Gặp gỡ ở Điện Biên

Hoàng Minh Tường

hoangminhtuong_39550417662Văn Việt: Hoàng Minh Tường sinh năm 1948, quê gốc ở Ứng Hòa – Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân chuyên ngành địa lý. Hoàng Minh Tường từng trải qua các nghề dạy học, viết báo và viết văn. Ông đã có gần 30 đầu sách đã được ấn hành gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký, phóng sự, trong đó tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc (NXB Văn Học, 1996) đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, và tiểu thuyết Thời của thánh thần đã tạo được dư luận sôi nổi.

LỜI TÁC GIẢ: Gặp gỡ ở Điện Biên là một truyện ngắn thuộc dòng chính thống, lại được viết “trả nợ” sau chuyến đi thực tế sáng tác kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên vào tháng 11/2013, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Truyện ngắn này đã được gửi báo Văn Nghệ từ tháng 3/2014 và vừa qua, báo Văn Nghệ đã từ chối đăng Gặp gỡ ở Điện Biên với lý do: Có một chỉ thị tuyệt mật vừa ban hành, cấm không đăng những sáng tác của các thành viên Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Điều khó hiểu này khiến người ta phải liên tưởng tới thời kỳ Nhân văn Giai phẩm cách đây đã gần sáu mươi năm.

Xin gửi Văn Việt thiên truyện này, để bạn đọc rộng đường phán xét và trả lời câu hỏi: Chúng ta có nên trở lại cách hành xử với văn chương như thế không?

 

 

Nhà văn Lê Dân là một du khách lẻ. Ông lên Điện Biên Phủ theo chương trình riêng, với kỳ vọng sẽ cho ra đời một tiểu thuyết về vùng lòng chảo kỳ vĩ này.

Đã hai tuần nay, ông đi tha thẩn khắp cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất, trù phú nhất vùng Tây Bắc. Câu ca“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, t Tấc (thứ nhất Mường Thanh, thứ nhì Nghĩa Lộ, thứ ba Than Uyên, thứ tư Phù Yên) quả không sai. Mường Thanh thực sự là một “vương quốc” của thiên nhiên kỳ vĩ, của văn hoá đặc sắc, của lịch sử hào hùng, và… của gái đẹp.

Nơi nhà văn dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm là bảo tàng Điện Biên. Vì thế, đã ba lần ông nhập trong các đoàn du khách, để được ngồi lại khu sa bàn nghe thuyết minh viên tường thuật lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên lịch sử. Như thế, ông sẽ hiểu sâu hơn, kỹ hơn, thậm chí, sau hai lần, ông đã như một học trò thông minh, có thể thuật lại toàn bộ diễn biến chiến dịch, đạt trình độ như chính cô thuyết minh xinh đẹp người Thái kia.

Lần thứ ba, khi mọi người đã đi khỏi khu sa bàn, nhà văn Lê Dân vẫn cố nán lại, chụp một kiểu ảnh. Ngoái nhìn hàng ghế sau, ông sững sờ: Một người đàn ông ngoại quốc, đang chống hai tay lên mái tóc bạch kim, lặng lẽ khóc.

Nhà văn toan bước đi, nhưng rồi có gì như bất nhẫn khiến ông đến bên người khách.

Monsieur, can I be of help to you? (Thưa ngài, tôi có thể giúp gì được ngài?) – Ông nói bằng tiếng Anh, thứ tiếng không phải sở trường nhưng đủ để ông diễn đạt cảm xúc của mình.

Vị khách ngẩng lên. Một gương mặt xương gầy, bộ râu quai nón thưa màu nâu nhạt, mũi cao, đôi mắt trũng sâu nhoà sau đôi kính trắng gọng vàng.

– Thank you. I am French – Canadian. Can you speak French? (Cám ơn. Tôi là người Canada gốc Pháp. Ông có thể nói tiếng Pháp được không?) – Người khách ngoại quốc nói tiếng Anh một cách khó khăn. Ông ta đứng lên, chìa tay và hơi nhún vai. Rồi cả khuôn mặt ông dãn ra, hồ hởi, hứng thú, vì hình như ông đã gặp được người cần gặp ở xứ sở xa xôi này.

