Đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Đồng Tâm

 

Kính gửi:

  • Ông Trương Việt Toàn, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa;
  • Ông Nguyễn Xuân Văn, Thẩm phán;
  • Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội;
  • Ông Lại Việt Đông, và Ông Nguyễn Hoàng Giang, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội;
  • Ông Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Căn cứ Khoản 1, 5 Điều 85; Điểm a, d Khoản 1 Điều 280; và Khoản 3 Điều 326 Bộ luật Tố tụng Hình sự; căn cứ Khoản 2, 4 Điều 3 Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP; chúng tôi, những công dân Việt Nam đang sống trong và ngoài nước ký tên dưới đây, đồng kiến nghị quý vị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án "Giết người; Chống người thi hành công vụ, xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội", vì năm lý do sau:

  1. Tính pháp lý của thửa đất 59 ha ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội chưa được làm rõ rằng đây là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng, trong khi các tranh chấp đất đai xảy ra tại đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố ngày 09/01/2020;

  2. Tính pháp lý của việc lực lượng Cảnh sát cơ động Hà Nội và lực lượng Công an thành phố Hà Nội tiến vào Đồng Tâm đêm 08/01 và rạng sáng ngày 09/01/2020 chưa được làm rõ. Cáo trạng 241/CT-VKS-P2 ghi rằng một số bị can "chống người thi hành công vụ", vậy tính chất và phạm vi của "công vụ" ở đây cụ thể là gì? Văn bản nào là cơ sở pháp lý cho cuộc hành quân này? Cấp nào quyết định và ai là người thi hành quyết định ấy?;

  3. Cái chết của ông Lê Đình Kình chưa được làm rõ. Theo bản Kết luận Điều tra 210/KLĐT-PC01(Đ3) ghi rằng Tổ công tác "áp sát cửa ngách sau nhà Lê Đình Kình" và "phát hiện ông Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn" nên đã bắn chết ông. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ông Lê Đình Kình đang ở tại nhà của ông, cũng không phải là bị can trong bất cứ vụ án nào. Vậy, căn cứ vào văn bản nào mà lực lượng cảnh sát được phép đột nhập chỗ ở của ông và bắn ông? Đồng thời, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu và các bị cáo khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, ông Lê Đình Kình không cầm trong tay bất cứ một quả lựu đạn nào;
  4. Cái chết của 3 cảnh sát Phạm Công Huy, Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân chưa được làm rõ. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, lời khai cũng như câu trả lời của các bị cáo bất nhất với kết quả giám định được ghi trong Cáo trạng. Hơn nữa, cơ quan có thẩm quyền chưa thực nghiệm điều tra vụ án, theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng Hình sự;

  5. Việc điều tra, truy tố có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng, khi các luật sư bào chữa không được tiếp cận một số bị can trong quá trình điều tra. Đồng thời, có dấu hiệu ép cung, nhục hình trong quá trình điều tra, dựa trên các hình ảnh bị can xuất hiện trong thời gian tạm giam (hình ảnh bốn bị can Nguyễn Văn Tuyển, Mai Thị Phần, Bùi Viết Hiểu, Bùi Viết Tiến được đăng tải trên bản tin đài truyền hình VTV1 ngày 13/01/2020) và theo câu trả lời của các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 09/09/2020 (trả lời luật sư, ông Lê Đình Công nói rằng ông “bị đánh mười ngày như một” sau khi bị bắt; thêm vào đó, khi Luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi cùng lúc 29 bị cáo rằng “sau khi xảy ra sự kiện, bị cáo nào KHÔNG bị đánh đập thì giơ tay lên”, có tất cả 10 trong tổng số 29 người đã giơ tay).

Kết luận

Trước những lý do nghiêm trọng nêu trên, để công lý và luật pháp được thực thi một cách công bằng, minh bạch, tránh gây oan sai cho 29 bị cáo trong vụ án, chúng tôi đề nghị:

  1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung vụ án "Giết người; Chống người thi hành công vụ, xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội";
  2. Viện Kiểm sát và các cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ án tiến hành điều tra lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.

Chú thích

  1. Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự (Bộ luật Tố tụng Hình sự)
    Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
    1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
    2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
    3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
    4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
    5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
    6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
  2. Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Bộ luật Tố tụng Hình sự)
    1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
    a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
    b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;
    c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
    d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
    2. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.
    3. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
    Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
    Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.
    Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

  3. Điều 326. Nghị án (Bộ luật Tố tụng Hình sự)
    3. Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm:
    a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;
    b) Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp;
    c) Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng;
    d) Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;
    đ) Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;
    e) Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa;
    g) Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
    h) Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.

Ký tên

  1. Nhóm Công Dân Hành Động
  2. [Danh sách chữ ký của các cá nhân sẽ được cập nhật mỗi ngày một lần, vào lúc 23:00, tại đây]

[Xin ký tên ở đây: http://bit.ly/TraHoSoDongTam]

Nguồn: https://www.change.org/

Comments are closed.