Vụ Đồng Tâm: Đã đến lúc nhà nước VN làm ‘cách mạng lại’ về đất đai?

Quốc Phương

BBC News Tiếng Việt

Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5

Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5

Theo dõi phiên sơ thẩm về vụ án ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’ mà chính quyền cáo buộc và đang xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội trong sự kiện ngày 09/1/2020, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng phiên tòa này dù có các bản án nặng nề được đưa ra sau cùng sẽ không giải quyết được căn nguyên vấn đề.

Các vấn đề tranh chấp, xung đột đất đai nảy sinh từ gốc rễ lớn hơn, chuyên gia kinh tế này nói và đảng cộng sản, nhà nước, chính quyền ngày nay, và kể cả tới đây trong Đại hội 13, cần tiến hành một cuộc cách mạng về cải tổ luật pháp về sở hữu, đất đai, ruộng đất để trả lại quyền sở hữu cho người dân ở Việt Nam.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 08/9/2020 từ thành phố Hội An của Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành nói:

"Đây là một vấn đề căn bản về quyền sở hữu đất đai cho người dân ở Việt Nam. Tại vì ông cha ta từ nghìn năm nay, hay là ít nhất cũng là từ khi Lê Thánh Tông vào miền Nam cùng với bao nhiêu người để mở mang bờ cõi, thì đất là đất của nhân dân, nhà vua công nhận những đất khai hoang ra là được nhân dân làm chủ.

"Từ hàng trăm năm, hay bao nghìn năm như thế, thế nhưng bỗng nhiên năm 1975, nhà nước mới ở Việt Nam ra đạo luật bảo rằng đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Những câu chữ đó là những thuật ngữ mà theo tôi là sự chiếm đoạt hoàn toàn quyền sở hữu của nhân dân trên đất đai. Đó là một việc mà tôi thấy là không hợp lý đối với nhân tình, thế thái và đối với cả lịch sử."

Luật pháp có dân chủ và thấu tình, đạt lý?

Và chuyên gia kinh tế từng tư vấn chính sách hội nhập quốc tế và phát triển cho chính phủ và nhà nước Việt Nam trong nhiều thập niên trước đây, nói tiếp:

"Và chuyện như thế sẽ dẫn tới bao nhiêu chuyện khác, ví dụ cụ thể như ở Đồng Tâm vừa rồi nói là đất ở Đồng Tâm từ năm 1980 là đất của quốc phòng, nhưng hồi trước đó thì thế nào? Ai cho quốc phòng, quân đội đất ấy?

"Phải có một cơ quan nào tự nhiên lấy đất của nhân dân rồi cho quốc phòng, rồi sau đó quốc phòng bảo rằng đó là đất của quốc phòng, nhưng câu hỏi đặt ra là muộn nhất trước năm 1980 thì nó như thế nào?

"Vì vậy tôi nghĩ về vấn đề dân chủ, về vấn đề quyền sở hữu tư nhân và vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam càng phải nghiên cứu lại, tôi thấy luật đất đai của Việt Nam, kể cả luật trưng dụng, cưỡng chế v.v… liên quan đến đó, phi dân chủ và thực sự là phi nhân nghĩa đối với đồng bào, đối với đất nước, đối với ông bà, Tổ tiên.

"Cho nên không phải riêng gì chuyện ở Đồng Tâm, còn nhiều nơi khác, trong đó có Thủ Thiêm, v.v. và bao nhiêu chuyện khác, bây giờ nhà nước tự nhiên cho mình quyền cấp cho người này quyền sử dụng đất này, cấp cho người kia quyền sử dụng đất kia, quyền sở hữu này nọ, câu hỏi đặt ra là anh lấy quyền gì để anh cấp như vậy?

"Phải chăng ở đây có ai đó nhân danh và chiếm đoạt quyền quản lý được dân phúc quyết, thừa nhận dân chủ, rồi anh biến anh thành chủ đất của đất đai của nhân dân, như thế là không được.

"Vì thế, tôi nhắc lại không riêng gì vấn đề Đồng Tâm, mà toàn đất nước Việt Nam hiện nay đang có vấn đề phi lý ấy, do đó tôi khuyên các vị có chức, có quyền nhanh chóng nghiên cứu lại để hoàn trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ruộng đất cho người dân, quyền sở hữu này áp dụng cho toàn dân.

"Chứ không thể nào dùng thuật ngữ là đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước đứng ra thống nhất quản lý được, quản lý kiểu gì mà anh lấy đất đai, ruộng đất, ao chuôm của người ta, anh làm đủ thứ chuyện, rồi anh cho phong sở hữu cho người kia, trao sở hữu cho người nọ…, như thế là không được, theo tôi."

Kinh tế Việt Nam

Các bản án nặng có giải quyết căn cốt vấn đề?

Trước câu hỏi như trong vụ Đồng Tâm đang được chính quyền đem ra xét xử, liệu các bản án được tuyên, các phán quyết cuối cùng mà dù có nặng nề đến mấy với các bị cáo là người dân, nông dân địa phương, thì có thể giải quyết được rốt ráo, căn cốt vấn đề xung đột và tranh cấp nóng bỏng về sở hữu đất đai như đã đang diễn ra lâu nay ở Việt Nam hay không, ông Bùi Kiến Thành đáp:

"Nó không giải quyết được vấn đề gì cả. Tại vì nhà nước ăn cướp quyền sở hữu đất đai của nhân dân, rồi bây giờ người ta uất ức, bức xúc vì không được giải quyết, người ta có hành động đấu tranh, thì các hành động bạo lực như vừa rồi có khác gì phong kiến, tư bản ở đâu đó trước kia mang quân, đem lính tới để mà chiếm đoạt đất đai là tài sản của nhân dân?

