Văn học miền Nam 54-75 (344): Túy Hồng (4)

Tôi nhìn tôi trên vách

Truyện dài

Đồng Nai, 1972

Tác giả giữ bản quyền, 1970

Kỳ 1

Chữ viết của chàng tròn như con ốc gạo. “Đi lâu như chết, đợi từ bốn giờ ba phần tư, anh ra đằng này một lát sẽ quay lại – Nghiễm”. Đầu tôi lắc, tôi thẳng người bước lên thang gác đến bên gương nhìn vào vẻ đẹp nào đó của mình. Nốt ruồi đen là cái chấm, quệt tóc mai là cái phẩy, tôi yên lòng trở xuống ngắm chằm chặp cổ bánh sinh nhật ba mươi tuổi đầu của mình. Ba mươi cây nến và một nỗi cô đơn. Dòng chữ chúc mừng đi trên mặt bánh nửa như tâng bốc nửa như thảng thốt một cung cách khôi hài tế nhị, dòng chữ viết bằng tiếng Pháp và sai hai lỗi chính tả. Ông thợ làm bánh này chắc cũng dốt văn phạm. Tôi hát “khi trót yêu người rồi, xa cách nhau vì đời, ự ừ u ứ ư…” trong một thói quen cần thiết không thể bỏ được. Tôi nghe Nghiễm đến sau lưng qua tiếng gót giày, chàng chào bằng một cái đụng nhẹ vào người tôi rồi cười không ra tiếng. Nụ cười chàng là cái hình vẽ của đôi môi đẹp.

– Em muốn mua một cái đầu tóc giả, anh ạ! Muốn chải kiểu gì thì chải, khi đi đâu cứ việc thượng lên đầu… nhanh ghê!

– Ừa ừa…

– Nhưng sợ tóc người chết quá!


Tôi lại hát và chàng thở khói thuốc. Bữa ăn sinh nhật của tôi kết thúc bằng món xôi vò với chả lụa thay vì cơm chiên trước khi tôi thổi nến và cắt bánh. Chàng uống bao nhiêu là chai 33 trong khi mấy chị em tôi hai đứa chia nhau chai nước cam vàng và mãi không cạn ly. Mọi người nói nhanh cười giòn, không khí ấm như men rượu và nồng như vôi. Bà cô tôi bảo:

– Hễ đám cưới Khanh xong là cô về Huế bán nhà được liền.

Huế là quê hương tôi, quê hương đang có vô số nhà cửa cần bán rẻ để người Huế vào Saigon tìm một chỗ ở cuối cùng. Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi, cho đến khi tôi đi lạc vào Saigon này. Từ hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá giấm, thịt bò vò viên, mía ghim và có một người yêu. Tôi vào Saigon không phải là một cuộc tháo thân vì không biết biết trước rằng trong tương lai Huế sẽ phải trải qua vụ đổ huyết bao la rợn gáy lịch sử là cái biến cố của sự chết năm Mậu Thân, Huế của tôi đã xích lại quá gần lịch sử! Bỏ Huế mà đi lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu thênh thang cả một khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ một vũng nước đọng bên đường đến lượng cả con Hương giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục, có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy núi lam phía sau cầu Bạch Hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng kiếp người cũng có thể giăng dài, kéo dãy như vậy! Những đêm mùa đông, những con “ệnh oạng” kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống… kêu chi mà khổ mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: Mua trứng lộn! Mua trứng lộn!… Trời ơi! Tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế! Nhức xương buốt tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm Phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù… và con đường Âm Hồn, tiếng chuông chùa Diệu Đế… Cực lòng quá, Huế ơi! Tôi đi… ở với Huế buồn lắm… vào Saigon họa may có một nụ cười, vào Saigon họa may có một người yêu!

Rồi cái biến cố Mậu Thân, tôi nhìn lui Huế đang ở sau lưng mình: Thôi! Mất Huế rồi! Tôi thương con đường Phan Chu Trinh với ngôi nhà thềm trắng, bồn hoa violette, hai cây dừa xiêm giắt những gói muối, và bến sông thân yêu trước mặt. Người Huế đã lần lần từng người từng người rủ nhau bỏ Huế ra đi. Huế là mảnh đất tán chứ không phải tụ. Một sự ra đi lớn! Còn ai ở lại mà ngắm, còn ai ở lại mà làm người mộng áo trắng qua cầu, tóc thề vương vương con đò Thừa Phủ.

Tôi ngồi im. Tiếng thở dài hằn lên những nét buồn. Nghiễm chép miệng:

– Nhà cửa Huế bây giờ rẻ rề, bán không ai mua…

Mẹ tôi tiếp:

– Saigon thì triệu phú vẫn còn ở nhà thuê!

Nghiễm cười:

– Vì những tên dân Huế giá áo túi cơm vào đây làm nhà cửa Saigon đắt đỏ… À mà Khanh này… đất Thần kinh… đất Thầnh kinh có nghĩa là gì nhỉ?

– Ngày xưa, vua Gia Long đang tâm niệm tìm một chỗ đất để đóng đô thì thần linh hiện lên bảo: “Hãy đứng bên trên đầu tổ quốc, hãy thắp một cây hương rồi lần theo phương Nam mà đi xuống, đến chỗ nào cây hương tắt thì hãy đóng đô…”. Thần kinh là kinh đô của thần linh…

Sau cuộc ăn uống, Nghiễm và tôi ra đường. Chàng ho những tiếng rời rạc, tôi chế:

– Trai tráng gì mà trời chưa trở lạnh đã hục hặc ho hen.

Chàng rùn vai:

– Trai này là trai quý, trai có ngọc, em hãy nhìn cùng cả nước mà xem: còn có ai ở tuổi anh mà chưa có vợ… đã không có vợ lại không có bạn đi lính… quý lắm.

– Bộ anh tưởng em không quý sao? Đời con gái ví như cá nục kho tiêu, càng kho lâu càng thấm thía, càng hâm đi hâm lại nhiều lửa càng mặn mòi…

Tôi chùn bước nhìn lên chấm sao Véga tím loãng trên nền thăm thẳm tầng trời, gió hô hấp điều hòa trong không gian mênh mông màu trắng sữa và tà áo tôi cũng chạm nhẹ đến một làn gió. Tôi lẩm bẩm những tiếng nhỏ thấm buồn và lạnh:

– Vâng, hâm đi hâm lại… hâm bảy, hâm tám, hâm chín, ba mươi lúc nào không hay.

Đêm bình thường trong một thế động dễ chịu. Nghiễm đẩy vai tôi đi vào một tiệm hàng vải sáng chói màu sắc làm hoang mang những cái nhìn chọn lựa. Nghiễm chỉ vào xấp vải lụa Đài Loan màu nắng hanh vàng treo cao hơn đầu chàng:

– Em thích màu lụa này không?

Cô bán hàng lướt tới đứng trước chàng. Phấn đánh mặt màu nâu, đôi môi satin của thứ son Barbara vừa mới xuất hiện ở Saigon. Cô nói với Nghiễm:

– Màu áo này ăn với nước da của bà, ông chọn thật khéo.

Ra khỏi cửa hàng chúng tôi đi chầm chậm qua bao nhiêu hiệu sách không nhìn, không đứng lại. Tôi muốn đi xi nê. Nghiễm muốn vào Hải Biên để uống rượu mạnh.

Nghiễm uống rượu, tích cực uống rượu. Chàng không uống tùy thời tùy hứng, chàng không uống ọc ọc như những hảo hán Lương Sơn Bạc ngày xưa; chàng uống từng ngụm rượu đẹp, từng ly rượu đẹp, từng chai rượu đẹp. Và, từng ngụm rượu đẹp, từng ly rượu đẹp, từng chai rượu đẹp dồn chứa từng ngày từng tháng từng năm thành một bể rượu đẹp. Rồi đời chàng cũng chìm hẳn trong bể rượu.

