Tiềm sinh (*)

Truyện Ngô Thị Kim Cúc

Văn-Kim-Cuc_thumb

Tiếng người nữ tiếp viên trong máy kéo tôi ra khỏi cơn mơ màng. “Phi cơ sắp đáp xuống phi trường Đà Nẵng. Xin quý khách cài lại giây an toàn”. Trí óc đang chập chờn nửa tỉnh nửa mê bỗng trở nên sáng suốt. Tôi nhoài mình nhìn xuống. Ngũ Hành Sơn hiện ra bên dưới, cô tịch trong làn nước xanh. Trời nhiều mây. Máy bay lượn vài vòng. Những căn nhà chi chít lớn dần, lớn dần qua cửa kính. Tim tôi thắt lại. Không làm sao diễn tả hết nỗi xúc cảm lạ lùng trong tôi. Dù sao thì tôi cũng mới mười chín tuổi và đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình lâu đến thế. Hơn một năm. Hẳn là bao nhiêu thay đổi.

Tiếng động cơ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Hành khách nối nhau bước xuống. Tôi ngồi yên trên ghế, cốt để lòng bình tĩnh lại trước khi đặt chân xuống vùng đất thân yêu. Tôi bước ra sau cùng. Viên phi công mỉm cười, gật đầu chào. Một làn gió ùa tới, thổi tung hai vạt áo dài bay phất phới như reo vui.

Những bạn đồng hành của tôi có vẻ hăng hái quá. Họ mang đủ loại giỏ xách cồng kềnh và đã vượt qua cánh cổng dẫn vào phòng đợi. Hình như gió chẳng lạnh chút nào đối với họ. Mọi người hối hả lên xe ca. Tôi vẫn là kẻ sau cùng. Người bạn trai quen trên phi cơ nhường một phần ghế. Xe chuyển bánh. Khu vực phi trường lùi lại. Con đường dẫn vào thành phố ngắn dần. Hai mắt tôi mở to như muốn nuốt chửng hết cả cảnh vật. Nhưng một nỗi thất vọng se thắt xâm chiếm hồn tôi. Đây là thành phố của tôi sao? Là thành phố bậc nhì của Việt Nam sao? Có phải thành phố mà suốt một năm qua tôi vẫn nghĩ là đẹp nhất thế giới không? Sao có vẻ bơ phờ xơ xác thế này? Sao có vẻ điêu tàn bất ổn thế này?

Những dãy nhà thấp lè tè nối đuôi nhau chạy qua trước mắt. Đường hẹp, chỉ vừa đủ cho hai xe tránh nhau. Những người đi trên đường nép vào một bên, nhìn theo xe ca. Hẳn họ đoán được chúng tôi là những kẻ về quê ăn tết. Hai mươi bốn tháng chạp rồi còn gì.

Hai bên đường không một bóng cây. Dù gió lạnh, nắng vẫn có vẻ chói chang. Bụi mù thốc lên về phía sau xe.

Bên tay mặt, dòng sông Hàn nước vẫn xanh và đẹp. Xe qua đường bờ sông. Ngày xưa đây là con đường đẹp nhất của thành phố. Bóng mát những hàng cây là nơi dạo chơi lý thú vào mỗi buổi chiều.

Gió từ mặt sông thổi lên, mọi người xuýt xoa vì lạnh. Người bạn trai hỏi tôi:

-Chị có cảm thấy chi không?

-Vui, nhưng buồn buồn.

-Có vẻ bị tàn phá phải không chị? Tàn phá kỹ quá.

-Chiến tranh mà anh. Với lại, đây là vùng địa đầu.

Im lặng. Chúng tôi cùng đưa mắt nhìn xuống đường. Người bạn thêm:

-Tệ hơn năm ngoái nhiều quá. Càng ngày càng tệ. Tệ hơn mình nghĩ nhiều.

Tệ hơn mình nghĩ nhiều. Thật vậy, mười tám năm tôi đã thở, ăn, ngủ, học hành một cách bình thường trong thành phố. Trong tôi, thành phố vẫn còn nguyên vẻ đẹp ngày xưa, dù cho cây càng ngày càng khô, đường càng ngày càng lở, Mỹ càng ngày càng nhiều. Vậy mà chỉ cần một năm xa cách, cái nhìn của tôi bỗng trở nên khách quan, một cách đáng chua xót. Nhưng dù sao đi nữa thì chính lòng người mới đáng kể.

-Chị có tính đi đâu không?

-Nhiều lắm. Tôi định đi tất cả các bãi biển, tất cả những ngọn núi, những cánh rừng thuộc thành phố chúng ta. Thanh Bình, Nam Ô, Mỹ Khê, Nam Thọ, Non Nước, Sơn Chà, Túy Loan, Phước Tường, Hòa Minh, Mỹ Thị…

Tôi tuôn ra một hơi, quên cả một vài địa danh nay chỉ còn nghe mà không được đến nữa, đã trở thành đất cấm. Người bạn, có vẻ chín chắn, hẳn có nhiều kinh nghiệm hơn tôi, cười cười:

-Để rồi coi thử chị đi được bao nhiêu chỗ.

Ga hàng không như thu nhỏ hẳn lại. Một dãy xích lô chờ sẵn bên đường. Phương tiện di chuyển duy nhất trong thành phố là xích lô đạp. Lác đác dăm chiếc xe jeep nhà binh, vài chiếc xe gắn máy với những gương mặt đầy vẻ nôn nao. Trong vòng rào của một trại lính bên kia đường, vài người lính đứng trông sang bên này.

Tôi vừa đặt chân xuống đường, một bác xích lô đã chạy tới:

-Cô đi xe, cô?

-Dạ, chú chờ cháu lãnh hành lý đã.

Người phu xe chạy vội lại rũ chiếc nệm ngồi. Tôi bước đi, thanh thản giữa đám đông. Không có ai đi đón cả. Tôi muốn về một cách bất ngờ mà. Quanh tôi là một không khí tin cẩn và thân thiện. Chiếc xe vận tải lớn chở hành lý từ phi trường đã về tới. Hành khách chen nhau vào kho. Những kiện hàng, va li được đẩy từng thứ một từ sàn xe xuống nền kho nhờ hai tấm gỗ. Phương tiện thật đơn sơ. Những cành anh đào cũng chịu chung số phận. Đó là hành lý của chuyến bay Đà Lạt. Mùi hôi của những bắp su mủn nát xông lên. Tôi nhận ra chiếc va li của mình trong đống hành lý hỗn độn kia. Trình thẻ cho nhân viên kiểm soát, tôi thấy ông chỉ liếc sơ qua rồi để mặc tôi xách lấy. Một người phu xe chạy đến đỡ chiếc va li trên tay tôi:

-Xe đây cô. Đi ngả ni nì.

Tôi theo sau, không để ý rằng bác không phải là người lúc nãy. Ra đến cửa, người phu xe lúc nãy trông thấy, cằn nhằn:

-Vừa vừa thôi chớ anh. Khi sáng tới chừ tôi chờ ở đây chưa được chuyến mô. Có khách thì anh dành mất.

