Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 290): Bờ dâu – Nam Dao (9)

22

HỖN MANG

ợi cho Dao Ánh khuất sau đám người đứng ngổn ngang trên sân ga, Huyền mới ngồi xuống. Trời vừa sáng, xe chuyển bánh, lừ lừ lăn khỏi thành phố. Trong toa, có thêm ba người khách. Một cụ già, một sĩ quan đứng tuổi và một thiếu phụ trên dưới ba mươi. Ban ngày, hai chiếc giường treo gấp vào rồi móc lên để cho bốn người ngồi khá thoải mái. Ðêm, hạ giường xuống. Ra đến Hà Nội, đi tất cả mất bốn ngày ba đêm. Vé chợ đen đắt gấp sáu lần giá chính thức, không kể thù lao bồi dưỡng, một thủ tục đã thành lệ.

Xe rời đô thị, hú còi, lăn bon bon về hướng Trảng Bàng. Gió thốc vào những toa tầu trống trải. Ngoài lớp cửa làm bằng gỗ có thể kéo lên là giây thép đan chéo thay cho kính. Huyền ngạc nhiên. Thiếu phụ, người có vẻ rành rọt chuyến xe lửa có tên là Thống Nhất này, giải thích rằng cứ từ địa hạt Phan Thiết trở ra là xe bị ném đá, cửa kính vỡ và đã từng gây thương tích cho hành khách. Bà cụ nghe, không nói gì. Vị sĩ quan im lặng. Huyền hỏi, tại sao. Thiếu phụ, giọng Nam Ðịnh, cộc lốc ‘‘Trẻ con ấy mà. Chúng nó chẳng được dạy dỗ gì nên phá phách như thời ‘‘ngụy’’, không biết thế nào là nề nếp cả’’. Bà cụ, bề ngoài tưởng đã ngễnh ngãng, chen vào hỏi ‘‘Thế sao ngày xưa thì cửa là cửa kính, hả cô?’’. Thiếu phụ lờ như không nghe thấy, chỉ nguýt một cái, rồi đứng dậy bước khỏi toa ra đứng trên lối đi lại.

Dựa vào lưng ghế, Huyền nhìn ra bên ngoài. Cảnh vật chạy lui về phía sau. Tiếng máy xình xịch đều đặn như ru ngủ. Ven đường rầy, thỉnh thoảng những mái tranh ẩn hiện. Chút khói bếp xanh biếc từ những căn nhà rải rác ở hai bên đường xe lửa bay lên cao, loãng ra thành những vệt mỏng mảnh vắt ngang tầm mắt. Giấy phép đi lại của Huyền ghi rõ Hà Nội và Kiến Thụy. Ở Hà Nội, Huyền để địa chỉ của Khiêm. Cho đến nay, Khiêm vẫn chưa gặp được Dân. Còn chuyện tìm hiểu việc Nhân bị đưa ra Bắc mặc dù chỉ là một sĩ quan quân y, Khiêm báo chưa đi đến đâu, và nói khéo là không có gì ‘‘lót’’ tay chắc cũng khó có được thông tin. Nhưng điều làm Huyền khổ tâm hơn cả là Chính. Nàng dằn vặt, tự hỏi đi hỏi lại có nên đi tìm Chính hay không. Nếu Chính sống, và như thế ắt đã có gia đình nên mới tránh gặp nàng, có gặp cũng chỉ thêm nát lòng. Nhưng dù có đi thêm bước nữa hay không, nếu Chính đã chết, thì nghĩa tử cứ là nghĩa tận. Không thắp một nén hương tưởng đến nhau để tha cho nhau mọi ràng buộc thì lương tâm làm sao yên ổn được. Muốn tìm tin Chính, tìm thế nào? Huyền biết Chính có người em tên Tín ở Hưng Nguyên, và một người bạn tên Loan ở Thanh Hóa. Ngoài ra, có bà đồ ở Giáp Ðoài. Hơn hai mươi năm rồi, bà đồ hẳn không còn. Ðồng chí cũ hoạt động với Chính, xưa có Vũ Ðình Huỳnh, Nguyễn Hữu Ðang… Nay, họ còn hay mất? Và ở đâu? Suy đi tính lại, Huyền tự nhủ, cái đầu mối gỡ được hết là Dân. Huyền tưởng tượng, sinh đôi chắc Dân chẳng khác gì Nhân. Nàng mỉm cười, nhớ lại khi xưa chính nàng cũng phải vạch tóc xem khoáy để phân biệt hai anh em.

