Roulette Đỏ: Một Câu chuyện của Người Trong cuộc về Của cải, Quyền lực, Tham nhũng, và sự Trả thù ở Trung Quốc Ngày nay (kỳ 18)

Thẩm Đống (Desmond Shum)

Bản tiếng Việt do Nguyễn Quang A dịch

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

CÓ MỘT PHÒNG HỘI NGHỊ TRONG khu nhà ở bốn mùa ở Bắc Kinh mà đối với Vĩ Hồng và tôi là đất trung lập. Chúng tôi đã thường gặp nhau ở đó đôi khi để thảo luận sự dạy dỗ Ariston và các vấn đề khác. Một buổi chiều tháng Tám 2014, Vĩ Hồng triệu tôi đến. Vĩ Hồng đã luôn luôn chi phối và lần này cũng không khác. “Tôi muốn ly hôn,” cô nói.

Tôi đã không ngạc nhiên. Những thứ nhỏ đã báo hiệu rằng cô đang chuyển theo hướng đó. Cô đã thay đổi mã trên két Austria chúng tôi đặt trong căn hộ của chúng tôi. Thông điệp của cô đã rõ: “Tôi không muốn đưa những thứ đó cho anh.” Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ quay lại với nhau, cho nên tôi không có phản ứng tình cảm mạnh với tuyên bố của cô. Tuy nhiên, tôi tiếc là đã đi đến chuyện này.

Muộn hơn, tôi diễn giải các nước đi của cô như một cách để buộc tôi quay lại theo điều kiện của cô. Trong khi chúng tôi ly thân, Vĩ Hồng đã phái mẹ cô để thúc tôi quay trở lại. Cô đã chiêu mộ mẹ tôi để giúp chúng tôi làm lành. Tôi làm rõ rằng tôi sẽ không quay lại trừ phi cô đưa ra những sự thay đổi thật trong quan hệ của chúng tôi. Tôi muốn sân chơi của chúng tôi bằng phẳng, không nghiêng về phía cô. Cô đã trở nên quen để ra các quyết định trong đời sống nghề nghiệp và cá nhân của chúng tôi. Điều đó phải thay đổi. Đành rằng, Vĩ Hồng đã là một sự hướng dẫn then chốt và giáo viên cho tôi trong một số giờ rất đen tối. Nhưng khi tôi tiến hóa, tôi cần cô trưởng thành với tôi, để tạo không gian cho tôi, và coi tôi như một người ngang hàng.

Cảm giác của tôi rằng cô có ý định buộc tôi quay lại hôn nhân theo điều kiện của cô được củng cố bởi sự giải quyết ly hôn do cô đề xuất. Tất cả cô đề xuất là 30 triệu $ tôi đã cho bạn cũ của tôi Ding Yi vay ở Hồng Kông. Nhưng số tiền đó bị khóa trong một tranh chấp tòa án.

Trong một cuộc gặp đặc biệt chua xót tại Oriental Plaza, cô bảo tôi rằng, nếu chúng tôi ly hôn, cô sẽ không cho tôi xu nào. “Hãy lấy tiền từ bạn anh,” cô bảo tôi. “Anh đã làm thương vụ đó. Anh ta là bạn thân của anh.”

“Nhưng,” tôi đốp lại, “nếu cô không đột ngột rút ra, sẽ không có vấn đề như thế này.”

“Thật xui xẻo,” cô đáp lại.

Về cơ bản, Vĩ Hồng muốn tôi thiếu tiền đến mức tôi buộc phải chống tay quỳ gối bò về với cô. Chúng tôi đã luôn luôn giữ tiền trong các tài khoản của Đại Dương. Tôi có rất ít tiền riêng. Tên tôi không trên bất kể tài liệu nào. Tôi thực sự trong tình thế khó khăn.

Chiến đấu một cuộc chiến hai mặt trận với vợ xưa kia và bạn tốt nhất xưa kia của tôi, tôi đối mặt thời kỳ khó khăn nhất của đời mình. Việc này xấu hơn thất bại của PalmInfo, hay bão lửa bị châm ngòi bởi sự biến mất của sếp sân bay Lí Bồi Anh, hay thậm chí câu chuyện New York Times rất nhiều. Để giúp tôi đối phó, tôi nhớ lại các bài học tôi học được trong những khủng hoảng đó. Tôi lại bắt đầu thiền. Tôi quay lại các văn bản triết học tôi đã nghiên cứu trước kia. Tôi bắt đầu tách mình ra khỏi việc diễn ra hàng ngày, cách ly các cảm xúc của tôi, và, giống cha mẹ tôi đã làm khi họ lần đầu tiên di cư đến Hồng Kông, làm cái cần phải làm để thành công.

