Du ký
Hoàng Minh Tường
Nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần” vừa là khách mời của Viện Đông Nam Á, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan và Nhà xuất bản B.books, Seoul, nơi đã cho ra đời bản chuyển ngữ tiếng Hàn với tựa đề “Thi sĩ sang sông”.
Trong thời gian ở thăm Busan nhà văn Hoàng Minh Tường đã tới thăm dịch giả, giáo sư Bae Yang Soo, trưởng khoa tiếng Việt, trường ĐHNN Busan, người đã có công chuyển ngữ ra tiếng Hàn. Nhà văn đã tặng dịch giả bức tranh sơn dầu “ Thiếu nữ Việt với xứ sở Kim Chi” khổ 40×50 cm vẽ từ 12 năm trước và chuyển quà tặng của Trannhuong.com: Tiểu thuyết “Kim Koor Kỳ Kuặc Ký” tới người bạn Bae Yang Soo thân thiết. Tại buổi giao lưu với các giáo sư và sinh viên khoa tiếng Việt trường ĐHNN Busan, với tiêu đề “Tổ quốc của tôi – Văn học của tôi”, nhà văn đã nói về quá trình sáng tác, ký tặng sách bạn đọc quan tâm tới văn học Việt Nam. Những ngày ở Busan nhà văn đã tới thăm khu ký túc xá của các giáo sư Việt Nam đang công tác giảng dạy tại đây, cùng các đồng hương thăm các trung tâm văn hóa, du lịch của thành phố.
Tại thủ đô Seoul, tác giả “Thời của Thánh Thần” đã được các nhà văn đồng nghiệp Hàn Quốc đã đón tiếp nồng nhiệt và chân tình. Nhà văn đã có cuộc tọa đàm với các nhà văn trong Hội tác gia Hàn Quốc, gặp gỡ nhà thơ Cho Ki Cho, giám đốc NXB B.books và các biên tập viên của nhà xuất bản, những bà đỡ mát tay của “Thi sỹ sang sông”. Các nhà văn nhà thơ đều muốn được tác giả ký sách lưu niệm, như một món quà văn học quí giá và tình cảm đặc biệt Việt – Hàn.
Kim Young Sil – Quỳnh Anh
Cách đây hơn 10 năm, cuối năm 2004, tôi đã có cơ hội đặt chân đến xứ sở Kim Chi. Trên chiếc boeing của hãng hàng không Hoa Nam, tôi nhìn xuống mù mịt biển thẳm và cứ nghĩ về chuyến hải hành lịch sử của ông tổ thuyền nhân người Việt, là hoàng tử Lý Long Tường, con thứ bẩy của vua Lý Anh Tông, triều đại phong kiến Việt Nam huy hoàng đã khai mở ra Thăng Long – Hà Nội. Năm 1226, để tránh hậu hoạ có thể bị truy sát do việc nhà Trần thoán ngôi nhà Lý, hoàng tử Lý Long Tường đã cùng bầu đoàn thê tử đem theo đồ tế tự, ấn kiếm, bảo vật hoàng gia trên một hạm đội, vượt bao hiểm nguy, bão tố, tìm đến đất Cao Ly xin lập nghiệp. Và rồi, 27 năm sau đó, đội quân người Việt, dưới sự chỉ huy của vị thuỷ sư tài danh, đã sát cánh cùng với quân dân Cao Ly đánh tan đội quân Nguyên Mông khét tiếng hung bạo. Hoàng thúc Lý Long Tường trở thành Hoa Sơn tướng quân ( Hwasan Sanggun), được phong đất ở Thụ Hàng Môn, trở thành ông tổ họ Lý Hoa Sơn ở nước Hàn.
Rất tiếc chuyến bay ấy, chỉ quá cảnh (transit) ở sân bay quốc tế Incheon, và tôi chỉ được dừng chân ở cửa ngõ Seoul gần một giờ đồng hồ, sau đó bay ngang qua biển Hoàng Hải, đến thành phố Thanh Đảo, nơi tôi tham dự Hội chợ triển lãm ngành Thuỷ sản.
Bây giờ, ước mơ đến thăm Hàn Quốc của tôi đã thành hiện thực. Nhưng muốn vượt vài chục cây số nữa đến Hoa Sơn, đến Thụ Hàng Môn để tưởng nhớ Hoàng thúc Lý Long Tường thì không thể. Bên ấy thuộc đất Bắc Triều Tiên của cha con ông cháu Kim Jong Un, vùng đất bí hiểm và sặc hơi bom nguyên tử (!)
Hàn Quốc rất khác lạ so với mường tượng của tôi. Cả bán đảo là một khối đá có nền móng vững chắc. Bẩy mươi phần trăm đồi núi. Sông suối trong vắt không chút phù sa. Đến cá nước ngọt cũng hiếm. Vượt chiếc cầu dẫn qua vịnh biển hơn chục cây số từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul, khi thủy triều rút, mênh mông cát xám, đến mức một cây sú vẹt hay loại cây gì đó thích nghi với vùng bãi bồi, cũng không thấy bóng dáng. Không tìm đâu ra một cánh đồng, theo đúng nghĩa. Chỉ thấy những thung lũng nhỏ hẹp lọt giữa các dãy núi. Những thửa ruộng lúa nước cũng nhỏ bé manh mún, chen giữa những vạt rau màu, cây ăn quả. Từ Seuol xuống thành phố hải cảng Bu San, con đường cao tốc huyết mạch tám làn xe, dài hơn năm trăm cây số, chui qua không biết bao nhiêu hầm, xe bus chạy gần năm giờ đồng hồ, kể cả một chặng nghỉ dài. Người ta bảo, cả hai con đường sương sống của nước Hàn, đường KTX (Đường xe điện siêu tốc Hàn Quốc) và đường cao tốc song song đưa tôi xuống Bu San, đều được chính phủ ông Pak Chung Hy làm bằng tiền lính Nam Hàn đánh thuê cho Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thời giá những năm 60 – 70 thế kỷ trước, lúc làm hai con đường này, là hơn 10 tỷ USD, tương đương với 65 tỷ USD hối đoái bây giờ. Đi dọc xương sống nước Hàn, có thể mường tượng một phần nào vóc dáng một nước công nghiệp cường quốc châu Á. Cứ vài cây số, hoặc cứ chui qua một dải núi sang thung lũng bên kia, lại thấy cơ man chọc trời những tòa nhà san sát. Đó là những thị tứ, những trung tâm thương mại, cụm công nghiệp. Chỉ trừ những thôn làng hẻo lánh, hầu như hơn bẩy mươi phần trăm dân Hàn sống trong các tòa nhà chung cư. Trong khoảng năm mươi năm qua, nước Hàn tiến với tốc độ vũ bão.
***
Dắt dẫn tôi đến Hàn Quốc hôm nay là nhờ đứa con tinh thần của tôi, cuốn tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”, được nhà Việt Nam học, giáo sư Bae Yang Soo của trường Đại học Ngoại ngữ Bu San dịch ra tiếng Hàn, với tựa đề: “Thi sỹ sang sông”.
