Võ Chân Cửu tản mạn về thơ trước 1975

Trần Văn Chánh

Những hồi ức quý giá

Từ 2013 đến 2017, nhà thơ Võ Chân Cửu đã cho xuất bản liền mạch ba tập sách về Thơ miền nam từ 1954 đến 1975. Đó là: 22 tản mạn, Theo dấu nhà thơ và Vén mây.

Có thể coi ba tập sách này là một “hành trình theo dấu nhà thơ”* của Võ Chân Cửu. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã nhận xét rất xác đáng: “Những trang sách tưởng rằng rất mềm mại và mong manh nhưng chứa đầy những bước chân ngang dọc của anh, của những nhà thơ bằng hữu và của một thời… Nhờ có anh, một thời kỳ văn nghệ đa dạng, sôi động được sống lại trong hơi thở hôm nay”*.

Văn Việt xin chúc mừng nhà thơ Võ Chân Cửu và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh về các tác phẩm trên.

Văn Việt

* Trịnh Bửu Hoài, “Một thời không quên” (Vén mây/ NXB Hội nhà văn, 2017)

 

Print“Văn chương tự cổ vô bằng cứ”! Đưa ra một nhận định dứt khoát trong khi so sánh giá trị giữa thơ người này với người khác, của thời này với thời khác là điều không dễ chút nào.

Tuy nhiên, cách nay chừng gần ba năm, tôi bắt đầu đặc biệt chú ý điều trên sau khi đọc một cách thật sự thú vị tập tản văn đầu tiên của nhà thơ Võ Chân Cửu: 22 tản mạn (do NXB Hội Nhà văn kết hợp với Phương Nam Book ấn hành quý II năm 2013). Tập sách đã giúp tôi và có lẽ rất nhiều người khác nữa, ôn/nhớ lại một thời kỳ hoạt động rất sôi nổi và không kém phần lãng mạn của hoạt động văn nghệ tự do, trăm hoa đua nở ở miền Nam. Qua đó, một số điều mình vốn chỉ biết lơ mơ, không rõ năm tháng ngày giờ, tên tác giả bài thơ này khác, nay đã được tác giả Võ Chân Cửu giúp hình dung lại một cách nhẹ nhàng, sinh động, và khá chính xác.

Hai năm sau, Võ Chân Cửu lại cho ra đời Theo dấu nhà thơ (cũng do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book), tản mạn tiếp những chuyện chưa kể hết về thơ ca cùng một số tác giả tiêu biểu, và cố ý tập trung vào giai đoạn 1968-1975. Theo quan niệm của tác giả (được nhiều người công nhận) đây là một giai đoạn đặc thù: Hàng trăm nhà thơ trẻ, ở khoảng tuổi trên dưới 20, bắt đầu xuất hiện, bộc lộ tài hoa nhưng bị tạm dừng lại ở khoảng ngắt lịch sử 30.4.1975. Sáng tác của họ tưởng như phải bị mai một vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử.

Qua hai tập sách “tản mạn” kể trên, người đọc dễ dàng nhận thấy người viết không chỉ có kiến thức vững vàng về văn chương, văn hóa, lịch sử…; được đào tạo chính quy trong các nhà trường từ trung đến đại học, mà còn có sự hiểu biết khá sâu rộng thực tế đời sống, phong tục tập quán, tính khí dân tộc ở mỗi vùng miền mà tác giả đã từng chiêm nghiệm qua các bước giang hồ phiêu lãng. Có khi ông chi li tới từng gốc cây ngọn cỏ, các loài động thực vật sinh sống trải dọc dài từ quê hương miền Trung vào tới Sài Gòn rồi xuống tận Cà Mau đất mũi. Nhưng đặc biệt hơn cả là sự thâm nhập, tiếp cận trong nhiều trạng huống / hoàn cảnh, nơi chốn khác nhau với chính những nhà văn-nhà thơ tác giả từng được gặp gỡ, thù tạc / chia sẻ cuộc sống và cảnh đời với họ. Cách kể giống như hồi ký. Nếu phải trừ đi một phần hao hụt trí nhớ, rồi cộng thêm yếu tố các nhà thơ đề cập trong sách đều là chỗ thân quen, thì có lẽ khó đạt được mức độ chính xác, khách quan hoàn toàn. Nên nếu cẩn thận trừ đi chừng 10-20 %, thì người đọc ngày nay sẽ ít nhất nắm được phần cốt lõi sự thật còn lại. Như thế cũng tạm gọi là quá đủ!

bia 1Theo dau nha tho (3)Thật vậy, tác giả Võ Chân Cửu tỏ ra rất sành sỏi và có trách nhiệm về việc mình làm. Bằng những câu chuyện kể sinh động vừa dựa trên ký ức, vừa qua những tài liệu “hữu tín hữu trưng”, chính bằng những thư từ trao đổi qua lại có ghi rõ ngày tháng, tên tuổi người, hoặc qua những câu / bài thơ được trích dẫn cẩn thận để chứng minh, dẫn dắt câu chuyện.