Có một đồi ở ngoại ô Bắc Kinh gọi là Núi Xiang, hay núi Hương, mà được điểm xuyết với những quán nghỉ được xây dựng đầu tiên trong thế kỷ thứ mười hai. Hàng ngàn bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh và tôi đưa một bài học từ núi vào đời sống hàng ngày của tôi. Thay cho tập trung vào đỉnh núi, tôi tập trung vào bước trước mặt tôi, biết rằng nếu tôi làm việc đó, tôi sẽ đến nơi tôi cần đến. Bài học này vẫn xác đáng cho tôi ngày nay. Kiểm soát cái bạn có thể kiểm soát. Đừng bận tâm với những gì còn lại. Bạn sẽ luôn luôn, tôi bảo mình, ra khỏi bể bơi. Tuy nhiên, đã là một thời khó khăn. Một người bạn hơn hai thập niên có ý định gạt tôi. Và mẹ của con trai tôi đang thử biến tôi thành một kẻ bần cùng.

Ding Yi, người bạn cũ mà từ anh tôi đang thử lấy lại 30 triệu $, đã không giúp mọi thứ bằng việc nêu bật, trong các tài liệu anh nộp cho tòa án ở Hồng Kông, câu chuyện New York Times về của cải của gia đình Ôn. Anh rõ ràng muốn làm khiếp sợ thẩm phán để bỏ vụ án. May thay, nó đã không có kết quả. Nhưng Ding Yi vẫn có một quân bài để chơi. Với vụ kiện của tôi vẫn chưa được xét xử, anh đã tuyên bố phá sản, và tôi nghi ngờ rằng anh có thể đặt tiền dưới tên vợ thứ hai của anh. Nhiều năm sau, chúng tôi vẫn trong tòa án.

Vĩ Hồng cũng thề chiến đấu với tôi đến cùng. Mặc dù chúng tôi kết hôn ở Hồng Kông, cô đã thành công khiến một tòa án Bắc Kinh thụ lý vụ ly hôn của chúng tôi bởi vì bên trong Trung Quốc sẽ dễ hơn để dựa vào thẩm phán. Ở Trung Quốc, không có thứ như tài sản chung. Cô tính đến chiến thắng hoàn tòan và muốn cắt tôi khỏi bất kể hình thức an toàn tài chính nào.

Lựa chọn duy nhất của tôi là chơi bóng rắn. Tôi đã cân nhắc liệu có làm bước này không. Cuối cùng, tôi đe dọa công bố thông tin gây thiệt hại về cô. Tôi cũng tận dụng đòn bẩy câu chuyện New York Times nữa. Những việc kinh doanh của chúng tôi đã trên radar của các nhà chức trách Trung Quốc và, vì bản chất dễ uốn của luật Cộng sản, luôn luôn có những thứ có thể được diễn giải dưới ánh sáng tiêu cực. Bất chấp sự thực rằng Vĩ Hồng đã phấn đấu để giữ cho mũi cô sạch, các lời đe dọa của tôi đã buộc cô chấp nhận một sự giải quyết mà cung cấp cho tôi đủ để sống thoải mái. Vào ngày 15 tháng Mười Hai 2015, chúng tôi đã làm xong vụ ly dị của chúng tôi.

Hai thử thách đó đã dạy tôi rất nhiều về những tính bất thường của đời, nhất là ở Trung Quốc. Tôi học được rằng tình bạn không đáng tin cậy. Các cuộc hôn nhân cũng chẳng. Còn lại loại mối quan hệ nào?

Hiển nhiên, các vấn đề này cũng nổi lên ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng vài thứ làm cho những câu chuyện này khác biệt. Một là cách tiếp cận nhẫn tâm (give-no-quarter), tổng-zero, kẻ thắng ăn cả được theo đuổi bởi Vĩ Hồng, Ding Yi, và thậm chí vợ thứ hai của Ding Yi, Yvonne, gái bar trước kia người, sau khi chồng cô tuyên bố phá sản, đã kế vị anh để trở thành bà chủ tịch của công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Câu chuyện kỳ quái của Yvonne là một thí dụ nữa về kiểu “đại nhảy vọt” không phải không bình thường ở Trung Quốc ngày nay.

