Hồi ký Nguyên Ngọc
Tôi còn có một chuyến đi thấm thía ở Cà Mau, chắc chỉ là Cà Mau thuở ấy nay khó còn. Chuyến này Nguyễn Trọng Tín bận, tôi đi với Nghĩa, em ruột Tín, trắng trẻo, đẹp trai và cao lớn hơn anh.
Hóa ra mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam của đất nước, nhìn bản đồ thì rõ, bởi cái mũi ấy cuối cùng lại cong ngược lên. Điểm cực Nam là một nơi gọi là Kinh Năm, và cạnh đó, Rạch Gốc. Tôi muốn đi Rạch Gốc vì đọc tài liệu của lữ đoàn 125 biết còn xác một chiếc tàu sắt của Đường mòn trên Biển Đông nằm lại ở đấy. Lỗ Tấn viết mặt đất vốn không có đường, người đi mà thành đường. Nhưng đi trên biển thì sao? Biển nhấn chìm xóa sạch tất cả trong màu xanh phẳng lì, thản nhiên và bất tận của nó. May còn một xác tàu trong một rạch kín bùn lầy, tôi muốn thử đi tìm, để được nhìn.
Ấy là vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là người hoài cổ, tôi yêu và nhớ những gì chưa bị cái gọi là hiện đại vốn kiêu căng xóa mất… Ngày ấy đi từ thị xã Cà Mau xuống tới Rạch Gốc mất trọn hai ngày. Đi tàu đò tư nhân, không hiểu sao thường do phụ nữ lái. Xuống tàu từ mờ sáng, và tàu đò thì giống hệt chiếc xe đò trên bộ cùng thời. Lúc khởi hành khách mới lơ thơ, tàu ghé lấy khách và trả khách suốt dọc đường, người đông dần lên. Ông Lê Duẩn từng ở lại miền Nam sau 1954, hoạt động lặn lội nhiều ở vùng này có nhận xét rất đúng: Ở đây chưa có làng như ở Bắc và Trung, và con người còn đi, chưa dừng lại định hình, đến đất cũng chưa định hình. Người ta còn sống thành từng nhóm nhỏ dọc các kênh rạch, mỗi nhóm chỉ năm ba nhà, đúng ra là chòi, sơ sài tạm bợ trống huơ trống huếch, các nhóm cách nhau có khi đến năm ba cây số, nhà gọi là “nhà đá”, không ở nữa thì đá một đá bỏ đi, tới chỗ khác, đất mới. Hỏi thế thì trẻ con học hành thế nào, người ta bảo xóm nào cần thì thuê thầy tới ở dạy riêng. Vậy mà vẫn có hoạt động bưu điện gửi nhận thư từ hẳn hoi, và chính các bà lái tàu đò tư này làm nhân viên bưu chính. Thỉnh thoảng bà cho tàu dừng lại ở một hàng đáy, tức là một xóm, cất tiếng gọi lớn: “Anh Hai ơi, có thơ ra nhận nghen!”. Lập tức từ trong một chòi một anh đàn ông, bao giờ cũng ở trần, nước da nâu đậm, tóc hoe vì nắng, lạch bạch chạy ra, lạch bạch vì đất ở đây là bùn đã thành đất cứng được đâu, bà lái tàu đò đã gói cái thư vào trong ni lông cột kèm một miếng gạch nhỏ, dang tay ném một phát, gói thơ rơi tõm xuống sông, anh chàng vừa chạy ra liền nhảy thùm xuống nước vừa cười toe toét vừa bơi ra chụp lấy thơ, ở đây người ta gọi thư là thơ. Thơ tình chắc cũng gửi cho nhau như vậy…
Tàu chạy chậm rì, đúng y như xe đò trên bộ, chốc chốc lại ghé dừng đón khách trả khách, cũng có lúc gặp triều xuống, kênh cạn trơ ra, phải nằm chờ vài ba tiếng nước lên mới đi tiếp được… Sẫm tối mới đến huyện lỵ Năm Căn, nghỉ lại một đêm, hôm sau lại tàu đò ì ạch một ngày Năm Căn – Rạch Gốc. Hôm nay tàu thưa khách hơn, và từ trưa khách xuống các bến nhiều, khách lên hầu như không có, các xóm ven kênh cũng càng thưa dần, và đã nghe mỗi lúc càng rõ hơi thở mặn của biển. Cho đến sẫm tối thì trên tàu chỉ còn trơ lại hai anh em ngơ ngác Nghĩa với tôi. Chị lái tàu hôm nay trẻ hơn bà chủ lái hôm qua nhiều, hỏi hai bác định về đâu để cháu đưa tới. Bây giờ mới ngã ngửa: Nghĩa đi Rạch Gốc lần này là lần đầu, cũng đoán như tôi Rạch Gốc nếu không phải là thị trấn nho nhỏ thì ít ra cũng là một cái làng hay một cái chợ, có vài ba hàng quán, có thể tạm tìm nơi ăn tối và nghỉ lại trước khi đi liên hệ với chính quyền địa phương.
Chẳng có gì hết, hai bên bờ sông chỉ toàn rừng đước tiếp rừng đước tối mịt. Nghĩa bảo: Thôi chị cho chúng tôi về chỗ trụ sở ủy ban. Chị đáp: Về ủy ban bây giờ chỉ có ma ở đó… Thôi để cháu chở hai bác đến nhà chú Hai Phốc, Chủ tịch xã… Chạy hơn mươi lăm phút nữa thì đến nhà chú Hai Phốc. Rất lạ, từ xa đã thấy ánh đèn măng sông sáng trưng và nghe tiếng hát vọng cổ qua loa mỗi lúc một rõ. Tàu cập bến, chị lái tàu gọi to: Có khách Hà Nội dô thăm anh đây nghen anh Hai! Chị sáng tác giỏi thật, sao chị biết tôi Hà Nội. Từ trong nhà măng sông sáng choang và ồn ào, có tiếng chân chạy lạch bạch, ở đây cũng toàn bùn đã làm gì có đất cứng. Có cả đèn pin. Và một người cao lớn cất tiếng ồ ồ: Chào anh Hai Hà Nội, anh Hai Hà Nội tới bữa nay là đúng quá, quý hóa quá, hay anh Hai Hà Nội đã biết trước, bữa nay là giỗ ông già tôi mà… Đưa tay cho tui anh Hai, toàn bùn mà…
Trong nhà chật cứng người và người ta đang ca vọng cổ. Ngồi một lúc thì tôi hiểu ra đấy là bài vọng cổ kể về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do anh giáo viên cộng sản Phan Ngọc Hiển lãnh đạo và ngư dân Rạch Gốc tham gia là chính, về sau Phan Ngọc Hiển cùng mấy lãnh tụ bị Pháp xử tử còn dân Rạch Gốc thì mấy chục người phải đi tù Côn Đảo. Cha anh Hai Phốc chết ở Côn Đảo. Bài vọng cổ rất dài. Đấy là loại vọng cổ 24 câu, tức là vọng cổ xưa lắm, về sau rút lại còn 12 câu, cuối cùng vọng cổ hiện đại còn lại 6 câu như bây giờ. Tất nhiên vừa nghe vọng cổ vừa uống rượu.
