Cái hộp giấy

Nguyễn Đức Tùng

Tặng thương xá Tax, và tặng Hạnh, như mọi khi

 

Vừa lái xe ra khỏi siêu thị đông đúc chiều cuối tuần, hai ngày trước lễ Giáng sinh, đang lúng túng, tôi giật mình nghe tiếng kêu của một gã lái xe chạy vụt qua. Không hiểu hắn ta nói gì, đoán là tiếng chửi thề của bọn thanh niên nóng tính. Trời cuối năm lạnh căm căm, mọi vật sáng lên một lúc trước khi bắt đầu đổ tuyết, sáu tháng sau khi tôi lấy bằng lái xe, một năm sau ngày đến Canada. Chạy thêm một quãng, lần này một chiếc xe khác ghé sát vào, chậm lại, cô gái ngồi ghế trước bên phải quay hẳn kính xuống, la: Cái hộp! Cái hộp của mày trên trần! Tóc cô quấn cao, môi son đỏ mọng.

Tôi giật mình tạt xe vào lề. Quả nhiên một cái hộp giấy vẫn còn nằm yên trên trần xe.

Đó là cái hộp không.

Hồi ấy bà con thường dùng những hộp giấy cứng để đóng thùng gửi quà về Việt Nam. Những người muốn giúp đỡ gia đình hay gặp rắc rối trong việc gửi tiền mặt, phần vì hệ thống chuyển tiền chưa thuận tiện như bây giờ, phần vì sự phản đối trong dư luận. Cách tốt nhất là gởi thuốc Tây, lý do nhân đạo, vẫn dễ hơn. Ngày nghỉ cuối tuần, thay vì đi câu cá hay đi nhảy đầm với bạn bè, đi uống bia coi hockey trong các pub house, tôi cặm cụi vào hiệu thuốc tìm mua đủ loại, nhét đầy hộp. Đối với kháng sinh và thuốc đặc biệt, tôi phải đến bác sĩ để xin toa vì không thể mua ngoài thị trường. Những thứ khác, như thuốc bôi ngoài da, thuốc gội đầu, nhất là dầu khuynh diệp xanh lá cây hiệu con Ó, thơm nồng, cay mắt, tôi mua tự do. Tôi mua sẵn để dành, gởi lần hồi, vì chúng được bán hạ giá vào dịp lễ, trong các siêu thị hay department stores, hồi trước gọi là thương xá.

Trước khi ra đi, tôi từng dẫn Hoàng tới thương xá Tax, ở góc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, có lần tìm mua vải may áo dài, vì vải và nhiều hàng ở đó thật đẹp. Cũng có lần để mua một bánh xà phòng thơm. Thật ra ít người có tiền dùng xà phòng ngoại, chẳng qua cần mua làm quà đám cưới cho một người bạn, thời ấy là quà quý. Thương xá sang trọng lạnh mát lúc nào cũng bận rộn, hai chúng tôi đi dọc những quầy hàng xinh xắn, ngắm những cô bán hàng lịch thiệp, kiểu miền Nam trước đây còn giữ được, mua bánh xà phòng Camay thơm ngát. Ra về, ngồi sau yên xe Honda 67 của tôi, trong nắng sắp tắt chiều cuối năm, Hoàng bất ngờ hỏi nhỏ: có bao giờ chúng mình trở lại nơi này nữa không anh? Tôi nhớ câu thơ của Tô Thùy Yên:

Giờ này thương xá sắp đóng cửa

Người lao công quét dọn hành lang

Của thời chiến tranh loạn lạc. Tôi vội trả lời: có chứ.

Thế mà không.

Nhưng người nhà tôi bị bệnh gì mà phải dùng đến dầu khuynh diệp, dầu cạo gió con- khỉ- trắng- ôm- trái- đào, thuốc kháng sinh, thuốc hồi dương, steroids, thuốc nấm móng tay, thuốc trị lao phổi, chống ung thư nhiều thế?