Người phu xe già làm như không nghe thấy, vẫn lầm lũi bước. Đầu tóc hoa râm của ông cúi xuống, có lẽ không phải vì sức nặng của chiếc va li. Người phu xe trẻ nhìn bằng đuôi mắt rồi bỏ đi, lưng chiếc áo ấm nhà binh cũ đã bạc màu phồng lên vì gió.

Một chị bạn học năm đệ nhất của tôi ôm mấy cành đào nhìn ngược nhìn xuôi, trông thấy tôi reo lên:

-Mới về hả? Sài Gòn? Vui không?

Rồi chẳng đợi câu trả lời, chị bươn bả đi về hướng một chiếc xe đang đợi sẵn. Ai cũng nôn nóng muốn về nhà ngay.

Tôi leo lên, nói tên đường cho bác phu xe. Đó là con đường dài nhất dẫn đến nhà tôi, con đường tôi đã đi lại suốt bảy năm trung học. Mười một giờ. Đường còn vắng tanh. Giờ bãi học thường lệ mười hai giờ.

Ngang qua ngôi trường cũ, trông thấy những dãy lầu bé nhỏ thân yêu, tôi chỉ muốn chạy ngay vào để thăm lại các thầy. Một đám học sinh đứng trước cổng trường, nhìn tôi với vẻ tò mò lẫn thích thú.

Đường quá tệ, nhiều đoạn thiếu cả lề để phân biệt lối cho xe và người đi bộ. Dù bác phu xe cố tránh, tôi cũng thót cả ruột gan vì bị dằn xóc.

-Đường xấu ghê, bác hỉ?

-Nói chi nữa, cô, Tụi Mỹ mà. Tụi hắn chạy xe có kể chi. Lở đường lở sá hết. Quẹo ngả kia, cô hỉ.

Tôi gật đầu cho bác rẽ trái. Đây là đường dẫn tới trường tiểu học cũ của tôi. Những hàng phượng đã bị đốn ngã khiến tôi thấy là lạ. Hình như nhà thầu chỉ chờ cơ hội là đốn hết tất cả cây của thành phố. Ngày xưa, đi học ít khi tôi đội nón. Vì biếng nhác cũng có mà vì ỷ lại vào những bóng mát cũng có. Bây giờ? Tôi thở dài. Không biết những người có trách nhiệm với thành phố nghĩ sao về vấn đề này.

Xe chạy ngang qua khu chợ sầm uất nhất. Dù quang cảnh nhộn nhịp, vẫn không giấu được một vẻ gượng gạo rất khó tả. Bạn hàng họp chợ choán cả một phần đường. Dân thành phố ngày càng gia tăng. Dù bị mệnh danh là thành phố chiến tranh, hầu như dân các tỉnh lân cận đều đua nhau đổ dồn về Đà Nẵng. Để lánh nạn chiến tranh!

Một anh bạn trong đoàn văn nghệ học sinh đi trên lề, trông thấy tôi, kêu lên. Tôi không nghe rõ, định ngoái đầu dòm lại thì đã vội thụt ngay vào vì một chiếc Honda phóng ngang qua. Xe cộ đông nghẹt, chen chúc nhau.

Người cảnh sát loay hoay trên cái bục giữa ngả tư trông thật vất vả. Chẳng rõ bao giờ mới có một hệ thống đèn lưu thông.

-Chợ tết năm ni có vẻ buồn bác hỉ?

-Chớ tui hỏi cô, tiền mô mà mua sắm nữa. Làm ho ra máu cũng không theo kịp. Vật giá đắt đỏ, gạo mắm leo thang. Tui đạp xe từ năm giờ sáng tới tối mịt, giành giật từng người khách mới được vài trăm bạc. Riết rồi không ai đi xe nữa. Họ đi bộ. Thắt lưng buộc bụng, khắc khổ cô ơi.

Tôi cười, xót xa. Chiến tranh khiến dân chúng trưởng thành. Bác phu xe đã nói một cách tự nhiên và sành sõi những danh từ lẽ ra dành cho các chính trị gia, kinh tế gia.

Tôi nhìn hai bên đường. Ngõ vào nhà sao lạ hoắc thế này. Những dãy nhà lầu mới mọc lên, vênh váo. Tôi trả tiền, chào bác xe. Chiếc va li khiến tôi không thể bước nhanh. Còn mấy thước mà sao nôn nóng quá sức, chỉ muốn bay ngay vào nhà.

Chị Duyên đang rửa ly tách trước hiên trông thấy tôi trước nhất. Chị phóng ra cổng, giằng lấy chiếc va li trên tay tôi, kêu lớn:

-Thu về, Thu về, mấy đứa ơi…

Hai em tôi chạy ra. Chao ơi, sao chúng thay đổi nhiều thế. Bé Tâm năm ngoái tóc cũn cỡn như con trai giờ đã phủ ngang vai, cặp mắt to lém lỉnh chớp lia chớp lịa. Vũ, cậu em út thì đứng cắn móng tay, nhìn tôi, cười cười. Tôi nhảy một bước dài, bế thốc Vũ lên rồi ôm lấy Tâm, siết mạnh. Cả bốn chị em cùng ré lên cười.

Chị Duyên soạn các món đồ ra, sắp lên đi-văng. Thỉnh thoảng chị ngước nhìn tôi, hai mắt long lanh. Có lẽ chị cũng như tôi, mừng đến nghẹn ngào. Tôi chạnh nghĩ, mai kia lỡ hai đứa có chồng xa nhau, làm sao chúng tôi chịu nổi.

-Răng hôm qua Thu không về đưa ông Táo cho vui?

-Em mua vé không được, phải nhờ mấy người bạn. Chen không nổi nơi.

Tôi cởi giày, đi lung tung từ nhà trên xuống nhà dưới, từ buồng trong ra buồng ngoài.

-Cha chưa về hả chị Duyên? Mẹ cũng chưa nghỉ bán hả?

-Gần mười hai giờ, cha cũng sắp về rồi đó. Mẹ thì chỉ còn bữa ni là nghỉ tết luôn.

Cha tôi đi làm ở sở chẳng nói làm gì, mẹ tôi cho đến hôm nay vẫn còn phải bon chen, vậy mà gia đình cũng chỉ vừa đủ sống.

Căn nhà thân yêu của tôi vẫn không có gì thay đổi. Vẫn bé nhỏ, ấm cúng và quen thuộc. Phía sau nhà, những cây sầu đông, cây ổi khô đã bị chặt từ bao giờ.

-Cha về! Cha ơi, chị Thu về nì. Chị Thu ơi, chị Thu…

Tâm vừa gọi vừa chạy xuống. Tôi đi lên. Cha tôi dựng xe, gỡ kính, nhìn tôi:

-Con về chuyến bảy giờ hả? Thay đồ đi con. Rồi nghỉ một chút đi xuống hàng cho mẹ mừng.

Giọng cha tôi hiền từ. Vầng trán cha hình như nhăn thêm và mái tóc bạc thêm. Ôi, đến bao giờ cha mới được nghỉ ngơi.