– Ô, rất sẵn sàng. Tôi vốn học tiếng Pháp từ nhỏ – Bằng một giọng Paris chuẩn đầy nhạc điệu và biểu cảm, nhà văn đã làm cho người khách sửng sốt một cách thích thú.

– Tôi như đang gặp chính đồng hương mình giữa mảnh đất lịch sử này, thưa ngài. Rất cám ơn ngài đã quan tâm. Vừa nãy tôi quá xúc động vì được xem lại tấn thảm kịch của người Pháp ở đây sáu mươi năm trước… Tôi là Ferdinand Fremont, người Pháp. Lẽ ra tôi phải đến đây từ rất lâu… Cha tôi chết trận ở vùng lòng chảo này… Bây giờ tôi vẫn không biết xương cốt người ở đâu…

– Cha ông ư? Xương cốt ư? – Lê Dân hỏi lại. Vì ông sợ mình nghe nhầm.

– Vâng. Cha tôi là một sĩ quan quân đội Pháp. Ông đã bị pháo binh quân đội của Tướng Giáp hạ sát trong một cuộc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

***

Cuộc gặp tình cờ ở bảo tàng Điện Biên là duyên cớ của một tình bạn giữa nhà văn Lê Dân và Tiến sĩ sinh học người Canada gốc Pháp Ferdinand Fremont.

Cha đẻ Ferdinand Fremont là Christian Garrand, một người dòng dõi quý tộc, quê ở vùng Moret sur Loing, gần lâu đài Fontainebleau nổi tiếng. Thế chiến thứ hai, thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng Paris, ở tuổi mười sáu, Garrand đã tham gia phong trào yêu nước do tướng Charlles de Gaulle lãnh đạo. Năm 1948, tốt nghiệp xuất sắc trường Quân sự Saint Syr, Garrand được xung vào đội quân viễn chinh, chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi. Cuối năm 1953, Đông Dương nguy cấp, Garrand, với lon đại uý, được điều gấp sang Đông Dương, phục vụ trong Tổng hành dinh của tướng Cogny, tư lệnh quân đội Pháp ở miền bắc Việt Nam, đóng bản doanh tại Hà Nội.

Ngày Christian Garrand tạm biệt vợ con lên đường sang Đông Dương, cậu bé Ferdinand mới chập chững tập đi. Cậu không nhớ rõ mặt cha và không hề có ý niệm gì về cuộc tiễn đưa đẫm nước mắt của người mẹ, mà chỉ mấy tháng sau đã trở thành goá phụ khi mới ở tuổi hai lăm.

– Sang Hà Nội được ba tháng thì cha tôi được lệnh tăng cường cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – Ferdinand Fremont mở đầu câu chuyện khi hai người ngồi uống cà phê ở quầy bar khách sạn Mường Thanh – Đây là thời kỳ đội quân của đại tá de Castries đang hấp hối. Cánh cửa thép phía bắc với ba pháo đài mà báo chí Pháp khoe là bất khả xâm phạm: Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập), Annei-Marie (Bản Kéo) bị phá toang. Trung tá pháo binh Piroth vì sợ hãi và xấu hổ phải tự sát. Quân của Tướng Giáp từ trên núi cao tràn xuống bủa lưới bao vây sân bay Mường Thanh, cắt đường tiếp tế. Tướng Cogny nói với cha tôi: “Tổng hành dinh điều đại uý mang mật lệnh của tướng Henri Navarre và là sĩ quan đốc chiến tăng cường cho Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội để chúng ta chứng tỏ bổn phận và sứ mạng với nước mẹ Đại Pháp. Đại uý hãy viết di chúc để lại cho vợ con…”.

– Di chúc ư? – Nhà văn Lê Dân kinh ngạc, không kìm được, vội hỏi.