Chàng uống rượu không lúc nào ngừng nghỉ đến nỗi bao tử càng dài như cái chai, buồng gan chàng to gấp rưỡi và tú mật chàng rỉ rả chảy nước đắng đêm ngày. Rượu làm cho chàng to gan lớn mật là thế. Ngoài rượu ra còn có bia là vị ngọt của đời chàng. Chàng uống dầm dề đến nỗi những nốt li ti trên mặt lưỡi của chàng phải tê liệt cảm tình đối với những mùi vị trần ai, ăn không còn biết nong, nếm không còn biết béo. Chàng uống dầm dề đến nỗi mất sở thích uống nước cam vàng, coca cola, đến nỗi không ăn được chuối, không ăn được đu đủ, bánh gâteau, không ăn được chè, mứt cùng tất cả những chất ngọt của cuộc đời. Bây giờ, chàng chỉ còn ăn được mận Đà Lạt, thứ trái cây tròn như cái hôn nhìn thật dễ thương nhưng ăn vào thì vừa đắng, vừa chát và đau đớn cả chiếc lưỡi cùng nhức nhối cả ba mươi hai cái răng.

– Chúng tôi vào Hải Biên ngồi bên nhau ở chiếc bàn thân mật nhất gần quầy hàng. Chàng gọi một ly đen trắng và tôi cốc sữa màu lụa bạch lềnh lềnh bềnh viên đá nổi. Chàng nói, tôi không biết chàng nói với ly rụ hay là nói với tôi:

– Ngây ngất quá!

Chàng chúc miệng vào tai tôi:

– Đêm sinh nhật em thơm như gạt gạo Nàng Hương.

Tôi cười sung sướng:

– Lấy nhau rồi bỏ uống rượu đi anh nhé… gắng đi làm mua gạo thần nông về nuôi em.

Chàng đẩy chiếc thìa đi tròn trong ly sữa đá đứng trước mặt tôi. Gian phòng có máy lạnh thâm thấm như trời Đà Lạt gây cho tôi cái ý muốn khoác lên người chiếc áo veste đàn ông. Tôi nói và rút vai:

– Ở Bắc ngon nhất là gạo Tám, ở Saigon thì gạo Nàng Hương, gạo Nanh Chồn, còn ở Huế thì gạo Để… “Tôm rằn bóc vỏ đuôi, gạo De An Cựu để nuôi mẹ chồng”.

Chàng gọi bồi mang đến cho tôi miếng đu đủ với múi chanh, chàng uống thêm ly đen trắng nữa, rồi đứng lên. Ra đường, Nghiễm mua thuốc lá rồi đứng ngóng tắc-xi, tôi đề nghị đi xích-lô máy cho mát. Xuống xe chúng tôi dùng dằng đứng nói chuyện ở đầu con hẽm. Ngọn gió từ bến Chương Dương thổi tới khiến tôi nhớ ra mình đang mặc chiếc áo quá mỏng như cánh ve sầu, tôi rút vai ngẩng mặt lên nói:

– Mai em phải đi chào thuốc tận Biên Hòa, xa ác!

Chàng bóp tay tôi sờ vào mấy sợi gân nổi:

– Đám cưới rồi, tôi không cho cô đi chào thuốc nữa đâu!

Tôi cười giòn:

– Anh đối với em là cả một chính sách độc tài, độ lượng. Em cảm thấy em được bảo vệ, được bao bọc thật kỹ… Vâng, được bao bọc… được bao bọc thật kỹ như các phi hành gia được bọc bởi hai mươi tám lớp áo trên chiếc tàu Mười một về bến trăng.

Tôi cảm thấy tôi đang đứng trong một vòng tròn bằng vôi do Nghiễm vẽ. Tôi phải đứng hẳn trong vòng tròn đó, không được bước ra và không được đặt một chân trong, một chân ngoài. Tự do, độc lập và hạnh phúc của tôi nằm trong đó, nằm chen chúc chật ních trong đó. Dưới mắt đàn ông như Nghiễm, sự ngang tàng của một người đàn bà như tôi chỉ được xoay bằng một bán kính eo ốc thảm sầu như vậy sao?

Trong vòng tròn đó, tôi tuyên thệ tôi sẽ là vợ. Khi một người đàn ông yêu mình tức là mình bị cô lập hóa ngay. Khi một người đàn ông yêu mình, người ấy cô lập mình như cảnh sát cô lập một con đường vừa mới bị bọn khủng bố đặt chất nổ. Khi người đàn ông bỏ mình thì mình vòng tay nhận nổi cô đơn. Tôi nhìn nghiêng nhìn ngửa liếc xéo liếc dọc. Hết rồi, hết rồi, vòng tròn đã vẽ ra rồi. Hết rồi, đứng yên đó. Khanh ơi! không dám! không dám! không ai dám vào đâu!

Về đến nhà, đứng với Nghiễm một lát lâu nhiều cửa rồi tôi lật đật thay áo quần, rửa mặt leo lên gác ngủ. Thức giấc hôm sau trong một bình minh trễ biếng, tôi lót lòng hai hột gà so, một trái cam tươi rồi sửa soạn đồ nghề đi làm.

Chiếc cặp da lớn tướng đầy ắp chai lọ cùng những ấn bản công phu quảng cáo thuốc tây. Tôi mở cuốn sổ tay đọc thuộc lòng lần nữa danh sách cùng địa chỉ những ông bác sĩ có phòng mạch rồi nhét vào một ngăn cặp.

Chào thuốc: Chào bác sĩ, thưa bác sĩ loại thuốc viên này mới bào chế trị bệnh cảm cúm hiệu nghiệm một cách thần tốc. Dạ, ngoài ra còn trị nhanh chóng các chứng chảy mũi nước, nhức răng, ngứa ngáy và mất ngủ ạ. Dạ, đây là loại trụ sinh tối tân nhất nhập cảng từ Đức cho các thứ bệnh suyễn, ho gà, sưng cuống phổi. Dạ loại này dùng cho trẻ em mọc răng, cầm tiêu, cầm ói mửa, trong này có chất sữa giúp cho con nít khỏi mất sức. Còn đây là hoàn toàn thuốc bổ bồi máu cho người mang thai, lao lực, cho con bú hoặc ở tình trạng sau cơn giải phẫu. Còn thứ thuốc ống này chích gân chích thịt đều được cả, chích để dưỡng thai, cứu những bào thai bị đe dọa ra đời non ạ, nhiều ra còn chích để điều kinh. Đó là những lời tôi giao thiệp với các bác sĩ, tôi nói không biết mỏi miệng, nói mải miết, nói thao thao. Nói như nói trong cơn mê, nói như nói trong cơn mộng và quên rằng mình đang ở giữa cuộc đời vì được nói với những ông bác sĩ. Nghề nghiệp đòi hỏi người chào thuốc phải đẹp. Không đẹp thì không làm nên chuyện. Thuốc nhiều và tên thuốc chữa nhiều bệnh quá nên thuốc thành không tên không tuổi. Sắc đẹp của người chào thuốc hướng dẫn ký ức ông bác sĩ vào cõi nhớ.

Tôi đến Biên Hòa, đi được mười hai phòng mạch rồi vội vã trở lại Saigon.