Chợp mắt, Huyền bật dậy khi bà cụ ngồi cạnh nắm tay lay nàng. Hai người áo trắng quần xanh đeo băng đỏ quanh tay áo xộc vào. Họ khinh khỉnh, nói trống không ‘‘Vé, giấy đi đường, chứng minh nhân dân… Đưa ra đây’’. Bây giờ, nhân viên không phải là những người phục vụ khách hàng. Và khách hàng, là kẻ thụ ơn, phải biết khúm núm, ne nét. Yên, thì cho yên. Nếu không, hạch sách. Không phạm tội, cũng cắn răng cúi đầu. Vì bắt tội, rất dễ. Chỉ cần giữ chứng minh nhân dân, nói gọn một câu, để kiểm tra là hết đi đứng. Một anh, tuổi còn trẻ, chỉ vào chiếc vali của Huyền, hỏi ‘‘Của ai đây?’’. Huyền đáp. ‘’Mở ra!’’. Huyền mở. Vài trăm gam đường, hai gói bột ngọt, một ít thuốc trụ sinh. Hai sấp vải trắng và một sấp vải đen. Ít bút bi. Hai tút thuốc lá. Dăm cái bật lửa ga. ‘‘Thế này quá chỉ tiêu! Phải làm biên bản’’, anh nhân viên kiểm soát sẵng giọng, tay rút ra một tờ giấy trắng đưa cho Huyền rồi sang toa bên cạnh. Huyền ngạc nhiên, chưa biết phải làm gì. Thiếu phụ ngồi cùng toa ghé vào tai Huyền, nói nhỏ ‘‘Chuyện ‘‘đầu tiên’’ mà quên thì thế đấy. Giúi cho chục bạc là xong, khỏi ghi chép!’’. Huyền thấy xấu hổ. Ðưa tiền cho thiếu phụ, Huyền bảo ‘‘Em giúp chị’’. Khi anh nhân viên kiểm soát quay lại, thiếu phụ đứng lên làm một động tác rất nhanh, và dặn ‘‘Dán cho cái giấy ‘đã kiểm’ trên vali nhé’’. Viên sĩ quan ngồi cùng toa quay mặt không nhìn nhưng buột miệng thở dài.

Ði một ngày một đêm, xe lửa vào đến Qui Nhơn. Xe ngừng ở ga những tỉnh lỵ lớn, hành khách có dịp mua đồ ăn thức uống. Càng đi ra, dân càng có vẻ nghèo. Kẻ tật nguyền sắp hàng mếu máo chìa tay xin ăn, mắt trắng dã, miệng rãi rớt, công an đến đuổi cũng không đi. Xe lửa Thống Nhất tiếp tục chạy. Hai bên đường rày, đầy rẫy những hố bom cầy xuống đất, nước ứa lên thành những cái ao nhỏ chưa có người lấp. Thêm một quãng, thình lình có tiếng râm rầm đập vào thành xe. Thiếu phụ cất tiếng ‘‘Chúng nó quăng ‘‘củ đậu ’. Phải coi chừng!’’. Ðá lớn bị chặn lại nhưng những cục nhỏ bằng ba đầu ngón tay vẫn lọt qua lưới giây thép. Thình lình, một tràng AK cất lên chát chúa. Bà cụ ngồi cùng toa thét lên ‘‘Mô Phật, bắn thật à?‘’. Không ai đáp. Tiếng đá vẫn tiếp tục đập vào thành xe. Lại tiếng súng. Viên sĩ quan đứng tuổi chép miệng, ‘‘Bọn trẻ con nghịch ngợm quăng đá nên chắc chỉ bắn chỉ thiên cho sợ thôi. Hết chiến tranh rồi, mạng người ta đâu có rẻ đến vậy’’.

Trưa ngày thứ tư từ khi rời Sài Gòn, xe lửa vào ga Hàng Cỏ. Miền Bắc lừ đừ trôi ngược như một cuộn phim quay chậm. Quảng Bình, rồi Vinh. Sau đến Thanh Hóa, Ninh Bình. Dấu vết chiến tranh vẫn đó. Và những con người. Chẳng khác mấy kể từ ngày Huyền rời đất Bắc đã gần một phần tư thế kỷ. Vẫn chân lấm tay bùn trên những cánh đồng. Con trâu vẫn đi trước, người cày vẫn đi sau, như không thể khác đi được. Khi Huyền xuống xe, vợ chồng Khiêm đợi trên sân ga. Chị em mừng mừng tủi tủi nắm lấy tay nhau. Thiếu phụ cùng toa xe đã xuống trước. Dăm người đứng chờ bà ta, xúm lại khênh ra hàng chục thồ hàng để lên một chiếc cam-nhông. Thiếu phụ buôn hàng chuyến giơ tay vẫy chào Huyền.

