Lê Nguyên Chí, người bí ẩn?

Nhà văn – Đại tá Thái Kế Toại

Khi đọc hồ sơ chuyên án tôi có chú ý đến cái tên Lê Nguyên Chí nhân vật thứ năm, bị cáo cuối cùng của phiên tòa ngày 19-1-1960.

Báo Thời mới ngày 21-1-1960 viết rằng:

Lê Nguyên Chí đã từng giữ chức thanh tra hành chính và chính trị của bọn ngụy quyền trong thời kỳ Hà Nội còn bị tạm chiếm. Hòa bình lập lại, tuy đã được chính quyền ta cho tự do sinh sống làm ăn, nhưng y vẫn cấu kết với Nguyễn Hữu Đang và đã bố trí cho tên phản cách mạng này chạy trốn để hòng đi làm tay sai cho địch một cách đắc lực hơn.

Tòa đã tuyên án Lê Nguyên Chí bị 5 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân sau khi hết hạn giam.

Rất lạ là sau đó không có vết tích nào về Lê Nguyên Chí. Tôi đã hỏi nhiều người làm án, một số ông chủ chốt của Nhân Văn – Giai Phẩm cũng không ai biết Lê Nguyên Chí là ai, đã đi đâu.

Bằng trực giác của người làm công tác nghiệp vụ tôi hiểu rằng đây là người đặc biệt. Anh ta đã được đưa đi biệt tích khỏi Hà Nội hoặc đã giữ lời cam kết im lặng về vụ án này.

Mãi sau nhiều năm sau khi công bố tài liệu vụ Nhân Văn – Giai Phẩm tôi mới thấy bức thư của Lê Mạnh Đức nói về bố mình Lê Nguyên Chí.

Nhà nghiên cứu Heinz Schütte, trong tác phẩm Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 đặt câu hỏi: “Còn bị cáo thứ năm, Lê Nguyên Chí, là ai? Có vẻ như không ai thực sự biết người này là ai, ngay cả cái tên của ông ta cũng được các nhân chứng nhớ lại mỗi người một khác. Người thì bảo là Nguyễn Văn Thi hoặc Lý Nguyên Cát, có người lại bảo ông ta từng là tay chân của đế quốc Pháp. Hoàng Cầm kể câu chuyện đầy tính hoang đường kì bí như sau: “Đột nhiên xuất hiện một người lạ” – một người tầm tuổi 50, tóc đã bạc. Một ngày kia, ông ta đến trước nhà Phan Tại và dựng một cái hiệu cắt tóc vỉa hè, rồi ông ta lần lượt làm quen với những người sống ở đó, và chẳng bao lâu đã hình thành một mối quan hệ thân tình. Rốt cuộc, Lê Nguyên Chí đưa ra ý tưởng rủ cả nhóm chạy trốn trên một chiếc thuyền của em trai ông ta ở Hải Phòng… Như đã nói ở trên, tất cả những con người tuyệt vọng đó đã bị công an biển bắt giữ. Phải chăng Lê Nguyên Chí là một đặc tình, một nhân viên của Cơ quan An ninh Việt Nam? Trong phiên tòa, Lê Nguyên Chí là người duy nhất có sắc diện hồng hào, trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An thì xanh rớt, mệt mỏi và gầy gò. Bị ghép vào tội tham gia nhóm gián điệp, Lê Nguyên Chí bị tuyên 5 năm tù và 3 năm quản thúc – từ đó không một ai còn gặp lại ông ta nữa và nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu việc kết án Lê Nguyên Chí có phải một vở kịch được dàn dựng hay không?”

Nhà thơ Hoàng Hưng, lại Hoàng Hưng, một nạn nhân của hậu Nhân Văn – Giai Phẩm liên quan đến Hoàng Cầm và Trần Thiếu Bảo có lời đề tựa cho bức thư của con trai ông Lê Nguyên Chí.