Theo chương trình đã được thông báo qua email: Tại Bu San, tôi sẽ có buổi giao lưu văn học với sinh viên môn tiếng Việt do Viện Đông Nam Á trường ĐHNN Bu San bảo trợ. Áp phích quảng cáo đã được trưng khắp trường, có ảnh tôi và bìa cuốn tiểu thuyết, kèm theo dòng slogan khiến tôi không kìm nén nổi cảm xúc: “Tổ quốc của tôi, Văn học của tôi”. Bae Yang Soo đã thấu hiểu tôi đến mức, chỉ cần tám chữ, anh đã chạm vào đáy tim tôi.
Giống như tôi, vốn nhà quê một cục, Bae Yang Soo là một chàng trai sinh trưởng ở một làng quê cách Busan gần ba trăm cây số. Ký ức về cuộc chiến tranh hai miền Triều Tiên 1950 -1953, và nhất là sự tương đồng giữa cảnh ngộ Hàn – Việt, dường như đã quyết định hướng đi sau này của Bae. Tốt nghiệp phổ thông và hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, năm 1985 Bae quyết định thi vào khoa tiếng Việt, trường Đại học Ngoại ngữ Seoul. Ngày ấy, ở Đại Hàn dân quốc còn rất ít người Việt, cô dâu Việt càng ít hơn, thảng hoặc có vài người theo chồng là lính đánh thuê Pak Chung Hy sang từ trước năm 1975. Bae không có động cơ kinh tế, học để thành nhà doanh nghiệp sang Việt Nam đầu tư. Bae chỉ có một khát vọng hiểu biết nền văn hóa Việt. Năm 1990, tốt nghiệp cử nhân, Bae tiếp tục sang Việt Nam tu nghiệp ở khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1998, anh hoàn thành khóa luận thạc sỹ, năm 2002, bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sỹ văn học hiện đại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Bae Yang Soo đã dịch và cho xuất bản tại Hàn Quốc kiệt tác “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, tiếp theo đó là tiểu thuyết “Áo trắng” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Tác phẩm kế tiếp mà Bae để nhiều công chuyển ngữ sang tiếng Hàn là tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai. Hợp đồng đã ký với nhà xuất bản. Nhưng buồn thay, khi tập I dịch xong chuẩn bị đưa in thì nhà xuất bản phá sản. Và bản dịch tiếng Hàn bộ tiểu thuyết hai tập “Ông cố vấn” đành gác lại …
– Lần đầu em được đọc tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần” là cuối năm 2008, khi em đang tu nghiệp ở Texas, Hoa Kỳ – Kém tôi mười một tuổi, nhưng Bae luôn dùng đại từ nhân xưng “em” rất khiêm nhường – Nhà thơ Văn Cầm Hải từ Việt Nam sang, mang theo một bản in lậu, nói rằng sách mới bị thu hồi, không tìm được bản chính. Em mượn đọc. Và hiểu thêm nhiều về nước Việt. Năm 2010, được sang dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội, được chính tác giả tặng sách, mừng lắm. Đấy là cái cơ duyên để bạn đọc Hàn Quốc có một “Thi sỹ sang sông” hôm nay…
– Còn với tôi, giáo sư Bae Yang Soo, chính là mối cơ duyên, là cầu nối văn học Hàn – Việt, là nguyên cớ khiến tôi tới Bu San – Tôi nói và bỗng sững sờ khi đứng giữa căn phòng làm việc của giáo sư chất tầng tầng các giá sách, trong đó có nhiều sách văn học Việt Nam, với các tổng tập từ văn học dân gian tới văn chương hiện đại, từ Nguyễn Trãi tới Nguyễn Du, từ Hồ Xuân Hương tới Anh Thơ, từ Lê Quí Đôn tới Phan Huy Chú, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, từ Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn, tới văn học kháng chiến, văn chương miền Nam và Hải ngoại…
– Bưu điện vừa gửi về cho em hai cuốn sách này của anh – Bae lấy trên giá sách xuống cuốn tiểu thuyết “Nguyên khí”, viết về thảm án Lệ Chi Viên với nỗi oan muôn thuở của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, vừa in ở Mỹ và bản dịch tiếng Nhật “Thời của Thánh Thần” mới in ở Tokyo.
Tôi tròn xoe mắt kinh ngạc. Chính tôi cũng chưa có hai bản này. Đắt, và mua trên mạng rất nhiêu khê.
– Ở Hàn Quốc, hiếm có một tủ sách tiếng Việt nào như của giáo sư Bae Yang Soo – Đó là nhận xét của các giảng viên trong đoàn chuyên gia giảng dạy tiếng Việt. Ở Đại học Bu San, tổ giảng viên tiếng Việt từ Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh hiện có năm người. Bộ môn tiếng Việt có số sinh viên lên tới hàng trăm,vào loại đông nhất trong khối Asean. Công lao ấy, có sự đóng góp quan trọng của giáo sư Bae Yang Soo.
Năm 1995, Bae Yang Soo về công tác tại trường Đại học Ngoại ngữ Bu San. Đây là một trường đại học tư nhân, ông chủ, kiêm hiệu trưởng trường là một nhà doanh nghiệp, một nhà văn hóa. Nhiệm vụ đặt những viên gạch nền móng đầu tiên xây dựng bộ môn tiếng Việt trong khoa Đông Nam Á, được trao cho cử nhân Bae Yang Soo và một vài đồng sự. Cùng với Hội Hữu nghị Hàn Việt do giáo sư Lee Sang Min, Đại học Quốc gia Bu San làm chủ tịch, Bae Yang Soo đã nhờ các giáo sư văn học hàng đầu Việt Nam sang Bu San xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy bộ môn tiếng Việt, đào tạo những chuyên gia Hàn Quốc nói và viết tiếng Việt thành thạo cho công cuộc phát triển kinh tế và ngoại giao, văn hóa giữa hai nước. Hai mươi năm đã qua, từ không đến có, từ một khoa ngoại ngữ bắt đầu nhen nhóm, tới nay bộ môn tiếng Việt trường Đại học Ngoại ngữ Bu San đã trở thành một bộ môn vững mạnh thu hút sinh viên từ khắp đất nước Hàn, đào tạo hàng trăm chuyên gia trong đủ các lĩnh vực. Năm 2014, trường ĐHNN Bu San chuyển từ cơ sở cũ về địa điểm mới trên sườn núi Kim Tỉnh rộng tới vài chục hecta, có sân vận động và quảng trường, rừng cây, với tòa ngang dãy dọc hiện đại, đủ chỗ làm việc và học tập cho hàng trăm giáo sư, hàng nghìn sinh viên, trong đó có gần một ngàn sinh viên quốc tế. Trường ĐHNN Bu San vào loại hiện đại và bề thế bậc nhất Hàn Quốc, xứng tầm với thành phố gần bẩy triệu dân, trung tâm thương mại, công nghiệp và hải cảng lớn thứ hai sau Seoul.
Điều làm tôi rất sảng khoái, là trong mấy ngày ở Bu San, tôi được sống cùng các giáo sư Việt Nam, ngủ cùng phòng với tiến sỹ văn học Say Nha Sản, người Lào. Từ nhà ký túc, hằng ngày các giáo sư đi bộ theo trục phố dốc tới ba mươi độ, dài hơn cây số lên giảng đường. Các thầy đi bộ quen tới mức, một ngày lên xuống bốn lần, thậm chí có ngày đi vòng qua rừng, mà tịnh không hề mệt nhọc.