– Vâng. Di chúc, theo đúng nghĩa đen của văn bản này. Ngài là một nhà văn, nên tôi rất hân hạnh được ngài tận mắt xem những gì cha tôi viết ở Hà Nội đúng 60 năm trước.

Vị tiến sĩ người Pháp lấy từ trong cuốn sổ một chiếc bì thư đã ố vàng, rồi thận trọng bày lên bàn, trước mặt nhà văn, những trang viết còn ố vàng và cũ kĩ hơn. Những dòng ghi chép vội vã, nét chữ run rẩy, xô lệch, chứng tỏ người viết đang trải qua một cơn chấn động tinh thần và cảm xúc ghê gớm.

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1954

Alice thân yêu!

Chắc em cũng như anh, chúng ta đều không thể quên những dòng thư cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết bất hủ của Ethen Lilian Voynich. Arthur Rivarex (Ruồi Trâu) đã viết cho Giemme: “Và bây giờ, tôi như con cá nhỏ trong cuốn sách trẻ con của chúng ta, “sống và quẫy đuôi…”, thật thế, quẫy đuôi lần cuối cùng… còn sáng mai thì đã “Finita la commedia!” (*) Đối với Dim và tôi, điều đó có nghĩa là: Trò xiếc đã diễn xong rồi”.

Ôi, giá anh có được một tuần lễ, chỉ một tuần lễ thôi, anh sẽ viết cho hai mẹ con cả ngàn trang. Phải ngần ấy giấy mực mới diễn tả hết tình yêu của anh đối với em và con. Và dĩ nhiên với cả nước Pháp kiêu hãnh một cách thảm hại của chúng ta.

Nhưng em thân yêu, hãy tha lỗi cho anh. Anh chỉ còn đúng mười tiếng đồng hồ. Sáng mai, máy bay đã đưa anh lên lòng chảo Điện Biên, địa ngục Điện Biên, cái xứ sở mà lẽ ra nước Pháp không nên biết đến, bởi vì nó chính là mồ chôn chế độ thực dân và niềm kiêu hãnh Gôloa. Chỉ sáng mai thôi, anh sẽ như Ruồi Trâu,“Finita la commedia!”.

Tại sao anh lại viết về cái lòng chảo địa ngục ấy như thế? Không phải anh run sợ và khiếp đảm. Anh muốn sau này, khi con trai Ferdinand của chúng ta khôn lớn, em hãy kể cho con về nơi ấy, cái nơi mà người ta sẽ thả anh xuống như thả một con mồi. Thật nực cười cho giọng lưỡi tuyên truyền của những tờ báo lá cải của Pháp và Mỹ. Mới ba tháng trước đây, các tay bồi bút có hạng của những tờ Le Figaro, Le Monde, L,Observateur, France Soir…ca ngợi Điện Biên Phủ như một pháo đài bất khả xâm phạm, một Verdum thứ hai ở Viễn Đông.

Chính tướng Cogny, vào đầu tháng 1 năm 1954 đã vênh váo trả lời đài Mỹ rằng: “Tôi chắc chắn rằng Bộ chỉ huy Pháp sẽ làm cho Việt Minh thua to ở Điện Biên Phủ”. Còn đại tá De Castries thì khoác lác: “Pháo Việt Minh ư? Cái gì nhỉ? Được. Nếu có pháo binh Việt Minh thật, tôi sẽ đội mũ đỏ cho họ trông rõ mục tiêu hơn”.

Vậy mà chỉ hơn hai tháng sau, sáng 13 tháng 3, trước giờ quân Việt Minh mở màn tấn công, tướng Cogny bay lên Điện Biên Phủ trực tiếp kiểm tra “con nhím” và gặp De Castries để động viên nhắc nhở, thì tâm trạng của ông ta đã khác hẳn. Em biết không, chuyến bay ấy chính anh tháp tùng tướng Cogny. Đây là lần đầu tiên anh lên Điện Biên Phủ. Từ trên máy bay, nhìn xuống phi trường Mường Thanh bị đạn pháo Việt Minh nã liên tiếp, một khu trục bị bốc cháy, một máy bay khác bị hạ, tướng Cogny tưởng máy bay của ngài không thể tiếp đất được. Ngài kinh hoàng vì sao Việt Minh lại có quá nhiều đại bác. Ngài nhớ tới bản báo cáo mà quân Pháp thiệt hại sau một trăm ngày (kể từ 20 tháng 11 năm 1953). Chưa giáp trận mà hàng trăm sĩ quan binh lính đã chết và trạm quân y dã chiến của bác sĩ Grovanh đã chật ních thương binh.