Nét đặc trưng không thương xót đó là một chức năng của hệ thống Cộng sản. Từ tuổi ban đầu, chúng tôi những người Trung Quốc bị thả ra chống lại nhau trong một cuộc đua chuột và được bảo rằng chỉ kẻ mạnh sống sót. Chúng tôi không được dạy để hợp tác, hay để là những người chơi trong đội. Đúng hơn, chúng tôi học làm sao để chia thế giới thành các kẻ thù và các đồng minh – và rằng các liên minh là tạm thời và có thể hy sinh các đồng minh. Chúng tôi sẵn sàng để tố giác cha mẹ, các thầy giáo, và các bạn của chúng tôi nếu Đảng bảo chúng tôi làm thế. Và chúng tôi được dạy rằng thứ duy nhất quan trọng là sự thắng cuộc và rằng chỉ những người dễ bịp chịu đau khổ đạo đức. Đấy là triết lý hướng dẫn mà đã giữ Đảng trong quyền lực kể từ 1949. Machiavelli sẽ cảm thấy được hoan nghênh ở Trung Quốc bởi vì từ khi sinh chúng tôi đã học rằng mục đích biện minh phương tiện. Trung Quốc dưới Đảng là một chỗ nhẫn tâm, vô cảm.

Thứ hai là chính trị đã đóng một vai trò nhiều đến thế nào trong những sự kiện này. Vĩ Hồng đã khiến vụ ly hôn chuyển về Bắc Kinh bởi vì cô nghĩ cô có thể chơi trò chơi guanxi của cô và quyết định sự dàn xếp. Đúng giữa một phiên tòa, thẩm phán đã viện cớ để nghe điện thoại. Sắp đến rồi, tôi nói với chính mình. Cô đang đi một nước đằng sau sân khấu để khiến thẩm phán phán quyết có lợi cho cô. Tôi chẳng bao giờ biết được nội dung của cuộc gọi đó, nhưng nó giúp thuyết phục tôi rằng việc đe dọa cô là lối ra duy nhất. Ding Yi, cũng thế, đã tìm cách lợi dụng tai tiếng của tôi, nhờ New York Times, để có được lợi thế trong vụ tôi đưa ra chống lại anh ta. Một sự đối đầu là thủ tục ly hôn và sự đối đầu khác là một tranh chấp tài chính, nhưng chính trị đã tác động đến cả hai. Và như thế, khi sự ly hôn và vụ kiện diễn ra, tôi bắt đầu tự hỏi liệu đã đến lúc cho tôi để lại rời Trung Quốc.

Sự xa lánh của tôi khỏi hệ thống của Trung Quốc cũng đã tăng cường theo những cách khác nữa. Được Vĩ Hồng cổ vũ, tôi đã biết những thành viên quý tộc đỏ. Khi lần đầu tiên tôi gặp những người có mối quan hệ tốt, như David Li, tôi đã bị mê hoặc. Nhưng với thời gian, tôi ngày càng bị các thành viên của tầng lớp này làm mất hết can đảm.

Các con trai và con gái của các lãnh đạo Trung Quốc là một loài riêng. Họ sống theo các quy tắc khác và cư trú trong cái có vẻ khi đó như một chiều khác, cắt rời khỏi phần còn lại của Trung Quốc. Nhà của họ ở đằng sau những bức tường cao. Họ không mua hàng với quần chúng. Thức ăn của họ đến từ một chuỗi cung ứng khác. Họ đi lại trong các xe limousine có lái xe, học ở các trường bị đóng cho những người Trung Quốc bình thường, được chăm sóc tại các bệnh viện đặc biệt, và kiếm tiền qua sự tiếp cận chính trị, mà họ bán hay cho thuê.

Nhờ Vĩ Hồng, tôi đã gặp những người này hết sức đều đặn và đã quen họ. Đã có Lưu Thi Lai (Liu Shilai). Anh là cháu trai của Cốc Mục (Gu Mu), một người kỳ cựu của cách mạng Trung Quốc và một đồng minh của Đặng Tiểu Bình. Cốc Mục đã là một phó thủ tướng trong những năm 1970 và những năm 1980 và là một nhân vật then chốt trong việc bắt đầu tiến hành những cải cách kinh tế của Trung Quốc. Lưu đã là một hàng xóm của chúng tôi.