Giữa hai đợt vọng cổ hát đi hát lại không chán, anh Hai Phốc đến ngồi cạnh tôi, hỏi: Tôi xin lỗi anh Hai Hà Nội trước nghen, tôi hỏi chuyện này có khi không phải, vậy anh Hai Hà Nội có rành tiếng Tây không. Thật bất ngờ. Tôi nói tôi cũng có biết qua đôi chút. Hai Phốc tỏ mừng ra mặt: Dậy thì hay quá, tụi tui có chuyến này muốn nhờ anh Hai, anh Hai coi có giúp được không. Là sau cái ngày giải phóng ba mươi tháng Tư, tụi tui có lên Sài Gòn, hỏi đủ chỗ, may quá tìm được một số hồ sơ của Tây về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai – Rạch Gốc hồi năm 40, mừng quá, bọn Tây ghi đủ hết, cả tên tuổi ông già tui với mấy chục người ở đất này bị đi tù Côn Đảo, không thiếu người nào. Tụi tui thuê người ở Sài Gòn dịch. Nhưng mà có chỗ còn thắc mắc không biết hỏi ai: Sao mà tất cả tên dân Rạch Gốc, toàn là dân đánh cá, bây giờ gọi là ngư dân, mà họ, bọn Tây làm hồ sơ ấy, cứ ghi là nhà báo, nhà báo, nhà báo… Báo chí chúng tôi có biết bao giờ đâu… Tôi nói anh cho tôi coi tài liệu, cả chữ Tây cả bản dịch của các anh Sài Gòn xem. Hai Phốc mang ra một lô giấy tờ đã vàng ố, được giữ rất kỹ. Tôi đọc và nhận ra ngay. Tiếng Pháp có từ journal là tờ báo, nhật báo, trong đó có gốc jour là ngày. Từ đó mà có từ journaliste là nhà báo, nhưng cũng còn có từ journalier là người làm công nhựt, làm ngày nào ăn lương ngày ấy, ông phiên dịch thuê nào đó trên Sài Gòn nhầm giữa hai từ, biến toàn dân Rạch Gốc thành nhà báo, nhà báo, nhà báo tất! Bà con xúm lại rất đông, ô anh Hai Hà Nội giỏi quá, tiếng Tây tiếng Tàu đều thông, cám ơn anh Hai Hà Nội. Làm một chén đi, nè, một, hai, ba… dô!…
Tôi đã ngà ngà, nhưng vẫn còn biết đã khá khuya, nến trên bàn thờ cháy đã già nửa cây, mà chưa thấy thắp hương tức là vẫn chưa bắt đầu cúng. Hỏi Hai Phốc, anh trả lời nghiêm trang: Còn phải chờ ông Hắc Hổ chớ anh Hai, ông Hắc Hổ chưa tới thì chưa cúng được đâu. Ông Hắc Hổ? Sao lại có hổ ở chốn đồng bằng này, mà lại hổ đen? Thật tò mò.
Khoảng hơn 12 giờ đêm, bỗng nghe từ dưới bến tiếng reo: “Ông Hắc Hổ, ông Hắc Hổ tới rồi!”. Hàng chục đèn pin loang loáng. Và tôi thấy từ chiếc vỏ lãi bước lên một người nhỏ bé, ở trần chỉ độc chiếc quần đùi, người đen nhẻm, toàn thân quắt săn lại như một sợi dây rừng, tóc bạc hung, kiểu người này, tôi biết, không có tuổi, đến hơn trăm cũng thế này thôi, không thèm coi thời gian nóng lạnh sương gió phong ba bão táp là cái gì sất, cứ như được sinh ra từ bao giờ và bất tử… Có ai đó khoác lên vai cho ông một chiếc áo bạc phếch, rồi ai đó đưa cho ông chiếc quần dài, mọi người bỗng dạt ra và im lặng, ai đó đưa cho ông một bó hương đã đốt sẵn, ông trịnh trọng bước tới trước bàn thờ, vái ba vái, nâng bó hương lên trước trán, lẩm bẩm khấn gì đó rất lâu, rồi mới cắm hương và cúi lạy lần này gập cả lưng xuống, đúng ba lần. Một tiếng đàn ghi ta phá tan im lặng, và tiếng hát bỗng cất lên, lại nguyên bài vọng cổ ấy, rất xưa, từ khi vọng cổ mới ra đời, 24 câu, kể từ đầu đến đuôi cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai cùng sự vùng dậy của ngư dân Rạch Gốc và gần khắp vùng Mũi Cà Mau 1940-41 non một thế kỷ trước. Phải chờ ông Hắc Hổ tới mới bắt đầu cúng được vì ông là chứng nhân cuối cùng còn lại của sự kiện lịch sử hùng vĩ và bi tráng ấy, ông thuộc lớp ông già anh Hai Phốc.