Tiến sỹ Say Nha Sản, quê Xiêng Khoảng, học Đại học Sư phạm Hà Nội, hoàn thành luận án tiến sỹ văn học năm 1999, sau đó là giảng viên Đại học Quốc gia Viên Chăn. Là con rể Việt Nam, lấy vợ cùng nghề, quê Thái Bình, nói tiếng Việt như tiếng Lào, nên được bố trí sinh hoạt với tổ giảng viên tiếng Việt. Nhiệm vụ của tiến sỹ Say Nha Sản là đặt nền móng xây dựng môm tiếng Lào ở trường ĐHNN Bu San.
– Em sang đây là nhờ sự giới thiệu của các giáo sư khoa ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội – Say Nha Sản tâm sự – Nhưng người trực tiếp giúp em sang đây là giáo sư Bae Yang Soo. Hy vọng, tại trường ĐHNN Bu San này sẽ hình thành một trung tâm Lào học…
Hiện tình bộ môn tiếng Lào, cũng giống như bộ môn tiếng Việt ở Bu San hai mươi năm trước.
Hôm nay, tiếng Việt đã lan tỏa ở Bu San. Tôi leo dốc lên trường, xuống ga xe điện ngầm, lên phố trung tâm, ra bãi biển, lên chùa với vợ chồng giáo sư Phùng Ngọc Kiếm, cô giáo Nghiêm Thị Hảo, với tiến sỹ Nguyễn Phượng, tiến sỹ Say Nha Sản…, gặp những tốp sinh viên Hàn, họ đều cúi đầu: “Em chào các thầy cô ạ”. Tiếng Việt chuẩn như tiếng Hà Nội. Và buổi chiều đẹp trời đầu tháng sáu ấy, tại phòng lớn Thư viện trường ĐHNN Bu San, dường như tôi là nhà văn Việt Nam đầu tiên có vinh hạnh được đứng trước các vị quan khách Hội những người Hàn yêu Việt Nam, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của trường, các thầy cô giáo và hàng trăm sinh viên bộ môn tiếng Việt, để nói về Tổ quốc của tôi, Văn học của tôi.
Trước buổi giao lưu, giáo sư Bae Yang Soo có nhã ý giới thiệu tôi, với tư cách một họa sỹ. Vâng, mười hai năm trước, tôi đã ngẫu hứng vẽ một bức tranh sơn dầu, hình tượng một thiếu nữ xinh đẹp ôm một củ sâm Cao Ly. Trước ngày sang Bu San, tôi chợt nhớ ra, và vội đóng khung, đóng gói bức tranh, của một đồng công một nén, mang tặng người bạn văn tri kỷ Bae Yang Soo.
Hình như trong một thoáng, nhìn ánh mắt hàng trăm thiếu nữ dưới hội trường, gã vẽ tranh tay ngang là tôi, bỗng tưởng mình là một danh họa (!) Với hứng thú ấy, tôi tự tin bước vào buổi giao lưu văn học. Không ngờ nhiều người đã đọc “Thời của Thánh Thần – Thi sỹ sang sông”. Các em cùng tôi đối thoại, tranh luận. Tiếng Việt của các em khiến tôi kinh ngạc. Tôi ký sách lưu niệm và chụp ảnh với những độc giả lần đầu gặp gỡ.
***
Tôi muốn đi từ Seoul xuống Bu San bằng ô tô bus và về bằng đường xe lửa để thưởng ngoạn cảnh sắc nước Hàn. Đích thân giáo sư Bae Yang Soo lái xe đưa tôi ra bến tàu KTX để lên Seuol. Đường từ trường ra bến tàu, cũng là hải cảng chính của Bu San, có bến phà sang Nhật, chỉ chừng bốn chục cây số mà xe chạy hơn tiếng đồng hồ. Xe nối đuôi nhau hàng tư, hàng sáu. Nhịp sống hối hả.
Ngồi trên toa tàu rộng thênh thang, chạy với tốc độ một trăm năm mươi cây số/ giờ, êm ru, tôi bỗng nghĩ về nước Việt. Con đường xuyên Việt tại sao không theo mô hình Hàn Quốc, một đường xe lửa song song với một đường cao tốc? Để nâng cấp một đường xe lửa cũ kỹ khổ 1,1 met lên đường VTX 1,4 mét như Hàn Quốc, đâu khó đến mức không làm nổi? Lại nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn, thế giới vốn không có đường, con người đi mãi mà thành. Với những não bộ cũ kỹ, giáo điều, không chịu phát triển, làm sao có con đường hiện đại cho nước Việt?
Ngồi trên tàu, tôi say sưa ngắm những ngôi làng Hàn Quốc kẹt trong các thung lũng nhỏ hẹp. Đó mới chính là gốc gác của nước Hàn. Cũng giống những ngôi làng Việt. Ở đó Bae Yang Soo còn một mẹ già 85 tuổi, hằng ngày thui thủi trong ngôi nhà cũ kỹ vì kỷ niệm và thời gian. Mẹ nhất định không chịu đi với Bae ra Bu San, chỉ vì mẹ không thể dời xa mảnh đất cội nguồn…
Ngồi trên tàu, tôi mở sổ tay ghi lại mấy dòng: “Người Seoul, người Bu San dường như hằng ngày đều chui hết xuống tàu điện ngầm, tàu điện nổi để đi làm, đi học, đi chơi. Các bến xe điện lúc nào cũng đông nghịt người, hối hả”. “Hầu như buổi trưa các nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc đều không được bán bia, rượu. Chỉ từ buổi chiều, hết giờ làm việc một ngày, mới là lúc tự do của các sâu rượu, sâu bia”. “Thỉnh thoảng, ở Seoul, ở Bu San, lại gặp một tốp người già trong đồng phục xanh lá cây, cầm túi đựng, như các nhà sư đi khất thực. Đến gần mới biết đó là đoàn người già đi nhặt rác trên đường phố”. “Bu San là thành phố biển, nhưng hầu như chỉ có một vài bãi cát nhỏ, để chơi chứ không thể tắm, bởi dưới nước nhiều đá và nhiệt độ luôn lạnh buốt, còn rừng lẩn quất trong từng khu phố. Rừng được bảo vệ đến từng cây, từng lối đi, khe suối. Đi bộ trong rừng là môn thể dục hằng ngày của mọi người…”
Trong ba giờ tôi ngồi trên tàu, thì ở Seoul, đã lặng lẽ chuẩn bị một cuộc đón tiếp. Giáo sư Bae, sau khi chụp ảnh tôi, trong chiếc áo đỏ, đứng trước toa tàu số 17, đã gửi ngay hình ảnh lên Seoul. Thế là, dù không biết tiếng nhau, khi tàu vừa dừng ở ga, đã có ba người ra đón tôi, hai cô học trò tiếng Việt của giáo sư Bae, Lee Mi Seom và Kim Young Sil, và nhà thơ Cho Ki Cho, giám đốc nhà xuấ bản B.books, nơi đã xuất bản “Thời của Thánh Thần”.