Họ chẳng có bệnh gì cả. Mà nếu bệnh, họ cũng chỉ có thể uống thuốc rễ cây, uống nước rau má, xông hơi lá chanh lá sả ngoài hè, chứ chẳng hề dám nghĩ tới thuốc Tây sang trọng. Đến tay người nhận, chỉ vài ngày sau thùng thuốc đã nằm ngoài chợ trời. Ôi chợ trời. Tôi đã đi qua Hàm Nghi, dọc đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Gia Long, chợ Cồn Đà Nẵng, chợ Hố Nai, chợ Tây Lộc Huế, Đông Hà. Ở đâu chợ Trời cũng nhộn nhạo, vui vẻ, nhớp nháp, vừa héo vừa tươi. Ngươi đã nuôi sống bao nhiêu người khốn khó, cưu mang nhiều kiếp lạc loài. Bao người lương thiện nhờ ngươi mà sống sót, bao kẻ lưu manh nhờ ngươi mà thành quý tộc.

Xếp hàng bưu điện cuối năm đông người, vật lộn với những thùng giấy, những dây bện, những cuộn băng keo đến toát mồ hôi, luống cuống cân đo, bị cô nhân viên mặt đầy mụn trứng cá khó đăm đăm trả đi trả lại vì ghi sai địa chỉ, trả tiền lệ phí, ra khỏi bưu điện trong siêu thị, tôi thở phào mừng quýnh. Nghĩ đến những người thân bên kia biển Thái Bình sắp nhận thùng quà của mình, tôi vui quá nên quên trước quên sau. Nghĩ đến quang cảnh tòa nhà Bưu điện Sài gòn sơn xanh cũ kỹ nhưng uy nghi, duyên dáng, với đàn chim bồ cây trắng bay lượn trước nhà thờ Đức Bà, mỗi chiều khi mưa vừa tạnh. Mặt bàn cà phê nhỏ xinh có mùi hành tỏi, mùi tương ớt của tô bún ốc ai vừa bưng đi. Nhớ người thiếu nữ sinh viên sư phạm mái tóc đen tuyền thả ngang vai, nhà ở gần góc đường Bình Thới, Lê Đại Hành, chiều chiều đạp xe dưới hàng cây sầu đông qua trường đua Phú Thọ, về quận mười một, sắp nhận được cục xà phòng Camay thơm thơm, gói thật kỹ, nhét trong hộp thuốc tây, tôi sướng rơn người, tay run lên.

Tôi vói lấy cái hộp giấy trên trần xuống, ném vào băng ghế sau rồi tàn tàn lái đi tiếp. Đang mở cassete trên xe nghe tiếng hát Hương Lan, sau một khúc quanh, lại nghe tiếng một người lái xe hét lớn: Cuộn băng! Cuộn băng keo của mày! Tôi hấp tấp dừng xe lần nữa, bước xuống coi đi coi lại, thì ra sau khi lấy cái hộp trên trần tôi vẫn còn sơ ý để quên cuộn băng keo lớn, khá nặng, ở trên mui xe phía sau. Cuộn băng keo màu xám, trong vắt, nằm ở đó lửng lơ nhưng không rớt dù xe đã chạy cả giờ đồng hồ, như một người hành khách lên trễ xe đò sợ bị đuổi xuống liền cố sức bám chặt vào mặt thép trơn.

Thỉnh thoảng trên đường ta nghe một người lái xe hét lớn: Nắp xăng! Nắp xăng bật ra! Dành cho một người lái xe có chuyện vội vàng quên đóng nắp xăng, mùi xăng bốc ra nửa thơm nửa gắt ngạt mũi. Và khi chiều về, mặt trời tắt sau núi, bỗng nghe một người lái xe khác chạy vút qua vui vẻ kêu lên: Ly cà phê! Ly cà phê trên trần! Có thể đoán kẻ lái xe là một người đãng trí, bị bệnh mất ngủ, thường uống cà phê, vì cái ly còn nóng. Hoặc lúc ấy hắn ta đang thất tình? Hay đang bâng khuâng nhớ nhà, nhớ nước, nước nhà đã tan, sá gì thương với xá, lãng mạn với lẩm cẩm? hay hắn đang tưởng tượng đạp xe qua thong thả dưới hàng cây sầu đông hoa nhỏ tím một người muôn năm cũ, mái tóc ngang vai thơm mùi xà phòng Camay, hay cánh tay để trần thoảng mùi dầu khuynh diệp?

Comments are closed.