Tôi thay chiếc áo dài đã nhàu, mặc áo cụt của chị Duyên. Hai đứa đi xuống chợ. Buổi trưa, gian hàng vắng khách. Mẹ tôi đang ngồi trầm ngâm. Tôi đi vào. Hình như mẹ tôi giật mình. Bà đứng lên:

-Chao ơi, Thu đó hả con? Răng không đánh điện cho chị đi đón?

Tôi ngồi xuống bên mẹ. Mẹ đặt tay lên vai tôi, vuốt tóc, vuốt lưng, nhìn tôi từ đầu đến chân.

-Tóc con dài quá. Con xanh hơn năm ngoái, ốm nữa.

Tôi cúi đầu, mân mê bàn tay gầy của mẹ, kể cho mẹ nghe về chuyến hành trình vừa rồi. Đôi mắt mẹ không rời tôi và tôi cảm thấy mình đang nghe thay vì nói. Trong đôi mắt mẹ, hình như những câu hỏi thành hình. Mẹ hỏi tôi đã sống thế nào, đã ăn ngủ thế nào trong cả một năm trời xa mẹ. Và trong bàn tay mẹ, tôi cảm thấy suốt đời mình vẫn chỉ là một bé con yếu đuối.

Trong nhà tôi, việc đón tết coi như đã sẵn sàng. Những đồ thờ bằng đồng đã được đánh bóng, sáng rỡ. Màn cửa đã được thay mới. Những tủ chén dĩa ly tách đã được soạn ra. Mẹ tôi đã nghỉ bán và chị Duyên đã nghỉ sở dành hết thì giờ vào việc sửa soạn tết.

Mẹ mua những thứ trái cây để làm mứt chất đầy nhà. Cả ngày mẹ và chị Duyên bận tíu tít với những con dao và cái lò rim mứt. Mẹ chỉ thêm cho chị Duyên vài kiểu mứt mới, và tôi chỉ là kẻ dự thính trong những buổi đó.

Nhìn chị Duyên gọt tỉa công phu những củ cà rốt, củ cải, tôi có cảm tưởng lọ dưa chua của chị hẳn phải ngon gấp mười lần những thứ dưa thường. Mà thật thế, chỉ nhìn những chiếc thẩu trong những ngăn tủ kính đã thấy một công trình không phải nhỏ. Những trái kim quật mọng nước đường, vàng óng ả, những múi mứt mãng cầu trắng đục trong lớp giấy gương. Thẩu mứt chùm ruột với những trái bé xíu màu đỏ thẫm. Rồi mứt cà chua, mứt khế, mứt hồng, mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt hạt sen… cứ loạn cả lên. Đã hết đâu. Lại còn bánh khô, bánh tổ, bánh nổ…, hạt dưa, hạt bí đầy các ngăn khiến hai em tôi cứ luôn miệng trông mau tết. Tôi giành làm mứt me dầm. Đó là món ruột của mấy đứa tôi.

Mấy năm nay, cha tôi không còn bỏ công chăm sóc những chậu cúc, vạn thọ, thược dược vào dịp tết nữa. Hình như ông đã cảm thấy mỏi mệt với công việc ở sở làm. Cành mai nho nhỏ đã được cha tôi cắt tỉa cho vừa mắt. Không đẹp nhưng có còn hơn không. Cha tôi bảo thế. Làm gì có mai đẹp. Mai chỉ có ở vùng quê. Mà quê thì chạy hết ra thành phố. Tết đến, về quơ quào vài cành, những cành mai đã được cây tự nuôi lấy không có bàn tay của chủ vườn thì đẹp thế nào được.

Chiều hăm tám. Tôi đòi chị Duyên dẫn đi dạo phố mà tôi nói là “Em quên hết rồi, không có chị thì đi lạc đường”. Tôi giả vờ thế chứ chỉ có mấy con đường, nhắm mắt tôi còn đi được nữa là.

-Với lại cả năm rồi hai đứa mình chưa đi với nhau lần mô cả.

Lẽ ra tôi không cần nói thế, vì chị Duyên sẵn lòng chiều tôi. Chị nhắc tôi khoác thêm măng tô. Từ hôm về, tôi chẳng dám đi đâu. Trời lạnh quá.

Đường phố khá tấp nập. Dù chiến tranh giày xéo, dù cuộc sống dằn vặt, ngày tết vẫn là những ngày thiêng liêng nhất.

-Đẹp ghê chị Duyên hỉ, cái cảnh phố xá như ri. Ai cũng mặc áo ấm. Chị coi, gió thổi tung cả tóc mấy người kia.

Hình như khu phố chính quy tụ tất cả những khuôn mặt trẻ quen của thành phố. Trong những tiệm cà phê hai bên đường, khói thuốc tạo thành những khung cảnh ấm êm.

Một đám thanh niên khoác măng tô Đà Lạt đi ngược chiều, ngoái đầu lại nói lớn:

-Trời ơi, răng hai người giống nhau thế ni. Chị em hả?

Chị Duyên nhìn sang tôi. Chúng tôi mỉm cười với nhau.

Hai chị em ghé vào một hiệu sách. Chị Duyên tới chọn nhạc ở kệ nhạc. Tôi đi thẳng vào phía trong. Một thanh niên đang giở mấy cuốn tạp chí Anh quay lại. Đó là Hà, một người bạn học hơn tôi vài lớp.

-A, Thu! Mới về hả?

-Dạ. Anh cũng mới vô?

-Cả một tuần rồi. Trường chưa nghỉ nhưng anh chuồn đại.

-Gan hỉ. Huế có chi vui không anh?

-Không khí ngoài nớ cũng từa tựa Đà Nẵng thôi. Không có chi đáng nói.

Hà ngắm chiếc áo tôi đang mặc, chiếc áo dài màu xanh.

-Chao ôi, lớn quá. Răng, có chi vui chưa cô bé? Vĩnh gởi thư thường chớ?

Tôi dạ khẽ, đỏ mặt vì câu nói của Hà. Lớn? Tôi lớn thật hay chỉ vì chiếc áo dài? Tôi chỉ mới mặc áo màu cỡ một năm nay. Hà kể một vài kỷ niệm thời còn ở trung học. Anh nhắc tên một vài người bạn hiện đang học ở Huế mà tôi nghe thật quen.

-Thu đi một mình?

-Dạ không, với chị của Thu.

Tôi chỉ về phía chị Duyên. Vừa lúc chị trả tiền xong. Tôi chào Hà. Anh nói:

-Tết anh tới nhà Thu đó. Nhớ để dành hạt dưa nghe.

Bước ra đường, tôi thấy vui hẳn lên. Về đây, thật dễ gặp lại người quen. Ở Sài Gòn, dù thật thân nhau, nếu học khác phân khoa thì mỗi năm tôi chỉ tới nhà bạn độ vài lần. Đứa ở đầu thành phố, đứa ở cuối thành phố, đi lại thật nhọc nhằn. Chen chân giữa một rừng xe cộ là điều tôi kỵ nhất.

Ở đây, tôi có thể thủng thẳng thả bộ tới nhà từng đứa một, hoặc xuống các hiệu sách, thế nào lại chẳng gặp bạn cũ.