Vừa gặp nhau, chúng tôi đã trở thành thân thiết. Phiên dịch cho tôi trong ba ngày ở Seoul là cô bé Kim Young Sil, 22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa tiếng Việt Đại học Quốc gia Seoul.
– Em có tên Việt là Qùynh Anh. Chú cứ gọi em là Quỳnh Anh nhé – Kim Young Sil giao hẹn với tôi thế. Cô bé nhỏ nhắn và có nhiều nét giống con gái Việt. Năm ngoái đã sang học ở Đại học nhân văn TP Hồ Chí Minh. Rồi lại tự bỏ tiền bay sang California chơi. Quỳnh Anh bảo, thứ bẩy không đưa tôi ra sân bay được vì em phải đi làm thêm (phục vụ nhà hàng, dạy tư vv…). Mỗi tuần làm thêm hai ngày cuối tuần, bẩy giờ sáng ra khỏi nhà, mười giờ tối mới về, một tháng cũng được hai triệu Won (tương đương bốn mươi triệu VND), đủ tiền tiêu và đóng học phí, không phải xin tiền bố mẹ.
Ngay buổi chiều lên Seuol, tôi đã có buổi gặp gỡ với Hội tác gia văn học Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc hiện có hai Hội nhà văn, cấp tiến (cánh tả) và bảo thủ (phái hữu), đều là hai hội nhà văn tư nhân, tự góp tiền, thuê trụ sở hoạt động, nhà nước chỉ bảo trợ và đặt hàng những vụ việc cụ thể có liên quan đến hoạt động quốc gia. Tiếp tôi chiều ấy ở văn phòng hội là các nhà văn cấp tiến, do nhà lý luận phê bình văn học Ko Yuong Sik và hai nữ văn sỹ Lee Mi Kyeong, Park Seo Hee chủ trì. Phòng họp kê bàn xung quanh, sau bàn chủ tọa có pano ảnh và tác phẩm của tôi.
Một không khí giao lưu và học thuật rất chân tình. Các nhà văn Hàn Quốc, như Lee Yong Jun, Kim Hyun Hee, Lee Young Eun, Kim Nam Il đều khá am hiểu văn học Việt Nam. Ko Yuong Sik, Kim Nam Il rất thích “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, quen biết Văn Lê , Lê Minh Khuê và nhiều nhà văn trẻ khác. Trò chuyện, ký tặng sách cho tới chiều tối thì kéo nhau dạo bộ đến nhà hàng bia lạnh. Bia và rượu Sochu vào, lời ra. Tôi không hiểu họ nói gì, nhưng nhìn cử chỉ, ánh mắt, nghe ngữ điệu, tôi biết là tôi và “Thi sỹ sang sông” của tôi đã thuộc về họ, thuộc về nước Hàn.
Ngày ở Seoul tiếp theo, tôi được “biên chế” thành người của nhà xuất bản B.books. Cả giám đốc Cho Ki Cho và hai nữ biên tập viên xinh đẹp Back Eun Ju, Kim Jang Mi, cùng hai chuyên gia Shim Dong Wan, Shim Chul Min đều giành cho tôi cả buổi đi thăm bảo tàng vua Sejong (1397 – 1450), tướng quân Yi Sunshin (1545 -1598) và hoàng cung thời vương quốc Korea cực thịnh.
Nói thêm một chút về vua Sejong và tướng quân Yi Sunshin. Thời đại vua Sejong (1397 – 1450) tương đương với thời vua Lê Thánh Tông của Việt Nam, một thời đại thịnh trị, kinh tế văn hóa phát triển rực rỡ. Đặc biệt, vua Sejong và các cộng sự của ông, năm 1446 đã sáng tạo ra chữ Hàn, tồn tại và phát triển cho tới bây giờ. Thời vua Lê Thánh Tông của Đại Việt, chữ Nôm cũng rất phát triển. Trước đó “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đã là đỉnh cao của chữ Nôm , rồi Tao đoàn chủ súy Lê Thánh Tông và các thành viên đã cổ súy chữ Nôm thành quốc ngữ. Tiếc rằng bộ chữ còn phụ thuộc vào chữ Hán (Tầu) nhiều quá, không giản lược và độc lập như chữ Hàn. Nếu như trước đây ở Hàn Quốc cũng giống như ở Đại Việt, mọi thứ liên quan đến văn tự, đều lệ thuộc vào chữ Hán (Tầu), thì từ khi chữ Hàn ra đời, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, chính trị kinh tế đã phát triển vượt bậc. Nhiều phát minh khoa học, như đồng hồ đo ánh nắng mặt trời, máy đo thiên văn, kính viễn vọng, tên bắn liên châu, súng hỏa hổ… đã ra đời.
Tại quảng trường trung tâm, trước hoàng cung tầng tầng mái ngói lưu li cung điện kéo lên mãi sườn núi, là tượng tướng quân Yi Sunshin sừng sững uy nghi trong giáp trụ, còn phía sau là vua Sejong ngồi trên ngai vàng, quang minh như một nhà thơ, một hiền triết. Khách tham quan nườm nượp trên quảng trường bỗng mất hút sau lưng vua Sejong. Thì ra đó là một cửa ngầm dẫn xuống nhà bảo tàng và nhà trưng bày khổng lồ dưới lòng đất. Mênh mông các gian phòng lưu giữ những hình ảnh và vật dụng về vua Sejong, thời đại hoàng kim Sejong. Liền đó là các phòng trưng bày về những trận hải chiến oanh liệt chống quân Nhật Bản và quân Minh xâm lược trên chiến trường Bu San cuối thế kỷ XVI, với sa bàn, rạp chiếu phim 3D, phòng trưng bày khí cụ và trải nghiệm của du khách. Có người bảo: Tướng quân Yi Sunshin được dân Hàn ngưỡng mộ như đức thánh Trần Hưng Đạo của Đại Việt. Có giả thiết nói tướng quân Yi Sunshin chính là hậu duệ của hoàng thúc Lý Long Tường và những chiến thuyền của ông có cấu tạo và công năng giống các hạm thuyền Đại Việt.
Quần thể Quảng trường – Bảo tàng – Hoàng cung là tâm điểm đón khách du lịch đến Seoul. Ở đây, ngày nào cũng gặp từng đoàn du khách người Việt. Giám đốc Cho Ki Cho và các biên tập viên nhà xuất bản B. books khi thấy tôi reo lên khi nhận ra những người đồng hương, thì vội giơ máy ảnh bấm liên hồi.
Buổi tham quan kéo dài từ chiều cho tới đêm khua. Giám đốc kiêm nhà thơ Cho Ki Cho, đẹp trai như một tài tử điện ảnh và rất tình cảm. Ông tặng tôi tập thơ “Mỹ nhân dầu (oil)”, với lời đề tặng rất văn nghệ: “Chào đón “Thánh thần” đến thăm Seoul”. Được biết, nhà xuất bản B.books của ông là một nhà xuất bản tư nhân, chỉ có năm nhân viên, kể cả ông, vốn liếng mỏng, vậy mà khi giáo sư Bae Yang Soo gửi bản dịch đến, biết là sách quá dày (hơn 600 trang khổ 15x23cm), rất kén độc giả thời @, giá thành lại cao (18.000 Won, tương đương 360.000 VND), nhưng ông đã quyết định nhận in ngay và ghi ở bìa sách con số1, tức là tiểu thuyết dịch số Một, đầu tiên, của nhà xuất bản.