Trong buổi thị sát vội vã vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ đó, có lẽ chỉ mình anh đọc thấy nỗi sợ hãi khiếp đảm trong ánh mắt của hai nhà quân sự “lỗi lạc” của nước Đại Pháp là Cogny và De Castries. Và, rạng sáng hôm sau, ngày 14 tháng 3, khi Cogny nhận được điện báo từ Điện Biên Phủ: “Không có liên lạc với Beatritx, Gose đã chết”, thì Cogny đã phải than thở với hai nhà báo Pháp đang ở Hà Nội: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, cái bẫy không phải cho Việt Minh mà là cái bẫy đối với chúng ta”.

Alice của anh ơi, mười giờ nữa anh sẽ bay lên cái bẫy dành cho nước Pháp. Và những con thiêu thân của chúng ta dường như đang dồn sức cho cuộc dấn thân cuối cùng. Hầu như toàn bộ lực lượng không quân, nhất là không quân vận tải ở Đông Dương đều dành cho cái “dạ dày” Điện Biên Phủ. Bây giờ thì dường như mọi loại máy bay cuả nước Pháp không thể hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh được nữa, vì pháo binh đối phương không cho chúng ta hạ cánh, và máy bay chỉ dám lượn trên lòng chảo để thả dù. Các phi công thiện chiến của chúng ta, họ đều là con của Chúa, sức lực có hạn, nhiều người đã phải bay mười bảy giờ một ngày, vừa bay vừa ngủ gật và không biết rơi bất cứ lúc nào…

Những dòng cuối cùng trước giờ bay.

Alice vô cùng yêu dấu!

Đang viết dở cho em thì có lệnh mới. Chiếc lon Général de brigade (Thiếu tướng) của nước mẹ Đại Pháp tưởng thưởng cho người anh hùng dòng dõi quí tộc Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries mà anh có sứ mệnh mang lên cho ngài, nhưng đến phút chót, quân hàm cao quí ấy vẫn chưa từ Paris đến kịp. Nếu chiến sự ác liệt, rất có thể những phần thưởng cao quí của nước mẹ Đại Pháp dành cho tướng de Castries đành phải thả theo đường dù, như một trò chơi bi hài từ tít trời cao (!). Riêng anh thì vẫn phải thực thi s mệnh cao cả của mình. Thay vì chiếc lon thiếu tướng, anh sẽ mang lên cho ngài de Castries một bó lay-ơn tuyệt đẹp, loài hoa lưỡi kiếm, mang t Đà Lạt, và một chiếc hộp khảm ngọc của bà mệnh phụ thiếuớng phu nhân đang ở Hà Nội, mà nghe nói trong đó là một chai rượu cognac tuyệt hảo, nhãn hiệu Napoleon Fine Champagne của hãng Bisquit Dubouche danh tiếng thành lập từ năm 1819, và chiếc khăn mùi soa cộng với những dòng thư đẫmớc mắt trộn lẫnớc hoa Chanel số 5.

S mệnh cái mẹ gì anh. Người ta thí một sĩ quan ở tổng hành dinh chỉ cốt đ an ủi cho một viên tướng đang gi hấp hối đ nhắc nh ông ta rằng, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, thà rằng t sát để bảo toàn danh dự, ch nhất định không th làm nhục nước mẹ Đại Pháp bằng việc kéo c trắng đầu hàng (!).

