Vườn Thượng uyển (kỳ 2)

Lê Anh Hoài

“Nghệ” đích thực?

Không khí nồng nã và oi nóng, trong cuộc triển lãm gồm chín nghệ sĩ, Hàm kín đáo quan sát đám đông. Anh tham gia quá trình xây dựng triển lãm này, thậm chí góp ý đến việc làm tác phẩm của một vài nghệ sĩ, trong đó có Phương – thằng bạn thân. Anh chợt nhớ lại quy định, một triển lãm ngoài nghệ sĩ thực sự, vẫn phải chấp nhận sự tham gia của một số kẻ “nghiệp dư”. Từ khi thành phố lao vào cơn điên nghệ thuật, số nghệ sĩ tạo hình tăng lên gấp cả ngàn lần. Điều an ủi là khi nghệ sĩ chơi bời với những người còn lại, bằng một cách nào đó, họ cũng tự chọn những kẻ “có tiềm năng”? Tuy nhiên, điều này thật mong manh vì bọn nghệ sĩ tạo hình chơi bời rất tạp nham. Chúng sống bản năng. Được cái, thằng Phương và một số ít phân định được việc chơi và việc làm nghệ thuật.

Trong một triển lãm, thành phố đã có quy định, số nghệ sĩ đã hành nghề trước luật 3110 phải bằng hoặc ít hơn số “nghệ sĩ” sau 3110. Tức là, số nghệ sĩ được coi là “chuyên nghiệp” chỉ dưới 50%. Trong những cuộc họp bàn về điều này, nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra. Phe phản đối trong đó có Hàm đưa ra lập luận rằng, căn cứ trên quyền tự do công bố tác phẩm, ai cũng được tổ chức triển lãm cá nhân, nhóm, miễn là làm đầy đủ các thủ tục và được hội đồng nghệ thuật thông qua. Dĩ nhiên những thủ tục này không hề đơn giản nhưng sự bình đẳng giữa các cư dân thành phố là điều có thật, không ai – dù là nghệ sĩ trước hay sau 3110 lại được bình đẳng hơn người khác. Vậy thì tại sao phải quy định thành phần trong một triển lãm? Phe còn lại viện dẫn ra rằng, các nghệ sĩ trước 3110 “có lợi thế”. Họ đã quen với việc triển lãm, họ quen biết, “thân hữu” với những nơi chốn chuyên tổ chức triển lãm. Khi bị hỏi dồn, nhóm trước 3110 vẫn không bao giờ công nhận sự khác biệt về chất giữa nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghệ sĩ phong trào. Nhưng trong những cuộc trà dư tửu hậu, họ lại úp mở – cũng có rất ít người trơ tráo – công nhận điều đó.

Thị trưởng không bao giờ ra mặt phát biểu ý kiến nhưng thông qua những trợ lý, bắn tin rằng “vì sự phát triển chung của thành phố nghệ thuật, vì mặt bằng chất lượng của các triển lãm của chúng ta, nên hài hòa lợi ích”. Một số người phản đối trong đó có Hàm đã lặng lẽ rút lui.

Cụm từ “nghệ sĩ trước 3110” sử dụng chính thức không chỉ trong văn bản hành chính mà trong toàn xã hội. Điều này được tuyên truyền rộng rãi và còn được đưa vào nhà trường. Nhưng cụm từ “nghệ sĩ chuyên nghiệp” vẫn tồn tại dai dẳng. Nó có mặt mọi nơi, đằng sau cánh gà sân khấu, trong phòng bọn làm công việc biên tập, xuất bản, trong tiếng thì thào của những kẻ luôn mỉm cười và nhìn thẳng trong phòng triển lãm. Nó chạy quanh bàn ăn, lẩn quất trên giường, và lảng vảng trong nhà vệ sinh. Khỏi phải nói, nó có mặt trong các giấc mơ lớn nhỏ, trong trạng thái ngà ngà và trong trạng thái chập chờn tỉnh thức.