– Các bạn có cảm tưởng gì khi biên tập sách của tôi? – Tôi nhờ Quỳnh Anh chuyển câu hỏi đến hai nữ biên tập viên xinh đẹp của nhà xuất bản B.books.
– Tôi hiểu nước Việt và thêm yêu nước Việt – Back Eun Ju cười dễ thương như thiếu nữ Việt.
Còn Kim Jang Mi thì lấy bút viết vào sổ tay của tôi một câu tiếng Anh: “I love you!”
Câu ấy, tiếng Hàn, không biết viết như thế nào nhỉ?
Tháng 6.2016
HMT
Cách đây hơn 10 năm, cuối năm 2004, tôi đã có cơ hội đặt chân đến xứ sở Kim Chi. Trên chiếc boeing của hãng hàng không Hoa Nam, tôi nhìn xuống mù mịt biển thẳm và cứ nghĩ về chuyến hải hành lịch sử của ông tổ thuyền nhân người Việt, là hoàng tử Lý Long Tường, con thứ bẩy của vua Lý Anh Tông, triều đại phong kiến Việt Nam huy hoàng đã khai mở ra Thăng Long – Hà Nội. Năm 1226, để tránh hậu hoạ có thể bị truy sát do việc nhà Trần thoán ngôi nhà Lý, hoàng tử Lý Long Tường đã cùng bầu đoàn thê tử đem theo đồ tế tự, ấn kiếm, bảo vật hoàng gia trên một hạm đội, vượt bao hiểm nguy, bão tố, tìm đến đất Cao Ly xin lập nghiệp. Và rồi, 27 năm sau đó, đội quân người Việt, dưới sự chỉ huy của vị thuỷ sư tài danh, đã sát cánh cùng với quân dân Cao Ly đánh tan đội quân Nguyên Mông khét tiếng hung bạo. Hoàng thúc Lý Long Tường trở thành Hoa Sơn tướng quân (Hwasan Sanggun), được phong đất ở Thụ Hàng Môn, trở thành ông tổ họ Lý Hoa Sơn ở nước Hàn.
Rất tiếc chuyến bay ấy, chỉ quá cảnh (transit) ở sân bay quốc tế Incheon, và tôi chỉ được dừng chân ở cửa ngõ Seoul gần một giờ đồng hồ, sau đó bay ngang qua biển Hoàng Hải, đến thành phố Thanh Đảo, nơi tôi tham dự Hội chợ triển lãm ngành Thuỷ sản.
Bây giờ, ước mơ đến thăm Hàn Quốc của tôi đã thành hiện thực. Nhưng muốn vượt vài chục cây số nữa đến Hoa Sơn, đến Thụ Hàng Môn để tưởng nhớ Hoàng thúc Lý Long Tường thì không thể. Bên ấy thuộc đất Bắc Triều Tiên của cha con ông cháu Kim Jong Un, vùng đất bí hiểm và sặc hơi bom nguyên tử (!)
Hàn Quốc rất khác lạ so với mường tượng của tôi. Cả bán đảo là một khối đá có nền móng vững chắc. Bẩy mươi phần trăm đồi núi. Sông suối trong vắt không chút phù sa. Đến cá nước ngọt cũng hiếm. Vượt chiếc cầu dẫn qua vịnh biển hơn chục cây số từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul, khi thủy triều rút, mênh mông cát xám, đến mức một cây sú vẹt hay loại cây gì đó thích nghi với vùng bãi bồi, cũng không thấy bóng dáng. Không tìm đâu ra một cánh đồng, theo đúng nghĩa. Chỉ thấy những thung lũng nhỏ hẹp lọt giữa các dãy núi. Những thửa ruộng lúa nước cũng nhỏ bé manh mún, chen giữa những vạt rau màu, cây ăn quả. Từ Seuol xuống thành phố hải cảng Bu San, con đường cao tốc huyết mạch tám làn xe, dài hơn năm trăm cây số, chui qua không biết bao nhiêu hầm, xe bus chạy gần năm giờ đồng hồ, kể cả một chặng nghỉ dài. Người ta bảo, cả hai con đường xương sống của nước Hàn, đường KTX (Đường xe điện siêu tốc Hàn Quốc) và đường cao tốc song song đưa tôi xuống Bu San, đều được chính phủ ông Pak Chung Hy làm bằng tiền lính Nam Hàn đánh thuê cho Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thời giá những năm 60 – 70 thế kỷ trước, lúc làm hai con đường này, là hơn 10 tỷ USD, tương đương với 65 tỷ USD hối đoái bây giờ. Đi dọc xương sống nước Hàn, có thể mường tượng một phần nào vóc dáng một nước công nghiệp cường quốc châu Á. Cứ vài cây số, hoặc cứ chui qua một dải núi sang thung lũng bên kia, lại thấy cơ man chọc trời những tòa nhà san sát. Đó là những thị tứ, những trung tâm thương mại, cụm công nghiệp. Chỉ trừ những thôn làng hẻo lánh, hầu như hơn bẩy mươi phần trăm dân Hàn sống trong các tòa nhà chung cư. Trong khoảng năm mươi năm qua, nước Hàn tiến với tốc độ vũ bão.
***
Dắt dẫn tôi đến Hàn Quốc hôm nay là nhờ đứa con tinh thần của tôi, cuốn tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”, được nhà Việt Nam học, giáo sư Bae Yang Soo của trường Đại học Ngoại ngữ Bu San dịch ra tiếng Hàn, với tựa đề: “Thi sỹ sang sông”.
Theo chương trình đã được thông báo qua email: Tại Bu San, tôi sẽ có buổi giao lưu văn học với sinh viên môn tiếng Việt do Viện Đông Nam Á trường ĐHNN Bu San bảo trợ. Áp phích quảng cáo đã được trưng khắp trường, có ảnh tôi và bìa cuốn tiểu thuyết, kèm theo dòng slogan khiến tôi không kìm nén nổi cảm xúc: “Tổ quốc của tôi, Văn học của tôi”. Bae Yang Soo đã thấu hiểu tôi đến mức, chỉ cần tám chữ, anh đã chạm vào đáy tim tôi.
