Ông lão 80 trên lồng cu

Truyện Đoàn Việt Hùng

Phải khó khăn lắm ông già mới quyết định chuyển đến chỗ ở mới. Đó là căn phòng nhỏ trên tầng áp mái, rộng tầm hai chục mét vuông, không kể ban-công nhô ra 1,6 mét. Đây chắc chắn là nơi cuối cùng để làm “chỗ đếm thời gian”.

Nguyên mảng tường dài là giá sách, đối diện là giường ngủ, đầu bên kia là chiếc bàn nhỏ lỉnh kỉnh giấy bút, sách báo, điện thoại… như gánh hàng xén thu nhỏ. Cuối cùng là phòng vệ sinh có gắn máy điều hòa phía trên cửa non mét rưỡi. Ngay trên đầu giường là nút chuông phòng khi nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt… nhấn chuông báo xuống nhà dưới.

Một căn phòng được thiết kế như vậy cho ông già tám mươi quả là hoàn hảo. Khi thì ngồi trên ghế ngó ra ban-công gần đụng nhà bên kia đường, lúc nằm thẳng đuột dưới sàn, nhắm mắt như người hành thiền thở ra thở vào bụng phồng lên xẹp xuống vẽ những đường cong, gấp khúc, phẳng phiu về một trận chết rất đẹp, lộng lẫy cho mình.

Ông đã tính toán kỹ, rất kỹ. Thời buổi bây giờ, công nghệ thay con người giải quyết mọi sự, vì vậy ông không lo bị đói, ốm đau. Hằng ngày ông đặt đồ ăn từ một dịch vụ nấu nướng sẵn, mang tới tận nhà. Đau bệnh, cấp cứu kết nối với bác sĩ riêng, bệnh viện qua Zalo, cho nên không sợ bị chết bất thần đến mười ngày sau bốc mùi mới có người phát hiện.

Còn cái sự đã chết thì hết sức đơn giản: ông đã đặt tiền trọn gói cho dịch vụ mai táng hỏa thiêu. Khi nào chết thiệt, điện thoại tự động báo cho nhà đòn tới mang xác ông đi; tro cốt cho vào chiếc quách bằng gốm sứ Bát Tràng nhìn như chiếc hòm thu nhỏ (ông đã nhìn thấy, đẹp) rồi chở về quê, đặt xuống mả gió (đã chuẩn bị sẵn cách đây bảy năm) lấp đất. Vậy là xong. Mọi việc hết sức đơn giản, tiện lợi. Còn sự tang chế lễ lộc, con cháu tùy nghi muốn làm gì sau đó cũng được, ông đã là nắm tro, thân xác về với cát bụi rồi, biết gì nữa mà phản ứng nhỏ to?

Chuyện hậu sự như một bức tranh đẹp, giờ thì  yên tâm với những ngày còn lại ở “nơi khác”.

Đừng nghĩ rằng “nơi khác” là khu dưỡng lão mini hay resort cho lão nhà giàu, cũng không phải nơi biệt giam cho một tù nhân nguy hiểm hay văn hoa chút xíu là nơi an dưỡng tuổi già. Coi kỹ lại, nó bình thường như mọi nơi chốn. Có điều là chốn ông tự chọn, bình dân; nằm lọt trong khu dân cư lạ kỳ: chẳng phải phố cũng chẳng ra quê, không là xóm trọ, không chợ búa sầm uất, chẳng thấy lũy tre, sông suối, không có loa kẹo kéo ầm ầm sấm động, không có quán nhậu dzô dzô… ầm ỹ, chưa nghe trộm cắp, mắng chó chửi mèo… Đây là khu phố không tên rất lý tưởng cho tuổi già cần sự yên tĩnh, hiếm khi có chiếc xe lớn nào chạy ngang, đường sạch bong, hàng cây hai bên đường như đội lính tập bồng súng đứng “thiên thu” chào tất cả mọi người qua lại.

Hẳn nhiên khu này cũng phải có tên gì đó, song ông già không buồn để ý, chỉ vì trước đây cũng có cái tên khiến đám đông cuồng điên nhảy cẫng như bọn lên đồng, nhưng cũng có kẻ ôm mặt khóc rưng rức vì sầu hận.

Trước mặt nhà, phía bên kia đường, ở dưới thấp  khoảng ba thước so với mặt đường, là khoảng đất trống rộng vài chục mẫu tây, cỏ mọc xanh um, lùm bụi lúp xúp, quanh năm hoa xuyến chi nở trắng xóa; thỉnh thoảng những lùm trâm ổi nhô lên điểm xuyết bằng những bông hoa năm màu tròn như trứng gà so.