“Thế là đến tận bây giờ, ngoài 70 tuổi, Lê Mạnh Đức, con trai lớn của ông Lê Nguyên Chí, một nhân vật “bí ẩn” trong vụ kỳ án xử bọn “gián điệp, phản động Nhân Văn – Giai Phẩm” từ 50 năm trước mới quyết định công bố sự thật về cha mình. Vâng, 50 năm, sau những oan khổ chất chồng lên hai thế hệ, sau khi người cha lìa đời mà còn đau đớn không yên ở tuổi 101, sau khi những người con đầy bản lĩnh vượt lên nỗi oan nghiệt để sống cho ra sống cũng đã gần trọn đời mình, sau khi những lời kêu oan liên tiếp của hai thế hệ dội vào những bức tường vô cảm từ thấp lên cao không một tiếng vọng, anh mới quyết định công bố. Anh chỉ lên tiếng sau khi đọc được những thông tin sai lạc về người cha thân yêu quá cố, lưu truyền trên mạng.

Lê Mạnh Đức có một thời gian là bạn học cùng khoá với tôi ở trường Trung học Nguyễn Trãi, Hà Nội, anh là Hiệu đoàn trưởng của trường suốt ba năm cấp ba (1958-1960). Mấy chục năm sau mới gặp lại anh ở Sài Gòn, thật tình tôi không ngờ gia đình anh đã gặp đại nạn trong năm học cuối cấp. Về ông Lê Nguyên Chí, mặc dù là bạn vong niên thân thiết của những thủ lĩnh Nhân Văn – Giai Phẩm, tôi cũng không hề nghe ai nói đến “nhân vật thứ năm” bí ẩn này của phiên toà kia. Vậy thì chắc hầu hết bạn đọc cũng không biết gì về nhân vật này, và cũng như tôi, những thông tin đầu tiên về ông chỉ có được từ bài viết của nhà nghiên cứu Heinz Schütte mới đăng trên mạng. Tôi thực sự choáng váng khi biết Lê Nguyên Chí chính là cha của ngưòi bạn học cũ, và khi nghe bạn kể những oan khuất đau thương của ông cũng như của cả gia đình trong suốt 50 năm qua. Giúp anh công bố bài viết này trên một số mạng thân hữu, tôi coi đó là nghĩa vụ của một người bạn, của một người đồng cảnh ngộ. Hơn thế nữa, cũng là cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu để một ngày không xa, những trang sử của đất nước sẽ được viết lại một cách công bằng, trung thực, sửa lại những gì đã bị các ý đồ chính trị nhất thời bóp méo.

BỐ TÔI – LÊ NGUYÊN CHÍ

Mới đây, trên mạng có xuất hiện bài viết của Heinz Schütte Năm mươi năm sau Trăm hoa đua nở 1954-1960, trong đó, tác giả có nhắc đến “Lê Nguyên Chí, nhân vật thứ năm” trong phiên toà xét xử nhóm tội phạm trong vụ “Nhân Văn – Giai Phẩm”.[1] Lê Nguyên Chí là bố của tôi.

Do rất thiếu thông tin, Heinz Schütte đã dựng nên hình ảnh hết sức sai lệch về Bố tôi, khiến tôi có trách nhiệm nói lại cho rõ. Trong bài viết trên, Heinz Schütte có tìm hiểu các giả thiết, nào là tên thật là gì; nào là Lê Nguyên Chí giả là thợ cắt tóc do cơ quan an ninh gài bẫy rồi rủ người thuộc nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm vượt biên, rồi bị công an biển bắt cả bọn trên biển; nào là “đặc tình”; nào là ra toà hồng hào khoẻ mạnh, trong khi người khác xanh xao, sau đó không thấy tung tích… Thật hoang tưởng. Vậy Lê Nguyên Chí là ai, có vai trò gì trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, án tù ra sao và chịu tù ra sao, trong bài viết này tôi tạm chỉ nêu lên một số nét chính.

Lê Nguyên Chí là ai?