Sau thất bại Nam Kỳ Khởi nghĩa, mấy chục ngư dân Rạch Gốc – Cà Mau đều phải đi tù Côn Đảo, về sau Hai Phốc kể với tôi, mấy chục người ấy đã có ai biết chút chữ nghĩa gì đâu, ở tù Côn Đảo họ chỉ làm một nhiệm vụ: mỗi khi ông Lê Duẩn, ông Tôn Đức Thắng và các ông đầu lĩnh cộng sản bị mang ra đánh thì các ông xông ra chịu đòn thay. Có người bỏ mạng ở Côn Đảo, như cha anh Hai Phốc, còn sống trở về đâu không được mươi người, nay chỉ còn mỗi ông Hắc Hổ. Hỏi vì sao lại tên Hắc Hổ, anh Hai Phốc kể, ngày xưa rừng U Minh mênh mông này đầy cọp, ông Hắc Hổ đã có lần tay không đánh nhau với một con cọp U Minh, vật nhau quần quật suốt một ngày, cuối cùng ông đánh nó chết tươi… Thì ra, tôi đâu có ngờ, U Minh thượng, U Minh hạ giống hệt Tây Nguyên của tôi, là cả một thế giới, vô tận và rậm rạp, đường đi lối lại thiên la địa võng người ta bảo chỉ có ông Hắc Hổ thuộc hết như lòng bàn tay. Ông là chủ rừng U Minh. Thời sau 1954 ông Lê Duẩn ở lại miền Nam căn cứ chính là ở Kinh Năm, tại chòi ông Hắc Hổ, do ông Hắc Hổ nuôi và bảo vệ, hai ông thường ngày chỉ ở trần độc chiếc quần đùi, cố tình để cho nắng Cà Mau thui người đen nhẻm, suốt ngày chèo một chiếc vỏ lãi rong ruổi khắp vô số kênh rạch chi chít và bí hiểm… Nay mỗi năm ông Hắc Hổ chỉ qua Rạch Gốc một lần, đúng ngày giỗ ông già Hai Phốc, ông một mình chèo một chiếc vỏ lãi, từ sáng, giờ mới tới đây…
Tôi tìm về Rạch Gốc mục đích cụ thể là để được xem xác chiếc tàu của đoàn tàu không số Biển Đông nghe nằm còn nằm trong vàm Rạch Gốc. Muốn ra tới vàm phải do dân quân xã dẫn đường và phải có lệnh Chủ tịch Hai Phốc mới có vỏ lãi mà đi. Anh em địa phương bố trí cho tôi và Nghĩa ở ngay trụ sở ủy ban, cách nhà Hai Phốc khoảng trăm mét. Sáng hôm sau tôi tìm sang nhà Hai Phốc, thì anh còn say, ngủ mê mệt, ông Hắc Hổ đã chèo về Kinh Năm. Liên tiếp bốn ngày sau, sang lần nào Hai Phốc cũng đang say, đành chịu. Ngày thứ năm tôi bàn với Nghĩa sang thật sớm, chưa tới 5 giờ sáng đã có mặt, may ra Hai Phốc còn chưa uống rượu. Hóa ra cũng chẳng ăn thua: Hai Phốc say từ tối hôm qua, còn chưa tỉnh. Bà vợ Hai Phốc bèn thay chồng ra tiếp. Một người phụ nữ còn trẻ, đẫy đà. Câu đầu tiên bà chào tôi:
Tui nghe nói ông là đại tá, vậy xin hỏi ông là đại tá ba sao hay bốn sao?
May quá, tôi khiêm tốn:
Thưa, tôi chỉ có ba sao thôi ạ.
Bà liền cầm chai rượu lên, dõng dạc:
Ba sao thì ba chén!
Và rót luôn ba chén đầy. Chén đây là chén Nam Bộ, tức cái bát ăn cơm to đùng ở nhà quê ngoài Bắc. Tôi gục luôn tại chỗ, Nghĩa phải dìu về nằm vùi mê man ở Ủy ban.
Vậy là gần một tuần đi tong, ở đây gặp Chủ tịch xã khó hơn gặp Chủ tịch nước. Mà nghĩ cũng phải thôi, ở cái chốn tự nhiên hoang dã mà tuyệt đối còn trong veo này, con người tự sống, tự tồn tại và đứng vững trước mọi thử thách, hòa hợp đến cùng với trời đất, với rừng và biển cả,… chính quyền với lại nhà nước có gì đâu mà phải can dự vào. Có khi thò tay vào lại làm rối beng mọi sự của người ta ra…
Cho đến buổi chiều ngày thứ bảy thì phải, đang ngồi trong nhà, bỗng nghe mấy cậu dân quân reo ầm lên: Chú Hai Phốc tỉnh rồi, tỉnh rồi! Tôi mừng quá vội chạy ra, thấy Hai Phốc đang đá banh với đám dân quân, sân banh là một bãi đất bùn lầy nhầy, cầu thủ chạy bì bạch, ráng gân ráng cổ sút một phát trái banh chỉ đi được ba bốn mét, vậy mà hăng ra phết, vừa đá vừa hò hét ầm ĩ. Kết quả đội Hai Phốc thua ba không, có phần lỗi hậu vệ Hai Phốc còn chưa hoàn toàn tỉnh rượu…
Tôi phải vội vàng gặp anh ngay, sợ thua bóng anh rầu uống ngay nữa thì hỏng bét. Hai Phốc cười to: Có gì đâu anh Hai, chuyện nhỏ mà, không có tui anh Hai Hà Nội nói một tiếng với bà xã tui, xong hết mà… Có lệnh Chủ tịch xã, tôi mượn được vỏ lãi, có dân quân dẫn đường, ra xem được xác chiếc tàu lịch sử nằm ngoài vàm, đã bị nước mặn gặm gần hết.
Nghĩa và tôi ở nhà Ủy ban tuềnh toàng nhưng có đủ thứ để sống: một lu gạo, một lu nước ngọt – nước ngọt ở đây phải chạy ghe đi mua ở các cây nước –, mấy cái nồi niêu, tự nấu lấy mà ăn. Chỉ có chút khó: Rạch Gốc chẳng chợ búa gì hết, mọi thứ phải chạy đò lên Năm Căn mua. Hỏi mấy cậu dân quân, chúng bảo để tụi cháu chạy qua chỗ thủy sản coi. Một lúc sau xin về cho hai anh em một xô nhựa nặng trịch đầy tôm còn giãy đành đạch, con nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Sẵn than đước là loại than thượng hạng, cứ ném vào đó mà nướng, chấm muối ớt ăn suốt mấy ngày…
Một buổi sáng, bước ra trước sân Ủy ban, tôi ngạc nhiên thấy treo cờ tang. Hỏi sao vậy, Hai Phốc sáng nay còn chưa uống rượu, trả lời: Ông Andropov chết.
Tôi hỏi lại: Ông Andropov là ai thế?
