Lê Minh Hà kể chuyện (2)

Còn nhớ nhau không

Ngày đó ở làng đó nơi tôi về sơ tán theo bà có những bốn đứa con gái chơi thân với tôi. Cái Dung và cái Lương tôi biết từ thuở mới lũn chũn theo chân bọn trẻ đi xuống làng đạo Phú Yên. Trường dưới đó. Nằm lảnh sát bờ sông dưới những lùm tre, xung quanh quây giao thông hào. Giao thông hào đào ngay dưới chân ghế băng làm bằng thân tre chẻ đôi, ngày mưa ẩm giun bò ngược nhìn bủn rủn hết cả người.

Qua trận ốm bị tiêm mềm cả đùi phải nằm trên cái chăn bông gập làm tư lúc trời đã chớm hạ, tôi vừa lẩy bẩy mò ra đầu hè ngồi nhìn bầy gà con mới nở quẩn theo mẹ được mấy hôm, chẳng hiểu nghĩ gì, bà đi xin học cho tôi, cốt cháu có bạn chơi, không cốt học hành gì. Tại vì biết đọc từ lúc nào trước đó chả biết. Vẫn nhớ ngồi trong lán nhìn ra cánh bãi ngoài loa rợp rợp nắng cả lũ ê a đồng thanh „đứng canh ngày canh đêm ngoài xa vời hải đảo kìa bóng chú hải quân dưới trời xanh trứng sáo“ với lại „cứ mỗi độ thu sang…“. Lại còn bài gì „đêm hè trăng gió mát ngồi trên chõng tre êm chú kể chuyện Điện Biên… Chiều mùng bảy tháng năm một chiều hè lịch sử.“ Đồng thanh to thế nhưng khối đứa nhìn chữ mặt lại đần như ngỗng ỉa rất buồn cười.

Tôi chỉ toàn nhớ những chuyện vớ va vớ vẩn nhưng đến thầy dạy hay cô dạy cũng chịu chết không tài nào nghĩ ra. Tuy nhiên bạn thì nhớ kĩ, chỉ vì ngày đó chịu chơi với con Hà Nội độc có hai đứa, cái Lương và cái Dung.

Cái Lương con ông Tư Lỉnh nhà ở Ngõ Đồng, đông em và lắm việc. Đi học chắc là thời gian duy nhất rảnh rỗi với nó. Cái Lương học dốt, nhưng tốt vô cùng. Lúc nào nó cũng lo chuyện bồi bổ cho con ngoài tỉnh gầy quắt xà lai là tôi bằng đủ thứ ở vườn ở ruộng nhà nó.
Ngày nắng chân đất đi học, chịu không thấu vì cát bờ đê nóng giãy, thế nên lúc đi tôi từ đầu xóm phóng xuống cuối xóm ới Lương và hai đứa men theo đường liên huyện bọc sau làng, hai bên đường là hàng phi lao râm mát. Túi sách và túi áo của Lương là túi Tề Thiên Đại Thánh, từ đó nó móc ra cà chua sống, khoai lang nướng sém, ngô rang, thóc nếp rang, khoai môn luộc, dâu da, hồng bì, hạt gắm, sim chín mẹ nó đi rừng gánh về. Khổ thân nó, vớ ngay phải con ranh con vô tâm ích kỷ là tôi, ngày nào cũng như ngày nào ăn cho bằng hết rồi đến lớp lại bập vào chơi lẻ với cái Dung, về cũng đi cùng cái Dung theo đường đê đã phả dần hơi nắng, để mặc Lương lủi thủi một mình một đường giữa đồng sương xuống sớm làm mờ mịt dần, tất cả.

Nhà cái Dung nằm giữa hai làng, làng tôi Ba Thá và làng đạo Phụ Yên, một mình một khoảnh ngay bờ đê, bên kia nhìn xuống sông sâu bên này rạt rào ngô mía. Chẳng có hàng xóm láng giềng thế mà nhà nó chả sợ. Chắc vì bố nó ngày xưa là đội trưởng đội du kích làng. Bố nó là bác Công lùn, lùn tè, thế mà người làng kể hồi Pháp tạm chiếm ông Công lùn dám vác dao phay một tay bám cửa xe zip tay kia phạt ngang vai gã quan hai Pháp đóng ở lô cốt đầu cầu vẫn ra lệnh bắn người bị nghi là du kích rồi xô xác xuống sông. Bác Công lùn, vợ cũng lùn mà đẻ ra cái Dung lại dáng cao, thanh mảnh, da trắng, lông mày như vẽ, mắt đen ánh xanh xanh, rất khác thường ở nhà quê.

