Nhà văn sinh ra để làm gì?

Lê Phú Khải

Tác giả gửi Văn Việt

index

Nhà thơ, nhà báo Lê Phú Khải

 Các cụ nhà ta xưa kia gọi những người lao động trí óc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng bằng chữ … “thầy”: thầy giáo, thầy thuốc, thầy cúng… Nhà văn được các cụ suy tôn là thầy đời.

Thầy của cuộc đời, sứ mạng được xã hội giao cho nhà văn thật nặng nề và cao cả.

Lỗ Tấn trước là thầy thuốc, nhưng ông chỉ chữa bệnh được cho một số người. Lỗ Tấn muốn chữa bệnh cho cả dân tộc Trung Hoa đang chìm đắm trong chủ nghĩa thắng lợi tinh thần, luôn tự hào về quá khứ huy hoàng để tự ru ngủ mình, bằng lòng với thực tại tối tăm lúc đó. Vì thế, Lỗ Tấn đã bỏ nghề thuốc để trở thành nhà văn. Ông đã viết nên thiên truyện ngắn “AQ chính truyện” bất hủ, thức tỉnh cả dân tộc Trung Hoa thời đó.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng đã có lần tâm sự với bạn đọc: Khi là bác sĩ chữa bệnh cho công nhân Việt kiều tại Pháp, ông nhận thấy bác sĩ là cần thiết, nhưng chỉ cứu chữa được một số công nhân nghèo khổ mắc bệnh lao thời đó mà thôi. Cái gốc của bệnh lao phổi là nghèo đói, ông muốn chữa nghèo đói cho công nhân nên phải cầm bút dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng cho đồng bào. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã trở thành nhà văn hóa lớn của Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Những “trước tác đẳng thân” của ông đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trong thế kỷ 20.

Ông bà ta xưa đã không nhầm lẫn khi gọi nhà văn là “thầy đời”, vì chính ngòi bút của nhà văn đã dự báo những hiểm họa cho dân tộc mình, báo trước giông tố ở phía chân trời.

Shakespeare (1564-1616), đại văn hào nước Anh ở thế kỷ 16-17, tác phẩm của ông một mặt phê phán xã hội phong kiến quý tộc đang tan rữa, một mặt báo trước những đám mây đen giông tố của chủ nghĩa tư bản đang ló dạng phía chân trời.

Nhân vật của Shakespeare đã gào lên trên sân khấu của nước Anh thời đó: “Hãy mạ vàng tội lỗi đi, anh có thể bẻ gãy lưỡi gươm của công lý!”. Nếu anh có thật nhiều vàng thì “Thần Công lý cũng bẻ gãy lưỡi gươm thiêng quỳ dưới chân anh!”. Chủ nghĩa tư bản hoang dã thời kỳ tích lũy ban đầu của nó là như thế, như Shakepear đã cảnh báo cho nhân loại.

Khi đại văn hào Balzac qua đời (1799-1850), trong tang lễ ông, điếu văn của Stefan Zweig có đoạn viết: “Balzac là nhà toán học của ý chí, là nhà hóa học của những dục vọng, nhà thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội, là người lính tiên phong, là người lính tiên phong của thời đại…”.

“Những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” chỉ có nhà văn với tố chất là “cái râu mềm mại của loài ốc sên”, “là thính giác đa nghi của thằng kẻ trộm” mới nhận biết được để cảnh báo cho xã hội. Vì thế, có lần nhà văn Nguyên Ngọc đã hỏi tôi: “Nhà văn sinh ra để làm gì?”. Nói rồi ông lại tự trả lời: “Nhà văn sinh ra để chăm chú quan sát xã hội, để nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy, bỏ qua”.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, cả miền Bắc ngây ngất trong khẩu hiệu tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội… thì các văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn Giai phẩm” đã nhận ra hiểm họa và cảnh báo. Tờ Nhân văn vẽ tranh biếm họa: Một người ngồi ở vỉa hè, anh ta lấy rìu đẻo chân mình, máu me chảy ra lênh láng. Mọi người xúm lại xem. Có người hỏi vì sao lại phải đẻo chân? Anh ta chỉ vào một đôi giày mới mua ở mậu dịch ra và nói: Chân tôi phải đi số 42 mà mậu dịch chỉ bán đồng loạt một cỡ số 39 nên phải đẻo chân để… đi cho vừa giày!