Trả lời: Không biết, nghe đài Hà Nội biểu treo cờ tang thì mình treo…
Cờ tang cho ông Andropov nào đó treo rất đúng quy cách, chỉ kéo tới nửa cột, thòng kèm một dải vải đen nhỏ phất phơ trong gió biển…
Tôi chia tay Rạch Gốc ra đi, bỗng nhói lên trong lòng, trong tâm trí một nỗi lo gần như một niềm đau rất lạ, niềm đau khi biết rằng đây là cuộc chia tay cuối cùng, mãi mãi, bởi dù vài ba năm nữa tôi vẫn có thể trở lại nơi này thì hầu như chắc chắn mãi mãi không còn gặp lại một Rạch Gốc như tôi từng biết, với cảnh và người tôi may mắn được sống cùng mươi ngày vừa rồi. Một mảng, một miếng nhỏ xã hội được bỏ quên, còn sót lại, quá trong trẻo để có thể còn tồn tại, sống sót trước làn sóng hiện đại đang hỗn hào lan tới bốn bề. Hóa ra chuyến đi Cà Mau của tôi là chuyến đi cuối cùng để chia tay, để vĩnh biệt…
Tôi bỗng sực nhớ có lần ở Hà Nội đi xem phim, không còn nhớ là phim gì, của nước nào, hình như Hungari nay Bungari gì đó, phim dựa theo một tiểu thuyết xưa, cốt truyện chẳng nhớ, chỉ có một chi tiết cứ còn vương vất mãi: Một cậu sinh viên tỉnh lẻ, đi học trên thủ đô, nghỉ hè trở về nhà, đi bằng xe lửa, đúng xe lửa thời xe lửa mới ra đời, kéo bằng đầu máy hơi nước đốt bằng củi hay bằng than, thở phì phò nặng nhọc, phụt khói trắng và những chùm tia lửa như pháo hoa, thỉnh thoảng lại rú những hồi còi dài như tiếng kêu của một con thú kỳ quái trong đêm… Bà mẹ ra đón con ở ga bằng xe ngựa, người đánh xe cẩn thận bê cái rương của cậu ấm đặt lên phía sau xe trong khi bà mẹ âu yếm hôn con trai. Rồi họ đi về nhà trên chiếc xe ngựa lọc cọc và thong thả, trên con đường đất nhiều chỗ gập ghềnh, giữa những hàng cây sồi và cây liễu xanh ngắt…
Ngày nay thì chắc chắn không còn cảnh mẹ đón con đi học trên thủ đô về xưa cũ chậm chạp và thong dong ấy. Ngày ấy con người còn chưa biết, chưa cần đến tốc độ. Nay cậu sinh viên tân thời sẽ bay vù một phát từ Sofia hay Budapest về sân bay quê nhà, mẹ sẽ ra đón con trên chiếc Limousine đen bóng phóng vun vút trên cao tốc láng trơn… Xem phim rồi tôi cứ nghĩ rất vẩn vơ, biết vẩn vơ mà chẳng sao dứt được: Liệu từ cái thời xe lửa và xe ngựa xưa cũ đã mất ấy cho đến thời máy bay và ô-tô hiện đại, con người có hạnh phúc hơn không, có bao nhiêu hạnh phúc được thêm vào và bao nhiêu bị bớt đi…
Milan Kundera có một cuốn tiểu thuyết tên là Chậm rãi. Ông có một nhận xét rất nhỏ: một người đang đi bộ, khi cần suy nghĩ về một điều gi đó, hay có khúc mắc sao đó trong lòng, tự nhiên sẽ đi chậm lại, còn khi có một điều gì muốn gạt phứt ra khỏi đầu, tự nhiên sẽ đi nhanh lên. Tốc độ khiến người ta quên. Thế giới của tốc độ là thế giới của lãng quên. Vọng cổ chậm rãi 24 câu là của thời chậm rãi để mà nghĩ và nhớ, vọng cổ tóm gọn lại chỉ cón 6 câu là để mà vội vã quên, đúng không? Có phải xu thế sống của con người là ngày càng rút gọn lại? Cho đến khi… biến mất con người. Sẽ lạ biết bao nhiêu một thế giới chỉ còn có tốc độ, không con người với những suy tư vớ vẩn của họ…
***
Tôi lại còn một chuyến đi Miền Tây nữa, cũng rất kỳ thú, lần này do anh Tư Mau, một nhân vật huyền thoại của Đường mòn Biển Đông tổ chức. Số là đến năm 1972, lần đầu tiên hải quân Sài Gòn công khai vây đánh một tàu không số của ta trên vùng biển quốc tế, mạn từ Balaban của Indonesia, vòng qua sát ranh giới Thái Lan, định đâm về Cà Mau; chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hy sinh, thuyền trưởng Lê Hà và tất cả thủy thủ bị bắt. Chiến thuật dùng tàu sắt cao tốc, đi vòng thật xa, lởn vởn trên vùng biển quốc tế, nơi theo luật họ không được đánh ta, đến đêm tăng tốc tối đa đâm thẳng vào các bến bí mật ở miền Nam, vứt những bó vũ khí đã được gói kỹ trong vải không thấm xuống biển, du kích sẽ lặn mò vớt sau, còn tàu thì phóng nhanh trở ra biển quốc tế, vũ khí vớt được được 50%, mất 50% coi như thắng lợi – phương thức mạo hiểm ấy và việc dùng tàu sắt bí mật vận chuyển nói chung cơ bản phải chấm dứt. Bèn chuyển sang cách khác: Anh Tư Mau, vốn trong số lãnh đạo các bến bí mật miền Tây, cả bến Rạch Gốc, cải trang, tranh thủ được một nhân viên hành chính của chính quyền Sài Gòn ở Rạch Giá làm một loạt giấy tờ giả, công khai về đóng vai tư sản lớn ngay giữa Sài Gòn, lập một tập đoàn đánh cá đóng ở Vũng Tàu, ngư phủ toàn dân đường mòn 125 nay thay hình đổi dạng, dùng tàu có hai đáy, rập rình đánh cá gần vùng nam vĩ tuyến 17, bất ngờ vượt ra Bắc, nhận vũ khí giấu dưới đáy kép mang về… Được hơn năm thì bị lộ vì có điệp chui vào hàng ngũ, tổ chức bị đánh bắt tan tành, anh Tư Mau may thoát vì lúc ấy đang ở miền Bắc. Nhưng chiến trường vẫn khát vũ khí. Chuẩn bị chiến dịch Xuân 1975, Tư Mau vào bệnh viện 108, nhờ bác sĩ Nguyễn Huy Phan mổ cho biến dạng hoàn toàn khuôn mặt, mổ xong về gặp ông Lê Đức Anh, ông Anh bảo chưa ăn thua, tao vẫn nhận ra mày mà. Tư Mau lại vào 108 nhờ bác sĩ Phan mổ lần nữa, xoay hẳn mái tóc từ trước ra sau. Lần này thì không còn ai nhận ra. Anh theo đường bộ về Tây Ninh, lại vào Sài Gòn, lại xuất hiện một nhà tư sản lớn, chủ một tập đoàn đánh cá… và hàng trăm tấn vũ khí lại được đưa vào… Sau 1975 anh về làm Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang có huyện đảo Phú Quốc, ai cũng biết, nhưng hình như không nhiều lắm những người biết tỉnh này còn có một huyện đảo nữa, gồm trên 100 đảo lớn nhỏ, có người ở và không có người ở, gọi là huyện Kiên Hải. Đảo lớn nhất là Hòn Tre, nơi đóng huyện lỵ, một số đảo khác hoặc đông đúc hoặc lác đác có người, Hòn Nghệ, Hòn Sơn Rái, Hòn Củ Tron, Hòn Mấu, dãy đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc… Khi bắt đầu tổ chức Đường mòn trên Biển Đông đã từng có ý định chọn một số đảo không có người ở Kiên Hải, bí mật đưa vũ khí vào đấy, trong đất liền sẽ ra lấy dần…