Ở một số chỗ, người ta chỉ nói “chuyên nghiệp” hoặc thậm chí, “chuyên” là xong. Một số chỗ khác, họ chỉ nói “nghệ sĩ” hoặc “nghệ”. Thái độ khi nói những từ này cứ như đám còn lại là một đám sỏi đá, hoặc tệ hơn, rác rưởi. Đây đó xì xầm về những kẻ đã hoạt động nghệ thuật, viết văn làm thơ, vẽ tranh, chế tạo ca khúc,… trước 3110 nhưng bất tài hoặc không may mắn, hoặc đơn giản là chưa đủ bề dày sự nghiệp. Có thể thấy những khái niệm “chuyên” và “nghệ” rất chênh vênh mặc dù đa số đám văn nghệ sĩ trước 3110 đều huênh hoang, vênh váo. Một số kẻ như Hàm giữ thái độ khiêm tốn nhưng cao đạo. Họ cũng không thoát được sự truy kích của đám có mặt sau 3110. Công bằng mà nói, sau khi thành phố trở thành nơi 100% cư dân là nghệ sĩ, có một số không nhỏ trở thành những khuôn mặt sáng giá. Đám này được tung hô rất dữ, trừ bọn trước 3110 thì ra vẻ dửng dưng.

Thực tế, những triển lãm do các nghệ sĩ sau 3110 tụ tập, khởi xướng, rất khó quy tụ những nghệ sĩ “đích thực” (một từ khác nữa mà bọn trước 3110 thích dùng để tự sướng). Đây đó, dậy lên những đồn đoán, rằng có thể hội đồng thành phố sẽ ra một quy định khiến các nghệ sĩ “đàn anh” (cũng lại một từ thuộc loại trên) phải tham gia những triển lãm loại này.

Hàm nhìn đám người lố nhố trong triển lãm. Một mèo xù lông tơi tả đang hớt hải đi chéo qua phòng triển lãm. Một chó mặt buồn đang trầm ngâm trước một bức họa được chính tác giả gọi là trừu tượng – thực tế đây là một loạt những mảng miếng loạn xạ, cẩu thả, vô cảm. Một beo cái nhún nhẩy dâm đãng, son đỏ choét, mắt thâm sì. Hàm biết đa số lũ này không cảm nhận được gì hết. Số ít ỏi còn lại chia làm hai loại, loại thứ nhất để tác phẩm thấm vào mình qua các giác quan, loại thứ hai tìm mọi cách nắm được ý nghĩa tác phẩm. Loại thứ nhất dù sao cũng tốt hơn nhưng tiếc thay quá ít.

Triển lãm này, cũng như nhiều triển lãm khác của bọn Phương, Hàm giúp diễn giải các ý tưởng và còn hơn thế. Lúc này, anh thấy tự hào, giữa những thằng bạn co lại thành một cộng đồng cực nhỏ ốc đảo kỳ dị hiểu nhau, anh trở thành một bộ điện đàm cần mẫn gõ những tín hiệu tic tic tè tè lên không trung diệu vợi, truyền đi những thông điệp như người bị rơi xuống biển âm thầm gọi người cứu hộ bằng chiếc khăn tay trắng trên biển trời trắng xóa mênh mông.

Dân số nghệ sĩ

Gia đình nọ hai vợ chồng và một đứa con, dân số được kê khai có năm người. Cán bộ điều tra dân số ghi nhận được ở nhà đó có hai nhà thơ, một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia và một nghệ sĩ múa. Thử đoán xem đứa con là nghệ sĩ thuộc ngành nào? Câu trả lời: Đứa trẻ con chưa được tính, vì chưa đủ 18 tuổi nên chưa phải hoạt động nghệ thuật. May quá.

Đường phố vui ngập tràn nghệ thuật

Có một bài hát dành cho thiếu nhi giai điệu rất tha thiết và trong trẻo, đoạn đầu mô tả tương lai sáng tươi của một thành phố nghệ thuật duy nhất trên thế giới “Mặt trời lên, cha đi làm với cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành. Mẹ đưa em đi học, giai điệu trong đêm vẫn còn vấn vương. Em đến trường với hộp màu và những cây cọ cán hồng”. Đoạn điệp khúc, nhịp điệu được đẩy lên gấp gáp, thôi thúc “Chúng em, những nghệ sĩ tương lai! Những họa sĩ, nhà thơ, người viết nhạc. Những bộ phim, những vở kịch đều góp sức! Thành phố của chúng ta, những nghệ sĩ hân hoan!” Đoạn hai, giai điệu tha thiết trở lại, thêm phần sâu lắng, đi đến câu kết: “Những tia nắng sớm mai lung linh, đường phố vui ngập tràn nghệ thuật. Những nụ cười tươi rói, không phân biệt cũ… mới, xa… gần.”