Em hãy coi đây như những trăng trối cuối cùng. Dim thân yêu, finita la commedia! Nhưng đây không phải là những lời than thở của một kẻ hèn nhát, mà là ngọn lửa vĩnh cửu của Tình yêu… Xin em đừng cho Ferdi biết câu chuyện này. Hãy mang con đi một nơi nào đó thật xa nỗi ô nhục mà nước Pháp sắp gặp phải. Hãy đợi con mười tám tuổi, hoặc một ngày nào đó khi con đủ khôn lớn. Hãy nói với con rằng cha sẵn sàng chết vì nước mẹ Đại Pháp, vậy mà s phận tr trêu thay, cha phải chết vì một cuộc chiến tranh tàn khốc, phi nghĩa …

***

Nhà văn Lê Dân ngồi lặng trước những trang giấy vàng ố. Tưởng như thời gian trôi ngược về quá vãng sáu mươi năm trước. Dường như ông nhìn thấy trên trời Điện Biên Phủ từng đàn máy bay, như những con diều hâu quần đảo. Đạn pháo cao xạ của Việt Minh như pháo hoa chụp kín bầu trời, đẩy máy bay lên cao tít. Nhiều chiếc bốc cháy. Hàng ngàn cánh dù trắng, chiếc thả người, chiếc thả nhu yếu phẩm, đạn pháo… chới với, như những bông gạo.

Người bạn Pháp nói với nhà văn, khi ông vừa tháo cặp kính và khẽ thở dài:

– Cách đây ba năm, trước khi qua đời, mẹ tôi mới tiết lộ những dòng di chúc của cha tôi. Cả mẹ và cha dượng tôi đều không muốn tôi biết câu chuyện bi thương này. Nhưng họ cũng giống như anh chàng nhà quê trong câu chuyện cổ, không thể giấu được mãi chuyện vua Miđát có cái tai lừa. Ngài có biết, mẹ tôi đã nói gì không? Bà bảo, suốt mấy chục năm qua, mỗi lần chạm tới kỷ vật của cha, người bà lại như bị bao bọc bởi nỗi sợ hãi đến ngợp thở. Cả bà và dượng đều không muốn cho tôi biết cha tôi là kẻ thua trận, nước Pháp là nước chiến bại.

Điện Biên Phủ như một vết thương mỗi ngày lại tấy lên trong bà, nhức nhối. Nhưng bà không thể im lặng ra đi, không thể chối bỏ quá khứ. Bà vừa khóc vừa nói với tôi rằng:“ Ferdi, mẹ ngàn lần có lỗi với con. Lẽ ra mẹ phải cho con biết từ lâu. Cha đẻ con chính là đại uý quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Christian Garrand, sĩ quan Tổng hành dinh của tướng Cogny, đã tử trận ở Điện Biên Phủ ngày 14 tháng 4 năm 1954. Con hãy nhớ cái ngày bi thương ấy. Con phải đến Việt Nam. Bằng giá nào con cũng phải tìm đến Điện Biên Phủ…”.

– Bây giờ thì tôi hiểu, vì sao ông không mang họ Garrand – Nhà văn Lê Dân nói.

 – Đó là một dòng họ cao quí mà tôi đã lấy lại cho các con tôi. Chúng sẽ mang cả hai dòng họ Garrand và Fremont. Tin cha tôi hy sinh tại Điện Biên Phủ, khiến mẹ tôi suy sụp tưởng không thể hồi phục được. Ngài hãy tưởng tượng, một người mẹ trẻ hai mươi nhăm tuổi với một đứa con lẫm chẫm bước đi, khi nghe tin chồng chết mất xác ở tận xứ sở Đông Dương xa xôi, đau đớn đến mức nào. Rất may, khi đó số phận đã mang đến cho mẹ tôi một vị cứu tinh. Pierre Francois Fremont, cha dượng của tôi sau này, vốn là bạn học của cha đẻ tôi. Ông từng yêu mẹ tôi say đắm. Một mối tình tay ba mà người chiến thắng là cha đẻ tôi. Fremont đã bỏ đi biệt xứ khi Critstian Garrand và Alice Catherine Bonnet tổ chức lễ cưới. Biết tin cha tôi hy sinh, đang từ xứ Quebec Canada, Pierre Francois Fremont vội vã trở về. Ông cầu hôn mẹ tôi, đổi họ cho tôi, rồi hai người mang tôi đi khỏi nước Pháp.

