sản và nhất là những người Phật giáo lại không tách tôi rời khỏi giới Công giáo, thậm chí coi tôi mới là người Công giáo đích danh, nên dễ nhìn những gì tôi viết liên quan đến Phật giáo đều mang tính chất xuyên tạc, đả kích nhằm tiêu diệt Phật giáo. Như vậy, xét con người trước dư luận, tôi không thể tự nhận diện được tôi là ai!

Nhưng ở đây, trong ý định nhìn lại những chặng đường đã đi qua, nghĩa là những gì tôi viết liên quan đến các giới Việt Nam, tôi không phiền trách tố cáo lại ai, để phân trần tự biện minh, mà chỉ cố gắng tìm hiểu phần trách nhiệm của tôi đã gây ra mọi sự do chính những lựa chọn căn bản có ý thức của tôi và nhất là do những lệch lạc hay thiếu sót đã không thực hiện đúng, đầy đủ của những lựa chọn đó.

1. Lựa chọn về và ở lại Việt Nam

Tôi nghĩ rằng nếu tôi có lo lắng, làm gì cho đất nước VN thì tôi phải sống ở VN trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới bất cứ chế độ chính trị xã hội nào vì đó là thời đại của tôi, tôi không có thái độ nào khác để lựa chọn và vì chỉ có một nước VN, một giáo hội VN ở tại VN.

Xin nói ngay đây là một thái độ lựa chọn riêng của tôi và tôi tôn trọng những lựa chọn khác vì mỗi người có quyền lựa cho mình một lối sống, nơi sống mà mình cho là thích hợp hơn cả với hoàn cảnh riêng của mình.

Năm 1955, tôi từ Âu châu về Saigon. Hồi 1967, nhiều giáo sư phái đoàn đại học Mỹ sang VN có đề nghị tôi sang Mỹ dạy đại học và sẽ lo chỗ ăn ở cho cả gia đình. Tôi không nhận. Hồi 1975, nếu tôi muốn, tôi cũng có điều kiện để đi Mỹ. Không những tôi không đi mà còn khuyến cáo họ hàng nội ngoại không đi. Đây là một đánh giá tình hình rất sai lầm mà tôi ân hận, vì sau mấy năm, họ hàng và cả con tôi có đứa quyết tâm ra đi vượt biên. Vào những năm 1990, bạn bè về VN, qua những trao đổi và xem những bài viết của tôi chưa xuất bản, đã nói thẳng thừng cho tôi thấy là tôi lạc hậu về nhận thức vì đã bị cắt đứt với các trào lưu tư tưởng thế giới sau 15 năm. Tôi định đi Âu châu một chuyến mấy tháng để có dịp tiếp xúc lại. Nhưng chuyến đi không thành.

Cuối 1993, trách nhiệm làm cha mẹ buộc tôi phải đi theo diện bảo lãnh vì mấy đứa con quyết tâm đi sẽ không đi được nếu không theo cha mẹ, nhưng cũng có đứa quyết tâm ở lại. Khi tôi báo tin cho những bạn bè là ân nhân như một linh mục Dòng Tên, (mà tôi đã quen qua những chuyến đi thăm những trại tị nạn dọc theo bức màn sắt phân chia nước Đức) đã nuôi sống gia đình tôi bằng những colis thuốc mẫu để tôi khỏi phải mánh mung, hoặc những người đã can thiệp đưa tôi ra khỏi tù, tất cả đều không tán thành, coi việc ra đi của tôi như một đào ngũ, bỏ cuộc. Họ chỉ an tâm khi tôi cho họ biết đó chỉ là ra đi tạm thời vì tôi không bán nhà, và chỉ đi đi về về cho đến khi các cháu nội ngoại khôn lớn không cần ông bà chăm sóc nữa. Chính nhờ đi đi về về mà tôi hiểu được VN không có năm thực tế mà chỉ có một. Ngoài ra, trong thời gian ở nước ngoài, tôi có dịp tham gia những sinh hoạt của những trí thức bản xứ, nhóm khuynh tả tranh đấu xã hội đã cho tôi nhận ra những kiến thức thu lượm được và những dấn thân cụ thể vào các hoạt động tranh đãu xã hội thật cần thiết, ích lợi cho VN trong tình cảnh gọi là toàn cầu hoá hiện nay (như tôi đã bày tỏ trong bài «Toàn cầu hoá VN», đăng trong tạp chí Đi Tới, Montreal, Canada, số 10/1996 và đăng lại trong Nhận Định 10). Dĩ nhiên, những lựa chọn kể trên của tôi không tránh khỏi những hiểu lầm, dị nghị.

2. Lựa chọn văn chương dấn thân, triết học xuống đường

Tôi đã có thể chỉ cầm bút biên khảo văn học, triết học không dính dáng gì tới ai, theo đúng tinh thần nghiên cứu truyền thống của giới đại học; và tôi đã có thể xuất bản những bộ sách biên khảo đồ sộ về một số vấn đề nào đó. Người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng chắc chắn không có chuyện mạt sát mạ lỵ. Nhưng thay vì làm biên khảo thuần tuý, tôi đã đưa văn chương triết lý vào thời cuộc,vào đời sống hằng ngày thậm chí liên quan đến chuyện làm tình, hay những cái thừa thãi của thân xác như đờm, giãi, nước miếng, nước tiểu… Trong một tình hình văn hoá còn bị những áp lực nặng nề của những lối sống rập khuôn (conformisme) về đạo lý xã hội, và trong một hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc, những tranh chấp đố kỵ ở miền Nam giữa các phe nhóm chính trị, tôn giáo, nên những gì đã xảy đến cho tôi là không thể tránh được và do đó tôi phải nhận lãnh thôi.

Tôi là người của một tạp chí nghiên cứu, không phải theo kiểu hàn lâm viện, đại học, chỉ bàn những vấn đề muôn thuở, không dính dáng gì đến thời cuộc, nhưng là nghiên cứu gắn bó với thời cuộc, ngay cả khi đề cập đến những vấn đề thuộc lịch sử cũng nhằm phục vụ những mục tiêu hiện tại. Tôi có khả năng qui tụ một số người để làm một tạp chí. Chúng tôi chỉ cần đồng ý với nhau về một thái độ trí thức, một hướng chung trong tinh thần tôn trọng những lựa chọn dấn thân cụ thể về chính trị của mỗi người.

Trong Văn học miền Nam -tổng quan, nhà xuất bản Văn Nghệ ở Hoa Kỳ, Võ Phiến lấy lại một ý của Nguyên Sa, cho rằng mảng văn học miền Nam trước 1975 có thể gồm 4 khối lớn: nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo, nhóm Đất Nước của Nguyễn Văn Trung, nhóm Bách Khoa của Võ Phiến và nhóm thứ tư gồm những nhà văn độc lập (Sđd, trang 192).

Quả là «khối» Nguyễn Văn Trung có một tầm ảnh hưởng lớn. Cái ảnh hưởng ấy bắt đầu từ trước tờ Đất Nước ngay từ thời tờ Đại Học mặc dù Nguyễn Văn Trung không phải là chủ nhiệm tờ báo nầy (chủ nhiệm là Cao Văn Luận). Tờ Đại Học tiếp tục xuất bản cho tới năm 1964 nhưng nó đã mất sức thu hút từ khi Nguyễn Văn Trung rời Huế vào Saigon nhiều năm trước (Sđd, trang 199).