Lưu rõ ràng đã kiếm tiền theo một cách điển hình của nhiều quý tộc đỏ Trung Quốc: anh có vẻ đã bán các mối quan hệ chính trị của anh. Anh nhận được các giấy phép của sở cứu hỏa cho các disco và giấy phép y tế cho phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Đổi lại, anh nhận được một phần lợi nhuận.

Lưu muốn các quý tộc đỏ như bản thân anh được xem như quý phái thật. Anh chơi polo (cưỡi ngựa đánh bóng) khắp thế giới, thắng các cup ở Thái Lan và tổ chức các cuộc đấu ở Bắc Kinh. Ở đó những tinh hoa nhất (crème de la crème) của hoàng gia Cộng sản Trung Quốc tiếp xúc với nhau và các quý bà Trung Quốc – bắt chước những tấm gương thượng lưu của họ ở nước Anh – đội những chiếc mũ khổng lồ.

Tôi nhớ một cuộc trò chuyện Lưu và tôi nói về cuộc đàn áp thẳng tay 4 tháng Sáu chống lại những người biểu tình vì-dân chủ trong năm 1989. Lưu chỉ là một cậu tuổi teen lúc đó, nhưng anh nhớ lại các họ hàng của anh đã kinh sợ rằng những người biểu tình sẽ thực sự thành công lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lưu lúc đó sống trong một nhà có sân trong ở trung tâm Bắc Kinh với ông anh, Cốc Mục. Tối 3 tháng Sáu đó anh đã cảnh giác đề phòng ở nhà với một khẩu AK-47 trong lòng. Bên ngoài, Quân đội Giải phóng Nhân dân tấn công những người biểu tình và dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn.

Một quý tộc đó khác là một người bạn tôi sẽ gọi là Wolfgang. Ông anh đã là một trong những lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940. Sau cách mạng, người ông đã ở những vị trí then chốt nhưng đã gặp rắc rối vì không tuân lệnh Mao trong cuối những năm 1950 khi ông chỉ trích Đại Nhảy Vọt gây tai họa mà đã tốn hàng triệu sinh mạng do chết đói. Người ông đã ở hàng thập niên trong chuồng chó chính trị cho đến khi ông được Đặng Tiểu Bình phục hồi trong những năm 1980.

Vì kinh nghiệm của mình, người ông đã khăng khăng rằng con trai ông – cha của Wolfgang – tránh xa chính trị, cho nên ông đã học khoa học và có một việc làm tại một viện nghiên cứu. Khi Đặng khởi động những cải cách kinh tế định hướng thị trường, cha của Wolfgang bắt đầu một công ty chế tác nhỏ sản xuất một sản phẩm được sử dụng rộng rãi và hết sức bị điều tiết ở Trung Quốc. Vì dòng dõi của ông, bố của Wolfgang giành được các hợp đồng chính phủ.

Wolfgang lớn lên ở Bắc Kinh như một thành viên quý tộc đỏ. Anh học ở Trường tiểu học Cảnh Sơn (Jinshan) elite với con cái của các Đảng viên cấp cao. Khi anh là một thiếu niên, gia đình anh rời Trung Quốc. Wolfgang được giáo dục ở Hoa Kỳ. Khi anh tốt nghiệp, bố anh đưa Wolfgang, con trai duy nhất của ông, quay lại Trung Quốc và vào hãng của ông.

Hãng tiếp tục kiếm được lợi nhuận vững chắc. Thực ra, doanh nghiệp của Wolfgang được lợi từ hầu như mọi giao dịch đơn lẻ được tiến hành ở Trung Quốc, từ việc mua một ly cà phê ở Starbucks đến mua một dinh thự nhiều triệu-dollar ở Thượng Hải. Vào thời gian này, một công ty khác do Quân đội Giải phóng Nhân dân vận hành, đã chuyển vào cùng lĩnh vực, nhưng có đủ chỗ cho hai hãng để thịnh vượng. Kiểu độc quyền đôi (duopoly) này là phổ biến ở Trung Quốc, với một công ty nhà nước chia sẻ thị trường với một công ty được kiểm soát bởi một hậu duệ của elite đỏ.