Bài hát đi vào lòng người. Chỉ có đám diễn viên xì xào, rằng tại sao chỉ nói những bộ phim, những vở kịch mà không nói về những diễn viên, những đạo diễn và cả những biên kịch? Đám này nhất định không đếm xỉa đến những người làm trang âm, ánh sáng, trang điểm, trang phục… Ngay trong giới cũng từng có những cuộc tranh luận rằng đó có phải là những nghệ sĩ hay không? Chuyện này hạ hồi phân giải.

Các diễn viên, không phải chỉ đám diễn viên kịch và phim, mà các diễn viên múa và xiếc, tạp kỹ đều tỏ ra phẫn nộ. Đám kịch và phim thì còn được lướt qua, chứ múa và xiếc hoàn toàn bị quên bẵng. Cũng lạ là bọn đạo diễn và biên kịch hầu hết chỉ cười nhạt mà không phát biểu gì, kể cả khi được bọn nhà báo săn đón, thậm chí mớm lời.

Tình trạng này kéo dài cho đến lúc thị trưởng khuyến khích, vận động sáng tác, thực chất là ra chỉ thị cho một số nhạc sĩ làm ra một số bài hát khác. Ai cũng có phần.

Tâm hồn to hay bé

Mặc một chiếc áo phông đen có hình mũi tên chĩa xuống, và dòng chữ “Tiến lên” đầy khiêu khích, tôi vui tươi nhẹ nhàng đi trong đám người, đa phần là nghệ sĩ tạo hình, nếu không cũng là nghệ sĩ gì đó. Nơi này một nhạc sĩ đương đại nổi danh đầu trọc bên cạnh mấy cô ca sĩ nguyên có thời trọc đầu nay tóc đã xanh um lởm chởm. Nơi nọ nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh nghệ sĩ, rất ít nói và có hành tung lẩn quất như một gã thợ săn. Nơi kia mấy nhà biên kịch phim truyền hình đang ăn khách với những bộ phim hàng chục tập phảng phất phim Tàu và phim Hàn đang đi với mấy cô diễn viên dù đang không đóng phim nhưng vẫn như đang đóng.

“Anh Phương ơi, sao mũi tên của anh lại đi xuống vậy? Rất nhiều người muốn biết” – Một cô bé mà triển lãm nào tôi cũng thấy nhưng không rõ cô làm gì lao đến, cười tươi.

“Nó vẫn tiến lên, và tiến tới nơi quan trọng. Cứ tới nơi quan trọng thì là tiến lên mà em!”

Cô bé xinh tươi sững người, một vẻ bối rối thoáng xuất hiện trên gương mặt rồi cô toét miệng cười để hở hàm răng lấp lánh, lao vút về phía đám bạn. Họ tụm lại nghe, chắc là cô bé đã truyền lại lời tôi. Đúng vậy, bởi tất cả phá ra cười, những ánh mắt ném về phía tôi gần như ngưỡng mộ. Chắc họ nghĩ thế mới là nghệ sĩ đích thực, và nghệ sĩ đích thực thì được quyền nói như thế và thậm chí nghệ sĩ đích thực nói cái gì cũng hay. Thật ra, câu nói đó không hề liên quan gì đến nghệ thuật, dù cái áo của tôi có gắn với tác phẩm đống mũi tên sắt rỉ và đó cũng là một phần của tác phẩm. Những điều này, bằng bản năng của mình, tôi hình dung ra dễ dàng. Nhưng Hàm thì giải thích thật rành rẽ, “đám đông luôn mong muốn nghệ thuật được diễn giải, và nghệ sĩ luôn cần biết chiết xuất ra những món ăn phù hợp với từng loại công chúng, từ tác phẩm thực chất khó có thể diễn giải đến cùng của mình”. Mẹ, bọn lắm chữ lừa đảo.

Bỗng tôi nhìn thấy một cô nàng là lạ. Dù đã đi rất nhiều cuộc triển lãm hay biểu diễn nghệ thuật nói chung – nơi số khán giả gần như mặc định, bởi vì nghệ thuật ở xứ sở này thực chất chỉ lôi cuốn được chừng đó người thực sự ham thích – nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô nàng. Có thể hiểu đây là người mới!