Lối nhìn của Võ Phiến quá đơn giản, không phản ảnh đầy đủ, trung thực với thực tế và sử dụng những từ như nhóm, khối có thể gây hiểu lầm theo nghĩa bè phái. Ngoài ra, Võ Phiến không nhắc đến tờ Hành Trình chỉ ra có 10 số và không giấy phép, gọi là báo lậu, in ronéo, nhưng gây ra nhiều sóng gió, phản ứng tức thời từ nhiều phía ở miền Nam và cả ở miền Bắc và ở nước ngoài.

3. Lựa chọn viết tiếng Việt

Đây là một lựa chọn mà ngay từ buổi đầu cầm bút, tôi đã coi là đương nhiên. Trong thời gian du học, tôi viết bài đăng trong các báo sinh viên và khi ở Bỉ, chúng tôi đã ra tạp chí Cùng học không phải chỉ để liên lạc mà còn nhằm trình bày những vấn đề chuyên môn.

Chúng tôi thuộc thế hệ sinh ra trong thời thuộc địa, học tiếng Pháp và phải đọc tất cả bằng tiếng Pháp, nhưng nhận thấy người Việt mình không phải dùng tiếng Pháp để nói với nhau, ngay cả những vấn đề tư tương khoa học như sinh viên các nước Phi châu gồm nhiều thổ dân, thổ ngữ, không có tiếng nói chung nên buộc phải dùng chữ viết của nước thống trị để diễn tả.

Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm đô hộ Tàu, hàng trăm năm đô hộ Tây. Có hàng trăm miền đất đã bị đồng hoá, trừ Giao Chỉ vẫn còn là một nước riêng. Về văn hoá, thật khó có thể xác định được cái gì là VN, không phải là Tàu, Tây. Trước 75 và sau 75, tôi đã dự nhiều hội thảo về đi tìm bản sắc dân tộc, về truyền thống VN, ai cũng đồng ý cần tìm hiểu để xác định, bảo vệ, nhưng cụ thể là gì thì chẳng ai đồng ý với ai. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên xác định sự khác biệt là tiếng nói VN và trải qua lịch sử, người Việt vẫn giữ được tiếng nói riêng của mình. Đó là một thành tích lớn lao hơn cả.

Về nước, tôi không tán thành chủ trương dùng tiếng Pháp ở Đại học Saigon. Vào năm 1957 Đại học Huế được thành lập, kêu gọi đường lối giảng dạy bằng tiếng Việt, không phải chỉ ở các ban Văn khoa, Luật khoa, mà cả ở ban Khoa học và Y khoa. Lúc đó tôi chưa nghĩ đến vấn đề phê phán các thể chế đại học, mà chỉ chú ý đến việc giảng dạy bằng tiếng Việt, tôi đáp lại lời kêu gọi của Đại học Huế.

Như vậy, Đại học Huế đã nói với Đại học Saigon có thể dạy bằng tiếng Việt ở các ngành Toán, Khoa học tự nhiên, và nói với Đại học Hanôi, không phải chỉ có miền Bắc mới dùng tiếng Việt để giảng dạy ở đại học. Để củng cố phát huy những cố gắng diễn tả các ngành trên đại học bằng tiếng Việt, Viện Đại học Huế cho ra tạp chí và nhà xuất bản Đại Học. Mùa hè, họ tổ chức những đại học hè ở Đà Lạt cho sinh viên cả ba viện và giáo sư của họ tham dự. Về nhân sự, Đại học Huế gồm vỏn vẹn vài người độ 26-27 tuổi, vừa du học về, cấp bậc thấp nhất trong ngành đại học (giảng nghiệm viên, phụ khảo) cộng với một số học giả địa phương tất cả chỉ là một dúm nhỏ. Nhưng Đại học Huế là nơi gây cảm hứng, qui tụ những giáo sư, học giả ở Saigon và cả ở nước ngoài về giảng dạy hay gửi bài, bản thảo về đăng báo, in sách…

Sau 1955, miền Nam vẫn giữ lề lối giáo dục theo Pháp nên cấp trung học có dạy Triết ở lớp cuối cùng, còn trên đại học thì có ban Triết học ở Văn Khoa và Sư Phạm, một phần nhằm đào tạo giáo sư Triết ở trung học. Mặc dù học theo chương trình Việt, nhưng không vì thế mà coi thường sinh ngữ. Nói chung sinh viên vào thời kỳ nầy đều có thể đọc sách báo bằng tiếng Pháp, Anh và cả tiếng Đức, xem như là một điều kiện bó buộc để tham khảo làm luận án. Do đó có những giáo sư viết sách triết học, giới thiệu các trào lưu, tác giả triết học Tây phương. Chẳng hạn Trần Thái Đỉnh ra sách Triết học hiện sinh, và theo Tràng Thiên (bút hiệu của Võ Phiến), nhà xuất bản Thời Mới đã bán hết 2500 cuốn, vào thời điểm gọi là cao trào của hiện sinh (Bách Khoa, số 289, 15/11/1969, trang 39). Trần Văn Toàn viết Tìm hiểu triết học Karl Marx, và theo Trịnh Viết Đức, phụ trách nhà xuất bản Nam Sơn, cuốn sách in 3000 quyển đã bán hết và phải tái bản 3000 cuốn cũng bán gần hết. Theo chỗ tôi biết, có lẽ có một vài bài điểm sách (như tôi đã viết về cuốn của Trần Thái Đỉnh), nhưng không có ai phê bình, đả kích gì.

Tôi cũng có nói đến hiện sinh, Marx, nhưng nếu tôi đừng ra khỏi giảng đường, vượt qua ngưỡng cửa đại học, đem triết học xuống đường, thì chắc chắn không bị những mũi dùi của thứ ngôn ngữ vỉa hè, thứ văn chương ngoài đường phố xuyên tạc, mạ lỵ, chửi bậy. Cuốn Ca tụng thân xác không bán chạy bằng Tìm hiểu triết học Karl Marx, nhưng được biết nhiều hơn ngoài giới đại học và độc giả có học. Thiệt ra lối đặt tựa như trên dễ bị hiểu lầm, nhưng người đọc đứng đắn vẫn nhận ra cách viết, quan niệm của tác giả là đưa triết học vào văn hoá VN, cố gắng dùng những từ ngữ VN để diễn đạt những khái niệm triết học phương Tây, nhằm đặt những vấn đề liên quan đến đời sống cụ thể hằng ngày của người đọc và tình cảnh thời đại của họ, như ông Tam Điểm (bút hiệu của Nguyễn Tử Lộc, tốt nghiệp ĐHSP, giáo sư Trung học và đã viết một bài dài hơn 20 trang về Ca tụng thân xác đăng trong tạp chí Sinh viênNghiên Cứu Văn Học số 1, tháng 11/1967). Tam Điểm viết như sau:

Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung ngay sau khi xuất bản đã bị luồng dư luận báo chí công kích. Mũi dùi dựa vào tính chất khiêu dâm của tác phẩm, những đoạn văn nho nhỏ được trích dẫn để tố cáo tính cách tục ở ngòi bút của một giáo sư đại học có tiếng. Tác phẩm đối với quần chúng được biết và có khi chỉ được đọc trong ý hướng đó của dư luận mà thôi… Viết bài nầy, chúng tôi không đặt câu hỏi Ca tụng thân xác có khiêu dâm hay không hoặc luân lý của người viết cuốn sách đó là gì. Cũng không phải để binh vực hay kết án nó trong dự định của mình. Chúng tôi chỉ xét vấn đề cuốn sách nêu ra một vấn đề thật quan hệ cũng như giài pháp cho vấn đề mà ông Nguyễn Văn Trung đem lại có ý nghĩa gì trong hoàn cảnh xã hội hiện tại; trong phần đó tính chất khiêu dâm và phương pháp hiện tượng luận cũng sẽ được đề cập tới….