Khiêm đã thuê sẵn một chiếc xích lô. Ở Hà Nội, xích lô thấp tè tè chứ không thon gọn cao nhổng lên như xích lô Sài Gòn. Huyền lên xe. Hai vợ chồng Khiêm cắm cúi đạp xe phía trước. Họ đi ngược để trở về quá khứ, nhưng vẫn cứ ngoái đầu lại nhìn như sợ lạc.

*

Gò người đạp lên dốc, ông phu xích lô ngoảnh đầu về phía trái, giọng đứt quãng ‘‘Khâm Thiên đấy. Bà ở Sài Gòn ra không biết, chứ chỗ này bị bom gần như tan nát hết’’. Nhìn những túp lều dựng tạm, Huyền ngạc nhiên hỏi ‘‘Sao mình không xây dựng lại, hả bác?’’. Ông phu xích lô đưa tay lên gãi tai ‘‘Tiền bà ạ! Có tiền thì mới xây dựng được chứ! Ông hắng giọng, tay chỉ – chỗ ngày xưa bom nó khoét to bằng hai cái ao ở làng. Dân xung quanh đây lấy chỗ đổ rác, bà bịt mũi lại, mùi thối ghê lắm…’’. Huyền giơ tay lên che mặt như một phản xạ, nhưng bụng đã hóp lại, ngực tức, cố kìm cơn nôn mửa.

Xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến. Xe đèo hai, có cái đèo ba người. Thường là chồng đạp, vợ ngồi sau ôm con. Qua góc Khâm Thiên, ông phu xe rẽ trái, đạp một lát là đến Lò Ðúc. Đến đầu phố Kim Ngưu, phía sau Khiêm đạp dấn lên, cười bảo ông xích lô ‘‘Theo tôi nhé. Sắp tới rồi!’’. Huyền cũng nhận ra lối về nhà chú thím xưa Huyền đã tá túc mấy năm liền. Xe rẽ trái, vào ngõ Lạc Trung. Nhà cửa, nếu thay đổi thì chỉ xơ xác đi. Cây cỏ y hệt những năm xưa. Người nay đông hơn chứ không thưa thớt như những năm giành chính quyền thời Nhật. Họ xộc xệch, nhếch nhác và nhìn người qua lại với ánh mắt lạnh lùng. Lòng quặn đau, Huyền thầm nhủ, biết làm sao khi hiện tại còn hằn vết trói buộc của một quá khứ cực kỳ gian khổ. Phải xây dựng, tất cả, như bắt đầu từ đầu. Khẩu hiệu ‘‘vừa làm vừa học, sai thì sửa’’ ở đâu hiện ra trong tâm trí khiến Huyền tự nhủ, nghèo không sợ, chỉ sợ không có ý chí vượt qua mà thôi. Hình ảnh chị Sáu và hai đứa con nằm chết trong đống nôn mửa bất chợt quay lại như nhắc nhở. Sai thì rõ, nhưng sửa thế nào trong trường hợp này? Huyền nhớ lần trao đổi với Bí Thư Phường. Ông ta lạnh lùng cho rằng Phường không có trách nhiệm vì Cải tạo Tư sản là chính sách từ Trung Ương, và cấp giấy tờ để mẹ con chị Sáu về quê làm ruộng là do cấp Quận. Người chết oan vì chính sách, không ai trách nhiệm gì, thế là thế nào? Huyền gặng. Ông Bí Thư gằn giọng, chính quyền Cách Mạng làm theo nguyên tắc phân công trách nhiệm, rồi quay ngoắt người thản nhiên bỏ đi. Cán bộ Cách Mạng nay đâu còn phải dựa vào dân, thành những viên chức quản lý, nên thoắt một cái họ biến tướng như cắc kè đổi sắc, chuyển hết qua mầu quyền lực cai trị. Huyền thót dạ, xây dựng cần những con người. Trồng cây mười năm nhưng trồng người phải trăm năm, cụ Hồ ơi, chẳng lẽ phải đợi thêm một thế kỷ nữa mới có thể bắt đầu?