-Đi một vòng bờ sông nghe chị Duyên?

-Ờ, nhưng lạnh lắm, Thu đi nổi không?

-Được mà.

Hai chị em rẽ sang con đường thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Gió khiến tôi không bước đi được. Phổi tôi nặng nề như có nước đá. Tôi cứ nấp sau lưng chị Duyên, hít hà, khiến chị buồn cười. Đường Bạch Đằng tương đối còn khá. Có lẽ vì có tòa Thị chính ở đó. Phía trước tòa Thị chính, cái ghế đá dưới giàn hoa giấy đã bị rào lại. Giàn hoa héo xàu, buông thõng những dây leo mỏi mệt trước cái nhìn thất vọng của tôi. Đây là nơi một vài năm trước lũ bạn và tôi vẫn thường xuống ngồi khi có những giờ nghỉ. Và thường thường, cho đến lúc nước sông dâng lên, vỗ vào bờ, làm bắn lên mình, chúng tôi mới đứng lên, ra về.

Về phía tay mặt, ngọn Sơn Chà vẫn ung dung với một đám mây lững lờ trên đỉnh. Đó là một điểm lý tưởng cho những buổi picnic vào ngày xưa. Con suối nhỏ và những bãi hoa dại là nơi ghi rất nhiều kỷ niệm thuở mười lăm, mười sáu của tôi. Đã mấy năm rồi, Sơn Chà trở thành vùng cấm địa, từ khi có những giàn ra đa được đặt trên đỉnh núi. Như một may mắn hiếm hoi, chúng tôi đã được đặt chân lên dãy núi này trong một cuộc trại sinh hoạt. Tôi đã đứng ở lưng chừng núi, ngơ ngác nhìn chung quanh. Phía dưới chân núi, những dãy nhà gỗ đẹp đẽ và kiêu hãnh, hình như là một bệnh viện ngoại quốc. Trên sườn núi cheo leo, những người phu Việt Nam đang lầm lũi làm việc dưới nắng. Họ đưa cao búa đập liên tiếp trên những tảng đá lớn. Một vài người quảy những chiếc thúng nhỏ bước men trên những sườn núi. Trông họ từa tựa những tù nhân, hay tệ hơn, những nô lệ. Có một nhà máy xay đá gần đó thì phải.

Bây giờ, tôi đứng bên bờ sông Hàn nhìn lên đỉnh Sơn Chà, như nhìn một miền đất xa xôi nào đã-không-còn-là-của-tôi-nữa.

Gió lồng lộng. Bốn tà áo dài quấn lấy nhau. Nước sông đập vào bờ làm bập bềnh một vài giề lục bình lẻ loi. Có lẽ chúng đã trôi đến từ một nơi xa lắm. Tôi phục những cái hoa cánh tím mỏng manh kia đã tấp được vào đây. Bất cứ thứ gì trôi ngang qua chân cầu Trình Minh Thế đều bị bắn nát.

Bên kia đường, tòa nhà bưu điện mới xây cất, đẹp đẽ, trang trọng. Phía trước vẫn còn những bức tường đổ nát, di tích một thành trì ngày xưa của Nguyễn Tri Phương. Những họng súng cổ lỗ đã bị rỉ sét chĩa về hướng sông, có lẽ sẵn sàng nhả đạn vào tàu binh Pháp. Vài hôm nữa, chắc người ta sẽ đập phá hết để xây hàng rào.

Phía trên đầu tôi, bầu trời bị chia nhỏ vì những nhánh cây. Những cây còng khô héo, đưa những cành trơ trụi như những bàn tay. Những cây còng thân yêu ngày nào. Thuốc khai quang đã khai tử chúng.

Chị Duyên chỉ cho tôi:

-Đây này, Thu, những cây mới đang được trồng lại.

Tôi nhìn mấy cây dừa con còi cọc, ngao ngán. Đến bao giờ chúng mới có thể thay thế được những hàng cây cũ? Bao giờ chúng mới cho tôi, cho lũ em tôi một bóng mát? Thuốc khai quang đã khai quang cả bóng mát của tuổi thơ. Thảo nào tâm hồn của những người hai mươi hôm nay đều cháy nắng, cằn cỗi.

Hai chị em đi chầm chậm. Ngang qua một căn cứ hải quân Mỹ, mấy viên sĩ quan mặc những bộ quần áo dạ đút tay trong túi quần nhìn chúng tôi. Có lẽ họ thắc mắc không hiểu chúng tôi đứng nhìn cái gì ở bờ sông vào một lúc lạnh lẽo thế này.

Cầu Trình Minh Thế vẽ những đường cong rất đẹp trên nền trời trắng đục. Ngày xưa, cầu có tên một viên tướng đã đánh nhau ở Việt Nam: De Lattre. Tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới được đứng tì tay một cách thoải mái trên những lan can cầu để ngắm dòng nước đang trôi bên dưới. Bây giờ, những cặp mắt và những họng súng trên những vọng gác là một đe dọa thường xuyên cho các bộ hành.

Cổ viện Chàm nằm khuất bóng, buồn rầu ở một góc phố. Cây đa lớn vẫn sum suê. Trong óc tôi, những hình ảnh cũ hiện ra. Tôi đã đến đây nhiều lần, đã chơi trên những cầu tuột, xích đu kia, đã chăm chú vẽ cho giống một bức tượng Chàm như lời cô giáo bảo. Một dân tộc đã bị tiêu diệt. Đây là những gì còn lại của nền văn hóa ấy.

Mấy người cảnh sát đã chiến đóng phía trong sân, nằm ngồi la liệt. Rất nhiều kẽm gai giăng kín lối ra vào. Tôi nhớ tới lời hứa với lũ em. Làm sao dẫn chúng vào xem như chúng vẫn ao ước đây. Những bức tượng thấp thoáng bên trong hình như đang nhìn ra bên ngoài, qua những vòng kẽm gai. Hình như chúng cũng có những ước ao nào đó, muốn được thoát ra ngoài những vòng kiềm tỏa. Tôi tự hỏi có bao giờ mình cũng biến thành những bức tượng như thế chăng.

Không!!! Tôi kéo tay áo chị Duyên. Hai đứa đi lui trở lại.

-Kẽm gai nhiều quá, chị Duyên ơi!

Không nhìn tôi, chị Duyên quay ra phía dòng sông.

-Nước sông Hàn trong và xanh ghê chưa. Vậy mà đã có một thời gian nước đục đi vì lụt đó, Thu nợ.

Tôi ậm ừ. Vâng, có lẽ nước sẽ cuốn trôi tất cả rác rưởi ra một vùng biển xa xăm nào đó.

Khi đã mỏi chân và không còn chỗ nào để đi, trời đã tối, chúng tôi ghé vào chợ. Chị Duyên mua thêm vài ký kẹo, mấy chai rượu, một ít trái cây. Đó là thứ dành cho bọn trẻ tuổi. Phố đã lên đèn từ lâu. Ai nấy vội vã bước nhanh.

