Phạm Nguyên Trường
218. First World – Thế giới Thứ nhất. Thuật ngữ “Thế giới thứ nhất” ám chỉ các nước dân chủ với nền kinh tế tư bản, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến và người dân có mức sống cao.
Các thuật ngữ “Thế giới Thứ nhất”, “Thế giới Thứ hai” và “Thế giới Thứ ba” được dùng phân chia các quốc gia trên thế giới thành ba nhóm chính. Ba nhóm quốc gia này không xuất hiện cùng một lúc. Sau Thế chiến II, người ta bắt đầu nói đến các nước NATO và các nước Hiệp ước Warszawa như là hai nhóm chính. Hai “thế giới” này không gọi bằng số. Đến năm 1952, nhà nhân khẩu học Pháp Alfred Sauvy dùng từ “Thế giới Thứ ba” để chỉ các nước không thuộc hai hệ thống trên. Và một cách tự nhiên, hai nhóm nước ở hai hệ thống NATO và Hiệp ước Warszawa trở thành “Thế giới Thứ nhất” và “Thế giới Thứ hai”.
Như vậy, Thế giới Thứ nhất gồm Tây Âu, Bắc Mĩ, cùng với Nhật Bản, Úc và New Zealand: đây là những cường quốc công nghiệp tiên tiến ngay trong giai đoạn trước Thế chiến I. Thế giới Thứ hai ám chỉ khối cộng sản. Thành viên của Thế giới Thứ ba, do đó, được xác định chủ yếu bởi giai đoạn giành được độc lập và khởi động tăng trưởng kinh tế chứ không phải mức độ phát triển kinh tế thực sự, mặc dù trong phần lớn các nước thuộc Thế giới Thứ ba, mức độ phát triển kinh tế là cực kỳ thấp. Phân loại như thế là chưa chính xác và có những trường hợp bất bình thường. Ví dụ, Argentina có thể được coi là thuộc Thế giới Thứ ba hay không khi nước này có cùng mức độ phát triển kinh tế như New Zealand, và đã giành được độc lập về chính trị sớm hơn? Nga có chuyển từ nước thuộc Thế giới Thứ nhất sang Thế giới Thứ hai chỉ vì sự thay đổi chính trị của nước này vào năm 1917, và có trở lại Thế giới Thứ nhất vào năm 1991 hay không? Tương tư như tất cả các cách phân loại đơn giản trong chính trị hoặc chính trị học, cần phải sử dụng một cách thận trọng. Trong thời đại, khi mà toàn cầu hóa đã trở thành hiện tượng cực kỳ quan trọng, những cách phân loại như thế sẽ có ít giá trị hơn là trong quá khứ.
219. Fiscal crisis – Khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng tài chính là nhà nước không thể thu đủ thuế để chi trả cho những khoản chi tiêu của mình. Một mặt, khủng hoảng tài chính được thể hiện trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và kỹ thuật và mặt khác, trong lĩnh vực chính trị và xã hội. Lĩnh vực thứ hai thường có ý nghĩa quan trọng hơn đối với công tác quản lý, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài chính đòi hỏi phải cắt giảm những khoản chi tiêu của chính phủ, đồng thời tăng thuế đánh vào các cá nhân, hộ gia đình và công ty. Khủng hoảng kinh tế và tài chính thường xảy ra là do thâm hụt tài chính, đấy là khi các khoản chi tiêu của chính phủ làm cho thị trường mất niềm tin vào nền kinh tế quốc gia: đồng tiền và thị trường tài chính mất ổn định, sản xuất trì trệ. Khủng hoảng chính trị và xã hội có thể phát sinh nếu bản thân thâm hụt tài chính và các biện pháp điều chỉnh được áp dụng nhằm loại bỏ thâm hụt dẫn đến thất nghiệp gia tăng, sản xuất đình trệ, mức sống sụt giảm và nghèo đói gia tăng.
220. Fiscal Policy – Chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của chính phủ nhằm ổn định và phát triển kinh tế. Mặc dù hai chính sách này liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng có thể tách ra để phân tích, đặc biệt nếu chính sách tiền tệ được định nghĩa chủ yếu là kiểm soát cung tiền.
Chính sách tài khóa là chính sách thu thuế và chi tiêu của chính phủ. Thuế khóa là thu nhập giúp chính phủ cung cấp các hàng hóa công mà thị trường không thể nào cung cấp được, ví dụ như cảnh sát, quốc phòng..v..v. Hệ thống thuế khóa cũng có thể có ảnh hưởng đối với phân phối thu nhập và phân bố các nguồn lực trên thị trường. Chính sách tài khóa của chính phủ có thể có ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với hoạt động kinh tế, thất nghiệp và lạm phát. Theo trường phái Keynes, các biện pháp tài khóa phải được sử dụng nhằm khắc phục những biểu hiện thái quá của chu kì kinh tế – kích thích khi nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ và kiềm chế trong giai đoạn bùng nổ.