Cô nàng có gương mặt sáng sủa, mới nhìn tưởng con nhà lành nhưng vẻ tự tin thậm chí tự chủ lạnh lùng kia tố cáo sự trải đời. Bởi ở thành phố thần thánh này, con gái nhà lành thường ngây thơ ngốc nghếch đồng nghĩa với rụt rè tự ti. Ngay cả khi đã bị buộc vào cái việc phải làm nghệ thuật, con gái nhà lành cũng chỉ làm ra được những cái nhạt nhẽo. Tuy nhiên, ở cô nàng này, vẻ trải đời không mang nét phong trần xô bồ. Có thể cô có học – tôi ghét từ này, nhưng nó vẫn có giá trị xác đáng trong một số trường hợp – và biết tự nghiệm, điều mà đám nhung nhúc đang hít thở dưới bầu trời thành phố thấy xa lạ, thậm chí không biết có sự tồn tại của một thứ như vậy.

Cô nàng tự tin có lẽ còn bởi sở hữu một thân hình hấp dẫn, dù có hơi cao quá so với thông thường, hoặc giả hơi gầy nhưng đó lại chính là mẫu hình mà các tạp chí lá cải miệt mài truyền bá. Khuôn ngực cao hơi đung đưa theo bước chân uyển chuyển. Nói thêm, chân cô nàng khá dài và điều khiến những bước chân uyển chuyển trở nên có học (lần này, tôi lại phải cậy nhờ đến từ này), là vì nó có độ mạnh mẽ, dứt khoát chứ không yểu điệu làm duyên theo một kiểu rất vô tuyến truyền hình.

Nhưng điều đặc biệt nhất ở cô nàng là cặp mắt, nói đúng là ánh mắt khi nhìn tôi. Đó là cái nhìn như muốn đi thẳng vào bên trong.

Xin đừng nghĩ đến những điều như: body hoặc sex.

Là họa sĩ, tôi rất hiểu cái nhìn ấy. Những năm học trong trường mỹ thuật với những người mẫu khỏa thân, những lần thực hiện bodypainting khiến tôi cũng như các hoạ sĩ đích thực trở nên nhạy cảm với hình ảnh cơ thể con người. Nhưng cũng phải nói rõ, điều đó không liên quan gì nhiều đến sex. Dù những lần đầu vẽ trước người mẫu nữ khỏa thân, tôi đã vẽ rất khó khăn khi thằng nhỏ cứ thẳng căng. Thằng bạn học cùng, cái thằng có tác phẩm con chim (giấy) đậu trên khẩu súng (gỗ quấn băng dính) cũng trong triển lãm lần này – còn xuất tinh ngay tại chỗ. Các thầy đều nghiêm trọng nói nghệ thuật không đi cùng những điều thấp kém (ý nói nhục dục). Chỉ riêng thầy L nói nhỏ với tôi “Chẳng có gì ngăn cách giữa nhục dục và nghệ thuật, thậm chí rất liên quan. Nhưng hãy tập trung vẽ chính xác”. Dần dần, việc nhìn một người và hình dung ra cơ thể họ đối với chúng tôi trở nên bình thản. Và cũng dần dần, chúng tôi hiểu được vẻ đẹp cơ thể hoàn toàn có thể không gắn với hành vi giao hợp.

Trở lại với ánh mắt của cô nàng. Cũng không phải cái nhìn “đi vào tâm hồn” – như cách nói của bọn nhà thơ giờ đang lạm phát.

Thú thật ngày trước tôi từng thích cách diễn tả lãng mạn này, và đã từng nghĩ mình sẽ vẽ để “lột tả tâm hồn” khi mới nhập trường mỹ thuật. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy nghi ngờ cái khái niệm ấy. Khi một ông thầy rao giảng chính điều đó, tôi đã hỏi lại: “Vậy, thưa thầy, cô gái làm mẫu kia, tâm hồn to hay bé?” Câu hỏi đó đã khiến ông thầy nổi đóa và từ đó điểm hình họa của tôi luôn lẹt phẹt cuối lớp, dù ai cũng công nhận tôi vẽ cực chắc.

Đơn giản, cái nhìn của cô nàng là một cái nhìn xuyên thẳng.

Cái nhìn xuyên thẳng của cô nàng có một áp lực tự nhiên đẩy người ta ra xa. Đối tượng của cái nhìn, tất nhiên, nhưng cả những người chứng kiến cái nhìn ấy cũng chịu áp lực. Thật lạ, riêng tôi, tôi thấy cái nhìn kiểu này ẩn chứa một lực hút.