-Tết mới được đông người như ri. Thu biết không, ngày thường cỡ bảy tám giờ là người ta lo đóng cửa hết cả. Dạo ni hay bị nổ lắm.

Tôi nhìn quanh. Quả thật phố xá đã mất hẳn cái sinh khí một ngày cận tết. Có phải là bảy giờ bốn mươi chiều hăm tám tháng chạp không đây?

Trong một quán cà phê, người thu ngân ngồi chống tay nhìn những bàn ghế trống. Một giọng hát rã rời vọng ra:

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây…”.

Đời sống và nỗi chết ôm lấy nhau.

***

Ba mươi tếr. Từ sáng sớm, mẹ và chị Duyên đã lo gói bánh tét. Mẹ muốn nấu chín để kịp vớt cúng giao thừa. Tôi đã làm bữa cơm rước ông bà. Tụi em lăng xăng bên tôi, lặt rau, gọt trái cây. Đứa trẻ giúp việc đã xin về nhà từ hôm hai mươi. Mẹ vẫn chú ý vào việc làm của tôi, từng lúc. Mẹ bảo:

-Tập làm cho quen, lớn rồi.

Câu nói của mẹ khiến tôi cúi mặt. Tôi nghĩ tới Vĩnh. Lá thư của anh, tôi vẫn còn cất trong tập, chưa trả lời.

Còi hụ mười hai giờ. Chúng tôi dọn cơm lên cúng. Cha tôi quỳ trước bàn lâm râm khấn vái. Đèn sáng trưng. Tấm vải điều phủ trên bức hình ông nội bà nội được giở xuống khiến tôi thấy bàn thờ có vẻ là lạ.

Buổi chiều, khi mọi công việc đã xong xuôi, tôi xin phép mẹ ra khỏi nhà, nói là đi xem cảnh đường phố chiều ba mươi tết. Tôi dắt theo hai đứa em. Trời lạnh cắt ruột. Mặc hai áo len, khoác thêm áo choàng, thế mà hai hàm răng tôi cứ đập vào nhau. Hai em tôi có vẻ thích thú được đi như vậy lắm. Chúng ôm lấy hai cánh tay tôi.

Tôi hỏi đứa em về thầy cũ, một giáo sư văn:

-Thầy Quân còn dạy trường Tâm không?

-Dạ, hết rồi. Thầy về hưu rồi.

-Chừ thầy làm chi?

-Em cũng không biết nữa. Mà đều mấy đứa trong lớp nói là thầy đi xe thồ.

Đi xe thồ. Đó đâu phải là nghề của một người ốm yếu, ít nói như thầy. Tôi nhớ đến hai người con thầy, đều đang học sư phạm ở Sài Gòn. Vài năm nữa, họ sẽ ra trường, tiếp tục nghề dạy của cha. Thầy Quân đã dạy tôi, dạy em tôi và bây giờ thầy đi xe thồ.

Ba chị em đi qua chợ. Những ngọn đèn soi rõ bức tranh hỗn độn. Trên mặt sình màu đen sánh đặc, lăn lóc những trái cây thối, những giấy gói, những rác rến của cả một năm cũ. Thật không còn gì xơ xác hơn cảnh chợ chiều ba mươi. Vài gian hàng vẫn còn mở cửa, cố níu kéo những người khách cuối cùng. Tiếng một người đàn bà vọng ra:

-Chao ơi, bán đổ bán tháo thế ni mà cũng không ai mua thì làm chi cho hết hả trời!

Tôi nhìn vào. Những đống bom, cam cao ngất nghểu như nhạo báng nỗi tuyệt vọng của người chủ hàng. Dù có nhiều vitamin, trái cây vẫn là một thứ xa xỉ phẩm.

Những bãi rác khổng lồ khắp đường bốc một mùi chua thật gớm ghiếc khiến tôi lợm giọng. Một gian hàng hoa được dời ra ngay trên mặt đường. Người bán mời tôi, gần như nài nỉ:

-Cô ơi, mua giùm một chục đi cô. Tươi lắm, ngày mai mở vừa kịp đó.

Ban chiều mẹ tôi đã mua mấy chục hoa rồi nhưng tôi vẫn dừng lại. Những bó huệ trắng muốt óng ánh nước. Những búp glaieul tươi rói. Tôi lựa mấy hoa cúc vàng, một búp hồng đỏ, vài nhánh măng tây rồi trả tiền. Người đàn bà thối lại, rối rít cám ơn. Nhìn lên ngực bà, tôi thấy miếng băng tang.

Bước đi, tôi chia cho hai em mỗi đứa một hoa cúc:

-Hoa cúc tượng trưng cho sự cao quý của dòng giống.

-Việt Nam hả chị Thu?

Câu hỏi của Vũ bất ngờ nhưng tôi cũng ừ.

Đường vắng tanh. Thỉnh thoảng một người còng lưng trên chiếc xe đạp vút qua. Trước mắt tôi chỉ có những ngọn đèn đường. Ánh điện rải một thứ ánh sáng trễ tràng lên mặt đường dơ bẩn. Khuất trong tối, người phu quét đường chậm chạp đưa từng nhát chổi. Có lẽ ông ta là người phải làm việc cho đến tận phút chót của năm.

Đến khu phố chính của thành phố, ba chị em tôi quay lại. Gọi một chiếc xích lô vừa trờ tới, chúng tôi ngồi lên. Hai em tôi có vẻ đăm chiêu, chẳng hiểu chúng đang nghĩ gì. Tôi gợi chuyện với bác xe:

-Giờ ni bác còn chạy xe nữa không bác?

-Định chở cô xong tui về đây. Còn rước ông bà nữa cô ơi.

Tôi ngồi im, không dám hỏi thêm. Với người nghèo, cái khổ phải được chia cho cả ông bà nữa.

Vũ chỉ vào bóng của chúng tôi in trên đường, reo lên. Cái bóng đổ về phía trước, chạy lùi chầm chậm, ngắn dần, đứng lại, rồi ngã về đàng sau, lúc một dài ra. Tôi giải thích hiện tượng đó do những ngọn đèn đường cách quãng nhau, cái bóng khi đến gần một cột đèn nào sẽ đổi chiều theo cột đèn đó.

Hình như lâu rồi các em tôi không có dịp đi đâu vào ban đêm. Đà Nẵng giới nghiêm từ chín giờ tối.

***

Chiều mồng một, tôi ngồi khai bút cho Vĩnh. Đã ba năm nay. Luôn luôn Vĩnh là người tôi viết cho trước tiên. Tách trà xanh trên bàn vẽ những đường khói ẻo lả trên bức tường màu xanh. Cành mai chỉ mới nở vài bông. Hình như vì trời lạnh quá. Đóa hồng tôi cắm trong chiếc lọ vừa hé nở, tỏa một mùi thơm rất nhẹ. Đỉnh trầm nghi ngút khói trên bàn thờ khiến không khí quanh tôi có vẻ ấm áp và thanh thoát.