Trích bài của Lê Mạnh Đức:

"Bố tôi, từ khai sinh cho đến lúc qua đời vẫn chỉ có tên là Lê Nguyên Chí, sinh năm 1903 tại thị xã Sơn Tây. Thuở nhỏ, học tiểu học tại Sơn Tây, sau đó lên Hà Nội học trường Bưởi. Sau khi bố tôi đỗ diplome (thành chung), đang học dở dang ban tú tài thì bị đuổi học do tham gia bãi khoá để tang Phan Chu Trinh (1926). Từ đó, bố tôi đi làm tại Sở Tài chính, đồng thời quan hệ bạn bè với các ông như Phan Thanh, Phan Bôi, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Hữu Đang… và gắn bó với các hoạt động yêu nước. Những năm 1936-1938, bố tôi là một trong những người sáng lập Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, là Uỷ viên Ban chấp hành Hội (ông Nguyễn Hữu Đang là Tổng thư ký), đồng thời cũng trong giai đoạn này theo bố tôi kể lại thì Người còn là Hội viên Hội Nhân quyền (Ligue des Droits de l’Homme) có trụ sở đặt tại Paris. Những năm 1941-1945, bố tôi tích cực hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, đã bị Pháp-Nhật bắt hai lần. Cũng để tập trung vào công việc hoạt động cách mạng, năm 1942 bố tôi tự thôi việc tại Sở Tài chính, cũng có nghĩa từ chối cuộc sống của một ông phán với mức sống dễ chịu và ổn định, bước vào một đời sống vật chất eo hẹp khó khăn. Năm 1945, bố tôi tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội, sau đó được cử phụ trách Thanh tra (Bộ Nội vụ) bên cạnh ông Hoàng Hữu Nam, ông Võ Nguyên Giáp. Xin nói rõ thêm, khi đó, Bộ Nội vụ bao gồm cả quân đội, công an, thanh tra… sau này mới tách ra từng bộ. Sau khi ông Hoàng Hữu Nam mất, bố tôi về Bộ Ngoại giao và là một trong số cán bộ cao cấp bên cạnh ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (có xác nhận của ông Võ Nguyên Giáp và ông Hoàng Minh Giám). Năm 1951 bố tôi thôi công tác ở Bộ Ngoại giao vì lý do sức khoẻ. Năm 1952, được giao làm nội gián vào hoạt động nội thành, với nhiệm vụ vận động Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt của chính phủ Bảo Đại, đi theo kháng chiến. Ông Nguyễn Hữu Trí nguyên là bạn cùng làm việc với bố tôi ở Bộ Nội vụ sau Cách mạng tháng Tám. Ông Trí bố trí bố tôi làm Thanh tra Thủ hiến Bắc Việt với quyền hạn rất lớn, đó cũng là cơ hội thuận lợi thực thi nhiệm vụ. Khi bố tôi vận động ông Nguyễn Hữu Trí cùng bộ máy của mình ra Kháng chiến, ông Trí thẳng thắn nói: “Tôi làm việc theo lý tưởng của tôi. Chúng ta cần tôn trọng lý tưởng của nhau”.

Công việc được giao không thành nên chỉ sau 3 tháng làm Thanh tra Thủ hiến Bắc Việt, bố tôi quyết định từ chức, cũng có nghĩa từ bỏ cuộc sống vật chất đầy đủ, đưa gia đình vào Sài Gòn chờ cơ hội tiếp tục hoạt động.

Cũng thời gian này, bố tôi tham gia hoạt động trong Phong trào Hoà bình Thế giới ở Sài Gòn do ông Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo. Cũng nhờ tổ chức này đấu tranh nên năm 1954 gia đình tôi mới được phép ra Hà Nội..

Thực chất, từ 1926, sau khi tham gia bãi khoá để tang Phan Chu Trinh, bố tôi đã có ý thức hoạt động trong phong trào yêu nước. Từ năm 1936 trở đi, ý thức đó hình thành mạnh mẽ hơn, hoạt động có tổ chức hơn. Bố tôi đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, để lao vào công việc nguy hiểm, cận kề lao tù, đời sống của gia đình lâm cảnh thiếu thốn. Với tính cách trung thực, thẳng thắn và nhiệt thành, với ý thức dân tộc rõ ràng, bố tôi kiên trì đi theo các phong trào yêu nước như Truyền bá Quốc ngữ, Việt Minh, Nhân quyền… và hoạt động có kết quả trong thời kỳ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến chống Pháp (như trên tôi đã trình bầy). Có lẽ việc không phải là đảng viên cộng sản cũng đã tạo khó khăn trong vị trí công tác của bố tôi, nhất là từ năm 1951 Đảng “tăng cường” sự lãnh đạo ở mọi cơ sở. Tuy nhiên không vì thế mà bố tôi không hết lòng với sự nghiệp đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc trong những vai trò và công việc khác nhau.