Thật tự nhiên, bước chân dẫn tôi tiến về phía cô nàng. Tôi chào cô nàng bằng ánh mắt, điều này được ghi nhận, và mắt cô ta dịu đi những tia xuyên. Hành vi này tương tự như người đi câu, để chùng dây khi con cá đã mắc vào lưỡi câu, hoặc ít ra, khi con cá đang lởn vởn quanh miếng mồi, lúc này, việc chùng dây cho phép miếng mồi dao động trong làn nước mời gọi.

“Em thấy tác phẩm của tôi ra sao?” – Không có gì hay bằng hỏi thẳng.

“Em đang tự hỏi bản thân rằng – Cô nàng quay đầu về phía những mũi tên han rỉ rồi nhìn thẳng vào tôi – Anh đã làm nó bằng tay hay thuê thợ?”

Tôi thoáng nhếch mép. Cách đây vài năm, hẳn tôi đã hô hố. Thậm chí khi cười xong, tôi không thèm nói gì thêm, để mặc công – chúng – nghệ – thuật trong trạng thái bối rối, có lỗi vì đã trót hỏi một câu ngu xuẩn. Hoặc tôi sẽ lạnh lùng nói sang một câu chuyện khác. Nhưng lần này, tôi nở nụ cười hiền lành nhất mà tôi có được:

“Anh chưa kịp học nghề thợ nguội và nghề hàn xì. Trong khi thành phố thì lại quá nhiều thợ nguội và hàn xì kiêm nghệ sĩ. Thật đáng tiếc”.

Cô nàng hơi bối rối, chỉ trong một phần nghìn giây. Điều này có thể xảy ra do chợt thấy sự thiếu hụt của bản thân, hoặc do nụ cười hiền lành của tôi, hoặc cả hai.

“Như vậy, tác phẩm của anh hay là của ai?”

“Chúa đã nặn ra Adam và Eva, rồi thổi hồn vào. Và con người là tạo vật của Chúa! Phải không em?”

“Vầng.”

“Anh không nặn ra tác phẩm của mình, mà thuê một người thợ cắt và hàn, và anh thổi hồn vào nó. Okie? Vì anh là con người, chứ không phải Chúa. Đúng không em?”

Ánh mắt xuyên thấu lại tái xuất hiện. Nhìn gần, mắt cô nàng trong theo kiểu một ly brandy nhưng ánh sáng lại phát ra từ một điểm đằng sau đáy ly. Trong lúc tìm kiếm điểm phát ra ánh sáng ấy, tôi nhận ra một điểm nổ bùng lên, và mắt cô nàng như cười một nụ cười không thể kìm nén.

“Ôi, em xinh đẹp! Bọn anh rất mong những cô gái xinh đẹp như thế này đến với bọn anh!” – Giọng hồ hởi của thằng cây súng và con chim ngay cạnh tôi. Thằng này bao giờ cũng như thế, cứ có gái đẹp là xán đến và lập tức nói những câu có cánh, sến như con hến, nhưng hắn đã quơ được rất nhiều gái với những câu như thế. Cùng lúc, tôi cười trong bụng, vì câu chuyện của tôi về Đức Chúa cũng đã sến không kém.

Sến là gì, nếu không phải là những điều nhàm chán. Tiếc thay, trong đó có rất nhiều những điều thuộc về bản chất thực sự.

Đáp lại câu tán tỉnh rẻ tiền của thằng chọi, cô nàng nở một nụ cười tươi tắn, ngoại giao:

“Đến với bọn anh? Sao các anh cứ bảo là hãy đến với tác phẩm?”

Tôi chiếm quyền chủ động:

“Đến với bọn anh chứ! Tác phẩm làm sao bằng bọn anh được? Em hãy đến với bọn anh, thú vị hơn tác phẩm nhiều.”

“Tác phẩm của bọn anh chỉ thú vị khi bán được thôi.” – Thằng kia lại lau chau.

“Vậy khẩu súng và con chim của anh bán giá bao nhiêu?”