Tôi đọc lại bức thư của Vĩnh: “… Dù đã tự hứa là sẽ không buồn, anh biết mình sẽ chẳng giữ được lời. Lần này là lần thứ ba anh đã phải ăn tết một mình. Kể ra cũng có bạn bè đó nhưng họp nhau lại mà mặt đứa nào cũng buồn bã, đăm chiêu thì cũng chẳng hơn gì. Vả lại, thành phố này có rất ít sinh viên Việt Nam.

Không đâu bằng quê hương cả, Thu nhỉ. Dù quê hương có điêu tàn xơ xác hay thế nào chăng nữa. So sánh thành phố của chúng mình và thành phố anh đang sống, về phương diện kỹ thuật, thật là một trời một vực. Nhưng anh tin chắc chẳng có dân tộc nào trên thế giới chịu đựng được một cuộc chiến tranh dằng dai như trên quê hương mình.

Ở đây bình yên quá, sự bình yên đôi khi khiến anh khó chịu. Nhiều lúc anh có một ao ước rất độc ác là phải chi nơi này cũng biến thành một vùng lửa đạn, để anh xem phản ứng của dân chúng thế nào. Họ sống hồn nhiên quá, hơn cả trẻ em nước mình.

Nhiều đêm khi giật mình thức giấc, anh không sao ngủ lại được vì cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Hình như là tiếng súng ì ầm, hình như là tiếng phản lực cơ gầm gừ, hay là cái ánh sáng hỏa châu bệnh hoạn. Tuổi trẻ mình đã bị buộc chặt với chiến tranh mất rồi. Anh ngồi dậy mặc quần áo vào, đi xuống những công viên trong thành phố. Sau một ngày sống no đầy, thành phố ngủ một giấc thật phủ phê. Anh cắm cúi bước đi như một tên không nhà. Những đóa hoa trong vườn như kiêu ngạo với vẻ đẹp của mình, lộ vẻ trêu cợt sự điên rồ của anh, lang thang vào lúc hai ba giờ khuya trong mưa tuyết.

Thu ơi, gần tết rồi. Tết. Tết. Ôi, anh nhớ nhà quá, nhớ Thu quá. Nhớ tiếng pháo dòn dã trong đêm giao thừa. Nhớ những con đường xôn xao quần áo mới. Nhớ hương trà và vị cay của lát mứt gừng. Nhớ buổi sáng đầu xuân lắc rắc mưa phùn. Nhớ cây sầu đông buồn ủ rũ trong những cơn mưa. Nhớ nhiều, nhiều lắm, Thu ơi.

Ba năm rồi anh không được nhìn thấy những hoa sầu đông bé nhỏ, duyên dáng ấy. Ba năm rồi, mau nhưng lâu quá phải không Thu. Còn mấy năm nữa…

Nhưng thôi, anh không thèm buồn như thế nữa, vì đã có Thu ăn Tết giùm anh mà. Nhớ nghe, Thu.

Mấy món quà Thu gởi qua khiến anh rất cảm động. Nhưng quý nhất, thương nhất vẫn là tấm hình của Thu. Thu mặc áo dài sậm trông lạ hẳn ra. Cô con gái ông chủ nhà khen Thu khả ái đó.

À, Thu có đi chùa T.Q. không? Anh gởi lời thăm khu vườn ăn trái nhé. Anh biết rằng đêm nay anh sẽ mất ngủ. Gởi Thu tất cả những thương nhớ của anh…”.

Tôi chớp mắt. Ba năm rồi. Hẳn Vĩnh đã khác đi nhiều lắm, cũng như tôi đã đổi khác. Tôi còn nhớ cặp mắt sáng, lúc trìu mến, lúc tinh quái của anh, đôi môi ngạo nghễ và gương mặt bất cần đời. Bỗng dưng, một tình cảm dào dạt dâng lên khiến tôi muốn khóc. Tôi muốn có Vĩnh bên tôi, ngay bây giờ. Chúng ta xa cách nhau nhiều quá, Vĩnh ơi.

Anh Vĩnh,

Chiều mồng một, em đang ở nhà. Ở nhà để viết cho anh, vì có bạn tới rủ đi chơi mà em không đi. Em đang hưởng những ngày tết đáng nhớ nhất, những ngày đầu tiên của năm hai mươi tuổi. Giã từ tin-tin rồi đó, anh Vĩnh. Anh có biết là em đang buồn đến thế nào không. Chẳng bao giờ tìm lại được tuổi mười chín nữa, phải không anh.

Khi hôm, giờ giao thừa, em nằm thao thức, nghĩ lan man đến trăm thứ chuyện. Dĩ nhiên, nghĩ đến anh, nhiều nhất. Chung quanh em, một yên tĩnh lạ lùng. Hằng đêm, có tiếng súng ì ầm vọng về. Nhưng đêm nay, hưu chiến. Hẳn những người lính của cả hai bên đang nát lòng nghĩ đến gia đình. Dù hưu chiến nhưng nào có ai được về nhà đâu. Đèn trên bàn thờ chói ngợp. Ba em đang làm lễ giao thừa.

Mười hai giờ, bỗng có tiếng pháo dòn tan. Đã có lệnh cấm đốt pháo nhưng vẫn có người làm và vẫn có người đốt. Họ không đáng bị trừng phạt. Tết mà không có pháo thì còn chi nhạt nhẽo hơn. Đã ba năm ni nhà em không đốt pháo. Đó là một thiếu sót lớn phải không anh Vĩnh? Buồn ghê.

Em ra đứng trước hiên. Nền trời âm u, lặng lẽ. Gió thổi từng luồng buốt cả da. Viên trung úy trước nhà em bắn một loạt súng chỉ thiên. Tiếng nổ khiến em vui quá. Giá mà giờ đó súng có loạn cả lên em cũng ngỡ là pháo. Hẳn không có ai ra đường giờ đó cả dù giới nghiêm được giải tỏa một đêm.

Sáng ni, em đi chùa với mẹ và chị Duyên, lúc bốn rưỡi. Mẹ bảo xuất hành giờ đó mới tốt. Em quỳ sau lưng mẹ. Đố anh biết em cầu nguyện điều chi? Em xin một cái tết thanh bình, ngày đó mọi người đều mặc quốc phục. Con gái thì mặc áo dài hẳn rồi nhưng con trai cũng phải áo dài khăn đóng. Chắc vui lắm anh Vĩnh hỉ. Anh cũng mặc áo dài chớ bộ. Nhưng… có phải áo dài người ta hay mặc để làm… đám cưới không anh? Em thấy mắc cở vì ý nghĩ của mình.

Rồi em xin một điều cho riêng em, đố anh biết điều chi? Em không nói ra đâu. Anh có đoán được thì đoán.

Lúc về, em cũng hái một nhành lộc. Sáng ra, mới hay đó là một cành ngâu. Có phải mưa Ngâu là nước mắt của Chức Nữ Ngưu Lang không hả anh?

Trời Đà Nẵng lạnh lắm nhưng chắc không thấm vào đâu so với xứ anh đang ở. Hình như khoảng mười độ. Nhưng chừng đó đủ khiến em không dám ra đường rồi. Em đã uống giùm anh một tách trà rồi đó. Và cho em một tách nữa, tưởng tượng là anh đang cùng ngồi uống với em. Anh ăn mứt gì? Mứt gừng? Hay mứt me do em làm, chua chua, ngọt ngọt, ngon lắm.