Cho đến năm 1958, bố tôi chưa hề có “vấn đề” gì với nhà nước cộng sản. Hết sức bất ngờ, ngày 10/4/1958 bố tôi bị bắt và bị đưa ra toà cùng với các ông bà Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm. Trước ngày đó chỉ 3 ngày, bố tôi còn gặp ông Bộ trưởng Phan Mỹ và được ông thông báo sẽ bố trí công tác ở Bộ Nông trường.”

Con trai Lê Nguyên Chí lý giải nguồn gốc sự việc như thế này:

“Cho đến nay, chúng tôi vẫn chỉ có thể kết luận bố tôi mắc vào vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm chỉ là do quan hệ bạn bè của Người với ông Nguyễn Hữu Đang. Nguyên là thời gian này, gia đình chúng tôi lâm vào hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bố mẹ tôi phải mở hàng bán bánh cuốn, một số anh em bộ đội miền Nam dạy cho cách làm bánh xèo, bánh bao để bán. Tuy vậy, hàng họ ế ẩm. Các bạn bố tôi như ông Nguyễn Hữu Đang, Phạm Văn Khoa hay đến ăn quà, vừa để thăm nom, vừa ăn để “ủng hộ” bạn. Cũng vì thiếu thốn, bố mẹ tôi mắc nợ, con nợ đến đòi nợ từ sáng sớm. Ông Đang thấy vậy nên viết thư cho bạn vay tiền hộ cho bố mẹ tôi. Trên đường đi Hải Phòng vay nợ (bố tôi đi một mình), bố tôi bị công an bắt giữ tại bến xe Hải Dương. Công an lục lọi tìm thì trên mình bố tôi chỉ có bức thư đi vay nợ! Như vậy, không hề có chuyện “cả bọn vượt biên trên biển bị công an biển bắt giữ” như tác giả người Đức đã viết.”

Và hậu quả sự việc đã đi xa quá sức tưởng tượng trở thành thảm kịch với cả gia đình nạn nhân. Ông Lê Nguyên Chí cũng là người quá ngây thơ trước một cạm bẫy.

“Khi bị bắt, gia đình không hề có tin tức nên đi trình báo công an là bố tôi mất tích. Tôi có đến nhà ông Hoàng Minh Giám, lúc này là Bộ trưởng Bộ Văn hoá cũng là bạn bố tôi, để cậy nhờ xác minh về tình trạng bố tôi. Ông Giám ân cần tiếp và sau 3 ngày thì được ông báo tin bố tôi bị tạm giữ với vai trò nhân chứng trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm. Suốt thời gian bố tôi bị giam ở Hoả Lò, gia đình tôi không được tiếp tế và gặp gỡ, cho đến ngày giáp Tết năm 1960 mới được vào thăm. Bố tôi báo tin là sắp được tha về. Gia đình hy vọng… Ngày 19/01/1960 mở phiên toà xét xử vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, gia đình không ai được tham dự. Theo bố tôi kể lại, trước khi mở phiên toà, bố tôi được ăn uống đầy đủ, quần áo chỉnh tề. Do được cán bộ trại giam báo tin bố tôi chỉ là “nhân chứng” và sẽ được thả ở ngay khi kết thúc phiên toà, Bố tôi ra toà còn vui vẻ chào ông Đỗ Xuân Sảng là luật sư cãi cho bị cáo.

Bất ngờ tại toà, từ vị trí nhân chứng, bố tôi biến thành bị cáo với tội danh “gián điệp phản động, tổ chức bọn Nhân Văn – Giai Phẩm trốn đi Nam”. Rõ ràng là một tội danh áp đặt không căn cứ. Từ Sài Gòn hăm hở ra Hà Nội, lại sắp được bố trí công tác, bố tôi vượt biên để làm gì? Gia đình tôi không có ai là họ hàng ở Hải Phòng, nói chi có người anh em đứng ra tổ chức thuyền vượt biển… Nhưng người ta đã sắp sẵn cho bố tôi cái án 5 năm tù, cộng với 3 năm[2] cho cái tội không hề có ấy.