Tôi muốn thử đi lại con đường mò mẫm mấy chục năm trước đó. Chiều ý tôi, anh Tư Mau giao cho anh Bảy Nam, từng là thuyền trưởng tàu không số dạn dày thời chiến tranh, nay về sống ở Rạch Giá, làm nghề đánh cá, có đến hai tàu khá hiện đại, tổ chức một chuyến vừa đi cào tôm như thường lệ vừa đưa tôi đi khắp Kiên Hải theo ý muốn. Anh Tư Mau cung cấp toàn bộ xăng dầu. Vậy là tôi có một cuộc lang thang suốt 16 ngày đêm không chỉ trên một vùng biển chưa từng biết, mà còn khám phá ra một mảng xã hội không thể tưởng, ít ra là cho đến thời ấy. Cùng đi còn có Trần Hoàng Sơn, người Rạch Giá nhưng trong chống Mỹ lại hoạt động ở Khu 5 vì anh là họa sỹ của đoàn văn công được đưa vào chiến trường khu 5 hồi 1967 tôi đã kể. Rồi tôi sẽ nói cùng lang thang với một anh họa sỹ ở những vùng như thế này lợi hại đến thế nào…
Tôi thích Kiên Hải hơn Phú Quốc. Ngay từ hồi đó, những năm 80 của thế kỷ trước, đã có thể thấy xu thế ham hố chạy nhanh lên hiện đại của Phú Quốc, Kiên Hải thì vẫn còn rất hoang sơ. Ngay cả các đảo không có người ở cũng thật bất ngờ. Thỉnh thoảng tàu vừa ngoặt qua một khúc cua, mở ra một góc nhìn khác, bỗng nhác thấy trên sườn đá cheo leo của một đảo hoang một ngôi miếu đơn độc, hỏi ra mới biết thời tẩu quốc Gia Long Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ rượt đuổi đã chạy khắp hàng trăm hòn đảo lô nhô này, mang theo các bà phi, và có bà xấu số đã mãi mãi nằm lại trên một hòn đảo chơ vơ nơi đây. Mười sáu ngày không đủ để tôi có thể đi khắp được hơn trăm đảo Kiên Hải, vậy mà tôi cũng đã nhìn thấy được ba ngôi miếu như vậy. Có bao nhiêu nàng Kiều bạc mệnh của Gia Long, không có hậu và không có tên, ai biết…
Tàu chỉ cào tôm về đêm, thường bắt đầu từ sẫm tối và kết thúc vào rạng sáng, mỗi lần thả cào kéo dài từ hai đến ba tiếng, mỗi đêm chỉ hai đến ba đợt. Cào là một kiểu lưới quét sát đáy biển, chủ yếu vét tôm sống lẫn dưới bùn, nhưng cũng quét được cá đủ loại, cả những con đẻn, tức rắn biển rất độc nhưng ngâm rượu không gì quý bằng. Trên tàu bao giờ cũng có một nồi cháo to tướng sùng sục suốt đêm; mà dân biển thì khác hẳn dân đồng, dân đồng trồng nuôi được chút gì ngon nhất cúp cum dành dụm mang ra chợ bán, mình ăn những thứ còn lại hạng hai hạng ba; dân biển ngược hẳn, vốn bạt mạng, sống nay chết mai, kéo lưới lên, được con gì ngon nhứt ném liền vào nồi cháo đang sôi ùng ục và chén ngay tại chỗ, đương nhiên cùng với rượu trắng nặng tới cháy cổ chẳng bao giờ thiếu. Những thứ còn lại, trộn ướp với đá xay, tống xuống hầm tàu, chờ ngày trở về bến… Cũng có khi thất bát, biển chẳng được con cá nào, đói meo ra thì… lên chợ đi ăn xin…
Tôi được 16 ngày sống với những con người như thế, ăn sóng nói gió, mạnh mẽ và hào hiệp, có những quan niệm về giá trị ở đời không hoàn toàn giống với chúng ta thường ngày…
Nhưng có lẽ còn thích thú, lạ lùng hơn nữa là về cư dân ở đây, trên các đảo rải rác, nơi khá đông đúc nơi lẻ loi tới mức chỉ có một người hay chỉ hai cha con (lạ thế, không bao giờ là hai vợ chồng), lai lịch, nguồn gốc của họ, động cơ và cách họ lưu lạc đến đây và trở thành “dân hòn” (ở đây người ta gọi như vậy, tức dân ở đảo), tổ chức xã hội của họ và cách họ cùng sống với nhau trong xã hội ấy, ít nhất là cho tới hồi tôi đến nơi này, đầu những năm 80 thế kỷ trước.
Tôi muốn lang thang và lân la hỏi thăm. Tất nhiên trước tiên hỏi những người già. Có một ông cụ như vậy, chắc đã trên 90, sống độc với cậu con trai trên một hòn đảo rất nhỏ cuối dãy Nam Du, hai cha con chuyên nghề nấu rượu, bán cho dân các đảo khác tìm đến mua, hoặc cho khách thương hồ tức những người bán dạo trên biển, chạy re re trên những chiếc thuyền nhỏ buôn đủ thứ tạp hóa… Ông cụ không nhớ gì nhiều, theo cụ thì những người đầu tiên ra đảo cũng chưa thật lâu lắm, đâu chỉ mới trên trăm năm, khởi đầu là những nông dân miền Tây mất đất, nợ nần không trả được, bí đường đành lao đầu ra biển, gặp đảo thì ở lại, tụ năm tụ ba lại nương nhau mà sống. Cùng với họ ngay từ buổi ấy, cũng đã có những kẻ bất hảo, hay bị coi là thế, giang hồ, trộm cướp, thậm chí lỡ tay giết người, bị truy đuổi, tìm đường chạy trốn ra đây… Nếu ở trong đất liền, ở miền Trung hay miền Bắc, thì họ đã được coi là những bậc tiền hiền, người đầu tiên đến lập đất lập làng, được lập miếu thờ nữa là khác; vậy mà ở đây không hề thấy có. Vì sao? Tôi sẽ xin nói sau. Nó thuộc về một điều rất sâu xa, có thể coi là triết lý sống đặc biệt ở vùng biển được bỏ quên này, thuở ấy.