Chiều nay, tôi lót dạ bằng thứ kem sẫm, thoa lên mặt một lượt phấn màu tự nhiên số một, đồ đậm cây son Barbara trên làn môi trễ rồi lóc cóc gót giày nhọn đến phòng mạch ông bác sĩ ăn khách vào hạng nhất Saigon. Mỗi người bệnh cầm một miếng thẻ ghi số nôn nóng đợi phiên mình. Họ đọc báo xem sách nói chuyện. Ông bác sĩ này nổi tiếng gắt chặt, lạnh lùng. Đã mấy lần tôi lách vào phòng khám đều bị cô y tá đẩy lui ra khiến tôi nghĩ đến lời một chị bạn: “Ông nội này đứa nào vác mặt xấu vào là bị đuổi ra gấp”. Nhìn mấy dãy khách ngồi đợi, tôi chán ngắt xách cặp bước ra. Saigon sáu giờ chiều tất cả xe cộ đều đổ ra đường, cuối cùng của sự chờ đợi, tôi mới vẫy được một chiếc tắc-xi.

Tôi bước vào phòng đợi, đặt cặp da xuống đất ngồi vào ghế. Cô y tá quen thân với tôi vội mở cửa vẫy vào. Đây là lần thứ hai tôi đặt chân đến phòng sửa sắc đẹp này. Ông bác sĩ ở đây oai vệ, nghiêm chỉnh và hống hách như một đấng tạo hóa nhỏ. Ông tiếp tay trời làm nên nhan sắc cho phụng vụ. Tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu chong tai nghe những lời mật đàm thương mãi giữa chủ nhân và khách hàng. Trở nên vách tường giăng dọc rải ngang những họa phẩm hoa hòe về khoa giải phẫu thẩm mỹ và mấy cái chân dung người đẹp xa lạ.

Cô y tá dẫn bà khách đến góc phòng chỉ trỏ vào bức tranh có bối cảnh sơn màu mỡ gà vẽ bốn cái mũi to tướng:

– Dạ, bà muốn sửa mũi kiểu gì ạ? Đây là mũi Cléopâtre, đây là mũi Joséphine, mũi Ấn Độ, mũi dọc dừa.

Bà khách cười bối rối:

– Tôi muốn có một cái mũi hợp với khuôn mặt thôi.

– Thế thì mũi dọc dừa ạ!

– Vâng, miễn là nâng cái sống mũi lên cho nó bớt gãy thôi!

Cô y tá kéo bà khách lui hai bước cười tiễn chân rất mặn mà để tiếp tục công việc với một người khách khác.

– Đây, đây em trông lên bức vẽ này. Em có muốn mình sẽ có một đôi mắt đẹp như mắt bồ câu đen thăm thẳm này không?

Cô gái ngắt lời:

– Không, em chỉ muốn mổ làm sao cho đôi mắt em nó to ra thôi… Bị mắt một mí trông có vẻ u mê lươn trạch thế nào ấy.

– Thế thì đây, bức tranh này vẽ bốn đôi mắt nhé, mắt bồ câu này, mắt lá răm này, mắt hòn bi này, mắt hình chiếc thuyền này… Em cứ lựa một kiểu mắt rồi bác sĩ sẽ mổ cho.

Sau khi cô gái đưa ngón tay trỏ lên chỉ chằm chặp vào đôi mắt hòn bi ve, cô y tá liền ghi vào sổ, đoạn phát cho một tấm giấy trắng. Bất chợt cô phát nụ cười câm khi gặp ánh mắt tò mò của tôi. Bà khách mới vào cất tiếng hỏi:

– Bơm mặt có hại sức khoẻ không ạ?

– Bơm mặt và bơm ngực đều không phương hại đến sức khoẻ. Nếu có hại, chính phủ đã ra chỉ thị cấm hành nghề… Dạ, thưa bà, bà muốn bơm mặt trái xoan, mặt tròn, mặt chữ điền, mặt búp bê, mặt tam giác… ở đây đều bơm được cả… Ồ! Bơm mặt xong ta hấp lại làn da… Trời, da bà trắng sẵn, hấp xong là cứ y như da trẻ sơ sinh, như trứng gà bóc, thấy thương liền, thấy muốn hôn liền. Dạ, trước khi hấp mặt có hút mụn, có ép máy để cho lỗ chân lông nó se lại.

Bà khách cười ngượng ngập:

– Hấp mặt rồi coi có kỳ không cô?

– Ồ… hấp mặt để tìm thấy một mùa xuân, để hai cái má hóp trông lạnh cả cuộc đời, yên trí… yên trí… hấp xong đẹp ngay.

– Tôi sợ đau lắm.

– Đau gì mà đau, êm ru bà rù… Hấp mặt xong là trẻ đẹp liền, tình yêu đến trong chốc lát.

Tôi cảm thấy vừa bồn chồn vừa nhột nhạt, vội vã sấn lại bàn bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế đối diện cầm hai cái lọ nhỏ giơ lên. Ông bác sĩ đưa tay chặn:

– Khoan! Khoan… giao hẹn trong năm phút, chỉ được nói trong năm phút!

– Vâng.

Miệng tôi mau như máy, tiếng nói tôi nhanh như nhoáng:

– Dạ, thứ thuốc Helozid “P” này tuyệt đối phải theo toa bác sĩ. Tùy theo cân nặng, mỗi kilô uống 5 viên. Isoniazid một ngày không nên uống quá liều chỉ định. Dạ, thưa bác sĩ, thứ này ngoài tác dụng bổ gan và giải độc, nó còn có tác dụng giúp cho lông và tóc chóng mọc… dạ thuộc chủ trị bệnh đầu trọc đầu sói, rụng tóc vì nhiễm độc, mỡ đọng ở da đầu… dạ, mỗi ngày uống từ bốn đến sáu ổ nhện mỗi ngày. Dạ, thưa bác sĩ, còn sau đây là sinh tố B6 chữa bệnh phù thủng, chữa chứng to gan, ngoài ra còn chuyên trị các bệnh thuộc về tim và huyết quản, các bệnh về thần kinh và gân thịt như run giật, gân thịt suy nhược, mệt mõi rã gân, trị bệnh đau thần kinh ở mắt do nghiền rượu mạnh…

Tôi chợt nghĩ đến Nghiễm, tôi nuốt nước bọt rồi tiếp:

– Trừ phi có toa bác sĩ, còn thường thì uống từ 2 đến 4 viên trong 24 giờ, uống trong thời gian từ mười đến hai chục ngày.

Tôi thấy ông bác sĩ cơ hồ muốn ngủ gục, tôi to tiếng:

– Dạ, còn thứ này thì bồi bổ sinh lực cho đàn ông, thuốc dưỡng dương, cơ thể suy nhược hao gầy thiếu máu… Ngoài ra còn dùng để điều kinh cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt lúc mờ lúc tỏ như trăng tháng chạp…

– Thôi thôi… miệng như bôi mỡ…

– Dạ, không ạ, tôi vừa mới ăn hồi 4 giờ một quả chuối với một miếng fromage con bò cười ạ, đâu có bôi mỡ…

Ông bác sĩ chợt đặt cây bút xuống khoanh tay lên bàn:

– Cô người Huế hả?

Tôi giương hết cả chiều rộng của đôi mắt nhìn trân trân người đối diện, đôi môi tôi nắn nót một nụ cười không được tròn kéo dài tiếng “dạ”. Vẻ khắc khổ, vẻ lạnh lùng cao ngạo vẫn bàng bạc trên khuôn mặt người thầy thuốc như khói sóng trên sông khi ông ký cho tôi một chữ mang về trình diện viện bào chế.

Tôi bước ra cửa, lòng cảm thấy muôn vàn mát rượi như thể được ai đắp cho nhiều lát mỏng dưa leo lên khắp tay chân đầu mình.