Nhà Dung phía trước một doanh trại bộ đội. Không phải là doanh trại tạm dựng mà là xây gạch hẳn hoi, đường đi thẳng tắp, cây cao bóng cả, nhà cửa phong quang. Thỉnh thoảng thương cái Dung tôi rủ nó đi về cùng cái Lương, gần tới Ngõ Đồng nhà nó thì tôi với Dung rẽ sang đê, đi qua doanh trại. Trẻ con chả ai cấm. Chiều muộn, các chú bộ đội trẻ măng gõ bát đi tới nhà ăn, không thì tụ tập tắm giặt bên thành giếng. Mấy năm sau này, khi tôi đi sơ tán lần thứ hai doanh trại bộ đội chuyển thành bệnh viện tâm thần to nhất tỉnh Hà Tây, nay cũng thành Hà Nội của tôi rồi. Đôi khi đi ngang qua, nhìn những người bệnh trong bộ áo quần xanh bẩn bẩn, có lúc gặp bác Thảo béo nhà đâu ngoài Miêng, sau ba lần nhận tin báo tử chồng rồi lại nghe ủy ban xã báo lại là tin nhầm, chẳng biết người ở chiến trường còn sống không nhưng người ở hậu phương phát điên, phải đưa vào bệnh viện nhốt, mãi mới được thả đi lơ vơ dưới những hàng cây hay lang thang hát ghẹo đàn ông trên bờ đê „chòng chành như nón không quai như thuyền không lái…“, bác hát hay lắm, lòng tôi lại dội lên nhớ những chú bộ đội mấy năm trước còn cởi trần kéo nước dội ùm ùm nơi này. Những thân trai mà tuổi đó tôi đâu biết là đẹp đến thế. Rồi họ sẽ ra đi, vào chiến trường, nơi người lớn chỉ nói là đi B đi C. Và một đoàn tân binh nữa lại tới, hơn hớn măng tơ.

Đến năm 1968 trở ra Hà Nội tôi không gặp lại cái Lương và cái Dung nữa. Không bao giờ. Đôi ba bận về làng thời còn đi học, nghe kể Lương bỏ học từ lớp 4, lấy chồng sớm, dậm dụi con cái, hình dung nó cũng như bao người đàn bà trong làng, lòng buồn buồn khó tả. Dung cũng thế. Lớn lên nghe bảo nó xinh lắm, học trung cấp dâu tằm làm ở trại ươm tơ cuối huyện, nhưng không biết mắc chứng bệnh gì mà da cứ xanh lướt, chẳng chồng con, vẫn một thân một mình đi đi về về với bố mẹ già. Con gái nhà quê, cứ phải vai ngang hông nở mặt tròn tròn bầu bầu mới đắt chồng. Nó như thân mía bờ đê gần nhà nó, lá cứ dài ra reo cùng gió, ngọt nhạt gì cũng chỉ nỗi riêng.
Năm bảy mươi, vừa toài ra Hà Nội được có hai năm, mẹ thấy con ốm quá lại gửi bà đưa tôi về làng ở cái nhà mấy bà cháu vẫn lụi hụi vào ra ngày sơ tán lần thứ nhất, cho chơi. Tôi bỏ năm lớp ba mới dở dang đôi tháng, ngày ngày tha thủi một mình. Lớp 4, trước khi Hà Nội triệt để sơ tán trẻ con lần thứ hai tôi mới đi học lại, và mới lại có bạn.

Là cái Nga và cái Lệ xóm trên.

Nhà cái Nga xây sát bờ sông cuối xóm, bậc thềm cao, ngói đỏ, khang trang có lẽ nhất làng. Bố nó nghe nói là một chú miền Nam tập kết đã trở vào Nam, vậy chắc phải là một trong những người miền Nam đầu tiên rời đất Bắc khi đó. Mẹ nó là cô Binh, lúc là cô giáo trường cấp 1, lúc bị đuổi việc vì tội chửa buộm phải ra đầu cầu dựng cái quán đặt máy may may vá quanh cho người làng. Tôi rất thích cô Binh vì cô đẹp, mặt bầu, dáng người cao lớn, tóc dày búi một búi trĩu sau gáy. Không giống những người đàn bà làng, cô Binh mặc như các cô ở Hà Nội, người không có tí mùi bùn mùi nắng nào. Mấy mẹ con cái Nga Binh sống cùng với ông ngoại, một ông già cao gầy, nghiêm khắc, người đủ tiền xây cái nhà to ở bờ sông bất chấp lời xì xèo của làng xóm, người hình như có chữ nhất làng. Chẳng biết nhà nó ông nó làm gì, nhưng có vẻ có của. Thì đấy, nhà ngói thềm cao lại có trần lót rơm cửa sổ rộng mặt trước mặt sau rất khác các nhà xung quanh, có cả máy may, và cả một chiếc xe đạp nam Trung Quốc mà ông nó chẳng bao giờ mắng khi nó vác ra khỏi nhà rủ tôi tập trên con đường toàn đá dăm dẫn vào Miếu Môn. Giờ nghĩ lại, có lẽ tôi với cái Nga Binh là hai đứa trẻ nhàn nhã nhất làng thời buổi ấy. Cứ dăm ba chiều là chúng tôi lại đứa đạp xe đứa chạy đuổi theo sau, ao ước đi xe thạo rồi được phép đèo nhau vào hẳn trong chân núi chả biết ở đâu, chỉ thấy một màu xám xám xanh xanh phía trước. Gióng xe nam, người bé, đứa nào cũng phải thò cẳng chéo qua cái gióng vẹo người đạp. Có hôm ngã xe, chân tay chống xuống đường đá dăm sây sướt cả, xe cũng bị thương, nhưng ông nó chỉ nhìn mà không mắng.