Ở Hòn Củ Tron thì phải, một cụ già khác kể với tôi, theo cụ, đợt người kéo ra “hòn” đông vào hàng nhứt là vào những năm 1940-41 sau thất bại của Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cuộc này nông dân tham gia theo cộng sản rất đông, khi công cuộc thất bại tan rã bèn chạy trốn ra “hòn”, có thể kể đến trăm này trăm nọ. Rồi đến kháng chiến đánh Tây, thì cả hai loại người ngược nhau đều chạy ra đây, người theo kháng chiến mà thất thế bị truy đuổi bỏ chạy, cả người theo Tây bị cách mạng hăm dọa truy giết cũng chạy và hầu như con đường duy nhất là ra “hòn”; đến thời đánh Mỹ càng đông và đủ loại hơn, cộng sản nằm vùng bị lộ, “ác ôn” theo chính phủ Sài Gòn bị cộng sản trả thù, lại còn thanh niên trốn bắt lính, cả lính cộng sản sợ chết đào ngũ, tù binh cả hai bên vượt ngục… Và đợt cuối, đông nhứt, năm 1975, binh lính và nhân viên chính quyền Sài Gòn hay những người có liên quan, vì điều kiện nào đó không vượt biên được, đành ở lại hòn.
Cách đây mấy tháng, tôi nhận được điện thoại, mở ra thấy danh bạ ghi tên người là “TN Hòn Sơn Rái” hỏi địa chỉ, bảo muốn tìm ghé thăm tôi. Hòn Sơn Rái thì đúng là Kiên Hải rồi, nhưng TN là ai, tôi chỉ nhớ mại mại là tên một nhà thơ, nhưng sao anh lại ở Hòn Sơn Rái, một trong những đảo khá đông người và rất đẹp của Kiên Hải? Lát sau anh đến, hóa ra là một nhà thơ Quảng Nam, ngồi nói chuyện thơ phú linh tinh, tôi mới hỏi tại sao hồi đó chúng mình lại găp nhau ở Hòn Sơn Rái nhỉ, anh ra đó làm gì? Anh bảo mình định vượt biên mà, ở Kiên Hải thời ấy thì vượt biên lúc nào chẳng được, cứ theo thuyền đánh cá ra khơi rồi đi luôn. Anh nhà thơ của tôi ở Hòn Sơn Rái mấy năm mà không vượt được, anh bảo chỉ vì anh không đủ tiền, phải đủ tiền đưa cho các chủ thuyền để họ chở mình ra tận khơi xa gặp tàu nước ngoài vớt… Bây giờ anh là một nhà thơ lang thang, thường sống nương nhờ các nhà chùa, anh nói với tôi toàn chuyện Phật và đọc cho tôi nghe toàn thơ thiền…
Cũng ở Hòn Sơn Rái, tôi đánh bạn với một người, rất tình cờ, anh đang ngồi uống rượu một mình trên bãi biển, thấy tôi và Trần Hoàng Sơn đi qua, ngẩng lên hỏi: Nhậu không? Chúng tôi sà xuống ngay. Hóa ra là người đang có điều gì dồn nén vốn rất dễ tâm sự. Anh kể anh vốn tài xế xe đò ở Sài Gòn. Nghề tài xế xe đò, ta biết rồi, không rõ ngày nay có còn không, mỗi bến một bà vợ, vợ hẳn hoi chứ không phải bồ đâu nhé, anh có 8 bà, một bà ở Sài Gòn coi như gốc, 7 bà ở Nha Trang, Đà Lạt, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, sau 75 thêm Đồng Hới, Đông Hà, tới đâu có bà ở đó, cơm rượu ăn ngủ đàng hoàng. Mà không có ghen nghen, bà nào ghen, bỏ liền. Con cái anh bảo đếm không hết, con bà nào bà ấy lo. Anh lỡ một lần có chút rượu, đâm chết người, chạy ra đây trốn tù. Bây giờ ở Sơn Rái anh sống với bà thứ bảy, tức bà Đà Lạt, có hai con.
Đang nhậu nhâm nhi, bỗng thấy thằng con trai cỡ 7-8 tuổi chạy ra báo có bà thứ tám, tức bà Nha Trang, ra thăm. Anh đuổi thằng bé về: Biểu cứ chờ đó, tao đang nhậu với bạn, bạn hơn vợ chớ… Anh bảo tui lỡ tay lái đâm chết người ta còn đỡ, nói các anh biết ở đây chẳng thiếu đứa từng trộm cướp giết người, hay các phe cộng sản chống cộng bên này coi bên kia lá ác ôn hung hăng giết nhau, đủ loại đều trốn tù hay sợ bị trả thù. Nhưng kể làm gì… Phủi sạch đi… Anh đưa tay gạt ngang một phát, suýt văng cả mấy chén rượu và đĩa mồi mực khô một nắng. Rồi, như luôn đà, nói tiếp: Ở xứ hòn này, các anh phải biết, đã ra sống ở đây là xóa hết chuyện cũ, làm mới lại hoàn toàn mà sống với nhau… Thôi, nhậu đi. Bữa nay cho thật say nghen. Cấm hỏi nữa…
Ra vậy, ở Sơn Rái, ở Kiên Hải, thời ấy, có một xã hội như thế, nơi ngự trị một luật bất thành văn mà triệt để, không còn nơi nào khác có: cuộc đời là có thể làm lại, dù đã lỡ lấm lem nhem nhuốc đến đâu. Biển có thể rửa sạch tất cả…
Tôi có tật đêm nào cũng nằm mơ, còn thao thức thì thôi, nhưng cứ bắt đầu sa vào giấc ngủ là sa vào mơ, có những giấc mơ bình thường, nhẹ nhàng, nhưng cũng nhiều khi ác mộng, rất mệt, sực thức dậy hổn hển, đo huyết áp rất cao… Có điều lạ, dù mơ nhẹ hay dữ, thì cũng đều không bao giờ là ở trong một thế giới bình thường quen thuộc hằng ngày, vẫn gặp những người thường quen đấy, còn sống hay đã chết, nhưng ở trong một xã hội, một thế giới hoàn toàn khác, với những quy luật, những nguyên tắc, nguyên lý, những lô-gích hoàn toàn khác…, mà ở đấy, trong những giấc mơ ấy lại là rất đương nhiên, bình thường… Hay Kiên Hải tôi từng gặp, từng biết cũng chỉ là thế giới của một giấc mơ đẹp của kẻ bị bệnh nằm mơ kinh niên như tôi…