Trời rất cao, đất rất rộng, tôi một mình thấp, nhỏ nhoi và tôi sung sướng. Tôi sung sướng như người võ sĩ quyền Anh hạng ruồi thắng trận mang hai quả dấm núi đá chạy lúp xúp quanh khán đài. Tôi về tới nhà, Nghiễm đã đứng trong khung cửa rộng ra vào. Hai tôi ra quán ăn cũ, lại ngồi ngâm cho đến lúc nhà hàng đóng cửa. Tôi đi dưới cánh tay Nghiễm choàng lên vai, chàng hát thầm thì bài “Thương tình ca” của Phạm Duy rồi tiếng nói của chàng hạ xuống vành tai tôi:

– Từ khi yêu em, anh yêu những bài hát. Khanh ơi! Cho anh được làm rể xứ Huế…

Tôi ngậm nụ cười nhỏ xíu:

– Anh muốn làm vương làm tướng chi trên cuộc đời của em cũng được..

– Em nói tiếng Huế cho anh nghe đi. Anh thích nghe tiếng Huế, tiếng Huế mà chửi nghe cũng hay.

Tôi chích móng tay nhọn vào trán chàng:

– Đừng có nịnh, nịnh là một chiến thuật cao của đàn ông, em sợ lắm! Ồ mà anh có biết tại sao người ta bảo “tiếng Huế chửi nghe cũng hay” không?

– Hứ…

Tà áo dài của tôi gợn lên như một lớp sóng, đôi chân Nghiễm thẳng và cao trong đôi ống quần thanh lịch, mắt tôi để vào đôi giày tây bóng loáng khi tôi cất tiếng ngâm sẽ:

“Trời mưa lâm râm ướt dầm ngọn khế

Anh thương một người Huế mới vô”.

Anh Nghiễm này! Sở dĩ người ta bảo tiếng Huế mà chửi nghe cũng hay và vì ngày xưa hồi còn vua; vua nhà Nguyễn ở Huế, vua nói tiếng Huế bởi tiếng Huế được suy tôn. Dân mấy miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Saigon, Bác kỳ mới nịnh bợ tôn xưng tiếng Huế, bảo tiếng Huế chửi nghe cũng hay… Ngày nay thì hết, vua đổ nhào, vua bay qua Tây… Hết… tiếng Huế không còn là tiếng của vua nữa, hạ đài liền… Bây giờ, mấy cô giáo người Huế vào Saigon dạy học mà nói tiếng Huế… ui!… học trò ngồi trơ mắt cua ra rồi nhại giọng…

Về đến nhà, tôi nâng vạt áo dài cẩn trọng bước lên gác gỗ. Trâm, đứa em gái lớn nhất, đang ngồi chấm bài. Tôi vừa thay áo vừa chúm miệng huýt sáo bài “Cầu sông Kwai”. Trâm nói với vào:

– Chị Khanh bây giờ có đấm lưng cũng không ra nước mắt… người gì mà luôn luôn tưng bừng…

Tôi nói vọng ra:

– Thời gian này tau biết là tau đang lố bịch, mi đừng nhìn tau quá lâu…

Trâm reo:

– Chị Khanh ơi! Chấm giùm cho em mấy bài luận văn đi, đọc văn học trò mệt đứ đừ…

Tôi ra ngồi cạnh Trâm, cúi đầu cầm một bài luận văn học trò lên xem.

– Tau chấm giùm mi một bài thôi nghe!

Trâm giữ bình thản. Tôi lật coi qua xấp bài Trâm đã chấm xong. Cô giáo Trâm chấm bài thật cẩu thả, hình như chỉ nhìn chứ không đọc, hình như Trâm chỉ coi sơ qua cái nhập đề và kết luận. Lỗi chính tả nằm ngổn ngang suốt chiều dọc của bài luận, những chỗ sai văn phạm, chấm phết không thông, Trâm đều không gạch đỏ; ngoài ra câu què, câu gãy của học trò đều không được cô bé sửa chữa. Tôi chau mày:

– Mi đi dạy với một tác phong hết sức tàn nhẫn vô nhân đạo… Coi này, cái bài luận lỗi chính tả, lỗi văn phạm mê mê như thế này mà mi không gạch không gọt gì hết… Chấm chát gì mà cẩu thả như mèo rửa mặt.

– Hết tháng này thôi dạy học, bỏ… nhất định bỏ…

– Ừ, nên bỏ… vừa đi dạy học vừa viết văn, lao động quá đâu có được.

– Ừa… chị đi pha cho tôi ly sữa.

Tôi mò mẫm xuống gác pha một ly sữa ngửa cổ đổ dốc một hơi vào mồm. Mùi sữa ớn ngấy đến phát khóc, tôi súc miệng ọc ọc như người ta súc chai. Một con chuột mò ra ăn những hạt cơm đổ trong buổi ăn tối trong một tư thế hết sức bạo dạn. Tôi mang ly sữa rón rén lên gác đặt trước mặt Trâm khuấy tròn cái thìa một vòng.

– Này, uống vào cho mập, cho đẹp, uống để nhớ ra rằng mình là một người đàn bà. Sữa con chim của ông Henri Nestlé béo bổ vô số kể.

– Tôi sợ sữa nhưng ngày nào cũng phải mần một ly.

– Ô hay, tau ước có phải là một văn hữu của mày đâu mà mày xưng tôi với tau một cách ngon lành vậy.

Miệng tôi cười trong khi mặt Trâm sa sầm. Thảo nằm xem sách ở góc phòng nói to:

– Ê, mấy chị ngủ đi. Sau mười giờ mà không lên giường nằm ngủ là những con thiêu thân.

Rúc rích những tiếng cười con gái giòn tan. Trâm quẳng cây bút và tôi nhảy phóc lên giường. Những đứa em gái của tôi, đó là những chiếc bóng của tôi trên vách tường, tôi thương chúng và tôi đi làm vì chúng. Tình thương vào sâu cơ thể và biến thành một tế bào lớn.

Nhà tôi không có con trai, một bầy con gái bốc đồng sống ồn ào hỗn loạn như ngựa non trong chuồng. Mỗi đứa là một con số, một bài toán, một chiếc chìa khóa, một phòng tối, một cuốn tự điển bỏ túi. Mặt mày đứa nào cũng hao hao giống nhau và lác đác trên da vài nốt mụn tai nạn, nhưng lòng dạ thì mỗi đứa một cõi, một đơn vị buồn, một thể tích cheo leo, một chiều cao hiu quạnh. Tuổi thì lớn, chồng thì chưa lấy, cứ ở nhà nhìn nhau mãi nên tình tỉ muội cơ hồ biến thành tình bằng hữu.

Khi Nghiễm bước chân vào cuộc đời tôi, cuộc đời có những vết nám như hai tấm phổi của người đã nhiễm trùng lao, thì Trâm nói: “Bà Khanh hết nằm vùng ở nhà rồi nhé”. Nụ cười đẹp của Trâm gồm đôi môi hồng và những chiếc răng bóng. Em tôi là văn sĩ. Bước chân vào làng văn là đi đời con gái. Bây giờ thử hỏi một nữ sĩ: Cô đã ngủ với đàn ông lần nào chưa? Thì phải hết sức vô giáo dục, hết sức trơ trẽn, hết sức giả dối, ngổ ngáo, trân tráo mới có câu trả lời: Tôi chưa hề ngủ với đàn ông lần nào!

Đôi mắt Thảo là hai điểm sáng của một tâm hồn trắng nõn sạch trong như bồ câu vừa mới ra ràng: Đó là một kẻ ngây thơ phá sản, học hành thì lơ mơ mà tham vọng thì cao ngất như những kẻ trèo trăng. Cả ngày mài giũa tròng mắt vào màn ảnh, vào những trang kiếm hiệp, vào những tiểu thuyết rẻ tiền và cả ngày hứng thời gian vào công việc tu sửa nhan sắc.

Chúng tôi là những người con gái Huế tầm thường sống u tối giữa Saigon, tầm thường đến phát khóc, tầm thường như những cây ổi.

