Cái mới trong thơ

Trịnh Y Thư

(Tham luận đọc trong buổi ra mắt sách Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại hôm 3/9/2017 tại Quận Cam, California.)

*

clip_image002

Nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Trịnh Y Thư

Kính thưa quý vị:

Trước hết tôi xin có lời chúc mừng đến nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cùng nhóm thực hiện tuyển tập “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại”, mà sau một thời gian dài làm việc, tác phẩm đồ sộ và giá trị này hôm nay đã đến tay người đọc. Trên 50 nhà thơ tiêu biểu ở hải ngoại thuộc nhiều xu hướng và quan điểm sáng tác góp mặt trong một tuyển tập thi ca. Họ là những kẻ phải chọn một cuộc sống ngoài quê hương, xa cố quận. Tuy thế họ không bị tách lìa, bởi họ vẫn giữ được sợi dây vô hình nhưng vô cùng chắc chắn nối liền với bến bờ đất mẹ, sợi dây đó chính là ngôn ngữ thi ca của họ. Sống xa quê hương, không bị các áp lực chính trị, xã hội chi phối, lợi điểm của họ là tự do và lệch chuẩn, vốn là hai yếu tính quan trọng nhất trong mọi sáng tạo nghệ thuật. Họ cũng sớm nhận thức được nhịp đập chung của nhân loại và những hình thức biểu đạt mới hầu tránh giẵm lên vết xe cũ. Ngay từ những năm của thập kỉ 80, các nhà thơ như Ngu Yên, Nguyễn Hoàng Nam đã sử dụng những thủ pháp của trường thơ Cụ Thể đem vào thơ Việt. Rồi sau đó nhà thơ Khế Iêm cùng các bằng hữu của ông còn đề xuất một thể thơ mới gọi là thơ Tân Hình Thức. Đó chỉ là hai trường hợp cá biệt giữa không biết bao nhiêu cố gắng làm mới thi ca của những nhà thơ Việt hải ngoại.

Đã cầm bút chẳng ai không muốn làm mới ngòi bút mình. Thật ra, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, truyền thống và cách tân bao giờ cũng là hai phạm trù tương hợp. Cái mới của ngày hôm qua là cái cũ của ngày nay, và cứ thế, cái mới của ngày nay sẽ là cái cũ của ngày mai. Mỗi thế hệ sáng tạo là những kẻ kế thừa di sản văn hoá và nghệ thuật của những thế hệ đi trước, họ khổ công tìm tòi, chắt lọc muôn vàn vốn liếng cũ cũng như chất liệu mới nhằm đáp ứng yêu cầu nghệ thuật của thời đại họ đang sống. Nắm bắt được nhịp đập trong văn chương nghệ thuật của thời đại mình – chưa kể đến những phong cách tân kì; những ý niệm mới mẻ; những phê phán gay gắt quyết tâm bác bỏ các quan niệm cũ; dung nạp những giá trị hoàn toàn mới, chưa từng có bao giờ – đã là một hành động cách tân tích cực rồi. Bởi thế, sự tiếp nối truyền thống, sự tiếp nối sao sát giữa thời quá khứ với thời hiện tại, là ý thức cách tân hiển lộ, rõ ràng nhất. Milan Kundera gọi đó là “ý thức của sự liên tục.”

Bởi thế, làm mới ngòi bút luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn cho người chọn nghiệp văn. Nhưng có lẽ nỗi ám ảnh này đè nặng lên vai người làm thơ nhiều hơn người viết văn xuôi. Nói vậy bởi tôi nhớ đến câu nói của thi hào Joseph Brodsky trong tập văn luận Less Than One của ông, như sau: “Không ai thẩm thấu quá khứ kĩ càng bằng nhà thơ. Nguyên do chỉ vì nỗi sợ hãi điều mình cho là sáng tạo thực ra đã được sáng tạo trước đó lâu lắm rồi. Đây chính là lí do vì sao thi sĩ thường ‘đi trước thời đại.’”

Nỗi ám ảnh thường xuyên của người làm thơ là ngôi nhà thi ca hoành tráng của những người đi trước. Nó được xây dựng từ nhiều nghìn năm bởi không biết bao nhiêu tâm hồn thơ trác tuyệt. Làm sao tôi tìm ra kẽ hở, thấy được khiếm khuyết của tiền nhân, làm sao tôi tìm ra khoảnh đất chưa ai khai phá hòng len vào “làm mới” thi ca? Đến như thi tiên Lý Bạch mà còn bị Kim Thánh Thán phê là giẵm vào bước chân Thôi Hiệu!