Tôi cũng từng rủ Bảy Nam ghé lại nơi có cái tên rất gây tò mò: Quần đảo Hải tặc, cái tên lạ đến mức sau 1975 đã có một tay phiêu lưu mạo hiểm, không nhớ là người Anh hay người Pháp, chắc do đọc sách và xem phim Đảo giấu vàng (Treasure Island) của ông nhà văn Scotland Robert Louis Stevenson, lại mằn mò mua được một tấm bản đồ của dân cướp biển thời nảo thời nào ở một hiệu chuyên bán đồ cổ tại Paris hay London, công phu mò đến Thái Lan, thuê một chiếc thuyền bí mật, lén chèo đến quần đảo này, định tìm cho ra một kho báu hải tặc giấu tự bao giờ. Anh đã đến tận nơi theo đúng tọa độ bản đồ cổ, có quần đảo thật, nhưng mà chẳng thấy kho báu nào, chỉ có xóm làng dân chúng bình yên, và bị dân quân bắt trói, chắc chắn là gián điệp đế quốc rồi, giải về Rạch Giá rồi lên Sài Gòn, sau bao nhiêu thủ tục nhiêu khê can thiệp của lãnh sự mới được thả ra, trục xuất, an toàn nhưng sạch túi…
Nơi chúng tôi thường ghé nhiều nhất là Hòn Nghệ, đảo nhỏ thôi nhưng gần như ở trung tâm, ngã tư đường, muốn đi đâu cũng phải tạt ngang đó. Dân Hòn Nghệ, lạ thế, lại không làm nghề biển, chỉ buôn bán tạp hóa và ăn uống giải khát nhỏ. Đảo chỉ có hai xóm, hay đúng ra chỉ một xóm, lơ thơ mấy ngôi nhà lá, mùa gió nồm thì ở Bãi Bấc, mùa gió bấc lại theo đường mòn ven bờ quanh đảo dọn tất quán xá sang Bãi Nồm, hết mùa lại dọn ngược trở về. Người ta sống và làm ăn thuận theo ngọn gió, và tẩn mẩn hỏi thì lai lịch cũng tương tự dân các hòn khác, đều là tứ chiếng tình cờ tụ về. Tôi đã nói, đảo chẳng qua là một hòn núi mọc lên giữa biển, đảo nhỏ thường chỉ có một con đường độc đạo men theo mép nước chạy quanh, từ bãi bên này sang bãi bên kia.
Một hôm Trần Hoàng Sơn và tôi bỗng cao hứng bảo nhau, mình là dân Trường Sơn, sợ gì núi, ta thử từ Bãi Bấc trèo lên đỉnh núi này rồi đổ xuống Bãi Nồm xem sao. Nói là làm. Cũng không vất vả lắm. Nhưng rất bất ngờ: đúng trên đỉnh núi, gặp một ngôi nhà, rất nhỏ nhưng khá tươm tất, lợp lá dừa. Và chỉ có một ông già, khoảng trên 70, tóc râu đã bạc, còn khỏe, thật đẹp lão, cùng một đứa cháu gái khoảng 6 hay 7 tuổi. Ông già mừng lắm, coi bộ đã hàng chục năm lần đầu tiên mới có khách lạ đến thăm, rối rít gọi cháu nấu nước, nước vối, và nhất định giữ hai chúng tôi đêm nay ở lại cùng ông cháu. Trần Hoàng Sơn lấy bút giấy ra ký họa chân dung ông già. Sơn vẽ, còn tôi thì trò chuyện. Biết ông ra đây đã vài chục năm, từ quê Bạc Liêu. Vì sao? Ông cụ rất ngạc nhiên. Vì sao ư, chẳng vì sao cả. Bỗng nhiên một hôm nào đó, ông muốn ra đi, đến một nơi thật xa vắng, và ở một mình. Thế thôi. Hòn Nghệ có Bãi Nồm Bãi Bấc, nhưng ông chỉ muốn lên tít đỉnh núi, xa lánh tất cả. Hóa ra Kiên Hải còn là vậy nữa, còn có những người đến chẳng vì gì cả, chỉ đột nhiên muốn lánh mọi sự đời. Đứa cháu gái lên 5 thì ông gọi ra với ông. Thế giới có hai ông cháu là quá đủ rồi. Ông có biết chữ, thường ngày ông dạy cháu một ít. Cố gạn nhẹ nhàng khéo léo cũng chẳng có câu chuyện éo le ly kỳ nào cả. Chỉ vậy đó thôi, chẳng duyên cớ nào nữa. Ông bảo chắc rồi ông sẽ chết ở đây, có sao đâu. Còn đứa cháu gái, sẽ tùy nó thôi, nhưng có vẻ nó cũng đã quen với ngọn núi cô độc. Thức ăn ư? Thiếu gì trong rừng…
Trần Hoàng Sơn đã vẽ xong, đưa cho ông già. Ông mừng quýnh, lần đầu tiên ông nhìn thấy chân dung của chính mình, ông ngơ ngác, đến sững đi một lúc. Rồi vừa cám ơn rối rít ông vừa chạy đi tìm cây rựa, mấy khúc tre, chẻ, vót, ghép thành một cái khung, lục ra được một miếng ni lông bọc thay kính, có Trần Hoàng Sơn giúp tay, thành một bức tranh khá đàng hoàng, đem treo lên vách chỗ trang trọng nhất trong nhà. Vừa đúng lúc ấy, từ một cây cột ở góc nhà bỗng bất ngờ vang lên một hồi tiếng tắc kè. Tắc kè thì ta biết rồi, bao giờ cũng mở tiếng bằng một khúc dạo đầu rọt rọt rọt rọt…, dừng lại một chút, rồi mời mới thong thả dõng dạc tắc kè tắc kè tắc kè… Vừa dứt thì ở cây cột góc nhà đối diện, một con tắc kè thứ hai lên tiếng… Rồi con thứ ba, con thứ tư, thứ năm, thứ sáu…, hàng chục con, từ tất cả các cây cột và các góc nhà, tận cả trên mái… Và rồi ở ngoài rừng nữa, hàng chục, tôi không nói quá đâu, hàng trăm con… Thỉnh thoảng lặng đi một lúc, rồi lại bắt đầu, càng về tối càng rộn rã… Hai ông cháu sống giữa một rừng tắc kè, với tắc kè.