Khiêm vừa gọi con vừa cuốn sợi xích sắt khóa cửa. Một thằng bé chạc bảy, tám tuổi chạy ra. Nó khoanh tay, cúi đầu, nói như máy:

– Cháu chào bác ạ!

Huyền mỉm cười:

– A, Phương phải không?

Nó gật:

– Dạ đúng. Tên cháu là Phương ạ. Dương Thanh Phương, lớp ba cấp một ạ!

Quay nhìn Khiêm, Huyền ngạc nhiên:

– Ngoài này bây giờ kỷ cương thật. Cháu nói với bác mà cứ như khai báo. Huyền hỏi – xưa, chị em mình thì chỉ ‘‘chào bác ạ!’’ chứ nay trẻ chúng nó lại thêm ‘’cháu’’ vào, thế là sao?

– Ở trường các cô giáo dạy câu thì phải có chủ từ, rồi động từ… Thế mới là chuẩn. Cho nên chúng nó cứ thế cả! Còn kỷ cương thì thoắt ra đường là chửi tục ngay. Dạy con bây giờ gay lắm, chị ạ!

Thuận, vợ Khiêm, xách vali cho Huyền vào nhà, nói:

– Em ‘‘lấu lước’’ uống miếng trà. Chị rửa mặt rồi ngồi nghỉ một tí. Ðường xa, chắc chị mệt lắm…

Ðợi Thuận đi khuất, Khiêm nói nhỏ:

– Nhà em quê lắm. Bệnh ‘‘ngọng’’ chữa mãi mà không sửa được. Khiêm cười, vẻ ngượng ngập.

Huyền vỗ vai em:

– ‘‘Ngọng’’ chẳng sao, miễn biết yêu chồng, thương con là đủ!

Khi vào Sài Gòn, Khiêm đã kể, Thuận là người vợ thứ nhì. Học Y khoa năm cuối trước khi ra trường, xưa Khiêm yêu Thúy lúc đó đang theo học âm nhạc. Chính Thúy là người đã thuyết phục Khiêm ở lại không di cư vào Nam. Cũng vì thế chú thím Huyền đành thôi, không xuống Hải Phòng đi tầu há mồm, mặc dầu hành trang đã sẵn sàng cho một chuyến bỏ làng bỏ nước. Khiêm và Thúy lấy nhau, bạn bè ai cũng khen là đẹp đôi. Chú thím Huyền chỉ mong có người nối dõi. Ðầu năm 57, Thúy chửa, đẻ một đứa con trai. Chú Huyền cười ha hả, sướng đến nỗi đứng tim mà chết. Hai năm sau, thím theo chú. Vừa hết tang mẹ thì đến lượt Thúy. Ðó là thời kỳ xã hội miền Bắc đã hoàn thành cải tạo công-thương nghiệp, đưa nền sản xuất nông nghiệp vào hợp tác xã trên toàn cõi. Hà Nội bắt đầu thiếu thốn. Với chủ trương tiêu diệt văn hóa tư sản đồi trụy, Thúy không còn có thể dạy dương cầm kiếm ăn như xưa, xung vào lao động trong một tổ xay bột. Ít lâu sau, Thúy lâm bệnh rồi mất. Gà trống nuôi con được đâu một năm, Khiêm phải gửi thằng bé về nhà bà ngoại. Cho đến khi vào chiến trường Tây Nguyên, Khiêm đi lại với Thuận, cùng phục vụ ở nhà thương nơi Khiêm công tác. Ít lâu sau, Thuận đòi Khiêm ‘‘chính thức’’, nếu không thì làm ầm lên với tổ chức. Khiêm bảo ‘‘Ði thế này, sống chết ai biết được mà vợ với con làm gì!’’. Thuận khai với Bí Thư chi bộ là Thuận chửa. Rồi Thuận nắm áo Khiêm, khóc ‘‘Sống chết có số. Ðàn ông con trai cứ chiến tranh thế này rồi thì em cũng góa. Có góa, em góa với anh, hiểu chưa?’’. Mấy tháng sau, Khiêm nhận được thư Thuận, báo nàng có chửa thật. Và thế là thằng bé Phương ra đời.