Có nhiều hôm trên gác gỗ, ba chị em ngồi ba góc đánh bài xệp mỗi lệnh một đồng bạc; có nhiều hôm trên gác gỗ, ba chị em với một bà mẹ ngồi bốn góc đánh tứ sắc mỗi ván hai chục đồng. Những canh tứ sắc, những ván bài xệp, ba cuộc đời tầm thường chụm lại thành một nỗi cô liêu chất ngất hình trái núi. Có nhiều đêm ba chị em thức khuya đến một giờ sáng nằm nói chuyện tào lao đến khô cả nước miếng nước mồm. Có nhiều đêm một đứa ngồi viết văn, một đứa nằm đọc tiểu thuyết, một đứa cưa hai ống thuốc tẩm bổ… Ôi! Nỗi chán ngán chồng cao tới tóc!

Tôi lăn một vòng ôm chiếc gối dài kẹp vào giữa hai chân. Giờ đây tôi đã có Nghiễm. Chàng ở trước mặt tôi. Chàng đi bên trái tôi, chàng đứng bên phải tôi. Rồi đây tôi sẽ dần chàng ra thăm Huế, tôi sẽ đội chiếc nón bài thơ, chiếc nón có chằm hai câu thơ:

Công chúa là đây mộng ngự thuyền

Bài thơ mờ tỏ nón nghiêng duyên.

Tôi sẽ mặc lại bộ đồ vải quyến trắng, tôi sẽ đi lại đôi guốc mứt, tôi sẽ cặp đuôi tóc bằng cái kẹp ba lưỡi để vào thăm lại trường Đồng Khánh. Tôi sẽ dẫn Nghiễm lên dốc Bến Ngự, địa chỉ yêu thương của tôi suốt hai mươi tám năm cuộc đời con gái. Cuộc đời con gái chua như nhúng giấm! Ôi! cây dừa xiêm, cây cam xạ đoài, vòng hoa violette, ngôi nhà nền trắng cùng bến sông khả ái trước mặt. Con đường Phan Chu Trình, dòng sông An Cựu là đây, và là đây, hẻm đá với xóm đạo hiền lành. Những thứ đó tôi đã bỏ hết, bỏ hết, cuốn gói mà đi, cuốn gói vào Saigon để có một người yêu.

Anh Nghiễm! Saigon không có périssoire cho em, không có đò, không có thuyền lan cho bầy con gái trườn mình bơi sãi trên lượng cả non nước Hương giang trầm ngâm ngơ ngẩn. Saigon không có một mùa hạ hồng, không có một mùa thu lam, một mùa xuân lục, một mùa đông xám tro tàn. Nhưng Saigon có anh, chúng ta sẽ lấy nhau giữa Saigon sung sướng ăn ngon mặc rẻ. Anh Nghiễm! Ngày xưa có một người đàn ông Huế đã yêu em rồi không yêu em nữa. Người ấy không yêu em vì em là trưởng nữ của một gia đình con gái, em là con gái đầu của một gia đình trong khi người ta quan niệm chỉ cưới con gái út, em thuộc về một gia đình con đàn con lũ trong khi người ta quan niệm chỉ cưới con gái một.

Hôm nay tôi dậy sớm sửa soạn đi chợ làm món Huế đãi Nghiễm. Khi xỏ tay áo tôi đau đớn kêu lên tiếng Trời. Thảo chạy tới hỏi lăng xăng tìm kiếm trên tay áo có một cây kim may ai găm vào vai. Thảo lắc đầu giọng chán nản kéo dài:

– Ui chà! Mụ cô bà Trâm may xong găm kim vào áo người ta… tàn nhẫn vô nhân đạo đến thế là cùng.

– Cứ may xong là bạ đâu găm kim đó.

– Đàn bà con gái gì mà đoản hậu.

Trâm ở dưới thang gác dâm đầu lên la lớn:

– Có một cây kim mà kêu oai oái như sư tử hống.

Thảo trợn mắt:

– Cái đồ nữ văn sĩ là cái đồ có một tâm hồn nữa đực nửa cái, cái đồ tề gia nội trợ không được, không biết nữ công gia chánh… cứ thích xông vào ra ngoài cứ đâm sầm vào xã hội như trâu bạc mất mùa.

Tôi và Thảo cười hích hích rồi tôi xuống thang gác chạy vụt ra cửa với cơn vui nhỏ reo ngầm trong tư tưởng. Anh Nghiễm! Hôm nay em đi chợ Bến Thành mua đồ về làm món Huế đãi anh no nửa bụng. Bánh lá chả tôm, bánh bèo, bánh nậm, bánh canh, bánh khoái, bánh bột lọc, bún bò giò heo, gỏi gà, nem nướng. Anh ăn món Huế, rồi anh sẽ lấy em người Huế. Anh Nghiễm! Tôm Saigon không được tươi như tôm Huế. Cá nục Saigon không xanh như cá nục Huế. Cá nục Huế ăn vào thấm mặn cả buồng gan. Cá nục Thuận An ngon thịt hơn cả cá nục Nha Trang, chuối Huế ngọt hơn chuối Saigon, heo Huế da mỏng, bò Huế thịt thơm, lươn Huế con nhỏ mà dài như chiếc đũa. Em cho anh ăn món Huế giữa Saigon nên không mời anh được tách nước sông Hương.

Tôi sắp những con bống thệ xanh tươi vào tô, vào nước mắm vào ướp xâm xấp rồi bắt lên bếp lửa riu riu rim cho cá vừa trong vừa cứng, nứt nẻ từng thớ thấm tháp mặn mòi. Tôi quay lại, Nghiễm đã đứng ở cửa phòng ăn nhìn xuống, nụ cười nở sẵn từ lúc nào. Tôi quệt hai bàn tay ướt vào ống quần đen.

– Anh lên trên uống bia đi chứ, anh đứng ở đây chiếu mắt khám xét em, làm em mắc cỡ quá!

Chiếc quạt máy ở trên trần chia cho mỗi người một tí gió. Thảo gắp vào bát Nghiễm mấy múi đũa thịt gà bóp muối tiêu rau răm giục chàng ăn nhanh lên, rồi đơm cho chàng chén bún trắng hau chan nước thịt bò giò heo. Mẹ tôi hướng về chàng đĩa ớt đỏ thái mỏng nói:

– Ăn đi, ăn cay vào cho nó khôn người ra.

Thảo đề nghị:

– Anh Nghiễm! Ăn xong đánh tứ sắc.

Mẹ tôi nói:

– Thôi.

– Ăn xong đi xinê.

Trâm nhón mấy hạt đậu đen vào miệng:

– Ăn xong cho phép anh Nghiễm bắt cóc chị Khanh đi đâu thì đi.

– Tha vào rừng sống với khỉ.

Buổi cơm chấm dứt, mọi người êm đẹp rút lên lầu. Nghiễm với tôi ngồi vào bàn chuyện đám cưới. Không biết bao nhiêu người mới họp thành một đám cưới, bao nhiêu câu chúc tụng mới làm đầy đám cưới và bao nhiêu nghìn bạc mới đàng hoàng một đám cưới. Hiện tại chàng không có tiền để dành vì chàng vừa làm việc vừa uống rượu. Chàng kiếm thật nhiều tiền nhưng tiền của chàng tan thành chất lỏng men say. Tôi thở dài theo thói quen bẩm sinh. Nghiễm nói:

– Rồi anh sẽ lạc quyên bạn bè… bắt mỗi thằng một thước.

– Phần em, em cũng không sắm sửa gì. Em may một chiếc áo dài hai lớp…

– Áo dài gì mà hai lớp kỳ vậy? Em hẳn may một cái áo dài hai mươi tám lớp như các phi hành gia đi.

Tôi đưa tay sờ mặt gập mấy chấm mụn; bàn tay tôi đặt ở miệng và tôi cười qua bốn kẽ hở năm ngón tay.

– Anh đừng cho em một món trang sức nào hết.