Thằng kia hơi chững lại. Quả thật, khi làm ra những tác phẩm cho buổi triển lãm này, chúng tôi đã không hề nghĩ đến khía cạnh thương mại – mỹ từ của những khái niệm mà chúng tôi hay nói dung dị hơn: “sút”, “quất”, “đẩy”. Mà loại tác phẩm này ai mua? Mẹ kiếp, nói cho sang, chúng tôi làm chỉ để vui – mà gọi một cách mỹ miều là “niềm vui khi sáng tạo”. Liệu khi Chúa làm ra con người, ông ta có vui? Và nếu có vui thì đó là loại vui nào? Ông ta có định bán tác phẩm đó cho, chẳng hạn một loại công chúng, khách – hàng – Chúa, những kẻ như ông ta?

“Súng và chim của anh là vô giá, nhưng em có thể dùng miễn phí!” – Thằng bạn tôi cợt nhả, bằng giọng chợ búa giả lả nhất. Hắn vẫn thế, và vẫn thành công với đàn bà như thường.

Một dáng lòng khòng, mắt xanh mũi lõ sáp lại “Xin chao”. “Đây là C, người Pháp, một nhà môi giới nghệ thuật. Còn đây là anh H, anh Phương, các tác giả của buổi triển lãm.” “Tac gia?? Ah, nghê si nghê si!”, mắt xanh hấp háy.

Tôi lạnh nhạt, còn thằng kia thì vẫn hồn nhiên “Pháp à? Nghệ thuật Pháp bảo thủ lắm! Xem đi, xem đi!” Không hiểu thằng Tây có hiểu chữ “bảo thủ”? Nhưng hắn cười rất tươi.

“Thu vị! Thu vị! Vi sao nó cò tên là ‘Tiên len’?” – Hắn hướng vào tôi.

“Đó là một câu khẩu hiệu của thành phố” – cô nàng bỗng nói, với giọng thuyết minh, tiếp theo là những câu tiếng Pháp. Thằng Tây cũng trở nên linh hoạt với thứ tiếng của mẹ nó. Cuộc trao đổi đầy những giọng mũi khó nghe, mà tôi chỉ hiểu lõm bõm nhờ một vài từ giống tiếng Anh.

“Chúng nó nói gì đấy?” – Khẩu súng và con chim ghé sát tai tôi, thì thào.

Tôi im lặng. Chán. Trong khi tôi biết, dù không hiểu mấy đứa kia nói gì với thứ tiếng của nợ – nghệ thuật thì liên quan gì với tiếng Việt, hay tiếng xứ sở da đen da trắng da vàng da đỏ nào chứ – nhưng tôi biết chúng đang bình luận tác phẩm và chính chúng tôi. Việc đánh giá theo nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, là việc đương nhiên đối với tác phẩm, và ngay cả với chúng tôi. Nghệ sĩ và đĩ điếm giống nhau ở điểm này.

Nghệ thuật, tình yêu và bạo lực

“Nghệ thuật có phải là thứ cứu rỗi nhân gian tăm tối này?” Hàm hét lên, rung chuyển căn phòng ám khói thuốc lá. D co người lại như sợ sệt, như khoái cảm, tựa như con đàn bà thống dâm. Tình yêu có phải phần hương hoa của tình dục. Tình dục có phải phần hương hoa của bạo lực. Bạo lực là chiến tranh. Nghệ thuật có phải là một hình chiếu của tình yêu.

Hàm quắc mắt lên, mắt anh dồn nén uất hận, libido, phóng ra những luồng sáng xuyên qua căn phòng.

“Ngoại Thi Hạng Sĩ Chót Đời”

Tôi đứng ở sảnh tòa nhà Hội Mỹ thuật tạo hình thành phố. Ánh sáng chan hòa của buổi sáng đầu hè xuyên qua những ô kính lớn. Những pho tượng giả cẩm thạch trắng đứng dọc quanh tường. Từ hồi có công nghệ đúc bột đá, những pho tượng loại này tràn ngập. Điều hay ho đối với công chúng, là kiểu điêu khắc này cho phép ra đời hàng loạt. Công nghệ tạc tượng 3D tiếp tục hủy diệt, không những hàng loạt mà còn cho phép phóng to thu nhỏ kích thước. Đảm bảo những pho tượng đang ở nơi trang trọng này hoàn toàn có thể hiện diện trong những phòng ngủ. Công chúng không phân biệt được như thế nào là tượng đài và tượng trang trí bàn trang điểm.