Huyền đưa mắt nhìn quanh. Căn hộ trở thành xa lạ, không còn một chút dấu vết thân quen ngày xưa. Nơi Huyền ngồi, trước kia là phòng khách. Nay, phòng ngăn đôi bằng hai tấm cạc-tông ghép lại với nhau. Bên trái, trước là buồng xép, nay có kê một cái giường, ở trong ngổn ngang đủ thứ, từ sách vở đến xoong nồi. Khiêm không đợi Huyền hỏi, nói như than:

– Nhà mình bây giờ chia cho ba hộ chứ chẳng như ngày trước. Chúng em ở trên này. Cái phòng ngủ của thày me và cái bếp là một hộ. Vườn sau, xây thêm một phòng cho một hộ khác. Còn bếp, ở ngoài hè, là bếp tập thể. Hà Nội nay chật chội, dân ở nông thôn người ta chạy bom chạy đạn về nên cứ phải chia nhau mà ở!

Từ ngoài bước vào, Thuận xách phích nước, mở ấm tráng qua, châm trà. Miệng tươi cười, Thuận xởi lởi:

– Chè Thái Nguyên đây chị ạ! Phải khách quí mới lấy ra đấy.

– Cô coi chị là khách chứ không phải là người nhà à, Huyền đùa.

Cả ba người cười xòa. Huyền đỡ chén trà, uống từng ngụm nhỏ, lưỡi ban đầu hơi đắng nhưng lát sau ngọt dần. Huyền hỏi, Khiêm kể qua loa sinh hoạt. Hai vợ chồng cùng làm việc ở nhà thương, ngày tám tiếng, sáu ngày một tuần. Ngoài lương cán bộ, tem phiếu thì loại C cho Khiêm, E cho Thuận và TR cho thằng bé Phương. Từ hơn năm nay, gạo tiêu chuẩn không đủ, phải ăn độn lắm đợt đến sáu mươi phần trăm với khoai, sắn, bo bo hoặc mì. Thuận đằng hắng:

– ‘‘Lói’’ chung, từ khi ký Hiệp Ðịnh Paris thì có cơ cực hơn, nhưng cứ phải phấn đấu, chị ạ! Nhà em trí thức thì khó, chứ em là thành phần cơ bản, cái gì em cũng quen tất…

Huyền phì cười, nhưng trong lòng không khỏi xót xa. Nàng không thể tưởng tượng ra đời sống một bác sĩ cán bộ trung cấp và vợ là y tá đã có cả chục năm thâm niên mà khốn cùng đến mức này. Huyền buột miệng ‘‘đất nước ta còn nghèo!’’ như trong những buổi họp dân phố. Nói xong Huyền thấy xấu hổ khi Thuận nhướng mắt lên nhìn.

*

Thuận cắp rổ, le te vừa đi vừa nói:

– Bác ở nhà với nhà em. Em đi chợ, tối nay có bác cả nhà liên hoan nhé!

Khi chỉ còn hai chị em, Huyền nhìn vào mắt Khiêm, giọng có chút chua chát:

– Thư em viết bảo là cháu Dân đi học. Nhưng học gì, ở đâu thì em bảo còn tìm…

– Vâng. Thú thật, em không về quê nhưng có nhờ bạn bè vùng Kiến Thụy tìm hiểu. Ðịa phương người ta bảo cháu đi học từ cuối năm 74. Em lại đi lùng tin cháu, hỏi các trường đại học ở Hà Nội nhưng không một nơi nào họ biết gì cả. Hay là cháu học đại học ở một thành phố như Hải Phòng hoặc Vinh?

– Sao em không về quê…

Khiêm cúi mặt, mắt đỏ hoe, nuốt nước bọt. Lát sau, Khiêm ngửng lên, thẫn thờ:

– Ba mươi năm nay em chưa về. Ngày khi biết tin mẹ chị mất, em muốn về thắp cho bác một nén hương mà cũng chẳng dám!

– Tại sao?

– Tại vì gia đình ta ba đời là địa chủ. Ông bà mất, bác là con gái được chia hai mẫu, thành trung nông. Còn thày em, ông bà cho mười mẫu, tất là địa chủ. Thày em kệ, bảo bỏ của chạy lấy người, ở mút trên Hà Nội chứ đâu dám đặt chân về làng. Thêm cái tội mình lại công giáo, đủ để mắc mọi thứ vạ…

– Nhưng đó là chuyện Cải Cách Ruộng Ðất năm 55! Huyền ngạc nhiên, tiếp – Vả lại, nhà nước đã nhận và sửa sai rồi cơ mà!

Khiêm thở dài, chiêu một ngụm nước, ngao ngán:

– Chị bảo ruộng mình ‘‘người ta ‘’ lấy chia cho nhau. Mình về, thì ‘‘người ta‘’ ngại là mình có ý đồ lấy lại, cách này hay cách khác!