Tôi ngừng lại một lát ngắn rồi nói giọng văn vẻ hoa hòe:

– Chỉ một chiếc nhẫn vàng tây cũng đủ đỡ lạnh cuộc đời mòn.

Tôi cất tiếng cười và tiếng cười Nghiễm cuộn theo. Ngón tay trỏ của chàng vỗ vỗ nhẹ vào điếu thuốc lá nửa chừng, chàng im tiếng nhìn xuống mặt bàn rồi ngẩng lên bảo tôi:

– Sau đám cưới em phải chấm dứt nghề chào thuốc, anh không cho em đi làm nữa.

Một nỗi ngạc nhiên vừa phải bùng nổ nhẹ, bao nhiêu mảy may buồn nhỏ dồn thành một nỗi phiền muộn nào đó, từng chấm lo âu gom lại trong một khoảnh khắc bàng hoàng mất bình tĩnh thình lình, tôi lặng thinh một hồi ngắn rồi hỏi lại:

– Anh hãy lặp lại cái lệnh vừa rồi.

– Khi chúng ta sống chung, anh muốn em bỏ nghề chào thuốc.

Lời lệnh lại một lần nói ra, tôi hứ một cái. Nghiễm tiếp:

– Em khỏi phải đi làm. Lấy anh rồi em phải bỏ nghề. Nếu em làm nghề dạy học thì phải bỏ nghề dạy học, nghề thư ký thì phải bỏ nghề thư ký, nghề kế toán… anh thủ tiêu hết.

Câu nói bắt buộc vào hụt tầm tai tôi, tôi im hơi, Nghiễm cười cợt:

– Ở nhà uống sữa cho mập cho trắng.

Tôi muốn uống mấy ly cà phê đen cho giã giận, tôi muốn nốc một lít nước lọc cho gạn sạch những lo âu, tôi muốn cắn ngập răng quả dưa leo lớn cho tiêu tan cơn nóng. Lòng tự ái bị thốn mạnh, lòng tự ái đàn bà là quả bí lớn đã hằn vết hư dù sự đụng chạm chỉ là một cái cào xước nhẹ dịu. Tôi cất hai chân lên ghế hạ tay xuống gãi gãi.

Nghiễm ra về rồi, sự vắng mặt lớn lao đồng thanh với nỗi buồn phá phách giấc ngủ trưa cần phải có của tôi. Tay tôi sờ lên da mặt bắt gặp mất mấy mụt mụn cơm nhỏ li ti.

Lấy chồng rồi xô đổ sự nghiệp sao? Lấy chồng như vậy là một sự đầu hàng lơ láo. Tôi không muốn hoàn toàn là một thứ tướng tá dịu hiền trong gia đình. Tôi không muốn hoàn toàn là một thứ công chức nhỏ nhất trong vòng ôm lớn của chồng để tháng tháng xòe bàn tay trắng lãnh lương mua rau, mua gạo, dầu hôi, bột giặt… Sơ sơ tôi chỉ muốn làm một con kiến lúc thì bò ra xã hội lúc thì chui vào tổ. Sơ sơ tôi muốn đi vài bước biễu diễn trên cuộc đời đỏ chói chang tia sáng cùng đen thui bóng tối mịt mù. Sơ sơ tôi muốn có những trự tiền của độc lập, của tự do, của no đủ chảy đàng hoàng từ chiếc túi nội trợ tự chủ. Không, không Nghiễm! Anh không đánh được con cá nào lớn cả. Không, không, tôi không muốn mắc vào chiếc lưới dày đặc kết bằng những sợi tơ ân ái nõn nà. Không, không, tôi không muốn cụ cựa dưới thể chế nô lệ của một thứ kinh tế nhỏ nương dựa. Anh độc tài, độc tài khoan hồng; anh đàn áp, đàn áp vị tha; anh bất công, bất công độ lượng. Ôi! Hạnh phúc chưa đi vào sơ kết mà tôi đã bác bỏ mệnh lệnh anh; mệnh lệnh màu hồng mơn man êm nhẹ, mệnh lệnh nồng nàn của chiến sĩ vuốt dài cho tôi nũng nịu.

Khóe nhìn tôi hạ xuống và vô tình ngắm nghía bàn tay mình lâu quá. Nền gạch hoa chùi rất sạch buộc mọi người phải đi chân trần như con chó xù lông giả bẩn thỉu nằm lăn lóc dưới đất khiến tôi nghĩ rằng có giả cũng có rận. Trời Saigon lúc này hầm hầm nung nóng đến nỗi ngồi vắt chân chữ ngũ một lát đứng lên thì phí dưới quần ướt mồ hôi. Tôi chợt nghĩ một khuôn mặt cũ mèm của mối tình đã nguội, khuôn mặt của Sĩ với đôi má láng xầy và no đủ.

Nghiễm bây giờ không cho tôi đi làm việc, Sĩ ngày xưa coi trọng nghề nghiệp của tôi như tánh mạng tôi. Sĩ ngày xưa cũng thường hay đứng đón tôi ở cửa ra vào, thế đứng rộng với đôi bàn chân xa nhau quá, nên phần dưới con người chàng trông như chữ V ngược. Người đàn ông có đôi chân mang hình chữ V ngược đó ngạc nhiên công nhận hạnh phúc là tình với tiền.

Tôi lắc đầu mạnh. Tôi nghĩ đến Nghiễm, tôi cần Nghiễm cho tôi những cái hôn thon thon ướp nồng hơi rượu ấm áp mặn mà.

Buổi cơm tối gia đình tôi vẫn món tôm rim, canh cua nấu với kim châm bún tàu, cộng cùng đĩa cá thệ kho khô mang từ Huế vào. Trâm chan nhiều muỗng canh vào bát cơm đến ngập lụt, và hai miếng, rồi nói:

– Bà Khanh liệu tập nấu nướng món Bắc không thì trễ.

Thảo bĩu môi:

– Ôi giời ơi! Ai lấy phải anh chàng Bắc kỳ Nghiễm đó coi như hồng nhan bạc mệnh… một điều thưa hai điều dạ… giận hờn mấy cũng không được sưng mặt, phải ngọt ngào xưng em chứ không được xưng tôi.

Trâm chêm vô:

– Lấy chồng Bắc kỳ khổ lắm… Bún riêu bún thang, chả giò, miến gào, xáo vịt, tiết canh… món nào cũng phải biết làm không thì bị đo ván, không thì bị đập bể thịt nát xương ra như chồng gạch ướt dưới bàn tay người võ sĩ Đại Hàn.

Tôi cười:

– Còn lâu… kho cho một nồi cá rô cây…

Thảo khúc khích phì cả cơm:

– Công nhận chồng tương lai của bà Khanh đẹp trai.

Trâm cãi:

– Đẹp gì mà đẹp, đàn ông gì mặt mặt ngắn năm xăng ti mét.

Thảo thêm:

– Ừa ừa… lúc uống rượu vào thì râu tóc đứng thẳng dậy trông như trái chôm chóc.

Tôi đặt đũa và chén cơm xuống bàn đứng dậy dõng dạc:

– Ngang đây thì tao xin bác bỏ lời xuyên tạc của hai đứa bây, mặt của Nghiễm dài hơn năm xăng ti mét, khi chàng uống rượu vào trong chàng tươi như tiên.

Hai đứa em nháy nhau cười toét. Con mắt bên phải của tôi chợt máy lia lịa. Chết! Máy mắt tay mặt một là đang bị ai chửi, hai là đang được âu yếm gọi tên trăm lần. Tôi xây mặt qua phía cửa sổ. Nãy giờ cha mẹ bị chim lỉm trong cơn động ồn bầy con gái. Từ ngày tôi ba mươi tuổi cha mẹ rửa tai không lý đến việc giáo dục chúng tôi nữa.