Có lẽ chiều mai hay chiều mốt em sẽ đi chùa T.Q. Và thư sau em sẽ gởi cho anh một món quà bất ngờ…”.

Tôi nhìn đóa hồng trước mặt. Tôi sẽ ép và gởi qua cho Vĩnh. Hẳn là anh vui lòng.

Phía nhà sau, mọi người đang đổ xăm hường. Tiếng hột va vào thành bát leng keng. Tiếng hô vang lên từng lúc:

-Tứ tự.

-Nhị hường.

-Thượng mã.

-Hạ mã.

Tôi gấp tập lại. Sẽ viết cho Vĩnh mỗi ngày, kể cho anh nghe tất cả những gì xảy ra trong lần tết thứ hai mươi của tôi.

***

Chiều mồng ba, mẹ đi chùa T.Q, bảo tôi và Vũ đi cùng. Thế là giữ được một lời hứa với Vĩnh.

Trên xe, tôi ngồi phía ngoài để dễ nhìn hai bên đường. Xe rời thành phố thì trời lắc rắc mưa phùn. Vùng ngoại ô có vẻ im lìm, kém rộn rịp. Những đống rác cao ngất ở phía bắc thành phố vắng bóng những trẻ em la lết. Ít ra các em cũng được thở cái không khí trong sạch một đôi ngày. Một khu tân lập nằm ngay giữa một nghĩa địa rộng lớn. Đó là dân mới định cư trong vài năm nay. Họ đã xây nhà ngay trên những ngôi mộ. Thật là kinh khiếp đối với tôi nếu phải kê giường trên một phần mộ nào đó.

Câu chuyện của hai người thanh niên bên băng kia lọt vào tai tôi:

-Chừng nào mày đi trình diện?

-Đừng hỏi. Khi mô tau thích thì tau đi. Ăn cái tết ni xong đã. Lính chi cũng là lính. Thủ Đức cũng là lính mà Quang Trung cũng là lính.

Màn mưa khiến cho những dãy núi quanh thành phố trở thành mờ nhạt. Càng xa, những dãy núi càng trở nên hư ảo, như trong một cơn mơ. Thành phố dấu yêu của tôi được che chở bởi những vòng tay thiên nhiên. Tôi nhìn những dãy núi hiền lành dễ thương kia, tự hỏi vì sao trở về đêm, chúng lại xanh xanh đỏ đỏ một cách đĩ thỏa đến không ngờ.

Vùng đồi này có rất nhiều lính Mỹ. Ngày thường có những cô gái áo quần lòe loẹt phấn son diêm dúa đứng hai bên đường chờ xe Mỹ đi ngang là vẫy kêu lên ầm ỹ. Hôm nay đường vắng tanh. Có lẽ các cô ấy cũng dành một vài ngày để nhớ tới ông bà. Đa số các cô đã đến từ các vùng lân cận hơn là sinh trưởng ở thành phố.

Xe qua một khu phố đã bị thiêu rụi trước đây vì một vụ nổ kho đạn. Nhà một chị bạn của tôi cũng thuộc vùng này. Nhà chị là một ngôi nhà cổ và khang trang nhất xóm trước kia. Bây giờ nhìn những dãy nhà mới cất lên tạm bợ tôi chẳng thể biết được nhà chị là cái nào. Nhà nào trông cũng như nhau, cũng vá víu một cách thảm hại. Vách là những tấm gỗ tháo từ thùng đồ Mỹ. Mái là tôn thứ mới, được chặn thêm những bao cát, có lẽ để gió khỏi thổi trốc. Bụi đỏ đóng thành lớp dày trên tất cả các mái. Tôi đọc được những dòng chữ nguệch ngoạc: ice cream, barber shop, tailor… Vài gian hàng được ngăn cắt bằng gạch, vẻ cách biệt với chung quanh, kẻ những khẩu hiệu màu sắc lòe loẹt, vài cô gái đứng ở cửa ngó mông ra đường.

Một chiếc xe dodge Mỹ chạy ngang. Có tiếng hò reo tở mở vọng xuống. Một vài cái đầu thò ra, nheo mũi, nhăn mặt. Tôi quay mặt vào phía trong.

Xe đỗ bến. Lác đác chỉ có vài chiếc xe đang đậu chờ khách. Vùng ngoại ô này cũng thuộc loại đông đảo nhưng ngày tết trống vắng và buồn quá. Vài đứa trẻ chạy đùa trên hiên nhà nhìn ra rồi thản nhiên tiếp tục cuộc chơi. Mẹ dắt tay em Vũ.

Ba mẹ con đi chầm chậm. Qua một vài đường đất, ngõ vào chùa rất quen thuộc, hơi vắng lạnh một chút. Trong những nhà hai bên đường vang lên những giọng nói miền quê. Vài cô gái đứng trong sân, nhìn tôi với vẻ tò mò.

Cổng vào chùa mở rộng. Một đám trẻ con đang ví nhau trong sân. Những chiếc áo ấm dày che bớt một phần các bộ đồ mới toanh của chúng.

Ngôi chùa bị sụp hẳn một bên đang được sửa sang lại. Trước đây một chiếc phi cơ bị hỏng máy đã tạo nên tai nạn khủng khiếp ở vùng này. Cả một vùng rộng lớn đã bị san bằng khi chiếc phi cơ hỏng lết đi một quãng hàng trăm thước. Ngôi chùa cũng nằm trong số những thiệt hại. Tôi nói với mẹ:

-Coi có vẻ buồn quá hả mẹ?

Mẹ gật đầu. Ba mẹ con vào lễ phật. Điện Phật vẫn trang nghiêm. Mẹ cho hai đứa vào chào vị thượng tọa trụ trì. Rồi mẹ ở lại hầu chuyện. Tôi dắt Vũ ra vườn rau. Những thứ rau trái được trồng thành luống, mơn mởn tươi, có vẻ được chăm sóc kỹ càng.

Tôi chỉ cho Vũ những cây trong vườn:

-Đây này, Vũ thấy những dây đậu tây không, đậu mà mình hay xào với thịt đó. Cà tím là để hấp cơm hay nướng. Vũ thấy giàn su nhiều trái ghê chưa. Còn đây là những trái chanh non, coi chừng kẻo gai cào mặt. Đó kìa, hoa cải vàng đẹp không? Cà pháo ni là để làm mắm đó…

Em tôi bỗng hỏi lại:

-Răng em thấy cải nhà mình ăn có hoa đâu mà.

-À, vì đó là cải non. Còn ở đây, thầy để giống lấy hột, đem gieo chỗ khác.

Vũ ngó mấy bụi ớt xiêm, trái nhỏ xíu, lại có những cây ớt tím, ớt vàng chen vào. Dưới gốc cây vả, những chùm trái bám chi chít. Những luống xà lách chạy dài đến tận cuối vườn, tươi nõn. Một chú tiểu đang giặt đồ gần giếng nở một nụ cười hiền hậu với hai chị em.

