Quan sát các tranh cãi sau sự ra đi của một vị thiền sư

Lê Học Lãnh Vân

Sự ra đi của thầy Thích Nhất Hạnh để lại bao tiếng ồn ào trên Phây xứ Việt…

Nhiều nhân vật trên thế giới đã lên tiếng về sự ra đi này, trong đó có những nhân vật nổi tiếng vì sự uyên bác và thông tuệ. Tôi xin được lặng im trước sự ra đi vì nghĩ, với tôi, lặng im và nhớ, nghĩ về những gì đã được đọc, được nghe về thầy Nhất Hạnh là cách tiễn đưa Thầy tốt nhất…

Tôi nhớ về chuyến thăm Làng Mai năm 1990, do cô Julienne, người Việt sang Pháp từ giữa thập niên 1950, một nhà khoa học làm việc lặng lẽ trong lãnh vực nghiên cứu về tế bào học, mời các đồng nghiệp Việt và Pháp cùng đi. Có giáo sư André Adoutte, chị Cécile Cuanon, chị Kim, chị Nicolette của phòng thí nghiệm Sinh học Tế bào trường Đại học Paris Sud… Sau chuyến đi ấy vài tháng, ông André Adoutte chuyển cho chúng tôi đọc tập in một số bài viết của ông Nhất Hạnh bằng tiếng Anh, rồi rủ chúng tôi tới nhà ăn tối bàn luận về các bài viết đó. Ông André cho rằng ông Nhất Hạnh đã gợi cho ông những phương pháp sống, suy nghĩ, trầm tư (méditer) có ích giúp ông cởi bỏ những áp lực cuộc sống thường ngày. Ông André Adoutte theo Công giáo, đi nhà thờ hàng tuần, hát rất hay trong tốp ca nhà thờ, ông nói về các bài viết của ông Nhất Hạnh như nói về triết học, học thuật về phương pháp sống chứ không như nói về một tư tưởng tôn giáo. Theo ông André Adoutte, ông Nhất Hạnh trình bày những suy nghĩ sâu sắc và thực tế.

Trên Phây có những bài viết thiếu cảm tình, công kích, thậm chí miệt thị nặng nề ông Nhất Hạnh. Trong khi có phần thông cảm với một số người viết vì cùng chia sẻ với họ một vài quá khứ năm xưa, tôi ít thấy thầy Nhất Hạnh trong những bài viết đó. Đa phần chỉ có cái tên của Thầy.

Nhiều bài viết chỉ nhắc Bông hồng cài áo. Đây là tác phẩm nhỏ, có thể khiến người đọc cảm động nhưng về tầm vóc triết học, tư tưởng thì không có gì để so sánh với nhiều tác phẩm khác của Thầy! Các tác phẩm rất quan trọng kia không được đề cập.

Về hoạt động của Thầy thì các bài viết chỉ tập trung vào quãng thời gian Thầy ở Việt Nam cùng một số hoạt động ở nước ngoài liên quan tới cuộc chiến Quốc – Cộng năm xưa. Rất thiếu vắng quãng đời hoạt động sung mãn nhất của Thầy trên giao diện văn hoá và tư tưởng giữa Việt Nam và thế giới, nơi Thầy giới thiệu khuôn mặt văn hoá và tư tưởng Phật giáo Việt Nam ra thế giới.

Nhìn chung, các bài viết đó vẫn nằm trong một khung hình cũ thời Quốc – Cộng tương tranh, còn cuộc sống thực, rộng rãi đã tạo nên tiếng tăm, sự nghiệp được kính trọng trên thế giới của một nhà văn hoá và vị thiền sư nổi tiếng thì gần như không được nhắc tới!

Điều gì khiến bức tranh hiện thời của Việt Nam vẫn được treo trong cái khung của gần năm chục năm xưa? Cái khung khiến người Việt rẻ rúng một người Việt có thành tựu lớn như vậy trên thế giới, có uy tín cao, được không ít người trên thế giới xem như một Sư Thầy khơi thông dòng Tỉnh Thức, Chánh Niệm. Một số người đặt câu hỏi:

Có phải điều đó do nhiều người Việt bồng bột, vừa quan sát vội nảy ra một suy nghĩ, một nhận định và gắn chặt vào đó mà ít chịu lùi lại, nhìn quanh, ngó xa, đọc thêm, tìm hiểu thêm, suy nghĩ thêm?

Có phải điều đó do nhiều người Việt có thành kiến quá nặng nề, đã ghét ai là ghét suốt đời, đã có một nhận định gắn với một hoàn cảnh nào đó trong quá khứ thì biến nhận định ấy thành định kiến suốt đời?

Có phải điều đó do nhiều người Việt chỉ biết cảm xúc của mình, lấy cảm xúc của mình làm trung tâm của sự chủ quan chứ ít chịu nhìn ra xem thế giới mênh mông ngoài kia người ta hiểu gì, nghĩ gì?

Trong khi đồng ý một phần với các nhận xét trên, bài viết này không đánh giá thấp về tính khí, tính chất, kiến thức của người Việt, mà cho rằng cái khung cũ kỹ Quốc – Cộng kia còn được giữ lại là do hoàn cảnh và cách thức tổ chức xã hội. Người Việt chúng ta, do bị kẹt trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, đã giải quyết mâu thuẫn không bằng thương thuyết và tương nhượng mà bằng bạo lực khốc liệt bất chấp hậu quả; và khi hoà bình trở lại thì chúng ta thu xếp hậu chiến một cách cực đoan nên đào sâu thêm thù hận. Cho tới bây giờ, phải chăng sự chia rẽ giữa đồng bào là một lời nguyền rất khó vượt qua?

Thế giới đã và đang phẳng hoá rất nhanh khiến những khái niệm, cách sống thông dụng một thời sớm trở thành cũ kỹ. Thay cho Thắng – Thua là Cùng Thắng. Thay cho Độc Quyền Chân Lý là Thảo Luận Đa Chiều… Cách tổ chức xã hội chuyên chính gắn liền với quan niệm cũ là nguyên nhân đóng chết con người trong cái khung lạc hậu, lạc lõng thời đại.

Chúng ta có hy vọng được không rằng với sự hợp tác của nhiều người, nhiều thành phần, xã hội ngày càng cởi mở hơn, một bước cởi mở là một bước người Việt thoát ra ngoài cái khung kềm hãm. Ấy là lúc chúng ta sống bên nhau trong tâm thức bình đẳng, tôn trọng nhau giữa những người cùng chia sẻ một tổ quốc, quê hương. Ấy là lúc bừng nở nhiều đoá hoa Việt đẹp toả hương ra nước ngoài mà vẫn trụ lại quê hương?

Ngày 23 tháng 01 năm 2021

Comments are closed.