Tôi sửa lại giọng đàng hoàng:

– Anh Nghiễm nói là khi hai đứa đám cưới rồi anh không cho con đi chào thuốc nữa!

Cơn ồn đang cương lên chợt trùng xuống. Mẹ đang cầm thìa chan canh bỗng rụt tay về. Nước da thẫm màu của cha dưới ánh đèn ống trông như nhạt đi trong nỗi bình thản suy nghĩ. Thảo hết yên lặng được.

– Cái anh Nghiễm lạ kỳ.

Cha lên tiếng:

– Thôi đi làm cũng được. Miễn là hắn cưới mi. Có tấm chồng cũng bảo đảm như có nghề nghiệp trong tay.

Mẹ phản kháng:

– Không được. Mi cứ đi làm đi. Càng có chồng càng nên đi làm. Mình có đồng tiền trong tay mình mua cho em út cái kẹo cái bánh không bị ai hạch sách tủi cực…

Tôi nói:

– Nếu con không bỏ nghề lỡ anh ấy không chịu cưới con thì sao?

Trâm buông lời ẩu tả:

– Nếu hắn không cưới chị thì chị dọa như thế này: Anh không cưới tôi hả? Tôi sẽ đồn đãi cùng thiên hạ là anh bất lực liệt dương.

– Ăn nói ẩu tả.

– Khanh này, khi hắn nói bắt mi thôi đi làm mi có cãi lại không?

– Con mần thinh, chưa cãi cọ lại gì cả.

– Cái bà nhỏ này ngu không ngửi được, phải cãi lại chứ, đừng có nhịn, nhịn một lần rồi thành thói quen.

– Ôi ôi… mấy mụ gái già ba mươi tuổi mới túm được chồng là mừng cuống quýt lên rồi, còn đâu tham vọng bắt na bắt nạt được thằng chồng nữa.

– Ờ, ờ bà ấy sợ hắn như sợ súng vậy.

– Sợ ai chứ sợ chồng là thứ tồi không phải dân sang. Chị Khanh ơi! Cổ chị dài hãy ngóc lên thật cao, tay chị lớn hãy giáng xuống thật mạnh, đầu chị cứng hãy húc vào, húc đại vào… mình tiến lên ba bước, thằng chồng sẽ thụt lùi ba bước… cứ ăn hiếp đại đi…

– Một được một thua dù có u đầu bể sọ, nhưng sẽ toàn thắng.

– Cứ ăn hiếp ảnh đi như cô Sanh:

– Mà thôi, mà thôi, tụi mình không sành tâm lý chiến… chỉ những cô trẻ măng trẻ mát ra kia mới cai trị được chồng, bắt hầu bắt hạ bắt cúi bắt khom.

Tôi bỏ lên gác quên tráng miệng bằng trái chuối. Chiếc quạt máy chạy xoay tròn nửa vòng loang loáng một màu lục quay nhanh không nhìn được ba chiếc lá. Nhà bên cạnh vừa tắt bếp dầu hôi và cái mùi khó chịu đang hắt mạnh và ức hiếp lỗ mũi mọi người. Hai giọt nước mắt nóng trào lên từ một cơn khóc sung sướng và bí mật nào đó khi tôi lăn mình trên giường ôm chiếc gối dài kẹp giữa hai chân. Anh Nghiễm! Anh Nghiễm, em vẫn sung sướng như thường lệ, em sẽ thôi chào thuốc để chào đám cưới. Anh cao lớn bằng rưỡi em nên em sung sướng, em và chai rượu cùng đi vào đời anh. Đôi môi anhmềm và rộng là cửa hiệu bán cho em những chiếc hôn hình sương bóng khói, vòng tay anh là vòng tròn ngoại tiếp thân thể em bầu bầu. Toàn thể con người anh là khối lớn hạnh phúc cho em ngộp hơi trong đó… Tôi lăn mình mấy vòng sát vào tường dựa lưng mát mát, tôi thả chiếc gối ra và đôi môi tôi in hình câu hát: “Gió bay từ muôn phía, tới đây ngộp hồn ta…”. Tôi hát bài Tình ca của gió.

Từ khi yêu, bài hát nào cũng có thể là bài tình ca. Tôi lại hát “gió bay từ muôn phía… “. Cây tăm tôi xỉa răng đã rớt mất từ chữ “gió…”. Có tiếng động rung rinh ở cầu thang và lời của Thảo:

– Ê chị Khanh! Đi ra đầu đường uống nước rau má.

– Thôi, không có tau.

Chiếc áo cụt hơi ngắn trong kiểu nằm xệch xạc kéo lên bày lỗ rốn tôi. Anh Nghiễm! Lấy anh rồi là em đi tu trong hạnh phúc, em đóng cửa nằm đọc tiểu thuyết chờ anh đi làm về, em sẽ không đi chơi một mình, không may nhiều áo dài, không mặc quần cẳng voi, không đi đâu hết ngoại trừ về thăm gia đình đánh bài xệp, đánh tứ sắc với mẹ và mấy con em.

Tôi thiếp nhẹ vào giấc ngủ với cơn mơ nổi rõ hình hài một thảm cỏ non êm đềm thoai thoải cách lưng chừng một con sông khi đêm bước nhẹ trên mười hai tiếng đồng hồ bồng bềnh mát rượi và đen như mun, khi gió loãng mùi hương dịu dấy lên từ con sông đục rón rén lay động bức mành tương tím thẫm. Tôi cảm tưởng có rất nhiều gió sinh ra từ lòng sông, lớn lên và trưởng thành ở đó. Tôi cảm tưởng cuộc tình tôi cũng sinh ra từ lòng sông, lớn lên và trưởng thành ở đó, cuộc tình màu xanh bên cạnh màu hoa anh đào sắc hồng phơn phớt với mầm lá nõn nhung tơ, với những chiếc cành gầy quý giá vươn lên. Cuộc tình long lanh màu hổ phách trong đáy chén chiến ly liên hoan sóng sánh chất rượu nhuộm màu trắng non. Cuộc tình có tiếng hát ấm ngọt như mật ong, an ủi như nước sâm chưng cam thảo và mịn màng như bột làm bánh nhân duyên.

– Chị Khanh ngủ chưa? Ngồi dậy ăn chè sâm bảo lượng này.

Tiếng kêu giựt nhẹ mình tôi. Tôi tỉnh táo ngồi lên đón lấy ly sâm bảo lượng cầm thìa khuấy tròn. Những hột bobo mềm dẻo trắng như cơm nếp, mùi bạch quả nồng nồng làm tôi ăn ly chè một cách không thích thú. Tôi mang ly xuống bếp uống nước. Cha tôi nghe tiếng động hỏi đứa nào đó. Cha bật đèn sáng gọi tôi vào. Chỗ cha tôi ngủ thật ngột ngạt, không khí nóng hâm hấp như trong cơn sốt nhẹ. Mấy con muỗi bay vo vo xin tí huyết như gần như xa. Cha hỏi:

– Cái thằng nó có họ hàng gì ở đây không?

– Nghiễm hả cha? Anh ấy có mấy người bà con ở đây: bà chị, bà dì, mấy ông anh rể…

– Thế không ai đến nói chuyện với tao cả? Thế sao nó không nhờ bà dì đi hỏi mầy?

– Anh ấy nhờ hai người bạn già mối lái cho gọn.

– Ừ, nó càng cô đơn không cha không mẹ thì mày càng sướng.

– Không sướng đâu, anh ấy quá kỹ về những cái lặt vặt.

– Đẻ ra ba đứa con gái như đẻ ra ba cái phi thuyền, phóng được đứa nào đi hay đứa đó.