Hồi xong đại học, có lần về thăm mộ bà, tôi gặp cái Nga ở bến xe buýt. Chẳng hiểu sao nó rõ là già dặn hơn tôi mà lại quay ra gọi tôi là chị, xưng em, giọng vẫn ríu rít hơi đanh, mặt tươi rói, tay kéo vạt áo che che cái bụng. Lúc đó nó đã là cô giáo cấp 2 dạy ở một trường làng bên kia sông, phía Vân Đình, và nó đã có chồng, con trong bụng vừa ba tháng. Cũng từ lần ấy không bao giờ tôi gặp lại Nga nữa. Nhưng cứ nghĩ nó là cháu ông nó, con mẹ nó, thể nào nó cũng có cái tính sống lì, bất kể gian truân, không đời nào đè nổi. Cuộc sống nó có thế nào chắc cũng không như đời Lệ.
Đấy là đứa bạn đã trở thành nguyên mẫu trong một truyện ngắn của tôi. „Về làng. Lệ ơi Lệ!

Tao nhớ mày giọng ấm khác giọng cái Nga đanh đanh, nhớ mày hai dải khăn quàng đỏ thắt thẻo trước ngực, da bánh mật, răng tăm tắp như là những hạt ngô nếp, nhớ lúc chúng mình về Xuy Xá ở cả tháng giời chuẩn bị thi học sinh giỏi miền Bắc năm lớp 4, nhớ mày chiều chiều ra ruộng dâu làng ấy hái dâu chín bọc vào cái khăn len tím đỏ của mẹ tao cho cả lũ ngồi ăn chống đói những buổi xa nhà, nhớ những chiều xuân muộn nhớ nhà mấy đứa bọn mình ra sông nhìn nước ngược. Sông Đáy qua làng Xuy Xá chảy ngầm dưới bãi cát mênh mông. Lệ ơi, cả lần đầu tao có chấy, trăm phần trăm tao lây từ mày…

… Hè năm ấy lớp 7, còn có chín ngày thì thi tốt nghiệp, mẹ ốm nặng rồi mất, tôi như một người khác, về làng nghe bà cô nhà chéo ngay sau vườn nhà Lệ kể nó đi thi học sinh giỏi toán toàn quốc – kì đầu tiên khi đất nước vừa thống nhất, cả trường cấp 2 làng chỉ có mỗi Lệ được vào thẳng cấp 3 huyện.

Và nó không đi học nữa.

Anh Bảo nhà Lệ hai lần chiến tranh đánh phá hai lần phải thu vén áo quần rời trường đại học, chỉ vì nỗi ông bố từng đi bộ đội tây đứng trong lô cốt bắn bộ đội ta. Anh về làng, lấy chị Dung trắng như cục bột làm thợ may. Không biết anh có thành người nát rượu?
Lệ bị bố bắt đi lấy chồng sau khi phải bỏ học. Chồng nó là thằng Đán thối tai trước vẫn chọi đất vào lưng tôi ở sân trường, sau nghe nói đi học lái xe thành người nhà nước. Chồng Lệ chê vợ, bỏ lửng nó bao năm. Rồi Lệ lại lấy chồng. Một anh bộ đội xuất ngũ nhà ở Chân Chim –cái xóm tách hẳn khỏi làng gần vào trong Đồng Mít. Lần này rổ rá tự cạp lại. Nhà nghèo, có với nhau một mặt con, chồng nó xoay đi đào vàng ở Nghệ An, kịp về làng ốm mà chết.
Hai mấy năm trước mỗi bận tôi về quê mà nó biết là thế nào Lệ cũng chạy từ nhà chồng trong Chân Chim ra tìm tôi.
Những năm đi xa, đôi ba lần hóng tin bạn bè xưa, nghe kể Lệ đi làm oshin cho nhà người ta ở Hà Đông, chịu thương chịu khó lắm, chủ nhà con lớn rồi vẫn giữ. Bảo tăng lương cho bác, Lệ lắc, nói chỉ cần đủ tiền nuôi đứa con gái duy nhất học đại học ở Hà Nội.
Berlin 22.1.2015

Comments are closed.