Dạ Ngân
Khi người Mỹ chính thức đưa quân trực tiếp can dự vào Việt Nam, chúng tôi cũng lần đầu nhìn thấy quân chủ lực của phía kháng chiến ở miền Tây Nam bộ. Chừng như chóp bu cả hai bên đã “đi guốc trong bụng nhau” và võ đài sẽ nhiều phen thư hùng, thế giới gọi nôm là sự leo thang.
Từ Rạch Giá – Cà Mau thuộc quyền kiểm soát của phe Kháng chiến, những chàng trai con em nông dân cao to khỏe mạnh xuất hiện ở Long Mỹ quê tôi – đường hành lang nối đầu não U Minh Khu 9 với lực lượng của các tỉnh sông Hậu sông Tiền. Quân chủ lực không đóng trong nhà dân như tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ. Họ chia nhỏ, ba người một chiếc xuồng, một tiểu đội đủ 4 xuồng ghé vào từng xẻo bến của dân Vịnh nhà tôi vào đêm hôm, kín đáo. Họ đi thẳng ra hậu vườn, đào công sự (nếu vườn nhà ấy có tuyến công sự sẵn từ trước thì họ sẽ củng cố, ngụy trang thêm). Tự nấu ăn bằng gạo được phân phát mang theo, nồi niêu mắm muối riêng hết cả. Xong công sự sẽ ngụy trang mấy chiếc xuồng thì trời cũng hừng đông.
Ký ức tôi lưu giữ một kiểu quân đội xuồng kỳ lạ, nếu tôi không ghi lại đây thì bạn đọc trẻ không biết cuộc chiến 20 năm ấy ở miền Tây Nam bộ ra sao. Ban đầu, sau thời ông Diệm – Nhu bị đảo chính, phe kháng chiến các tỉnh mới có bộ đội cấp tỉnh và có địa phương quân (huyện) ít và yếu, di chuyển bằng đường bộ, chân trần. Hai bên tránh chạm súng, chủ yếu giữ được ”lãnh thổ” ở nơi hai bên có mặt, dĩ nhiên phía VNCH là đô thị, thi trấn, thị tứ và vùng ven. Phe Kháng chiến đã âm thầm làm nên một đội quân xuồng vào năm 1964 nếu tôi nhớ không lầm (khi ấy tôi 12 tuổi). Và đến 1965 thì họ, trung đoàn U Minh ấy xuất hiện thường xuyên ở Long Mỹ của tôi.
Xuồng đi hai chèo ở sạp lái, có dầm ở mũi dành khi cần, ba người thay nhau chèo và khi cập bến nhà tôi, quân phục xanh sẫm, xanh tuya nâu, súng ống, tôi lại thấy họ đẹp như cánh văn công sắp ra sân khấu. Cứ thế đến trong đêm, đóng quân trong vườn, nếu ngày hôm ấy không có chạm súng với đối phương đi càn, họ sẽ giúp dân việc nhà cửa vườn tược ruộng đồng, một số đêm sẽ liên hoan ca hát. Đến năm 1966 thì đã khác, hành quân xuồng lặng lẽ rất dài qua Vịnh nhà tôi, khuya ấy nghe có tiếng súng gọi là công đồn và tinh mơ hôm sau, xẻo nhà tôi chứng kiến những chiếc xuồng có khi chỉ còn một người, hai người kia đã nằm xuống, dưới tàu lá dừa nước đậy kín. Họ ém trong vườn, không khí đau thương, khuya đó đó sẽ đưa những cái xác vào nghĩa trang âm u ở cuối xã. Bẵng đi thời gian, không thấy họ đáo qua nhưng không lâu sau thì lại như cũ, những gương mặt tân binh Rạch Giá – Cà Mau, có cả người Cần Thơ Long Mỹ của tôi, vẫn ba người một xuồng, tiểu đội bấy giờ đã thiếu, chỉ ba xuồng. Khi thấy họ lặng lẽ đi lướt qua Vịnh nhà vào hoàng hôn thì cầm chắc đêm ấy sẽ có công đồn và, tinh mơ là những chiếc xuồng về với lá dừa nước đậy kín sạp giữa.
Chiến dịch 1975, trung đoàn U Minh đã lên tận trên sông Hậu, Vĩnh Long, Trà Vinh. Lính vẫn xuồng, sĩ quan cấp cao có vỏ lãi máy lớn đi thị sát toàn quân. Và cuối cùng, họ đã đi bằng đường bộ cho đến ngày kết thúc. Từ những người vợ quân nhân trung đoàn U Minh, tôi biết, quan và lính không có ngày nghỉ, họ bận tiếp quản đâu đâu. Sau này mới biết biên giới Tây Nam đã khiến họ không có ngày yên đúng nghĩa. Di chuyển bây giờ bằng cơ giới nhưng đã lại đào hào, một cuộc chuẩn bị dài lâu nữa.
Tôi đã đi CPC 4 lần trong 10 năm ấy (1979 – 1989), ở những nơi tương đối có yên tĩnh sau khi máu và xương của quân đội chúng ta rải dài trên đường giải phóng Phnom Penh và sau đó giằng co cuộc chiến du kích của bọn diệt chủng. Một đội quân chính quy rất thuần thục và bây giờ không là “văn hóa xuồng” mà là “văn hóa hạt giống”. Người Việt không thể thiếu rau xanh, thiếu thì quan và lính đều đổ bệnh, quân đội VN khiến trong mỗi ba lô người lính đều phải có hạt giống. Ấy là sự tổ chức mà thế giới không phải ai cũng biết để tò mò.
Cứ điểm lộ, quân can thiệp (như người Mỹ ở miền Nam VN), căn cứ phải lộ. Ai dựng nhà, ai xây boong-ke, ai đánh liếp và ai tìm chỗ để tạo nguồn phân ure. Là sao? Là quây ở xa nhà một chỗ để thải (đi nặng ở chỗ khác), một mảnh sành lớn hoặc một cái gì đó để chứa. Mấy ngày, thứ nước tiểu ấy sẽ đưa đi chứa chỗ khác chờ thêm. Khi đã hoai thì pha nước vào, thành ure, cứ thế. Chỉ một tuần trên các liếp đã thấy rau cải rau muống le the xanh, chỉ hai tuần là anh nuôi đã có thể thu hoạch rau “vườn nhà”. Một đội quân kỳ lạ, mạnh khỏe, hùng mạnh, đến chí những năm khi họ nán lại giúp dân sở tại từng lán chợ, từng mái trường, từng điểm y tế.
Vậy đó.