Năm mới xem “Tiên Nga”

Phùng Thị Hạ Nguyên

Mình thường mở đầu bài giảng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng cách kể cho học trò mình nghe về một sự kiện gây chấn động ngành Giáo dục cách đây chừng chục năm. Một thí sinh đã viết thật thẳng thắn vào bài thi học sinh giỏi Văn thành phố Hà Nội: Em không hề cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và mong Bộ Giáo dục hãy thay đổi cách dạy Văn trong nhà trường.
Đại loại là như vậy. Sự việc đó diễn ra năm mình học cấp 2, lúc mình chưa hề đọc bài Văn tế, nhưng với sự nhạy cảm của một người học Văn, mình thấy đau và chua xót lắm.
Mình kể cho các con nghe và cũng trình bày quan điểm của mình. Mình hiểu việc học và cảm nhận những tác phẩm văn học Trung đại ở độ tuổi của các con là một việc khó khăn, nhưng không phải vì thế mà các con bỏ qua những giá trị tinh hoa của dân tộc mình. Nên mình mong các con hãy cùng mình học bài Văn tế với sự tri ân sâu sắc dành cho tiền nhân, và để thấu hiểu một thời đại đầy đau thương nhưng cũng thật hào hùng của dân tộc.
Và hôm nay, mình nghe những câu Văn tế vang lên trong vở Tiên Nga đầy đẹp đẽ và bi tráng. Cảm xúc tự hào và biết ơn trong mình lại dâng lên mãnh liệt.
Tiên Nga có một kịch bản vô cùng xuất sắc. Các soạn giả ắt hẳn là những người đọc Nguyễn Đình Chiểu rất kỹ và rất tinh. Lời thoại và ca từ được chắt lọc từ những câu hay nhất của cụ Đồ Chiểu. Tác phẩm toát lên vẻ đẹp tư tưởng trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu: vẻ đẹp của lòng nhân nghĩa, thủy chung, lòng yêu nước, thương dân, đậm tinh thần Nho giáo qua sự tiếp nhận rặt chất Nam bộ. Và kịch bản cũng đầy tính hậu hiện đại của phương Tây khi thể hiện sự tương tác giữa cụ Đồ Chiểu với chính tác phẩm của mình. Giây phút Nguyễn Đình Chiểu ôm đôi mắt mù lòa cùng đau chung nỗi đau mất mẹ với Vân Tiên, mình sững sờ vì đẹp quá, hay lúc cụ Chiểu ôm Kim Liên nước mắt lưng tròng, khán giả như chết lặng. Chỉ có người nghệ sĩ mới thấu nỗi đau trong sáng tạo đến tột cùng như vậy.
Và Tiên Nga có âm nhạc cùng dàn dựng mỹ thuật xuất thần. Nhạc sĩ Đức Trí tung hứng quá tốt cùng NSƯT Thành Lộc. Âm nhạc quá sức hào hùng mà cũng vô cùng mềm mại, đầy biến tấu. Mình cực kỳ thích đoạn diễn tấu của dàn nhạc và NSƯT Hữu Châu, diễn viên Vân Trang. Sân khấu đầy những cách điệu tượng trưng, ước lệ đầy thông minh và duyên dáng. Mình có thêm bao nhiêu ví dụ hay để đưa vào các bài giảng của mình.
Và cuối cùng, một Tiên Nga trọn vẹn đến như vậy là nhờ một dàn diễn viên đầy tài năng và tâm huyết. Họ dạy mình một bài học sâu sắc: muốn bảo tồn những giá trị truyền thống thì hãy giới thiệu truyền thống bằng cả tấm lòng mình. Họ tiếp nhận tinh hoa một cách tinh tế và hiện đại. Mình nhìn từng cách đưa tay áo, cách đi, cái chắp tay của họ, nó là tuồng cổ, là cải lương, là nghệ thuật sân khấu Nam bộ truyền thống đã được lưu giữ trọn vẹn. Nhưng cách họ thoại, họ làm duyên làm dáng vẫn rất hiện đại, gần gũi với những khán giả trẻ thời nay. Hai nghệ sĩ Thành Lộc và Hữu Châu chính là linh hồn của vở diễn. Họ là chỗ dựa đầy vững chắc về kĩ thuật và tinh thần cho những diễn viên trẻ. Lê Phương, vở diễn này khiến mình phải nhìn cô ấy bằng một con mắt khác. Kiều Nguyệt Nga của cô ấy khiến mình hiểu sâu sắc về thân phận đàn bà trong cơn bình địa ba đào của đất nước, của lịch sử. Lê Khánh và Đình Toàn duyên dáng hết cả phần người khác. Yêu biết bao nhiêu những người đã diễn xuất xuất sắc và dung dị, thấm thía đến thế.
Ôi giá như tất cả bạn bè và học trò của mình được xem Tiên Nga. Để tự hào về tiền nhân, về non sông gấm vóc. Để làm một con người Việt Nam đầy tự trọng và tự hào.

Image may contain: 14 people, people smiling, people standing and text

Nguồn: https://www.facebook.com/ha.nguyen.1694059

Comments are closed.