Đã nhiều lần ông mò xuống khu đất này hít thở chút không khí sạch vào buổi sáng sớm, hái một bó hoa xuyến chi về cắm vào chiếc độc bình trên bàn thờ, xắn tay vò dập nắm lá trâm ổi để ngửi mùi thơm đậm. Nay thì không. Nội việc lên xuống cầu thang ba bốn bận cũng đủ cho bài tập thể dục cả ngày.

Phần lớn thời gian ông dành cho việc đọc sách và thở. Ông nghĩ, đọc sách giúp cho bộ não khỏi bị tê liệt chuyện nhớ quên, kiểm tra cặp mắt. Còn thở vào ra không phải để thành lão thiền sư mà hơn hết là quên bớt những hân hoan, phiền não… ám theo thời gian xa gần. Nhưng coi bộ cũng chỉ được vài phần vì có những thứ không tài nào lẩn tránh. Mới rặc ròng đây thôi, vừa đặt mông lên chiếc gối bông, chân trái vừa co chạm vào chân phải thì có tiếng leng keng rột rẹt phát ra trên bàn. Mới đầu nho nhỏ như tiếng dế kêu, rồi càng lúc càng to. Tâm của ông bị bẻ khóa, liền nhắm mắt mím môi, tai khép lại xua tiếng động mà nào có xua đuổi được gì! Thua. Tiếng chuông mỗi lúc một to, gắt như  tiếng kẻng gõ dồn dập cấp báo cháy nhà. Ông phải mở mắt, dỏng tai, với tay về phía phát ra tiếng kêu.

Ông già mở máy.

-Anh Tư, trời… Ở đâu mà tui gọi miết?

-Ai đó? À, Ba Sum… Sao, ở ngoải có khỏe không? Mà có chuyện gì vậy chú? Nóng lạnh mưa gió, ruộng nương…

-Gì nữa. Anh Tư chưa hay gì sao. Con mẹ Kim Hằng lại lấy chồng nữa, anh Tư!

-Con mẻ lấy chồng thì mắc mớ gì tới chú và tôi, hè?

-Sáu bảy rồi anh.

-Thì sáu bảy.

-Nhưng mà, không phải như những lần trước, đận này con mẻ lấy thằng Việt kiều…

-Tốt chớ sao chú.

-Không phải vậy. Cái thằng sắp làm chồng mẻ mới nhinh nhỉnh bốn mươi, đáng tuổi con…

-Có sao đâu nào. Đó là coup de foudre, chú biết rồi! Mà thôi, chào chú nghen. Tôi có chút việc, gọi sau.

Ông già nói và tắt máy. Ông khép mắt, thở một hơi dài.

Vậy đó, muốn buông ra mà đâu có được. Những chuyện không đâu vào đâu, thỉnh thoảng ập đến như cơn dông lốc, đố mà dựng tường chắn gió lớn. Khổ cái là nó không chịu tan ngay mà cứ lởn vởn, xà quần xà nẹo chí ít cũng mươi phút, có khi cả buổi. Rồi ông cố xua đi chuyện Kim Hằng lấy chồng lần nữa, nhưng thông tin từ miệng Ba Sum y như keo dán chuột, cứ lùng nhùng không chịu bay ra khỏi đầu.

Ông ngồi xếp bằng, xuống gối, tập trung lắng nghe hơi thở, nhưng nó cứ phập phù như bễ lò rèn. Biết có cố cũng chẳng được tích sự gì, bèn bỏ ra ban-công kéo ghế xếp ngồi ngó chong xuống hầm đất. Hoa xuyến chi trắng xóa. Lùm bụi xanh ngắt lúp xúp nhô lên giữa rừng hoa. Mấy con bò ở mút xa… Mắt ông khép lại một chút, he hé mở ra… thở…

Ông thấy mình ôm bó hoa xuyến chi áp vào ngực. Ông nhớ tới vợ trên cao, dòm thấy con mắc dính trong hóc kẹt phù sinh, chòm xóm nhấp nhổm, những người bạn già trẻ co chân lướt dần theo thời gian trôi tuột qua cánh đồng làng. Họ chập chờn trong giấc ngủ, lung linh trên vách tường ám ố, chao lượn dưới ánh sáng lờ mờ ngọn đèn ngủ. Hàng tre đung đưa, cây duối ngái ngủ, bầy chó sủa trăng. Mọi thứ chầm chậm lướt qua… chập chờn.

-Bác Tư ơi, bác Tư…

Tiếng gọi chạy lăn tăn theo tiếng chuông gọi cửa.

-Bác Tư ơi…

Ông mở choàng mắt, tỉnh cơn mê vụn, lò dò trở vô phòng, vịn cầu thang bước xuống. Chuông vẫn reo. Ông lần mò mở khóa, kéo chốt cửa. Ui da, tưởng ai.

-Thì con cứ mắc vô cánh cổng, thủng thẳng bác lấy.

-Đâu được bác. Đâu phải đồ khô.