Giống như tôi, vốn nhà quê một cục, Bae Yang Soo là một chàng trai sinh trưởng ở một làng quê cách Busan gần ba trăm cây số. Ký ức về cuộc chiến tranh hai miền Triều Tiên 1950 -1953, và nhất là sự tương đồng giữa cảnh ngộ Hàn – Việt, dường như đã quyết định hướng đi sau này của Bae. Tốt nghiệp phổ thông và hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, năm 1985 Bae quyết định thi vào khoa tiếng Việt, trường Đại học Ngoại ngữ Seoul. Ngày ấy, ở Đại Hàn dân quốc còn rất ít người Việt, cô dâu Việt càng ít hơn, thảng hoặc có vài người theo chồng là lính đánh thuê Pak Chung Hy sang từ trước năm 1975. Bae không có động cơ kinh tế, học để thành nhà doanh nghiệp sang Việt Nam đầu tư. Bae chỉ có một khát vọng hiểu biết nền văn hóa Việt. Năm 1990, tốt nghiệp cử nhân, Bae tiếp tục sang Việt Nam tu nghiệp ở khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1998, anh hoàn thành khóa luận thạc sỹ, năm 2002, bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sỹ lý luận văn học. Cũng trong thời gian này, Bae Yang Soo đã dịch và cho xuất bản tại Hàn Quốc kiệt tác “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, tiếp theo đó là tiểu thuyết “Áo trắng” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Tác phẩm kế tiếp mà Bae để nhiều công chuyển ngữ sang tiếng Hàn là tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai. Hợp đồng đã ký với nhà xuất bản. Nhưng buồn thay, khi tập I dịch xong chuẩn bị đưa in thì nhà xuất bản phá sản. Và bộ tiểu thuyết hai tập “Ông cố vấn” đành gác lại…
– Lần đầu em được đọc tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần” là cuối năm 2008, khi em đang tu nghiệp ở Texas, Hoa Kỳ – Kém tôi mười một tuổi, Bae luôn dùng đại từ nhân xưng “em” rất khiêm nhường – Nhà thơ Văn Cầm Hải từ Việt Nam sang, mang theo một bản in lậu, nói rằng sách mới bị thu hồi, không tìm được bản chính. Em mượn đọc. Và hiểu thêm nhiều về nước Việt. Năm 2010, được sang dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội, được chính tác giả tặng sách, mừng lắm. Đấy là cái cơ duyên để bạn đọc Hàn Quốc có một “Thi sỹ sang sông” hôm nay…
– Còn với tôi, giáo sư Bae Yang Soo, chính là mối cơ duyên, là cầu nối văn học Hàn – Việt, là nguyên cớ khiến tôi tới Bu San – Tôi nói và bỗng sững sờ khi đứng giữa căn phòng làm việc của giáo sư chất tầng tầng các giá sách, trong đó có nhiều sách văn học Việt Nam, với các tổng tập từ văn học dân gian tới văn chương hiện đại, từ Nguyễn Trãi tới Nguyễn Du, từ Hồ Xuân Hương tới Anh Thơ, từ Lê Quí Đôn tới Phan Huy Chú, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, từ Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn, tới văn học kháng chiến, văn chương miền Nam và Hải ngoại…
– Bưu điện vừa gửi về cho em hai cuốn sách này của anh – Bae lấy trên giá sách xuống cuốn tiểu thuyết “Nguyên khí”, viết về thảm án Lệ Chi Viên với nỗi oan muôn thuở của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, vừa in ở Mỹ và bản dịch tiếng Nhật “Thời của Thánh Thần” mới in ở Tokyo.
Tôi tròn xoe mắt kinh ngạc. Chính tôi cũng chưa có hai bản này. Đắt, và mua trên mạng rất nhiêu khê.
– Hiếm có một tủ sách tiếng Việt nào như của giáo sư Bae Yang Soo. Đó là nhận xét của phó giáo sư, tiến sỹ văn học Phùng Ngọc Kiếm, người bạn cùng quê, trong đoàn chuyên gia giảng dạy tiếng Việt, đã đi cùng tôi trong suốt những ngày ở Bu San. Ở Đại học Bu San, tổ giảng viên tiếng Việt từ Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh hiện có năm người. Và khoa tiếng Việt là khoa ngoại ngữ có số sinh viên lên tới hàng trăm, vào loại đông nhất trong khối Asean. Công lao ấy, trước hết thuộc về giáo sư Bae Yang Soo.
Năm 1995, Bae Yang Soo về công tác tại trường Đại học Ngoại ngữ Bu San. Đây là một trường đại học tư nhân, ông chủ, kiêm hiệu trưởng trường là một nhà doanh nghiệp, một nhà văn hóa. Nhiệm vụ đặt những viên gạch nền móng đầu tiên xây dựng bộ môn tiếng Việt trong khoa Đông Nam Á, được trao cho cử nhân Bae Yang Soo. Cùng với Hội Hữu nghị Hàn Việt do giáo sư Lee Sang Min, Đại học Quốc gia Bu San làm chủ tịch, Bae đã nhờ các đồng nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội sang Bu San xây dựng chương trình và tổ chức giảng dạy bộ môn tiếng Việt, đào tạo những chuyên gia Hàn Quốc nói và viết tiếng Việt thành thạo cho công cuộc phát triển kinh tế và ngoại giao, văn hóa giữa hai nước. Hai mươi năm đã qua, từ không đến có, từ một khoa ngoại ngữ bắt đầu nhen nhóm, tới nay bộ môn tiếng Việt trường Đại học Ngoại ngữ Bu San đã trở thành một bộ môn vững mạnh thu hút sinh viên từ khắp đất nước Hàn, đào tạo hàng trăm chuyên gia trong đủ các lĩnh vực. Năm 2014, trường ĐHNN Bu San chuyển từ cơ sở cũ về địa điểm mới trên sườn núi Kim Tỉnh rộng tới vài chục hecta, có sân vận động và quảng trường, rừng cây, với tòa ngang dãy dọc hiện đại, đủ chỗ làm việc và học tập, có ký túc xá cho hàng trăm giáo sư, hàng nghìn sinh viên, trong đó có gần một ngàn sinh viên quốc tế. Trường ĐHNN Bu San vào loại hiện đại và bề thế bậc nhất Hàn Quốc, xứng tầm với thành phố gần bẩy triệu dân, trung tâm thương mại, công nghiệp và hải cảng lớn thứ hai sau Seoul.
Điều làm tôi rất sảng khoái, là trong mấy ngày ở Bu San, tôi được bố trí ăn nghỉ với các giáo sư Việt Nam, ngủ cùng phòng với tiến sỹ văn học Say Nha Sản, người Lào. Từ nhà ký túc, hằng ngày các giáo sư đi bộ theo trục phố dốc tới ba mươi độ, dài hơn cây số lên giảng đường. Thầy Phùng Ngọc Kiếm, có hai nhiệm kỳ giảng dạy ở đây, đi bộ quen tới mức, một ngày lên xuống bốn lần, thậm chí có ngày đi vòng qua rừng, mà tịnh không hề mệt nhọc.
Tiến sỹ Say Nha Sản, quê Xiêng Khoảng, học Đại học Sư phạm Hà Nội, hoàn thành luận án tiến sỹ văn học năm 1999, sau đó là giảng viên Đại học Quốc gia Viên Chăn. Là con rể Việt Nam, lấy vợ cùng nghề, quê Thái Bình, nói tiếng Việt như tiếng Lào, nên được bố trí ăn ở và sinh hoạt với tổ giảng viên tiếng Việt. Nhiệm vụ của tiến sỹ Say Nha Sản là đặt nền móng xây dựng môm tiếng Lào ở trường ĐHNN Bu San.