Tất nhiên sau đó, bố tôi kháng án. Lập tức Người bị tống giam vào xà lim, bị cùm kẹp, bị cho nhịn đói. Công an nói thẳng với bố tôi rằng con đường sống để còn tồn tại là phải thôi kháng án. Bố tôi còn được giải thích và động viên: “Oan mà có lợi cho Cách mạng thì phải biết hy sinh. Con cái anh sẽ được bù đắp”.

Trong thực tế, anh chị em chúng tôi được “bù đắp” như thế này: cổng trường đại học bị đóng chặt trước mặt, và cánh cửa vào đời cài đầy chông gai và hố bẫy. Đây là cả một câu chuyện dài, nếu viết ra phải hàng ngàn trang giấy.

Tội danh “gián điệp phản động” của bố tôi sau này lại được thay đổi. Sau 5 năm bị giam ở nơi rừng thiêng nước độc Phú Thọ, bố tôi ra tù vời tờ giấy ghi tội “Bao che tư tưởng cho bọn phản động Nhân Văn – Giai Phẩm”. Lại một lần nữa, bố tôi bị kết vào một cái tội hoàn toàn hoang tưởng. Làm sao có thể mắc tội “bao che tư tưởng” khi bố tôi không hoạt động trong giới nghệ thuật, chưa hề viết một bài báo? Cũng chính vì thế nên các nhà văn trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm mới không biết Lê Nguyên Chí là ai; và trong vụ án, về mặt văn chương thì chính quyền cũng không có căn cứ để buộc bố tôi bất cứ tội gì. Họ chỉ muốn thêu dệt cho tròn trịa vụ án: phản động âm mưu lật đổ thì phải cấu kết với gián điệp, phải muốn vào Nam theo địch, và các nhân vật trong câu chuyện đã được sắp xếp… Bố tôi thành một thân phận bi ai trong câu chuyện tưởng tượng đó, xét ra thì chỉ vì đã nghe ông Nguyễn Hữu Đang tâm sự là muốn ra nước ngoài. Nếu ý định muốn ra nước ngoài của ông Nguyễn Hữu Đang đã từng công khai nói với Trường Chinh[3] thì cũng có thể nói với Lê Nguyên Chí, tại sao Lê Nguyên Chí lại bị kết tội “Bao che tư tưởng” chỉ vì không “tố cáo”? Cố thêu dệt bố tôi là người tổ chức đi Nam, trong khi Nguyễn Hữu Đang không hề có ý định đi Nam. Cái tội phản động, gián điệp, tổ chức đi Nam gán cho bố tôi hoàn toàn không có bất kỳ một căn cứ nào. Câu chuyện bắt bớ, giam cầm, dụ dỗ, các thủ đoạn xảo quyệt mà bố tôi đã kể cho tôi thật dài, tôi thấy cũng chưa cần nói ra ở đây.”

Ông Lê Mạnh Đức công bố hai bức thư làm chứng cho nhân thân của bố ông.

Võ Nguyên Giáp

Kính gửi: Ban Tổ chức Trung ương Đảng,

Tôi nhận được thư anh Lê Mạnh Đức trình bày về bố mình là anh Lê Nguyên Chí bị qui oan, tôi có ý kiến đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương như sau:

Trước đây, tôi đã có ý kiến minh oan cho anh Nguyễn Hữu Đang, nay được biết anh Chí là bạn của anh Đang, vì quan hệ với anh Đang mà bị qui oan, bị tù đày trong vụ “nhân văn giai phẩm”. Anh Chí trước hoạt động ở truyền bá quốc ngữ. Sau cách mạng tháng Tám có thời gian anh phụ trách công tác thanh tra ở Bộ Nội vụ, đã làm việc với tôi và anh Hoàng Hữu Nam. Anh Chí là người tốt. Chúng ta đã minh oan cho anh Đang, tôi đề nghị cần xem xét để minh oan cho anh Chí.