Nhưng sự thật là thế hệ nào cũng có người đòi làm mới thi ca và chỉ riêng công trình của họ –chưa nói đến chuyện họ thành công hay thất bại – đã là điều đáng cho chúng ta khâm phục. Họ luôn luôn can đảm lên tiếng đòi thổi vào thi ca luồng gió mới. Họ cảm thấy vô cùng bức bối khi phải sống trong cùng một căn phòng chật hẹp, tù túng, với những món đồ cũ kĩ, mốc meo. Họ cất Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và thơ của nhiều cụ ông cụ bà khác lên án thờ, lâu lâu đem ra khấn vái, nhưng họ nghẹt thở với cái cũ bên dưới chung quanh họ. Họ thường to miệng, quá trớn trong thái độ, ngôn ngữ, hành vi, và chúng ta hiểu tại sao. Họ là những tâm hồn nổi loạn. Họ thách đố các thế lực bảo thủ, cho dù các thế lực này là một nhà nước độc đảng, độc quyền hay một tập thể người đọc đầu óc trĩu nặng quán tính, khư khư bám giữ các giá trị hủ lậu, cũ mèm. Con đường họ đi chông gai lắm, và cái giá họ phải trả thường là rất đắt. (Nguyễn Vỹ dưới trận mưa gậy tới tấp tàn độc của Hoài Thanh. CònTrần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng thì bị giam hãm trong bóng tối oan khiên cả gần đời người.) Chúng ta chịu ơn họ, bởi nhờ họ chúng ta không bị chết ngạt giữa một vườn hoa toàn cúc vạn thọ. (Xin cám ơn cụ Phan Khôi). Nghệ thuật không có đường tắt và không có giá khuyến mại on-sale. Đi vào nghệ thuật có nghĩa là tự mình chấp nhận cái giá chịu khổ đau. “Phong vận kì oan ngã tự cư.” Chính cụ Nguyễn Du cũng đã chua xót thốt lên như thế.

Đến đây tôi lại xin mở dấu ngoặc nữa, đó là, một thế kỉ thi ca của nhân loại vừa qua là một thế kỉ của cách tân không ngừng. Từ trường thơ Tượng Trưng cuối thế kỉ XIX, trường thơ Vị Lai, Siêu Thực đầu thế kỉ XX cho đến thơ Hậu Hiện đại thời bây giờ, thơ chẳng bao giờ biết mệt mỏi trên con đường khai phá. Không phải trào lưu nào cũng thành công. Có những trường thơ xuất hiện ồn ào như trường thơ Cụ Thể, xâm lĩnh đất đai thơ suốt hai thập kỉ 50 và 60, nhưng rồi đột ngột rút lui vào bóng tối và ngày nay tồn tại như một cước chú trong các giáo trình văn học sử. Nếu phải làm một danh mục liệt kê các trường phái thơ suốt thời gian đấy (với những biệt danh ngồ ngộ như Thơ Nằm Ngang, Thơ Thẳng Đứng), tôi đồ một trang giấy chắc là chưa đủ. Rất nhiều trường thơ chịu chung số phận của thơ Cụ Thể, nhưng điều đó không quan hệ đối với thơ. Thời gian sắp tới, sẽ có nhiều trường thơ khác ra đời, sẽ có nhiều thi sĩ tiếp tục làm mới thi ca. Tôi có cảm tưởng trong lúc không còn ai quan tâm đến thơ nữa thì nó vẫn lầm lũi đi. Con đường của nó là con đường xuyên vũ trụ, chẳng bao giờ đến đích, và nó cũng chẳng cần đến đích làm gì. Thơ không cần mục đích, lại càng không nói đến sứ mệnh cao cả, càng không quan tâm đến sự thành công hay thất bại của chính mình.

Tuy thế, ở mặt khác, tôi nghĩ tất cả những thi sĩ chân chính của nhân loại đều là những người cách tân nghệ thuật.

Thi sĩ Đỗ Quý Toàn bảo làm thơ tức là làm mới tiếng nói. Theo ông, khi được chiếc đũa thần của nhà thơ gõ vào, tạo vật, cảm xúc bình nhật đột nhiên bừng lên như có linh hồn mới. Tôi thích định nghĩa này của nhà thơ họ Đỗ, cổ điển nhưng chính xác qua mọi thời đại. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền thì bảo là, “Tôi đi tìm tiếng nói / cho cổ họng của tôi.” Chính vua Trần Thánh Tông cách đây gần nghìn năm cũng có ý niệm tương tự khi ngài bảo “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân.” Khai triển thêm ý niệm này, tôi có thể nói, giữa những con chữ, ở tầng thứ nhất, tầng của chữ nghĩa, thơ phả luồng ánh sáng diệu kì vào sự vật khiến linh hồn chúng như trỗi dậy từ cái tầm thường, vô vị. Sang tầng thứ hai, tầng của cảm xúc, thơ đi vào lòng chúng ta. Nhưng phải bước lên tầng thứ ba, tầng của cái bất khả tư nghị, của sự phối ngẫu tuyệt mĩ giữa cảm xúc và nghệ thuật, thơ mới thật sự là con phượng hoàng bay lên từ cõi hoang tàn, đổ nát.

Nếu thế thì mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật mà chúng ta mãi mãi chịu ơn. Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái “thần” giúp chúng ta thấu thị vào tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm trong tay quyền năng “soi sáng” sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới, quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật”[*], và không ai có thể tước đoạt quyền năng đó từ tay hắn.

Xin cảm ơn quý vị.


[*] Trong một lá thư gửi nữ sĩ George Sand, nhà văn Gustave Flaubert bảo, “Tôi viết, bởi tôi muốn đi vào linh hồn của sự vật.”

Comments are closed.