Văn học miền Nam 54-75 (616): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 10)

Đọc “Tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn 1 & 2” – Đào Trường Phúc

Đọc “Tiểu Thuyết Nguyễn Đình Toàn 1 & 2” – Đào Trường Phúc

Tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn 1 & 2 là tựa đề của bộ sách do Người Việt Books xuất bản năm 2014. Quyển 1 gồm ba tiểu thuyết: Áo Mơ Phai (1973), Con Đường (1967), Tro Than (1972). Quyển 2 gồm ba tiểu thuyết: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi (1970), Ngày Tháng (1968). Thời điểm ghi trong ngoặc đơn là năm mà các cuốn sách được ấn hành lần đầu tiên ở Việt Nam, riêng Đồng Cỏ viết từ 1973-1974 nhưng chỉ được ấn hành ở Úc lần đầu tiên vào năm 1994.

Bộ sách dày trên 750 trang này không phải là toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn. Vì ngoài tập thơ Mật Đắng (1962), ngoài các tuyển tập truyện ngắn như Phía Ngoài (1969), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Đám Cháy (1971), ông còn có những tiểu thuyết khác đã xuất bản trước 1975 như Chị Em Hải (1961), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), Không Một Ai (1971), Thành Phố (1971), Sau Giờ Ra Chơi (1973), Mộ Khúc (1973).

Tuy Nguyễn Đình Toàn nổi tiếng ở nhiều lãnh vực — kể cả với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Sài Gòn — người ta biết đến ông nhiều nhất như một tiểu thuyết gia được độc giả ái mộ và có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt văn học của Miền Nam. Hầu hết các truyện dài liệt kê trên đây được sáng tác trong hai thập niên 60, 70 dưới hình thức “feuileton” đăng từng kỳ trên nhật báo hoặc tạp chí, sau đó khi hoàn tất được tác giả nhuận sắc để xuất bản.

Giữa một không gian văn học nghệ thuật đa dạng, trù phú, với hàng ngàn tác phẩm đủ thể loại liên tiếp xuất hiện như rừng hoa nở rộ trên mảnh đất tự do, nơi mà mỗi tác giả đều có điều kiện tiếp cận với văn chương thế giới nhưng vẫn không ngừng đi tìm sắc thái riêng cho mình trong cuộc đối thoại với độc giả bằng chữ nghĩa Việt Nam, sự thành công lâu bền của một tiểu thuyết gia chắc chắn không thể do những tình cờ may mắn. Cũng không thể quên rằng, khoảng thời gian 1945-1975, nếu được đặt vào bối cảnh sinh hoạt của một quốc gia phương Tây như Pháp, Anh, Mỹ, Na Uy, Thụy Điển…, hẳn chưa phải là quá dài, nhưng đối với Việt Nam thì đó là chuỗi tháng ngày đằng đẵng của bom đạn chiến tranh, của tử biệt sinh ly, của tang thương biến cải. Ảnh hưởng thời cuộc đối với sinh hoạt văn học Miền Nam, một ảnh hưởng kéo dài suốt từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp qua cuộc di cư 1954 rồi hai mươi mốt năm chiến tranh chống cộng sản, đã khiến cho cả tác giả lẫn độc giả đều không thể tự tách rời khỏi bối cảnh chung.

Vì thế, có thể nói thế hệ những người đọc và yêu văn chương Nguyễn Đình Toàn, hiểu theo cách này hay cách khác, đã không ngừng trôi nổi trong cơn lốc xoáy của thời cuộc. Những độc giả ấy bắt đầu làm quen với ngôn ngữ và cách suy nghĩ mới mẻ qua Chị Em Hải (1962), để rồi lặng lẽ theo dõi trò chơi tàn nhẫn của nghịch cảnh trộn lẫn với ảo giác tình yêu từ Con Đường (1967) qua Ngày Tháng (1968) đến Thành Phố (1971), hoặc rung động cùng những trái tim non trẻ lạc lõng giữa lớp sương mù của một tương lai bấp bênh qua Giờ Ra Chơi (1970) v.v… Rất dễ nhận ra rằng độc giả đến và ở lại với tác phẩm Nguyễn Đình Toàn để được đắm mình vào một cõi văn chương tuy nặng trĩu sự khắc khoải của kiếp nhân sinh nhưng vẫn luôn luôn lóng lánh chất thơ điệu nhạc. Đáng buồn ở chỗ văn chương không thể giải thoát con người ra khỏi vòng hệ lụy của đời sống và sự bất hạnh của đất nước, vì trong lúc những giòng chữ được viết và các tác phẩm được đọc, thời cuộc vẫn không ngừng biến chuyển.