Hà Nội ngày 08 tháng 01 năm 2008

NGUYỄN HỮU ĐANG

Hà Nội, ngày 30-9-98

Anh Chí thân thương,

Cháu Đức tìm chỗ ở của tôi và đến thăm tôi, cho tôi biết sơ qua tình hình anh tạm ổn trong cái khổ mà ai cũng có thể biết anh phải chịu oan. Thế là tôi yên tâm, càng yên tâm về chỗ anh đã 95 tuổi mà chưa đến nỗi hom hem mụ mẫm, tuy nghèo đấy nhưng cũng tạm đủ sống cơm rau, áo vải và có con cháu thương yêu kính trọng, giúp đỡ cho có hạnh phúc gia đình. Còn đối với xã hội, chuyện ác nghiệt đã qua về căn bản, ảnh hưởng còn rớt lại phần nào ta lấy tính khắc kỷ (stoïcisme) mà coi thường. Mong anh cứ giữ thái độ vô thưởng vô phạt[1], chắc cũng được người ta đối xử phải chăng. Điều chủ yếu là anh giữ dìn sức khỏe và tâm trạng điềm tĩnh. Theo ý tôi anh vẫn có thể tự tạo cho mình ba cái quý nhất khi bóng đã xế chiều là an, nhàn và thanh thản, cộng với sức khỏe và tình cảm gia đình, bạn hữu.

Chúc anh vui mạnh và gửi biếu anh mấy thứ lặt vặt, gọi là chút quà tình sâu nghĩa nặng của người bạn chưa có lúc nào quên anh và thiếu trân trọng đối với anh mà trước, sau tôi vẫn coi là bậc đàn anh đáng mến phục mọi mặt…

Tôi viết vội mấy dòng này đưa cho cháu Đức cầm về, thư sau gửi qua bưu điện đến anh, tôi sẽ nói chuyện nhiều.

Xiết chặt tay,

Em

Nguyễn Hữu Đang

“Tai hoạ từ trên Trời rơi xuống này khiến bố tôi bị tù đầy, kéo theo cả gia đình tôi tuy ở ngoài song sắt mà cũng còn quá trong lao tù. Không sao kể hết sự cay đắng cực nhục mà gia đình tôi phải hứng chịu. Tuy nhiên, điều mà gia đình tôi đau xót nhất là sự vu cáo bôi nhọ bố tôi. Chúng tôi đã im lặng khá lâu. Hành trình khiếu nại vòng vo chỗ này chỉ chỗ kia hoặc “im lặng đáng sợ”. Đã hai thế hệ thay nhau đi khiếu nại! Năm 2003, khi đã bước vào tuổi 101, bố tôi vẫn trăn trở, vẫn thúc giục tôi đi khiếu nại. Và bố tôi ra đi trong nỗi oan hận kéo dài cả nửa thế kỷ. Thiệt hại về vật chất, về tinh thần thật to lớn không sao cân đong được, nhưng chúng tôi lúc này không có nhu cầu gì ngoài việc cần trung thực xác nhận: Bố tôi luôn là một trí thức yêu nước, trung thành và tận tuỵ vì Đất Nước.”

19/8/2010

Lê Mạnh Đức

Thiết nghĩ nội dung bức thư của Lê Mạnh Đức đã nói lên tất cả. Người bí ẩn không còn là bí ẩn nữa. Sau khi ông Lê Nguyên Chí mất đi, sự cam kết im lặng đã bị phá vỡ, nhường chỗ cho tiếng kêu khắc khoải của công lý. Ai trả lời cho tiếng kêu này?

Tôi nghĩ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cuộc đời ông Lê Nguyên Chí là bi kịch kiểu khác, khác với những người tham gia Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng không phải vì thế mà nỗi đau đớn mà ông và gia đình ông gánh chịu không thua kém bất cứ nỗi đau đớn nào của những số phận bi thảm nhất trong Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Tháng 9-2020

Hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang đứng và đám cưới, văn bản cho biết 'AFP'

Trong ảnh từ trái sang: Lê Nguyên Chí, Phan Tại, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Nguyễn Hữu Đang.

Comments are closed.