Tôi dắt Vũ ra sân giữa. Trước những bậc cấp, hai cây anh đào trổ hoa lác đác. Những đóa hoa bé nhỏ có vẻ khờ khạo và lẻ loi. Tôi dạy Vũ phân biệt một cây trắc bách diệp với những cây thuộc bài, thông thiên và thiên tuế. Đằng xa là những gốc mít, gốc xoài rất già cạnh những cây bồ đề mới được trồng.

Đứa em chín tuổi có vẻ ngạc nhiên với tất cả. Chưa bao giờ em tôi được trông thấy một cảnh vườn rộng lớn thế này. Để mặc Vũ chạy rong khắp nơi, sờ cái hoa này, ngửi chiếc lá kia, tôi tới ngồi trên một bậc thềm. Trong những bồn được viền bởi gạch đỏ, những bụi mồng gà rực rỡ, bên cạnh dạ lai hương màu tím. Cạnh tôi là những chậu hải đường với những hoa be bé màu hồng. Lá hải đường thật xanh và bóng láng. Những chậu cúc trắng, cúc vàng với những đóa hoa sởn sơ, sung mãn. Khắp chợ hoa Đà Nẵng cũng không tìm được chậu cúc đẹp thế này. Tôi cúi xuống trên những bông hoa. Mùi hương rất nhẹ chỉ nghe thoang thoảng.

Đưa mắt nhìn qua khu vườn ăn trái, hồn tôi bỗng nhiên vàng vọt như một chiếc lá thu. Trong khu vườn có rất nhiều ổi, đào, vú sữa, mãng cầu, xa-bô-chê… đó, lần đầu tiên tôi đã gặp Vĩnh. Bốn năm rồi. Có lẽ ngày đó tôi bé lắm vì câu đầu tiên mà Vĩnh nói với tôi là:

-Cô bé ơi, làm chi đó? Hái trái hả?

Tôi rất ghét ai kêu mình là cô bé, nhưng cũng chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng bước đi, tưng tức trong bụng vì nghĩ có thể người ta đang nghi mình hái trộm.

-Người học giỏi khó tính thật. Năm ni, cô bé còn lãnh một lúc hai ba phần thưởng không?

Tại sao ông này biết mình kìa, tôi thắc mắc nhưng chỉ đứng im khoanh tay nhìn lên mấy quả đào vừa chín ưng ửng.

-A, cô bé không thích nói chuyện với người, cô bé chỉ thích trái cây thôi.

Vĩnh với tay ngắt đưa tôi chùm đào ấy. Và tôi cũng đưa tay đón, vô tình chấp nhận sự làm quen của anh. Rồi Vĩnh tự giới thiệu mình, hỏi tên tôi, tôi trả lời. “Kể ra Vĩnh cũng dễ thương”. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Vĩnh.

Qua mấy năm, tình cảm của chúng tôi vẫn trong trẻo nhẹ nhàng như lần gặp gỡ đầu, và chuyển biến một cách âm thầm sang một tình cảm khác mà tôi không hay biết. Từ khi Vĩnh viết cho tôi, một ngày cách đây hai năm. “Thu có biết, anh không chỉ nghĩ tới Thu bằng trí óc, anh còn nghĩ bằng trái tim nữa”. Vĩnh khiến tôi thao thức mấy đêm liền. Tôi chẳng biết phải nói gì với Vĩnh. Trong thư trả lời, tôi không đá động gì tới chuyện đó, coi như sự im lặng của mình cũng đã là một cách trả lời.

Vĩnh ơi, sao vườn xưa hoang vắng thế này. Lá cây thưa thớt, héo hon. Bây giờ là mùa xuân hả anh. Sao cảnh vật úa khô, buồn bã thế này. Có lẽ một phần vì đợi chờ anh đó.

Mẹ đi ra, cúi xuống bên tôi:

-Con gái hư ghê, ra đây ngồi. Thầy hỏi thăm con đó. Vũ mô rồi. Vô chào thầy rồi đi về, con.

Chẳng biết cậu Vũ của tôi chạy đâu mất rồi. Tôi đi vòng quanh, hy vọng tóm được cậu em có đôi chân thỏ. Tôi bắt gặp cậu bé đang níu một hàng rào kẽm gai, lom khom nhìn vào căn nhà bên cạnh. Ở đó có một bầy gà con đang chíu chít dưới chân gà mẹ, một chú khỉ bị xiềng dưới gốc mít và mấy con ngỗng đang kêu quang quác. Cơ khổ, em tôi chưa thấy con ngỗng bao giờ. Nó bảo:

-Mấy con vịt ni bự quá, chị Thu hỉ.

Chúng tôi chào thầy, lễ Phật rồi ra về. Mẹ dắt Vũ đi trước, tôi bước chậm rãi đằng sau. Nhìn em tươi tắn, trong sáng như một bông huệ tung tăng nắm vạt áo dài của mẹ, tôi thấy buồn nghèn nghẹn. Bây giờ em tôi chín tuổi. Chiến tranh có còn tiếp tục mười năm nữa hay không? Chính tôi, cha mẹ tôi tưởng đã được hít thở không khí thanh bình, mà rồi tuổi tôi chỉ được ươm bằng tiếng súng. Nếu là con trai, hẳn tôi đã là một mối lo nghĩ cho cha mẹ.

Tôi đưa mắt nhìn hai bên đường. Những khóm tre mới nứt mang những lá màu xanh bên cạnh những gốc già đã bị gãy ngang. Tiếng tre nghiến vào nhau cho tôi cảm tưởng đang bước trên đường làng quê nội. Đã lâu lắm rồi tôi không được về quê, miền quê đã bị cưỡng đoạt và san bằng bởi xe bọc thép.

Đây là vùng mà bụng chiếc phi cơ bị nạn đã lết ngang qua. Trong vòng rào kẽm gai, những thân cây bị đứt ngang, trơ trụi giữa một bãi đất trống. Mắt tôi dán vào những cái gốc sần sùi, cằn cỗi đó, và tôi trông thấy…

Ôi, mầu nhiệm làm sao! Có phải những mầm xanh mơn mởn đang được phủ ngoài bởi một lớp phấn cây mỏng không? Có phải những chiếc lá li ti non bóng còn dán sát vào nhau đó không? Tôi buột miệng reo lên:

-Cây sầu đông!

Cây sầu đông yếu ớt, nạn nhân đầu tiên của thuốc khai quang. Cây sầu đông, sau những năm tháng ngắc ngoải, khô hết nhựa đất vẫn còn sống sót, vẫn chống lai được những cơn gió bụi điên đảo của cuộc chiến tranh này.

Sức sống tiềm tàng trong thân cây đã thắng.

Thế nào tôi cũng tìm xin một nhánh đem về trồng trong sân. Ngày Vĩnh về nước, chắc hương hoa đã rộn khắp mùa hè.

Mẹ đang đi, quay lại. Thấy tôi vẫn còn đứng nhìn vào bên trong một vùng kẽm gai, mẹ hỏi:

-Chi đó, con?

-Chồi non, mẹ à.

Comments are closed.