Trầm trọng hơn nữa, không phải người ta chỉ tố cáo viết văn khiêu dâm mà còn bới móc đời tư, tố cáo tư cách trí thức, đạo đức của người cầm bút nhằm tố cáo thái độ chính trị nào đó mà họ gán cho tác giả.

Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng: giả sử, thay vì viết tiếng Việt, tôi viết tiếng Pháp, thì dù cho tư cách tôi có thật sự bê bối, tôi cũng không thể là đối tượng của thứ chủ nghĩa văn chương hạ cấp, vì trong khuôn khổ văn hoá của nhiều nước phương Tây như nước Pháp, người tự hạ xuống viết thứ văn chương chữ nghĩa hạ cấp, chính là tự tố cáo và tự sát về văn hoá. Ngoài ra công luận xã hội cũng không chấp nhận những người viết thứ văn chương hạ cấp vì tự trọng của tập thể cộng đồng quốc gia. Cho nên dù đời tư của J.P.Sartre ra sao đi nữa, những người thù ghét lập trường chính trị của ông không bao giờ khui đời tư của Sartre ra để đả kích, mạt sát ông. Nhưng VN chưa phải nước Pháp hay nhiều nước Âu Mỹ khác.

Nhóm Nguyễn Ngọc Giao chủ trương tờ Diễn Đàn ở Paris hiện nay, hồi còn làm tờ Đoàn Kết cũng thường phê phán chế độ trong nước. Phần viết bằng tiếng Pháp nói mạnh hơn phần viết bằng tiếng Việt. Nhưng những gì tôi nghe được từ dư luận hay trực tiếp từ một vài người lãnh đạo đảng về tờ báo đều xuất phát từ những bài viết bằng tiếng Việt. Lúc đó, tôi nghĩ một số ít đọc được bài bằng tiếng Pháp am hiểu chút ít văn hoá Pháp không thể có thái độ trí thức như những người chỉ có thể đọc bài tiếng Việt.

4. Lựa chọn một loại diễn từ

Bài viết là một diễn từ. Có hai loại diễn từ chính. Loại thứ nhất nhằm trình bày một vấn đề làm sao tới gần được chân lý khách quan của thực tại hiện nay hay lịch sử. Loại diễn từ nầy trong ý hướng viết không phải để gửi cho mọi giới độc giả mà cho các độc giả thuộc nhiều giới văn hoá, xã hội, chính trị, tôn giáo khác nhau, đôi khi đố kỵ oán ghét nhau với hi vọng độc giả vượt khỏi những hạn chế, hạn hẹp lối nhìn của giới mình để tiếp xúc với tác giả theo lương tâm, trí thức riêng của mình. Một ý hướng viết như vậy dĩ nhiên đưa đến nhiều ngộ nhận, chống đối đả kích, vì người đọc chỉ phản ứng theo giới mình, chẳng những không tìm thấy lối nhìn của giới mình qua tác giả mà còn thấy lối nhìn của giới mình bị phê phán xúc phạm, nhất là trường hợp tác giả thuộc một giới khác, một giới bị mình đố kỵ oán ghét.

Loại diễn từ thứ hai nhằm mục đích tìm ra những giải pháp cho một vấn đề đặt ra trong một trường hợp cụ thể. Loại diễn từ nầy đòi hỏi người viết những điều kiện khác hẳn thiết yếu liên hệ tới những người thuộc một giới hay những giới chính trị,xã hội, tôn giáo mà người viết muốn nêu vấn đề và đề nghị giải pháp. Như vậy, người viết buộc phải chấp nhận trân trọng những người mình muốn nói với, bất kể họ thế nào; nếu họ thuộc giới người đang cầm quyền, phải tỏ ra trân trọng quyền hành của họ, không thể một mặt nêu vấn đề, đề nghị giải pháp, đồng thời mặt khác làm như thể không thèm nói với những người mình muốn người ta chấp nhận giải pháp đề nghị và đem ra thực hiện, thậm chí còn bày tỏ thái độ khinh miệt hoặc hạch tội người ta. Thực ra, loại diễn từ nầy cũng nhằm nói với người đọc như cá nhân đọc theo lương tâm trí thức của họ vượt ra khỏi những hạn chế hay lối nhìn quan điểm của họ. Nhưng làm sao người đọc là một vài cá nhân có thể được thuyết phục và sau đó thuyết phục những người khác trong giới của họ nếu trước hết, người viết không chứng tỏ tư cách trí thức của mình để được họ phải lắng nghe,theo dõi những phân tách luận điểm trình bày của người viết?

Phân tách, đưa ra luận điểm của người viết không phải để phê phán đả kích những lệch lạc, sai trái, mà trình bày những hình thành, diễn tiến xã hội hay lịch sử thế nào rút cục đã đưa đến tình trạng lệch lạc, sai trái mà người đọc có thể cũng nhìn nhận giữa họ với nhau. Nói cách khác, giải thích một đường lối chủ trương có thể tốt do thiện chí thuở ban đầu tại sao bây giờ lại thế nầy.

Sự phân biệt hai loại diễn từ rất quan trọng, ví dụ những người giới Phật giáo phê phán gay gắt chế độ ông Diệm là Công giáo trị nhằm tạo đoàn kết lương-giáo mà không đếm xỉa đến người Công giáo, kể cả những người Công giáo của ông Diệm có thể chấp nhận đối thoại, đoàn kết được.

Từ 1955 đến 1975, tôi lựa chọn loại diễn từ thứ nhất. Tôi chỉ bận tâm nêu vấn đề hay đúng ra là đặt lại vấn đề, đưa ra những nhận định, phân tích, phê phán nhằm gởi tới độc giả thuộc các giới chính trị, xã hội, tôn giáo khác nhau, đọc theo lương tâm trí thức của họ, bất chấp những chuyện nhạy cảm của những giới mà tôi đụng tới. Do đó, thật dễ hiểu tôi gặp chống đối từ phía những người đọc theo giới của họ. Tôi không thấy phiền hà gì trước những những phản ứng chống đối, vì tôi đã biết trước không thể tránh được. Tôi vẫn nghĩ tôi không viết làm gì nếu không buộc được người đọc phản ứng – phản ứng thế nào cũng được, miễn là có phản ứng, và tôi coi như thế là đạt được ý định viết vì đã gợi mở điều kiện để người đọc theo lối nhìn quan điểm của giới mình phải bộc lộ quan điểm của giới họ.

Sau 1975, tôi không còn điều kiện viết những vấn đề liên quan đến thời cuộc và nói chung, trừ một hai bài viết đăng trên báo chí công khai gây phiền hà cho những người phụ trách điều hành, tôi giữ im lặng. Tuy nhiên tôi vẫn viết và viết nhiều theo loại diễn từ thứ hai. Không phải tự ý viết mà được yêu cầu viết. Tôi viết cho hai giới: giới công giáo và giới đảng, nhưng không phải cho tất cả cho mọi người trong hai giới đó, mà chỉ một số người. Một vài vị lãnh đạo cơ quan đảng đề nghị tôi làm những phân tách kèm theo những biện pháp về một số vấn đề như phải tiếp thu thế nào những trào lưu tư tưởng Tây phương (hiện sinh, cấu trúc), chính sách đối với trí thức cũ, đối với các tôn giáo, đặc biệt công giáo… và đòi hỏi viết theo lối nhìn, quan điểm của tôi. Nói cách khác, tôi vẫn có thể nói thẳng, nói thật những điều muốn nói. Những bài viết cũng theo yêu cầu chỉ để phổ biến hạn chế, lưu hành nội bộ trong giới lãnh đạo. Về công giáo, tôi viết cho một số trí thức, linh mục, và hạn hẹp hơn cho một vài giám mục, đặc biệt Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã đề nghị tôi làm consultant riêng từ 1975 đến 1995. Ngoài ra, tôi cũng có viết một công trình nghiên cứu thuần tuý văn hoá VN không liên quan gì đến thời cuộc, nên không đụng chạm đến lối nhìn riêng của mọi giới. Những công trình nầy đến nay chưa xuất bản được cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi xuất bản được, nếu có phản ứng, có thể sẽ chỉ là những góp ý mà thôi.