Buổi tối, ông già đãi chúng tôi một bữa tiệc có một không hai trên đời: chỉ duy nhất một món ca ri tắc kè, cây ca ri trồng ngay trước nhà. Một đêm ngủ say trên đỉnh núi cô độc giữa biển trong tiếng nhạc tắc kè không dứt… Sáng hôm sau chúng tôi từ giã hai ông cháu xuống núi, ông hỏi chúng tôi đi đâu, có còn trở lại không. Chúng tôi bảo chúng tôi sang Phú Quốc, tuần sau sẽ trở lại. Đúng một tuần sau ông xuống đón chúng tôi tại Bãi Nồm, tặng mỗi đứa một bình rượu ngâm tắc kè đặc sánh. Ông dặn đi dặn lại các anh về nhớ đánh thơ cho tui nghen, tôi hỏi biết gửi địa chỉ thế nào, ông bảo cứ ghi “Ông già trên núi Hòn Nghệ, Kiên Hải”, còn lạc đi đâu được! Tôi về Hà Nội có thử viết thư cho ông già trên núi giữa biển, thế mà thư đến thật, ông có bảo con bé cháu viết mấy chữ hồi âm, còn cảm ơn mãi về bức ký họa ông bảo quý nhất đời…
***
Mười sáu ngày lang thang giữa trăm đảo Kiên Hải không đem được gì đáng kể cho tư liệu của tôi về con đường mòn Biển Đông, bởi cái ý định ban đầu đưa vũ khí vào giấu trên các đảo hoang không thực hiện được; đảo hoang là nơi dân chài hay ghé phơi cá, rất dễ lộ… Song nó hé cho tôi biết trên thế gian này, ít ra cho đến ngày ấy, còn có một số nơi được bỏ quên như vậy, để con người có thể sống hoàn toàn tự nhiên cùng đất bùn và biển cả, hoặc để con người đã nhỡ vấy bẩn vì cuộc đời trăm mối có thể tìm đến để mà làm lại cùng nhau một cuộc sống khác, được biển lau sạch cho trở lại tinh khôi, như chỉ có Chúa với Phật mới có phép màu làm được…
Tôi muốn viết quá về miền Tây, về U Minh của Tín, về Rạch Gốc của Hai Phốc và ông Hắc Hổ, về Kiên Hải quá ư kỳ lạ, hấp dẫn, lại vô cùng mong manh, sắp biến mất mãi mãi trong thế giới xô bồ hôm nay. Vậy mà tôi nào dám, là người cầm bút thì phải biết chứ, để viết về miền đất và người này tôi hoàn toàn không có đủ ngôn từ. Phải là Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Ngọc Tư, là Dạ Ngân, Ngô Khắc Tài, Võ Diệu Thanh… kia. Còn tôi, bạn có thể thấy đấy, tôi mới liều mạng nói qua đôi chút, đã là nói ngọng.
Nó quá exotique theo cách duy nhất riêng có của nó, cũng như Tây Nguyên rất exotique của tôi, để chỉ có những ngòi bút được trời phú đặc biệt mới chọc thủng được cái lớp vỏ exotique rất dày đó đặng tìm được đến cốt lõi của nó..
Tôi vừa nói đến exotique. Exotique (tiếng Anh là exotic) là một từ rất khó dịch, thậm chí hầu như không thể dịch được. Tôi đã cố mò tìm trong từ điển Robert là loại từ điển thường dẫn khá tỉ mỉ nguồn gốc từ nguyên. Tiền tố exo được chú có gốc từ yếu tố từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là “ở bên ngoài” (en dehors). Ở bên ngoài cái gì? Tìm đến exotique thì rõ hơn: “lạ” (étranger), và đây rồi: “không thuộc về các nền văn minh phương Tây” (qui n’appartient pas aux civilisations occidentales), và còn rõ hơn nữa: “đến từ các nước xa xôi và nóng” (qui provient des pays lointains et chauds). Vậy thì ta có thể nói mà không sợ quá sai: từ exotique được sinh ra là từ khi có chủ nghĩa thực dân và việc chiếm thuộc địa của các nước thuộc nền văn minh phương Tây. Các thuộc địa của họ đều ở xa xôi và hầu hết nếu không nói tất cả đều ở các xứ nóng, miền nhiệt đới. Họ đến đấy và thấy quá nhiều thứ “lạ” đối với họ, từ trời đất, nắng mưa, cây quả, muông thú, con người, màu da, tóc tai, trang phục, tiếng nói, cho đến và nhất là cách sống cùng ứng xử ở đời… Tất cả những thứ lạ ấy đều khiến họ choáng, vừa tò mò ham hố chăm chú, vừa lo sợ, ghét bỏ, thù địch. Nó che lấp bản chất người vốn đồng nhất ở mọi sinh linh người. Cho nên tính từ exotique còn có nghĩa xấu, chê bai (pérojatif) nhằm chỉ thói hám lạ, ngay ở một số nhà dân tộc học, và thường rất nhiều ở những người cầm bút, vì ham hố cái vẻ lạ bên ngoài mà không nhìn ra được bản chất người sâu xa và phổ quát của đối tượng nghiên cứu hay mô tả. Cái đẹp vĩnh cửu và phổ quát bị che giấu dưới vẻ exotique đánh lừa bên ngoài. Georges Condominas có một cuốn sách được đặt tên khá mỉa mai L’exotique est quotidien = (ở đây) cái exotique (cái kỳ lạ) là thường nhật, có thể gặp mỗi ngày. Phải xoi thủng và vượt qua nó đi. Còn nhà nhân học nổi tiếng Claude Lévi-Strauss thì có tuyệt tác Tristes Tropiques, Nhiệt đới buồn, viết về sự tan rã của các nền văn minh thổ dân ở các vùng nhiệt đới, tức các xứ nóng đã nhắc đến trong định nghĩa ở từ điển Robert trên kia. Tan rã, bị tiêu diệt, bởi các nền văn minh hiện đại đã tò mò khám phá ra nó!
Có phải sự tiến hóa của loài giống chúng ta mà ta gọi là hiện đại hóa bao giờ cũng phải hỗn hào và phải trả giá bằng tan vỡ và biến mất tất yếu ngày càng tăng, càng nhanh của những giá trị và hạnh phúc thật vốn bao giờ cũng đơn sơ của con người. Cả những khả năng sống tự nhiên, và khả năng làm lại của họ nữa…
Vậy đó, chuyến đi khá sa đà của tôi ở miền Tây, lại dắt tôi phải trở về với Tây Nguyên của tôi thôi.
Nơi cũng có thể và đang biến mất.
1995 – 2020
Ký họa của Trần Hoàng Sơn: Nguyên Ngọc đang hỏi chuyện Tư Mau, 1984.
Nguyên Ngọc, trên hòn Sơn Rái
Nhậu trên tàu Kiên Hải
Xóm ven kênh