Những bức tượng có mặt tại sảnh lớn này là tác phẩm của nhiều nhà điêu khắc gạo cội của thành phố. Bản gốc những tượng này hiện nay là một nghi vấn lớn trong giới. Có người nói, bản gốc của ông A hiện nằm ở nhà sưu tập A, với giá hàng chục ngàn nghệ thuật tệ; tuy nhiên đó chỉ là phác thảo cỡ con chó ngồi. Có người lại nói, bản gốc của ông B thực chất chỉ là bản được làm trên máy tính. Nó là kết quả của một cuộc thi có tên đại loại “Hình tượng con người mới của thành phố nghệ thuật hôm nay”. Góc xa nơi lối vào cửa chính, một cô gái mắt nhắm nghiền, vung vẩy cây vĩ cầm. Cạnh đó là một anh chàng đang khệ nệ chiếc máy quay phim. Ngay nơi tôi đứng, một ông trung niên tóc xoăn đang gục đầu xuống một tập giấy, trên tay cầm cây bút. Bức tượng này gây ra nhiều đàm tiếu. Nó được giải thích đây là tượng “Người Viết”. Tức là, bọn nhà văn, nhà thơ, nhà viết nhạc, nhà viết kịch bản… đều có phần ở đây. Thậm chí, bọn nhà báo cũng mon men kiếm chác được ở hình tượng này. Lại nói đến bọn kền kền ấy, không biết bằng cách nào, chúng đã khiến thị trưởng công nhận chúng là “một loại nghệ sĩ đặc biệt của thành phố chúng ta”. Và thế là, những đứa MC dẫn chương trình truyền hình, những phát thanh viên, dĩ nhiên cả những đạo diễn chương trình truyền hình đều có cơ hội được phong “nghệ sĩ thành phố”. Đây cũng là một xảo thuật ngôn từ: cả thành phố đều đầy ắp nghệ sĩ, ít ra về lý thuyết là như vậy, nhưng khi một nghệ sĩ được tôn vinh thì danh hiệu lại là “nghệ sĩ thành phố”. Chúng tôi thường đùa nhau rằng mày là “nghệ sĩ thành phố”, còn tao là “nghệ sĩ đường phố” (hay “phường phố”); hoặc mày là “nghệ sĩ đô thành”, còn tao là “nghệ sĩ đô la”. Theo thời gian, xuất hiện kiểu nói “quận sĩ”, “phường sĩ”, “(thị) trấn sĩ”, “xã sĩ”, “huyện sĩ”… Gần đây nhất, bắt đầu rục rịch những đợt kiểm tra, sát hạch nghe nói để xét danh hiệu “nghệ sĩ thành phố” cấp 1,2,3. Đó là chưa kể trong thành phố còn có những nghệ sĩ mang tầm quốc gia. Từ nghệ sĩ quốc gia, họ bị gọi thêm bằng các danh xưng nghệ sĩ quốc dân, quốc doanh, cuốc xẻng và cuốc lủi. Tờ báo nghệ thuật lớn nhất thành phố mới đây đăng một bài trong đó nêu lên nhiều “băn khoăn” của giới văn nghệ sĩ. Băn khoăn lớn nhất là của lão già nhà thơ tiền bối. Lão ta đặt ra câu hỏi, tại sao không có những danh hiệu lớn hơn chẳng hạn “nghệ sĩ ngoại hạng” hay “nghệ sĩ cống hiến trọn đời”. Lão ta cũng tiếp tục khơi lại một câu chuyện dai dẳng, rằng nhà văn, đặc biệt là nhà thơ cần phải được dùng danh xưng chính thức là “nhà văn thành phố” và “thi sĩ thành phố” – nhấn mạnh chữ “Thi Sĩ”. Lão dẫn ra rằng có hẳn một “nàng thơ” trong truyền thống lâu đời của thành phố chứng tỏ rằng thi sĩ là một giống riêng. Ngay sau bài báo này, bọn trẻ lập tức đặt cho lão hỗn danh là “Ngoại Thi Hạng Sĩ Chót Đời”.

Lập tức ngay trong số báo tiếp theo, xuất hiện một xã luận nhan đề “Nghệ sĩ là sứ mệnh của chúng ta”. Lập luận dài dòng nhưng cuối cùng bài báo bật ra những câu chốt, đại loại: Sứ mệnh của chúng ta – cư dân thành phố là làm nghệ thuật. Chúng ta, có thể là người cầm bút, người cầm cọ, người chơi đàn, người diễn kịch… nhưng tất cả chúng ta tự hào là NGHỆ SĨ với cách viết hoa. Tên ký dưới bài báo là “Người Viết”. Tôi biết Hàm là người chấp bút bài báo này và dĩ nhiên người duyệt là thị trưởng. Không phải ai cũng biết, Hàm cũng chính là người đã viết “Lời hiệu triệu” và thị trưởng, nghe đâu, chỉ sửa vài chữ.