Nói theo cách diễn đạt cũ, đây có thể gọi là những tập “thi thoại” hiện đại với khối lượng tài liệu / sự kiện rất phong phú đa dạng được kết nối lại một cách tài tình khéo léo qua nghệ thuật kể chuyện lan man, tự nhiên, sinh động, thỉnh thoảng chen vào những câu nhận xét tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc. Như về tính khí, lối sống thật đôi khi “điên điên khùng khùng”, hoặc tự cao tự đại, rởm đời nhưng khả ái của một số nhà thơ tác giả từng chung đụng, kiểu như Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn… Chỗ người viết tỏ ý mai mỉa thì cũng khá tế nhị, nhẹ nhàng, duyên dáng, và thường có chen vào chút tình cảm, với thái độ cảm thông, cố tự kìm chế ở mức không làm cho người ta nổi nóng hoặc cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều chuyện kể kèm theo nhận xét thật thú vị, đúng tâm lý nhà thơ, như nói: “Nhiều người tỉnh táo nhận ra rằng các thi sĩ lớn cũng đều có tật xem cái danh rất lớn. Suốt cả các trang viết, kể cả khi tự nhận rằng mình điên, Bùi thi sĩ [tức Bùi Giáng] thường phê bình vài nhà thơ cùng thời (trường hợp khen thơ của thi sĩ Huy Tưởng trong Đi vào cõi thơ là vì… cùng quê Quảng Nam). Có lần Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn tình cờ gặp nhau tại nhà tôi, cả hai đều sững người nhìn nhau rồi… ngó lơ như không hề biết nhau” (22 tản mạn, tr. 69-70).

Đoạn kể vừa nêu trên gợi ta liên tưởng đến câu nói để đời của Tào Phi (187-226) nước Ngụy thời Tam Quốc: “Văn nhân tương khinh, tự cổ nhi nhiên” (Bọn nhà văn coi thường nhau, từ xưa vẫn thế)!

Võ Chân Cửu nhận xét tiếp: “May mắn sao, các nhà thơ… giả bộ điên chỉ để chứng tỏ mình tài năng, thông thái, không ai lâm vào cảnh ‘giả lâu thành thiệt’. Đến sau năm 1975, diễn đàn văn nghệ tự do chấm dứt. Miếng cơm, manh áo trở thành nỗi lo thực tế. Xu thế bây giờ phải là… vô sản mới được coi trọng. Nhiều người liền… hết điên” (sđd, tr. 70).

Tuy hai quyển sách mỏng trên đều thuộc loại tản mạn, chưa hệ thống / khái quát thành công trình khảo cứu văn học nghiêm túc, người đọc vẫn có thể theo dõi một cách dễ nhớ và thú vị tiến trình thơ ca miền Nam trong giai đoạn đất nước phân ly 1954-1975. Qua đó người hôm nay không chỉ hình dung được cái không khí hoạt động văn nghệ khá sôi nổi, tự do sáng tác, không bị chính trị hóa, mà còn thưởng thức được nhiều câu, đoạn thơ, bài thơ hay được trích dẫn của không ít cây bút tiêu biểu, với những sản phẩm thật phong phú đa dạng, đa sắc thái, giàu tình cảm của họ. Đặc biệt là không có bất kỳ bài thơ nào có nội dung cổ vũ cho cuộc nội chiến đầy đau thương lúc đó, như có thể kể thơ của Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Vũ Hữu Định, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, Joseph Huỳnh Văn, Trần Xuân Kiêm, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Lương Vỵ Hồ Ngạc Ngữ… Mỗi nhà thơ đều được tác giả lướt qua vài điểm đặc trưng tiểu sử như vừa đủ để không thể nhầm lẫn về tính cách giữa người này với người khác.