Nhưng mặt khác, văn chương có đôi cánh kỳ diệu của riêng nó. Chính vì thế mà những độc giả của giai đoạn trước, và nay đến lượt những độc giả của thế hệ nối tiếp, khi đọc lại hay đọc lần đầu, hai trong số sáu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Toàn vừa được xuất bản ở hải ngoại, sẽ cảm nhận được, như tác giả đã cảm nhận, hơi thở đầy bất trắc của một định mệnh nghiệt ngã đã mấy lần chụp lên đầu dân tộc Việt Nam. Áo Mơ Phai (giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1973) được viết vào cùng năm đó, với bối cảnh là Hà Nội những ngày trước di cư 1954. Đồng Cỏ được viết năm 1973-1974, với bối cảnh là Sài Gòn sau Tết Mậu Thân 1968. Bên cạnh cái óng ả của những câu văn đầy thi vị, bên cạnh cái tinh tế của ngôn ngữ để diễn tả sự chuyển biến tâm lý của nhân vật, hai tác phẩm đều gói chung một chủ đề, đó là cuộc chia ly giữa con người với một thành phố — và qua đó, với cả một quê hương. Nói một cách đơn giản thì Áo Mơ PhaiĐồng Cỏ có thể được gọi là hai cuốn tiểu thuyết của dự cảm, vì khi viết về nỗi đau đớn của người Hà Nội sắp lìa xa Hà Nội giữa thập niên 50 hay người Sài Gòn sắp lìa xa Sài Gòn đầu thập niên 70, tác giả đã viết sẵn giùm cho chúng ta về một tâm trạng mà chỉ riêng những người vì yêu quê hương mà phải trốn chạy quê hương mới cảm nhận được. Đối với cả triệu người thì tâm trạng đó chỉ thật sự hiện hữu từ sau 1975, nhưng trên những trang sách viết trước đó mấy năm, Nguyễn Đình Toàn đã gửi gấm vào các nhân vật của ông một cách trọn vẹn:

“…Lan gặp bạn, nhưng trước khi đi nàng không hề nhớ ra ý định bói tình cảm của mình, buổi sáng lại thức dậy với một biến chuyển làm thay đổi cả đất nước, trong suốt mười năm chiến tranh, mười năm không một ngày nào người ta không nghe thấy tiếng nổ, nhưng lại chưa có một ngày nào khủng khiếp hơn cái ngày không còn tiếng súng này, mọi sự đều như bị lât ngược, biểu hiện một bộ mặt khác, bắt đầu ngay bằng cái tia nắng sớm thay vì nóng bức lại nghe lạnh lẽo. Lan nghe cái lạnh lẽo đó bao phủ khắp người mình, trên vai áo, trên hai chân xỏ trong đôi giầy hở mũi, trên những ngón tay đang cầm cuốn sách, khiến Lan có cảm tưởng ghê gai như mình sắp không cử động được nữa.
“…Tháng Bẩy rồi tháng Tám qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều. Người Hà Nội bỏ đi và chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội giống như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lầm lũi, ngày ngày gồng gánh, lếch thếch dắt díu nhau kéo về Hà Nôi., nằm la liệt tại các công viên, xó xỉnh, vỉa hè, đầy ắp trong Tòa Thị Chính, chờ để được đưa đi tới các phi trường, bến tầu, di cư vào Nam.
“Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn. Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia xẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc…”
(Áo Mơ Phai).

“…Tôi còn quá trẻ, tôi cũng muốn được đi đây đi đó, được nhìn thấy các dân tộc khác người ta sinh sống ra sao? Tôi muốn được sống cái cảm giác lẻ loi của một kẻ bơ vơ nơi xứ lạ quê người, một ngày nào đó, xách va li từ trên phi cơ bước xuống cái phi trường rộng lớn, tấp nập hay vắng vẻ nào, như một kẻ bị đầy biệt tích, sống một lượt sự lẻ loi như một tình cảm lãng mạn và nỗi lẻ loi sợ hãi mang theo từ quê hương.
“Nhưng tất cả những điều này đã đủ nói hết sự thật của nỗi ước ao mờ ám trong lòng tôi chăng? Không đâu. Tôi chắc còn nhiều điều nữa tôi chưa kịp biết ra, không muốn nghĩ ra, tôi muốn tập làm con đà điểu chúi đầu xuống cát. Tôi muốn kiếm một nơi có đủ yên tĩnh, có đủ thời giờ, sắp xếp lại trí óc, hầu có thể phân biệt được tội ác, lòng nhân ái, sự cuồng tín và hy vọng.
“Ðể làm gì? Có lẽ tôi cũng muốn tìm ra được lời giải đáp cho chính cái câu hỏi đó.
“Nếu phải chết cho quê hương, tôi muốn được chết trên một quê hương mà mình yêu mến chứ không phải cái quê hương mà mình sợ hãi…
“…Tôi không muốn yêu nước như một giáo điều. Tôi biết rằng tôi, cũng như những người chung quanh tôi, chúng tôi đều uống nước sông, ăn cơm gạo cấy trên ruộng đất của Tổ Quốc, lòng ái quốc phải là một tình cảm tự nhiên, ân nghĩa nếu có, cũng phải tương tự như ân nghĩa sinh thành, phải tự nhiên hơn cả sự tự nhiên người ta cảm thấy, bởi vì đó là một phần thịt da, xương máu, của chính mình…”
(Đồng Cỏ).