– Em sang đây là nhờ sự giới thiệu của các giáo sư khoa ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội, đặc biệt là thầy Kiếm – Say Nha Sản tâm sự – Nhưng người trực tiếp giúp em sang đây là giáo sư Bae Yang Soo. Hy vọng, tại trường ĐHNN Bu San này sẽ hình thành một trung tâm Lào học…
Hiện tình bộ môn tiếng Lào, cũng giống như bộ môn tiếng Việt ở Bu San hai mươi năm trước.
Hôm nay, tiếng Việt đã lan tỏa ở Bu San. Tôi leo dốc lên trường, xuống ga xe điện ngầm, lên phố trung tâm, ra bãi biển, lên chùa với vợ chồng giáo sư Phùng Ngọc Kiếm, cô giáo Nghiêm Thị Hảo, với tiến sỹ Nguyễn Phượng, tiến sỹ Say Nha Sản…, gặp những tốp sinh viên Hàn, họ đều cúi đầu: “Em chào các thầy cô ạ”. Tiếng Việt chuẩn như tiếng Hà Nội. Và buổi chiều đẹp trời đầu tháng sáu ấy, tại phòng lớn Thư viện trường ĐHNN Bu San, dường như tôi là nhà văn Việt Nam đầu tiên có vinh hạnh được đứng trước các vị quan khách Hội Hữu nghị Việt Hàn, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của trường, các thầy cô giáo và hàng trăm sinh viên bộ môn tiếng Việt, để nói về Tổ quốc của tôi, Văn học của tôi.
Trước buổi giao lưu, giáo sư Bae Yang Soo có nhã ý giới thiệu tôi, với tư cách một họa sỹ. Vâng, mười hai năm trước, tôi đã ngẫu hứng vẽ một bức tranh sơn dầu, hình tượng một thiếu nữ xinh đẹp ôm một củ sâm Cao Ly. Trước ngày sang Bu San, tôi chợt nhớ ra, và vội đóng khung, đóng gói bức tranh, của một đồng công một nén, mang tặng người bạn văn tri kỷ Bae Yang Soo.
Hình như trong một thoáng, nhìn ánh mắt hàng trăm thiếu nữ dưới hội trường, gã vẽ tranh tay ngang là tôi, bỗng tưởng mình là một danh họa (!) Và bước vào buổi giao lưu văn học. Không ngờ nhiều người đã đọc “Thời của Thánh Thần – Thi sỹ sang sông”. Các em cùng tôi đối thoại, tranh luận. Tiếng Việt của các em khiến tôi kinh ngạc. Tôi ký sách lưu niệm và chụp ảnh với những độc giả lần đầu gặp gỡ.
***
Tôi muốn đi bằng ô tô bus và về bằng đường xe lửa để thưởng ngoạn cảnh sắc nước Hàn. Đích thân giáo sư Bae Yang Soo lái xe đưa tôi ra bến tàu KTX để lên Seuol. Đường từ trường ra bến tàu, cũng là hải cảng chính của Bu San, có bến phà sang Nhật, chỉ chừng bốn chục cây số mà xe chạy hơn tiếng đồng hồ. Xe nối đuôi nhau hàng tư, hàng sáu. Nhịp sống hối hả.
Ngồi trên toa tàu rộng thênh thang, chạy với tốc độ một trăm năm mươi cây số/ giờ, êm ru, tôi bỗng nghĩ về nước Việt. Con đường xuyên Việt tại sao không theo mô hình Hàn Quốc, một đường xe lửa song song với một đường cao tốc? Để nâng cấp một đường xe lửa cũ kỹ khổ 1,1met lên đường VTX 1,4 mét như Hàn Quốc, đâu khó đến mức không làm nổi? Lại nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn, thế giới vốn không có đường, con người đi mãi mà thành. Với những não bộ cũ kỹ, giáo điều, không chịu phát triển, làm sao có con đường hiện đại cho nước Việt?
Ngồi trên tàu, tôi say sưa ngắm những ngôi làng Hàn Quốc kẹt trong các thung lũng nhỏ hẹp. Đó mới chính là gốc gác của nước Hàn. Cũng giống những ngôi làng Việt. Ở đó Bae Yang Soo còn một mẹ già 85 tuổi, hằng ngày thui thủi trong ngôi nhà cũ kỹ vì kỷ niệm và thời gian. Mẹ nhất định không chịu đi với Bae ra Bu San, chỉ vì mẹ không thể dời xa mảnh đất cội nguồn…
Ngồi trên tàu, tôi mở sổ tay ghi lại mấy dòng: “Người Seoul, người Bu San dường như hằng ngày đều chui hết xuống tàu điện ngầm, tàu điện nổi để đi làm, đi học, đi chơi. Các bến xe điện lúc nào cũng đông nghịt người, hối hả”. “Hầu như buổi trưa các nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc đều không được bán bia, rượu. Chỉ từ buổi chiều, hết giờ làm việc một ngày, mới là lúc tự do của các sâu rượu, sâu bia”. “Thỉnh thoảng, ở Seoul, ở Bu San, lại gặp một tốp người già trong đồng phục xanh lá cây, cầm túi đựng, như các nhà sư đi khất thực. Đến gần mới biết đó là đoàn người già đi nhặt rác trên đường phố”. “Bu San là thành phố biển, nhưng hầu như chỉ có một vài bãi cát nhỏ, để chơi chứ không thể tắm, bởi dưới nước nhiều đá và nhiệt độ luôn lạnh buốt, còn rừng lẩn quất trong từng khu phố. Rừng được bảo vệ đến từng cây, từng lối đi, khe suối. Đi bộ trong rừng là môn thể dục hằng ngày của mọi người…”
Trong ba giờ tôi ngồi trên tàu, thì ở Seoul, đã lặng lẽ chuẩn bị một cuộc đón tiếp. Giáo sư Bae, sau khi chụp ảnh tôi, trong chiếc áo đỏ, đứng trước toa tàu số 17, đã gửi ngay hình ảnh lên Seoul. Thế là, dù không biết tiếng nhau, khi tàu vừa dừng ở ga, đã có ba người ra đón tôi, hai cô học trò tiếng Việt của giáo sư Bae, Lee Mi Seom và Kim Young Sil, và nhà thơ Cho Ki Cho, giám đốc nhà xuấ bản B.books, nơi đã xuất bản “Thời của Thánh Thần”.
Vừa gặp nhau, chúng tôi đã trở thành thân thiết. Phiên dịch cho tôi trong ba ngày ở Seoul là cô bé Kim Young Sil, 22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa tiếng Việt Đại học Quốc gia Seoul.
– Em có tên Việt là Quỳnh Anh. Chú cứ gọi em là Quỳnh Anh nhé – Kim Young Sil giao hẹn với tôi thế. Cô bé nhỏ nhắn và có nhiều nét giống con gái Việt. Năm ngoái đã sang học ở Đại học Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Rồi lại tự bỏ tiền bay sang California chơi. Quỳnh Anh bảo, thứ bẩy không đưa tôi ra sân bay được vì em phải đi làm thêm (phục vụ nhà hàng, dạy tư vv…). Mỗi tuần làm thêm hai ngày cuối tuần, bẩy giờ sáng ra khỏi nhà, mười giờ tối mới về, một tháng cũng được hai triệu Won (tương đương bốn mươi triệu VND), đủ tiền tiêu và đóng học phí, không phải xin tiền bố mẹ.