Chứng từ

Trước hết, xin giới thiệu bài “Trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa về Đại học hè Đà Lạt của tôi, và bài “Đại Học Đalat và kỷ niệm xa xưa” của Nguyễn Tiến Đức, hiện là giáo sư ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Ông đã là tham dự viên của hai Đại học hè Dalat 1959, 60.

Mấy năm ở Huế là thời kỳ có nhiều kỷ niệm đẹp nhất của đời tôi trong đại học và ngoài đại học. Nhưng điều xảy ra cho tôi cũng là những điều xảy ra cho người xứ Huế, rút cuộc tự ý hay bắt buộc phải bỏ Huế, và như vậy Huế không phải là nơi để ở mà là nơi để nhớ thương. Người được coi là ngôi sao sáng của Đại Học Huế đã buộc phải bỏ Huế, đúng hơn nữa bị đuổi ra khỏi Đại Học Huế (Dòng Việt trang 143-6 và Lê Thanh Minh Châu trong «Nhớ Đại Học Huế», Tiếng Sông Hương, Dallas 1998). Ai đuổi và tại sao, sự kiện ra đi của tôi đã gây những dư luận tai tiếng quái ác vẫn được nhắc đến như một bằng cớ để đả kích, mạt sát tôi cho đến hôm nay, mà tôi có dịp sẽ nói sau.

Sau đó, xin giới thiệu hai bài trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp năm 1990. Đó là bài phỏng vấn của một nữ sinh viên Pháp gốc Việt làm luận án tiến sĩ về đề tài: Người VN du học tại Pháp; và bài trả lời người đại diện tổ chức phi chánh phủ France Libertés do bà Tổng thống Danielle Mitterand đứng đầu, nói về văn hoá Tây phương, nhân một dự định đi Âu châu không thành.

Qua các bài phỏng vấn, tôi nói về nguồn gốc đào tạo, vốn văn hoá tôi tiếp thu được trong thời du học ở Âu châu. Những ai đã ở Âu châu, Pháp hay ở VN am hiểu văn hoá Âu châu, Pháp đều dễ dàng nhận ra nguồn gốc đào tạo tiếp thu khi đọc những gì tôi viết bằng tiếng Việt, đặc biệt liên quan đến vấn đề giao lưu, chuyển dịch, đưa những lối nhìn khái niệm từ bên ngoài vào văn hoá, văn học, hoàn cảnh xã hội VN. Nhưng rất tiếc tôi ít được phê bình đùng đắn do những người am hiểu, có trình độ như Tam Điểm đã phê bình Ca tụng thân xác, về khả năng thực hiện văn hoá giao lưu kể trên. Phần lớn các bài phê bình đều có tính xuyên tạc, chụp mũ, vu khống, do những người cầm bút học hành dang dở. Nhưng bây giờ đọc lại những bài phê bình thuộc loại đó, tôi nhận ra tôi cũng có trách nhiệm phần nào vì tôi đã chưa thoát, chưa chuyển hoá hoàn toàn lối nhìn, phương pháp khái niệm Tây phương vào văn hoá VN một cách sáng tạo làm cho những người kém am hiểu văn hoá Tây phương không thể nhận ra nguồn đào tạo, vốn tiếp thu từ bên ngoài, như trường hợp Hồ Biểu Chánh mà tôi đã nhận ra trong công trình tìm hiểu văn học miền Nam. Tiểu thuyết nào của Hồ Biểu Chánh lấy chất liệu cảm hứng từ nhà văn Pháp, mà nếu người đọc không am tường văn hoá Pháp sẽ tưởng rằng đó là những tác phẩm hoàn toàn Hồ Biểu Chánh.

Khi nói viết cho những độc giả đọc theo lương tâm trí thức của mình, không phải cho các giới tôn giáo, chính trị, xã hội, thực ra tôi đã theo cách phân biệt của J.P. Sartre, viết cho des lecteurs chớ không phải cho le public. Vì thế tôi không để ý đến phản ứng của các giới, đôi khi còn chọc giận các giới, bất kể là Công giáo, Phật giáo, Cộng sản…mà tôi cho là bảo thủ, lạc hậu, chật hẹp, vì chỉ biết tìm mình qua kẻ khác: tìm được thì khen, không tìm được thì chê. Tôi có nhiều kinh nghiệm về điều nầy. Chẳng hạn như Giám mục Phạm Ngọc Chi ra Huế chất vấn Linh Mục Cao Văn Luận tại sao mời tôi là kẻ rối đạo dạy học (chuyện này do LM Luận kể lại với tôi), nhưng khi Hội đồng giám mục trao lại quyền điều hành cho các linh mục người ngoại quốc thì đã bị nhiều phản đối mà GM Chi là bị nhắm vào. Tôi tích cực chống lại quyết định đó tại tòa khâm sứ và đã góp phần vào việc bải bỏ quyết định trên. Đức cha Chi lên tận nhà tôi bày tỏ lòng cám ơn: bây giờ mới hiểu thầy là người tha thiết bênh vực quyền lợi giáo hội Việt Nam.

Tôi đã viết đâu đó trước 75, tự coi mình là người không xếp hàng ngay cả với những người không xếp hàng, do đó tôi không quan tâm đến những chống đối và coi đó là đương nhiên. Tôi có ý định tích luỹ nội dung những hình thức chống đối làm chất liệu suy nghĩ thành sách vè đề tài: Sự ngộ nhận giữa người với người qua chữ viết.

Sau 75 tôi không thể viết cho những độc giả đọc theo lương tâm trí thức của mình, nhưng lại có dịp đưa tôi trở lại cảm thông chia sẻ lối sống, cảm nghĩ của những người thuộc các giới xã hội, tôn giáo mà trước đây tôi không lưu tâm, coi thường vì cho là bảo thủ, lỗi thời, chật hẹp… Hồi ở Sở Công An Thành phố (Nha Cảnh Sát Đô Thành trước 75), ban sớm mai, thỉnh thoảng tôi mới nghe được tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng về, rất nhỏ, không rõ từ nhà thờ nào gần đó. Tôi bỗng thấy thèm muốn đi xem lễ ở nhà thờ của những đám đông giáo dân mà trước đó tôi thường xa lánh, bởi ưa đi xem lễ nơi các nhà nguyện ít người, phần đông là trí thức… Rồi một ban sáng khác, tôi được nghe tụng kinh Phật, giọng miền Trung, từ một cachot nào đó, giọng thật truyền cảm của ông đại uý chồng cũ của đào Thanh Nga. Ông bị tình nghi có dính líu tới vụ sát hại vợ ông! Tôi không hiểu lời kinh, nhưng chỉ nguyên giọng tụng niệm đã đưa tôi vào tình tự Phật giáo mà tôi không tìm được qua các sách báo Phật giáo mà tôi đã đọc. Sau khi được thả, tôi thường đi lễ sớm ở các nhà thờ họ đạo. Tôi đến chùa Ấn Quang nhờ các nhà tu quen biết gốc miền Trung tìm dùm các băng cassette bài kinh, nhưng ít ai dám thu băng vào thời nầy. Mãi khi sang Bắc Mỹ, tôi mới tìm được.