– Và từ đó ngài đã mang tên Ferdinand Fremont?

– Vâng. Tôi chỉ được biết mình đã từng có tên Ferdinand Garrand sau khi mẹ tôi cho xem lá thư tuyệt mệnh của cha và nói về Điện Biên Phủ, nỗi kinh hoàng của nước Pháp. Hơn năm mươi năm cha dượng tôi coi tôi như con đẻ, thực ra còn hơn cả con đẻ. Dòng họ Fremont là một dòng họ lớn, từng khám phá và khai khẩn xứ Quebec. Tôi lớn lên, vào trường đại học, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp ở Montréal, một thành phố tuyệt vời…

Vị tiến sĩ đang giở tập album cho Lê Dân xem những bức ảnh về gia đình và thành phố Montreal tuyệt đẹp thì có khách đến tìm nhà văn. Đó là một ông già cao gầy, tóc bạc trắng, với bộ quân phục màu cỏ úa, trên ngực lấp lánh những huân chương đỏ rực.

– Ôi, người mà tôi muốn giới thiệu với ngài đây rồi. Đại uý Phạm Đức Cư, cựu chiến sĩ pháo binh của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Tiến sĩ Ferdinand Fremont vụt đứng dậy, chắp hai tay và hơi cúi người, cử chỉ đầy tôn kính.

Lão cựu chiến binh cũng đáp lại bằng cái bắt tay vồ vập, hiếu khách.

– Đây là hình mẫu nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mà tôi đang khởi thảo – Sau khi giới thiệu hai người, nhà văn Lê Dân nói với Fremont – Bác Cư là một trong số hơn một trăm cựu chiến binh Điện Biên, những chứng nhân lịch sử vẫn còn sống trên mảnh đất anh hùng này.

– Rất hân hạnh được gặp ngài. Tôi là lính thuộc trung đoàn 367 pháo cao xạ mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, quê gốc Hưng Hà, Thái Bình, nhưng đã lập nghiệp ở Điện Biên sáu mươi năm rồi – Người cựu chiến binh nói chậm rãi để nhà văn phiên dịch.

Nhà văn Lê Dân nói tiếp:

– Tôi phải nói dài dòng về nhân vật này một chút. Ông là một trong những người đầu tiên của binh chủng pháo cao xạ mới, một binh chủng lần đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện trên chiến trường Điện Biên. Trung đoàn pháo 367 gồm sáu tiểu đoàn, cũng là đơn vị pháo cao xạ đầu tiên do Liên Xô tặng. Từ Việt Bắc, họ sang Trung Quốc học và nhận pháo về. Nghe tin được đi chiến dịch Trần Đình (**), ai nấy vô cùng hứng khởi. Vượt đèo lội suối, ròng rã tám ngày mới về tới biên giới, rồi mười bảy ngày nữa về tới Tuyên Quang. Gian khổ nhất là vượt đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin. Đưa những khẩu pháo nặng 2,4 tấn vượt qua những địa hình hiểm trở Việt Bắc, Tây Bắc, trên trời lúc nào cũng có máy bay Pháp săn tìm, bắn phá, quả là một kỳ tích…

Fremont nhìn lão cựu chiến binh như nhìn một vị cứu tinh, rồi vội vã cắt ngang:

– Thưa ngài, vậy là ngài có tham gia trận hạ máy bay ngày 14 tháng 4, ngày cha tôi từ Hà Nội lên…?