*

BiaVenMayTập Vén mây mà bạn đọc đang cầm trên tay, được coi là sự tiếp nối của Theo dấu nhà thơ. Ở đây, hoặc bàn luận sâu thêm câu chuyện văn chương đã nêu ở tập trước nhưng còn dang dở, hoặc cho leo qua tới một số nhà thơ tiếp tục sáng tác trong giai đoạn chuyển hình kỳ của đất nước sau biến cố lịch sử 1975, với những tác giả như Trần Đới, Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Tất Nhiên, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Duyên Tưởng, Lê Văn Trung, Phạm Ngọc Lư… cùng nhiều người khác; đáng quý hơn nữa là việc phát hiện cái hay tiềm ẩn ở những nhà thơ ít vang dội lúc đó, như Trần Duyên Tưởng, Trần Đới, Viêm Tịnh, hoặc ở tác giả lúc đó chỉ nổi tiếng là một nhà phê bình: Cao Huy Khanh.

Theo tác giả, nói chung, “Văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 mang dáng dấp một nền văn học “mở”, đa sắc màu. Mỗi người sáng tác, người đọc đều có quyền khẳng định tiếng nói của mình. Còn tiếng nói đó có được nhiều người đồng cảm hay không là một chuyện khác. Dẫu sao, đó cũng là điều may mắn. Vì nó hứa hẹn cho một thời kỳ nở rộ trong thơ, chứ không phải sắp sẵn như “những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”! Chính vì vậy nên từ khoảng 1965, song song với chiến cuộc ngày càng lan rộng, lớp nhà thơ mới đã thật sự “trăm hoa đua nở”. Nhưng thật đáng tiếc là sau năm 1975 cho đến tận hôm nay, các tổng kết hầu như chỉ ghi nhận thơ tự do là dấu ấn đậm nét của văn nghệ miền Nam, mà quên mất những khám phá, thành tựu của lớp cầm bút trưởng thành trong giai đoạn sau cột mốc 1965!” (trích ý “Vén mây một thuở” – bài đầu tiên của tập Vén mây).

Với tập Vén mây này, người đọc dễ nhận thấy, tuy vẫn không thể tránh khỏi có hơi hướm hoài niệm và phần nào đề cao quá khứ, vì trong đó có một phần hình bóng của chính bản thân mình được phản ảnh qua những người bạn thơ đồng cảnh ngộ, tác giả Võ Chân Cửu vẫn giữ được xuyên suốt thái độ trình bày vấn đề một cách bình thản, nhẹ nhàng, tương đối khách quan, không tỏ ra quá bực dọc đối với một số điều bất như ý trong điều kiện sinh hoạt văn chương hiện tại (từ sau 1975). Trừ một vài câu nhận xét bóng gió chẳng đặng đừng, rải rác được chen vào, mà người đọc dù ở bất cứ cương vị hay lập trường chính trị nào cũng có thể nghe thấy hữu lý và chấp nhận được. Cách nói năng, đánh giá, phê bình, khen chê của Võ Chân Cửu trước sau đều trông có vẻ ôn nhu, hiền lành, như chính tính tình và lối sống thực tế ngoài đời của anh vậy! Nên tôi tin chắc chắn anh sẽ đạt được thiện cảm của nhiều thành phần độc giả, kể cả đối với một số người khó tính trong mức bình thường.

Gộp chung cả ba tập lại, từ 22 tản mạn cho đến Vén mây, có thể nói đây là một tập hợp tư liệu quý hiếm, không phải ai cũng làm được. Những bài nghiên cứu về thơ ca miền Nam giai đoạn 1954-1975 được viết theo lối tản mạn, có thể là nguồn giá trị để làm “khung xương” cho một bộ nghiên cứu chính thức nào đó sau này.

*

Trong bìa sách 22 tản mạn có giới thiệu về chủ đề Tản mạn về nghệ thuật thi ca và Mặt tiền nghệ thuật tác giả sẽ thực hiện. Rất mong chúng sẽ tiếp tục được hoàn thành, để giúp cho thế hệ trẻ và cho tất cả những người quan tâm văn học có được tài tiệu tham khảo tốt (hiện đang rất thiếu). Đây cũng là một cách để bổ sung về mặt lý thuyết cho những công trình “tản mạn” mà tác giả Võ Chân Cửu đã tạo được dấu ấn trong mấy năm vừa qua.

(Tháng 9.2016)

Comments are closed.