Wolfgang đã mở rộng dây chuyền sản xuất của công ty anh và dính vào các dịch vụ cho sự tiếp cận đến lượng lớn dữ liệu. Dữ liệu là đặc biệt đáng quan tâm cho cảnh sát của Trung Quốc. Wolfgang chia sẻ dữ liệu với cảnh sát, mà tin anh một cách ngầm định bởi vì dòng dõi của anh. Đổi lại, các lực lượng an ninh mang lại cho công ty của Wolfgang nhiều việc kinh doanh hơn.

Wolfgang và tôi thường nói chuyện về hệ thống Trung Quốc và anh thết đãi tôi bằng những câu chuyện về việc liên tục tiếp tế các gái điếm cho các quan to của Đảng. Anh lưu ý rằng một cách đặc biệt hữu hiệu để liên kết với một quan chức Đảng là chia sẻ một phòng với ông ta và vài con gái cùng một lúc. Anh thấy những nhược điểm của hệ thống, sự tham nhũng của nó, và nó làm méo mó tâm hồn của mọi người như thế nào. Anh sẽ không bảo vệ Trung Quốc về mặt ý thức hệ hay các giá trị, nhưng anh vui vẻ khai thác dòng dõi huyết thống của anh để kiếm rất nhiều tiền. Tôi hình dung anh như hơi giống nhân vật Michael Corleone trong The Godfather (Bố Già). Theo quan điểm của tôi, Wolfgang là một kẻ cướp bất đắc dĩ.

Trên bề mặt, anh hoàn toàn Tây phương hóa. Anh nói tiếng Anh hoàn hảo và vợ anh từ Đài Loan, nhưng anh không chất vấn hệ thống. Thực ra, anh giúp để duy trì nó, chia sẻ dữ liệu của anh với cảnh sát và săn các hợp đồng với an ninh nhà nước.

Tuy vậy, đồng thời Wolfgang có một hộ chiếu nước ngoài và đã đầu tư một phần lớn tài sản của anh ở nước ngoài. Tôi đã tranh luận chính trị với anh. “Vốn của anh nằm ở đâu?” Tôi hỏi anh một lần, biết rằng phần lớn của nó ở ngoài Trung Quốc. “Anh có loại hộ chiếu nào?” Tôi hỏi, biết rằng nó không phải là hộ chiếu Trung Quốc.

Trong nhiều năm, các nhà bình luận Tây phương khăng khăng rằng những người như Wolfgang được giáo dục ở nước ngoài là các tác nhân thay đổi ở Trung Quốc – rằng họ nhập khẩu các giá trị phổ quát từ phương Tây và đẩy Trung Quốc theo một hướng tốt hơn. Nhưng những người như Wolfgang đã chẳng bao giờ thấy bản thân mình trong vai trò đó. Lợi ích của anh là ở việc duy trì Trung Quốc theo cách nó đã là. Đó là cái làm cho anh ta rất giàu và cho phép anh ta gặt hái các lợi ích của hai hệ thống cùng một lúc, các quyền tự do của Phương Tây và các độc quyền đôi được quản lý của Trung Quốc độc đoán.

Tôi càng thấy Wolfgang và những người khác như anh, tôi càng coi họ như các đồng phạm hết sức thành thạo của một tai họa ngày càng độc hại, chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc. Đổi lấy một hũ vàng, họ bán linh hồn của họ. Vĩ Hồng và tôi đã chơi theo các quy tắc họ và cha mẹ họ đề ra, và chúng tôi đã phát đạt. Nhưng chúng tôi biết các quy tắc bị bóp méo. Vĩ Hồng đã thoải mái ở bên trong hệ thống bị bóp méo này; tôi muốn ra khỏi.

Bất chấp sự chiến đấu của tôi với Vĩ Hồng ở tòa án, cô và tôi duy trì một sự làm ra vẻ thống nhất về việc nuôi dạy Ariston. Không lâu sau khi nó sinh ra, Vĩ Hồng đã vạch ra sự giáo dục của nó. Cô đã bắt đầu nó trong nhà trẻ tại một trường quốc tế nhỏ ở Bắc Kinh gọi là 3e. Cô đăng ký cho nó học các lớp cưỡi ngựa tại câu lạc bộ cưỡi ngựa của Lưu Thi Lai, một chí hướng hợp với địa vị của anh như một thành viên của giới tinh hoa Trung Quốc. Sau vườn trẻ, cô lên kế hoạch để gửi nó đến một trường đỉnh gắn với Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. Cho đại học, nó sẽ hướng đến nước ngoài hoặc Hoa Kỳ hay Anh.

