Nhóm Đà Lạt

Tiêu Dao Bảo Cự

Thực ra ngay người trong cuộc cũng không thể xác định “Nhóm Đà Lạt” được hình thành từ lúc nào và không phải tự đặt tên cho mình. Có thể khơi nguồn từ lúc hình thành Hội Văn nghệ Lâm Đồng và Tạp chí Langbian năm 1987 – 1988. Đó là năm Hà Sĩ Phu viết bài tiểu luận Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ và Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện chuyến đi xuyên Việt hơn một tháng trời vận động cho tự do báo chí, sáng tác và xuất bản cùng với yêu cầu thực hiện dân chủ, công khai và đổi mới.

Với những hoạt động tiếp theo sau đó có tiếng vang trên phạm vi rộng, một số các nhà báo và thân hữu nước ngoài yêu mến gọi tên các chàng là “những hiền sĩ cao nguyên” hay "Nhóm Đà Lạt". Nhóm mở rộng thêm nhà nghiên cứu độc lập Mai Thái Lĩnh, sau đó là hai anh em Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, hai đảng viên kỳ cựu, có chức quyền đã tự ý ra khỏi đảng. Tiếp theo Nhóm mở rộng hơn thành Nhóm Thân Hữu Đà Lạt gồm một số người nữa sống trên địa bàn Đà Lạt, Lâm Đồng.

Phần lớn các thành viên Nhóm Đà Lạt là những người cầm bút, đã công khai thể hiện quan điểm chính trị độc lập với tinh thần phản biện trên các diễn đàn trong và ngoài nước liên tục qua hơn 3 thập kỷ. Một số tác phẩm của các thành viên có tiếng vang rộng rãi trong và ngoài nước. Hà Sĩ Phu sau bài chính luận đầu tiên viết tiếp Chia tay ý thức hệĐôi điều suy nghĩ của một công dân. Bùi Minh Quốc ngoài những bài thơ chính luận có lửa như Mẹ đâu ngờ,… còn có tập thơ Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn. Tiêu Dao Bảo Cự với tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại, Nhật ký trong những ngày bị quản chế (Tôi bày tỏ), tiểu thuyết Mảnh trời xanh trên thung lũng… Mai Thái Lĩnh với những cuốn sách nghiên cứu về Nhà nước và nhà ái quốc Phan Châu Trinh.

Nhóm Đà Lạt đăng tải các bài chính luận sắc bén về mọi lãnh vực phổ biến trên các báo, tạp chí nước ngoài như Thông Luận, Diễn Đàn (Pháp), Hợp Lưu, Người Việt, Thế Kỷ 21, Ngày Nay (Mỹ), Thiện Chí, Tự Do, Tao Đàn (Đông Âu), Tivi Tuần san (Úc)…, các trang web ngoài và trong nước như Đàn Chim Việt, Talawas, Thông Luận, Cánh Én, Diễn Đàn, Đối Thoại, Người Việt, Ý Kiến, X café, Tổ Quốc, Vietnam Review, Việt Luận, Phụ Nữ Cali, Bauxite, Dân làm báo, Ba Sàm, Văn Việt… Vì thế đã có lúc Đà Lạt, một thành phố du lịch nhỏ bé hiền hòa, trở thành “một điểm nóng chính trị” không thua gì Hà Nội và Sài Gòn.

Với những hoạt động và ảnh hưởng như thế, dĩ nhiên Nhóm Đà Lạt phải bị trấn áp. Các thành viên chủ chốt bị áp đặt lệnh quản chế tại gia từ một lệnh (hai năm), đến hai lệnh và một năm tù giam. Gay cấn hơn là mọi người đều bị bao vây, cô lập và triệu tập thẩm vấn thường xuyên suốt tuần, suốt tháng, từ năm này sang năm khác. Đến nỗi có thời gian 4 người ở cách xa nhau vài cây số mà phải đến sau 10 năm mới có dịp gặp nhau đông đủ.

Những biện pháp trấn áp này tuy lúc đó rất gay cấn nhưng thật chẳng đáng gì so với những biện pháp tồi tệ, bạo lực hay những án tù 5, 10, 15 năm mà những người bất đồng chính kiến sau này phải gánh chịu.

Các thành viên Nhóm Đà Lạt bây giờ đã trên dưới 80 tuổi, sẽ chỉ còn lưu dấu như những người tiên phong đã dám cất lên tiếng nói chính trực của trí thức trước thời cuộc trong một chế độ độc tài toàn trị hà khắc và là những viên đá lót đường rêu cỏ mọc cho thế hệ sau bước tiếp con đường chông gai, gập ghềnh vì vận nước và vì nhân phẩm con người.

———————————

Tin không vui mới nhất: Ngày 6/9/2022 Hà Sĩ Phu bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, phải giải phẫu cắt lá lách, gãy hai xương sườn, xây xát khắp cơ thể, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng.

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Hình 1. 4 người Nhóm Đà Lạt thuở tóc vẫn còn xanh dù đã trải qua không ít gian nan (4 người đang cụng ly, từ trái qua: Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh)

Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Hình 2. 6 người (từ trái qua: Mai Thái Lĩnh, Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc).

Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng và thực phẩm

Hình 3: Hà Sĩ Phu ngồi giữa, bên cạnh phu nhân Thanh Biên (đã mất)

Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang đứng và trong nhà

Hình 4. Lần gặp mới nhất tháng 7/2022: Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu đã “phơ phơ đầu bạc”, Tiêu Dao Bảo Cự tóc cũng đã hai màu.

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và trong nhà

Hình 5. Các hiền thê, những người thiệt thòi và chịu đựng nhiều nhất hơn cả các chàng chiến sĩ. (từ phải qua: Hiền Thục, phu nhân của Bùi Minh Quốc; Lâm Ái, phu nhân (mới) của Hà Sĩ Phu; Bạch Yến, bạn đời của Tiêu Dao Bảo Cự). Hình chụp tháng 7/2022.

Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang đứng và trong nhà

Hình 6. Các cụ ông cụ bà cũng biết “xeo phi”, đâu thua gì lớp trẻ?!

Có thể là hình ảnh về 2 người và trong nhà

Hình 7. Nhà thơ Phan Đắc Lữ từ Sài Gòn lên thăm Hà Sĩ Phu trong bệnh viện khi nghe tin anh bị tai nạn.

Comments are closed.