Thật là một trò hề và tôi khi muốn Hàm tím mặt, chỉ cần lải nhải “Nghệ sĩ là sứ mệnh của chúng ta”. Hàm gắng gượng trấn tĩnh và giải thích dài dòng, rằng tất cả những thằng làm nghệ thuật thì đương nhiên sẽ là nghệ sĩ. Và rằng, viết là làm nghệ thuật ngôn từ. Tôi quyết làm hắn rối trí nên cười nhạo rằng “Chúng mày là lũ từ sĩ!” Đến đây thì Hàm sẽ trở về bộ mặt lạnh lùng, khinh khỉnh và cao ngạo. Thực ra tôi biết Hàm có phần đúng. Văn sĩ, thơ sĩ hay ngôn sĩ, tất cả chúng đều phải là nghệ sĩ trước đã. Tức là, phải sống bằng bản năng, phải có cảm xúc mạnh, phải có trí tưởng tượng. Hàm là còn khá, nhiều đứa trong giới viết, chúng quá khôn, chúng viết bằng cái đầu lạnh lùng, chúng lập luận, chúng trích dẫn cứ rối tinh cả lên. Đối với tôi, chúng không xứng đáng là người làm nghệ thuật.

Lời hiệu triệu của Thị trưởng Thành phố nghệ thuật

Toàn thể công dân thành phố hãy phát huy truyền thống nghìn đời văn hiến, quyết tâm rèn đức, luyện tài, sáng tác vì thành phố giàu đẹp.

Thành phố nghệ thuật và các văn nghệ sĩ thành phố không chờ bạn nếu bạn không sáng tác! Con cái bạn sẽ trưởng thành và trở thành những văn nghệ sĩ, chúng sẽ biết rằng bạn là một công dân thành phố nghệ sĩ nhưng không sáng tác! Chúng ta phải tăng tốc sáng tạo nhanh hơn tốc độ già đi của chúng ta và sự trưởng thành của con cái! Hãy tăng tốc!

Phong trào sáng tác vì tương lai thành phố cần được tiếp tục tiếp cận ở những bước phát triển mới, giải pháp sáng tạo hơn; các văn nghệ sĩ hàng đầu phải trở thành những cánh chim dẫn dắt mọi người trong quá trình hình thành nguồn nhân lực sáng tạo chất lượng cao của thành phố.

Bạn cần có niềm tin rằng bạn và thành phố của chúng ta là vô cùng tuyệt vời! Bạn hãy đón nhận điều tuyệt vời của thành phố chúng ta và tạo ra điều tuyệt vời của bạn!

Bằng cách nào? Đó là hãy sẵn sàng sáng tạo bất chấp mọi nỗi sợ hãi, bước ra khỏi vùng an toàn, đạp bằng mọi trở ngại, vượt qua thử thách bằng tất cả sức mạnh, tạo nên những tác phẩm đỉnh cao! Khi tâm bạn muốn làm được thì khi ấy cả thành phố sẽ thúc đẩy bạn đạt được mong muốn!

Bạn sẽ nghĩ sáng tạo là công việc của một số người được Trời yêu, Chúa chọn. Bạn không phải là người như vậy. Không! Ai cũng có thể sáng tạo và sáng tạo được. Bạn hãy nói: “Ồ thật tuyệt vời! Tôi làm được! Tôi yêu công việc sáng tạo!”.

Bạn hãy quyết định mãnh liệt sáng tạo vì thành phố và những người yêu thương của bạn!

Thành phố sẽ có những giải pháp hiệu quả để mọi công dân nhận thức đầy đủ hơn, cao hơn về trách nhiệm, sứ mệnh của văn nghệ sĩ trong thời đại mới.

Thành phố chúng ta sẽ trở thành điểm đến của sáng tạo loài người! Lương tri nhân loại! Hãy tiến lên giành lấy vinh quang nghệ thuật! Nghệ thuật là đỉnh cao của nền văn minh. Và chúng ta đang đi tới chiếm lĩnh đỉnh cao chói lọi đó!

Comments are closed.