Tôi nhớ đã được xem một phim trong đó có cảnh Chúa đang bị đóng đinh trên thập tự giá nhưng còn muốn làm tình với mấy người đàn bà, gây xúc động, phản đối trong số khán giả Ki-Tô giáo. Tôi không tán thành lối sáng tác nghệ thuật dành cho những khán giả xem với lương tâm trí thức của họ, bất chấp những nhạy cảm của tôn giáo mà xét về một mặt, phải tôn trọng ngay cả những niềm tin, lối sống đạo truyền thống bị coi là bảo thủ. Tôi muốn hỏi những người viết truyện, đóng phim kể trên, giả sử họ có những bà mẹ, người chị vẫn còn giữ đạo theo lối truyền thống có đau lòng không khi xem phim của họ, và nếu có, họ có dám xúc phạm đến những người mẹ người chị của họ hay không?

Cũng trong tinh thần đó, tôi không tán thành lối viết xúc phạm đến tôn giáo của nhà văn Salman Rushdie khi ông trả lời phỏng vấn mà có lẽ trước 75 tôi thích thú: Phép lạ thực sự của văn học là nhờ văn học, chúng ta không thuộc về ai cả, không ai chiếm đoạt được chúng ta. Trách nhiệm duy nhất của chúng ta là nói lên điều chính chúng ta thấy cần phải nói. Những người không ưa chúng ta chỉ việc tìm đọc sách khác. (Le Nouvel Observateur, số 1682, tháng 9/1996, tr.50)

Trong bài trả lời phỏng vấn liên quan đến văn hoá Tây phương, tôi gợi ý việc tìm hiểu nguồn gốc tư tưởng Marxisme, Léninisme xuất phát từ triết học. Ánh sáng cách mạng Pháp, xu hướng 1793 mang tính chất chống tôn giáo, giáo sĩ trị… đã có những hậu quả tai hại thế nào về văn hoá, chính trị, và đặc biệt đã có những hạn chế nào trong lãnh vực văn hoá do tình trạng độc quyền văn học của văn hoá Pháp ở VN, một nước thuộc địa của Pháp. Mấy ý nầy tôi đã khai triển hơn trong một buổi nói chuyện về phương pháp luận cho lớp chuẩn bị tiến sĩ của trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh. Chị Tôn Nữ Nha Trang, một Việt kiều ở Mỹ, làm luận án về văn hoá VN có mặt trong buổi hội thảo. Tôi đã nhờ chị trả lời câu hỏi: Giả sử VN bị người Anh thay vì bị người Pháp đô hộ thì nền văn học VN có đi vào một hướng khác, ảnh hưởng đến tư tưởng cách mạng chính trị, vì nước Anh không có một truyền thống giống nước Pháp. Bài nói chuyện nầy sau đó đã được đăng trong tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác chủ biên, tựa đề là: «Khái niệm và thể loại văn chương» (Văn Học số 100, tháng 8/1994).

VN vì chịu sự khống chế của nền văn hoá Pháp nên kể như không có giao lưu văn hoá với văn hoá văn học khối Anglo-Saxon và cả văn hoá Nga. Chỉ về sau, dưới chế độ Cộng Sản, văn hoá Nga qua văn hoá Liên Xô mới du nhập VN do các sinh viên du học hay đọc sách báo Nga tại VN. Văn hoá Nga không có truyền thống chống tôn giáo, trái lại dựa vào tôn giáo, đặc biệt về văn học và ngôn ngữ học. Sự tiếp thu văn hoá Nga đã tạo điều kiện cho trí thức VN có dịp tìm hiểu văn học, ngôn ngữ VN qua mảng văn học bình dân, đại chúng là mãng quốc ngữ và nôm đạo từ thế kỷ 17, trong khi trí thức ở Saigon trước 75 hay ở Pháp chỉ được thông tin bằng tiếng Pháp qua các nhà văn hoá ngôn ngữ Đông Âu. Với những lối tiếp cận từ nền văn hoá Nga, tôi đã khám phá ra mảng văn học đại chúng dân gian của người công giáo VN. Mảng văn học đó chứng minh một cách không thể chối cãi người Công giáo đã là VN qua các kinh sách tuyên vận bằng chữ nôm ngay từ thuở ban đầu đạo Chúa du nhập VN từ thế kỷ 17. Điều trớ trêu là một số trí thức Công giáo chuyên về ngôn ngữ và văn học và một số trí thức từ miền Bắc vào cùng nhau nghiên cứu tiếng Việt dựa vào vốn tài liệu quốc ngữ đạo và nghiên cứu mảng văn học đại chúng Công giáo, đều nhìn nhận và ca tụng một số văn bản đặc sắc nhất của mảng văn học đó.

Nói tóm lại, quãng từ 1985, tôi bắt đầu lưu tâm tìm hiểu một cách trân trọng tâm tình giới Công giáo được biểu lộ qua các tài liệu nôm, quốc ngữ.Tôi đã viết được một số công trình biên khảo cho tất cả giới Công giáo đọc, không phải chỉ cho một số độc giả đọc theo lương tâm trí thức của họ và cho các giới khác đọc, đặc biệt cho giới còn chịu ảnh hưởng lối nhìn cách mạng Cộng Sản, còn rất nhiều thiên kiến đố kỵ người Công giáo.

Chính trong ý định viết cho các giới đọc, đặc biệt để nói với giới còn nhiều thiên kiến đố kỵ với Công giáo, và đề ra giải pháp và cùng với họ tham gia thực hiện giải pháp bằng một vài việc cụ thể mà tôi đã biên soạn một số công trình về «Công giáo trong cộng đồng dân tộc». Nhưng cuối cùng mọi việc đều dang dở, chưa thực hiện được trọn vẹn. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu những lý do và những phiền hà tôi đã gặp, hỏi ngay những người có thẩm quyền trực tiếp liên hệ vẫn không được trả lời. Tôi nghĩ rằng có chuyện nội bộ trong cuộc tiến hành đổi mới và những việc làm được yêu cầu, đề ra ở cấp cao như Ban kinh tế Trung ương Đảng, nhà xuất bản Sự Thật của Trung ương Đảng, Ban Tôn giáo chính phủ…; về phía công giáo, Tòa Tổng giám mục, một số linh mục quản hạt, chính xứ, không được lòng nhà nước. Hai năm sau, một biên soạn khác cũng về đề tài Công giáo được thực hiện, có lẽ vì ở cấp dưới và chỉ có một cấp đại học.

Bên cạnh bài trả lời về văn hoá Tây phương, tôi xin nói qua về một vài thư từ qua lại (không đầy đủ), giữa ông Võ Oanh, Trưởng ban kinh tế Trung ương Đảng, ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật ở miền Nam, và tôi. Gốc gác của những liên hệ giao dịch qua hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An. Tôi quen biết một số vị ở miền Bắc như Võ Oanh, Thép Ma (đã qua đời), Thiết Vũ qua hội nầy. Tôi liên lạc với bạn bè ở Pháp, đặc biệt anh Nguyễn Đức Nhuận, viết cho Le Monde Diplomatique về VN, trước 75, có thời anh về nước dạy Triết ở Đại học Văn Khoa Saigon. Anh Nhuận có cho tôi biết danh tánh của một số trí thức Pháp đã can thiệp cho tôi ra khỏi tù và đề nghị tôi viết thơ cám ơn họ. Qua anh, tôi liên lạc được với các tổ chức phi chánh phủ và gởi cho tôi những sách báo về kinh tế, lịch sử, chính trị, triết học, tôn giáo… Tôi cũng nhận được tạp chí Esprit mà tôi có gần đủ bộ trước 75.