-Khô nước gì thì cũng tới tay bác, ai vô đây…

-Con biết. Nhưng mà…

-Rồi, gì ở trỏng mà khẩn cấp vậy?

-Dạ, tô hủ tíu và ly cà phê sữa.

-Uả, ở đâu mà hủ tíu với cà phê cữ này?

-Con đâu biết.

-Ngộ chưa. Không biết mà biết mang cà phê hủ tíu tới đây. Ý bác là ai gửi những thứ này cho con mang tới. Rồi, bác cũng chưa biết con là ai nữa. Ngộ thiệt nghen.

-Dạ, con bán cà phê ở đầu hẻm ngoài kia. Ngày nào cũng nhìn thấy bác đứng trên ban-công, tưới cây, nhìn trời. Dạ, có người kêu con bán ly cà phê, bỏ vào túi này nhờ con mang giùm tới, xin lỗi bác, cái ông già hay ra đứng ở ban-công đó.

-Mèng ơi, không thấy mặt mũi, chẳng rõ nguồn gốc tung tích mà con dám… lỡ – ông kịp ngừng lại – Mà đàn ông, đàn bà, già trẻ?

-Không nhớ nữa. Con lo pha cà phê. Người ta dặn vậy rồi để tiền lên bàn rồi đi mất. Mà hình như đàn bà. Thôi, bác Tư nhận giùm, con về bán hàng, chắc không có gì đâu.

Cô gái trao túi hàng tận tay. Ông nhận lấy nói cám ơn dặn với, lần sau nhớ cẩn thận nghe cháu.

Mang túi giấy đặt lên bàn ăn, ông ngồi cố rặn óc nhớ coi ai quen. Ông mới tới khu này chừng hai tháng, chỉ có chú khu phố trưởng, chú công an khu vực biết vì liên hệ giấy tờ tạm trú, còn lại tất cả bạn bè, người thân ông giấu biệt, trừ chiếc điện thoại như sợi dây nối.

Vậy mà sáng nay có người theo dõi ông, nhận ra ông khiến cho đầu óc rối nùi. Xem chừng chuyện nhập môn buông bỏ coi như tiêu ma.

Tô hủ tíu bỏ vào tủ lạnh, tay xách túi giấy có ly cà phê leo cầu thang, ra ban-công. Ly cà phê còn âm ấm ông già đặt lên chậu bonsai nguyệt quới thân vặn vẹo sần sùi, già hơn ông cả chục tuổi.

Ông già bưng ly cà phê nhấp ngụm nhỏ, bắt đầu banh quá khứ ứ hự của mình từ thời cởi truồng, trai trẻ, lang bạt cho tới khi tóc nhuốm muối tiêu, râu lông lún phún trắng. Ông cởi trần những mối tình si, tình lỡ, tình hờ, ngủ nhờ, ở đậu… Những hình bóng đậm nhạt chạy nhảy lộn xộn trong đầu, sau đó tắt ngấm tàn tro.

Không thể nhận ra ai bất ngờ bôi chút hương vị cà phê lên đầu lưỡi và hộp hủ tíu chưa đụng tới?

Ông già lắc đầu cho qua. Mà cho qua là phải. Nước non lửa củi gì nữa ở tuổi tám mươi…  Rồi quay ra dòm cây nguyệt quới có bộ rễ phồng nhổm lên khỏi miệng chậu gốm sứ men da lươn, thân sần sùi vặn vẹo, khô nẻ. Nó cũng già như ông, thỉnh thoảng nở vài chùm bông trắng ngọc, thơm dịu… rồi rụng, trơ trọi cành lá, chờ đợi thời gian lâu sau.

*

Đã vài ba lần vuốt mắt cho người thân, cả đến mươi lần nhìn những thân xác nằm bất động, tờ giấy trắng đắp lên mặt, chiếc dao cùn hay thanh sắt lòn dưới chiếu. Đó là dấu hiệu của những đã người chết.

Nhưng quả thật, không tài nào hình dung nổi cảnh mình khi chết sẽ ra sao?

Vậy là ông háo hức vẽ ra cái chết cho riêng mình. Công việc ấy khá tỉ mẩn như khi ngồi hàng tháng trời phác họa bản vẽ cho ngôi nhà thờ họ. Vẽ và bôi xóa. Những tờ giấy vò nát vất xuống sàn. Những cục tẩy mòn vẹt. Những cây bút chì chỉ còn một mẩu nhỏ…

Sự khó khăn này có giống với sự đi gần đến cái chết? Ông không biết, nhưng chắc chắn không có cảnh chết nào giống cảnh nào. Điều này hoàn toàn đúng.