"Cho nên, theo tôi vấn đề đó là phải bình tĩnh để suy nghĩ, những cuộc đấu tranh của nhân dân như ở Đồng Tâm diễn ra, thì nhà nước, chính quyền càng phải suy nghĩ về nguồn gốc của quyền sở hữu từ thời ông bà, tổ tiên của người ta như thế nào? Chứ không phải là phạt tù hay phạt nặng đi nữa mà như thế là xong.

"Theo tôi cách làm đó chưa giải quyết và sẽ không giải quyết được vấn đề đó trong toàn đất nước Việt Nam này cả."

Trước câu hỏi cần nhà nước, chính quyền ưu tiên làm gì, sửa đổi gì trong chính sách, luật pháp và đường lối để giải quyết rốt ráo vấn đề được đặt ra nói trên và tránh để xảy ra những vụ việc gây xung đột như ở Đồng Tâm ở Hà Nội hay tranh cãi như ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác, kinh tế gia từ Hội An nói:

"Theo tôi, phải sửa căn bản luật đất đai, phải hủy bỏ luật đất đai hiện nay đi và công nhận quyền sở hữu đất đai là của nhân dân và do nhân dân tự quản lý, chứ không phải là nhà nước giành quyền đó từ tay nhân dân mà quản lý đất đai của họ, tức là của dân, như bấy nay.

"Anh nói là anh quản lý nhưng anh đi vào anh lấy của dân rồi anh phân cho người này, cấp quyền cho người nọ, thu hồi, cưỡng chế, trưng thu, trung dụng giao lại cho người khác v.v…, rõ ràng như thế chính cách thức đó là nguyên nhân gây ra tranh cãi, khiếu nại, đấu tranh, bạo động… và là cớ để nhà nước từ đó sử dụng bạo lực mà ra chứ không phải là tinh thần của luật pháp và quyền lực thực sự của pháp quyền, của luật pháp.

"Nhân đây tôi cũng nói thêm là trên thế giới cũng có những lúc mà chính quyền, nhà nước chấp nhận quyền bạo động mà người ta gọi là luật về nổi dậy chính nghĩa, hay được biết đến là "insurrection law". Sau cách mạng Pháp, người ta công nhận quyền bạo động của nhân dân Pháp. Nhưng mà nhà nước Việt Nam bây giờ không công nhận quyền đó.

"Cho nên đây là những vấn đề căn bản mà Việt Nam cần phải xem lại và tôi kiến nghị các vị có chức, có quyền trong Quốc hội, cũng như trong chính phủ phải nghiên cứu kỹ vấn đề luật sử của Việt Nam đem luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông ra mà nghiên cứu để có vấn đề cơ sở luật pháp về đất đai từ từ thời tổ tiên, ông bà để lại, chứ không thể nào đột nhiên ra một loạt luật pháp, chủ trương, chính sách như từ 1975 đến nay rồi chiếm đoạt của nhân dân như thế."

Việt Nam ngày 25/5

Việt Nam ngày 25/5

Làm cách mạng về luật pháp và tính khả thi?

Khi được hỏi liệu đề nghị trên có khả thi không, nhất là ngay trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước và Quối hội Việt Nam hiện nay cũng có những ý kiến nói đã, đang có những nhóm lợi ích, hay những nhóm lũng đoạn chính sách có thế lực rất mạnh mà chính nội bộ đảng và nhà nước cũng phải thừa nhận, ông Bùi Kiến Thành nói:

"Tôi thấy rằng, kể cả tới đây chỉ còn một số tháng thì tới Đại hội 13 của đảng CSVN, vấn đề ở đây là vẫn phải làm, vẫn phải tiến hành.

"Còn khả thi hay không thì phải nhìn vào trách nhiệm của những người mà phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách

Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách

"Anh đã từng nói là có thể làm cách mạng để cướp chính quyền thành công trong Cách mạng tháng Tám, anh làm được cách mạng để lật đổ chế độ phong kiến hay thực dân của Pháp đi, mà khi đó anh tuyên bố làm cách mạng để đưa lại một đất nước dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thì tại làm sao mà anh lại không thể làm cách mạng để sửa đổi luật mà nhiều người cho là bất hợp pháp, bất hợp lý như thế được?

"Thật sự, luật đất đai của nhà nước Việt Nam hiện nay theo tôi là một luật bất hợp pháp, chứ không phải chỉ là vấn đề dừng ở bất hợp hiến.

"Cho nên, việc ấy là điều mà anh, tức là nhà nước, chính quyền, cần phải làm. Còn khi làm như thế nào thì tất nhiên là gặp khó khăn, trở ngại rồi, gặp chống đối của các nhóm lợi ích, lũng đoạn của các nhóm lũng đoạn chính sách, v.v. là bình thường, nhưng bổn phận của những người quản lý, lãnh đạo nhà nước, nếu xưng là do dân, của dân, vì dân, thì bổn phận của lãnh đạo đất nước là phải làm cái gì mà hợp tình, hợp lý cho dân.

"Chứ không phải là để tồn tại mãi mãi một cái luật mà nó bất hợp lý như thế được," kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 08/9/2020 từ Hội An.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54076413

Comments are closed.