Về đề nghị của nhà xuất bản Sự Thật, bạn bè ở Paris cho biết họ muốn có những tín hiệu cụ thể về quyết tâm đổi mới trong lãnh vực khoa học, tôn giáo. Do đó ông Nguyễn Linh đề nghị tôi biên soạn để xuất bản một quyển sách về tôn giáo. Tôi nói với ông Nguyễn Linh nếu thực hiện được một tọa đàm về quyển sách nầy một cách nghiêm chỉnh thì đã là một tín hiệu đáng tin cậy rồi. Tôi sẽ nói sau về nội dung cuốn sách và buổi tọa đàm nầy. Tôi nghĩ rằng có thể buổi tọa đàm nầy là nguyên nhân làm ngưng trệ các cố gắng «đổi mới hay là chết» vào thời đó.

Trong buổi tọa đàm nầy, những trí thức do tôi mời đều dè dặt, ít nói, nhưng những người của nhà xuất bản Sự Thật có người phát biểu mạnh bạo về đòi hỏi đổi mới. Nói cho đúng, ở VN, bên nầy hay bên kia sử dụng những cặp đối lập tiến bộ/bảo thủ, tả/hữu về chính trị có lẽ không xác thực, vì những đối lập đó thiếu cơ sở về giai cấp xã hội mà chỉ có những tranh giành quyền hành chính trị giữa các phe nhóm. Tôi biên thư cho ông Vỏ Oanh không được trả lời, sau đó ông nhờ người vào nói với tôi rằng thư từ giữa ban bí thư cũng bị kiểm duyệt, và ông Võ Oanh bị khó khăn vì bị nghi theo phe nầy phe nọ.

Củng có khó khăn phức tạp về nhiều thể chế chồng chéo ít nhiều có quyền hành, đảng, chính phủ, mặt trận, công đoàn. Những việc liên quan đến tôn giáo thường phải thông qua Mặt trận, Ủy ban Đoàn Kết. Việc chúng tôi cộng tác với nhà xuất bản Sự Thật, Ban tôn giáo của chính phủ thực sự qua Mặt Trận, bộ phận phụ trách tôn giáo lại làm công khai, lộ liễu. LM Nguyễn Hưng có đóng góp vào bản thảo của tôi, đứng ra vận động các linh mục góp tiền, vàng trong kỳ cấm phòng hàng tháng của các linh mục để in, được phép và có sự cổ vỏ của TGM Nguyễn Văn Bình. Khi tôi bị Công an kêu lên làm việc vài buổi không hề nhắc tới những vi phạm đó mà chỉ yêu cầu tôi giải thích nguồn gốc, diễn tiến sự việc như thể tôi chủ động và buộc tôi đi thu hồi các bản thảo in ronéo nội dung buổi tọa đàm. Họ chỉ yêu cầu về phía tôi mà không đụng gì đến phía nhà xuất bản Sự Thật, vì chắc nhà Sự Thật không phổ biến, trong khi bạn bè tôi đã chuyền cho nhau đọc, đem photocopie ra, và như vậy là đã vi phạm qui định phổ biến hạn chế, lưu hành nội bộ.

Bây giờ nhìn lại chuyện hồi đó, nếu chúng tôi thận trọng tuân giữ một số qui định, mặc dù không đồng ý như tôi nói trong bài phỏng vấn, có thể cuốn sách đã được xuất bản trong thời điểm đổi mới còn sôi nổi, chưa có những biến cố Ba Lan, Đông Âu, và có thể có những vang dội trong nước lẫn ngoài nước. Ngày nay, nếu có xuất bản, nhiều phần đã trở nên lỗi thời và chỉ còn để ghi lại một cố gắng đổi mới về tư tưởng tôn giáo đã thất bại.

Giáo sư Luguern, người phụ trách tổ chức France Libertés ở khu vực Đông Nam Á đã đề nghị tôi cho phép đăng bài phỏng vấn trên báo Pháp. Tôi không thuận vì tôi không muốn tạo cơ hội cho những ai ở hải ngoại chống chế độ tại VN: một trí thức như ông Nguyễn Văn Trung, ở lại VN, đã sẵn sàng đáp lại lời yêu cầu của chính giới lãnh đạo cao cấp, nhưng rốt cuộc chẳng làm được điều gì ra hồn và chỉ chuốc lấy những phiền hà, thế thì những người ỏ nước ngoài hi vọng làm được gì đáp lại lời kêu gọi VN tham gia xây dựng đất nước!

Cũng trong thời gian nầy, giáo sư Phan Công Chánh, dạy Triết ở Đại học San José về thăm nhà, ngỏ ý nhờ tôi thực hiện một vidéo giới thiệu những công trình nghiên cứu văn hoá VN từ 75. Nhưng rồi trước khi GS Chánh trở lại Hoa Kỳ, tôi đã yêu cầu giáo sư huỷ bỏ băng vidéo cũng vì lý do như trên.

Nói chung, tôi đã không lên tiếng, trả lời phỏng vấn hay cậy nhờ cơ quan nầy tổ chức nọ can thiệp vào những khó khăn thử thách mà tôi đã gặp từ 75 cho đến nay (năm 2000) để giới lãnh đạo phải trực diện với những gì đã xảy ra mà không thể mượn cớ, dựa vào bất cứ lý do ngoại tại nào nhằm biện hộ cho những việc làm dang dở, thất bại, và do đó phải nhận trách nhiệm về phần mình.

Bây giờ, có phổ biến công khai bài phỏng vấn chỉ là để nhắc lại một sự kiện đã qua trên 10 năm để đáp lại lời yêu cầu của GS Luguern và để các độc giả người Việt nói tiếng Pháp thuộc thế hệ trẻ có thể biết được.

5. Lựa chọn một thái độ trí thức

Nói về người trí thức và thái độ trí thức, vẫn thường có những phát biểu tranh luận bày tỏ những cách hiểu khác nhau. Tôi tôn trọng cách nhìn của giới khác. Phần tôi, tôi có cách hiểu người trí thức và biểu lộ thái độ trí thức theo lối nhìn của tôi. Có người không đồng tình phê phán và tôi tôn trọng quyền phê phán đó.

Tôi hiểu người trí thức không nhất thiết phải là người có kiến thức tiếp thu được ở nhà trường cấp đại học hay hậu đại học vì có những người có những kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách báo, kinh nghiệm tiếp xúc… Thực ra điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức mà là thái độ trí thức đối với chính cái vốn kiến thức và nhất là đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra.

Trong gần 50 năm cầm bút, tôi đã bày tỏ nhiều lần ý kiến của tôi về vấn đề người trí thức và thái độ trí thức, chẳng hạn viết bài phân tách «Sứ mệnh người trí thức», sau đó là bài «Đọc cuốn Đi tìm một căn bản tư tưởng của ông Nghiêm Xuân Hồng» (Nhận Định 2), bài «Người vong bản trí thức», trong Nhận Định 3).

Hồi 1966, viết bài phỏng vấn của nhật báo Xây Dựng ngày 8-8-1966 mà tôi nhắc lại ở đây trong phần Chứng từ. Sau 1975, tôi viết một bài dài đáp lại yêu cầu cho biết ý kiến về chính sách đối xử với trí thức chế độ cũ. Trong bài phân tách nầy, tôi đã sử dụng lý luận của một vài người thiên tả hay Mác xít như Paul A. Baran và A. Gramsci (1980). Tôi sẽ nhắc đến bài nầy trong phần 2 (1975-1995) của tập Nhìn lại những chặng đường đã qua. Năm 1993, tôi lại nói về trí thức, lần nầy chú trọng vào người trí thức trong đảng Cộng Sản (đảng có trí thức hay không) trong bài viết đáp lại cuộc tham khảo ý kiến một số trí thức thành phố về đổi mới, trí thức.