– ‘‘Người ta’’ là những ai?

– Thì ngài Bí Thư Ðảng, ông Chủ tịch xã, và nhất là đồng chí Thường Vụ. Ở nông thôn, phép vua vẫn thua lệ làng. Mà lệ nay là lệ mới, tiếng là lệ của giai cấp vô sản chuyên chính. Sửa sai, nhưng các ông lãnh đạo vẫn nói, Cải Cách Ruộng Ðất ‘‘cơ bản‘’ vẫn là một thắng lợi, có sai là do cấp dưới thừa hành lệch lạc. Cho nên trên thì quan nói tha, dưới ma vẫn bắt. Nói tình thật, chị về quê em cũng lo lắm, nói để chị ‘‘cảnh giác’’.

Khiêm ngưng nói, đổi ra mặt vẻ tươi cười khi có người bước ngang cửa ngoài. Người đó nhìn vào, làm như không thấy Huyền, hỏi Khiêm:

– Sao, không đi làm hôm nay à?

– Không! Tôi có bà chị mới ra thăm.

– Sài Gòn hả? Người đó nhìn Huyền, mặt lạnh như tiền.

Huyền khẽ gật. Ðợi anh ta đi khuất, Khiêm thì thào, đầu quay về phía sau như sợ có người nghe:

– Ðấy! Ở ‘‘tập thể’’ nó thế! Khiêm tiếp – Có lẽ chắc rồi em cũng sắp vào chiến trường Tây Nam. Em nghe nói đã đánh lớn ở Tây Ninh. Mặt Bắc, quân Trung Quốc được điều tới biên giới.

Khiêm thở dài, đầu lại quay về phía sau, lẩm bẩm:

– Thế là vẫn cứ chiến tranh. Có chiến tranh, mới giải thích được tại sao phải ăn độn, và nhất là bắt ne bắt nét đủ điều. Trên đài, đã ra rả hàng ngày ‘‘thế hệ thứ ba lên đường Cách Mạng‘’ rồi…

– Sao Khiêm cứ quay đầu như sợ có người nghe vậy?

– À… nó thành tật, chị ạ. Quay đầu để giữ lấy cái cổ mà!

Xế trưa, Thuận đi chợ về. Bữa cơm chiều dọn ra, Thuận chỉ bát canh, bộp chộp:

– Canh mồng tơi nhé! Nhà em bảo thuở còn bé chị thích món ‘‘lày’’ lắm. Tự nhiên chị nhé, không phải khách ‘‘lữa’’ đâu!

Thằng bé Phương tròn mắt nhìn đĩa thịt gà, reo lên:

– A, hôm nay được ăn cỗ!

Huyền bùi ngùi. Nàng xoa đầu Phương, bảo:

– Ðến hè vào Sài Gòn, hai bác cháu mình tha hồ ăn cỗ!

Nhà bên vặn radio. Tiếng hát chói tai kiểu ‘‘opera’’ cất lên, nheo nhéo ‘‘Ba mươi năm đời ta có Ðảng’’. Huyền nhăn mặt. Khiêm ra vặn xuyệc-vôn-tơ tăng thế rồi bật đèn, ánh đèn vàng ệch khiến da người như da những kẻ mắc bệnh gan.

Cơm nước xong, Huyền lững thững ra vườn. Bây giờ, khoảnh đất xưa trồng hoa nay thành vườn ‘‘cải thiện’’ trồng rau xanh cho ba hộ chung cư. Huyền bỗng nghe tiếng chó sủa. Có phải con Vện? Huyền ứa nước mắt, nhớ lại cái cảnh con chó theo chân mình ngày xưa và hình ảnh cậu bé Khiêm mếu máo đưa tay lên vẫy. Trong góc vườn, dưới gốc ổi, thằng bé Phương đang mò mẫm. Huyền đến gần hỏi. Nó đưa tay lên miệng suỵt suỵt. Lấy chân dận đất rồi bẻ lá phủ lên, thằng bé kéo tay Huyền, thì thào:

– Cháu chôn xương gà!

-???

– Không phải ngày Tết mà ăn thịt gà, hàng xóm nó báo! Mẹ cháu bảo thế là ‘‘rách việc’’.

Thằng bé cũng quay đầu ra sau như bố nó, tiếp:

– Ăn như thế là không ‘‘thắt lưng buộc bụng’’, là trái chính sách nhà nước!

Khi thằng bé dứt lời, Huyền không nhịn được, bật lên khóc.

Comments are closed.