– Con nửa tỉnh nửa mê chứ không hoàn toàn mê đâu. Cái việc anh ấy cấm cẳng không cho con đi làm cũng là một chủ trương chia rẽ…

Tôi ngần ngừ ngậm những chữ chưa nói ra, cha hỏi:

– Chia rẽ sao?

– Nghĩa là anh ấy muốn thu hẹp bớt những liên lạc giữa con với gia đình.

– Không có đâu, nó muốn cho mày sung sướng.

– Anh ấy là một nghệ sĩ, sợ không hợp với gia đình mình.

– Gả con cho nghệ sĩ còn hơn để con ở quá!

Tôi không giống cha ở màu da đồng hun, tôi không giống cha ở đôi mắt ngầu đỏ, ở mấy sợi lông mày dài khi nheo lại quyết định một vấn đề tương lai. Nhưng tôi giống cha, chị em tôi giống cha ở chỗ liều lĩnh, ở chỗ bốc đồng bướng bỉnh. Tôi ngồi nán lại hai phút rồi lên gác đắp mền ngủ.

Chín giờ sáng hôm sau Nghiễm đem lại một gói giấy báo đưa cho tôi bảo cất:

– Gì đấy anh?

– Tiền để làm đám cưới.

– Mấy triệu, mấy tỉ, mấy muôn mà gói một gói to tướng thế này?

– Toàn cả giấy một đồng, giấy năm đồng, giấy hai chục đồng đó em.

– Cảm động quá! Thảo nào to bứ bự…

– Tất cả là tám chục nghìn, gởi em giữ hộ.

– Thế đây không phải là tiền nhẫn cưới cho em mua hai chiếc nhẫn hột xoàn à?

Tôi thường thấy các chị bạn đeo hai chiếc nhãn gá nghĩa trăm năm nhận hột xoàn ở ngón tay thứ tư. Một chiếc nhận chín hột nhỏ và một chiếc nhận một hột lớn.

– Em cất đi để hôm đãi tiệc mang ra trả cho nhà hàng. Ngày mai anh có thêm ba chục ngàn nữa.

– Anh bán sách hả.

– Anh được bạc.

Tôi cười như một tiếng nổ nhỏ. Mắt tôi cũng cười, mũi tôi cũng cười, miệng tôi cũng cười và cái cổ thì rút lại.

– Con người anh là cả một chuyện cười, anh làm vui hết nỗi là vui.

– Tiền tám chục ngàn là anh được bạc đêm hôm qua. Còn ba chục ngàn ngày mai là tiền bán sách.

– Anh ơi, lỡ không được bạc thì sao?

– Thì mình đặt hy vọng ở trúng số, chiều này xổ số. Hôm kia anh nằm mơ thấy một ông lão đui mù đến dẫn anh đi chơi trong một khu vườn măng cụt.

– Thế hả?

– Người đui mù là biểu hiệu của thần tài đấy em ạ.

– Anh thật là kẻ lắm tài: đánh bạc giỏi mà uống rượu cũng hay.

Nghiễm cười không ra, chàng ngồi vô nghĩa một chút rồi lái sang chuyện khác.

– “Tiếu ngạo giang hồ” hết rồi không biết lấy gì đọc đây.

– Kim Dung đang có một tác phẩm mới còn nằm trong bố cục.

– Cái đoạn kết của “Tiếu ngạo giang hồ” nhạt nhẽo không ra cái mùi vị gì hết… chán quá. Truyện “Lục mạch thần kiếm” cái đoạn kết mùi mẫn ý nghĩa là nhờ Tiêu Phong chết.

Tôi nheo mắt:

– Anh uống rượu. Truyện kiếm hiệp là món nhậu, là đồ nhắm để anh uống rượu hả?

– Ồn!

– À anh Nghiễm này… anh có bao nhiêu họ hàng, anh rể này, chị họ này, bà dì này… tại sao anh không nhờ người ta đi hỏi em mà lại nhờ cái ông bạn bè đó… coi nó sơ sài khiếm khuyết thế nào!

– Cố chấp dữ a! Anh nhờ bạn bè đi hỏi em là vì anh thương bạn bè hơn họ hàng. Và là vì anh để cho em thấy em sẽ sung sướng không phải vướng víu, không phải nợ nần gì với họ hàng anh cả.

Tôi cầm tấm cà vạt của Nghiễm:

– Bà con họ hàng của em ở Saigon một nửa, ở Huế một nửa. Đối với họ hàng, em đã làm ra lỗi và em đã bị tra tấn hành hạ để đền tội rồi.

Tôi nghĩ đến những đường dây, những đường dây ngang, đường dây dọc, đường xéo, đường xiên, đó là những sợi họ hàng liên lạc, những sợi không cột múi vào nhau để lòng thòng. Sự đi lại qua về trên những đường dây họ hàng chẳng lấy gì làm chô leo cách trở mà thật dễ dàng thuận tiện. Cứ đi thăm nhau thật nhiều, cuống quýt, vồ vập hỏi han sức khoẻ là cuộc tình được đầy. Thế mà lắm kẻ sợ hãi những đường đây đó. Tôi nhớ lại lời nói của chị bạn:

– Tau há, bạn bè sang giàu tau còn chơi được, chứ bà con họ hàng giàu có danh giá… tau đừng đừng…

Thời gian cồn cào xích lại mau quá, ngày giờ trôi trong gió đã đến gần đám cưới. Một đám cưới không nghi lễ màu vàng, không thủ tục màu đen, một đám cưới chứa đựng hai chiếc ô tô màu xám khởi hành từ nhà hàng Đông Nam Á lúc mười hai giờ đêm đưa tôi về tận phòng ngủ của Nghiễm. Chỗ ở của Nghiễm là một phòng nằm trên tầng thượng của một cao ốc nên hô hấp được nhiều khí trời và muỗi không lên tới. Tôi đi năm bước chiều ngang, tôi đi mười bước chiều dài… đó là chu vi gian phòng. Một cửa lớn, một cửa sổ trông vào nhau, gian phòng nuốt mất bao nhiêu đồ đạc, một toilette nhỏ, tủ đứng to, sa-lông, bàn viết, giường, ghế, máy truyền hình, tủ lạnh, tủ đựng sách… Gian phòng trình bày một vẻ tiện nghi dễ chịu và buồn cười đẹp mắt nhờ tài sắp xếp.

Nghiễm ở trong phòng tắm hỏi vọng ra:

– Em ơi bây giờ em ở đâu?

Tôi đang nằm đọc báo trên giường vội cất tiếng to:

– Em hiện tại ở phòng ngủ. Anh ở đâu?

– Phòng tắm.

Nghiễm ngồi ở bàn viết day qua:

– Em ở đâu đó?

Tôi đang ngồi giũa móng chân ở ghế sa-lông:

– Em hiện có mặt ở phòng khách, còn anh.

– Anh đang ngồi trong văn phòng.

Sự cố gắng thu xếp cho căn phòng có một vẻ đẹp cũng như sự giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hằn lên cái đức tính cẩn thận lớn lao của Nghiễm, hiện rõ cái đam mê làm chủ một bất động sản nào đó.

Một hôm tôi về thăm nhà, Trâm hỏi:

– Nghe nói anh Nghiễm bỏ uống rượu, bỏ chơi đêm, ngày đêm ở nhà ru rú như con gián phải không?

– Tuần sau anh ấy đãi ăn, tau không biết làm món gì đây.

– Ơi hời! Ta mua cua về luộc, mua thịt gà về luộc, mua lòng lợn về luộc.

Thảo tiếp:

– Ra chợ Cũ mua thêm heo quay, vịt quay.

Đối với tôi, mua được một căn nhà, đó là một đam mê lớn như quả đất không bao giờ thực hiện được. Không bao giờ với tay tới được nhưng tôi vẫn ngày ngày mua báo “Chính luận” đọc kỹ trang đăng quảng cáo.

Comments are closed.