Nhưng sự ô nhiễm không khí độc hại của Bắc Kinh – gắn với mong muốn của tôi để rời Trung Quốc – đã thúc giục Vĩ Hồng thay đổi ý kiến của cô. Trong năm 2015, Ariston và tôi chuyển sang nước Anh. Vĩ Hồng và tôi tìm thấy một trường cho nó và vào tháng Tư nó đã ổn định.

Muộn hơn trong năm đó, Vĩ Hồng sang nước Anh vài tháng và thuê một nhà gần chúng tôi để cho Ariston quen thêm với một sự thay đổi đột ngột như vậy. Tôi đã bắt đầu rồi để toàn tâm trở thành người chăm sóc chính của Ariston. Nếu tôi học được một thứ từ nghiên cứu của tôi vào các di sản gia đình, thì nó là điều này: không cha mẹ nào có bao giờ tiếc rằng họ đã dùng quá nhiều thời gian với các con của họ.

Tôi cũng làm việc để cải thiện các mối quan hệ của tôi với cha mẹ tôi. Tôi đưa họ đi nghỉ quanh thế giới. Tôi đã lên kế hoạch mọi bước hành trình và đảm bảo chắc chắn họ được thoải mái, ăn uống tử tế, và được chăm sóc. Trong bữa trưa ở Florence trong một kỳ nghỉ ở Italy, mẹ tôi, nhìn chằm chằm vào phía xa cứ như bà nói chẳng với ai cá biệt cả, “Con biết, mẹ ngạc nhiên. Con hóa ra là một đứa con trai tốt.”

Vĩ Hồng vẫn nói bóng gió với mẹ tôi rằng cô quan tâm đến vá víu mọi thứ lại. Sau một sự ly hôn chua chát như vậy, thật mỉa mai rằng cô vẫn muốn tôi quay lại. Nó cho thấy rằng ở mức nào đó, cô thực sự quý giá cái chúng tôi đã cùng nhau xây dựng và những gì tôi đã mang lại cho cô. Bên dưới tất cả, tôi nghi, là một sự cô đơn và một nỗi sợ phải tự mình chiến đấu các cuộc chiến kinh doanh và hệ thống Trung Quốc. Vĩ Hồng rõ ràng là rất phức tạp. Khi cô tìm mua một xe hơi trong chuyến đi của cô đến nước Anh, cô yêu cầu tôi đến showroom và giúp chọn một chiếc.

“Đấy là xe của cô,” tôi nói.

“Nhưng anh chọn đi,” cô nói lại. “Anh biết chiếc nào là tốt nhất.”

Tại một điểm khác cô quay lại tôi và nói, “Em không khéo với các mối quan hệ, em rất bất an.” Tôi đã không mủi lòng. Cái tôi muốn là một lời xin lỗi chân thành, nhưng cô quá kiêu hãnh.

Bất chấp mọi thứ, cô vẫn tin cô ưu việt hơn tôi trong đánh giá Trung Quốc và rằng tôi vẫn cần phải học về tình thế của Trung Quốc. Một hôm trong năm 2016, chúng tôi gặp nhau uống cà phê. Cả hai chúng tôi ở Hồng Kông. Tôi lại gợi ý rằng cô phải đa dạng hóa rủi ro của cô và chuyển một số tài sản của Đại Dương ra khỏi Trung Quốc. Tôi đã chỉ thử cho cô lời khuyên thân thiện nào đó. Tôi lưu ý rằng tất cả mọi người đều làm việc đó. Thực ra, nhiều người đã muốn đưa tiền ra khỏi Trung Quốc đến mức chính phủ đã phải siết sự kiểm soát sự di chuyển vốn. Vĩ Hồng nhếc mép cười. Trung Quốc, cô nói, “sẽ tiếp tục thành công.” Rồi sau một khoảng lặng hơi nhiều ý nghĩa, cô nói thêm, “Mọi người cần phải có sự thấy trước” – cứ như cô có sự lo xa còn tôi thì không. Trong năm 2017, trong một chuyến đi của tôi đến Bắc Kinh, cô vô tình nói rằng các nhà chức trách Đảng đã cấm cô rời Trung Quốc. Cô đã có vẻ không lo và lần nữa gạt bỏ những lời cầu khẩn của tôi để cô thoát khỏi Trung Quốc. “Việc này,” cô nói, “sẽ mau qua đi thôi.”

Comments are closed.