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, ở đây chỉ xin nhắc tới 10 tập Nhận Định, trong đó 6 tập đã xuất bản trước 1975, 3 tập viết trong thời 1975-1995, chưa xuất bản được và tập 10 (1994-1998) gồm một số bài viết ở nước ngoài và trong thời gian về nước.

Vào những năm cuối cùng trước 1975, tôi viết mục Bút ký hằng tuần cho nhiều nhật báo: Tin Sáng, Hòa Bình, Dân chủ mới… Loạt bài nầy khá nhiều, chưa được gom lại xuất bản trong Nhận Định trước 75, và chính loạt bài nầy mới bộc lộ rõ hơn cả một thái độ trí thức đối với thời cuộc. Thái độ trí thức được bày tỏ trong các tập Nhận Định đúc gọn như thể một tuyên ngôn đăng nơi trang bìa 4 của tất cả các tập Nhận Định :

Triết lý là một nỗ lực nhận thức về cuộc đời. Nhưng bởi cuộc đời là một thực tại vô cùng phong phú, sống động và con người luôn luôn phải sống ở một vị trí nhất định mà nhìn cuộc đời cho nên ý hướng nhận thức của người bao giờ cũng chỉ lãnh hội được một vài khía cạnh trong muôn ngàn của cuộc đời đó.

Như thế cuộc đời toàn diện, chân lý tuyệt đối trở thành một nhãn giới mà con người càng vươn tới, nhãn giới càng lùi xa… Và triết lý có nghĩa đi tìm hơn là tìm thấy. Đó không phải là lý do để thất vọng, vì nếu sự thật đã tìm thấy, sẽ không cần đi tìm nữa, đằng khác cái say mê cũng không phải hẳn ở chỗ tìm thấy nhưng ở chỗ đang tìm.

Trong viễn tượng đó, không nên đưa ra những phán đoán thanh toán vấn đề, chấm dứt cuộc tìm hiểu, nhưng chỉ nên có những Nhận Định, nhận những ý kiến đề nghị để trao đổi, đối thoại với những bạn đường khác cũng đang đi tìm một mình.

Ở cái thời độc tài, bạo động chia rẽ vì ai cũng cho mình nắm được chân lý toàn diện, thiết tưởng cần đề cao sự hoài nghi, phản kháng và gặp gỡ, trao đổi, đối thoại.

Tác giả muốn đứng ở phía những người yêu chuộng sự trao đổi đó.

Điều tôi thực sự lo ngại xảy đến cho tôi là sự lão hoá trong sinh hoạt suy tưởng. Lúc còn trẻ, tôi biết một số đàn anh vào tuổi 60,70 đã trở thành bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời mà không hay, vì những người thuộc các thế hệ đàn em kính trọng tuổi già không dám nói ra ngay trong chỗ riêng tư. Bây giờ tôi ở lứa tuổi 70, tôi cũng thấy một số người cùng lứa tuổi đã lão hoá trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tôi tự hỏi: còn tôi thì sao? Tôi mong được các người cầm bút thuộc các thế hệ đàn em nói thẳng với tôi. Tuy nhiên, một cách chủ quan, tôi cảm thấy chưa đi vào xu hướng lão hoá về tư tưởng một cách nghiêm trọng, có lẽ vỉ hai lý do sau đây :

Tôi tra hỏi cuộc đời, nhưng cuộc đời của tôi cũng xuất hiện như một tra hỏi không ngừng. Trong chủ trương tiếp cận với thực tại, tôi cho rằng chỉ có thể từ một vị trí và do đó chỉ có thể nhìn thấy một khía cạnh của thực tại. Nếu thay đổi vị trí sẽ nhìn thấy một khía cạnh khác và không bao giờ lãnh hội được thực tại một cách toàn diện, hoàn tất. Lối nhận thức đó đưa tới một quan niệm tương đối về chân lý và một thái độ khiêm tốn không bao giờ được tự cao, tự mãn.

Những nhận định từ những cái nhìn theo khía cạnh liên tiếp được đề nghị với người khác như bạn đường để gợi ý, thúc đảy họ thực hiện cuộc hành trình tư tưởng của chính họ. Ngay cả tư thế người dạy học, tôi vẫn cố gắng tránh sự áp đặt. Chị Hồng Khắc Kim Mai, một sinh viên cũ, gần đây có cho tôi biết một sự việc. Tôi đã cho điểm cao bài thi của chị, và chị đã hỏi tôi tại sao. Chị đã thuật lại câu trả lời của tôi lúc đó: Mấy đứa kia trả bài như con vẹt, đôi lúc còn hiểu sai và xuyên tạc nữa. Còn cô ít nhất cô đã tỏ ra honnête, không học bài và đã trám vào bằng một câu chuyện với những lý luận không ra gì nhưng mà hay. Ít nhất cô cũng biểu lộ được một cá tính đặc biệt.

Tôi hay qui tụ bạn bè cầm bút thực hiện một công trình chung, như ra một tạp chí. Trong trường hợp nầy, chẳng qua cũng như trải ra một chiếc chiếu, ngồi chung với nhau trên một đồng thuận nào đó, vào một thời điểm nhất định trong tinh thần tôn trọng những xác tín, lựa chọn cụ thể của từng người. Sự qui tụ đó không có nghĩa một mưu đồ thành lập nhóm nầy nhóm nọ, để xưng tụng lẫn nhau. Tôi nhìn nhận có những người trẻ hơn, chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng và lối viết của tôi, nhưng tôi không bao giờ xem họ là đồ đệ. Họ trưởng thành và đôi khi cũng bày tỏ công khai những phê phán, chứng tỏ họ đã vượt qua các đàn anh của họ. Tôi vẫn đặc biệt ghi nhớ và hãnh diện 6 số Sinh Viên do những người đã tốt nghiệp đại học thực hiện vào những năm 1966-68 ở Saigon, nhất là số 6, số chót dành cho việc phê phán các đàn anh của họ về triết học, lập trường xã hội, do những cây bút trẻ sinh viên thời đó: Trần Triệu Luật, Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Trọng Văn…

Tự bản thân tôi, tôi luôn bất mãn với những gì mình viết ra, thích thú trong việc đi tìm khai phá hơn là tìm thấy và an nghỉ trong những cái đã tìm thấy. Vì vậy, nếu không có đồ đệ để được xưng tụng, làm sao có thể bám víu vào quá khứ để trở nên lạc hậu lỗi thời?

Nhưng lý do quan trọng hơn là số người cầm bút điểm sách, phê bình tỏ ra có hiểu biết, và nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh thật ít so với đa số thích đả kích, mạt sát, chửi rủa đôi khi quá thậm tệ… Một vài người khác cũng có thái độ tương tự Mai Thảo, thường không bị một niềm tin, xác tín tôn giáo hay ý thức hệ nào chi phối. Trái lại, tôi thực sự gặp chống đối, phủ nhận nơi những người phê bình Nhận Định thuộc giới những người có niềm tin tôn giáo (Công giáo hay Phật giáo) hay ý thức hệ Mác xít, vì không thể chấp nhận một thái độ trí thức dựa trên quan niệm tương đối về chân lý. Nhận Định I tái bản đến lần thứ tư, tôi đã bỏ bài «Từ bi Phật giáo, Bác ái Công giáo» đã in trong lần xuất bản đầu tiên, vì sự chống đối của Phật giáo, chẳng hạn qua bài «Đạo Phật không có từ bi?» hay của Đường Minh trong tạp chí Nhân Loại, cả sự chống đối của Công giáo qua bài kiểm thư của tạp chí Ra Khơi, tháng 1,2/1958, cơ quan ngôn luận in ronéo của Đại Chủng Viện Bùi Chu.