Phải một lúc sau, khi nhà văn Lê Dân kể lại câu chuyện về đại uý Christian Garrand và sứ mệnh của ông lên Điện Biên Phủ, người cựu chiến binh mới hiểu ra. Ông nhíu mày suy nghĩ một lát, rồi à lên:

– Tôi nhớ ra rồi. Ngày 15 thì máy bay Pháp thả dù cái lon thiếu tướng cho De Castries. Phải rồi, ngày 14 tháng 4 là ngày chúng tôi thắng trận giòn giã. Sáng ấy, khi sương mù chưa kịp tan, thì đại bác quân Pháp cấp tập giã xuống trận địa chúng tôi. Tưởng kho của tập đoàn cứ điểm đã hết đạn, nào ngờ sáng ấy pháo binh Pháp lại hùng hổ đến thế. Việt Minh cũng phản pháo đáp trả. Riêng lính pháo cao xạ vẫn im lặng mật phục. Rồi từ hướng đông nam xuất hiện từng đàn mấy chục chiếc Dakota lao đến thả dù xuống khu trung tâm Mường Thanh. Tiểu đoàn 394 pháo cao xạ 37 ly của tôi khi ấy bố trí ở phía tây bắc. Chúng tôi được lệnh bắn cấp tập không cho chiếc máy bay nào chạy thoát, hoặc buộc chúng phải bay lên cao thả dù lạc sang trận địa phục kích của ta. Nghe lính kháo nhau, tình báo của ta cho biết máy bay Pháp hôm nay có mang theo lon cấp tướng mà Chính phủ Pháp vừa quyết định tấn phong tại trận địa cho de Castries. Vì thế pháo binh ta quyết tóm gọn lon thiếu tướng từ trên trời.

– Và các ngài đã hạ sát được một đại uý thuộc Tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp tại Hà Nội? – Đôi mắt tiến sĩ Fremont như lồi ra khỏi cặp kính trắng.

– Rất có thể khẩu pháo của bác Phạm Đức Cư đây đã bắn trúng chiếc máy bay định mệnh đó? – Nhà văn Lê Dân đưa ra giả thiết.

Ông già cựu binh Điện Biên cười hồn hậu:

– Sáng ấy toàn mặt trận hạ được bảy máy bay Pháp, trong đó có một pháo đài bay B24. Sau này, nghe lính bộ binh nói rằng, họ có bắt được một chiếc dù mang theo một bó hoa lay-ơn và một chai rượu cognac nhãn hiệu Napoleon Fine Champagne thượng hạng…

– Thôi đúng rồi. – Tiến sĩ Ferdinand Fremont ngồi thừ, rồi gục đầu, hai tay ôm lấy mặt.

Tất cả lặng đi, như để qua một phút mặc niệm.

***

Từ buổi đó, họ có ba người. Nhà văn Lê Dân đảm trách phần phiên dịch, còn ông già cựu chiến binh đóng vai trò một hướng dẫn viên du lịch.

Họ đưa nhau đi thăm hầm De Cástries, đồi A1, D1, tượng đài chiến thắng, các nghĩa trang đồi A1, Độc Lập, Him Lam, cầu Mường Thanh …

 Đứng trước khu đất có tấm bảng ghi nơi trung tá pháo binh Pirot tự sát, Ferdinand Fremont bần thần hồi lâu.

– Hình như ngài có điều gì muốn nói? – Nhà văn Lê Dân hỏi.

Fremont nhìn người cựu binh già:

– Thưa ngài, ngài có nhớ nơi chiếc dù có bó hoa lay-ơn và chai rượu…

Ông già Phạm Đức Cư buồn bã lắc đầu:

– Sáu mươi năm rồi… Không thể nhớ nổi.

Nhà văn Lê Dân chợt hiểu ra:

– Chúng ta quả là vô tâm. Còn một địa chỉ này mà chúng ta chưa đưa ngài tiến sĩ Fremont đến thăm. Đó là khu nghĩa địa Tây.