Ngay buổi chiều lên Seuol, tôi đã có buổi gặp gỡ với Hội tác gia văn học Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc hiện có hai Hội nhà văn, cấp tiến (cánh tả) và bảo thủ (phái hữu), đều là hai hội nhà văn tư nhân, tự góp tiền, thuê trụ sở hoạt động, nhà nước chỉ bảo trợ và đặt hàng những vụ việc cụ thể có liên quan đến hoạt động quốc gia. Tiếp tôi chiều ấy ở văn phòng hội là các nhà văn cấp tiến, do nhà lý luận phê bình văn học Ko Yuong Sik và hai nữ văn sỹ Lee Mi Kyeong, Park Seo Hee chủ trì. Phòng họp kê bàn xung quanh, sau bàn chủ tọa có pano ảnh và tác phẩm của tôi.
Một không khí giao lưu và học thuật rất chân tình. Các nhà văn Hàn Quốc, như Lee Yong Jun, Kim Hyun Hee, Lee Young Eun, Kim Nam Il đều khá am hiểu văn học Việt Nam. Ko Yuong Sik, Kim Nam Il rất thích “ Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, quen biết Văn Lê, Lê Minh Khuê và nhiều nhà văn trẻ khác. Trò chuyện, ký tặng sách cho tới chiều tối thì kéo nhau dạo bộ đến nhà hàng bia lạnh. Bia và rượu Sochu vào, lời ra. Tôi không hiểu họ nói gì, nhưng nhìn cử chỉ, ánh mắt, nghe ngữ điệu, tôi biết là tôi và “Thi sỹ sang sông” của tôi đã thuộc về họ, thuộc về nước Hàn.
Ngày ở Seoul tiếp theo, tôi được “ biên chế” thành người của nhà xuất bản B.books. Cả giám đốc Cho Ki Cho và hai nữ biên tập viên xinh đẹp Back Eun Ju, Kim Jang Mi, cùng hai chuyên gia Shim Dong Wan, Shim Chul Min đều giành cho tôi cả buổi đi thăm bảo tàng vua Sejong (1397 – 1450), tướng quân Yi Sunshin (1545 -1598) và hoàng cung thời vương quốc Korea cực thịnh.
Nói thêm một chút về vua Sejong và tướng quân Yi Sunshin. Thời đại vua Sejong (1397 – 1450) tương đương với thời vua Lê Thánh Tông của Việt Nam, một thời đại thịnh trị, kinh tế văn hóa phát triển rực rỡ. Đặc biệt, vua Sejong và các cộng sự của ông, năm 1446 đã sáng tạo ra chữ Hàn, tồn tại và phát triển cho tới bây giờ. Thời vua Lê Thánh Tông của Đại Việt, chữ Nôm cũng rất phát triển. Trước đó “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đã là đỉnh cao của chữ Nôm, rồi Tao đoàn chủ súy Lê Thánh Tông và các thành viên đã cổ súy chữ Nôm thành quốc ngữ. Tiếc rằng bộ chữ còn phụ thuộc vào chữ Hán (Tầu) nhiều quá, không giản lược và độc lập như chữ Hàn. Nếu như trước đây ở Hàn Quốc cũng giống như ở Đại Việt, mọi thứ liên quan đến văn tự, đều lệ thuộc vào chữ Hán (Tầu), thì từ khi chữ Hàn ra đời, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, chính trị kinh tế đã phát triển vượt bậc. Nhiều phát minh khoa học, như đồng hồ đo ánh nắng mặt trời, máy đo thiên văn, kính viễn vọng, tên bắn liên châu, súng hỏa hổ… đã ra đời.
Tại quảng trường trung tâm, trước hoàng cung tầng tầng mái ngói lưu li cung điện kéo lên mãi sườn núi, là tượng tướng quân Yi Sunshin sừng sững uy nghi trong giáp trụ, còn phía sau là vua Sejong ngồi trên ngai vàng, quang minh như một nhà thơ, một hiền triết. Khách tham quan nườm nượp trên quảng trường bỗng mất hút sau lưng vua Sejong. Thì ra đó là một cửa ngầm dẫn xuống nhà bảo tàng và nhà trưng bày khổng lồ dưới lòng đất. Mênh mông các gian phòng lưu giữ những hình ảnh và vật dụng về vua Sejong, thời đại hoàng kim Sejong. Liền đó là các phòng trưng bày về những trận hải chiến oanh liệt chống quân Nhật Bản và quân Minh xâm lược trên chiến trường Bu San cuối thế kỷ XVI, với sa bàn, rạp chiếu phim 3D, phòng trưng bày khí cụ và trải nghiệm của du khách. Có người bảo: Tướng quân Yi Sunshin được dân Hàn ngưỡng mộ như đức thánh Trần Hưng Đạo của Đại Việt. Có giả thiết nói tướng quân Yi Sunshin chính là hậu duệ của hoàng thúc Lý Long Tường và những chiến thuyền của ông có cấu tạo và công năng giống các hạm thuyền Đại Việt.
Quần thể Quảng trường – Bảo tàng – Hoàng cung là tâm điểm đón khách du lịch đến Seoul. Ở đây, ngày nào cũng gặp từng đoàn du khách người Việt. Giám đốc Cho Ki Cho và các biên tập viên nhà xuất bản B. books khi thấy tôi reo lên khi nhận ra những người đồng hương, thì vội giơ máy ảnh bấm liên hồi.
Buổi tham quan kéo dài từ chiều cho tới đêm khua. Giám đốc kiêm nhà thơ Cho Ki Cho, đẹp trai như một tài tử điện ảnh và rất tình cảm. Ông tặng tôi tập thơ “Mỹ nhân dầu (oil)”, với lời đề tặng rất văn nghệ: “Chào đón “Thánh thần” đến thăm Seoul”. Được biết, nhà xuất bản B.books của ông là một nhà xuất bản tư nhân, chỉ có năm nhân viên, kể cả ông, vốn liếng mỏng, vậy mà khi giáo sư Bae Yang Soo gửi bản dịch đến, biết là sách quá dày ( hơn 600 trang khổ 15x23cm), rất kén độc giả thời @, giá thành lại cao (18.000 Won, tương đương 360.000 VND), nhưng ông đã quyết định nhận in ngay và ghi ở bìa sách con số 1, tức là tiểu thuyết dịch số Một, đầu tiên, của nhà xuất bản.
– Các bạn có cảm tưởng gì khi biên tập sách của tôi? – Tôi nhờ Quỳnh Anh chuyển câu hỏi đến hai nữ biên tập viên xinh đẹp của nhà xuất bản B.books.
– Tôi hiểu nước Việt và thêm yêu nước Việt – Back Eun Ju cười dễ thương như thiếu nữ Việt.
Còn Kim Jang Mi thì lấy bút viết vào sổ tay của tôi một câu tiếng Anh: “I love you!”
Câu ấy, tiếng Hàn, không biết viết như thế nào nhỉ?
Tháng 6.2016
HMT