Nhận Định 2, tái bản lần thứ ba, gặp sự chống đối mãnh liệt của Hà Nội sau lần xuất bản đầu tiên về văn học và triết học Mác xít qua các bài của ông Nguyễn Văn Hoàn và cuốn sách của ông Trần Văn Giàu (Nhận định về quyển Nhận Định, một tác phẩm duy linh nhân vị nhằm xuyên tạc chủ nghĩa Mác xuất bản ở miền Nam (nhà xb Sự Thật, Hà Nội, 1962).

Nhận Định 4 tập trung các bài về chủ đề Chiến tranh, Hòa bình, Cách mạng. Qua bài «Đọc Nhận Định 4 của NVT» của Tam Thanh, đăng trong tạp chí Trí thức mới số tháng 6 (12/1966), xuất bản trong khu. Bài nầy nhẹ hơn so với bài của Trần Văn Giàu và các tác giả ngoài Bắc. Tôi sẽ trở lại những phê bình của giới Cộng Sản trong một chương sau.

Sau đây tôi xin giới thiệu hai bài điểm sách về Nhận Định 1 mà tôi xem là đã hiểu đúng ý hướng, chủ đích viết Nhận Định của tôi.

Nhận Định của Nguyễn Văn Trung (Nguyễn Du xuất bản)

Gồm những bài đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Bách Khoa, Gió MớiThông Cảm (cơ quan của một nhóm sinh viên Công giáo), tập sách trình bày một số vấn đề văn chương, giáo dục, triết lý và tôn giáo, theo nhận định riêng của tác giả. Điều nầy được ghi rõ trong lời mở đầu: biểu lộ một nỗ lực giải quyết những thắc mắc của một người trong một hoàn cảnh riêng biệt của mình. Người đọc đã có một ý niệm rõ rệt về dụng ý của tác giả. Ông không thuyết phục, đòi hỏi một sự thống nhất quan điểm, cũng không có tham vọng xây dựng một phương pháp nhận định gương mẫu, duy nhất. Trái lại, ông chỉ chủ quan phân tích một số vấn đề trước hết thiết yếu đối với riêng ông và không chờ đợi gì hơn là sự thông cảm, sự chú ý, và những ý kiến chúng ta sẽ phát biểu về những vấn đề đó. Ý hướng triết học do quan niệm nầy được ông giải thích như một hiện tượng gắn liền với đời sống, và sẽ mất hết ý nghĩa khi tách rời khỏi đời sống. Triết lý thể hiện nỗi lo lắng tìm kiếm không ngừng, không nghỉ của con người.

Đó là một thái độ đúng. Và tiến bộ nữa. Chính nhờ có thái độ nầy tác giả có được một cái nhìn trong sáng, một lối nhận định linh động, trực tiếp về chân tướng và bản thể sự vật. Không phải do nơi kiến thức sâu rộng, học vấn uyên bác, mà bởi lòng chân thành nơi con người tìm thấy sự thực, phô diễn dưới muôn vàn hiện tượng khác biệt và giá trị tương đối. Lòng chân thành ở đâu, sự thực và chân lý ở đó. Tác giả đã có sự chân thành nầy khiến cho tác dụng của tập sách không nằm trong những ý được nêu ra, mà trong cái thái độ của người đã nêu ra những ý kiến đó. Một vài vấn đề khác biệt, lẻ tẻ đề cập đến những lãnh vực quá ư rộng lớn, chưa thể xác định được ở đây, một nhà triết học lỗi lạc, nhưng đã giới thiệu được với chúng ta một con người có một đời sống tinh thần phong phú, một niềm tin mãnh liệt và một căn bản vững vàng.

(Trích trong mục: «Qua các bộ môn văn nghệ», tạp chí Sáng Tạo).

Đọc sách

Ông Nguyễn Văn Trung, giáo sư Triết học thường cộng tác với các báo Sáng Tạo, Bách Khoa, Gió Mới với bút hiệu Hoàng Thái Linh vừa cho phát hành cuốn Nhận Định về một số vấn đề văn chương, triết. Ba cuốn sách trước ông đã soạn theo khuôn khổ mực thước của sách giáo khoa về triết học, giáo dục, tôn giáo. Cuốn Nhận Định nầy là cuốn sách thứ tư của Nguyễn Văn Trung xuất bản tại VN. cố gắng vượt ra ngoài phạm vi gò bó của loại sách giáo khoa kể trên.

Thật ra Nhận Định là tuyển tập những bài báo mà Nguyễn Văn Trung đã cho đăng trên các báo chí đô thành. Vì những bài báo đó bàn về đủ mọi vấn đề nên người đọc thoạt đầu hơi bỡ ngỡ không tìm thấy tính cách liên tục của cuốn sách. Nhưng đi sâu vào nội dung thì hẳn ta cũng tìm thấy sự nhất trí của tác giả. Dù đọc những bài báo về triết lý, giáo dục, hay tôn giáo, văn chương, ta vẫn thấy một con người Nguyễn Văn Trung duy nhất xuất hiện. Đó là một con người đùng trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội nên muốn nhìn bốn phía, muốn nhận đýnh cho rõ những hoàn cảnh bao quanh mình. Nhưng dù nhìn về trước mặt hay nhìn lại sau lưng, nhìn những người tuổi trẻ hay những vấn đề siêu hình, bao giờ NVT cũng đứng trên quan điểm triết gia công giáo, chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc những tư tưởng hiện tượng luận hiện đại.

Về giá trị của từng bài, từng chương trong cuốn sách, người đọc giữ lại một cảm tưởng tổng quát: có những bài có giá trị trung bình, nhưng cũng có bài xuất sắc. Những bài bàn về giáo dục của Nguyễn Văn Trung sẽ là những bài văn chóng tàn vì chúng liên lạc trực tiếp với những sự kiện có tính cách thời sự. Chúng sẽ bị thời gian vượt qua chẳng bao lâu. Trong bài so sánh Phật giáo và Công giáo, tác giả đã tỏ ra khe khắt với thuyết nhà Phật. Đó là một quan điểm cần phải xác định lại. Trái lại, loại bài về Cái nhìn, Tự tử, E lệ của NVT xứng đáng cho ta khuyên bên cạnh một nét son rất đậm. Đó là những bài khảo luận của một người am hiểu triết lý thực sự và cố gắng góp một phần tư tưởng vào lâu đài triết học. Qua những bài đó, ta thấy NVT có một lập luận vững chắc, một lập trường cởi mở, nhân bản.

Nhận xét một cách tổng quát, ta vẫn phải nói rằng cuốn Nhận Định của Nguyễn Văn Trung là một cuốn sách có giá trị. Giá trị của cuốn sách và cố gắng của tác giả càng đáng đề cao hơn nữa trong tình trạng văn hoá hiện tại, khi mà sách vở triết lý quá hiếm hoi đến nỗi có những người vốn làm hề mà dám viết nên những cuốn sách triết lý để lòe bịp người đời.

Nguyễn Linh

(trích: Gió Mới, 20/1/1958)

Văn bản do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh đánh máy theo bản viết tay của tác giả và gửi cho Văn Việt. Bài cũng đã đăng ngày 04/09/2007, trang web Thông Luận.

Comments are closed.