Tai ông bỗng nghe vang tiếng chim ríu rít. Hình như đó là tiếng con chim sâu đang chuyền trên cành mai quế anh? Ông khẽ mở mắt và thấy mình bay bổng ra ngoài hành lang, nhập vào cành lá màu xanh sậm. Không phải một mà hai con, nhỏ bằng nửa ngón chân cái, đuôi luôn ngúc ngoắc chuyền sải từ nhánh này qua nhánh khác, miệng luôn chíp chíp. Vụt cái, cả hai bay lên cao kéo ông theo. Ông bay lướt trên các ngôi nhà cao tầng, bay lượn trên dòng sông mênh mông dập dềnh những mảng lục bình cắm những cọng bông tím nhạt. Những giề lục bình trôi chậm. Ông bay chậm rãi nhìn giề lục bình và dòng nước. Giề lục bình trôi? Dòng nước trôi? Cả hai cùng trôi và cả hai cùng đứng. Một thoáng khựng lại. Dòng nước sáng lóa đến nỗi gần như xóa mất màu xanh của giề lục bình.

Ông nghe âm thanh của đôi chim sâu ẩn bên dưới dòng nước cõng giề lục bình, nhẹ và êm như đám mây trắng trôi trên đầu.

Ông ngó lên cao, rồi dòm xuống dưới. Cả hai đều nhè nhẹ lướt cùng một màu trong veo như khí trời…

Âm thanh vang lên bên tai. Lần này không phải tiếng hót líu lo mà chát chúa đến vô cùng, kéo giật; cũng không phải lắng nghe mà xồng xộc như đám âm binh ma quái vác dao rựa lao vào khua rổn rảng. Tình thế này, kẻ hấp hối cũng phải mở bật mắt, ngồi dựng dậy.

Nhổm về phía phát ra âm thanh cuống cuồng như một quán tính, vơ vội ống nghe áp chặt vào tai.

-Bác Ba ơi, bác Phó Sáu chết rồi!

-Hồi nào, sao chết con?

-Chiều qua. Dạ, thảm lắm bác!

-Thủng thẳng, từ từ nói cho bác nghe.

-Dạ, hai Tửng con út Phó Sáu đó bác có thằng con nghiện du lịch châu Âu (*) , nó nợ nần tùm lum bị bọn giang hồ tới nhà đòi nợ. Hai bên cãi vã xô xát, ông già đứng ra can, ai dè tụi nó chém đứt cổ Phó Sáu, mà không đứt hẳn, chỉ hai phần ba nên chi cái đầu rụng xuống tòng teng trước ngực, máu bắn thành vòi tít lên trần nhà, bắt ớn. Thảm lắm bác Ba.

-Thôi, đủ rồi đừng kể nữa – giọng ông như giận dỗi và gác máy.

Phó Sáu là bạn ông từ thuở cởi truồng chăn bò tắm sông. Lớn lên lêu bêu lang bang trôi nổi trong dòng cuốn thời cuộc, cuối cùng cũng giữ được chức ấp phó cốt trốn lính. Thời đó kêu chính danh phó ấp bị nhiều người xấu miệng xỉa xói là ấp bà góa, hay như hội Phụ nữ Liên đới của bà Ngô Đình Nhu bị gọi hội Phụ nữ Liên đái, nên gọn lại phó cộng thứ trong gia đình nghe êm hơn. Chính thức có tên Phó Sáu khi ông ta hăm bảy tuổi.

Phó Sáu trước sau chỉ mỗi một bà vợ, chưa nghe ai tố cáo ông ve bà góa lộn nài bẻ ách, và duy nhất chỉ có mỗi một anh Tửng độc đinh. Vậy mà… ông nhắm mắt lại như muốn xua hình ảnh chiếc đầu rụng tòng teng trước ngực, rồi nghĩ: kiểu chết thảm, lãng nhách và, chắc chắn không phải là sự lựa chọn của Phó Sáu.

Hãy tưởng tượng, bạn đang đứng bên cạnh đám người đang cãi nhau, giằng co, nắm đấm… Bỗng một vật gì đó xẹt qua đầu bạn, đầu vỡ toang hoác, máu chảy, bạn gục ngã và không kịp nhận ra nguyên nhân. Đúng là không nhận thấy điều gì. Máu trào. Tim ngưng đập. Chết lập tức. Như vậy, dĩ nhiên đây không phải là bản năng tìm đến sự hủy hoại thông thường như bản năng tìm sự sống với những ham muốn, khoải cảm, sinh tồn…

Chắc chắn Phó Sáu không muốn nhận một kiểu chết như vậy. Ông cũng từ chối cách chết kinh khủng này. Nhưng biết làm sao được?

Nhiều ngày sau, ông cố xóa tan hình ảnh hãi hùng đó bằng cách nằm thẳng tay chân trên chiếu hoa thở vào ra, định tâm.

Lái Thiêu, tháng 2/2021

…………………………….

(*) Du lịch châu Âu: tiếng lóng chỉ cá độ banh bóng

Comments are closed.