Những nhân vật của hai cuốn tiểu thuyết này, thuộc hai thế hệ nối tiếp nhau, trong mỗi hơi thở của họ, vừa sống với những hoài niệm của một quê hương đã mất, vừa chia xẻ niềm đau xót của một quê hương tan nát, vừa ôm ấp nỗi ám ảnh về một quê hương chờ ngày tái sinh. Sự mẫn cảm và dự cảm mạnh mẽ đến độ người đọc khi hòa mình với những nhân vật ấy chợt có ý nghĩ, Áo Mơ PhaiĐồng Cỏ biết đâu chỉ là hai tác phẩm của một bộ ba, một “trilogy” chưa hoàn thành, để cho người ta còn có được niềm hy vọng, thay vì chỉ nuôi mãi một giấc mơ buồn bã hoặc chỉ biết gửi lòng theo một vầng trăng trong thơ Đường.

“…Chiều chiều Lan thường ngồi trên bao lơn nhìn xuống khu phố đôi lúc vắng vẻ, đôi lúc chen chúc những đám dân quê níu áo nhau đi như chạy, nhìn những tàn cây trước nhà, cây gần nhất có những cành xoè tới sát bao lơn như những cánh tay, những hàng cây xa dọc theo các khu phố, một ngày, một buổi chiều, bao nhiêu lá đều vàng hết, rồi cũng trong một ngày nữa, tất cả lá như tấm áo khoác của thành phố ấy phai thêm một lần nữa, trút khỏi cành như những giấc mơ rời khỏi vầng trán khô cằn, những sợi tóc rụng khỏi cái đầu đau ốm”. (Áo Mơ Phai)

“…Năm nào là năm thứ nhất trăng chiếu xuống nhân gian?
“Ai là người thứ nhất trên đời nhìn thấy trăng?
“Trong đêm trăng sáng này có bao nhiêu kẻ luân lạc nương theo ánh trăng bay về được cố hương?
“Tôi không thể nhớ hết những gì đã đọc. Nhưng đầu óc tôi bị huyễn hoặc bởi cái ánh trăng tưởng tượng, của cái vầng cổ nguyệt vằng vặc trên bầu trời sơ khai.
“Quê hương”, hai tiếng đó nặng nề đến như vậy sao? Khi tóc người đã bạc, bao nhiêu màu sắc thắm tươi của đời lặn sâu cả vào tâm khảm, tô đậm thêm có mỗi cái hình ảnh đó sao?”
(Đồng Cỏ)

Gần ba mươi năm sau khi đưa Lan giã từ Hà Nội và đưa Phụng ra phi trường đi du học, mới đến lượt tác giả của Áo Mơ PhaiĐồng Cỏ lìa bỏ quê hương để bắt đầu cuộc lưu vong của chính ông, sau thời gian tù đày khốn khổ trên mảnh đất nơi ông đã từng sống, viết, và yêu thương. Cho đến nay độc giả của Nguyễn Đình Toàn chỉ mới đón nhận một phần trong số cả trăm ca khúc ông tự phổ nhạc từ những bài thơ ghi dấu những năm tháng cay nghiệt ấy (một số ca khúc đã được thực hiện thành 3 CD “Hiên Cúc Vàng“, “Mưa Trên Cây Hoàng Lan“, “Tôi Muốn Nói Với Em“). Và độc giả vẫn có quyền chờ đợi được đọc cuốn tiểu thuyết ông chưa viết hay đang viết dở dang, như người ta vẫn mong mỏi điều mà cô xướng ngôn viên Phụng đã ấp ủ trong lòng, ở những trang cuối của Đồng Cỏ (1974):

“…Người Do Thái còn tái lập quốc được, trở nên hùng mạnh được, không có gì đáng coi là tuyệt vọng cả.
“Nhưng điều kiện đầu tiên là phải còn người.
“Không có chủ nghĩa nào tốt đẹp khi người ta phải chết.
“Không có khả năng nào quý giá hơn việc cứu vớt người.
“Không có sự an ủi nào lớn lao hơn sự có mặt, chia xẻ.
“Tôi thiết tha mong, sẽ có được những tác phẩm văn chương, thi ca, âm nhạc, những lời kêu gọi thống thiết, để mỗi ngày, mỗi đêm, đem đọc, phát đi, thả tiếng nói bay khắp trời đất, và, ở bất cứ nơi nào chúng ta còn có cơ hội nói với nhau, cũng sẽ có người làm công việc tương tự, để tất cả những người Việt Nam phiêu bạt nơi chân trời góc biển, đều có thể thấy lại mình trên những đường giao thoa của các tiếng kêu gọi đó, trở về.
“Trở về trong họa phúc của xứ sở.
“Trở về để nhặt xương những người đã chết trong cuộc chiến, nuôi lấy những đứa trẻ mồ côi…”

* Tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn 1 & 2. Nxb Người Việt Books, 2014. 754 trang. Giá $53.00 trọn bộ 2 cuốn. Đặt mua trên trang mạng http://www.nguoivietshop.com (item no. L6-LD8E-LTJD). Hoặc mua trên Amazon: http://www.amazon.com.

Nguồn: https://phonhonews.com/doc-tieu-thuyet-nguyen-dinh-toan-1-2-dao-truong-phuc/

Comments are closed.