Ông già chắp hai tay xin lỗi:

– Tại tôi. Tôi đã viết sẵn ra giấy các nơi cần đến rồi mà lại xao nhãng đi. Ngày Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam năm 1994, ngài đã đến thắp hương tưởng niệm những sĩ quan và chiến sĩ quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đã tử trận tại chiến trường Điện Biên Phủ. Người dân ở đây quen gọi là khu mả Tây. Cũng giống như gò Đống Đa chôn quân Thanh ở Hà Nội, nhưng mả Tây ở đây chỉ là một khu đất bằng…

Họ ghé qua chợ, mua hoa quả và hương nến.

Trong khói hương nghi ngút, tiến sĩ Ferdinand Fremont quì gối, chắp hai tay, thành kính cầu khấn như một người Việt. Vị tiến sĩ sinh học theo đạo Cơ đốc dòng Tên tin rằng linh hồn cha ông, đại uý Christian Garrand, sĩ quan Tổng hành dinh của tướng Cogny tại Hà Nội vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này. Bởi vì từ đây về xứ sở Gô loa quê hương ông cách trở cả ngàn trùng non nước, mà máy bay của ông thì đã bị pháo cao xạ Việt Minh hạ từ sáu chục năm trước rồi.

***

Vào ngày cuối trong chuyến viếng thăm Điện Biên Phủ, tiến sĩ Fremont có một đề đạt với hai người bạn:

– Chuyến đi này của tôi chưa thể viên mãn, nếu như tôi chưa đến để kính cẩn nghiêng mình trước một con người vĩ đại.

Nhà văn Lê Dân và người cựu binh già đưa mắt nhìn nhau, như thầm phỏng đoán. Rồi cả hai cùng nói:

– Ngài muốn đến thăm Mường Phăng?

Mắt Fremont sáng lên. Ông làm một cử chỉ như tạ ơn Chúa:

– Vâng, thưa các ngài. Trước khi đến đây, đọc trên báo chí, tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo quân dân Việt Nam làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên, vừa qua đời. Hôm đến thắp hương cho cha tôi ở khu tưởng niệm những người lính viễn chinh Pháp, tôi đã cầu khấn cho linh hồn ông và nói rằng, ông là vị Tướng vĩ đại không chỉ của Dân tộc Việt Nam, mà của toàn nhân loại.Tôi không thể đến kính viếng mộ con người huyền thoại này ở Quảng Bình quê hương ông, nhưng tôi muốn đến Đại bản doanh tại Mường Phăng của ông để thắp một nén hương bái vọng…

Vừa lúc đó, một cặp uyên ương xuất hiện. Đó là một chàng trai tóc nâu và một cô gái tóc vàng mắt xanh biếc màu trời Địa Trung Hải. Nhà văn Lê Dân khẽ reo lên. Ông đã nhận ra đôi trai gái này, khi họ đi phượt bằng xe máy trên đường lên cửa khẩu Tây Trang. Quả thật, họ là cặp tình nhân đẹp một cách hoàn hảo đến mức không thể lẫn với ai được.

Fremont vẫy cặp uyên ương đến bên và giới thiệu với hai người bạn vong niên người Việt:

– Đây là Jeane Fremont Garrand, con gái tôi và Mc Bekenbau, chồng mới cưới của cháu. Chúng nhất định theo tôi thực hiện tuần trăng mật đến Việt Nam để tưởng nhớ ông nội. Từ Điện Biên Phủ hai đứa vừa làm một chuyến du lịch sang Luang Prabang bằng xe máy…

Cặp uyên ương vái chào hai ông già Việt rồi sốt sắng chuyển đồ đạc lên xe. Không biết họ đã chuẩn bị từ khi nào mà trên xe đã có sẵn một lẵng hoa rất đẹp và cả hương nến, trái cây.

Trời Điện Biên sáng ấy nắng như dát vàng trên những vòm lá. Chiếc xe Land Cruize chở ba người bạn Việt Pháp và cặp uyên ương như đi trong mây, trong sương, hướng về thánh địa Mường Phăng.

Điện Biên, tháng12/ 2013

____________________

(*) Tiếng Ý: Bi hài kịch, trò diễn đã kết thúc.

(**) Mật danh chỉ Điện Biên Phủ.

Comments are closed.