Nhóm Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp. Chế độ toàn trị không chấp nhận phản biện, dự báo… vì đảng cầm quyền đã tự cho là “đỉnh cao trí tuệ” của dân tộc. Nhưng nhận ra sự lợi hại của ngòi bút có thể làm “đòn xoay chế độ” nên các nhà văn của chế độ rất được ưu ái. Họ được đi dự đại hội nhà văn bằng máy bay từ tiền thuế của nhân dân. Xe ô tô chở nhà văn đi dự họp đại hội có xe cảnh sát kéo còi chạy trước như xe chở nguyên thủ quốc gia. Các giải thưởng văn học nghệ thuật được ban ra, nở rộ như măng mọc mùa xuân. Giải thưởng cả trăm triệu cũng lấy từ tiền thuế của nhân dân. Mục đích của họ là để bộ phận “nhạy cảm” này thành vô cảm trước số phận của đất nước, nhân dân.

Nhưng văn học không phải là chính trị. Nhà văn khác nhà chính trị ở chỗ là làm chính trị nhưng không mưu đồ quyền lực. Cái mà anh ta mưu đồ là lẽ phải, là chân lý khách quan, là lợi ích của dân tộc, của đất nước. Tác phẩm văn học chuyển tải những thông điệp của mình bằng hình tượng nghệ thuật. Không có nghệ thuật, không đi vào lòng người thì không phải là văn học. Vì thế, nhà chính trị Lê Duẩn trước đây đã định nghĩa: “Văn học nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Người ta có thể cùng nhau hát vang một bài ca để cả đoàn quân lao lên phía trước, vì một bài thơ, người ta có thể “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Nhưng đó phải là khúc ca thật, bài thơ thật, có sức truyền cảm, lay động lòng người. Khi những người cộng sản Việt Nam được xem là đồng nghĩa với chính nghĩa dân tộc, những sáng tác văn học theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa một thời đã từng có những tác phẩm đích thực, được người đọc chấp nhận như “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc và nhiều sáng tác khác. Nhưng nay thì văn học đương đại Việt Nam đã chết hẳn vì nó quay lưng với hiện thực, với số phận của nhân dân. Cho dù nó có “ăn mày quá khứ” thì nó vẫn bị người đọc ghẻ lạnh, vì nó không phải là quá khứ. Cũng không phải là tương lai!

Văn học nghệ thuật là một sản phẩm độc đáo của con người, “là niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình” (Marx), là sản phẩm của tư duy khám phá và sáng tạo nên nó có quy luật riêng của nó. Tagor nói: Nếu ở đâu mà mọi con đường được vạch sẵn thì… tôi đi lạc! Còn nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện thì cho rằng văn học nghệ thuật là con chim bay, con cá lặn. Lúc con chim chao mình, con cá quẫy đuôi là lúc nó đẹp nhât, đừng ai vẽ đường cho chim bay cá lượn cả!

Nền văn học của chúng ta bấy lâu nay “mọi con đường được vạch sẵn” bởi các nhà tuyên huấn nên các nhà văn “đi lạc”! Đáng lẽ phải xây đắp con đường dân chủ cho đất nước thì họ quay lại “ăn mày quá khứ”.

Từ một “đất nước đứng lên”, “ra ngõ gặp anh hùng” thì nay ra ngõ gặp lưu manh, ra ngõ gặp người Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam làm ăn không hợp pháp. Từ một đất nước sống theo các đạo lý đã được khắc vào “bia miệng”: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”,  “lá lành đùm lá rách”, “đói cho sạch, rách cho thơm”… nay trở thành một xã hội vô cảm, văn hóa đạo đức suy đồi, tham nhũng và cường quyền toàn trị đất nước.

Đánh thức lương tri và bồi đắp đạo đức, phục hưng văn hóa dân tộc, nhiệm vụ đó phải giao cho tầng lớp nào đi tiên phong, nếu không phải là các “thầy đời”, các  nhà văn của đất nước ngàn năm?

3/2014

L.P.K.

 

Be first to comment